28/10/2022
ĐẶC SẢN '' DƯA GANG MUỐI '' ĐANG NGÀY CÀNG ĐƯỢC NHIỀU NGƯỜI BIẾT ĐẾN VÀ TRỞ THÀNH MÓN QUÀ QUÊ Ý NGHĨA
Với lợi thế mặt tiền ngay đường Quốc lộ 18, nên cứ vào mùa, bà Nguyễn Thị Nghiên, 66 tuổi, thôn Nghiêm Xá, xã Việt Hùng lại chuẩn bị nhiều mẻ dưa muối bày bán cho khách. Bà kể, từ thời bé đã được xem rồi học cách bố mẹ muối dưa gang tích ăn dần. Đây là món ăn đậm đà, hợp với những ngày hè nóng bức, nếu xào với thịt và ăn cùng bát canh rau luộc thì rất đưa cơm. Tuy nhiên, ngày ấy hầu như nhà nào muối ăn của nhà nấy. Những năm gần đây, nhiều người ở xa đã biết tới sản phẩm này, nên gia đình bà quyết định muối dưa để bán. Bình quân mỗi vụ, bà muối khoảng 400-500 quả dưa. Thực tế, nguyên liệu để muối dưa rất đơn giản, chỉ bao gồm dưa tươi và nước muối pha. Để làm nên quả dưa muối vừa giòn, vừa dai, vị mặn vừa phải đòi hỏi người muối có công thức riêng. Chẳng hạn, từ khâu chọn nguyên liệu là phải đặt mua những quả dưa tươi loại 1. Nếu mẻ đầu, sẽ phải ngâm dưa trong nước muối pha đủ 2 ngày 2 đêm rồi phơi nắng thêm 1 ngày mới được bán. Từ mẻ thứ 2 trở đi chỉ cần ngâm 1 ngày 1 đêm là đủ. Sản phẩm dùng để xào thịt/cá, làm nộm, ăn trực tiếp..., được nhiều người ưa thích. Hiện còn có thêm loại dưa muối được ép chặt, có độ dai, giòn hơn cũng bán khá chạy.
Bà Nghiên chia sẻ: “Hầu hết các hộ gia đình làm nông ở Quế Võ đều biết cách muối dưa gang. Chúng tôi rất vui khi món ăn quê ngày càng được khách hàng gần xa ưa chuộng. Nếu sản phẩm dưa gang muối có thương hiệu, được hỗ trợ dán tem, mác rõ ràng gắn với các chương trình giới thiệu sản phẩm thì sẽ dễ tiêu thụ, cũng thuận tiện cho việc chào bán hàng qua mạng”.
Được biết, dưa gang nguyên liệu của huyện Quế Võ sản xuất tập trung từ tháng 3 đến tháng 9 tại một số xã như Quế Tân có gần 20 ha, xã Bằng An 10 ha, xã Việt Hùng 5 ha, xã Phù Lương 4 ha… (quy mô 1-3 sào/hộ), một số hộ có trồng dưa trái vụ. Dưa thu hoạch số ít được bán quả tươi, chủ yếu là chế biến theo hình thức muối, ép. Theo ông, Ngô Đăng Bình, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, với thị trường tiêu dùng kề cận khu công nghiệp, sản phẩm dưa gang muối của huyện Quế Võ có nhiều lợi thế để phát triển. Thu nhập từ trồng dưa gang đạt từ 8-9 triệu đồng/sào, tăng lên từ 2-3 lần nếu chế biến thành dưa gang muối. Tuy nhiên, việc tiêu thụ còn rất nhỏ lẻ, manh mún, chủ yếu tại các chợ dân sinh của địa phương và vùng lân cận. Một số ít được các thương lái của Từ Sơn, Gia Bình và Lương Tài thu mua. Ngoài ra, sản phẩm đang được sản xuất với quy mô nhỏ hộ gia đình, chưa có thương hiệu, đòi hỏi việc cải thiện và nâng cấp theo các tiêu chuẩn OCOP để mở rộng thị trường, tăng giá trị, góp phần phát triển bền vững vùng nguyên liệu của huyện Quế Võ.
Nắm bắt thực tế đó, vừa qua, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh, Trung tâm Nghiên cứu và phát triển hệ thống nông nghiệp cùng UBND huyện Quế Võ triển khai việc xây dựng, quản lý và quảng bá thương hiệu cho sản phẩm dưa gang muối Quế Võ. Mục tiêu của nhiệm vụ khoa học này là xác lập quyền sở hữu trí tuệ nhãn hiệu chứng nhận “Dưa gang muối Quế Võ”; thiết lập cơ chế bảo hộ, quản lý và khai thác nhãn hiệu chứng nhận sau khi được bảo hộ nhằm kiểm soát chất lượng và xuất xứ sản phẩm; quảng bá và xúc tiến thương mại cho sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận “Dưa gang muối Quế Võ”.
Trên cơ sở đó, đơn vị tư vấn thực hiện đề tài là Trung tâm Nghiên cứu và phát triển hệ thống nông nghiệp đã có những khảo sát, đánh giá Xây dựng bộ tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm mang nhãn hiệu; Xác định khu vực địa lý tương ứng vùng bảo hộ nhãn hiệu; Thiết kế mẫu nhãn hiệu… Tới đây, các ngành, đơn vị tiếp tục thực hiện việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận; Xây dựng Quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu; Xây dựng các công cụ quản lý và sử dụng nhãn hiệu; hệ thống biểu mẫu ghi chép, theo dõi; Hỗ trợ tem QRcode cho chủ thể; lập kế hoạch xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm…
Hy vọng, trong thời gian sớm nhất, dưa gang muối Quế Võ sẽ được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, như là bước quan trọng để định vị thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh, hạn chế tình trạng làm giả, nhái, tạo động lực để người sản xuất đa dạng hóa kênh phân phối và thay đổi phương thức bán hàng, từ đó có thu nhập tốt hơn với chính sản phẩm truyền thống này./
( Theo Báo Bắc Ninh )
xem thêm tại BEAT BẮC NINH ✅
Hóng Biến Bắc Ninh ✅