Chúng tôi nói về chúng tôi
Tất cả đã bắt đầu bằng một ý nghĩ lãng mạn nhưng cũng thật khó khăn : Một chương trình phát thanh mới với hình thức và nội dung hoàn toàn khác so với các chương trình của Đài Tiếng nói Việt Nam. Ở đó sẽ đề cập tới những vấn đề tệ nhị nhất, kín đáo nhất mà những người Á Đông như chúng ta khó có thể đề cập đến. Chúng tôi tin chắc rằng có rất nhiề
u bạn trẻ Việt Nam mong muốn chia sẻ với ai đó những vấn đề của mình về những chủ đề khó nói, về tình yêu và tình dục - hoặc nghe về những vấn đề của người khác – mà không phải bộc lộ tâm sự của mình. Với những ý tưởng mới mang tính chất táo bạo đó, chúng tôi đã cùng ngồi lại với nhau và bàn. Tình yêu và sức khoẻ tình dục dành cho vị thành niên và thanh niên qua Đài Tiếng nói Việt Nam ư ? Chúng tôi đã thảo luận rất nhiều cho sự ra đời của một chương trình mang tính đột phá như vậy. Kể cả khi chuyên gia tư vấn của Đài BBC nước Anh sang giúp đỡ, xây dựng kịch bản cho chương trình... chúng tôi vẫn luôn tranh luận bởi sự khác nhau giữa hai nền văn hoá Á – Âu. Mặc dù những cuộc tranh luận cứ diễn ra sôi nổi nhưng Dự án xây dựng Chương trình mang tên “Cửa sổ tình yêu” vẫn tiến triển. Ngày 7 tháng 3 năm 1999, Chương trình phát thanh trực tiếp “Cửa sổ tình yêu” đầu tiên được phát trên sóng, chúng tôi đã hân hoan tự chúc mừng nhau. Bắt đầu từ đó, Chương trình này được phát thanh từ 10h00 đến 10h30 sáng chủ nhật và từ ngày 7 tháng 9 năm 2003 Cửa sổ tình yêu chính thức phát sóng 45 phút từ 10h00 đến 10h45 sáng chủ nhật hàng tuần và được phát lại vào 23h00 cùng ngày. Niềm vui như được nhân đôi. Sự kiện đó đánh dấu sự tồn tại của một chương trình mới. Tính tới nay, hơn hai mươi hai nghìn cuộc điện thoại đã được gọi đến với số máy quen thuộc 04.8262625, hơn một trăm nghìn bức thư đã được nhận từ thính giả. Tất cả những cuộc điện thoại và lá thư đó là những câu chuyện về tình yêu và những trái tim tan vỡ, về tình dục, lạm dụng tình dục và sức khoẻ sinh sản. Một cô gái 18 tuổi bị rách màng trinh khi còn trẻ con đòi chơi trò người lớn, hỏi xem liệu cô có nên nhận lời yêu người đàn ông vừa mới cầu hôn cô không ? Một chàng trai định kết hôn nhưng lo lắng về cuộc sống gia đình tương lai bởi vì dương vật của mình bị lệch qua bên trái. Một chàng trai miền núi trăn trở với việc phải cưới vợ trong năm nay bởi vì thấy mọi người nói lấy vợ sướng lắm và khi chuyên gia tư vấn hỏi “Em hiểu lấy vợ như thế nào mà sướng vậy?” anh ta chợt ồ lên “Em nghĩ lấy vợ để làm ăn kinh tế, để có thêm người chăn bò, để trồng rừng... là sướng lắm rồi”. Một sinh viên trở nên rất buồn khi phát hiện ra rằng mình phải lòng một nam sinh viên khác và muốn biết xem mình có phải là đồng tính luyến ai không?
Đa phần những thính giả Chương trình “Cửa sổ tình yêu” của chúng tôi sống ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, biên giới, hải đảo... nơi mà đài phát thanh thường là phương tiện tiếp cận thông tin duy nhất. “Cửa sổ tình yêu” của chúng tôi đã gây được tiếng vang, không chỉ với thính giả trong nước, có những bạn trẻ người Việt từ Lào, Thái Lan, Malaysia, Philippin, Inđônêsia, Đài Loan, Trung Quốc... gọi về bởi ở nơi đó họ vẫn được nghe tiếng nói thân thương của Đài Tiếng nói Việt Nam, của Chương trình “Cửa sổ tình yêu” dành cho họ. Hàng chục đoàn nhà báo từ các nước đã đến thăm quan, học tập, chia sẻ kinh nghiệm. Họ thầm thán phục với chúng tôi - những người Á Đông vậy mà dám đề cập tới vấn đề tế nhị đến vậy. Mới gần đây thôi, chúng tôi - những người thực hiện Chương trình phát thanh trực tiếp - lại nhận được tin vui và đây không phải là tin vui đầu tiên, có hàng trăm tin vui như vậy đã đến trong gần 7 năm qua. Một thính giả ở một làng miền núi tỉnh Bắc Cạn chuẩn bị đi đến cái đích cuối cùng của tình yêu – HÔN NHÂN - do các bạn đã nhận được tư vấn từ Cửa sổ tình yêu. Bạn đã mời tất cả chúng tôi tới dự đám cưới của mình.
“Cửa sổ tình yêu” đã giúp cho bạn trẻ Việt Nam có cơ hội trình bày những khó khăn và nỗi lo sợ của mình về tình yêu và tình dục, an ủi và tư vấn cho họ, đôi khi còn giúp họ có một kết thúc có hậu như vậy đó. Bản thân câu chuyện về Chương trình “Cửa sổ tình yêu” của chúng tôi đã như một giai thoại, nhưng nó cũng đang biến đoạn cuối của những câu chuyện tình yêu trở cổ tích đối với nhiều người./. Thành Văn