09/09/2024
ĐỪNG MỞ QUÁN KHI CHƯA CÓ TƯ DUY ĐÚNG VỀ LÀM CHỦ QUÁN CÀ PHÊ
Bạn đang có một khoản vốn không biết làm gì, bạn nghĩ đến việc mở quán cà phê.
Bạn đi làm thuê công việc nhàm chán, thời gian gò bó, bất mãn với công việc hiện tại muốn được làm chủ để làm chủ thời gian với công việc của mình cũng nghĩ đến mở quán cà phê.
Bạn đang muốn lựa chọn một hoạt động kinh doanh để làm chủ, bạn nghĩ đến việc mở quán cà phê.
Bạn thích thú với cảm giác được ngồi trong quán cà phê của chính mình, giao lưu trò chuyện mọi người, bạn đặt ra mục tiêu sẽ mở bằng được quán.
Bạn đến quán cà phê thấy đông khách, hấp dẫn bạn cũng muốn về mở một quán, xem thế nào…
Có rất nhiều lý do để mở quán cà phê, và rồi mọi người thi nhau đi mở quán. Nhưng việc mở quán cà phê có thực sự dễ như nghĩ, liệu có tiền đã đủ? Nếu bạn thực sự nghiêm túc với việc mở quán cà phê hãy có tư duy đúng khi bắt đầu.
KINH DOANH QUÁN CÀ PHÊ KHÔNG HỀ DỄ DÀNG
Mở quán cà phê là hoạt động kinh doanh đòi hỏi nhiều yếu tố quan trọng, và nếu chỉ nghĩ đơn giản “mở quán rồi tính”, “mở quán cho vui” thì chắc chắn kết quả gần như thấy rõ được – lỗ vốn, thất bại.
Tại sao 10 quán mở ra thì chỉ 2 – 3 quán trụ lại được, còn lại chỉ mở được 3 – 6 tháng là bắt đầu đi vào bế tắc? Bởi nhiều người khi mở quán còn nghĩ quá đơn giản, chỉ cần đi học được một số công thức, mua về máy móc dụng cụ, trang trí thêm một chút cho quán… là có thể hoạt động ngon lành. Nhưng đời không như là mơ khi mở quán rồi... Có rất nhiều người sẵn mặt bằng, sẵn vốn, mở quán cà phê kinh doanh. Hình ảnh nghĩ ra là, quán có đồ uống cà phê nước ép cơ bản, rồi chỉ cần bán cho người thân , người quen , hàng xóm, buổi trưa dân văn phòng sẽ đến đây trò chuyện, nghỉ giữa giờ, thi thoảng sẽ có top khách các bạn trẻ đến hẹn hò gặp gỡ nhau. Chỉ cần như vậy, quán cũng có được khoản tiền ít nhiều hằng tháng, có vẻ cũng ổn. Thế rồi thuê đội thi công đến trang trí lại không gian tầng 1, tầng 2, tức tốc đi học 1 khóa pha chế. Và thế là mở quán bán.
Một thời gian sau quán không có khách đến như đã nghĩ, cũng không có khách quen vì toàn những người đến một lần rồi thôi, không thấy quay lại. Một ngày doanh thu không vượt quá 500k, bắt đầu hoang mang vì không biết phải làm gì, không hiểu vấn đề đang nằm ở đâu. Rồi doanh thu không đủ chi phí thuê nhân viên, dẫn đến 1 mình phải làm tất cả mọi việc trong quán, rất vất vả, không có thời gian cho gia đình bạn bè, tinh thần su.y sụ.p, nhưng vì quán mới đầu tư, bỏ cũng không được mà tiếp tục cũng không xong. Rơi vào trường hợp tiến thoái lưỡng nan, cứ tưởng mở quán cà phê cũng dễ lắm hóa ra lại thế này…
Mình nghĩ, sẽ có rất nhiều người đã hoặc đang mở quán và rơi vào tình trạng như vậy, “Cứ nghĩ… Cứ tưởng…”, tưởng tượng và thực tế là hai câu chuyện hoàn toàn khác xa nhau. Kinh doanh quán cà phê không hề dễ dàng, nhưng vẫn có nhiều người kinh doanh thành công. Thế nên, chắc chắn bài toán này luôn có lời giải đáp, hãy cùng đọc thêm ở phần tiếp sau đây.
NHỮNG YẾU TỐ CẦN CÓ KHI MỞ QUÁN CÀ PHÊ
Tư duy đúng khi kinh doanh mở quán cà phê, trước hết, cần nhắc nhớ rằng đó là việc không hề dễ dàng. Không dễ chứ không phải không làm được, nếu bạn muốn làm Chủ quán cà phê và kinh doanh quán cà phê bạn cần phải bao quát và sẵn sàng làm tất cả các việc trong quán như: quét dọn nhà cửa , lau chùi bàn ghế, cọ nhà vệ sinh...
1️/ Tư duy kinh doanh
Tất nhiên, làm kinh doanh mà không tư duy kinh doanh thì thế nào? Vậy tư duy kinh doanh theo các bạn là gì?
Bỏ vốn -> Đầu tư -> Sinh lời -> Quay vòng vốn -> Đầu tư -> Sinh lời
Đủ chưa? Vẫn chưa đâu, để có được được quá trình đầu tư – sinh lời đó là tầm nhìn, các hoạt động: chiến lược kinh doanh, nghiên cứu thị trường, tìm hiểu khách hàng, các hoạt động tiếp thị - xây dựng quan hệ, có khả năng kinh doanh và kiểm soát rủ.i r.o…
2️/ Tâm hu.yết dành cho quán của mình
Khoan hãy nói về đam mê lớn lao mở quán cà phê, hãy nói về tâm huyết đặt vào nó. Đó là trách nhiệm của chính bạn dành cho quán của mình. Bạn đã dành bao nhiêu trăn trở để nghĩ cho hướng đi của quán, bạn đã dành bao nhiêu sự bận tâm làm sao quán có đồ uống chất lượng? Bạn có dành sự tìm hiểu học hỏi những người trong ngàng, xem họ đã và đang làm thế nào giúp quán phát triển?
Một trong những yếu tố quan trọng để quyết định sự thành công trong kinh doanh đó là sự tận tâm – nhiệt hu.yết. Người ta bảo “cần cù bù thông minh”, nếu bạn có sẵn sự nhạy bén thông minh thì khỏi nói rồi, nhưng nếu bạn thiếu sự khát khao thành công, trăn trở để quán cà phê ngày càng hoàn thiện, đông khách, thì sẽ thế nào?
Sự tâm hu.yết này xuất phát từ mong muốn quán cà phê sẽ ngày càng thành công hơn và cả mong muốn xây dựng trở thành nơi trải nghiệm tuyệt vời cho khách hàng. Chỉ có những băn khoăn hai chiều như vậy mới đủ để thúc giục bạn không ngừng phát triển quán, gia tăng trải nghiệm cho khách hàng.
3️/ Cách là Marketing cho quán cà phê
Trong kinh doanh, việc cụ thể hơn các hoạt động tiếp thị - xây dựng quan hệ công chúng và phủ sóng hình ảnh của quán chính là làm Marketing cho quán. Marketing cho quán cà phê là chuỗi các hoạt động có tính hệ thống, phối hợp với nhau và cần xuyên suốt theo thời gian, điều đó có nghĩa là bạn không thể chỉ thực hiện trong một thời gian ngắn, không thể chỉ thực hiện hoạt động này mà bỏ quên hoạt động bổ trợ khác.
Hay cụ thể hơn, Marketing sẽ bao gồm các hoạt động: Thiết kế phong cách cho quán cà phê, sẵn sàng với chất lượng đồ uống – dịch vụ tốt, biển bảng quảng cáo, các chương trình khuyến mại, làm thẻ thành viên, truyền thông online qua Fanpage/ Group/ IG…
Điều quan trọng cần nhắc lại, Marketing là phương thức đưa khách hàng đến với quán của bạn thân thiết gần gũi hơn – đồng thời, đưa đúng giá trị của quán đến với khách hàng. Do đó, trước hết bạn hãy sẵn sàng với chất lượng đồ uống – dịch vụ tốt rồi mới đến một kế hoạch Marketing phù hợp.
4️/ Quản lý quán cà phê
Bạn là chủ quán, tất nhiên rồi, bạn phải có khả năng quản lý tốt. Quản lý, bao quát tất cả các hoạt động của quán: từ việc tính toán tài chính, quản lý nhân sự, quản lý các hoạt động Marketing.
Bạn cần hiểu rõ và bám sát với kế hoạch tài chính của mình, ví dụ, với số vốn 500 triệu (đã có mặt bằng) bạn sẽ lên chi tiết đầu tư máy móc thế nào? Lên menu ra sao, đầu tư chi phí cho nguyên liệu? Chi phí dự trù cho nhân viên? Các chi phí cho hoạt động liên quan đến quy định của pháp luật? Chi phí cho Marketing...
Đồng thời, là việc tính toán dự tính thời gian hòa vốn – sinh lời, xoay vòng vốn đầu tư…
Về nhân sự, từ việc lên kế hoạch tuyển nhân viên, sắp xếp nhân sự làm việc thời gian – lương thưởng. Các quy định về công việc cho mỗi bộ phận…
Và theo mình về vấn đề Nhân sự luôn là vấn đề đau đầu nhất của các chủ quán kiêm chủ quán phải liên tục học hỏi và hoàn thiện kỹ năng của mình.
5️/ Các kỹ năng quan trọng khác
Đó là kỹ năng giao tiếp, lắng nghe – thấu hiểu, chắt lọc thông tin, kỹ năng quản lý đội nhóm…
Trong quán cà phê, bạn không chỉ phục vụ một loại đồ uống mà còn mang đến những trải nghiệm về mặt cảm xúc. Do vậy, việc giao tiếp, tạo tâm lý thoải mái, thiện cảm cho khách hàng là vô cùng quan trọng. Sẽ vô cùng tuyệt vời nếu bạn là chủ quán và bạn truyền đạt được tinh thần cởi mở đó cho nhân viên, tạo thành văn hóa chung của quán cà phê.
Lắng nghe – thấu hiểu, lắng nghe mọi chia sẻ của khách hàng để hoàn thiện quán của bạn, lắng nghe nhân viên của mình để tạo nên môi trường dịch vụ đoàn kết – kết bó. Và đây chính là kỹ năng quan trọng giúp bạn giải quyết những vấn đề tranh cãi, phàn nàn, khiếu nại của khách hàng.
Trong thời đại công nghệ số phát triển, không khó để bạn được cập nhật liên tục các chia sẻ làm sao để quán phả triển hơn nữa, nhưng có phải ai nói cũng đúng và chia sẻ nào cũng phù hợp. Do vậy, bạn cần hiểu chính mình, hiểu tình trạng của quán trước tiên và chắt lọc thông tin phù hợp để xây dựng quán.
Và kỹ năng quản lý đội nhóm, đặc biệt là khi bạn không trực tiếp có mặt tại quán, bạn sẽ cần đến một người đại diện quản lý, để có được điều này trước tiên bạn phải có kinh nghiệm về quản lý và tuyển được người phù hợp. Có thể bạn chưa biết, ngay một quầy bar, chỉ cần từ hai người đã bắt đầu rối, khó sắp xếp các công việc rồi. Nếu không hiểu ý nhau, khách vào đông sẽ khiến cho các bạn không biết cách kiểm soát, gây mâ.u thu.ẫn tra.nh cã.i. Do đó, trước tiên bạn cần biết cách quản lý sắp xếp được quy trình công việc phù hợp.
Ví dụ, trong quầy bar hiện có hai nhân viên pha chế, bạn cần biết cách hướng dẫn các bạn sắp xếp làm đồ hợp lý khi có nhiều bill vào cùng một lúc. Như chia thành các nhóm đồ uống để làm: sinh tố, nước ép, cà phê… ai sẽ là người làm nhóm nào?
Để mở quán cà phê không khó, nhưng để kinh doanh quán cà phê thành công là một phạm trù khác, đòi hỏi bạn cần biết nhiều hơn việc biết pha chế một loại đồ uống. Tuy khó nhưng không phải không làm được, dù kiến thức để kinh doanh quán có rộng lớn thế nào, lời khuyên của mình dành cho các bạn đó là, đã không làm thì thôi, đã làm thì làm bằng trọn vẹn tâm hu.yết, luôn luôn trăn trở về nó và kiên nhẫn, dù quán có đang gặp khó khăn, thất thường… Đó là yếu tố quan trọng để bạn sẵn sàng học hỏi không ngừng.
Đây là những quan điểm của mình, còn yếu tố nào để thành công nữa thì các chủ quán cùng nhau đưa thêm những góc nhìn của mình nữa nhé. Chúc các anh chị chủ quán thành công!
Nguồn: Hồ Mạnh Tiến