Toàn dân Đan Phượng-Lâm Hà bảo vệ ANTQ

Toàn dân Đan Phượng-Lâm Hà bảo vệ ANTQ Hãy chung tay đảm bảo ANTT
(1)

20/05/2024

Cảnh báo về các bẫy lừa đảo trên không gian mạng
Theo số liệu thống kê từ Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Gia Lai, từ ngày 16/12/2023 đến hết tháng 4/2024, cơ quan chức năng phát hiện 28 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng với tổng thiệt hại hơn 9 tỷ đồng. Mặc dù cơ quan chức năng liên tục cảnh báo về các thủ đoạn lừa đảo nhưng vẫn xuất hiện nhiều nạn nhân mới.
Đầu tháng 4/2024, anh P. ở huyện Chư Sê, Gia Lai đến cơ quan Công an trình báo bị mất 678 triệu đồng vì làm theo lời một đối tượng giả danh Công an. Đối tượng này gọi điện, yêu cầu anh P. cập nhật thông tin căn cước công dân bằng cách truy cập vào link dẫn đến một trang web giả mạo dịch vụ công để chiếm quyền sử dụng điện thoại của anh P rồi rút toàn bộ số tiền trong tài khoản của nạn nhân.
Trình báo tại cơ quan Công an, anh P. chia sẻ: “Do phần mềm có giao diện gần giống với giao diện “Dịch vụ công trực tuyến” thật của Bộ Công an nên tôi hoàn toàn tin tưởng và thực hiện các thao tác theo hướng dẫn. Khi cài đặt, phần mềm yêu cầu toàn quyền truy cập điện thoại của tôi, tôi cũng không nghi ngờ gì. Tiếp đó các đối tượng yêu cầu tôi chuyển khoản 12 nghìn đồng vào tài khoản có tên là “Quỹ bảo trợ trẻ em VN”. Tôi vừa thực hiện xong thì ngay lập tức tài khoản ngân hàng của tôi báo toàn bộ số tiền trong tài khoản của tôi đã bị chuyển sang tài khoản khác. Lúc đó tôi mới biết mình bị lừa”.
Một số thủ đoạn gần đây của tội phạm lợi dụng công nghệ cao để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản là: giả danh (giả danh lãnh đạo, cơ quan pháp luật, nhân viên ngân hàng, cán bộ viễn thông, bảo hiểm xã hội, công ty tài chính, v.v…); hack facebook, zalo; gọi điện khủng bố; lừa đảo trúng thưởng; bẫy tình trên mạng xã hội; mua bán hàng trực tuyến, làm việc qua ứng dụng lạ, v.v...
Các đối tượng triệt để lợi dụng khoa học, công nghệ và những kẽ hở trong công tác quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực internet, viễn thông, tài chính, ngân hàng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Mặt khác, một bộ phận người dân không tìm hiểu, cập nhật các phương thức, thủ đoạn mới của loại tội phạm này nên dễ dàng bị các đối tượng tiếp cận, thao túng tâm lý, lợi dụng lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Có người chậm trình báo cho cơ quan chức năng, khiến cho việc xác minh, điều tra, nhất là phối hợp các ngân hàng phong tỏa nguồn tiền, thu hồi tài sản và xác minh, truy vết đối tượng trên không gian mạng gặp nhiều trở ngại.
Tại huyện Kông Chro, lực lượng Công an đã tiếp nhận nhiều lượt tin nhắn nhờ tư vấn hoặc trình báo vụ việc liên quan đến lừa đảo trúng thưởng. Hầu hết nạn nhân đều hoang mang, lo lắng vì đã tin và làm theo hướng dẫn của những đối tượng lạ, khiến họ mất khoản tiền lớn nhưng không hề nhận được bất cứ phần thưởng nào. Thậm chí, có người còn vay mượn tiền của người thân, bạn bè để chuyển tiền cho đối tượng lạ với mong muốn nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ để nhận thưởng theo hướng dẫn.
Cụ thể như trường hợp anh T. (trú ở xã Kông Yang, huyện Kông Chro, Gia Lai) đã mất hơn 60 triệu đồng vì bị lừa đảo trúng thưởng. Vào tháng 1/2024, anh T. nhận được 1 cuộc gọi từ số điện thoại lạ thông báo anh T là 1 trong 5 khách hàng may mắn trúng 1 xe máy SH trị giá hơn 100 triệu đồng từ chương trình tri ân khách hàng nhân dịp cuối năm của công ty mua sắm trực tuyến có trụ sở đặt tại TP. Hồ Chí Minh. Đối tượng này và yêu cầu anh T đặt mua 3 sản phẩm theo hướng dẫn của các đối tượng để nhận mã trúng thưởng và làm hồ sơ trúng thưởng (tổng trị giá 10,1 triệu đồng). Sau đó các đối tượng tiếp tục yêu cầu anh T. chuyển tiền để thuê vận chuyển, nộp thuế tổng cộng 54 triệu đồng, cam kết sẽ hoàn lại toàn bộ số tiền này cùng với giải thưởng sau khi anh T. nhận được phần thưởng.
Tương tự anh T., chị M. (trú tại xã Chơ Glong, huyện Kông Chro) cũng là nạn nhân của trò lừa trúng xe SH với tổng số tiền thiệt hại hơn 1 triệu đồng. Rất may, chị M. đã nâng cao cảnh giác, tỉnh táo gọi điện nhờ tư vấn. Chị M. cho biết: “Sau khi liên tục nhận yêu cầu chuyển tiền, tôi sinh nghi nên đã gọi điện hỏi người quen và cơ quan Công an để được hướng dẫn. Sau đó tôi chặn cuộc gọi từ các đối tượng chứ số tiền bị lừa có lẽ không dừng ở đó”.
Để tránh rơi vào bẫy lừa cài đặt phần mềm dịch vụ công giả mạo, Công an tỉnh Gia Lai khuyến cáo người dân cần nhận diện đặc điểm chung của các hình thức lừa đảo để nâng cao cảnh giác. Không làm việc, cung cấp thông tin cá nhân hoặc làm theo các yêu cầu thông qua điện thoại. Tuyệt đối không truy cập các link nhận được qua tin nhắn hoặc cài đặt ứng dụng không rõ nguồn gốc. Không lưu thông tin bảo mật dịch vụ ngân hàng trên điện thoại thông minh.
Tuyệt đối không cấp quyền hỗ trợ (Accessibility), bởi tất cả các ứng dụng của ngân hàng, thuế hay bất kỳ cơ quan nào khác đều không yêu cầu quyền này. Nếu nghi ngờ bị lừa, cần liên hệ ngay với cơ quan Công an để được hỗ trợ; ngay lập tức tắt wifi, dữ liệu di động; tháo sim, tắt nguồn điện thoại để ngăn chặn việc đối tượng chiếm quyền truy cập trái phép hoặc đọc mã OTP ngân hàng gửi về điện thoại. Trong trường hợp không thể tắt nguồn thì tắt thiết bị phát sóng wifi hoặc di chuyển ra xa khoảng cách bắt tín hiệu wifi để ngắt hoàn toàn kết nối với đối tượng.

20/05/2024
10/05/2024

BÀI TUYÊN TRUYỀN PHÒNG CHỐNG TAI NẠN ĐUỐI NƯỚC Ở TRẺ EM
Kính gửi: Nhân dân các dân tộc trên địa bàn xã Đờn;

Các ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường đóng chân trên địa bàn xã Đạ Đờn, huyện Lâm Hà;

Ban nhân dân các thôn.
Thời gian vừa qua, tình trạng học sinh bị đuối nước liên tiếp xảy ra ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước: …Đuối nước đã và đang trở thành vấn đề nóng bỏng được dư luận quan tâm. Hiện đang chuẩn bị bước và kỳ nghỉ hè dài ngày củacác trường học, mùa mưa chuẩn bị đến, các ao, hồ, sông suối sẽ dâng cao, đây là những yếu tố và nguyên nhân sẽ dẫn đến các vụ việc đuối nước thương tâm và đau lòng. Để nâng cao ý thức tự bảo vệ sức khỏe tính mạng cho người dân tránh những vụ việc tương tự xảy ra như trong thời gian qua,Công an xã Đạ Đờn tuyên truyền những nội dung trọng tâm sau:
1. Nguyên nhân gây đuối nước:
- Nguyên nhân đuối nước hay xảy ra đối với trẻ lớn tuổi do bản tính hiếu động, tò mò; đối với trẻ nhỏ do tính thích nghịch nước hoặc do sự bất cẩn của gia đình. Cho dù trẻ em không biết bơi lội hay biết bơi lội nhưng do sự chủ quan nên cũng không lường trước hết được sự nguy hiểm của tai nạn.
- Ngoài ra, môi trường sống chung quanh cũng luôn luôn có những yếu tố nguy cơ rình rập gây nên tai nạn đuối nước cho trẻ em như chậu nước, chum vại, bể nước, giếng nước... không có nắp đậy an toàn; sông, hồ, suối, ao nước... không được rào chắn và có biển báo nguy hiểm. Hơn nữa, tình trạng xây dựng các công trình, đào bới khai thác cát, đất đá tràn lan, sự vô ý thức của con người... đã để lại các hố ao sâu gây nguy hiểm như hố vôi tôi, hố lấy đất làm gạch ngói, hố lấy cát, hố lấy nước tưới hoa màu… không có hàng rào cũng là những nơi dễ gây nên tai nạn đuối nước.
- Tai nạn do đuối nước có thể xảy ra trong các trường hợp: ngạt nước, những người không biết bơi ngã xuống nước, hoặc trẻ em ngã cắm đầu vào chậu nước hay bồn tắm; ngất đột ngột khi vừa tiếp xúc với nước; lặn sâu dưới nước khi hết hơi không ngoi lên kịp bị ngạt; bơi quá mệt, cơ thể mất nhiệt do nước lạnh, bị chuột rút rồi ngất đi,...
2. Phòng tránh tai nạn đuối nước:
- Tránh xa những nơi sông nước nguy hiểm như: Không nên rủ nhau đi tắm ao, hồ, sông suối … trong khi không biết bơi. Không nên đi lại, chơi gần những nơi như: ao, hồ, sông suối hoặc bể nước, cống rãnh, miệng giếng… không có nắp đậy. Các hố ao sâu gây nguy hiểm cho trẻ em như hố vôi tôi, hố lấy đất làm gạch ngói, hố lấy cát, hố lấy nước tưới hoa màu… cần phải tránh xa.
- Trẻ em tắm bể bơi, tắm biển, tắm sông nên mặc áo phao và phải có cha mẹ hoặc người lớn đi cùng để trông coi.
3. Xử lí khi gặp tai nạn đuối nước:
- Khi phát hiện thấy người bị rơi ngã xuống nước, cần hô hoán, kêu gọi mọi người đến ứng cứu, giúp đỡ ngay từ khi nhìn thấy nạn nhân. Tuyệt đối không được nhảy theo cứu nạn nhân nếu mình không biết bơi và không biết cách cứu đuối vì bản thân mình cũng có thể bị đuối nước.

- Nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi nước bằng cách đưa cánh tay, cây sào dài cho nạn nhân nắm, ném phao có buộc dây thừng... và kéo nạn nhân lên bờ một cách an toàn. Có thể ném một sợi dây dai, chắc... từ bờ để nạn nhân túm lấy được dây thừng và kéo nạn nhân vào bờ, hoặc cùng với mọi người vớt nạn nhân lên…
- Đặt nạn nhân nằm chỗ thoáng khí.
- Nếu nạn nhân bất tỉnh, kiểm tra xem còn thở không bằng cách quan sát chuyển động của lồng ngực:
+ Nếu lồng ngực không chuyển động tức là nạn nhân ngưng thở, hãy thổi ngạt miệng qua miệng. Sau đó kiểm tra mạch cổ, mạch bẹn xem có đập không; nếu không bắt được mạch tức là nạn nhân đã ngưng tim, phải ấn tim ngoài lồng ngực ở nửa dưới xương ức. Phối hợp ấn tim và thổi ngạt liên tục trên đường chuyển nạn nhân tới cơ sở y tế.
+ Nếu nạn nhân còn thở được, hãy đặt nạn nhân nằm nghiêng một bên để chất nôn dễ thoát ra.
- Cởi bỏ quần áo ướt, giữ ấm bằng cách đắp lên người nạn nhân tấm khăn khô.
- Nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế ngay cả khi nạn nhân có vẻ bình thường hoặc đã hồi phục hoàn toàn sau sơ cứu vì nguy cơ khó thở thứ phát có thể xảy ra vài giờ sau khi ngạt nước…Trên đây là những điều chúng ta nên biết về cách phòng tránh tai nạn đuối nước, rất mong người dân, các bậc phụ huynh và các em học sinh hãy quan tâm hơn nữa đến vấn đề này, để tránh những rủi ro đáng tiếc xảy ra cho bản thân và những người thân trong gia đình về tai nạn đuối nước.

09/05/2024

Công an huyện Lâm Hà bắt giữ đối tượng phạm tội Cố ý gây thương tích sau nhiều ngày bỏ trốn khỏi địa phương
👮🏻👮🏻👮🏻
Ngày 19/4/2024, Cơ quan CSĐT Công an huyện Lâm Hà ra các quyết định: Khởi tố vụ án hình sự, Khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Phạm Kim Khánh sinh năm: 1996, nơi cư trú: TDP Ryông Sre, TT Đinh Văn, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng với các tội danh “Cố ý gây thương tích” và “Huỷ hoại tài sản”.

Được biết vào khoảng 20h00 ngày 20/01/2024, khi bà Phạm Thị Mã, SN: 1960 và chồng là ông Phạm Văn Tiến, SN: 1960, cùng trú tại TDP Ryông Sre, Đinh Văn, Lâm Hà đang ở nhà thì Phạm Kim Khánh (con trai ông bà Tiến, Mã), SN: 1996, HKTT: TDP Ryông Sre, Đinh Văn, Lâm Hà đập phá một số tài sản dưới bếp. Nghe tiếng ồn ào, ông Tiến đi xuống thì bị Khánh dùng 01 con dao dài 52.5cm, cán nhựa màu trắng ném về phía ông Tiến, sau đó Khánh tiếp tục đi ra ngoài cầm gạch đá ném vào nhà và bỏ trốn. Hậu quả: Ông Tiến bị vỡ xương khuỷu tay phải đưa đi cấp cứu. Tài sản hư hỏng gồm: vỡ mặt kính máy lọc nước, vỡ 03 tấm kính cường lực, cong vênh 01 cửa phòng ngủ, 01 ghế nhựa và 01 lu nước bằng đất nung.

Sau khi gây án, đối tượng Phạm Kim Khánh đã bỏ trốn khỏi địa phương nơi cư trú. Qua công tác nắm tình hình, Công an huyện Lâm Hà phát hiện đối tượng Phạm Kim Khánh đang lẩn trốn tại xã Rô Men, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng.

Vào lúc 19h ngày 07/05/2024 Công an huyện Lâm Hà phối hợp với Công an xã Liêng Sronh, huyện Đam Rông tiến hành bắt giữ đối tượng Phạm Kim Khánh theo lệnh bắt bị can để tạm giam của Cơ quan CSĐT Công an huyện Lâm Hà./.


17/04/2024

THÔNG BÁO
PHƯƠNG THỨC THỦ ĐOẠN HOẠT ĐỘNG
PHẠM TỘI CỦA ĐỐI TƯỢNG

Thời gian gần đây trên địa bàn huyện Lâm Hà xuất hiện đối tượng tự xưng tên “Trường”. Đối tượng dùng số sim rác gọi điện đến một số người dân có nhu cầu mua sắt xây dựng để sử dụng với giá rẻ. Do giá sắt “Trường” đưa ra rẻ hơn nhiều so với giá thị trường nên người dân đồng ý mua của “Trường”. Sau đó đối tượng gọi điện thoại đến cửa hàng sắt tại địa bàn thị trấn Đinh Văn - Lâm Hà, Đức Trọng để đặt hàng và yêu cầu cửa hàng giao sắt đến người dân có nhu cầu mua. Khi cửa hàng giao sắt tới người mua thì người mua thấy tin tưởng “Trường” giao sắt tới nên chuyển khoản tiền về tài khoản của “Trường”. Sau khi người mua chuyển tiền thì “Trường” cắt liên lạc, cửa hàng thì không nhận được tiền nên lấy sát về còn người mua sắt thì bị “Trường” chiếm đoạt số tiền đã chuyển. Đối tượng hoạt động lừa đảo trên không gian mạng, sử dụng sim rác và tài khoản ảo để hoạt động phạm tội.

Vì vậy người dân có nhu cầu mua sắt và các cửa hàng bán sắt trên địa bàn hết sức cảnh giác, không để bọn tội phạm lừa đảo, đồng thời khi nhận được các cuộc điện thoại có nội dung, dấu hiệu bất minh, lừa đảo đề nghị báo ngay cho lực lượng Công an xã, thị trấn nơi cư trú để có biện phám phòng ngừa, đấu tranh, xử lý tội phạm.

06/03/2024
Tác hại của pháo nổ và học đua đòi trên mạng
15/01/2024

Tác hại của pháo nổ và học đua đòi trên mạng

14/01/2024
30/12/2023

CẢNH BÁO THỦ ĐOẠN GIẢ MẠO PHÒNG AN NINH MẠNG HỖ TRỢ LẤY LẠI TIỀN BỊ LỪA TRỰC TUYẾN

Thời gian gần đây, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện nhiều tài khoản trang fanpage Facebook giả mạo Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (thuộc Công an cấp tỉnh và tương đương) hoặc Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) để hỗ trợ các nạn nhân bị lừa đảo qua mạng.

THỦ ĐOẠN:

- Theo đó, đánh vào tâm lý những người từng bị lừa mong muốn lấy lại số tiền đã mất, các đối tượng đã giả danh cán bộ an ninh mạng để hỗ trợ thu hồi tiền lừa đảo. Các đối tượng hứa hẹn hỗ trợ thu hồi tiền bị lừa nhanh chóng, hiệu quả với thủ tục đơn giản, cam kết lấy lại được tiền.

- Từ đó, thay vì đến cơ quan Công an trình báo, người bị lừa lại lên mạng xã hội để nhờ các đối tượng giả danh cán bộ an ninh mạng lấy lại tiền. Lúc này, các đối tượng lừa đảo hướng dẫn nạn nhân đóng phí hoặc làm nhiệm vụ để rút tiền treo trên hệ thống. Khi có người chuyển tiền, các đối tượng thông báo tài khoản ngân hàng bị lỗi và không cho rút tiền về, người bị hại lại trở thành nạn nhân tiếp tục bị lừa đảo.

KHUYẾN CÁO:

Cơ quan Công an đề nghị người dân cảnh giác, tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn trên. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu bị lừa đảo, người dân cần trình báo cơ quan Công an để giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật; không tìm đến các trang mạng xã hội giới thiệu có thể lấy lại tiền bị lừa, tránh bị mắc bẫy của các đối tượng lừa đảo.

28/12/2023

CÔNG BỐ ĐƯỜNG DÂY NÓNG TIẾP NHẬN THÔNG TIN VỀ HÀNH VI VI PHẠM PHÁP LUẬT TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG

Thời gian qua, lực lượng Công an đã rất nỗ lực đấu tranh phòng chống và triệt phá được rất nhiều loại tội phạm nói chung và tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng nói riêng, nhưng tình hình hoạt động của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng vẫn còn xảy ra với rất nhiều thủ đoạt tinh vi, đặc biệt là trong dịp cuối năm, phổ biến nhất là các thủ đoạn sau:

1. Giả danh cơ quan Công an, Viện kiểm sát, Tòa án đe dọa;
2. Giả danh nhân viên Ngân hàng, nhà mạng nâng cấp, thay sim nhằm lấy cắp mã OTP chuyển tiền;
3. Lừa đảo bằng hình thức chuyển tiền để nhận quà trúng thưởng;
4. Tuyển cộng tác viên bán hàng, đại lý trên mạng;
5. Hack (zalo, Facebook) giả danh người thân để chuyển tiền;
6. Lập sàn giao dịch ảo (ngoại hối, chứng khoán, kinh doanh tiền ảo…) để lừa đảo chuyển tiền;
7. Giả danh Công an làm CCCD đánh cắp thông tin cá nhân và số tài khoản;
8. Tín dụng đen (vay mượn qua app);
9. Lừa đảo chuyển nhầm tiền với nội dung cho vay;
10. Nhận cọc hàng hóa, thuê khách sạn chiếm đoạt tài sản.

Vậy, đề nghị mọi người đề cao cảnh giác và biến rộng rãi cho nhiều người biết để không bị mắc bẫy tội phạm, đồng thời nếu phát hiện có đối tượng nghi vấn, sử dụng thủ đoạn trên thì báo cho lực lượng lượng chức năng qua đường dây nóng số 0693.449.407... hoặc cơ quan công an gần nhất để được tư vấn hướng dẫn cách xử lý, giải quyết; đặc biệt không chia sẻ, cung cấp bất kỳ thông tin cá nhân, mật khẩu cho những đối tượng, không tương tác với những tài khoản, đường link lạ vì rất có thể chứa mã độc, virus gián điệp đánh cắp thông tin cá nhân để lừa đảo; Kính mong mọi người đề cao cảnh giác, tránh bị đối tượng xấu lợi dụng, xâm hại.

24/12/2023

LÂM ĐỒNG: BẮT ĐỐI TƯỢNG TÀNG TRỮ 22KG PHÁO NỔ CÙNG NHIỀU HUNG KHÍ

Qua công tác rà soát, nắm tình hình liên quan đến trật tự xã hội trên không gian mạng, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao – Công an tỉnh Lâm Đồng đã phát hiện 01 đối tượng tại địa phương có nghi vấn mua, bán, sử dụng pháo nổ.

Sau khi triển khai các biện pháp công tác, vào lúc 12h00 ngày 22/12/2023, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao – Công an tỉnh phối hợp với Công an huyện Đạ Huoai tổ chức trinh sát, phát hiện Trần Công Bảo (sinh năm: 1997, trú tại: Thôn 3, xã Hà Lâm, Đạ Huoai, Lâm Đồng) đang cất giấu trong nhà 13 hộp giấy có chứa các ống hình trụ tròn nghi là pháo hoa nổ. Tiến hành kiểm tra cụ thể, cơ quan công an phát hiện, thu giữ, niêm phong tổng cộng 637 viên pháo nghi là pháo nổ với trọng lượng 22kg.

Qua quá trình làm việc với cơ quan công an, Trần Công Bảo khai nhận số pháo trên do bản thân mua vào ngày 27/11/2023 thông qua mạng xã hội facebook và hoàn toàn không quen biết người bán với số tiền 11.050.000 đồng nhằm mục đích sử dụng và bán kiếm lời dịp Tết Nguyên đán 2024. Ngoài pháo nổ, cơ quan công an phát hiện Bảo còn tàng trữ nhiều hung khí nguy hiểm như giáo, dao, côn nhị khúc trong nhà.

Hiện vụ việc đã được bàn giao cho Công an địa phương tiếp nhận, xử lý theo quy định. Qua vụ việc này, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao – Công an tỉnh Lâm Đồng khuyến cáo người dân cần nâng cao nhận thức việc chế tạo, mua bán, tàng trữ sử dụng pháo nổ sai quy định của pháp luật trong dịp trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán năm 2024. Người dân cần chấp hành nghiêm quy định không tàng trữ, sản xuất, chế tạo, mua bán, vận chuyển, sử dụng pháo nổ, vật liệu nổ trái phép. Tham gia tố giác các hành vi vi phạm có liên quan đến tàng trữ, sản xuất, chế tạo, mua bán, vận chuyển, sử dụng pháo nổ. Mọi thông tin liên quan đề nghị các tổ chức, cá nhân báo ngay cho Cơ quan Công an, chính quyền địa phương nơi gần nhất để xử lý theo quy định của pháp luật.

20/12/2023

LÂM ĐỒNG: PHÁT HIỆN NHÓM HỌC SINH LỚP CHÍN TỰ CHẾ TẠO, BUÔN BÁN PHÁO NỔ TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG

Qua công tác nắm tình hình các hội nhóm, diễn đàn mua bán, hướng dẫn làm pháo tự chế trên không gian mạng, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao – Công an tỉnh Lâm Đồng đã phát hiện 01 nhóm đối tượng tại địa phương có hoạt động nghi vấn.

Sau khi triển khai các biện pháp công tác, vào lúc 17h00 ngày 17/12/2023, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao – Công an tỉnh phối hợp với Công an huyện Đức Trọng tổ chức trinh sát, phát hiện 02 em học sinh trú tại huyện Đức Trọng là L.H.T.N (2009) và H.N.T (2009) đang cất giấu trong người một bịch đen chứa nhiều khối trụ tròn nghi là pháo. Tiến hành kiểm tra nơi ở của các trường hợp trên, cơ quan công an phát hiện, thu giữ tổng cộng 26 viên pháo nghi là pháo nổ tự chế, 18 viên pháo nổ với trọng lượng hơn 1,5kg và 01 hộp nhựa chứa các hoá chất nghi là nguyên liệu chế tạo pháo.

Quá trình làm việc với cơ quan công an, N và T khai nhận số pháo trên do bản thân tự chế tạo nhờ lên mạng “học online”. Sau khi tìm hiểu được cách chế tạo pháo, các em đặt mua hợp chất pha sẵn trên Shopee, Tiktok Shop về để thực nghiệm, thấy thành công nên tiến hành chế tạo và đăng lên mạng bán kiếm lời dịp Tết Nguyên đán 2024. Đáng chú ý là quá trình các em sản xuất pháo tại nhà nhưng gia đình cũng không hề hay biết, chỉ đến khi cơ quan công an tiến hành khám xét nơi ở thì mới phát hiện ra.

Đây được xem là vụ việc khá đặc biệt về pháo trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng từ trước tới nay, khi mà các đối tượng có tuổi đời khá trẻ lại có thể chế tạo thành công pháo nổ. Hiện vụ việc đang được công an mở rộng xử lý, đồng thời phối hợp với gia đình và trường học để có biện pháp giáo dục.

Thời gian gần đây, tình trạng học sinh, thanh thiếu niên lên mạng học hỏi, chế tạo trái phép pháo nổ đang diễn biến phức tạp, đã có nhiều trường hợp bị chấn thương, thậm chí tử vong.

Lực lượng Công an khuyến cáo, hành vi chế tạo, tàng trữ, sử dụng, mua bán, vận chuyển pháo là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm, những người vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm. Bởi hành vi này không chỉ gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội, mà còn là nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng, tài sản của con người.

Để đấu tranh với hành vi buôn bán, vận chuyển, chế tạo pháo nổ trái phép, bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan chức năng cần có sự đồng hành của người dân. Các bậc phụ huynh phải giáo dục, kiểm tra, phát hiện và khuyên bảo con em mình tránh xa các hành vi vi phạm pháp luật này.

18/12/2023

CÔNG AN TỈNH LÂM ĐỒNG BẮT NHÓM ĐỐI TƯỢNG BUÔN BÁN, TÀNG TRỮ HƠN NỬA TẤN PHÁO NỔ TRONG NGÀY ĐẦU RA QUÂN CAO ĐIỂM TẤN CÔNG TRẤN ÁP TỘI PHẠM

Ngay trong ngày đầu tiên thực hiện đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Giáp Thìn và các lễ hội đầu xuân 2024, sáng ngày 16/12/2023, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao – Công an tỉnh Lâm Đồng đã phối hợp với Công an huyện Đức Trọng tổ chức triệt phá 01 đường dây buôn bán, tàng trữ pháo nổ với quy mô rất lớn trên không gian mạng tại địa phương.

Xác định thời điểm trước Tết Nguyên đán là cao điểm mà các đối tượng sản xuất, cung cấp pháo nổ phục vụ thị trường, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Công an tỉnh đã chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp công tác, qua đó phát hiện 01 nhóm đối tượng tại địa bàn huyện Đức Trọng có hoạt động buôn bán pháo nổ trên không gian mạng tại địa phương. Sau một thời gian theo dõi hoạt động của nhóm này, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Công an tỉnh đánh giá đây là một nhóm đối tượng liều lĩnh, hoạt động có tổ chức và đặc biệt tinh vi, luôn thay đổi phương thức liên lạc, giao dịch nhằm tránh sự theo dõi của cơ quan chức năng.

Trước tình hình trên, đồng chí Đại tá Trương Minh Đương – Giám đốc Công an tỉnh đã trực tiếp chỉ đạo Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao phối hợp với Công an huyện Đức Trọng xác lập chuyên án, kiên quyết đấu tranh, triệt phá nhóm đối tượng trên, không để hoạt động mua bán pháo nổ diễn biến phức tạp tại địa bàn tỉnh Lâm Đồng, nhất là trong thời điểm tết nguyên đán Giáp Thìn đang cận kề.

Với tinh thần kiên quyết đấu tranh với tội phạm, sau một thời gian theo dõi, trinh sát hoạt động của các đối tượng, sáng ngày 16/12/2023, Ban chuyên án đã triển khai lực lượng, tổ chức mật phục, bắt quả tang đối tượng Lê Huy Tuyên (sinh năm 1992, trú tại xã Liên Hiệp, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) đang tiến hành giao dịch với Lê Minh Trực (sinh năm 1989, trú tại thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) tại một ngôi nhà trên đường Bạch Đằng (tổ 13, thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng).

Tại hiện trường, cơ quan chức năng phát hiện, thu giữ nhiều loại pháo gồm pháo dây, pháo banh, pháo ông sư, pháo hoa dạng ống dài cùng pháo hoa nổ các loại 36 viên, 49 viên và 100 viên. Tổng trọng lượng thu giữ gần 623,2kg. Qua đấu tranh ban đầu, tất cả các đối tượng đều thừa nhận hành vi vận chuyển, mua bán, tàng trữ pháo trái phép.

Qua đấu tranh khai thác, đối tượng Lê Minh Trực khai nhận toàn bộ 623,2kg tang vật nêu trên là pháo các loại được Trực mua thông qua mạng xã hội Facebook, nhằm mục đích bán kiếm lời.

Hiện vụ việc đang được cơ quan chức năng tiếp tục điều tra, làm rõ và xử lý các đối tượng theo đúng quy định của pháp luật.

16/12/2023

Hiểm họa từ pháo trong ngày Tết

Càng đến ngày gần Tết Nguyên đán, tình trạng người dân mua bán và sử dụng pháo trái phép ngày càng gia tăng, gây khó khăn cho cơ quan quản lý và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trật tự công cộng.

Các loại pháo hoa, pháo nổ đang được bán tràn lan trên mạng xã hội.
Nhiều người hiện nay vẫn chưa hiểu rõ thế nào là pháo hoa và pháo hoa nổ, do đó vi phạm về mua bán và sử dụng pháo trái phép ngày càng gia tăng, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão. Vậy theo quy định hiện hành, những trường hợp nào, đối tượng nào được sử dụng pháo hoa và người dân được phép mua pháo hoa ở đâu.

Pháo hoa và pháo nổ khác nhau như thế nào?

Được biết, tại Điều 3, Nghị định số 137/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo có quy định: Pháo là sản phẩm có chứa thuốc pháo, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra phản ứng hóa học nhành, mạnh, sinh khí, tạo ra hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, gây ra tiếng nổ hoặc không gây ra tiếng nổ. Pháo bao gồm: Pháo nổ, pháo hoa.

Trong đó, pháo nổ là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra tiếng nổ hoặc gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian.

Pháo nổ gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian được gọi là pháo hoa nổ.

Pháo hoa nổ tầm thấp là quả pháo có đường kính không lớn hơn 90 mm hoặc tầm bắn không vượt quá 120 m. Pháo hoa nổ tầm cao là quả pháo có đường kính trên 90 mm hoặc tầm bắn trên 120 m.

Còn pháo hoa là sản phẩm được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ.

Đối tượng được sử dụng pháo hoa

Tại Điều 17 của Nghị định số 137/2020/NĐ-CP cũng quy định: Cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa trong các trường hợp sau: Lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật.

Ngoài ra, cơ quan, tổ chức, cá nhân khi sử dụng pháo hoa chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa.

Cảnh giác lừa đảo rao bán pháo trên mạng

Theo cơ quan công an, nắm bắt được nhu cầu mua pháo hoa về sử dụng trong dịp Tết Nguyên đán của người dân, thời gian gần đây, đã xuất hiện một số đối tượng đăng tin bán pháo hoa do Bộ Quốc phòng sản xuất lên mạng xã hội nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân. Phương thức, thủ đoạn của các đối tượng là khi người dân có nhu cầu mua pháo, chúng yêu cầu đặt cọc tiền, rồi mới giao pháo. Tuy nhiên, sau khi nhận được tiền, các đối tượng ngắt liên lạc, chặn cuộc gọi.

Đối với các sản phẩm pháo hoa được phép sử dụng, cần chú ý khi sử dụng phải đáp ứng các điều kiện về năng lực hành vi dân sự; sử dụng trong các trường hợp được phép, bảo đảm an toàn trong quá trình sử dụng và chỉ mua tại các cửa hàng được phép kinh doanh theo quy định của pháp luật; khi sử dụng pháo phải bảo đảm an toàn về PCCC phòng ngừa cháy nổ.

Tránh bị phạt hành chính trong việc mua bán, sử dụng pháo hoa trái phép trong ngày Tết

Được biết, hiện nay chỉ có tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được kinh doanh pháo hoa khi có đủ các điều kiện trên. Cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được phép mua pháo hoa từ tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng để sử dụng trong dịp Tết nhưng không được kinh doanh buôn bán. Những công dân đủ 18 tuổi có thể mua pháo hoa. Khi mua hàng sẽ phải xuất trình CMND hoặc CCCD, điền thông tin của người mua, các sản phẩm chọn mua để lưu trữ thông tin.

Điều 11, Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình có nêu rõ: trường hợp mua bán pháo hoa trái phép nếu chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị phạt tiền từ 2-5 triệu đồng đối với cá nhân vi phạm. Còn tại Điểm i, Khoản 3 của Nghị định này cũng quy định người sử dụng pháo hoa trái phép có thể bị phạt tiền lên đến 10 triệu đồng.

Vì vậy, người dân cần nâng cao cảnh giác và quản lý, sử dụng pháo an toàn, đúng quy định pháp luật. Đồng thời, quản lý giáo dục con em trong gia đình chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong đó có các quy định về quản lý, sử dụng pháo. Không được phép nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc chiếm đoạt pháo nổ (trừ trường hợp tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, cung cấp, vận chuyển, sử dụng pháo hoa nổ theo quy định).

06/11/2023

CẢNH BÁO TỘI PHẠM TRỘM CẮP TRONG MÙA VỤ CÀ PHÊ NĂM 2023

CẢNH BÁO TỘI PHẠM
Hiện nay, các địa phương trên địa bàn huyện Lâm Hà đang bước vào mùa thu hoạch cà phê năm 2023. Giai đoạn này, ở một số địa bàn thường xuất hiện các loại tội phạm, nên người dân cần nâng cao cảnh giác. Theo quy luật hàng năm, vào vụ mùa thu hoạch cà phê cũng là thời điểm các đối tượng trộm cắp lợi dụng sơ hở trong việc bảo vệ, trông coi vườn, phơi cà phê để gia tăng hoạt động trộm cắp. Bên cạnh đó, nhiều lao động tự do từ nơi khác đến làm thuê theo thời vụ, tiềm ẩn nguy cơ phức tạp về ANTT trên địa bàn xã.

Nạn trộm cắp cà phê trong mùa thu hoạch không những làm người dân hoang mang mà còn để lại hậu quả nặng nề cho vườn cây. Các đối tượng trộm cắp thường lợi dụng đêm tối, trưa vắng, vườn cây rậm rạp…đi vào các vườn, rẫy để hái trộm cà phê, trà trộn, giả dạng người hái thuê để trộm cắp; lợi dụng các gia đình đi thu hái cà phê, không có người trông coi nhà hoặc lợi dụng ban đêm khi các hộ dân ngủ say để đột nhập trộm cà phê. Sau khi thu hoạch cũng là lúc các hộ gia đình mang cà phê ra phơi khô tại sân nhà hoặc tận dụng những khu đất trống ở vườn, rẫy, đường đi, sân bóng…để làm sân phơi. Đây là những khu vực không có hệ thống tường rào bảo vệ, người ngoài dễ tiếp cận và đây cũng là lúc các đối tượng lợi dụng sở hở, sự mất cảnh giác của người dân để trộm cà phê. Ngoài ra các đối tượng trộm cắp còn lợi dụng người dân đã phơi khô cà phê rồi đóng bao để tại nhà, kho bãi, chòi rẫy, có sơ hở trong quản lý để trộm cắp. Phần lớn các vụ việc trộm cắp cà phê thường vào ban đêm, thời gian từ 23 giờ đến 03 giờ sáng, các đối tượng trộm cắp thường thăm dò, quan sát địa hình, theo dõi quy luật sinh hoạt của các gia chủ, các phương tiện thiết bị bảo vệ như tường rào, khóa cửa, thiết bị báo động, camera…để lên kế hoạch, thời gian trộm cắp.

Trước các hoạt động của tội phạm trộm cắp trong vụ mùa thu hoạch nông sản, để đảm bảo tuyệt đối an toàn trước nguy cơ mất tài sản có thể xảy ra, Công an xã Hoài Đức khuyến cáo người dân như sau:

1. Nêu cao tinh thần cảnh giác, ý thức “tự phòng, tự quản, tự bảo vệ”, chủ động phòng ngừa, bịt kín sơ hở không để tội phạm lợi dụng hoạt động phạm tội.

2. Đối với các hộ gia đình cần gia cố cửa nhà, không cất giữ nhiều tài sản giá trị cao tại nhà, sử dụng các loại khóa có chức năng chống trộm, chống axit, “khóa trong” để chống cắt phá khóa. Khi đi ngủ cần kiểm tra các cửa ra vào, cửa sổ, các cửa trên tầng, cửa ra ban công, sân thượng. Khi vắng nhà phải nhờ người trông coi hoặc đem gửi các tài sản có giá trị, tuyệt đối không nên chia sẻ lịch trình chuyến đi của bản thân lên mạng xã hội; nên làm tường rào ngăn chặn việc đối tượng trèo từ cây xanh, trụ điện để đột nhập vào nhà, khuyến khích trang bị camera giám sát hoặc chuông báo động chống trộm; tạo mối quan hệ gắn bó với mọi người xung quanh, phải biết được số điện thoại Công an xã để khi cần được hỗ trợ kịp thời. Chú ý phát hiện những đối tượng lạ mặt xuất hiện và lảng vảng trong khu vực.

3. Đối với xe gắn máy cần phải trang bị thêm khóa chống trộm (khóa bánh, khóa chống trộm, còi báo động…) khóa thắng đĩa, khóa chân chống. Khi để xe ở nơi công cộng, cơ sở dịch vụ…; không để xe máy sơ hở trước cửa nhà, phòng trọ mà không có người trông coi, trước khi rời khỏi xe phải rút chìa khóa và khóa từ một đến hai ổ khóa.

4.Đối với các hộ có rẫy cà phê liền kề phải liên kết lại với nhau để phân công tuần tra bảo vệ trong khu vực ngày cũng như đêm. Các cây cao trong vườn có thể đóng bậc thang leo lên để dễ dàng quan sát tổng quát vào ban ngày.

- Khi bắt được kẻ trộm, thông báo và giao ngay cho Cơ quan Công an xử lý. Tuyệt đối không được tùy tiện đánh đập kẻ trộm, có thể gây thương vong hoặc dẫn tới tội cố ý thương tích lại nặng hơn tội trộm cắp tài sản. Phải khôn ngoan và hết sức kiềm chế.

- Khi thu hái và đóng bao chờ vận chuyển phải có người trông coi, vì kẻ gian lúc này không hái trộm mà vác trộm cà phê chủ đã hái và đã đóng vào bao sẵn. Kẻ gian có thể vác cà phê đã chất lên xe chờ chuyên chở, đi cất giấu ở rẫy khác để chờ đem tiêu thụ.

- Khi phơi cà phê tại sân nhà phải có đèn chiếu sáng vào ban đêm. Chú ý canh phòng ở góc sân, nơi không có ánh sáng. Khuyến khích trang bị camera giám sát hoặc chuông báo động chống trộm hoặc nuôi chó để có tiếng sủa đánh thức vào ban đêm khi nghe có tiếng động lạ.

5. Các hộ dân sử dụng lao động tự do ở địa phương khác tới cần phải đăng ký lưu trú và cam kết đảm bảo ANTT.

Đặc biệt, trong thời gian tới, vào dịp cuối năm, tình hình tội phạm nói chung, tội phạm trộm cắp tài sản nói riêng sẽ có những diễn biến phức tạp, phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây nhiều khó khăn cho công tác phát hiện, đấu tranh, xử lý. CAX kêu gọi mọi tổ chức và cá nhân phát huy vai trò của người dân trong công tác tự phòng, tự quản, tự bảo vệ. Mỗi người, mỗi nhà phải nâng cao ý thức cảnh giác, chủ động đề phòng, theo dõi, phát hiện kịp thời đối tượng có biểu hiện nghi vấn, thông tin kịp thời đến lực lượng chức năng. Khi biết các thông tin về các đối tượng trộm cắp, tiêu thụ tài sản trộm cắp thì kịp thời báo ngay cho Công an xã. Qua đó góp phần ngăn chặn, phòng ngừa hiệu quả loại tội phạm này.

CAX Đan phượng thông báo cho toàn thể nhân dân biết để phòng chống tội phạm trộm cắp tài sản, góp phần giữ vững bình yên và hạnh phúc cho mọi người góp phần đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương./.

Address

Xã Đan Phượng/Lâm Hà/Lâm Đồng
Djrott

Telephone

+84983441070

Website

Alerts

Be the first to know and let us send you an email when Toàn dân Đan Phượng-Lâm Hà bảo vệ ANTQ posts news and promotions. Your email address will not be used for any other purpose, and you can unsubscribe at any time.

Contact The Business

Send a message to Toàn dân Đan Phượng-Lâm Hà bảo vệ ANTQ:

Videos

Share


Other Digital creator in Djrott

Show All