07/05/2023
CẦN LÀM GÌ ĐỂ NGỌC CHIẾN - NẬM NGHIỆP PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG ?
Tôi lên Ngọc Chiến từ khoảng mùa Thu năm 2013. Đi xe máy cùng tụi bạn từ Nghĩa Lộ, lên Tú Lệ, lên Mù Cang Chải. Lúc về thì ghé Ngọc Chiến chơi và tắm khoáng nóng.
Lúc đó ngủ ở nhà sàn của Quý, vợ chồng Quý làm con gà, anh chị em tắm nóng, xong ăn cơm, uống rượu thật là thư thái.
Thấm thoắt đã qua 10 năm rồi. Ngày đó cũng nói giá mà có đủ tiền, đủ tư duy mà khai thác suối khoáng nóng như người Nhật làm Onsen thì tốt biết mấy.
Nhưng cái giá kể đó, cũng theo thời gian, chẳng đi đến được đâu cả.
Ngẫm lại, tự hỏi tại sao một vùng đất giàu tiềm năng như Ngọc Chiến, mà 10 năm vẫn cứ mốt hai mốt động viên nhau cùng tiến, nhưng chẳng được bao xa ?
Vài năm trở lại đây, khi lên Nậm Nghiệp thường xuyên hơn, tôi ngày càng trăn trở hơn với mảnh đất này. Vì thấy càng rõ hơn cái điều kiện phát triển rực rỡ của Ngọc Chiến. Nhưng rồi, lại cũng càng day dứt hơn, liệu chính quyền xã huyện tỉnh và bà con, nhà đầu tư có đồng lòng nhất trí cùng nhau nắm tay mà phát triển bền vững được hay không ?
Cụ thể hơn, tôi sợ nhất mấy điều sau đây, có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của Ngọc Chiến. Nếu làm tốt thì nó chính là từ khoá để phát triển:
1. Tôi sợ nhất là cái cảnh không có quy hoạch, mạnh ai nấy làm; không biết chỗ nào nên làm home, chỗ nào nên làm dịch vụ dã ngoại, chỗ nào nên làm chăn nuôi, chỗ nào trồng rừng, chỗ nào cắm trại...Nếu không có một quy hoạch cho từng bản, cho cả xã, cả huyện thì chắc chắn, anh nào có gì thì sẽ tự phát làm cái đó. Đến lúc mọi sự đã rồi thì không có cách nào cứu vãn được. Bây giờ, trông vào các huyện khác xung quanh sẽ thấy bài học nhãn tiền ngay thôi. Mất năm bảy năm để sửa chữa, là mất đi cơ hội phát triển.
Nếu quy hoạch huyện, quy hoạch xã lớn quá, chưa làm được, thì nên làm quy hoạch cho từng bản trước. Bây giờ các bản bà con chưa làm công trình gì nhiều, thì mình tranh thủ làm quy hoạch, rồi hướng dẫn cho đồng bào, sau đỡ phải điều chỉnh, sửa sang, tốn tiền, tốn thời gian.
2. Cái sợ thứ hai của tôi là sợ bà con làm tự phát, không có tiêu chuẩn, không có tiêu chí, làm lâu rồi thành thói quen. Thói quen tốt thì được, chứ là thói quen xấu thì khó đổi lắm. Ảnh hưởng ngay trước mắt chứ không đơn giản.
Thí dụ dễ nhìn thấy nhất đó là cứ đến mùa hoa, anh em chạy xe ôm, có khi vẫn còn xin thêm tiền của khách, mà cái này chúng ta đã thấy khách đăng bài "bóc phốt" vài lần rồi, chứ không ít.
Rồi thì chỉ riêng phí gửi xe thôi, có lần khách phản ánh, họ gửi 1 cái xe ô tô 9 chỗ ở nhà nào đó tại bản Lướt trong một đêm mà bị thu 200 ngàn đồng. Khách họ vẫn trả, vì tối rồi, họ không có lựa chọn nào khác. Nhưng rồi họ ấm ức, mọi thứ đều tốt, chỉ riêng 200 ngàn tiền gửi xe thôi, nhưng làm ảnh hưởng tất cả.
Rồi thì cái thói quen không giặt, không thay chăn ga, gối đệm ở một số nhà làm homestay. Bây giờ việc này đỡ hơn một chút rồi, nhưng vẫn còn ở đâu đó.
Chúng ta có thể ít đi trải nghiệm du lịch, nhưng cần phải nghe ngóng, hỏi han, tự học tự rút kinh nghiệm. Khách du lịch họ sợ nhất là chăn gối đệm bẩn, không thay. Chỉ cần nhìn thấy một sợi tóc trên đệm là họ dị ứng đến mức không ngủ được rồi.
Những cái đó đều là do thói quen tự phát của đồng bào mình. Không có tiêu chuẩn, không có tiêu chí để phân biệt thế nào là một homestay đủ điều kiện đón khách. Không có tiêu chuẩn để biết thế nào là một tua trải nghiệm đủ điều kiện bán cho khách. Không có tiêu chuẩn để biết thế nào là một chiếc xe tốt đủ điều kiện chở khách.v.v ..
3. Cái sợ thứ ba, là sợ bị mất bản sắc, sợ bị pha tạp lai căng không đúng kiểu.
Du khách đến một vùng đất mới, điều họ cần là trải nghiệm đời sống của người dân bản địa. Họ sẽ cần biết phong tục tập quán của người Mông ở Nậm Nghiệp có khác gì người Mông ở Mù Cang Chải, Trạm Tấu. Họ muốn biết người Thái đen khác người Thái trắng ở điểm nào về trang phục, kiến trúc, câu ca giọng hát.v.v...
Bây giờ, chúng ta làm du lịch mà không giữ được cái hồn cốt, bản sắc riêng, hoặc lai căng cái này một ít, cái kia một ít, cuối cùng mình chẳng phải là mình nữa, thì thử hỏi ai người ta muốn tìm hiểu khám phá làm gì ?
Nhưng cũng phải nói rõ, là giữ bản sắc là giữ những cái tốt, chứ cái xấu thì không nên giữ. Ví dụ, có nơi khách đến là bắt uống rượu đến say thì thôi. Làm như thế chỉ được một lần, lâng sau khách không còn dám bén mảng đến nữa.
Các buổi lễ cúng, lễ cưới, các lễ hội trò chơi dân gian của tộc người mình cần tìm tòi, khôi phục lại. Ở đâu có người già còn nhớ điệu hát tiếng khèn thì nhờ người già hướng dẫn lại cho các cháu. Ở đâu còn nghệ nhân làm vải lanh, thêu thùa, đan lát thì nhờ các ông các bà dạy cho con cháu. Ở đâu còn người già kể chuyện mường trời thì nhờ ông bà già kể lại cho con cháu...Đời sống văn hoá nhờ đó mới bền bỉ thấm đẫm vào tấm lòng của con cháu. Nhờ đó, sản phẩm du lịch mới trở nên độc đáo được.
Đi chưa nhiều, làm chưa được nhiều, nay nhân ngày nghỉ xin phép được góp ý với bà con Ngọc Chiến như vậy.
Ai hiểu được thì làm mà không hiểu thì cũng không sao.