10/10/2021
TRÁNH XA 9 ĐIỀU NÀY ĐỂ CUỘC ĐỜI VẠN SỰ HANH THÔNG, CÔNG DANH TẤN TỚI
BA LOẠI VIỆC KHÔNG THỂ GIÚP
Giúp đỡ người khác là việc tốt, nhưng giúp đỡ cũng cần phải có mức độ. Không phải tất cả mọi chuyện trên đời này đều có thể giúp, và đáng để giúp.
1. CHUYỆN QUÁ SỨC
Giúp đỡ người khác đương nhiên là tốt đẹp, nhưng muốn tốt cũng chỉ nên tốt trong khả năng của mình. Bạn không thể chỉ vì nhất thời kích động mà đồng ý làm một việc mình không làm nổi.
Giúp đỡ một cách miễn cưỡng không chỉ đi ngược lại mục đích ban đầu của bạn, mà thậm chí còn vô thức tăng thêm gánh nặng cho chính mình, làm mất đi bản chất tốt đẹp của việc giúp đỡ. Cuối cùng, rất có thể chính bạn lại biến thành kẻ cần được giúp đỡ.
Thế rồi bạn sẽ khiến cho chuyện cần giúp ban đầu trở nên rối loạn, lanh tanh bành, đã hỏng càng thêm hỏng. Thành ra đã chẳng giúp được gì mà còn phải mang tiếng oan, bị người ta oán trách.
Mà kể cả chẳng đến nỗi gây ra hậu quả nặng nề như thế đi chăng nữa, sao bạn phải vì người khác mà cố gắng làm một việc vượt quá khả năng chứ? Sao phải thiệt thòi, sao phải mệt mỏi?
So với việc khiến người khác vui vẻ, thì thỏa mãn bản thân phải quan trọng hơn chứ.
2. CHUYỆN TÌNH CẢM
Tất cả những việc liên quan đến tình cảm, tốt nhất không nên can thiệp vào. Đừng nên đưa ra bất kỳ ý kiến nào cho những việc này.
Tình cảm thì chẳng có đúng sai, cũng không có bất kỳ logic nào. Những lời khuyên trong lĩnh vực này đều mang tính chủ quan, cảm tính. Can thiệp vào chuyện tình cảm của người khác sẽ rất dễ khiến bạn bị oán trách.
Có ai đó từng nói: “Người ở cương vị nào thì lo chuyện ở đó, không phận sự miễn nghĩ nhiều.” Tình cảm là thứ không thể dùng đạo lý để phân tách cân đo. Dù sao cũng là chuyện nhà người ta, không biết thì đừng tò mò, có nghe cũng chỉ nên nghe vậy thôi, đừng nhiều lời.
3. CHUYỆN TIỀN BẠC
Bạn tôi thường nói: nhất thời khó khăn thì giúp, chứ về lâu về dài thì chịu. Ai chẳng có lúc lỡ dở, việc cần gấp mà không sẵn tiền trong người. Nhưng phàm là chuyện liên quan đến tiền bạc, nên suy nghĩ kĩ càng.
Giúp đỡ khi người khác có việc gấp thì được, nhưng không nên lặp đi lặp lại nhiều lần. Cứ mở ví ra làm phúc mãi cũng không thể giải quyết được cái gốc vấn đề. Không chỉ thế, người ta nghèo vẫn nghèo đó, nhưng lại còn sinh thêm tâm lý phụ thuộc, dựa dẫm vào bạn.
Mà thế cũng đâu đã hết, có lẽ các bạn đều chẳng xa lạ gì với triết lý cục kẹo. Bạn có thể giúp họ mười lần, hai mươi lần, nhưng chỉ cần lần này bạn từ chối, thế là bạn biến thành kẻ ích kỷ, keo kiệt trong mắt họ. Cho nên, đừng để lòng tốt của bạn trở thành một điều hiển nhiên.
Tiền cho mượn thì dễ mà đòi thì khó. Lắm lúc vì ngại tình cảm, ngại quan kệ, ngại đụng đến tự ái của người khác nên bạn rất khó mở miệng đòi tiền. Có rất nhiều người cũng chỉ vì tiền nong mà mất hết giao tình, bạn trở mặt thành thù, người thân thành người dưng.
Tóm lại, nhất định phải thận trọng với chuyện tiền bạc.
BA LOẠI CƠM KHÔNG THỂ ĂN
Người xưa thường nói “Cơm có thể ăn bừa, nói không thể nói lung tung“. Nhưng thực ra không chỉ không thể nói lung tung, cơm cũng không thể ăn bừa được. Nói lung tung hại người hại mình, ăn lung tung dễ dẫn đến nhiều tai họa.
1.CƠM MIỄN PHÍ
Trên đời này không có bữa cơm nào miễn phí, đừng có vì chút lợi trước mắt mà nhắm mắt vào ăn, lợi thì ít mà hại thì nhiều.
Những người đi ăn chưa bao giờ chủ động trả tiền, có thể được lợi lần một lần hai, nhưng cái bạn mất đi là sự tin cậy, sự tôn trọng, là tình bạn, là cơ hội gìn giữ và mở rộng mối quan hệ.
Chưa kể, chẳng có ai tự dưng tốt với bạn. Đằng sau những bữa cơm miễn phí luôn là một âm mưu, động cơ nào đó. Bạn không phải trả tiền thì sẽ phải trả lại bằng thứ khác, có khi là “đắt đỏ” hơn rất nhiều.
2. “CƠM MỀM”
“Cơm mềm” ở đây là chỉ những gì quá dễ dàng, những thứ được cho được tặng.
Người cần phải lớn, phải trưởng thành, phải sống độc lập. Phải kiếm được tiền nuôi sống bản thân bằng chính năng lực của mình. Nếu không thì dù bạn đã sống bao nhiêu năm cuộc đời, bạn vẫn chưa trưởng thành được.
Đừng ăn “cơm mềm“, đừng sống dựa vào người khác. Bố mẹ rồi cũng có ngày rời đi, vợ/chồng cũng sẽ có lúc không bên cạnh, dựa vào ai cũng không yên tâm bằng dựa vào bản thân.
3. CƠM THỪA
Không ăn cơm thừa, tức là không nên bắt chước cách sống của người khác, “cơm thừa” của người khác không nên ăn.
Mỗi người đều có đặc điểm riêng, không ai giống ai. Hãy tin rằng “bát cơm” của bạn bây giờ đã là tốt nhất, ngon nhất, phù hợp với bạn nhất rồi.
Có thể bát cơm của người khác có sơn hào hải vị, nhưng biết đâu dạ dày của bạn chỉ quen cơm trắng dưa cà.
Cuộc đời không có quy chuẩn nhất định, có thể cuộc đời của người khác rực rỡ gấm hoa, nhưng không phù hợp với bạn.
BA LOẠI TIỀN KHÔNG THỂ TIÊU
Tiền ai cũng thích, tiêu tiền có lẽ là chuyện đơn giản nhất trên đời này, nhưng không phải tiền nào cũng có thể tiêu.
1. TIỀN BẤT NGHĨA
Trên đời chẳng có ai không thích tiền, nhưng kiếm tiền cũng phải có nguyên tắc, đồng tiền bất nghĩa không thể kiếm, cũng không thể tiêu.
Phật pháp dạy rằng, nếu bạn kiếm và tiêu đồng tiền bất nghĩa, thì tiền và vận khí may mắn của bạn cũng sẽ có ngày mất.
Quân tử yêu tiền nhưng phải có nguyên tắc.
2. TIỀN KHÔNG PHẢI CỦA MÌNH
Mặc dù không phải tiền bất nghĩa, nhưng cầm tiền của người khác thì không nên tiêu.
Bất kể là tiền của bố mẹ, tiền của anh chị em hay tiền của bạn bè, khi người đó đã đưa bạn giữ tiền giúp, tức là họ tin tưởng bạn, bạn không nên phụ sự tin cậy này.
Không phải đồ của bạn thì đừng dùng. Tiền cần phải tiêu một cách yên tâm, chứ không phải vừa tiêu vừa lo lắng này nọ.
3. TIỀN CỦA NGÀY MAI
Hiện nay rất nhiều người tiết kiệm tiền, nhưng cũng có nhiều người tiêu tiền tiết kiệm.
Trăng có tròn có khuyết, người có phúc có họa, chẳng ai chắc chắn được cả đời mình đều sẽ thuận buồm xuôi gió.
Tiền của ngày mai, có việc ngày mai cần dùng đến. Khi tiêu tiền cần suy nghĩ đến tương lai, không nên chỉ chiều theo ham muốn nhất thời.
Có thể hôm nay bạn tiêu rất vui vẻ, nhưng nếu ngày mai gặp phải bất trắc cần đến tiền mà lại chẳng còn đồng nào, bạn sẽ ra sao?
Tiêu tiền cũng là cả một nghệ thuật, cần lên kế hoạch cẩn thận.
Theo Sandy/ tapchidoanhnhan