25/07/2023
TÍCH CỰC ĐỘC HẠI - VUI THÔI ĐỪNG VUI QUÁ?
Có khi nào, bạn từng:
💭Cảm thấy tội lỗi vì cảm xúc tiêu cực của bản thân?
🫥Cố gắng che giấu cảm xúc thật của mình?
💢Chỉ trích người khác vì họ không tích cực?
🗣Phủ nhận khó khăn của mọi người: “Có mỗi thế mà cũng …”?
Nếu bạn đã trải qua những biểu hiện tương tự, rất có thể, bạn đang ở trong trạng thái của sự “Tích cực độc hại”.
Thuật ngữ “Toxic Positivity” hay “Tích cực độc hại” ám chỉ việc cố gắng theo đuổi những suy nghĩ tích cực và bỏ qua hết những cảm xúc khác. Tình trạng này có thể xảy ra ở bất kỳ ai, trong bất kỳ môi trường nào từ trường học đến nơi làm việc.
Mặc dù, trên thực tế, sự tích cực vốn là một ý niệm tốt luôn được hướng đến, khi trở nên thái quá, nó sẽ dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng về tâm lý.
Toxic Positivity giam cầm chúng ta trong một thế giới giả tưởng, nơi không có sự cân bằng giữa hỉ, nộ, ái, ố, và dần dần, con người trở thành những chiếc máy nói dối, tự huyễn hoặc bản thân và không nhìn nhận mọi thứ xung quanh.
Vậy thì làm thế nào để chúng ta tránh được việc biến những tích cực này trở nên “độc hại”?
Trước hết, chúng ta cần thành thật với cảm xúc của chính mình. Nếu gặp khó khăn trong việc thể hiện chúng bằng lời nói, hãy thử viết xuống hoặc chia sẻ với bạn bè, người thân.
Ngoài ra, ta cũng cần học cách tôn trọng và quan tâm đến khó khăn của mọi người xung quanh. Thay vì tiếp tục lời động viên sáo rỗng kiểu như: “Ừ đang buồn à, vui lên”.
Cuối cùng, hãy đánh giá hoàn cảnh một cách thực tế. Cố gắng tích cực là tốt, nhưng bỏ cuộc khi cần cũng là việc nên tập luyện. Sự cân bằng giữa suy nghĩ tích cực và nhìn nhận thực tế giúp ta biết nên “đầu tư” hy vọng của mình vào điều xứng đáng.
Suy cho cùng, cảm xúc cũng chỉ là phản ứng nhất thời. Không niềm vui nào ở lại quá lâu và không nỗi buồn nào cắt sâu mãi mãi. Hãy để mỗi hỉ nộ ái ố trong cuộc đời là một khoảnh khắc ta được sống thật nhất với chính mình, bạn nhé!