Giáo Xứ Nam Hà

Giáo Xứ Nam Hà TRANG TRUYỀN THÔNG CHÍNH THỨC CỦA GIÁO XỨ NAM HÀ
(1)

Ngày 5 tháng 1Thứ Sáu đầu thángPhúc Âm (Ga 1, 43-51)Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.Khi ấy, Chúa Giêsu định đi...
04/01/2024

Ngày 5 tháng 1
Thứ Sáu đầu tháng
Phúc Âm (Ga 1, 43-51)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu định đi Galilêa. Người gặp Philíp và nói với ông: "Hãy theo Ta". Philíp là người thành Bếtsaiđa, quê quán của Anrê và Phêrô. Philíp gặp Nathanael và nói với ông: "Đấng đã được Môsê ghi trong Luật và các tiên tri nói đến, chúng tôi đã gặp rồi: đó là Giêsu con ông Giuse, người thành Nadarét". Nathanael đáp: "Bởi Nadarét nào có cái chi hay?" Philíp nói: "Hãy đến mà xem". Chúa Giêsu thấy Nathanael đi tới mình, thì nói về ông: "Đây thật là người Israel, nơi ông không có gì gian dối". Nathanael nói: "Sao Ngài biết tôi?" Chúa Giêsu trả lời rằng: "Trước khi Philíp gọi ngươi, lúc ngươi còn ở dưới cây vả, thì Ta đã thấy ngươi". Nathanael thưa lại rằng: "Lạy Thầy, Thầy là Con Thiên Chúa, là Vua Israel". Chúa Giêsu trả lời: "Vì Ta đã nói với ngươi rằng Ta đã thấy ngươi dưới cây vả, nên ngươi tin; ngươi sẽ thấy việc cao trọng hơn thế nữa".
Và Người nói với ông: "Quả thật, quả thật, Ta nói với các ngươi, các ngươi sẽ thấy trời mở ra, và các thiên thần Chúa lên xuống trên Con Người".
Gợi ý suy niệm:
Khi chúng ta nhận xét, đánh giá một người nào, thông thường chúng ta chỉ nhận xét, đánh giá theo khía cạnh bên ngoài của người ấy mà thôi. Bởi vì với con mắt thể lý, với cái nhìn khách quan, chúng ta không thể nào biết những gì được che dấu. Cũng thế, khoa học có phát triển đến mấy thì cũng chỉ biết được não bộ con người gồm những gì, cấu tạo ra sao, khoa học không thể biết được con người đang nghĩ gì, đang muốn điều gì. Còn trong bài tin mừng hôm nay, chúng ta biết được một Đấng có thể thấu suốt lòng dạ con người. Đó chính là Đức Giêsu. Nicôđêmô đã phải ngạc nhiên vì lần đầu tiên có người biết được quá khứ của mình. Từ sự ngạc nhiên, ông tiến tới sự suy phục, một sự suy phục trước Đấng Toàn Năng là Thiên Chúa.
Đức Giêsu lại có thể thấu suốt lòng dạ con người một cách tường tận như vậy bởi vì Ngài là Thiên Chúa, Ngài có thể thấu suốt mọi sự. Trong Kinh thánh đã nhiều lần minh chứng cho chúng ta điều đó. Tác giả Thánh Vịnh cũng đã nhiều lần nói lên Thiên Chúa thấu suốt mọi bí ẩn của con người: “Con nghĩ tưởng gì Ngài thấu suốt từ xa. Con mới là bào thai, mắt Ngài đã biết.”
Con người ngày nay dễ chạy theo và thán phục những người có thể biết trước tương lai của mình bằng việc xem quẻ, bói toán. Một khi con người chạy theo như vậy thì sẽ bỏ quên Thiên Chúa. Nhiều người đã gạt Thiên Chúa sang một bên và xem như không có Thiên Chúa. Thế nhưng, họ không biết rằng, Thiên Chúa vẫn luôn hiện diện và thấu suốt mọi bí ẩn của con người. Thiên Chúa vẫn luôn yêu thương và dõi theo mỗi người chúng ta trên mọi nẻo đường đời.

Ngày 4 tháng 1Thứ Năm đầu thángPhúc Âm (Ga 1, 35-42)Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.Khi ấy, Gioan đang đứng vớ...
03/01/2024

Ngày 4 tháng 1
Thứ Năm đầu tháng
Phúc Âm (Ga 1, 35-42)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Gioan đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông, nhìn theo Chúa Giêsu đang đi mà nói: "Đây là Chiên Thiên Chúa". Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Chúa Giêsu. Chúa Giêsu ngoảnh mặt lại, thấy họ đi theo mình, thì nói với họ: "Các ngươi tìm gì?" Họ thưa với Người: "Rabbi, nghĩa là thưa Thầy, Thầy ở đâu?" Người đáp: "Hãy đến mà xem". Họ đã đến và xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy, lúc đó độ chừng giờ thứ mười. Anrê, em ông Simon Phêrô, (là) một trong hai người đã nghe Gioan nói và đã đi theo Chúa Giêsu. Ông gặp Simon anh mình trước hết và nói với anh: "Chúng tôi đã gặp Đấng Messia, nghĩa là Đấng Kitô", và ông dẫn anh mình tới Chúa Giêsu. Chúa Giêsu nhìn Simon và nói: "Ngươi là Simon, con ông Gioan, ngươi sẽ được gọi là Kêpha, nghĩa là Đá".
Gợi ý suy niệm:
Trong Tin mừng hôm nay, ta thấy Gioan Tẩy Giả cũng có vai trò tương tự khi giới thiệu Đức Giêsu cho các môn đệ của mình. Ngài giới thiệu Đức Giêsu là Chiên Thiên Chúa, và khiêm nhường xóa mình trước Đấng mà ông đã loan báo trước đó «Có người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi» (Ga 1,30), ông quy hướng về Chúa thay vì về mình «Người phải nổi bật lên, còn thầy phải lu mờ đi» (Ga 3,30). Khi nghe thầy giới thiệu, hai môn đệ của Gioan đã đến và gắn bó với Đức Giêsu. Qua cuộc gặp gỡ với Đức Giêsu, một trong hai môn đệ là Anrê đã nhận sự thật lời chứng của Gioan. Anrê cảm nghiệm tình thương của Chúa Giêsu, ông không giữ lại riêng cho mình mà tìm gặp và giới thiệu cho em là Phêrô «Chúng tôi đã gặp Đấng Mêsia» (Ga 1,41). Điều này cho thấy lời giới thiệu có hiệu lực khi quy hướng về Chúa và làm cho người khác gặp gỡ, đến và ở lại với Ngài.
Ngày nay, nhiều người vẫn chưa nhận biết Chúa và dường như họ không tìm thấy giá trị sống của đời mình. Họ có thể là người đang sống quanh ta và có khi cha mẹ, anh em, bạn bè, người thân của chúng ta nữa. Là Kitô hữu, ta cần giới thiệu về Chúa cho họ. Lời giới thiệu ấy có thể là chia sẻ cho họ những kinh nghiệm về Chúa trong những lần dâng lễ, những khi cầu nguyện hay việc Chúa đồng hành với ta qua biến cố cuộc sống. Ngoài ra, ta có thể giới thiệu về Chúa một cách thiết thực nhất là bằng chính gương sống của chính mình «mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau» (Ga 1,41). Thế nhưng ta khó có thể giới thiệu Chúa cho người khác nếu ta không có Chúa trong mình, bởi không ai có thể cho cái mình không có. Vì thế, một khi cảm nghiệm về Chúa như các môn đệ đầu tiên thì lời giới thiệu của ta mới hấp dẫn và có sức lôi cuốn mọi người.

Ngày 3 tháng 1Danh Thánh Chúa GiêsuPhúc Âm (Ga 1, 29-34)Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.Ngày hôm sau, Gioan th...
03/01/2024

Ngày 3 tháng 1
Danh Thánh Chúa Giêsu
Phúc Âm (Ga 1, 29-34)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Ngày hôm sau, Gioan thấy Chúa Giêsu đến với mình thì nói: "Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá tội trần gian. Đây chính là Đấng mà tôi đã nói rằng: 'Có người đến sau tôi, nhưng cao trọng hơn tôi, vì Người vốn có trước tôi'. Phần tôi, trước tôi không biết Người, nhưng tôi đã đến làm phép rửa bằng nước để Người được tỏ mình ra trong Israel".
Và Gioan đã làm chứng rằng: "Tôi đã thấy Thánh Thần, như chim bồ câu, từ trời xuống ngự trên Người. Và trước tôi không biết Người, nhưng Đấng đã sai tôi làm phép rửa trong nước bảo tôi: 'Ngươi thấy Thánh Thần ngự xuống trên ai, thì chính người đó là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần'. Tôi đã thấy và làm chứng rằng: Người là Con Thiên Chúa".
Gợi ý suy niệm:
Người nông dân Việt Nam trước đây đã có kinh nghiệm nhiều về sự gánh vác lúa thóc hay hoa màu trên đôi vai, nó thật nặng nề, có khi đến xụi lưng. Người cha, người mẹ cảm nghiệm được nỗi vất vả, cực lòng khi gánh vác trách nhiệm lo cho gia đình. Các vị mục tử của Giáo hội cũng thấm thía sức nặng khi chăm sóc cho đàn chiên được trao phó. Gánh nặng thể lý trong lao động đã vất vả rồi, gánh nặng tinh thần còn khó hơn. Tuy nhiên, khi yêu thì có nặng cũng hóa nhẹ nhàng, có đau cũng thấy được ấm lòng. Trong bài Tin mừng hôm nay, Gioan Tẩy Giả làm chứng “Chúa Giêsu là Chiên Thiên Chúa, là Đấng xóa bỏ tội trần gian” (Ga 1,29). Chúa Giêsu đã yêu thương nhân loại đến tận cùng. Ngài trở nên đồng phận với con người qua mầu nhiệm Nhập Thể - Thiên Chúa ở cùng nhân loại. Ngài đã sống, đã rao giảng, đã yêu thương con người cách trọn vẹn, vì đối với Ngài, con người quý vô vàn. Tuyệt đỉnh của tình yêu ấy là Con Chiên Tinh Tuyền đã bị đem đi sát tế. Chúa Giêsu đã chịu sát tế làm Chiên Vượt Qua. Máu Ngài đổ ra tẩy sạch tội lỗi nhân loại và giao hòa thế gian với Thiên Chúa.
Mỗi khi tham dự thánh lễ, người Kitô hữu được nghe lời mời gọi: Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian, phúc cho ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa. Phúc cho người được vào dự tiệc cưới của Con Chiên trong Nước Trời. Niềm hạnh phúc ấy được cảm nếm ngay hôm nay khi người Kitô hữu tham dự Thánh lễ và đón rước Mình Thánh Chúa. Như Con Chiên đã chịu sát tế với trọn tình yêu tự hiến. Người Kitô hữu cũng được mời gọi trao hiến cuộc đời cho tha nhân khi sống liên đới với anh chị em và quảng đại nâng đỡ gánh nặng của những người trong cùng một gia đình, một cộng đoàn.

Xin thông báo đến các cầu thủ bóng chuyền , giải bóng chuyền giới trẻ sẽ được khởi tranh vào chúa nhật 14/1 và kết thúc ...
03/01/2024

Xin thông báo đến các cầu thủ bóng chuyền , giải bóng chuyền giới trẻ sẽ được khởi tranh vào chúa nhật 14/1 và kết thúc chúa nhật 21/1 xin các đội chuẩn bị

BẢN ĐỒ GIÁO PHẬN CÔNG GIÁO VIỆT NAM
03/01/2024

BẢN ĐỒ GIÁO PHẬN CÔNG GIÁO VIỆT NAM

CỘNG ĐOÀN GIÁO XỨ NAM HÀ DÂNG THÁNH LỄ MỪNG KÍNH MẸ THIÊN CHÚABỔN MẠNG GIÁO HỌ THÁNH MẪU 1/1/2024
02/01/2024

CỘNG ĐOÀN GIÁO XỨ NAM HÀ DÂNG THÁNH LỄ
MỪNG KÍNH MẸ THIÊN CHÚA
BỔN MẠNG GIÁO HỌ THÁNH MẪU
1/1/2024

02/01/2024
Ngày 2 tháng 1Thánh Basiliô Cả và Thánh Grêôriô Nazianzênô, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ.Phúc Âm (Ga 1, 19-28)Tin...
01/01/2024

Ngày 2 tháng 1
Thánh Basiliô Cả và Thánh Grêôriô Nazianzênô, giám mục,
tiến sĩ Hội Thánh. Lễ nhớ.
Phúc Âm (Ga 1, 19-28)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Đây là chứng của Gioan, khi những người Do-thái từ Giêru-salem sai các vị tư tế và các thầy Lêvi đến hỏi ông: "Ông là ai?" Ông liền tuyên xưng, ông không chối, ông tuyên xưng rằng: "Tôi không phải là Đấng Kitô". Họ liền hỏi: "Như vậy là thế nào? Ông có phải là Elia chăng?" Gioan trả lời: "Tôi không phải là Elia". - "Hay ông là một đấng tiên tri?" - Gioan đáp: "Không phải".
Họ liền bảo: "Vậy ông là ai, để chúng tôi trả lời cho những người sai chúng tôi. Ông tự xưng là ai?" Gioan đáp: "Tôi là tiếng kêu trong hoang địa: Hãy sửa cho ngay đường Chúa đi, như tiên tri Isaia đã loan báo".
Và những người đã được sai đến đều thuộc nhóm biệt phái. Họ hỏi Gioan rằng: "Nếu ông không phải là Đức Kitô, cũng không là Elia hay một tiên tri, vậy tại sao ông làm phép rửa?" Gioan trả lời: "Tôi làm phép rửa trong nước, nhưng giữa các ngươi, có Đấng mà các ngươi không biết. Đấng ấy sẽ đến sau tôi, nhưng chính Đấng ấy đã có trước tôi, và tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người". Việc này xảy ra tại Bêtania, bên kia sông Giođan, nơi Gioan làm phép rửa.
Gợi ý suy niệm:
Gioan Tẩy Giả có một lối sống thu hút nên nhiều người đến với ngài. Nhưng ngài không giữ họ lại cho mình mà dẫn họ tới Chúa. Thi hành nhiệm vụ tiền hô cho Đấng Cứu Thế, ông thanh tẩy những kẻ tội lỗi bằng phép rửa tại sông Giođan, chính Gioan đã nhận ra Đức Giêsu là Đấng Thiên Sai và ông đã khiêm tốn: “Tôi cần được thanh tẩy bởi Ngài” (Mt 3,14b). Để làm được điều này, Gioan phải luôn ý thức “tôi là ai?” trong kế hoạch của Thiên Chúa. “Tôi là ai?” đó là lời mời gọi chúng ta chất vấn chính mình. Dù là ai, hãy như Gioan Tẩy giả mang bình an, hy vọng vào Đấng Cứu Thế, mỗi người chúng ta sống với cả con tim, sống chứng nhân của sự sáng.
Trải qua bao thế hệ, Giáo Hội vẫn luôn loan báo cho muôn dân được biết Tin Mừng Cứu Độ của Thiên Chúa đã được thực hiện nơi Chúa Giêsu Kitô. Bằng những cách thức khác nhau, nhiều người con của Giáo Hội đã trở thành những chứng nhân đích thực cho Chúa Giêsu. Trong nhiều chứng nhân đó, chúng ta có thể kể đến hai Thánh Giám mục là Basiliô Cả và Grêgôriô Nazianzênô mà Giáo Hội mừng lễ hôm nay. Thật vậy, Thánh Basiliô Cả là một Giám mục đạo đức, một chứng nhân trung thành cho Chúa Giêsu. Thánh Giám mục Grêgôriô Nazianzênô, bạn thân của Thánh Basiliô Cả, phải đương đầu với nhiều khó khăn mà các lạc giáo đã gây ra cho Giáo Hội. Chính nhờ gương sáng của các ngài mà nhiều người theo lạc giáo đã trở về đức tin Công Giáo. Gương sáng của các Thánh làm chứng nhân cho Chúa Giêsu là như thế, còn ngày nay, chúng ta đã, đang và sẽ làm gì để sống đời chứng nhân cho Chúa đây ?

MỪNG LỄ THÁNH GIA THẤT BỔ MẠNG GIÁO HỌ THÁNH GIA31/12/2023
31/12/2023

MỪNG LỄ THÁNH GIA THẤT
BỔ MẠNG GIÁO HỌ THÁNH GIA
31/12/2023

Ngày 31 tháng 12Chúa Nhật trong Tuần Bát Nhật Giáng Sinh. Thánh Gia: Chúa Giêsu, Đức Maria và thánh Giuse. Lễ kính.Phúc ...
30/12/2023

Ngày 31 tháng 12
Chúa Nhật trong Tuần Bát Nhật Giáng Sinh.
Thánh Gia: Chúa Giêsu, Đức Maria và thánh Giuse. Lễ kính.
Phúc Âm (Lc 2, 22. 39-40)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, đủ ngày thanh tẩy theo luật Môsê, cha mẹ Chúa Giêsu liền đem Người lên Giêrusalem để hiến dâng cho Chúa. Khi hai ông bà hoàn tất mọi điều theo luật Chúa, thì trở lại xứ Galilêa, về thành mình là Nadarét. Và Con Trẻ lớn lên, thêm mạnh mẽ, đầy khôn ngoan, và ơn nghĩa Thiên Chúa ở cùng Người..
Gợi ý suy niệm:
Hôm nay Giáo hội cho chúng ta mừng lễ kính Thánh Gia, một mẫu gương cho các gia đình Kitô giáo. Tuy bài Tin mừng hôm nay không trực tiếp nói đến đời sống Thánh Gia, chỉ có vài đoạn đề cập đến nhân đức âm thầm của Đức Maria, đức tin phó thác của thánh Giuse, sự vâng phục của Đức Giêsu, nhưng đó cũng là gương mẫu cho các gia đình noi theo.
Các gia đình ngày nay đang xuống dốc, làm lung lay cả nền tảng xã hội. Chúng ta là những gia đình Kitô hữu cần phải được củng cố lại cho bền vững, để nêu gương cho các gia đình khác đang bị lung lay, bằng cách làm cho mái ấm gia đình thấm nhuần đức tin Kitô giáo: biết yêu thương đùm bọc lẫn nhau, sống trên thuận dưới hoà, biết phục vụ, tha thứ cho nhau và trung thành trong đời sống hôn nhân.
Bên cạnh đó, Sống ơn gọi gia đình hôm nay, các bậc cha mẹ và con cái được mời gọi cùng nhau để sống năm chữ Thánh mà Thánh Gia làm gương mẫu cho chúng ta. (1) Thánh Gia là mẫu gương của mỗi gia đình. (2) Thánh Thần là Đấng được cầu khẩn để Ngài ngự đến và hướng dẫn cha mẹ, con cái cùng nhau thực hiện (3) Thánh ý Chúa trong vai trò và trách nhiệm của mỗi người. (4) Thánh Tử Giêsu là trung tâm mọi hoạt động trong gia đình. Ngài là điểm xuất phát cho những chương trình trong gia đình và là điểm quy về để ai nấy được nghỉ ngơi, bổ sức. Gia đình có Chúa sẽ luôn bình yên thuận hòa và can đảm vác (5) Thánh giá, để tất cả mọi thành viên đều sống ơn gọi nên thánh của mình.

Ngày 30 tháng 12Ngày VI trong tuần Bát Nhật Giáng SinhPhúc Âm (Lc 2, 36-40)Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.Khi ...
29/12/2023

Ngày 30 tháng 12
Ngày VI trong tuần Bát Nhật Giáng Sinh
Phúc Âm (Lc 2, 36-40)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, có bà tiên tri Anna, con ông Phanuel, thuộc chi họ Asê, đã cao niên. Mãn thời trinh nữ, bà đã sống với chồng được bảy năm. Rồi thủ tiết cho đến nay đã tám mươi tư tuổi. Bà không rời khỏi đền thờ, đêm ngày ăn chay cầu nguyện phụng sự Chúa. Chính giờ ấy, bà cũng đến, bà liền chúc tụng Chúa, và nói về trẻ Giêsu cho tất cả những người đang trông chờ ơn cứu chuộc Israel
Khi hai ông bà hoàn tất mọi điều theo luật Chúa, thì trở lại xứ Galilêa, về thành mình là Nadarét. Và con trẻ lớn lên, thêm mạnh mẽ, đầy khôn ngoan, và ơn nghĩa Thiên Chúa ở cùng Người..
Gợi ý suy niệm:
Bầu khí tưng bừng của Mùa Giáng Sinh dễ làm chúng ta quên đi một sự kiện quan trọng đó là Con Thiên Chúa đã đến thế gian một cách hết sức nhẹ nhàng, êm thắm. Ngài không đến để phút chốc làm đảo lộn tất cả nhịp sống bình thường của con người, nhưng chỉ tế nhị thay đổi từ từ cõi lòng và đời sống mỗi người bằng tình thương dịu dàng của Ngài.
Qua mầu nhiệm Giáng sinh, Thiên Chúa đã trao cho nhân loại một viên ngọc vô cùng quý giá, là Chúa Giêsu, để nhờ đó mà nhân loại được sống. Thế nhưng thử hỏi: có được bao nhiêu người trong nhân loại đã giơ tay ra để đón lấy viên ngọc quý đó. Thánh sử Gioan, trong bài tiền ngôn Tin mừng của Ngài, Ngài đã đau xót nói lên rằng: “Người ở giữa thế gian, nhưng thế gian lại không nhận biết Ngài (Ga 1,10). Và còn hơn thế nữa: “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận Người” (Ga 1,11). Chính vì thế “Ngài đã đến, nhưng Ngài lại phải ra đi”.
Tại sao nhân loại đã có thái độ như vậy ? Thưa, chỉ vì nhân loại chưa nhận biết giá trị của viên ngọc quý Giêsu. Chính vì thế mà nhiều người đã đi chọn cho mình những viên ngọc giả hiệu là danh vọng, lạc thú, giàu sang, chức quyền thay vì chọn viên ngọc thật, vô cùng qui giá là Chúa Giêsu.

Lịch đọc kinh chi tiết dưới phần bình luận 👇
29/12/2023

Lịch đọc kinh chi tiết dưới phần bình luận 👇

MỪNG KÍNH THÁNH GIOAN TÔNG ĐỒ BỔN MẠNG GIÁO HỌ 27/12/2023
29/12/2023

MỪNG KÍNH THÁNH GIOAN TÔNG ĐỒ
BỔN MẠNG GIÁO HỌ
27/12/2023

Ngày 29 tháng 12Ngày V trong tuần Bát Nhật Giáng SinhPhúc Âm (Lc 2, 22-35)Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.Khi m...
28/12/2023

Ngày 29 tháng 12
Ngày V trong tuần Bát Nhật Giáng Sinh
Phúc Âm (Lc 2, 22-35)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi mãn thời hạn thanh tẩy theo Luật Môsê, ông bà đem Chúa Giêsu lên thành Giêrusalem, để dâng cho Chúa, như đã viết trong lề luật Chúa rằng: "Mọi con trai đầu lòng sẽ được gọi là của thánh, dâng cho Thiên Chúa", và việc dâng lễ vật như đã nói trong lề luật Chúa là "một cặp chim gáy, hoặc hai bồ câu con".
Và lúc đó tại Giêrusalem có một người tên là Simêon, là người công chính và có lòng kính sợ, đang mong đợi niềm an ủi Israel, có Thánh Thần ở trong ông. Ông được Thánh Thần mách bảo là sẽ không thấy giờ chết đến, trước khi thấy Đấng Kitô của Chúa. Được Thánh Thần thúc giục, ông vào đền thờ. Khi cha mẹ bồng trẻ Giêsu đến để thi hành cho Người các nghi thức theo luật dạy, thì ông ẵm lấy Người trên cánh tay mình, và chúc tụng Thiên Chúa rằng:
"Lạy Chúa, bây giờ Chúa để cho tôi tớ Chúa đi bình an, theo như lời Chúa. Vì chính mắt con đã thấy ơn cứu độ mà Chúa đã sắm sẵn trước mặt muôn dân, là ánh sáng đã chiếu soi các lương dân, và vinh quang của Israel dân Chúa".
Cha mẹ Người đều kinh ngạc về những điều đã nói về Người. Simêon chúc lành cho hai ông bà, và nói với Maria mẹ Người rằng: "Đây trẻ này được đặt lên, khiến cho nhiều người trong Israel phải sụp đổ hay được đứng dậy, và cũng để làm mục tiêu cho người ta chống đối. Về phần bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn bà, để tâm tư nhiều tâm hồn được biểu lộ".
Gợi ý suy niệm:
Đức Giêsu là “con trai đầu lòng” (x. Lc 2,7), theo luật Môsê: “Mọi con trai đầu lòng phải được dâng hiến lên Thiên Chúa”, như chúng ta đọc thấy trong Cựu ước: “Đức Chúa phán với Môsê: “Hãy thánh hiến cho Ta mọi con so, mọi con đầu lòng trong số con cái Israel, dù là người hay là thú vật: nó thuộc về Ta” (Xh 13,1-2). Vì thế, Đức Mẹ và thánh Giuse dâng hiến Hài nhi Giêsu cho Thiên Chúa trong Đền thờ.
Từ nay cuộc đời Hài nhi hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa. Ngài đã được dâng và cũng tự hiến dâng, để Thiên Chúa toàn quyền sử dụng trên Ngài trong sứ mạng nhập thể cứu độ: Dâng trọn vẹn trên đỉnh cao Thập tự.
Người Kitô hữu được dâng cho Thiên Chúa qua bí tích Rửa tội để trở thành con cái Thiên Chúa. Là Kitô hữu, chúng ta ý thức được diễm phúc làm con Thiên Chúa, để cảm tạ bằng cách thờ phượng Thiên Chúa hết mình, và sống xứng đáng với phẩm giá đó bằng cách thánh hóa bản thân mỗi ngày.

Ngày 28 tháng 12Ngày IV trong tuần Bát Nhật Giáng SinhCác thánh Anh Hài, Tử đạo. Lễ kínhPhúc Âm (Mt 2, 13-18)Tin Mừng Ch...
27/12/2023

Ngày 28 tháng 12
Ngày IV trong tuần Bát Nhật Giáng Sinh
Các thánh Anh Hài, Tử đạo. Lễ kính
Phúc Âm (Mt 2, 13-18)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi các đạo sĩ ra đi, thiên thần Chúa hiện ra với ông Giuse trong lúc ngủ và bảo ông: "Hãy thức dậy, đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập, và ở đó cho tới khi tôi báo lại ông, vì Hêrođê sắp sửa tìm kiếm Hài Nhi để sát hại Người". Ông thức dậy, đem Hài Nhi và mẹ Người lên đường trốn sang Ai-cập đang lúc ban đêm. Ông ở lại đó cho tới khi Hêrođê băng hà, hầu làm trọn điều Chúa dùng miệng tiên tri mà phán rằng: "Ta gọi con Ta ra khỏi Ai-cập".
Bấy giờ Hêrođê thấy mình bị các đạo sĩ đánh lừa, nên nổi cơn thịnh nộ và sai quân đi giết tất cả con trẻ ở Bêlem và vùng phụ cận, từ hai tuổi trở xuống, tính theo thời gian vua đã cặn kẽ hỏi các đạo sĩ. Thế là ứng nghiệm lời tiên tri Giêrêmia đã nói: Tại Rama, người ta nghe tiếng khóc than nức nở, đó là tiếng bà Rakhel than khóc con mình, bà không chịu cho người ta an ủi bà, vì các con bà không còn nữa.
Gợi ý suy niệm:
Ngay từ những ngày đầu sau khi sinh hạ, Hài Nhi Giêsu đã phải đương đầu với một đe dọa trầm trọng: bạo vương Hêrôđê ra lệnh tàn sát các trẻ thơ dưới hai tuổi, và vì lý do này Chúa Giêsu bị bắt buộc cùng với cha mẹ trốn sang Ai Cập...” Mầu nhiệm giáng sinh gắn liền với mầu nhiệm tử nạn. Trong Hài Nhi nằm trong máng cỏ nghèo hèn, cuộc tử nạn đã được báo trước... Trong ánh sáng của mầu nhiệm giáng sinh, phải chăng chúng ta không được mời gọi nhận ra bóng đêm của mầu nhiệm tử nạn ? Bóng Thập Giá phải chăng đã không phủ trên máng cỏ của Hài Nhi Giêsu ?
Trong ánh sáng của mầu nhiệm Giáng sinh, chúng ta được mời gọi để tìm thấy giá trị của những hy sinh âm thầm từng ngày. Sự thinh lặng bé nhỏ của Hài nhi Giêsu trong hang đá Belem, 30 năm âm thầm của Ngài tại Nagiarét: đó là ý nghĩa của cuộc sống phiền toái, độc điệu mỗi ngày mà Hài Nhi Giêsu mời gọi ta nhận ra giá trị của cuộc sống.
Những đau khổ, những mất mát, khiến chúng ta nghi ngờ tình yêu của Ngài ư ? Hãy xác tín rằng Ngài đang nhìn thấy và cảm thông với từng nỗi khốn khổ của ta, và tình yêu mầu nhiệm của Ngài đang nhào nặn, để biến những đắng cay chua xót ấy thành ân phúc cho ta.

CANH THỨC ĐÊM GIÁNG SINH ( 2023 )GIÁO XỨ NAM HÀ
27/12/2023

CANH THỨC ĐÊM GIÁNG SINH ( 2023 )
GIÁO XỨ NAM HÀ

Ngày 27 tháng 12Ngày III trong tuần Bát Nhật Giáng SinhThánh Gioan Tông Đồ, Tác giả sách Tin Mừng. Lễ kínhPhúc Âm (Ga 20...
26/12/2023

Ngày 27 tháng 12
Ngày III trong tuần Bát Nhật Giáng Sinh
Thánh Gioan Tông Đồ, Tác giả sách Tin Mừng. Lễ kính
Phúc Âm (Ga 20, 2-8)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Ngày thứ nhất trong tuần, Maria Mađalêna chạy đến gặp Simon Phêrô và môn đệ kia mà Chúa Giêsu yêu, bà nói: "Người ta đã lấy xác Chúa khỏi mộ rồi, chúng tôi không biết họ để đâu".
Bấy giờ Phêrô ra đi với môn đệ kia đến mộ. Cả hai cùng chạy, nhưng môn đệ kia chạy nhanh hơn Phêrô và đến mộ trước ông. Cúi nhìn vào, người môn đệ đó thấy tấm khăn liệm xác hãy còn, nhưng không vào. Bấy giờ Simon Phêrô theo sau cũng đến, và đi vào trong mộ, thấy khăn liệm xác còn đó, và khăn che mặt để trên phía đầu Người, không để chung với khăn liệm xác, nhưng đã cuốn riêng để vào một chỗ.
Bấy giờ môn đệ đã đến trước cũng vào; ông đã thấy và đã tin.
Gợi ý suy niệm:
Bài Phúc Âm hôm nay nói đến một sự trống rỗng. Được Maria Mađalêna thông tin, Phêrô và Gioan đã vội vã chạy ra mồ. Hai người không còn thấy xác Chúa Giêsu trong ngôi mồ nữa. Nhưng nhìn thấy cảnh tượng đó, Gioan đã tuyên bố “Ông đã thấy và đã tin”. Niềm tin đã bừng dậy từ một sự trống rỗng. Đó là sứ điệp Gioan muốn gởi đến chúng ta, nhất là trong những ngày này khi chúng ta chiêm ngắm Hài nhi Giêsu nằm trong máng cỏ. Bên kia những hoa đèn và trưng bày lộng lẫy của mùa Giáng sinh, có lẽ chúng ta phải nhìn thấy cái thiết yếu trong những biểu tượng của lễ Giáng sinh. Cái thiết yếu ấy là gì nếu không phải là một Hài nhi nằm trong máng cỏ? Cái thiết yếu ấy là gì nếu không phải là cảnh trơ trụi nghèo nàn trống rỗng trong đó Hài nhi Giêsu đã giáng sinh? Ngôi mộ trống mà Gioan đã nhìn thấy hay máng cỏ trơ trụi nghèo nàn của Hài nhi Giêsu, cả hai cảnh tượng đều có chung một ý nghĩa: Thiên Chúa đến với con người qua những cái nhỏ bé tầm thường và ngay cả những mất mát của cuộc sống. Đức tin luôn là một bước nhảy vượt qua cái trống rỗng ấy, hay đúng hơn đức tin là một cái nhìn xuyên suốt qua cái trống rỗng ấy.

Cộng Đoàn Giáo xứ Nam Hà rước kiệu và dâng thánh lễ mừng chúa Giáng Sinh ( 25/12/2023 )
25/12/2023

Cộng Đoàn Giáo xứ Nam Hà rước kiệu và dâng thánh lễ mừng chúa Giáng Sinh ( 25/12/2023 )

CỘNG ĐOÀN GIÁO XỨ NAM HÀ DÂNG THÁNH LỄ ĐÊM GIÁNG SINH ( 2023 )
25/12/2023

CỘNG ĐOÀN GIÁO XỨ NAM HÀ DÂNG THÁNH LỄ ĐÊM GIÁNG SINH ( 2023 )

Ngày 26 tháng 12Ngày II trong tuần Bát Nhật Giáng SinhThánh Stêphanô, tử đạo tiên khởi. Lễ kínhPhúc Âm (Mt 10, 17-22)Tin...
25/12/2023

Ngày 26 tháng 12
Ngày II trong tuần Bát Nhật Giáng Sinh
Thánh Stêphanô, tử đạo tiên khởi. Lễ kính
Phúc Âm (Mt 10, 17-22)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Ngày ấy, Chúa Giêsu phán cùng các Tông đồ rằng: "Các con hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp các con cho công nghị, họ sẽ đánh đòn các con nơi hội đường. Vì Ta, các con sẽ bị điệu đến trước vua quan, để làm chứng trước mặt họ và các dân. Nhưng khi người ta nộp các con, các con chớ lo lắng phải nói sao và nói gì, vì không phải các con nói, nhưng là Thánh Thần của Chúa Cha các con sẽ nói thay cho. Anh sẽ nộp em cho người ta giết; cha sẽ nộp con; con cái chống đối cha mẹ và làm cha mẹ phải chết. Vì Ta, các con sẽ bị mọi người ghét bỏ, nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, sẽ được cứu rỗi.
Gợi ý suy niệm:
Hôm qua chúng ta mừng kính Sinh nhật của Đấng Cứu Thế sinh ra cho trần gian. Hôm nay chúng ta lại mừng ngày sinh vào Nước trời của thánh Têphanô vị tử đạo tiên khởi của Giáo hội đã sống một đời sống đau khổ khải hoàn, nay về trời.
Theo bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu báo trước cho các môn đệ biết: các ông sẽ bị người ta ganh ghét, bách hại. Họ sẽ tố cáo và sẽ nộp các ông cho vua quan. Có khi cả người thân trong gia đình cũng tố cáo giết hại nhau. Đó là dịp may để các ông làm chứng cho Chúa. Lúc đó, Chúa Thánh Thần sẽ soi sáng cho các ông ăn nói khôn ngoan. Và ai bền đỗ theo Chúa đến cùng thì được cứu rỗi.
Những cuộc bách hại các Kitô hữu chắc chắn sẽ xảy đến, nhưng đó là dịp tốt để họ làm chứng cho Đức Kitô trước mặt mọi người. Cái chết làm chứng của thánh Têphanô và các thánh Tử đạo làm ứng nghiệm những lời Chúa nói. Cuộc bách hại vì danh Chúa Kitô có thể xảy ra ngay trong gia đình, giữa những người thân thuộc, là thành viên trong gia đình, có khi tôi phải chịu thiệt thòi, bất công, chỉ vì muốn sống theo thánh ý Chúa. Tôi có dám coi đó là cơ hội tốt để làm chứng cho Chúa không ?

Phúc Âm (Lc 1, 26-38)Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca.Khi ấy, thiên thần Gabriel được Chúa sai đến một thành x...
23/12/2023

Phúc Âm (Lc 1, 26-38)
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca.
Khi ấy, thiên thần Gabriel được Chúa sai đến một thành xứ Galilêa, tên là Nadarét, đến với một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi họ Đavít, trinh nữ ấy tên là Maria.Thiên thần vào nhà trinh nữ và chào rằng: "Kính chào trinh nữ đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng trinh nữ". Nghe lời đó, trinh nữ bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì.Thiên thần liền thưa: "Maria đừng sợ, vì đã được ơn nghĩa với Chúa. Này trinh nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Đấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Đavít tổ phụ Người. Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp, và triều đại Người sẽ vô tận".Nhưng Maria thưa với thiên thần: "Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam?"Thiên thần thưa: "Chúa Thánh Thần sẽ đến với trinh nữ và uy quyền Đấng Tối Cao sẽ bao trùm trinh nữ. Vì thế, Đấng trinh nữ sinh ra sẽ là Đấng Thánh và được gọi là Con Thiên Chúa. Và này, Isave chị họ trinh nữ cũng đã thụ thai con trai trong lúc tuổi già và nay đã mang thai được sáu tháng, người mà thiên hạ gọi là son sẻ; vì không có việc gì mà Chúa không làm được".
Maria liền thưa: "Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền". Và thiên thần cáo biệt trinh nữ.
Gợi ý suy niệm:
Thánh Augustinô viết: “Thiên Chúa tạo dựng chúng ta, Ngài không cần ta. Nhưng khi cứu độ ta, Ngài không thể thiếu ta”. Thiên Chúa chủ động về phía Ngài, nhưng khi cứu độ, Ngài cần đến sự cộng tác của ta. Trong công cuộc cứu độ này, Thiên Chúa muốn Maria cộng tác. Đó là lời mời gọi mà sứ thần đã trao gửi nơi Maria theo chương trình của Thiên Chúa, Mẹ phải tạo điều kiện cho Ngài làm người trong thân phận của Con Ngài.
Thiên Chúa không chỉ thực hiện kế hoạch yêu thương cứu độ của Ngài nơi chúng ta và cho chúng ta, mà còn mời gọi chúng ta cộng tác với Ngài, tham gia vào việc thực hiện kế hoạch yêu thương và cứu độ của Ngài, nơi chúng ta và nơi những người có liên hệ với chúng ta nữa. Đó chính là niềm vinh hạnh và cũng là trách nhiệm nặng nề nơi chúng ta. Vậy mỗi lần chúng ta làm bất cứ việc gì đó để kế hoạch yêu thương và cứu độ của Thiên Chúa được thực hiện nơi tâm hồn và cuộc sống của mình, là chúng ta đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa.
Cũng thế, mỗi lần chúng ta làm một việc gì đó giúp người khác hiểu biết, yêu mến Thiên Chúa hoặc giúp người khác yêu thương phục vụ tha nhân là chúng ta cộng tác với Ngài trong việc thực hiện kế hoạch yêu thương cứu độ của Ngài. Công việc ấy thật bề bộn và cấp bách; vì một đàng chung quanh chúng ta còn rất nhiều người chưa biết Chúa, chưa đón nhận Tin mừng, chưa đón nhận bí tích Thánh tẩy; đàng khác, nơi những người đã biết và đón nhận Chúa cũng còn rất nhiều người chưa hiểu biết cho sâu sắc, chưa biết sống gắn bó mật thiết với Chúa. Đó là cánh đồng truyền giáo mênh mông đang chờ đợi chúng ta.

Thứ 7 Tuần III MV BNgày 23 tháng 12Phúc Âm (Lc 1, 57-66)Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.Khi đến ngày sinh, bà I...
22/12/2023

Thứ 7 Tuần III MV B
Ngày 23 tháng 12
Phúc Âm (Lc 1, 57-66)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi đến ngày sinh, bà Isave hạ sinh một con trai. Láng giềng bà con nghe biết Chúa đã tỏ lòng nhân hậu lớn lao đối với bà liền đến chúc mừng bà. Ngày thứ tám, người ta đến làm phép cắt bì cho con trẻ, và họ lấy tên Dacaria của cha nó mà đặt cho nó. Nhưng bà mẹ đáp lại rằng: "Không được, nó sẽ gọi tên là Gioan".
Họ bảo bà rằng: "Không ai trong họ hàng bà có tên đó". Và họ làm hiệu hỏi cha con trẻ muốn gọi tên gì. Ông xin một tấm bảng và viết: "Tên nó là Gioan". Và mọi người đều bỡ ngỡ. Bỗng chốc lưỡi ông mở ra, và ông liền chúc tụng Chúa.
Mọi người lân cận đều kinh hãi. Và trên khắp miền núi xứ Giuđêa, người ta loan truyền mọi việc đó. Hết thảy những ai nghe biết, đều để bụng nghĩ rằng: "Con trẻ này rồi sẽ nên thế nào? Vì quả thực, bàn tay Chúa đã ở với nó".
Gợi ý suy niệm:
Viết trình thuật cuộc chào đời của Gioan, Luca hữu ý đề cập đến một lớp nhân vật mà độc giả thường ít chú ý: đó là những người láng giềng của gia đình ông bà Dacaria. Niềm vui không gói kín trong gia đình ông bà. Niềm vui ấy lan tỏa sang những người láng giềng. Khi mô tả những người láng giềng “kinh sợ”, Luca không có ý nói họ bị thất thần vì một tai họa kinh hoàng nào đó. Ở đây thánh Luca dùng kiểu nói trong Cựu ước diễn tả tâm trạng choáng ngợp trước những “điềm thiêng dấu lạ” là dấu chỉ sự hiện diện và can thiệp của Thiên Chúa. Những người láng giềng “kinh sợ” vì cảm kích trước ân phúc quá lớn lao và rõ ràng mà Thiên Chúa đang thực hiện nơi gia đình này.
Mỗi gia đình Kitô hữu cũng được mời gọi chuyển trao sứ điệp yêu thương cứu độ của Thiên Chúa cho người chung quanh. Chúng ta làm việc này trước hết bằng cách mỗi thành viên trong gia đình dứt khoát chọn lựa trung thành với thánh ý Chúa – như ông bà Dacaria khi đặt tên cho con là Gioan.
Gioan là tên không có trong gia tộc ông bà Dacaria, mà là tên Thiên Chúa đã đặt cho, ông bà đã vâng theo ý Chúa mà đặt tên cho con trẻ như vậy.
Mỗi người chúng ta sinh ra đều được cha mẹ đặt tên để phân biệt với người khác, nhưng qua bí tích Rửa tội, chúng ta được Chúa đặt tên là “Kitô hữu”, con cái của Người. Điều này gợi lên cho chúng ta niềm hạnh phúc, vì được làm con cái Chúa và ý thức mình thuộc về Thiên Chúa, nên phải sống cho Chúa, vì Chúa và với Chúa cho xứng với phẩm giá của mình.

RAO HÔN PHỐI 💒
21/12/2023

RAO HÔN PHỐI 💒

Thứ 6 Tuần III MV BNgày 22 tháng 12Phúc Âm (Lc 1, 46-56)Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.Khi ấy, Maria nói rằng:...
21/12/2023

Thứ 6 Tuần III MV B
Ngày 22 tháng 12
Phúc Âm (Lc 1, 46-56)
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Maria nói rằng: "Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, và thần trí tôi hoan hỉ trong Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ tôi, vì Chúa đã đoái nhìn đến phận hèn tớ nữ của Chúa. Từ nay muôn thế hệ sẽ khen tôi có phước, vì Đấng toàn năng đã làm cho tôi những sự trọng đại, và danh Ngài là thánh. Lòng thương xót Chúa trải qua đời nọ đến đời kia dành cho những ai kính sợ Chúa. Chúa đã vung cánh tay ra oai thần lực, dẹp tan những ai lòng trí kiêu căng. Chúa lật đổ người quyền thế xuống khỏi ngai vàng, và nâng cao những người phận nhỏ. Chúa đã cho người đói khát no đầy ơn phước, và để người giàu có trở về tay không. Chúa săn sóc Israel tôi tớ Chúa, bởi nhớ lại lòng thương xót của Ngài. Như Chúa đã phán cùng các tổ phụ chúng tôi, cho Abraham và dòng dõi Người đến muôn đời!"
Maria ở lại với bà Isave độ ba tháng, đoạn Người trở về nhà mình.
Gợi ý suy niệm:
Nghe lời ca ngợi của bà Elizabeth, Đức Maria vô cùng xúc động vì ơn cao trọng Chúa ban, nên dâng lên Chúa lời cảm tạ ngợi khen như sau:
Chúa là đấng toàn năng cao cả đã thương Mẹ là phận hèn tớ nữ, vì muôn đời Chúa hằng thương xót kẻ khiêm nhường, nghèo khó; còn hạng kiêu căng, giàu có ỷ thế thì Chúa lật đổ xuống. Chúa luôn luôn giữ đúng lời hứa. Người đã cứu dân Người như đã phán hứa cùng các tổ phụ xưa.
Mẹ Maria muốn nói với chúng ta: Thiên Chúa làm được mọi việc trọng đại lạ lùng cho chúng ta, với điều kiện chúng ta biết nhận mình hèn mọn, kém cỏi, thiếu sót tất cả; hoàn toàn trông cậy, tin tưởng, phó thác cho Chúa.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần phải nhận thấy gương mẫu của sự biết ơn nơi Đức Maria. Biết ơn là bổn phận của thụ tạo đối với Đấng Tạo Hoá, biết ơn còn là sự chân nhận mình bé nhỏ không làm được gì, không có cái gì mà tất cả luôn luôn nhận ơn ban từ Chúa. Nhưng biết ơn không chỉ dừng lại nơi nhận thức và công nhận điều mình được mà còn đòi hỏi sự đáp trả. Mẹ Maria là gương mẫu tuyệt hảo về tấm lòng biết ơn. Qua bài ca tuyệt diệu này, chúng ta thấy tâm hồn Mẹ đã tràn đầy lòng biết ơn sâu xa đối với Thiên Chúa. Chính vì lòng biết ơn đó đã làm Mẹ hướng tâm trí lên Thiên Chúa và trải rộng ra tới tha nhân.

Address

Nam Hà, Xuân Bảo, Cẩm Mỹ
Biên Hòa

Telephone

+84907885994

Website

Alerts

Be the first to know and let us send you an email when Giáo Xứ Nam Hà posts news and promotions. Your email address will not be used for any other purpose, and you can unsubscribe at any time.

Videos

Share

Category

Lời Chúa Mỗi Ngày

Gia đình cầu nguyện với Lời Chúa


Other Media in Biên Hòa

Show All