24/11/2022
Mong là sẽ sớm có cơ chế mới và thật cụ thể. Lực lượng dân quân làm việc cả ngày nhưng chỉ hưởng phụ cấp một buổi (luật lao động 8h được tính một công). Chế độ ngày phép sửa luật 2 lần nhưng chưa đưa vào luật. (Dqtt). Phụ cấp PCHT, CHT thấp hơn chiến sĩ, do đó cả nước tính đến nay có 498 đồng chí đã xin nghĩ, gây lãng phí rất lớn đến ngân sách đào tạo.
Chi tiết xem thêm trong bài viết
NHIỀU BẤT CẬP VỀ CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH CHO DÂN QUÂN TỰ VỆ VÀ CÁN BỘ BAN CHQS CẤP XÃ CẦN QUAN TÂM GIẢI QUYẾT
Nhiều bất cập cần quan tâm giải quyết (bài 2)
Tìm hiểu chúng tôi được biết, hiện nay, việc bảo đảm các chế độ, chính sách, điều kiện làm việc đối với dân quân tự vệ (DQTV) còn nhiều khó khăn, bất cập.
Thậm chí, một số chế độ, chính sách đã được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật vẫn chưa thực hiện được, ảnh hưởng tới đời sống, tâm tư và chất lượng thực hiện nhiệm vụ của DQTV. Thực tế thời gian qua đã có một số đoàn đại biểu Quốc hội gửi kiến nghị của cử tri về nội dung này.
Cơm áo không đùa với... dân quân
Nhằm nắm rõ thực trạng, làm cơ sở nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về DQTV, mới đây, Bộ Quốc phòng đã tổ chức 3 cuộc hội thảo về tổ chức xây dựng lực lượng, huấn luyện, hoạt động và bảo đảm chế độ, chính sách đối với DQTV tại khu vực Quân khu 1, Quân khu 7 và Quân khu 9, với sự tham dự của đại diện các bộ, ngành liên quan và lãnh đạo chính quyền, cơ quan quân sự các địa phương từ cấp xã trở lên. Tại những cuộc hội thảo này, các đại biểu đều khẳng định vị trí, vai trò, những đóng góp quan trọng của lực lượng DQTV trong thực tiễn, cả thời chiến và thời bình hiện nay, đồng thời nêu lên những vấn đề bất cập cần sớm quan tâm giải quyết để bảo đảm tốt chế độ, chính sách đối với DQTV.
Vấn đề được nhiều đại biểu đề cập nhất là: Hiện nay, mức trợ cấp cho dân quân khi tham gia huấn luyện, làm nhiệm vụ không còn phù hợp, quá thấp so với tiền công lao động trên thị trường. Theo quy định hiện hành, mức trợ cấp của dân quân khi tham gia huấn luyện, làm nhiệm vụ không được thấp hơn 119.200 đồng/ngày, các địa phương tùy tình hình thực tế cân đối bảo đảm (riêng tự vệ hưởng nguyên lương, phụ cấp do đơn vị đang công tác chi trả). Trong khi đó, tiền công của lao động đơn giản nhất ở các địa bàn đều cao hơn mức này từ lâu và hiện ở mức 250.000 đồng/ngày trở lên (ngày công của thợ xây, thợ mộc bình quân khoảng 400.000 đồng); tiền công ở các vùng đô thị, thành phố, thị xã còn cao hơn. Chính vì vậy, mặc dù hiện có tới 42/63 tỉnh, thành phố bảo đảm trợ cấp ngày công lao động đối với dân quân cao hơn mức tối thiểu 119.200 đồng/ngày, trong đó có TP Hà Nội và tỉnh Vĩnh Phúc bảo đảm với mức cao nhất là 250.000 đồng/ngày nhưng vẫn khiến không ít dân quân (và cả người thân) băn khoăn khi được triệu tập tham gia huấn luyện, làm nhiệm vụ.
Chiến sĩ dân quân thường trực Dương Tấn Đức đang làm nhiệm vụ tại Ban CHQS TP Cà Mau (Bộ CHQS tỉnh Cà Mau), tâm sự với chúng tôi: “Tỉnh bảo đảm trợ cấp cho dân quân 178.000 đồng/ngày là ở mức cao so với các địa phương trong cả nước, nhưng sống độc thân như tôi thì mới tạm đủ chi tiêu, nếu đã lập gia đình thì rất khó khăn. Mặt khác, dân quân thường trực phải thực hiện các chế độ, nền nếp sinh hoạt như ở đơn vị bộ đội, gò bó về thời gian nên nhiều người ngại tham gia. Đi làm bên ngoài thoải mái mà thu nhập lại cao hơn”...
Không chỉ với chiến sĩ dân quân mà chế độ, chính sách đối với cán bộ ban CHQS cấp xã cũng... eo hẹp. Đồng chí Trần Tuyết Minh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cung cấp thông tin: Tại Bình Phước, lương và phụ cấp hằng tháng của chỉ huy trưởng ban CHQS cấp xã khoảng 4,2 triệu đồng/tháng; phụ cấp của phó chỉ huy trưởng khoảng 3 triệu đồng/tháng nên không bảo đảm đời sống. Vì thế, thời gian qua, toàn tỉnh đã có 42 đồng chí xin nghỉ việc (gồm 6 chỉ huy trưởng, 36 phó chỉ huy trưởng ban CHQS cấp xã). Điều này không chỉ gây lãng phí ngân sách đào tạo mà còn không kịp bổ sung nguồn cán bộ, ảnh hưởng đến kết quả công tác quân sự, quốc phòng của địa phương.
Thực tế ở Bình Phước cũng là khó khăn mà hầu hết các địa phương trên cả nước đang gặp phải, nhất là tình trạng nhiều đồng chí phó chỉ huy trưởng ban CHQS cấp xã xin thôi việc (hiện cả nước đã có 498 trường hợp). Nguyên nhân chủ yếu: Theo quy định của pháp luật thì phó chỉ huy trưởng ban CHQS cấp xã là chức danh cán bộ không chuyên trách, làm việc bán thời gian và không có chế độ tiền lương, mức phụ cấp được hưởng rất thấp. Nhưng thực tế thì hầu hết phó chỉ huy trưởng ban CHQS cấp xã phải làm việc thời gian như công chức, thực hiện nhiều nhiệm vụ đột xuất trong giờ nghỉ, ngày nghỉ, ban đêm, tuần tra canh phòng... Trong khi phụ cấp không đủ tiền xăng xe và đi dự đám hiếu, đám hỷ (vì cũng là cán bộ nên có nhiều mối quan hệ); tương lai lại không mấy sáng sủa nên không ít phó chỉ huy trưởng ban CHQS cấp xã muốn ra ngoài làm việc.
Luật đã có, nhưng khó vào cuộc sống
Theo báo cáo của Cục DQTV, hiện nay, dù mức hưởng còn thấp so với mặt bằng chung nhưng các địa phương đều bảo đảm được phụ cấp, trợ cấp, tiền ăn cho từng đối tượng DQTV theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, riêng chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) đối với dân quân thường trực và chế độ, chính sách khi DQTV làm nhiệm vụ ban đêm, ngày nghỉ, ngày lễ; khi thực hiện công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, dù đã được quy định trong Luật DQTV nhưng rất nhiều địa phương chưa thực hiện.
Cụ thể, theo quy định tại khoản 1, Điều 34, Luật DQTV: Dân quân làm nhiệm vụ từ 22 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau, ngày nghỉ, ngày lễ, khi thực hiện công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật về lao động (áp dụng Điều 98, Bộ luật Lao động thì mức trợ cấp ngày công lao động trong những trường hợp này tăng từ 150% đến 300%). Tuy nhiên hiện nay, hầu hết các địa phương chưa thực hiện được với lý do khó khăn về ngân sách bảo đảm. Đây là thiệt thòi lớn đối với lực lượng dân quân, bởi thực tế thời gian làm nhiệm vụ trong những điều kiện nêu trên khá nhiều.
Bên cạnh đó, cũng theo quy định tại khoản 1, Điều 34 Luật DQTV và khoản 4, Điều 12, Nghị định số 72/2020/NĐ-CP ngày 30-6-2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật DQTV về tổ chức xây dựng lực lượng và chế độ, chính sách đối với DQTV thì dân quân thường trực được hưởng chế độ BHXH, BHYT như hạ sĩ quan, binh sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đang tại ngũ theo quy định của pháp luật về BHXH, BHYT; kinh phí mua BHXH, BHYT do địa phương bảo đảm. Thế nhưng, cơ quan BHXH Việt Nam cho biết, hiện Luật BHXH, Luật BHYT và các văn bản hướng dẫn thực hiện hai luật này không có quy định về việc thực hiện chế độ, chính sách đối với đối tượng là DQTV và cũng không giao cho cơ quan BHXH tổ chức thực hiện nên các địa phương rất lúng túng trong việc làm chế độ BHXH, BHYT cho dân quân thường trực, chỉ một số địa phương vận dụng làm được. Riêng chính sách BHYT cho thân nhân của dân quân thường trực (như đối với hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ) thì đến nay vẫn chưa có địa phương nào thực hiện.
Tại các cuộc hội thảo về tổ chức xây dựng lực lượng, huấn luyện, hoạt động và bảo đảm chế độ, chính sách đối với DQTV cũng như khi tìm hiểu thực tế, chúng tôi đã được nghe nhiều đồng chí cán bộ địa phương bày tỏ trăn trở: Dù anh em dân quân có đề cao trách nhiệm nhưng nỗi lo "cơm áo gạo tiền" là thực tế khách quan. Là lao động chính trong gia đình nên họ không chỉ phải lo cho riêng mình. Mức trợ cấp đã thấp, khi đi huấn luyện, làm nhiệm vụ thì phải bỏ dở những việc đang làm, mất bạn hàng, mối hàng và không đáp ứng được hợp đồng đã ký, thậm chí khi đi huấn luyện về thì mất việc làm... Điều này tác động rất lớn đến công tác huấn luyện, hoạt động của lực lượng DQTV. Đây là thực tế cần sớm được các cấp, các ngành cùng chung tay khắc phục.
Ngoài những khó khăn, bất cập về chế độ, chính sách đối với DQTV, các địa phương còn gặp nhiều khó khăn về bảo đảm thao trường, bãi tập; vật chất, trang bị phục vụ huấn luyện và thực hiện nhiệm vụ của DQTV còn thiếu. Đặc biệt, rất ít địa phương xây dựng được trụ sở làm việc cho ban CHQS cấp xã (do ngân sách địa phương hạn hẹp và khó khăn về quỹ đất). Ví dụ như 100% ban CHQS cấp xã ở các tỉnh: Cao Bằng, Bắc Kạn, Yên Bái, Tuyên Quang, Lai Châu, Bắc Giang... và hầu hết các địa phương trên địa bàn Quân khu 3 chưa có trụ sở làm việc riêng.
(còn nữa)
NGỌC HÂN/qdnd.vn