27/11/2024
Không thể phủ nhận quyền tự do và dân chủ ở Việt Nam
Thời gian qua, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có một số bài nói, bài viết, bài giảng đề cập đến “kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.
Theo Tổng Bí thư: Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, đó là kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên giàu mạnh dưới sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu. Mọi người dân đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, được hỗ trợ phát triển, làm giàu; đóng góp ngày càng nhiều cho hoà bình, ổn định, phát triển của thế giới, hạnh phúc của nhân loại và văn minh toàn cầu…
Thế nhưng, một số tổ chức phản động như Việt Tân, đài VOA tiếng Việt, RFA, RFI cũng như một số trang mạng xã hội của các tổ chức phản động trong và ngoài nước… lại vẫn chiêu bài cũ, cố tình xuyên tạc, bóp méo quan điểm, chỉ đạo, định hướng của Tổng Bí thư Tô Lâm về “kỷ nguyên mới”, nhất là vấn đề tự do của con người, dân chủ của xã hội.
Cụ thể, gần đây, tổ chức phản động Việt Tân cho rằng: “Kỷ nguyên mới, vươn mình, tinh, gọn mà không: "Tự do cho con người. Dân chủ cho xã hội thì chỉ đáng vứt vào thùng rác lịch sử”; hay: “Chỉ có tư bản mới để dân được làm những thứ không cấm chứ ở Việt Nam “văn minh” thì dân chỉ được làm những thứ mà đảng cho phép…” để thấy rõ âm mưu, thủ đoạn của chúng.
Đây không phải lần đầu các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề tự do của con người, dân chủ của xã hội để bóp méo, xuyên tạc; luận điệu này được chúng “nhai đi, nhai lại” nhằm mục đích chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Trước thông điệp mạnh mẽ của Tổng Bí thư Tô Lâm về “kỷ nguyên vươn mình”, khiến chúng “đứng ngồi không yên” nên cố tình rêu rao, xuyên tạc để bóp méo sự thật, lái vấn đề theo chiều hướng tiêu cực và ý thức chủ quan của chúng.
Trước đó, các thế lực thù địch cũng thường xuyên bịa đặt về tình trạng tự do ngôn luận, nhân quyền, dân chủ ở Việt Nam, chúng rêu rao rằng: “Không có dân chủ trong chế độ một Đảng Cộng sản duy nhất cầm quyền”; “Việt Nam không có dân chủ, nhân quyền”; “Việt Nam thiếu văn hóa dân chủ, không có dân chủ, hạn chế quyền riêng tư của công dân”; “Việt Nam vi phạm nghiêm trọng quyền con người”,…
Thực tế, Đảng, Nhà nước ta luôn đặt quyền tự do, dân chủ của công dân lên hàng đầu, sự tôn trọng và đảm bảo được quy định rõ trong Hiến pháp và các quy định của pháp luật.
Cụ thể, quyền tự do dân chủ của công dân được quy định trong Hiến pháp năm 2013, bao gồm: Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào; quyền tự do ngôn luận; quyền tự do báo chí; quyền tiếp cận thông tin; quyền hội họp; quyền tự do lập hội; quyền biểu tình và các quyền tự do dân chủ khác, như: Quyền được bầu cử, quyền ứng cử, quyền khiếu nại, tố cáo, quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước.
Tuy nhiên, các quyền tự do cơ bản trên được thực hiện theo nguyên tắc trong khuôn khổ quy định của pháp luật. Trong đó, khi thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, công dân phải tuân thủ các quy định của pháp luật nhằm bảo vệ chế độ xã hội, bảo vệ nhà nước và không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của quốc gia, dân tộc và của người khác.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Dân chủ là của quý báu nhất của Nhân dân”, là lợi ích thiết thực của Nhân dân, là động lực thúc đẩy Nhân dân hành động vì đất nước, vì dân tộc. Người đã sớm nhận thức bản chất, vai trò của dân chủ. “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân... Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”
Thấm nhuần quan điểm “dân là chủ”, “dân làm chủ” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta không chỉ xác định vị thế, tư cách chủ thể xã hội là của Nhân dân, “dân là gốc”, mà quan trọng hơn, bản chất của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa là phải làm cho Nhân dân được hưởng quyền làm chủ và có năng lực, phương pháp, bản lĩnh làm chủ trên thực tế... khi đó, dân chủ trở thành động lực để xây dựng, phát triển đất nước.
Và theo cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Không phải có nhiều đảng thì dân chủ hơn, ít đảng thì ít dân chủ hơn, mỗi nước có hoàn cảnh, điều kiện lịch sử cụ thể khác nhau, điều quan trọng là xã hội có phát triển không, Nhân dân có được hưởng cuộc sống ấm no, hạnh phúc không và đất nước có ổn định để ngày càng phát triển đi lên không? Đó là tiêu chí quan trọng nhất”.
Đại hội XIII, Đảng ta rút ra một trong những bài học sâu sắc là: “Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của Nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân, dựa vào Nhân dân để xây dựng Đảng; củng cố và tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa”.
Thành tựu gần 40 năm đổi mới, với việc lựa chọn con đường phát triển đúng trọng tâm, phù hợp quy luật phát triển, từ một nước nông nghiệp, lạc hậu, nghèo nàn, quy mô nền kinh tế nhỏ bé, với GDP chỉ 26,3 tỷ USD trong những năm đầu đổi mới, Việt Nam đã ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp từ năm 2008; quy mô nền kinh tế đạt 430 tỷ USD, đứng thứ 35 trong top 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Từ một nền kinh tế đóng cửa, khép kín, Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 22 toàn cầu. Đời sống Nhân dân được nâng lên, người dân được thụ hưởng các quyền con người…
Với những thành tựu đạt được càng củng cố thêm niềm tin của người dân đối với Đảng. Để rồi, từ niềm tin đó, sự đoàn kết, sự đồng lòng, đồng sức của người dân cả nước trên mọi mặt trận, từ chính trị, kinh tế, văn hoá xã hội đến an ninh quốc phòng lại được phát huy cao độ, để tạo nền móng vững chắc, tạo đà cho đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Đồng thời, đó cũng là minh chứng rõ nét về quyền con người ở Việt Nam và rằng bản chất của một nền dân chủ không phụ thuộc vào chế độ đa đảng hay một đảng và đối với Việt Nam dưới sự lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam, nền dân chủ trong xã hội không những không bị mất đi, không bị hạn chế mà còn được bảo đảm, được phát huy sâu rộng trong thực tế.