ĐCS Xã An Trạch- huyện Đông Hải

ĐCS Xã An Trạch- huyện Đông Hải ấp Thành Thưởng, xã An Trạch, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu

Chi đoàn trường Mẫu giáo Anh Đào tổ chức họp đoàn thường lệ tháng 8.
14/08/2024

Chi đoàn trường Mẫu giáo Anh Đào tổ chức họp đoàn thường lệ tháng 8.

18/07/2024

❤ THÁNG BẢY TRI ÂN 🇻🇳🙏

Tháng 7 về bất chợt mưa ngâu
Như nỗi nhớ ở hai đầu gặp lại
Tiếng vọng xưa đồng đội ơi gọi mãi
Giữa đại ngàn bom đ.ạn- ở Trường Sơn

Tháng 7 về xin thắp nén hương thơm
Phút tưởng niệm những anh hùng Liệt sĩ
Đã một thời lên đường đi đánh Mỹ
Hiến tuổi xuân cho đất nước thanh bình.

Tháng 7 về vang khúc hát Thương binh
Đời để lại dấu chân tròn trên cát
Dáng liêu xiêu nghiêng khoảng trời nắng nhạt
Lối đi về khập khiễng bước đường quê.

Tháng 7 về còn nhớ kỷ niệm xưa
Dòng Thạch Hãn nước hòa trong máu đỏ
Bao đồng đội nằm lại nơi Thành Cổ
Cầu Hiền Lương chia nỗi nhớ hai đầu.

Tháng 7 về bạn đang ở nơi đâu?
Tây Nguyên xanh hay Trường Sơn hùng vĩ
Tôi đứng lặng trước tượng đài Liệt sĩ
Nghe nhạc chiêu hồn lệ thấm ướt bờ mi.

Tháng 7 về ai có nhớ Người đi
Khi đất nước chao nghiêng miền Đông hải
Nửa vầng trăng một khoảng trời còn mãi
Sài gòn ơi? Chung nhịp bước quân hành.

Tháng 7 về biết không có bóng anh
Trong đội ngũ điệp trùng hoa chiến thắng
Ngôi sao sáng giữa bầu trời tỏa nắng
Lời tri ân xin thắp nén hương lòng.

Tháng 7 về triệu triệu ngọn nến hồng
Thắp sáng nghĩa trang trải dài theo đất nước
Viếng các Anh linh thiêng hồn Tổ Quốc
Đất Tiên rồng vững bước mãi ngàn năm.

St

LỄ TRAO QUYẾT ĐỊNH THÀNH LẬP CHI ĐOÀN CÔNG AN XÃ AN TRẠCH.
09/07/2024

LỄ TRAO QUYẾT ĐỊNH THÀNH LẬP CHI ĐOÀN CÔNG AN XÃ AN TRẠCH.

01/07/2024
01/07/2024
27/06/2024

“Muốn xây dựng xã hội chủ nghĩa phải có tinh thần xã hội chủ nghĩa, muốn có tinh thần xã hội chủ nghĩa phải đánh bại chủ nghĩa cá nhân”.

Đây là lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài nói chuyện với sinh viên đại học, ngày 26 tháng 6 năm 1959, trong thời điểm miền Bắc bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, bước đầu đạt được những thành tựu quan trọng; miền Nam tiếp tục cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược.
Lời dạy của Bác có ý nghĩa vô cùng to lớn, đã chỉ rõ cho nhân dân ta nói chung, sinh viên Việt Nam nói riêng nhận thức đúng đắn, đầy đủ bản chất của chủ nghĩa xã hội, con đường mà Đảng, Bác và nhân dân ta đã lựa chọn; thức tỉnh tinh thần toàn dân tộc, trong đó có sinh viên, phải nêu cao ý thức và có tinh thần xã hội chủ nghĩa, phấn đấu hết mình cho sự nghiệp vĩ đại đó của dân tộc; đồng thời, kiên quyết đấu tranh bài trừ chủ nghĩa cá nhân ra khỏi đời sống xã hội, một trong những cản trở lớn trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Thực hiện lời dạy của Bác, lớp lớp sinh viên Việt Nam đã đoàn kết chặt chẽ, ra sức học tập, rèn luyện tốt, chăm chỉ lao động và vượt qua khó khăn, kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng với chủ nghĩa cá nhân để trở thành chủ nhân tương lai của nước nhà, phấn đấu hết mình cho sự nghiệp cách mạng.
Ngày nay, cả nước đang ra sức đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, lời dạy của Bác vẫn vẹn nguyên giá trị, là tư tưởng chỉ đạo, phương châm hành động đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong tự phê bình và phê bình, đấu tranh bài trừ chủ nghĩa cá nhân ra khỏi đời sống xã hội.
Thấm nhuần lời dạy của Bác, từng cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội nhân dân Việt Nam phải luôn luôn nêu cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, tích cực học tập, rèn luyện, phát huy tinh thần làm chủ tập thể, luôn đặt công việc, lợi ích của tập thể lên trên, lên trước lợi ích của cá nhân; không ngừng nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ; làm chủ vũ khí trang bị; kiên quyết đấu tranh với tư tưởng cá nhân chủ nghĩa, cục bộ địa phương, thờ ơ, vô cảm… sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng là người quân nhân cách mạng, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.
BÁO QUÂN KHU BỐN

27/06/2024

KIÊN QUYẾT QUÉT SẠCH CHỦ NGHĨA CÁ NHÂN
Thực tiễn khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định sự trường tồn và phát triển của dân tộc Việt Nam. Để đủ sức lãnh đạo đất nước và xã hội, ngay từ khi ra đời, Đảng ta đã đặc biệt nhấn mạnh công tác xây dựng Đảng nói chung và đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân (CNCN) nói riêng.
Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh coi CNCN là “kẻ thù của cách mạng”. Đảng ta xác định đấu tranh chống CNCN vừa là một nội dung trọng tâm, vừa là một giải pháp rất quan trọng trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Trong mọi thời kỳ cách mạng, trước bất cứ nhiệm vụ gì, Đảng ta đều đặc biệt coi trọng và gắn chặt với cuộc đấu tranh chống CNCN. Nhằm giải quyết vấn đề về tư tưởng và tổ chức của Đảng, trong đó có nội dung liên quan đến CNCN, từ năm 1939, Đảng ta đã tổ chức đợt sinh hoạt “tự phê bình” sâu rộng. Đặc biệt, trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” viết năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ cụ thể 15 căn bệnh nguy hiểm trong Đảng bắt nguồn từ CNCN. Đảng ta nhận thức rõ nguồn gốc của những “căn bệnh” làm hư hỏng đội ngũ đảng viên, làm tha hóa Đảng ta không gì khác là CNCN. Từ chỗ coi CNCN là “kẻ thù của cách mạng”, Đảng xác định phải kiên quyết tuyên chiến với loại “giặc nội xâm” này. Vụ án Đại tá Trần Dụ Châu, Giám đốc Nha Quân nhu, vì CNCN mà phạm tội tham nhũng phải lĩnh án tử hình là ví dụ điển hình chứng minh cho tinh thần kiên quyết đấu tranh với CNCN trong Đảng.
Qua các nhiệm kỳ đại hội, Đảng ta đều có các văn kiện chuyên đề về đấu tranh chống CNCN. Đặc biệt, từ Đại hội VI đến nay, tinh thần kiên quyết đấu tranh chống CNCN của Đảng ta được thể hiện rất rõ nét. Tại Đại hội XIII, Đảng ta đề ra yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng với 10 giải pháp cơ bản, trong đó nhấn mạnh phải: Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII với trọng tâm là ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm minh với những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những hành vi tham nhũng, tiêu cực và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Tại Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII, Đảng ta tiếp tục khẳng định tinh thần “kiên quyết đấu tranh quét sạch CNCN trong toàn Đảng”. Tại Điều 3 của Quy định số 37-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm, Đảng ta cũng nêu rõ đảng viên không được vướng vào “… CNCN, cơ hội, vụ lợi…”.
Nhờ thường xuyên coi trọng công tác xây dựng Đảng nói chung và đấu tranh chống CNCN nói riêng mà năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng ta ngày càng được nâng lên. Đại đa số cán bộ, đảng viên của Đảng có bản lĩnh chính trị vững vàng, luôn kiên định mục tiêu lý tưởng và con đường XHCN; phát huy tốt vai trò tiên phong, gương mẫu thực sự làm nòng cốt đi đầu trong công cuộc đổi mới và lãnh đạo quần chúng thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu của cách mạng. Nhiều tấm gương điển hình, tiên tiến được nhân rộng, lan tỏa trong đời sống xã hội. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng Đảng ta vẫn vững vàng chèo lái đưa con thuyền cách mạng vượt lên đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đặc biệt qua gần 40 năm đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Bên cạnh những thành tựu quan trọng đạt được, bốn nguy cơ mà Đảng ta chỉ ra từ nhiệm kỳ khóa VII, trong đó có “nạn tham nhũng và các tệ nạn xã hội” vẫn hiện hữu, có mặt diễn biến gay gắt, phức tạp hơn. Đúng như Nghị quyết Trung ương 4 khóa XIII đã chỉ rõ điều bức xúc và đáng lo nhất hiện nay là tình trạng tham nhũng, tiêu cực của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Đảng ta đặc biệt nhấn mạnh sự “phai nhạt lý tưởng cách mạng, không kiên định con đường XHCN, mơ hồ, dao động, thiếu niềm tin; nói trái, làm trái quan điểm, đường lối của Đảng; sa sút về ý chí chiến đấu, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh; thậm chí còn phụ họa theo những nhận thức, quan điểm sai trái, lệch lạc; không còn ý thức hết lòng vì nước, vì dân, không làm tròn bổn phận, chức trách được giao; không thực hiện đúng các nguyên tắc xây dựng Đảng và tổ chức sinh hoạt Đảng”.
Có nhiều nguyên nhân của tình trạng trên, nhưng Đảng ta nhận định nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu, trong đó có nguyên nhân vướng vào CNCN. Đây là nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn đến những hành vi sai trái, tiêu cực. Để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của đội ngũ đảng viên ngang tầm với đòi hỏi ngày càng cao của sự nghiệp đổi mới, Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII, Đảng ta đặc biệt nhấn mạnh phải “kiên quyết đấu tranh quét sạch CNCN trong toàn Đảng”.
Mặt khác, trước bối cảnh mới đất nước hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; nền kinh tế phát triển chưa bền vững, khủng hoảng kinh tế toàn cầu tác động ảnh hưởng rất lớn, cùng với những hạn chế, yếu kém còn tồn tại khiến nước ta đứng trước nhiều khó khăn, thách thức mới, đòi hỏi Đảng ta tiếp tục đẩy mạnh công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng lên tầm cao mới. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra: “Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”. Có thể khẳng định đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị nói chung, đấu tranh kiên quyết với CNCN nói riêng không phải là ý muốn chủ quan của ai, mà là yêu cầu tất yếu của tình hình nhiệm vụ cách mạng.
Để tiếp tục đấu tranh chống CNCN đạt hiệu quả cao, trước hết chúng ta cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, nhằm không ngừng nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên về mục tiêu, lý tưởng của Đảng và con đường xây dựng XHCN. Đây là cơ sở, nền tảng để cán bộ, đảng viên xác định động cơ, mục đích rèn luyện, tu dưỡng phấn đấu đúng đắn, vì lợi ích của tập thể, của quốc gia, dân tộc, trong đó có gia đình, cá nhân mình. Chỉ có trên cơ sở ý thức rõ điều đó, cán bộ, đảng viên mới nâng cao sức “đề kháng”, không mắc vào CNCN.
Trong tổ chức xây dựng và sinh hoạt đảng phải giữ vững các nguyên tắc, đặc biệt là nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy dân chủ gắn chặt với đề cao trách nhiệm cá nhân trong Đảng. Đồng thời, thường xuyên đẩy mạnh đấu tranh tự phê bình và phê bình nhằm phòng ngừa từ xa CNCN cũng như mọi biểu hiện tham nhũng, tiêu cực. Mỗi đảng viên, từng tổ chức Đảng phải coi tự phê bình và phê bình như phương thuốc để phòng ngừa và chữa trị các căn bệnh mắc phải. Mặt khác, phải có cơ chế phát huy tai mắt của nhân dân trong xây dựng Đảng và tham gia đấu tranh chống CNCN. Trước hết là phát huy vai trò của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc giám sát cán bộ, đảng viên. Phát huy tốt vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng trong tuyên truyền cổ vũ, tôn vinh những tổ chức đảng, đảng viên điển hình, tiên tiến và phát hiện, đấu tranh với những biểu hiện của CNCN. Dùng thông tin chính thống đẩy lùi những thông tin sai trái, xấu, độc, đề cao trách nhiệm của các cơ quan báo chí trong cung cấp thông tin, định hướng dư luận, đấu tranh với những âm mưu, thủ đoạn lợi cuộc đấu tranh chống CNCN, chống tham nhũng, tiêu cực để chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân ta./.
QUỐC AN

27/06/2024

Phát triển truyền thông đối ngoại, phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc

Ngày nay, với sự phát triển của cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0, truyền thông đối ngoại đang được các quốc gia trên thế giới đẩy mạnh, tạo sự lan toả và tầm ảnh hưởng toàn cầu. Việc đẩy mạnh truyền thông đối ngoại còn góp phần phản bác luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động lưu vong từ ngoài biên giới.

Truyền thông đối ngoại, xu thế toàn cầu về thông tin, báo chí

Thông tin đối ngoại là nội dung rất quan trọng trong công tác đối ngoại và công tác tư tưởng của Đảng và Nhà nước ta, là cầu nối và phương tiện để mở rộng giao lưu hiểu biết giữa Việt Nam và các nước. Xét về lợi ích quốc gia, thực hiện tốt công tác thông tin đối ngoại sẽ giúp bạn bè quốc tế tiếp cận tình hình về Việt Nam một cách chính xác, qua đó hiểu đúng về đất nước, con người Việt Nam. Điều này giúp thực hiện chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế và hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước ta, tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân thế giới, sự đóng góp của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, thu hút sự quan tâm của các nước trên thế giới, các nhà đầu tư kinh doanh, tổ chức tài chính, tiền tệ... Bên cạnh đó, thực hiện tốt công tác thông tin đối ngoại còn góp phần hạn chế những thông tin sai lệch, bịa đặt về Việt Nam và ngăn chặn âm mưu “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa cũng như các hoạt động phá hoại an ninh quốc gia của các phần tử chống đối.

Truyền thông đối ngoại hiện nay có thể được hiểu là đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thông tin về tình hình Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực ra thế giới. Thông tin quảng bá hình ảnh Việt Nam là thông tin về đất nước, con người, lịch sử văn hóa của dân tộc Việt Nam. Đồng thời đưa thông tin tình hình thế giới vào Việt Nam nhằm thúc đẩy quan hệ chính trị, xã hội, văn hóa, quốc phòng - an ninh giữa Việt Nam với các nước, các tổ chức quốc tế.

Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, bên cạnh thời cơ, thuận lợi, đất nước ta cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Xu thế chung của thế giới vẫn là hòa bình, hợp tác, liên kết và phát triển. Tuy nhiên, cạnh tranh giữa các nước lớn, trong đó chủ yếu xuất phát từ thiếu lòng tin chiến lược và nhu cầu đối với vấn đề an ninh quốc gia khiến cho quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế gặp nhiều khó khăn, trở ngại, đồng thời tác động mạnh mẽ đến chính sách đối ngoại của các nước. Trong bối cảnh các lực lượng thù địch đang ra sức tuyên truyền cho các giá trị phương Tây, bôi xấu, xuyên tạc các chính sách của Đảng và Nhà nước trong các vấn đề đối nội và đối ngoại, công tác thông tin đối ngoại càng đóng vai trò quan trọng nhằm đem lại cho nhân dân nhận thức đúng đắn nhất về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, phản bác lại các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, nhất là các vấn đề về dân tộc, dân chủ, nhân quyền, tôn giáo, tín ngưỡng, tự do ngôn luận…

Quan điểm chỉ đạo của Đảng đối với công tác truyền thông đối ngoại

Xét về lợi ích quốc gia, thực hiện tốt công tác truyền thông đối ngoại sẽ giúp thế giới hiểu hơn về đất nước, con người, về những giá trị văn hóa, vật chất, tinh thần của dân tộc Việt Nam; nâng cao hình ảnh, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế; góp phần thực hiện chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế và hội nhập quốc tế của đất nước ta, tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân thế giới, sự đóng góp của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài... Thực hiện tốt công tác truyền thông đối ngoại còn góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo đảm ổn định kinh tế - xã hội.

Ngay từ những ngày đầu đấu tranh giành độc lập, Đảng và Nhà nước ta đã rất coi trọng công tác truyền thông đối ngoại. Điều đó đã được thể hiện qua Chỉ thị số 45-CT/TW, ngày 10/5/1962 của Bộ Chính trị, về công tác tuyên truyền đối ngoại đã xác định công tác tuyên truyền đối ngoại là một bộ phận của cuộc đấu tranh chính trị và tư tưởng của nước ta trên phạm vi toàn thế giới. Tiếp đó, nhiều văn bản quan trọng khác của Đảng và Nhà nước đã được ban hành, thể hiện rõ quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về hoạt động thông tin truyền thông đối ngoại qua các thời kỳ như: Chỉ thị số 11-CT/TW, ngày 13/6/1992 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa VII về đổi mới và tăng cường công tác thông tin đối ngoại; Chỉ thị số 10/2000/-CT/TTg, ngày 26/4/2000 của Thủ tướng Chính phủ, về tăng cường quản lý và đẩy mạnh công tác thông tin đối ngoại. Ngày 10/9/2008, Ban Bí thư đã ra Chỉ thị 26-CT/TW về “Tiếp tục đổi mới và tăng cường công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới”, xác định thông tin đối ngoại là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị với phương châm “chính xác, kịp thời, sinh động, phù hợp với từng đối tượng”.

Ngày 14/2/2012, Bộ Chính trị khóa XI ra Kết luận số 16-KL/TW về chiến lược thông tin đối ngoại giai đoạn 2011-2020, trong đó nêu rõ: “Thông tin đối ngoại là một bộ phận rất quan trọng trong công tác tuyên truyền và công tác tư tưởng của Đảng ta; là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài”. Thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 368/QĐ-TTg, ngày 28/2/2013, phê duyệt Chương trình hành động của Chính phủ, về thông tin đối ngoại giai đoạn 2013 - 2020. Các văn bản trên là minh chứng cho thấy quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước ta trong việc khẳng định tầm quan trọng của truyền thông đối ngoại trong giai đoạn mới. Trên cơ sở những chủ trương, chính sách đó, các bộ, ngành Trung ương và địa phương đã triển khai thực hiện công tác thông tin đối ngoại với nội dung, hình thức phong phú và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định đường lối đối ngoại của Việt Nam trong giai đoạn mới, đề ra định hướng bao trùm của công tác đối ngoại trong giai đoạn phát triển của đất nước là triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng. Đại hội đã khẳng định “xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân”.

Thành tựu trong hoạt động truyền thông đối ngoại của Việt Nam

Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện cả nước có 6 cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện (Báo Nhân Dân, Đài Truyền hình Việt Nam - VTV, Đài Tiếng nói Việt Nam - VOV, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Quân đội nhân dân, Báo Công an nhân dân). Có 15 cơ quan báo chí (11 báo, 3 tạp chí và Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC) nằm trong các cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện nói trên. Ngoài ra có 127 cơ quan báo, 671 cơ quan tạp chí (319 tạp chí khoa học, 72 tạp chí văn học nghệ thuật). Trong 72 đài phát thanh - truyền hình, có 3 đơn vị là VTV, Vnews và HTV được cấp giấy phép biên tập kênh truyền hình nước ngoài.

Đến nay, hầu hết các cơ quan báo chí Việt Nam đã có trên nền tảng mạng internet. Một số cơ quan báo chí đã tiên phong và khá thành công trong việc ứng dụng các công nghệ số tiêu biểu như: Trí tuệ nhân tạo (AI), IoT, Cloud, Big Data... Trước làn sóng “di dân” từ báo in sang báo điện tử, hàng trăm cơ quan báo chí cũng xây dựng các kênh truyền thông của mình trên các trang mạng xã hội như Facebook, Youtube, Tiktok… Nhân sự làm việc trong lĩnh vực báo chí khoảng 41.000 người (khối phát thanh, truyền hình khoảng 16.500 người). Trong đó, hơn 19.300 trường hợp được cấp thẻ nhà báo.

Bên cạnh đó, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực báo chí được tăng cường. Hiện nay, nhiều hãng truyền thông quốc tế lớn trên thế giới đều đã có mặt tại Việt Nam như CNN, Reuters, AP, AFP, Kyodo, Hãng thông tấn Asia (Hàn Quốc), Nhật báo kinh tế Aju (Hàn Quốc), Hãng thông tấn Rossiya Segodnya (Nga)... Các cơ quan truyền thông quốc tế như CNN, TV5, NHK, DW, Australia Network, KBS, Bloomberg và hầu hết kênh truyền thông lớn thế giới đều đến được với công chúng Việt Nam dễ dàng, thuận tiện mà không có bất kỳ rào cản công nghệ hay pháp lý nào. Các nhà báo quốc tế được Chính phủ Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi để tác nghiệp. Nhiều nhà báo Việt Nam được Nhà nước tạo điều kiện đi học tập, trao đổi kinh nghiệm chuyên môn, tác nghiệp báo chí tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Việc trao đổi thông tin với các nước trong khu vực và trên thế giới thông qua chương trình truyền hình ASEAN, hệ thống các cơ quan đại diện của Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Báo Nhân Dân... ở nước ngoài cũng như phiên bản tiếng nước ngoài của các báo điện tử đã góp phần tích cực vào việc thực hiện nhiệm vụ truyền thông đối ngoại; thông tin kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về hợp tác, phát triển kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hội nhập quốc tế, thúc đẩy quan hệ thương mại và hợp tác đầu tư giữa nước ta với các nước trên thế giới trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Thông tin kịp thời về các công việc chung của cộng đồng quốc tế, các diễn đàn, tổ chức khu vực và quốc tế, nhất là tình hình ASEAN, Liên hợp quốc, APEC, và những vấn đề quốc tế khác mới nổi lên như: vấn đề lao động, việc làm, di cư, chủ nghĩa dân tộc cực đoan, khủng bố, an ninh tiền tệ, ngân hàng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0…

Trong một thế giới bất ổn, bất an, Việt Nam được bạn bè quốc tế tin cậy khi là điểm đến an ninh, an toàn, chính trị ổn định, quốc phòng an ninh được bảo đảm. Cùng với đó, Việt Nam cũng là một hình mẫu đang trên đà vươn lên mạnh mẽ, là bạn, là đối tác tin cậy, có trách nhiệm, đóng vai trò chủ động và tích cực trong các công việc chung của khu vực và thế giới. Hoạt động đối ngoại của đất nước, trong đó có các hoạt động cấp cao diễn ra sôi động, liên tục đã khẳng định chính sách đối ngoại nhất quán, quyết tâm hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện, đóng góp vào việc duy trì môi trường hoà bình, ổn định, tạo thuận lợi cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Như vậy, công tác truyền thông đối ngoại được triển khai đồng bộ với sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan thông tấn, báo chí trong và ngoài nước, với đa dạng hình thức để kịp thời thông tin cho nhân dân trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài và cộng đồng quốc tế hiểu rõ hơn về chủ trương, đường lối đối ngoại của Việt Nam; lan tỏa mạnh mẽ lịch sử, truyền thống, hình ảnh đất nước, văn hóa, con người, thành tựu công cuộc đổi mới của đất nước. Những minh chứng trên một lần nữa khẳng định quyền tự do báo chí ở Việt Nam luôn được tôn trọng, bảo đảm. Thực tế đó bác bỏ, phủ nhận những luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch về bảo đảm quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận ở Việt Nam.

Liêm Chính - Bình Nguyên

Ảnh minh hoạ.

HỘI NGHỊ TIẾP XÚC CỬ TRI CỦA ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH, HUYỆN TRƯỚC KỲ HỌP THƯỜNG LỆ GIỮA NĂM 2024, TẠI XÃ AN TRẠC...
27/06/2024

HỘI NGHỊ TIẾP XÚC CỬ TRI CỦA ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH, HUYỆN TRƯỚC KỲ HỌP THƯỜNG LỆ GIỮA NĂM 2024, TẠI XÃ AN TRẠCH.

26/06/2024

Phòng, chống thủ đoạn lợi dụng trí tuệ nhân tạo để phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng

Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence-AI) đã, đang và sẽ mở ra những cơ hội cũng như thách thức đối với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Sức mạnh AI có thể được sử dụng để tăng cường hiệu quả truyền thông, quản lý và định hướng tư tưởng. Tuy nhiên, đi liền với cơ hội là nguy cơ khi các thế lực thù địch, phản động lợi dụng AI để “nâng cấp” các thủ đoạn phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng. Thực tế đó đặt ra phải triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp nhằm tận dụng cơ hội cũng như phòng ngừa mặt trái từ AI, qua đó góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng.

Nhận diện âm mưu, thủ đoạn lợi dụng AI để chống phá Đảng, Nhà nước

Thời gian gần đây, các thế lực thù địch, phản động tận dụng AI và mạng xã hội để “nâng cấp” các thủ đoạn phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng một cách bài bản, có tổ chức và ngày càng tinh vi hơn. Thủ đoạn phổ biến mà các thế lực thù địch đang sử dụng là lợi dụng AI để tạo và lan tỏa thông tin xấu độc (tin giả) đến các tầng lớp nhân dân một cách liên tục, rộng khắp, thần tốc với mục tiêu gây hoang mang, xói mòn niềm tin của nhân dân vào đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Các thế lực thù địch tạo ra thông tin xấu độc bằng cách lợi dụng AI tạo ra những câu chuyện hoàn toàn không có thật, thông tin dựa trên đồn đoán, chèn thông tin giả vào một sự kiện có thật, chắp nối các sự kiện không liên quan với nhau, sử dụng nhân chứng giả hoặc nhân chứng có thành kiến (định kiến) về một chủ đề, trích dẫn tuyên bố của một người có uy tín vào một tình huống không liên quan.

Theo nghiên cứu của các cơ quan chức năng, ở Việt Nam hiện nay, các tin giả trên mạng chủ yếu được tạo ra bởi một số phần tử phản động và những cá nhân cơ hội chính trị, cực đoan chống đối. Một số tin giả khác được tạo ra bằng cách sử dụng các “robot mạng” (còn gọi là “bots”) có sử dụng công nghệ AI. Những tin giả này được tự động tán phát vào các nhóm phản động, sau đó lan rộng ra các hội nhóm khác, tạo ra một lượng lớn tin giả trong thời gian ngắn. Nhiều tin giả được lan truyền thông qua các “tài khoản con rối” (tài khoản giả mạo được tạo ra bởi AI), làm cho người dùng internet không biết được số lượng thực sự và danh tính của những người chia sẻ thông tin trên mạng. Gần đây, các thế lực thù địch còn lợi dụng một số phần mềm AI như “photoshop giọng nói” hoặc “kỹ thuật chỉnh sửa video” để chỉnh sửa nội dung phát biểu của các nhân vật, thậm chí làm giả hoàn toàn một video clip để tạo ra các câu chuyện không đúng sự thật phục vụ các mục đích chống phá Đảng, Nhà nước ta.

Dưới sự hỗ trợ của AI, các đối tượng đã tạo ra các nhân vật ảo với khuôn mặt và giọng điệu giống hệt những người dẫn chương trình từ các kênh thông tin chính thống. Tiếp đó, chúng xây dựng những kịch bản hấp dẫn, thường có tính chất gay cấn với nội dung sai lệch, phản động, nhằm thu hút sự chú ý và tương tác từ cộng đồng mạng. Nhiều video còn được gắn thêm logo của các kênh tin tức uy tín, gây nhầm lẫn cho người xem rằng đây là thông tin đã được kiểm chứng.

Thủ đoạn tinh vi hơn là các thế lực thù địch lợi dụng AI để thu thập dữ liệu thông tin cá nhân, từ đó điều hướng thông tin và thao túng tâm lý người dùng. Đây là thủ đoạn hết sức nguy hiểm vì nó đã và đang được các thế lực thù địch tiến hành một cách thường xuyên, liên tục nhằm tạo hiệu ứng “mưa dầm thấm lâu”. Theo các chuyên gia công nghệ, hiện nay, tất cả hoạt động trên không gian mạng như bài đăng, lượt thích, bình luận, thời gian tương tác... đều trở thành dữ liệu để các nền tảng thu thập. Trên cơ sở dữ liệu đó, AI hoàn toàn có thể “vẽ được chân dung chi tiết của mỗi cá nhân”, hình thành sự hiểu biết về người dùng. Từ những tri thức này, hệ thống AI sẽ học và hiểu người dùng cả trong ngắn và dài hạn. Khi biết được tư duy, định hướng của người dùng thì việc định hướng thông tin (gửi các thông tin, thông điệp phù hợp với từng cá nhân), hay tập hợp lực lượng “những người có chung quan điểm” để phục vụ mục đích nào đó càng trở nên dễ dàng hơn.

Phòng ngừa, khắc phục mặt trái của AI để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Trên cơ sở nhận diện đúng âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động lợi dụng AI để chống phá Đảng, Nhà nước, chúng ta cần triển khai những giải pháp khoa học, đồng bộ nhằm phòng ngừa, khắc phục những mặt trái của AI để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Việc cần làm trước hết là tăng cường tuyên truyền, giáo dục cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và tác tầng lớp nhân dân nâng cao nhận thức và khả năng phòng ngừa, ứng phó trước những thông tin xấu độc trên mạng xã hội. Đây là giải pháp quan trọng hàng đầu, là cơ sở tiền đề để chúng ta nâng cao “khả năng tự miễn dịch” trước những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động lợi dụng AI để phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng. Để triển khai thực hiện giải pháp này cần phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ, đảng viên, sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân; trong đó, hệ thống các cơ quan báo chí chính thống đóng vai trò then chốt trong việc cung cấp thông tin chính xác và định hướng dư luận tích cực, giúp mọi người nhận biết và nhận thức đúng về cơ hội, thách thức cũng như âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động lợi dụng AI để chống phá Đảng, Nhà nước.

Các cơ quan báo chí, truyền thông cần chủ động cập nhật các thông tin về sự phát triển của AI trên thế giới, nhất là những cảnh báo về mặt trái của AI; tăng cường phối hợp với các đơn vị, tổ chức chuyên trách trong nước về chống tin giả, từ đó xây dựng hệ thống các chương trình, nội dung tuyên truyền, phân tích và làm rõ các chiêu trò, thủ đoạn lợi dụng AI để tạo và lan truyền tin giả, tin sai trái, xuyên tạc. Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí, truyền thông quan tâm tuyên truyền, định hướng, trang bị cho công chúng, cộng đồng mạng những kiến thức, kinh nghiệm cần thiết để tự bảo vệ thông tin cá nhân; nâng cao tinh thần cảnh giác trước những thông tin xấu độc, ứng phó hiệu quả với những thách thức đến từ AI nói chung, âm mưu, thủ đoạn lợi dụng AI chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng của các thế lực thù địch, phản động nói riêng.

Giải pháp căn cơ là chú trọng xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ, chuyên gia trong nghiên cứu, khai thác làm chủ và phát triển các ứng dụng AI phục vụ công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Trước mắt, tập trung ưu tiên nguồn nhân lực cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức trực tiếp tham gia thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Cùng với đó, cần quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở, trang bị kỹ thuật nhằm ứng dụng và phát huy AI trong công tác đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch. Hiện nay, việc ứng dụng công nghệ AI vào thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của các cơ quan, đơn vị chuyên trách còn những hạn chế nhất định. Một trong các nguyên nhân của hạn chế này là hệ thống hạ tầng cơ sở, trang thiết bị, nhất là hệ thống các trung tâm dữ liệu lớn chưa đồng bộ; các cơ quan chủ quản dữ liệu số chưa sẵn sàng kết nối, chia sẻ dữ liệu; hệ thống dữ liệu chưa được chuẩn hóa dẫn đến sức mạnh dữ liệu chưa được giải phóng, gây khó khăn trong triển khai, phát triển các ứng dụng liên quan đến AI.

Do vậy, việc xây dựng, phát triển hệ thống hạ tầng cơ sở, trung tâm dữ liệu lớn là vấn đề cấp thiết. Theo đó, cần ưu tiên xây dựng hệ thống hạ tầng cơ sở gắn với mục tiêu chuyển đổi số quốc gia theo lộ trình đã xác định; đẩy mạnh xây dựng mới, củng cố, nâng cấp hệ thống các trung tâm dữ liệu theo hướng tập trung phát triển sản phẩm AI (ngôn ngữ Việt Nam) cung cấp các thông tin mang tính đặc thù, bản địa, đặc trưng của người Việt và theo từng vùng, miền, lĩnh vực cụ thể để người dùng có thể hỏi đáp các thông tin mang tính đặc thù của Việt Nam, như: Quy định, văn bản pháp luật, lịch sử, địa lý, văn học, phong tục tập quán..., từ đó có thể dễ dàng tìm kiếm các nguồn thông tin nhanh chóng, chính xác và tin cậy. Mặt khác, cần đẩy mạnh đầu tư nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, phát triển các sản phẩm sử dụng AI mang thương hiệu Việt Nam với mục tiêu nâng cao chất lượng thông tin, truyền thông; tự động phát hiện, phòng chống tin giả, tin chống phá Đảng, Nhà nước.

Trong bối cảnh hiện nay, việc xây dựng các văn bản pháp luật, khung pháp lý về giám sát và quản lý AI ở nước ta cần đáp ứng các yêu cầu vừa phải bảo đảm duy trì kiểm soát, kiểm duyệt nội dung thông tin phù hợp định hướng, thuần phong mỹ tục, vừa phải tạo ra không gian đủ rộng để doanh nghiệp phát triển. Theo đó, thực hiện các biện pháp như: Yêu cầu nhà cung cấp nền tảng phải đăng ký dịch vụ và tiến hành đánh giá an ninh trước khi sản phẩm được tung ra thị trường; bắt buộc dán nhãn trên nội dung do AI tạo ra; sử dụng dữ liệu hợp pháp để huấn luyện mô hình AI và cung cấp thông tin khi cơ quan chức năng yêu cầu; cấm sử dụng các nội dung kích động lật đổ chính quyền và chế độ cũng như vi phạm quyền riêng tư; quyền yêu cầu các đơn vị cung cấp dịch vụ loại bỏ nội dung bất hợp pháp và ngăn chặn việc tán phát thông tin xấu độc.

AI là sản phẩm của văn minh nhân loại, mang đến cơ hội to lớn để mỗi quốc gia nói chung, Việt Nam nói riêng thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, song cũng đặt ra những thách thức không nhỏ trên mọi lĩnh vực, nhất là quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Đây cũng là vấn đề đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu ra tại Hội nghị Trung ương 8 (khóa XIII): “Thế giới ngày nay đã, đang và sẽ đứng trước nhiều thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức mới đan xen đối với sự phát triển nhanh và bền vững dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trí tuệ nhân tạo và một số thành tựu công nghệ mới có khả năng thay thế con người trên một số lĩnh vực, tạo ra khối lượng thông tin, tri thức khổng lồ và những hiệu ứng làm thay đổi cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, con người và lối sống”.

Nhận thức rõ điều đó, chúng ta vừa tận dụng những tiến bộ, lợi ích, vừa chủ động phòng ngừa những mặt trái của AI; đồng thời tỉnh táo nhận diện, kiên quyết đấu tranh với các âm mưu, thủ đoạn lợi dụng AI để chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN, qua đó góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Trung tá, ThS NGUYỄN BÁ PHÚ (Tạp chí Quốc phòng toàn dân)

Address

ấp Thành Thưởng, Xã An Trạch, Huyện Đông Hải, Tỉnh Bạc Liêu
Bac Lieu

Website

Alerts

Be the first to know and let us send you an email when ĐCS Xã An Trạch- huyện Đông Hải posts news and promotions. Your email address will not be used for any other purpose, and you can unsubscribe at any time.

Videos

Share


Other Media/News Companies in Bac Lieu

Show All