15/01/2025
CHÍNH LUẬN: PHÁC DÁNG CÁN BỘ TỪ TIẾNG NGHĨA TÌNH NHÂN DÂN
(Tiếp theo và hết)
Từ cán bộ “6 dám” đến phác họa hình dáng người cán bộ vì nước, vì dân
Nhìn nhận vấn đề này, với vai trò là lực lượng kế cận gánh vác tương lai của đất nước, mỗi cán bộ đoàn, đoàn viên thanh niên phải thể hiện rõ vai trò tiên phong, xung kích đi đầu, là cánh tay đắc lực thực hiện mọi nhiệm vụ mà Đảng giao phó. Muốn vậy, điều căn cơ nhất của mỗi cá nhân phải xây dựng được sự tổng hòa của những giá trị nhân cách đạo đức tốt đẹp giữa đức và tài, giữa “hồng” và “chuyên” đó là lý tưởng cao đẹp, niềm tin sắt đá và cả sự dũng cảm kiên cường của mỗi người. Thực hiện tốt điều này phải xuất phát từ chính cái tâm trong mỗi con người và hơn hết, cần kiên trì, bền bỉ tự tu dưỡng suốt đời.
Thế nhưng, thẳng thắn thừa nhận rằng, hiện nay còn có một bộ phận nhỏ cán bộ đoàn, đoàn viên chưa thể hiện rõ bản lĩnh, khả năng của mình cả xét trên cả 2 mặt đức và tài. Vẫn còn đâu đó những cán bộ ít rèn luyện, ngại học tập đặc biệt là học tập lý luận chính trị; ngại va chạm, thấy khó thì lùi bước, sợ làm nhiều, sợ làm sai, đùn đẩy trách nhiệm, “thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh”, sợ liên lụy, thiếu đi sự dũng cảm và tính chiến đấu cần có của một người cán bộ đảng viên, đoàn viên. Trong công tác tự phê bình còn giấu diếm, chưa nhìn nhận được những khuyết điểm của bản thân, còn tình trạng “tô hồng” ưu điểm, tình trạng mắc bệnh “cá nhân”, bệnh “thành tích”. Trong công tác phê bình còn nể nang, né tránh chưa mạnh dạn, quyết liệt trong thực hiện công tác tư tưởng, đánh giá, phê bình đồng nghiệp. Thực tế, đây là những biểu hiện về sự suy thoái về đạo đức, lối sống, nếu không phát hiện kịp thời sẽ trở thành “con rắn độc” luồn lách vào tổ chức, làm mục rưỡng tâm hồn, đạo đức của con người, trở thành mối nguy hại khôn lường khác dẫn đến nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ gây ra hiện tượng “xói mòn lòng tin của Nhân dân đối với Đảng” hay “làm giảm lòng tin của Nhân dân đối với Đảng”, đe dọa đến sự tồn vong của chế độ ta.
Nhận thức rõ thực trạng này, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra chủ trương, định hướng để cán bộ, đảng viên thực hiện “6 dám”, đó là: “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám nói, dám đột phá sáng tạo và dám đương đầu với khó khăn, thử thách”. Để thực hiện điều này, mỗi cán bộ đoàn cần:
Thứ nhất, thể hiện tốt tính nêu gương, gương mẫu, thực hiện đúng nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đoàn Thanh niên, trở thành nơi quy tụ, tập hợp sức mạnh thống nhất của các đoàn viên, tạo điều kiện để mỗi đoàn viên chi đoàn phát huy năng lực, sở trường, trách nhiệm của bản thân
Thứ hai, chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng cho đoàn viên, thanh niên nhằm nâng cao bản lĩnh chính trị: tính chiến đấu, sự dũng cảm, dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu, đức hi sinh, là cơ sở vững chắc để nâng cao đạo đức cách mạng, lý tưởng sống cho đoàn viên là một bộ phận hết sức quan trọng góp phần hình thành thế giới quan, ý thức hệ tích cực cho đoàn viên, tạo sự thống nhất về tư tưởng, ý chí và hành động trong mỗi đoàn viên nói riêng, tổ chức Đoàn nói chung.
Thứ ba, làm tốt công tác tự phê bình và phê bình, nghiêm khắc phê bình và uốn nắn đối với cán bộ đoàn, đoàn viên có nguy cơ sa vào các biểu hiện suy thoái. Nhấn mạnh công tác tự phê bình và phê bình, song phải xác định rõ phê bình để giúp nhau cùng tiến bộ, để uốn nắn những tư tưởng lệch lạc trong nhận thức, khắc phục tư tưởng ngại khó, ngại khổ, tư tưởng chủ quan, nóng vội, duy ý chí, để mỗi đoàn viên nhận rõ những yếu kém, khuyết điểm của bản thân, để học cái hay, tránh cái dở. Bên cạnh đó, chú trọng rèn luyện bản lĩnh, kỹ năng tự phê bình và phê bình trong chi đoàn, tránh tình trạng lấy “phê bình” làm nơi để “bới lông, tìm vết”, soi mới, nói xấu lẫn nhau. Bên cạnh đó, nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết là “sợi dây” nghĩa tình tạo thành cội nguồn sức mạnh đưa dến những thành công chung mang tính tập thể cao.
Thứ tư, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo trong tự giáo dục, rèn luyện. Trong đó, mỗi cán bộ đoàn phải nỗ lực tự trau dồi kiến thức, trở thành lực lượng trẻ không chỉ vững vàng về chuyên môn, giỏi về nghiệp vụ, có đủ năng lực, đủ đức, đủ tài hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, phải là người đi đầu, bản lĩnh trong công tác đấu tranh, phê phán những quan điểm sai trái của các thế lực thù địch để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Thực hiện rèn luyện đạo đức cách mạng, phòng và chống chủ nghĩa cá nhân; nỗ lực học tập, nghiên cứu để nâng cao trình độ chuyên môn. Mỗi cán bộ đoàn phải biết khiêm nhường lắng nghe, học hỏi mọi người xung quanh, chia sẻ, giúp đỡ cùng chung tay, góp sức hoàn thành nhiệm vụ được giao. Mỗi cá nhân tự nhìn nhận, đánh giá lại mình, dứt khoát loại bỏ căn bệnh ganh ghét, đố kỵ lẫn nhau.
Cán độ đoàn “6 dám” chính là nguồn lực quý hiếm, là sức mạnh to lớn cho sự phát triển của đất nước. Hội tụ đủ “6 dám” sẽ phác dáng nên hình hài của những người kế tục đất nước vì nước, vì dân.Vì vậy, việc ươm mầm cho những “chồi xanh” để sẵn sàng đón nhận “vầng dương” tất yếu sẽ hình thành lớp thế hệ kế tục mang đủ tinh thần, trí tuệ, phẩm chất đạo đức, nhân sinh quan cách mạng, đủ dũng khí, nghị lực và niềm tin cống hiến sức lực, trí tuệ của mình , đủ sức tạo dựng tương lai Việt Nam ngời sáng ở giai đoạn tiếp theo./.
Tác giả: ĐỖ THỊ ĐOAN TRANG (Tác phẩm đạt giải Cuộc thi Chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng tỉnh Bến Tre, lần thứ Ba năm 2024)