11/11/2024
𝐑𝐢𝐜𝐡𝐚𝐫𝐝 𝐌𝐨𝐨𝐫𝐞 𝐯𝐚̀ 𝐡𝐚̀𝐧𝐡 𝐭𝐫𝐢̀𝐧𝐡 𝐭𝐢̀𝐦 𝐛𝐚̉𝐧 𝐬𝐚̆́𝐜 𝐜𝐡𝐨 𝐭𝐡𝐮̛𝐨̛𝐧𝐠 𝐡𝐢𝐞̣̂𝐮 𝐕𝐢𝐞̣̂𝐭
Là một giám đốc sáng tạo từng tạo nên bản sắc cho những thương hiệu nổi tiếng thế giới như IBM, AT&T, Citibank..., nhưng “bản sắc” của Richar Moore lại rất giản dị và gần gũi. Lí do gì đã khiến Richard Moore chọn lựa con đường đi tìm bản sắc cho thương hiệu Việt Nam ?
“𝐌𝐚𝐝𝐞 𝐢𝐧 𝐕𝐢𝐞𝐭𝐧𝐚𝐦 ” 𝐨̛̉ 𝐍𝐞𝐰 𝐘𝐨𝐫𝐤
Một lần, trong một cửa hiệu gần nhà mình tại thành phố New York, lật xem một bình hoa không mấy đắt tiền, Richard Moore thấy dòng chữ “Made in Vietnam” dưới đáy bình. Hàng chữ ấy khiến Richard Moore nhớ lại thời điểm năm 1959, ông cũng đã từng xem qua dòng chữ “Made in Japan ” trên những sản phẩm tương tự. Cảm giác cầm những vật đến từ nửa vòng trái đất đã khiến Richard Moore, khi ấy còn là chàng trai trẻ vừa tốt nghiệp trung học, ưa sáng tạo, dành dụm tất cả những khoản tiền tiết kiệm được để mua một vé hạng ba trên một con tàu chật chội thẳng hướng đến Nhật Bản. Mong muốn duy nhất là được phiêu lưu 60 ngày tại một vùng đất kỳ thú, nhưng rồi 60 ngày đã kéo dài thành 6 năm. Richard Moore chứng kiến ngành công nghiệp Nhật Bản dần dần lớn mạnh. Đầu tiên là những chiếc máy ảnh ngang tầm với hàng của Đức, rồi đến những chiếc máy thu thanh nhỏ bằng bàn tay. Và không bao lâu sau đó là sự khởi đầu một ngành công nghiệp ô tô làm chấn động cả thế giới. Tuy nhiên, khi về nước Mỹ ông hết sức ngạc nhiên vì người Mỹ lúc đó vẫn nhìn nhận hàng hoá “Made in Japan” như những hàng hoá rẻ tiền. Và phải đến 10 năm sau nước Nhật mới xoá được quan niệm đó.
Trở lại với hàng chữ “Made in Vietnam ” ở New York , cảm giác của một giám đốc sáng tạo lúc đó cũng gần giống cảm giác của ông cách đây hàng chục năêm. Nhưng bây giờ đã khác xa so với trước. Ông nhận ra rằng, giờø là thời đại của những chuyến hàng siêu tốc, và truyền thông quốc tế tức thì. Song có một điều luôn đúng: “Người tiêu dùng nghĩ gì khi họ nhìn thấy hàng chữ này? Điều đó quan trọng nhưng quan trọng hơn, họ sẽ nghĩ ra sao về hàng chữ này trong tương lai?” Và bây giờ không còn phải đợi 10 năm để thay đổi nhận thức.
𝟑𝟎 𝐧𝐠𝐚̀𝐲 𝐨̛̉ 𝐱𝐮̛́ 𝐬𝐨̛̉ 𝐧𝐡𝐢𝐞̣̂𝐭 đ𝐨̛́𝐢
Richard Moore quyết định thực hiện một chuyến du lịch đến Việt Nam . 30 ngày du lịch Việt Nam đã trở thành cơ hội cho một cuộc “phiêu lưu” mới của Richard Moore. Vượt ra khỏi giới hạn của một du khách, trong suốt thời gian đó, thay vì đi ngắm cảnh, Richard Moore đã tranh thủ ngắm... hàng hoá. Ông xem tất cả những gì có thể xem được, từ chiếc bình gốm, sản phẩm thủ công mỹ nghệ cho đến hàng nông sản, thực phẩm. Ông tìm gặp các nhà thiết kế và doanh nhân Việt Nam . Qua đó, ông nhận thấy các nhà kinh doanh Việt Nam hiểu rất ít về giá trị của thiết kế trong việc bán các sản phẩm và dịch vụ. Trong khi đó các nhà thiết kế còn chưa hiểu nhiều về marketing. Hơn nữa, các nhà thiết kế và các doanh nhân Việt Nam không hiểu được nhau. Richard Moore nảy sinh ý tưởng chia sẻ với các nhà thiết kế, DN Việt Nam những kiến thức về truyền thông, marketing mà ông đã thu thập được trong nhiều năm qua. Vậy là chuyến đi 30 ngày đã khởi đầu cho 10 năm đi tìm bản sắc cho thương hiệu Việt.
Quyết tâm đưa ý tưởng vào hiện thực. Trở về Mỹ sau chuyến du lịch, Richard Moore điện thoại cho bà Phạm Chi Lan, khi ấy còn làm Tổng thư ký VCCI, bày tỏ mong muốn đóng góp cho việc phát triển thương hiệu tại Việt Nam và đã nhận được sự đồng ý. Trong chuyến công tác Việt Nam đầu tiên, Richar Moore đã để lại ấn tượng không thể nào quên đối với nhiều giảng viên đại học Mỹ thuật và giám đốc DN bởi “tác phẩm” và những hiểu biết về xây dựng và tạo bản sắc thương hiệu của ông. Chính điều này khởi nguồn cho những quan tâm về vấn đề xây dựng hình ảnh và bản sắc thương hiệu tại Việt Nam trong những năm sau.
𝐓𝐢̀𝐦 𝐛𝐚̉𝐧 𝐬𝐚̆́𝐜 𝐜𝐡𝐨 𝐭𝐡𝐮̛𝐨̛𝐧𝐠 𝐡𝐢𝐞̣̂𝐮 𝐕𝐢𝐞̣̂𝐭
Hành trình tìm bản sắc cho thương hiệu Việt thật gian nan vì vào thời điểm cách đây cả chục năm, khái niệm thương hiệu còn chưa được nhắc đến chứ chưa nói đến xây dựng và phát triển bản sắc thương hiệu. Trong lúc đó, trên thị truờng quốc tế, Richard Moore nhận thấy “hữu xạ tự nhiên hương” là điều không thể có đối với các sản phẩm hàng hoá. Người tiêu dùng chỉ có niềm tin sâu sắc vào các sản phẩm có mẫu mã thiết kế bài bản, quảng cáo tốt, xuất hiện trong những thị trường phát triển. Đáng tiếc là hàng hoá Việt Nam lại thiếu điều này. Tại Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao nơi quy tụ các thương hiệu hàng đầu, Richard Moore nhận ra một điều rất thú vị là người đến hội chợ không chỉ để xem mà chủ yếu để mua hàng. Các công ty tham gia cuộc triển lãm này rất hài lòng trước điều đó, nhưng ông lại có tâm trạng trái ngược vì nhận thấy các sản phẩm này đều có khả năng XK nếu có mẫu mã, thiết kế bao bì sản phẩm đẹp.
Năm 2001 ông mở văn phòng đại diện Công ty Richar Moore Associates tại Hà Nội. Song kinh doanh chưa phải là mục tiêu hàng đầu. Ông nhiệt tình chia sẻ những kiến thức nhằm thay đổi nhận thức về thương hiệu, thiết kế trước hết là cho những lãnh đạo DN. Một loạt những hội thảo và khoá đào tại tại Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và Đà Nẵng cho những nhà thiết kế và doanh nhân đã được ông tổ chức. Trong suốt 10 năm, ông giúp các DN Việt Nam bổ sung, xây dựng những kiến thức, kỹ năng còn thiếu và yếu về truyền thông tiếp thị. Thậm chí, có người còn cho rằng ông miệt mài đeo đuổi ý muốn huấn luyện các nhà thiết kế và doanh nhân Việt Nam như một nhà đào tạo hơn là một chuyên gia thiết kế.
Vào thời điểm thương hiệu trở thành vấn đề nóng của các DN Việt Nam, tháng 8-2005, Công ty Richard Moore Associates chính thức nhận được giấy phép đầu tư tại Việt Nam và trở thành doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đầu tiên trong lĩnh vực phát triển bản sắc thương hiệu được cấp phép hoạt động tại Việt nam. Trong thời gian này, nhiều thương hiệu của DN Việt Nam được ông thiết kế đã trở thành những thương hiệu hàng đầu Việt Nam như Vinasoy, Protec, Laska, PNJ... Nhìn vào những thương hiệu này người ta không chỉ nhận thấy bản sắc thương hiệu mà còn thấy một bản sắc Richard Moore, phong cách Richard Moore.
Nội dung: Hanoimedia sưu tầm
Nguồn Ảnh: Hanoimedia