04/11/2024
Phát huy hiệu quả phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trong đồng bào các tôn giáo trên địa bàn tỉnh
Tại Quảng Bình hiện nay có 2 tôn giáo được phép hoạt động là Phật giáo và Công giáo. Công giáo hiện có hơn 11 vạn tín đồ, chiếm 12,2% dân số toàn tỉnh; Phật giáo có khoảng 8 nghìn tín đồ, chiếm khoảng 0,56% dân số toàn tỉnh. Tình hình hoạt động tôn giáo trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực, đi vào nền nếp, các sinh hoạt tôn giáo diễn ra bình thường, thuần túy. Bà con trong các tôn giáo luôn đoàn kết xây dựng văn hóa cộng đồng dân cư thông qua việc làm cụ thể, như: Xây dựng đường làng, ngõ xóm sạch đẹp, bài trừ các hủ tục lạc hậu, hoàn thành tốt các chỉ tiêu phòng, chống tội phạm, xây dựng thiết chế văn hóa khang trang… Chính tất cả những điều đó đã khơi dậy tính gắn kết giữa đồng bào các tôn giáo trên địa bàn.
Thực hiện Chỉ thị số 09/CT-BCA-V28, ngày 19/8/2014 của Bộ Công an, Công an tỉnh đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 31-CT/TU, ngày 31/12/2014 về “Đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ) trong đồng bào các tôn giáo”, từ đó đến nay, phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trong đồng bào các tôn giáo trên địa bàn tỉnh ngày càng được củng cố và nâng lên tầm cao mới, góp phần ổn định an ninh trật tự (ANTT), tạo tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Với những mô hình, nội dung cụ thể thiết thực được xây dựng đã và đang phát huy tác dụng, trở thành hoạt động tự giác của cán bộ, nhân dân và chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo.
Nhiều mô hình được xây dựng, triển khai đạt hiệu quả cao cả về chiều rộng và chiều sâu, đã phát huy tác dụng tốt, như: “Xứ họ đạo bình yên, gia đình hòa thuận”; “Họ đạo bình yên, gia đình giáo dân gương mẫu”; “Phụ nữ công giáo 4 không”; “Họ giáo an ninh, văn minh tiên tiến”; “Khu giáo dân 6 không, 3 phòng”; “Giáo xứ tự quản về ANTT”… Đặc biệt, có 5 mô hình về phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ tại Quảng Bình được Bộ Công an thông báo nhân rộng trên toàn quốc, trong đó có 3 mô hình liên quan đến vùng đồng bào các tôn giáo.
Ngoài các mô hình trên, thông qua thực hiện các nghị quyết liên tịch, kế hoạch liên ngành giữa Công an với các ngành, đoàn thể về bảo đảm ANTT, xuất hiện nhiều mô hình hoạt động phong phú khác, có tác dụng thúc đẩy phong trào phát triển, như: Câu lạc bộ “Tìm hiểu pháp luật” của Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh; Câu lạc bộ “Nuôi con khỏe, dạy con ngoan”, “Gia đình không có chồng con vi phạm pháp luật” của Hội Phụ nữ…
Qua 10 năm thực hiện, cấp ủy, chính quyền, lực lượng Công an và các sở, ban, ngành, đoàn thể đã làm tốt công tác tuyên truyền bằng các hình thức linh hoạt, phát huy tác dụng, hiệu quả. Hàng trăm buổi tuyên truyền đã được tổ chức với hàng trăm nghìn lượt người tham gia; phát 12.000 tờ rơi; 1.685 băng rôn, khẩu hiệu; xây dựng hàng chục chuyên mục, tin, bài phát trên các phương tiện thông tin, đại chúng; tổ chức ký cam kết bảo vệ ANTT trong các khu dân cư và hộ gia đình…
Nhờ vậy, đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm công dân, tình yêu quê hương, đất nước của đồng bào các tôn giáo; bảo đảm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được thực hiện hiệu quả; chú trọng phòng ngừa, đẩy lùi các loại tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật và hành vi xâm hại thuần phong, mỹ tục của dân tộc. Nâng cao nhận thức, ý thức cảnh giác và tính chủ động của đồng bào các tôn giáo trong phát hiện, tố giác tội phạm, nhất là phát hiện, đấu tranh với các âm mưu, hoạt động lợi dụng tôn giáo xâm phạm an ninh quốc gia; tạo sự đồng thuận, đoàn kết trong xã hội trên cơ sở tôn trọng pháp luật; đoàn kết trong đồng bào các tôn giáo, đoàn kết giữa các tôn giáo, đoàn kết giữa đồng bào tôn giáo và đồng bào không theo tôn giáo. Đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, phản động và các loại tội phạm kích động, lợi dụng tôn giáo chống phá cách mạng, gây mất ổn định chính trị, xã hội.
Đồng bào các tôn giáo đã tự giác, phát hiện, cung cấp cho lực lượng Công an và cơ quan chức năng trên 2.500 nguồn tin có liên quan đến ANTT giúp lực lượng Công an điều tra làm rõ 700 vụ việc, xóa 9 tụ điểm phức tạp về ANTT, 9 nhóm tội phạm và tệ nạn xã hội. Xử lý theo pháp luật 273 trường hợp. Quần chúng nhân dân trực tiếp kiểm điểm và tham gia quản lý giáo dục 320 đối tượng vi phạm pháp luật; giúp lực lượng Công an bắt 25 đối tượng có lệnh truy nã; tham gia giải quyết, hòa giải thành công 86% số vụ việc về ANTT và những mâu thuẫn nhỏ xảy ra ở khu dân cư; giao nộp hàng trăm vũ khí tự tạo, hàng chục ki-lô-gam thuốc nổ. Có 100% hộ gia đình ký cam kết thực hiện Luật Giao thông đường bộ, cam kết xây dựng gia đình văn hóa không có tội phạm, tệ nạn ma túy với chính quyền, đoàn thể.
Điều thấy rõ nhất, là vào dịp các ngày lễ lớn, sự kiện chính trị, Tết cổ truyền của dân tộc và sự kiện quan trọng của các tổ chức tôn giáo, các con đường làng, ngõ xóm tại các giáo xứ, giáo họ và các gia đình đã khoác lên màu cờ đỏ sao vàng rực rỡ, thể hiện tinh thần yêu nước, nguyện sống “tốt đời, đẹp đạo” của bà con giáo dân. Tất cả đều có chung một tình yêu với Tổ quốc, với đất nước. Đặc biệt hơn, khi ở nhiều địa bàn, tôn giáo đóng vai trò góp phần nâng cao tính tự quản của cộng đồng, ý thức trách nhiệm công dân, góp phần bài trừ các tập tục lạc hậu, tăng cường đoàn kết trong nhân dân, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở vùng đồng bào các tôn giáo.
Để đẩy mạnh hơn nữa phong trào toàn dân bảo vệ ANTT trong đồng bào các tôn giáo, thời gian tới, cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm sau:
Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TW, ngày 1/12/2011 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trong tình hình mới”; tổ chức quán triệt và thực hiện Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan về công tác tôn giáo trong tình hình mới.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo. Nâng cao ý thức cảnh giác cho nhân dân về thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch, các loại tội phạm, tệ nạn xã hội; đặc biệt là các thủ đoạn lợi dụng tôn giáo để đe dọa, ngăn cản tín đồ tôn giáo thực hiện quyền tự do và nghĩa vụ công dân của mình, kích động lôi kéo giáo dân thực hiện vi phạm quy định pháp luật.
Có kế hoạch đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội toàn diện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; nâng cao dân trí, động viên đồng bào các tôn giáo sống “tốt đời, đẹp đạo”. Quan tâm giải quyết kịp thời, thỏa đáng nhu cầu tín ngưỡng và các nhu cầu dân sinh chính đáng của nhân dân theo quy định pháp luật.
Chú trọng xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, xây dựng đội ngũ cán bộ cốt cán trong đồng bào các tôn giáo có phẩm chất và bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ văn hóa, chuyên môn cao làm nòng cốt cho phong trào trong đồng bào các tôn giáo. Đẩy mạnh công tác phát triển Đảng, xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong đồng bào các tôn giáo, nhất là vùng yếu, thiếu đảng viên.
Tăng cường cán bộ cho công tác tôn giáo, bố trí cán bộ chuyên trách làm công tác tôn giáo các cấp là những người có trình độ, năng lực, tinh thần trách nhiệm, nhạy bén, linh hoạt, có uy tín và kiến thức sâu về lĩnh vực tôn giáo, có khả năng vận động quần chúng giáo dân. Bồi dưỡng kiến thức, phổ cập tình hình, phổ biến kinh nghiệm nâng cao kiến thức năng lực và quan tâm chế độ, chính sách đối với cán bộ trực tiếp trong đồng bào các tôn giáo.
Công tác quản lý nhà nước về hoạt động tôn giáo cần tăng cường, tạo điều kiện tốt nhất cho giáo dân thực hiện hoạt động tôn giáo thuần túy. Kịp thời phát hiện, xử lý triệt để các hoạt động vi phạm trong lĩnh vực tôn giáo ngay tại cơ sở khi mới bắt đầu, không để phức tạp, lan rộng kéo dài.
Nội dung, hình thức vận động quần chúng tiếp tục đổi mới, coi trọng và nâng cao chất lượng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ. Sơ kết, tổng kết nhân rộng những mô hình, điển hình phong trào đang phát huy tác dụng, biểu dương, khen thưởng kịp thời điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ nói chung, trong đồng bào các tôn giáo nói riêng.
Đại tá Lê Văn Hóa
Phó Giám đốc Công an tỉnh