05/07/2022
“Cạm bẫy” sang Campuchia làm việc nhẹ, lương cao !!
Trong căn nhà cấp 4 ở phường Phước Lộc, thị xã La Gi văng vẳng tiếng kinh phát ra từ chiếc đài nhỏ. Trong nhà có cả thảy 6 người, nhưng không ai nói ai tiếng nào. Quầng mắt ai cũng thâm đen, sưng húp. Cả 10 ngày nay họ không còn nước mắt để khóc nữa rồi.
Ngày 8/6, qua mạng xã hội họ nhận được hung tin, người con, người em của gia đình là anh Nguyễn Xuân Đ đã mất ở Campuchia. Gia đình liên hệ với một người bác sĩ tên Hoàng Kỳ thì được biết anh Đ đã treo cổ tự tử ở trong công ty thuộc tỉnh Sihanoukville vào ngày 7/6. Hung tin là một cú sốc quá lớn đối với các thành viên trong gia đình.
Ba anh Đ là ông Nguyễn Xuân Hòa, năm nay hơn 60 tuổi không chịu được cú sốc quá lớn đã bị đột quỵ phải nằm bệnh viện. Còn mẹ anh là bà Trương Thị Lai (64 tuổi), cứ mỗi lần đi qua bàn thờ con là khóc. Khi nhận hung tin, gia đình đã lập vội chiếc bàn thờ để cúng vọng người đã mất. Hàng xóm hay tin cũng đến viếng thăm, chia sẻ.
Đưa ánh mắt nhìn lên bàn thờ anh, chị Nguyễn Hồng Phúc cũng không kìm được nước mắt. Mọi chuyện xảy ra cách đây 2 tháng. Trước đây anh Đ làm nghề đi biển. Nhưng vừa qua, dịch bệnh bùng phát cộng với giá dầu tăng cao, ghe thuyền nằm bờ nhiều nên anh lâm vào cảnh thất nghiệp.
Anh Đ đi vào Bình Dương kiếm việc. Rồi có người quen giới thiệu gặp người tên Phong. Rồi Đ cùng với những người khác qua Campuchia bằng đường biển. Nhưng phải mấy ngày sau, anh Đ mới điện thoại về nhà báo mình đang ở Campuchia và làm việc cho một công ty game.
“Anh Đ nói khi đi họ hứa hẹn lương cao lắm. Em không biết lương ảnh bao nhiêu nhưng lâu lâu vẫn gọi điện xin em nạp car điện thoại cho ảnh”, chị Phúc nhớ lại.
Khi còn ở công ty đầu tiên, thì không thấy anh Đ than phiền về công việc. Nhưng, khi bị bán sang công ty thứ 2 được một tuần thì mọi việc thay đổi. Anh Đ bị công ty tăng chỉ tiêu, không đạt được thì bị đánh đập. Công ty gọi điện về nhà mang số tiền hơn 53 triệu đồng qua chuộc. Khi người nhà không có đủ tiền thì anh Đ bị công ty nhốt vào phòng riêng dùng cực hình.
“Khoảng 2 ngày trước khi nhận hung tin, anh Đ có điện thoại về nói em là bảo người nhà chuẩn bị tiền gấp chứ ảnh ở bên đó bị đánh đập thường xuyên. 2 ngày nay còn bị bỏ đói không cho ăn uống gì. Em có lên trình báo với công an thì sáng ngày hôm sau sự việc xảy ra”, chị Phúc nhớ lại.
Sau khi nhận hung tin, gia đình một mặt lo đám tang một mặt báo cáo vụ việc cho các ngành chức năng để làm thủ tục đưa thi thể anh về quê nhà. Tuy nhiên, đến nay mọi việc vẫn chưa có hướng giải quyết. Người nhà cũng đã liên hệ với bác sĩ Hoàng Kỳ và được cho biết chi phí để đưa thi thể anh Đ về đến cửa khẩu là khoảng 90 triệu đồng. Nếu gia đình tự sang bên đó thì chi phí cho những ngày qua là khoảng hơn 50 triệu đồng.
“Nhà em đã đi đến những nơi cần thiết nhưng đến nay vẫn chưa có hướng giải quyết nào khả thi. Còn việc lo đủ số tiền theo yêu cầu của bên đó thì nhà em không thể. Em chỉ mong các ngành chức năng sớm hỗ trợ gia đình để đưa thi thể anh trai em về trong thời gian sớm nhất”, chị Phúc mong muốn.
Chúng tôi rời nhà anh Đ khi người mẹ thắp tuần nhang mới cho con. Câu nói sao con bỏ mẹ ra đi sớm vậy cứ làm chúng tôi day dứt mãi. Cũng vì cuộc mưu sinh mà nhiều người không may đã sa vào cạm bẫy của những kẻ tán tận lương tâm. Cũng vì cái nghèo mà họ vô tình trở thành một món hàng được mua đi bán lại để rồi khi không chịu nổi, họ đã phải chọn cách “rời cõi tạm” này để lại cho người thân những nỗi đau không thể nào tả xiết.
Trong quá trình thực hiện tuyến bài này, chúng tôi tiếp cận được nhiều trường hợp cả đã về nước cũng như đang còn ở Campuchia. Mẫu số chung của những trường hợp này đều xuất thân từ những gia đình rất nghèo, bỏ học sớm và còn rất trẻ. Tất cả đều dưới 18 tuổi. Các đối tượng đã bỏ ra toàn bộ chi phí từ tiền xe đưa các nạn nhân từ quê vào TP. Hồ Chí Minh và sang Campuchia. Lương những nạn nhân nhận được có thể cao nhưng khi thực nhận của họ lại thấp hơn khi ở Việt Nam. Ngoài tiền ăn ở, nạn nhân còn phải trả tiền quản lý rồi trả góp số tiền mà các đối tượng đã chi ra trước đó.
Tất cả các trường hợp sang Campuchia làm việc nhẹ lương cao đều đi theo đường mòn, lối mở, tức là xuất cảnh trái phép. Khi có sự việc xảy ra ở nước bạn thì lực lượng chức năng trong nước rất khó can thiệp hỗ trợ, rất nhiều vấn đề pháp lý phát sinh sau vụ việc này. Chúng tôi sẽ phỏng vấn các ngành chức năng để bạn đọc có cái nhìn toàn diện hơn về vấn đề này.