02/01/2022
Chơn Thành có tự bao giờ
Người ta biết đến huyện Chơn Thành là một trong mười một đơn vị hành chính của tỉnh Bình Phước được thành lập ngày 20-02-2003 hiện có mức thu nhập bình quân đầu người gần 48 triệu đồng/năm, nhưng ít ai biết đến cái tên “Chơn Thành..” có tự bao giờ ?
Ảnh: Một góc khu công nghiệp Chơn Thành ngày nay
Ảnh: Một góc khu công nghiệp Chơn Thành ngày nay
Những cụ già ở thị trấn Chơn Thành lưu truyền một giả thuyết cái tên Chơn Thành là thành ý của vị vua đầu triều Nguyễn tặng cho nhân dân vùng này với lòng biết ơn tri ân khi nhà vua gặp nạn. Truyện kể rằng: Khi Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn truy đuổi, trên đường trốn chạy, gặp nhiều gian nan nhưng khi đi qua địa giới thị trấn Chơn Thành ngày nay, Nguyễn Ánh không những được các tộc người X,tiêng tiếp đón chu đáo mà còn trợ giúp lương thực. Cảm kích trước tấm lòng của nhân dân vùng này, khi lên ngôi Gia Long nhà vua nhớ lại thủa hàn vi, ông sai cận thần đặt tên vùng này là Chân Thành để ghi ơn cưu mang của người dân nơi đây, song người ta đọc chệch đi là Chơn Thành.
Tuy nhiên, đối chiếu lại các bằng chứng lịch sử, thì địa danh hành chính Chơn Thành gắn liền với quá trình hình thành các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Trải qua các biến cố thăng trầm của lịch sử, quá trình hình thành vùng đất Chơn Thành gắn liền với quá trình phát triển lịch sử đấu tranh anh dũng của nhân dân huyện Chơn Thành. Địa danh Chơn Thành có tự bao giờ không rõ, chỉ biết rằng nó hình thành và phát triển trong thời kỳ kiến tạo vùng đất Đông Nam Bộ và sau đó trở thành một trong mười đơn vị hành chính của tỉnh Bình Phước.
Năm 1861, cha cố người Pháp H.Azeimar được phái đến một làng ở huyện Lộc Ninh có tên là Brơlam để truyền đạo, khi đi qua địa giới Chơn Thành ngày nay, cha cố ghi lại “Đây là một vùng rừng núi rậm rạp, lác đác hai bên đường mòn có những ngôi làng nhỏ của tộc người X,tiêng, những người này rất to lớn khỏe mạnh. Dáng đi nhẹ nhàng, chỉ hai ngày sau khi sinh phụ nữ X,tiêng đã ra ngoài suối tắm…”.
Lúc này, địa danh Chơn Thành không có tên trên bản đồ hành chính của Việt Nam mà chỉ là một vùng rừng núi hoang vu, dân cư thưa thớt. Mãi đến năm 1867, thực dân Pháp mới chính thức bắt tay vào việc sắp xếp các đơn vị hành chính khu vực Nam kỳ Lục tỉnh để tiện cho các chính sách cai trị. Thời gian đầu, người Pháp chia địa bàn tỉnh Biên Hòa (cũ) thành các hạt Thanh Tra (Inspectinon) sau đó đổi thành hạt Tham Biện (Arrondissement) trong đó hạt Bình Hòa và hạt Thủ Dầu Một trực thuộc soái phủ Sài Gòn quản lý. Trong hạt Thủ Dầu Một người Pháp chia thành 6 tổng người Kinh là: Bình Chánh, Bình Điền, Bình Hưng, Bình Thành Thượng, Bình Thiện, Bình Thổ và 6 tổng có người dân tộc ít người gồm: Cửu An, Lộc Ninh, Minh Ngãi, Phước Lễ, Quản Lợi và Thạch Yên. Lúc này địa danh Chơn Thành thuộc tổng Lộc Ninh.
Quá trình quản lý cai trị, người Pháp thấy việc đi lại khó khăn, nhất là việc quản lý việc đóng sưu thuế ở các tổng ít người, nên quyết định một đơn vị trung gian giữa tổng và Hạt là quận (đại lý) cho dễ bề quản lý.
Ngày 03- 01-1903, Thống đốc Nam Kỳ ban hành nghị định thành lập quận Hớn Quản dưới quyền cai trị của một quan người Pháp. Lúc này, địa danh Chơn Thành thuộc quận Hớn Quản có tên trong bản đồ Nam Phần của người Pháp. Ngày 7-5-1926, Thống đốc Nam kỳ cho sáp nhập quận Hớn Quản vào quận Bù Đốp. Nhưng quá trình thu thuế, đi lại khó khăn, nên ngày 03-5-1928, người Pháp lại tách huyện Hớn Quản và quận Bù Đốp riêng như cũ mãi đến năm 1938, lúc này địa danh Chơn Thành thuộc quận Hớn Quản.
Thời điểm đó, tỉnh Thủ Dầu Một có 3 quận: Châu Thành, Bù Đốp và Hớn Quản. Riêng quận Hớn Quản người Pháp chia thành các Tổng: Tân Minh (4 làng), Cửu An (2 làng), Quản Lợi (9 làng), Minh Ngãi (12 làng), Thạch An (3 làng) và Lộc Ninh (6 làng). Lúc này địa danh Chơn thành thuộc tổng Quản Lợi.
Ngày 22-10-1956, Chính quyền Sài Gòn ban hành Sắc lệnh số 143 thiết lập 22 tỉnh trên địa bàn miền Nam Việt Nam. Chúng chia tách tỉnh Thủ Dầu Một thành hai tỉnh Bình Dương và Bình Long. Lúc này, địa danh Chơn Thành thuộc xã Hưng Long bao gồm cả diện tích các xã: Minh Long, Thành Tâm, Minh Hưng, Minh Thành và thị trấn Chơn Thành ngày nay.
Ngày 03-01-1957, chính quyền Sài Gòn ban hành Nghị định 04 sắp xếp lại các đơn vị hành chính trên địa bàn tỉnh Bình Long, lấy tỉnh lỵ là An Lộc. Tỉnh Bình Long có hai quận là An Lộc và Lộc Ninh. Lúc này địa danh Chơn Thành thuộc quận An Lộc. Quận An Lộc có 36 xã với 118 ấp; quận Lộc Ninh có 18 xã với 95 ấp. Ngày 13-6-1960, chính quyền Sài Gòn lại ban hành Nghị định 728 hợp nhất một số xã trên địa bàn tỉnh Bình Long. Quận An Lộc gom lại còn 21 xã, quận Lộc Ninh gom lại còn 10 xã. Lúc này địa danh Chơn Thành thuộc xã Hưng Long. Ngày 27-01-1964, chính quyền Sài Gòn ban hành Nghị định số 22 thành lập quận Chơn Thành với 12 xã (tách 5 xã của An Lộc cũ với 7 xã mới thành lập), lần đầu tiên địa danh Chơn Thành thành quận Chơn Thành có tên trong bản đồ địa chính miền Nam Việt Nam của chính quyền Sài Gòn.
Đối với chính quyền cách mạng, để phù hợp với yêu cầu chỉ đạo địa bàn hoạt động tương ứng với việc phân chia đơn vị hành chính của chính quyền Sài Gòn, tháng 10 năm 1961, Trung ương cục miền Nam quyết định tách tỉnh Bình Long khỏi tỉnh Thủ Dầu Một. Thành lập tỉnh mới Bình Long và tương ứng chia các địa danh gắn với các phiên hiệu. Tỉnh Bình Long có 3 quận được đặt theo 3 phiên hiệu mật danh để hoạt động đó là: C45 (quận Chơn Thành), C55 (quận Hớn Quản) và C65 (quận Lộc Ninh). Lúc này địa danh Chơn Thành gọi là C45.
Sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, tỉnh Thủ Dầu Một sáp nhập với tỉnh Bình Phước thành lập tỉnh Sông Bé (cũ). Chính quyền cách mạng thành lập các đơn vị hành chính huyện trên cơ sở các quận của chính quyền Sài Gòn cũ gồm: Tân Uyên, Lái Thiêu, Dĩ An, Châu Thành, Bến Cát, Dầu Tiếng, Lộc Ninh, Hớn Quản, Chơn Thành, Bố Đức (Bù Đốp), Đồng Xoài (Đôn Luân), Bù Đăng (Đức Phong), Phước Long và Phú Giáo. Địa danh Chơn Thành vẫn giữ nguyên.
Ngày 11-3-1977, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành Quyết định số 55 hợp nhất ba huyện Lộc Ninh, Chơn Thành và Hớn Quản thành huyện Bình Long. Lúc này, địa danh Chơn Thành thuộc huyện Bình Long.
Quốc hội khóa IX, kỳ họp thứ X phê chuẩn việc chia tách một số tỉnh thành trên địa bàn cả nước, tách tỉnh Sông Bé (cũ) ra thành hai tỉnh Bình Dương và Bình Phước từ ngày 01- 01-1997, lúc này địa bàn Chơn Thành thuộc huyện Bình Long.
Ngày 20-3-2003, Chính phủ ban hành Nghị định số 17/2003/NĐ - CP về việc thành lập huyện Chơn Thành và huyện Bù Đốp trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Từ đó đến nay, huyện Chơn Thành trở thành một trong 11 đơn vị hành chính của tỉnh.
Có thể nói, trải qua biết bao thăng trầm, chia tách, sáp nhập địa danh Chơn Thành đi vào lịch sử gắn liền với quá trình hình thành và đấu tranh anh dũng của nhân dân tỉnh Bình Phước anh hùng.
Nguồn: tinhuybinhphuoc. vn/tong-quan/Binh-Phuoc-xua-va-nay/Chon-Thanh-co-tu-bao-gio-12.html
Ảnh: SỞ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH TỈNH BÌNH PHƯỚC