Thành phố Hải Dương là trung tâm kinh tế, kỹ thuật, giáo dục, khoa học, y tế, dịch vụ của tỉnh Hải Dương, nằm trong vùng thủ đô Hà Nội và tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Thành phố Hải Dương hiện là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Hải Dương. Hải là miền duyên hải, vùng đất giáp biển (Hải Dương xưa bao gồm một miền đất rộng lớn kéo dài từ Hưng Yên đến vùng biển Hải Phòng). Hải Dương
nằm ở phía đông kinh thành Thăng Long. Hướng Đông cũng là hướng mặt trời mọc. Vì vậy Hải Dương có nghĩa là "ánh mặt trời biển Đông" hay "ánh sáng từ miền duyên hải (phía Đông) chiếu về". Tên gọi Hải Dương chính thức có từ năm 1496. Trước năm 1804, lỵ sở của tỉnh Hải Dương được đặt tại Lạc Thiên (Chí Linh), lúc ấy gọi là thành Vạn hay doanh Vạn. Sau đó dời về làng Mao Điền (Cẩm Giàng). Năm Gia Long thứ 3 (1804) để củng cố bộ máy cai trị, nhà Nguyễn đã phân chia lại địa giới hành chính của cả nước, do vậy lỵ sở Hải Dương đã được dời từ Mao Điền về phía đông 15 km ở vùng ngã ba sông Thái Bình và sông Sặt, thuộc địa phận ba xã Hàn Giang, Hàn Thượng và Bình Lao của huyện Cẩm Giàng. Một ngôi thành được Tổng đốc Trần Công Hiến cho khởi công để làm trụ sở cho bộ máy và đồn trú quân sự, gọi là Thành Đông, với mục tiêu vừa là trấn thành, vừa án ngữ phía đông Kinh thành Thăng Long. Thành Đông lúc này là một trong 4 thành trong Thăng Long tứ trấn. Đây được xem như thời điểm khởi lập của thành phố Hải Dương. Pháp tấn công thành Hải Dương trong Chiến tranh Pháp-Đại Nam diễn ra từ năm 1858 đến năm 1884
Cầu Phú Lương thành phố Hải Dương giai đoạn 1921-1935
Thành Đông ban đầu không có dân, chỉ có quan lại và quân lính. Đến năm 1866 (năm Tự Đức thứ 19), Đông Kiều phố được hình thành (tương ứng với phường Trần Phú và một phần phường Trần Hưng Đạo ngày nay) với đơn vị hành chính: Phố - Giáp với 3 phố: Đông Kiều phố, Đông Mỹ phố, Tự Tân phố; nhiều phố nghề ra đời như Hàng Giày - Rue Des Cordonnier (phố Sơn Hòa ngày nay), Hàng Đồng - Rue du cuivre (Đồng Xuân), Hàng Bạc - Rue des Changeurs (Xuân Đài), Hàng Lọng - Rue des parasols (Tuy An). Trong đó, phố Hàng Lọng chính là biểu tượng cho nền giáo dục của xứ Đông, vinh danh những người con đỗ đạt cao về vinh quy bái tổ. Ngoài các phố cổ mang tên nghề nghiệp như trên thì các phố cổ khác đều được bắt đầu bằng chữ "Đông" (sau khi giải phóng thành phố vào ngày 30 tháng 10 năm 1954, Hải Dương kết nghĩa với Phú Yên và nhiều tuyến phố được đổi tên theo địa danh của tỉnh Phú Yên như ngày nay). Thành phố Hải Dương thời Pháp thuộc
Nhà Ga Thành phố Hải Dương thời Pháp thuộc
Một phần còn lại của Trường Đệ tử dòng Đaminh xây theo kiến trúc Roman pha lẫn kiểu Grec-Býatin (nằm trong khu vực đền Thánh tử đạo Hải Dương cũ), nay là phố Quán Thánh thành phố Hải Dương. Năm 1889, Thành Đông bị thực dân Pháp[6] phá bỏ để lấy mặt bằng xây dựng nhà máy rượu vài tòa dinh thự của người Pháp. Năm 1923, Toàn quyền Đông Dương quyết định thành lập thành phố Hải Dương. Không gian thành phố được chia thành hai khu vực: khu hành chính - nằm ven sông Sặt và khu kinh tế - từ Nhà máy rượu đến Nhà ga xe lửa. Các công sở và dinh thự của quan chức người Pháp được tập trung ven sông Sặt. Một số tòa dinh thự mang kiến trúc Pháp hiện nay vẫn còn được sử dụng như dinh Công sứ (nhà làm việc và nhà khách Tỉnh ủy); Sở Lục bộ (Sở Giao thông); nhà Séc-tây (Sở Thể dục - Thể thao cũ), Kho bạc (Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh), dinh Phó sứ (Sở Văn hóa - Thể thao & du lịch)... Với vị trí thuận lợi về giao thông và phát triển kinh tế, văn hóa; thành phố Hải Dương đã trở thành một trong 4 thành phố quan trọng nhất của Bắc Kỳ thời ấy cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Nam Định. Tháng 3 năm 1947, nhà cầm quyền Pháp chia thành phố Hải Dương thành 2 quận, rồi sau đó một thời gian lại chuyển thành thị xã. Ngày 30 tháng 10 năm 1954, thị xã Hải Dương chính thức được đặt dưới quyền kiểm soát của chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Thị xã được chia làm 5 khu phố: Nguyễn Trãi, Phạm Ngũ Lão, Quang Trung, Trần Hưng Đạo, Trần Phú. Mỗi khu phố có một số đường phố và xóm nhỏ. Năm 1959, thị xã được tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng và quy hoạch đô thị với quy mô dân số từ 40.000 đến 50.000 người. Phố cổ Hàng Giày hình thành vào khoảng năm Tự Đức thứ 19 1866. Thời Pháp thuộc phố có tên Rue Des Cordonnier. Ngày nay phố mang tên Sơn Hòa. Ngày 26 tháng 1 năm 1968, thị xã Hải Dương được chọn làm tỉnh lỵ của tỉnh Hải Hưng mới thành lập[7]. Ngày 14 tháng 8 năm 1969, thị xã Hải Dương được sáp nhập thêm xã Ngọc Châu của huyện Nam Sách.[8]
Ngày 11 tháng 3 năm 1974, thành lập xã Hải Tân gồm có các thôn: Bảo Tháp, Phúc Duyên, Bá Liễu.[9]
Sau năm 1975, thị xã Hải Dương có 5 phường: Nguyễn Trãi, Phạm Ngũ Lão, Quang Trung, Trần Hưng Đạo, Trần Phú và 7 xã: Bình Hàn, Cẩm Thượng, Hải Tân, Ngọc Châu, Thanh Bình, Tứ Minh, Việt Hòa. Ngày 28 tháng 10 năm 1996, Chính phủ ban hành Nghị định 64/CP thành lập các phường Bình Hàn, Cẩm Thượng, Hải Tân, Ngọc Châu, Thanh Bình (trên cơ sở các xã có tên tương ứng) và tách một số khu dân cư của phường Trần Phú để thành lập phường Lê Thanh Nghị[10]. Từ ngày 6 tháng 11 năm 1996, thị xã trở lại là tỉnh lỵ tỉnh Hải Dương mới được tái lập[11]
Ngày 6 tháng 8 năm 1997, Chính phủ ban hành Nghị định 88/CP thành lập thành phố Hải Dương trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của thị xã Hải Dương[1]. Thành phố Hải Dương có 3.626,8 ha diện tích tự nhiên và 143.895 người với 13 đơn vị hàng chính trực thuộc, gồm 11 phường và 2 xã. Ngày 19 tháng 3 năm 2008, Chính phủ ban hành Nghị định 30/2008/NĐ-CP[12]. Theo đó:
Chuyển 4 xã Nam Đồng, An Châu, Ái Quốc, Thượng Đạt thuộc huyện Nam Sách; 2 xã Tân Hưng, Thạch Khôi thuộc huyện Gia Lộc; 63,92 ha diện tích tự nhiên và 1.000 người của xã Ngọc Sơn thuộc huyện Tứ Kỳ; 38,98 ha diện tích tự nhiên thị trấn Lai Cách thuộc huyện Cẩm Giàng về thành phố Hải Dương quản lý. Thành lập phường Tứ Minh trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số của xã Tứ Minh, 38,98 ha diện tích tự nhiên của thị trấn Lai Cách. Thành lập phường Việt Hòa trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số của xã Việt Hòa.
Điều chỉnh 63,92 ha diện tích tự nhiên và 1.000 người của xã Ngọc Sơn về phường Hải Tân quản lý. Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, thành phố Hải Dương có 7.138,60 ha diện tích tự nhiên và 187.405 người với 19 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm 13 phường và 6 xã. Ngày 17 tháng 5 năm 2009, thành phố Hải Dương được công nhận là đô thị loại II.[13]
Ngày 23 tháng 9 năm 2009, Chính phủ ban hành Nghị quyết về việc điều chỉnh địa giới hành chính phường và thành lập các phường Nhị Châu (tách ra từ phường Ngọc Châu) và Tân Bình (tách ra từ phường Thanh Bình) thuộc thành phố Hải Dương[14]. Thành phố Hải Dương có 15 phường và 6 xã. Ngày 29 tháng 12 năm 2013, Chính phủ ban hành Nghị quyết về việc thành lập các phường Ái Quốc và Thạch Khôi trên cơ sở các xã có tên tương ứng[15]. Thành phố Hải Dương có 17 phường và 4 xã. Ngày 17 tháng 5 năm 2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 580/QĐ-TTg công nhận thành phố Hải Dương mở rộng đạt tiêu chí đô thị loại I trực thuộc tỉnh Hải Dương.[2]
Ngày 16 tháng 10 năm 2019, Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 788/NQ-UBTVQH14 (nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1 tháng 12 năm 2019)[3]. Theo đó:
Chuyển 2 xã Gia Xuyên, Liên Hồng thuộc huyện Gia Lộc; 2 xã Quyết Thắng, Tiền Tiến thuộc huyện Thanh Hà và xã Ngọc Sơn thuộc huyện Tứ Kỳ về thành phố Hải Dương quản lý.
Điều chỉnh địa giới hành chính các phường: Bình Hàn, Cẩm Thượng, Hải Tân, Lê Thanh Nghị, Ngọc Châu, Nguyễn Trãi, Nhị Châu, Phạm Ngũ Lão, Quang Trung, Tân Bình, Thạch Khôi, Thanh Bình, Trần Hưng Đạo, Trần Phú, Tứ Minh, Việt Hòa và xã Tân Hưng. Chuyển 2 xã Nam Đồng và Tân Hưng thành 2 phường có tên tương ứng. Hợp nhất 2 xã An Châu và Thượng Đạt thành xã An Thượng. Thành phố Hải Dương có 25 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, gồm 19 phường và 6 xã như hiện nay.