23/09/2023
Tôi hoàn toàn là người không có phước báu, lúc thời còn trẻ thì khổ vô cùng. Gặp được Phật pháp, lão sư dạy tôi tu phước tu huệ. Tu như thế nào? Lão sư nói với tôi, thật ra đây là lời Phật đã nói trong Kinh là tu bố thí, bố thí tài thì được giàu có, bố thí pháp thì được thông minh trí huệ, bố thí vô úy thì được khỏe mạnh sống lâu. Hai kiểu bố thí trước thì dễ hiểu, sau khi tôi học Phật thì y giáo phụng hành, là do Chương Gia Đại Sư dạy cho tôi.
Cách tu bố thí vô úy như thế nào? Ăn chay trường chính là bố thí vô úy, vĩnh viễn không sát sanh, không làm tổn thương chúng sanh, đây là bố thí vô úy. Biết được bản thân mình trước khi học Phật nghiệp sát rất nặng, khi tôi còn trẻ rất thích săn bắn, giết chúng sanh rất nhiều, cho nên tôi biết được cái tội này rất là nặng. Sau khi học Phật tôi không những lập tức liền ăn chay, mà còn thường xuyên tham gia phóng sanh. Những pháp hội ở các ngôi chùa đều có phóng sanh, tuy là tôi không có khả năng nhưng cũng đóng góp một, hai đồng, tôi hết lòng phóng sanh. Đây là bố thí vô úy.
Về sau này, hoàn cảnh cuộc sống dần dần khá hơn một chút, sau khi xuất gia được cúng dường nhiều một chút, tôi liền đem tiền này đi giúp đỡ thuốc men, đóng góp tiền thuốc cho bệnh viện. Tôi nói với bệnh viện, nếu có những người bệnh nghèo khổ không có tiền mua thuốc, số tiền này đóng góp cho bệnh viện để chuyên dùng giúp đỡ họ. Đây cũng thuộc về bố thí vô úy. Trong cuộc đời của tôi, chỉ dùng tiền cho ba mục đích, tôi không dùng tiền cho những mục đích khác. Cuộc sống bản thân cũng rất đơn giản, rất tiết kiệm, ba - bốn mươi năm tôi không dùng đến tiền, cho nên tâm được thanh tịnh, tiền đối với tôi chẳng có một chút tác dụng nào. Ở chỗ này nói như niềm vui của Tỳ kheo lậu tận, tôi đạt được chút ít, trong tâm tôi không có lo âu, không có vướng bận, không có quan niệm về tiền tài, cái ý niệm tài - sắc - danh - thực - thùy dần dần trở nên phai nhạt dần, trong tâm không còn vướng bận, không còn lo âu, không còn được mất. Người ta hỏi tại sao tôi không già? Như vậy sẽ không già. Các bạn tại sao lại già? Vì mỗi ngày đều lo âu. “Lo âu khiến cho người ta già”, đây là lời của người xưa nói. Bạn có lo âu, bạn có vướng bận, bạn có phiền não, cho nên bạn bị già rất nhanh. Tất cả những thứ này tôi đều buông xuống, hết thảy tất cả đều không cần, hết thảy những thứ cần dùng thì có liên tục không ngừng.
Khi tôi ở Toowoomba Úc Châu, nơi này là một nơi mà đạo Ki Tô bảo thủ nhất, chúng tôi đến nơi đó xây dựng một đạo tràng Phật giáo, trước đến giờ chưa từng có. Ở nơi đó không có tín đồ Phật giáo, không có người tin Phật. Bạn ở đó dựng lên một đạo tràng, không có tín đồ, không có cúng dường, bạn làm sao mà sống đây? Cho nên chẳng có ai dám đến đó xây đạo tràng. Chúng tôi đến nơi đó, cho nên có rất nhiều người quan tâm nói:
“Thưa Pháp sư, kinh tế của Ngài giải quyết bằng cách nào? Tiền từ đâu mà có?”.
Tôi nói:
“Đơn giản thôi, đến ngân hàng mở một tài khoản, đem công bố số tài khoản thì sẽ có tiền thôi”.
Tôi chỉ biết là cái đạo tràng này của chúng tôi rất giàu có, rốt cuộc có bao nhiêu tiền tôi cũng không biết, tiền khắp nơi trên thế giới gửi đến. Mọi người biết tôi đang ở nơi đó, không những gửi tiền đến mà mọi người cũng đến, rất nhiều người đồng ý dời đến sống gần chỗ chúng tôi. Đây là việc tốt. Nguyên nhân là gì? Điều này tôi đã nói với bạn là quả báo, hơn năm mươi năm mỗi ngày đều tu tài bố thí, hiện tại thì được cái quả báo này. Bạn nói xem, tự tại biết bao, hạnh phúc biết bao, một chút cũng chẳng phải bận tâm, không phải lo nghĩ. Bất luận là làm công việc gì, thật sự là ngạn ngữ có câu “tâm tưởng sự thành”, chỉ cần khởi lên ý niệm thì thành tựu rất viên mãn. Đây chính là bạn tu nhân thiện thì nhất định được quả thiện. Bạn phải thật sự tin tưởng, phải tin Phật, những điều Phật nói với bạn không sai một chút nào.
Bạn không tin Phật, tự mình đi làm công việc kiếm tiền, thật sự mà nói bạn không kiếm được đồng nào. Tại sao vậy? Vì trong mạng của bạn không có tiền, việc của bạn có lớn đi nữa cũng không kiếm được tiền. Nếu bạn kiếm được tiền thì luật nhân quả bị phá vỡ rồi. Ai có thể phá vỡ được luật nhân quả thì mười phương tất cả chư Phật Như Lai đều sẽ bái người đó làm thầy. Tại sao vậy? Phật không làm được, Phật không có cách. Đây là sự thật. Cho nên bạn muốn phát tài thì phải bố thí, bố thí tài thì bạn sẽ phát tài, chính là đạo lý này. Hôm nay tôi muốn đi buôn bán, đi làm việc gì để phát tài, bất luận là làm công việc gì thì tài sản cứ đến cuồn cuộn. Tại sao vậy? Vì trong mạng có tài. Ở trong mạng này có tài chính là sau khi học Phật tôi tu được. Nhất định phải tin Phật, Phật dạy cho chúng ta nhất định không sai.
Tôi vẫn còn nhớ, tôi đã kể một câu chuyện của năm kia cho các bạn, đây là sự thật. Trường Đại Học Griffith ở Brisbane, Học Viện Thương Mại của họ có một tòa lầu lớn. Tòa nhà Học Viện Thương Mại xây cất xong, tiến hành lễ khai mạc. Thầy hiệu trưởng có mời tôi tham dự lễ khai mạc. Tôi có đi tham dự, đại khái là có khoảng năm mươi mấy vị giáo sư và sinh viên làm đại biểu, ở nơi đó tiến hành lễ khai mạc. Trong số đó, họ có mời một vị chuyên gia về ngành thương mại từ Mỹ - vị giáo sư rất nổi tiếng trên thế giới đến để đọc diễn văn. Tôi ngồi bên cạnh thầy hiệu trưởng. Đây là một vị giáo sư đã già, vị giáo sư đã về hưu. Sau khi ông ấy đọc diễn văn xong, tôi nói với thầy hiệu trưởng, ông ấy mà gặp học trò như tôi thì ông ấy sẽ gặp rắc rối. Thầy hiệu trưởng hỏi tại sao vậy? Tôi nói, ông ấy dạy người ta kinh doanh, quản lý tiền bạc, làm giàu như thế nào, nhưng bản thân ông ấy không phát tài, ông ấy không phát tài thì làm sao ông ấy có thể dạy người khác phát tài được? Tôi nghi ngờ điều này. Cả cuộc đời đến lúc về hưu vẫn là một vị giáo sư nghèo, từ nước Mỹ đi đến nơi đây, đến chiếc vé máy bay mà mua cũng không nổi, vẫn phải cần nhà trường mua. Tôi nói, tôi muốn làm học trò của ông ấy, ông ấy phải dạy tôi làm giàu như thế nào, tôi thật sự muốn giàu có, bản thân của ông ấy giàu có rồi thì tôi mới tin, bản thân ông ấy không giàu thì tôi không tin.
Cuối cùng, tôi nói với thầy hiệu trưởng, cái bài này phải để cho tôi dạy mới đúng, vị giáo sư này chưa được, ông ấy không thể bảo đảm cho mỗi sinh viên trong lớp của ông ấy giàu có. Tôi nói, tôi muốn đến dạy, tôi có thể đảm bảo mỗi sinh viên trong lớp đều giàu có. Nguyên nhân là gì vậy? Tôi nêu cho ông ấy một thí dụ. Tôi nói, thí dụ như người nông dân trồng trọt, vị giáo sư này thật sự hiểu được việc trồng trọt, cái nghề này ông ấy rất thành thạo, ông ấy tại sao lại không giàu có? Vì ông ấy không có hạt giống, bạn hiểu được càng nhiều nhưng trên đất của bạn không có gieo hạt giống thì vĩnh viễn bạn sẽ không có lương thực. Họ nghĩ điều này cũng có lý. Tôi nói, tôi có hạt giống, tôi lại biết được cách trồng, tôi uyên bác hơn ông ấy. Hạt giống đó là gì? Chính là ba loại bố thí mà Phật đã nói ở trong Kinh, chính là trong mạng của bạn có tài, bạn tu pháp bố thí thì trong mạng của bạn có trí huệ, bạn tu bố thí vô úy thì trong mạng của bạn là khỏe mạnh sống lâu. Điều này Phật nói không sai. Bạn không tin, vậy là bạn không có thiện căn, bạn không có cái duyên này rồi. Thật đáng tiếc.
Tôi nói, hai mươi sáu tuổi thì tôi tiếp xúc được với Phật pháp, đối với lão sư tôi có niềm tin, tôn sư trọng đạo, lời của lão sư dạy cho tôi, tôi chăm chỉ nỗ lực mà học tập. Tôi học xong thì quả báo hiện tiền, tôi mới xứng đáng với lão sư, tôi không phụ lòng lão sư. Cho nên việc học Phật này thật sự phải học để bản thân có được lợi ích. Đương nhiên phước báu mà trong Phật pháp nói tuyệt đối không phải là để bản thân mình hưởng, mà phước báu phải chia sẻ cho tất cả khổ nạn chúng sanh cùng hưởng, giúp đỡ cho họ. Đây mới là phước báu chân thật.
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT 🙏
(Trích: Kinh Vô Lượng Thọ giảng lần thứ 10, tập 308)
Pháp Sư Tịnh Không
(Hoan nghênh chia sẻ!