Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi. Để tỏ lòng kính mến và quý trọng, nhân dân và sĩ phu Nam Kỳ thường gọi ông là Trương Công Định. Năm Thiệu Trị thứ 4 (1844), thân phụ Trương Định là Trương Cầm được phong chức Hữu thủy vệ úy lãnh binh tỉnh Gia Định. Ông theo cha vào Nam, sau đó lấy vợ và định cư ở vùng đất Gò Công, nay thuộc tỉnh Tiền Giang. Vào khoảng năm 1854, hưởng ứng chính sách khẩn hoang của Triều
đình, Trương Định xuất tiền của chiêu mộ dân nghèo, lập đồn điền ở Gia Thuận, được phong chức phó Quản cơ rồi sau đó bổ chức lên Quản cơ. Vì vậy ông còn được gọi là Quản Định. Tháng 9.1858, liên quân Pháp và Tây Ban Nha nổ súng tấn công bán đảo Sơn Trà (Đà Nẵng), chính thức mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.
Đầu năm 1859, sau khi kế hoạch "đánh nhanh thắng nhanh" ở miền Trung bị phá sản, quân Pháp chuyển hướng vào phía Nam, tấn công Bến Nghé, tức Sài Gòn, tỉnh thành tỉnh Gia Định. Trước tình hình này, Trương Định kịp thời đưa cơ binh của mình đóng ở Thuận Kiều (Gia Định) phối hợp hợp với quân Triều đình ngăn chặn giặc. Quân Pháp tấn công mạnh, quân Triều đình không cự nổi, Sài Gòn thất thế, Trương Định kéo quân về đóng ở Thuận Kiều, tiếp tục dùng chiến thuật đánh nhỏ, lẻ, bất ngờ quấy rối địch ở khắp ngoại thành Gia Định. Vang dội nhất là trận tấn công vào đồn giặc ở chùa Chợ Rẫy thuộc tuyến phòng thủ của quân Pháp ở ngoại thành Gia Định, cùng các trận đánh liên tiếp vào các vị trí ở Cần Giuộc, Thủ Dầu Một, Tây Ninh, Trảng Bàng…
Đầu năm 1861, sau khi khống chế được Triều đình Mãn Thanh và buộc Trung Quốc phải thi hành Hiệp ước Thiên Tân (ký ngày 27/6/1858), quân Pháp mở cuộc tấn công lớn vào đại đồn Chí Hòa, Trương Định lại đem quân phối hợp với quân đội của Nguyễn Tri Phương, Tổng thống quân vụ, Tổng chỉ huy quân đội nhà Nguyễn ở Gia Định và Nam Kỳ, để chống giặc. Ngày 25.2.1861, đại đội Chí Hòa thất thủ, quân triều đình rút về giữ Biên Hòa. Trương Định không theo họ mà thu quân về đóng giữ Tân Hòa (Gò Công) phối hợp cùng Tri huyện sở tại là Lưu Tấn Thiện và Thơ lại là Lê Quang Quyến trích trữ lương thảo, súng đạn, đắp đồn lũy, mộ thêm quân, xây dựng nơi đây thành căn cứ kháng chiến. Lúc này, phong trào chống Pháp ở Nam Bộ liên tục dâng cao với lực lượng nghĩa binh của Đỗ Đình Thoại, Âu Dương Lân, Nguyễn Xuân Hòa, Nguyễn Hữu Huân, Phan Văn Đạt, Phan Văn Trị, Hồ Huân Nghiệp, Võ Duy Dương, Nguyễn Thành Ý, Phan Trung... Riêng nghĩa quân Trương Định đã lên đến 6.000 người, hoạt động khắp vùng Mỹ Tho, Tân An, Chợ Lớn, Trảng Bàng... trải rộng từ phía biển lên tới biên giới Campuchia, trở thành địa bàn kháng Pháp mạnh nhất, lớn nhất vùng lục tỉnh. Phần nào thấy được vai trò của Trương Định, triều đình nhà Nguyễn phong cho ông chức Phó Lãnh binh Gia Định, và đến tháng 3.1862 lại cho kiêm chức Tổng chỉ huy đầu mục Gia Định. Trương Định chuyển đại bản danh về Gò Thượng, chỉ huy 18 cơ binh, liên tục mở những cuộc tấn công quấy rối và tiêu hao sinh lực địch, cướp súng về trang bị và đúc thêm súng mới. Nhưng cũng chính vào lúc giặc Pháp đang lúng túng trước sức mạnh của nghĩa quân thì vua Tự Đức và Cơ mật viện lại bị động trong việc tìm cách đối phó với quân xâm lược. Phan Thanh Giản nhận trách nhiệm Khâm sai đại thần cùng Lâm Duy Hiệp vào Nam xem xét tình hình và thương thảo với tướng Bonard, tổng chỉ huy liên quân Pháp và Tây Ban Nha đang đóng tại Sài Gòn. Lo sợ sức mạnh quân sự của giặc, lại thiếu tầm nhìn chiến lược và không đủ tin tưởng vào sức mạnh kháng chiến của nhân dân, Phan Thanh Giản, Lâm Duy Hiệp đã ký với Hòa ước Nhâm Tuất (5.6.1862) chấp nhận bãi binh, cắt 3 tỉnh miền Đông cho Pháp. Để gọi là "nghiêm chỉnh thi hành các điều ước" và mong Pháp trả lại tỉnh Vĩnh Long đã mất (25.3.1862), triều đình hạ lệnh cho Trương Định bãi binh và nhận chức lãnh binh An Hà (An Giang, Hà Tiên). Trong khi Trương Định còn dùng dằng suy nghĩ sau khi nhận chỉ dụ của triều đình thì những người ứng nghĩa biết tin đã vội vàng kéo đến bày tỏ nguyện vọng yêu cầu ông ở lại lãnh đạo kháng chiến. Cảm động trước tấm lòng của nhân dân, đồng thời nhận rõ hiểm họa đe dọa sự tồn vong của đất nước, Trương Định đã chấp nhận ở lại Gò Công, nhận chức "Bình Tây đại nguyên soái" do những người ứng nghĩa suy tôn, kiên quyết kháng chiến đến cùng. Như vậy là cuộc kháng chiến của Trương Định từ lúc này chuyển sang một giai đoạn mới, thoát ly khỏi triều đình, dựa vào nhân dân và cùng với nhân dân chống Pháp. Chỉ một thời gian ngắn, lực lượng của Trương Định phát triển rất nhanh, thu hút và liên kết chặt chẽ với các nhóm kháng chiến, các sĩ phu, văn thân yêu nước, trong đó có nhà thơ mù Nguyễn Đình Chiểu. Ngày 16.2.1862, Trương Định phát lệnh tổng công kích, phản công mạnh mẽ quân xâm lược trên khắp các mặt trận, thu nhiều thắng lợi khiến quân Pháp rơi vào thế bị động, liên tục bị uy khiếp. Thất vọng trong âm mưu chiêu dụ và lung lạc Trương Định, lại được nhận thêm viện binh và nhân lúc quân Triều đình án binh bất động, ngày 13.2.1863 quân Pháp tập trung quân mở cuộc tấn công lớn vào căn cứ của Trương Định. Nắm được ý đồ của giặc, Trương Định bố trí lại phòng ngự vững chắc ở Gò Công, Vĩnh Lợi, Đồng Sơn, đắp chắn các đập cản ở Lãng Lộc, Soài Rạp để ngăn đường tiến của địch, đồng thời tấn công vào nhiều căn cứ của chúng ở Gò Cây Mai, Thái Phước, Tuy Bình, An Long. Ngày 24.2 giặc chiếm được Gò Công và hội quân trước cửa Tân Hòa rồi đến sáng ngày 25.2 các cánh quân thủy bộ theo lệnh của Bonard tấn công dữ dội vào căn cứ nghĩa quân. Dưới sự chỉ huy của Trương Định, nghĩa quân chiến đấu liên tiếp trong 3 ngày với một tinh thần bình tĩnh, gan dạ phi thường. Cuối cùng, do quá chênh lệch về lực lượng, lại hết thuốc đạn, biết không giữ nổi, Trương Định rút về Rừng Sát, lúc bấy giờ là một rừng cây ven biển chạy từ Biên Hòa đến tận vùng Cần Đước thuộc tỉnh Gia Định. Sau một thời gian ngắn, Trương Định lại tập hợp lực lượng, xây dựng căn cứ ở Đám Lá Tối Trời. Giặc Pháp bao vây Đám Lá Tối Trời và truy kích quyết liệt nên Trương Định phải chuyển sang Lý Nhơn. Đến cuối năm 1863, Pháp lại đem quân đánh phá Lý Nhơn, nhưng nhờ gan dạ khéo léo ông lại thoát vây an toàn, trở lại Đám Lá Tối Trời gây dựng cơ sở kháng chiến. Thế nhưng, giữa lúc nghĩa quân Trương Định hoạt động mạnh trở lại thì tình hình chung ngày một xấu đi. Các cuộc khởi nghĩa khác ở Nam Kỳ đều bị đàn áp, phong trào bị thu hẹp và có nguy cơ tan rã. Trong khi đó, quân Pháp lại không phải đối phó với quân Triều đình do việc hiệp ước Nhâm Tuất đã được chính thức phê chuẩn (16.4.1863) nên dễ dàng tập trung binh lực để đàn áp các cuộc nổi dậy. Thêm nữa, lúc này lại có nạn hạn hán gây mất mùa nghiêm trọng ảnh huởng đến việc cung cấp lương thực cho nghĩa quân.Tháng 2 năm 1863, nhờ có viện binh, Pháp phản công tại Biên Hòa, Chợ Lớn, bao vây Gò Công. Ngày 26 tháng 2 năm 1863, quân Pháp mở cuộc càn quết lớn, đánh chiếm căn cứ nghĩa quân, Trương Định thoát khỏi vòng vây, kéo quân về Biên Hòa. Tháng 9 năm 1863, Lagrandière sang thay Bonard, mở cuộc càn quét thứ hai, bắt được vợ con và một số tùy tùng của Trương Định. Vào giữa năm 1864, Trương Định chuẩn bị một đợt tấn công mới nhằm đánh chiếm lại Tân Hòa. Tiếc thay, kế hoạch lớn đó chưa thực hiện được thì xảy ra việc quân Pháp đánh úp nghĩa quân đêm 19 rạng ngày 20 tháng 8.1864. Mặc dù quân ít, lại bị đánh bất ngờ Trương Định và các nghĩa quân vẫn chiến đấu dũng cảm, chống trả mãnh liệt. Rạng sáng ngày 20.8.1864 trong khi đang chiến đấu thì Trương Định bị trọng thương. Biết không thoát khỏi tay giặc, ông rút gươm tự sát để bảo toàn khí tiết anh hùng. Trương Định là hình ảnh tiêu biểu của nhân dân Gò Công, của nhân dân Nam Bộ bất khuất chống giặc Pháp xâm lược vào thời điểm chúng vừa đặt chân lên đất nước ta. Ông cũng là người con ưu tú, góp phần làm rạng rỡ quê hương Quảng Ngãi kiên cường. Có một câu chuyện về những năm tháng kháng chiến kiên cường của nghĩa quân Gò Công - Nam Kỳ đã được ghi vào Quốc sử, mà ý nghĩa còn nhắc chúng ta nhiều điều. Đó là sự kiện diễn ra không lâu sau ngày Lãnh binh Trương Định thuận theo lòng dân dựng cờ kháng Pháp. Từ triều đình Huế, ông Trương Đăng Quế, một bậc đệ nhất công thần nhà Nguyễn, người cầm đầu phe chủ chiến, đã tấu trình vua Tự Đức cử Biện lý Bộ binh Đỗ Thúc Tịnh nhận chức Khâm phái quân vụ, mang sứ mệnh vào Nam hỗ trợ Trương Định và các nhóm nghĩa binh chống Pháp. Tiếc thay, khi sự phối hợp bí mật và hiệu quả đang được xúc tiến thì ông Đỗ Thúc Tịnh lâm bệnh, từ trần vào năm 1862. Tuy Thạnh quận công, Thái sư Trương Đăng Quế và Anh hùng dân tộc Trương Định là những người cùng quê - làng Tư Cung, huyện Bình Sơn, nay thuộc xã Tịnh Khê, TP. Quảng Ngãi. Khâm phái quân vụ, tiến sỹ Đỗ Thúc Tịnh cũng là người huyện Hoà Vang, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, nhưng quê gốc ở phủ Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Các bậc thức giả đương thời đã kịp nhận ra dụng ý của đại thần Trương Đăng Quế trong việc tiến cử người đảm nhận trọng trách hỗ trợ quân kháng chiến Trương Định và hành động tự nguyện xin vào Nam chống Pháp của Biện lý Bộ Binh Đỗ Thúc Tịnh. Vì nghĩa cả mà toan lo đại sự quốc gia, nhưng sâu thẳm tâm tư của ba nhân vật Trương Đăng Quế, Trương Định, Đỗ Thúc Tịnh có ẩn mối tình riêng giữa những người đồng châu, đồng quận. Nói rằng có tình quê hương trong tình non nước là vì vậy. Về đời tư, Trương Định có 2 người vợ. Bà vợ đầu tên Lê Thị Thưởng, là con gái một hào phú ở huyện Tân Hòa, Gò Công. Bà và Trương Định kết hôn năm nào không rõ, nhưng theo sử sách thì vào năm 1854 nhờ sự trợ giúp của gia đình bên vợ, Trương Định xuất tiền của, chiêu mộ dân nghèo lập đồn điền Gia Thuận.