27/10/2022
HƯỚNG DẪN XỬ TRÍ BAN ĐẦU ĐÚNG CÁCH KHI TRẺ BỊ SỐT, SỐT CAO VÀ PHÒNG TRÁNH CO GIẬT DO SỐT CAO
💚Thân nhiệt bình thường của trẻ em dao động từ 36,5°C - dưới 37,5°C, tùy thuộc vào thời tiết, nhiệt độ môi trường, quần, áo trẻ đang mặc.
💚Khi trẻ sốt, trung tâm điều nhiệt ở não của trẻ sẽ tăng hoạt động để thải nhiệt, nhằm giảm nhiệt độ cơ thể về mức bình thường. Hoạt động thải nhiệt của cơ thể sẽ làm giãn mạch máu, đổ mồ hôi, mất nước. Nếu không được can thiệp, nhiệt độ tiếp tục tăng, vượt quá ngưỡng điều khiển của trung tâm điều nhiệt sẽ tác động đến vùng não bộ của trẻ, gây nên trạng thái co giật khi sốt cao (thường gặp ở trẻ sốt trên 39,5 độ C).
☘️ Xác định trẻ bị sốt: Trẻ sốt khi thân nhiệt của trẻ đo bằng nhiệt kế từ 37,5 độ C trở lên.
☘️ Các vị trí đo thân nhiệt: Các vị trí có thể đặt nhiệt kế kiểm tra thân nhiệt của trẻ: Nách, hậu môn (với nhiệt kế thủy ngân), đo qua da ở trán (nhiệt kế điện tử),...
☘️ Xác định các mức độ sốt:
Dù trẻ sốt do nguyên nhân nào, đều cần phải xác định xem sốt ở mức độ nào để có hướng xử trí đúng và kịp thời. Phải đo thân nhiệt trẻ bằng nhiệt kế.
☘️Các mức độ sốt: 🌷Sốt nhẹ: 37,5°C – 38,4°C. 🌷Sốt vừa: 38,5°C – 38,9°C. Cơ thể trẻ còn chịu đựng được.
🌷Sốt cao: 39°C – dưới 40°C. Nguy cơ co giật, nếu không kịp thời xử lý, trẻ có thể co giật, li bì, hôn mê. 🌷Sốt rất cao: Từ 40°C trở lên. Nguy cơ co giật, li bì, hôn mê. Nếu không kịp thời xử lý, trẻ có thể tử vong. ☘️Xác định nguyên nhân gây sốt để có định hướng xử trí và điều trị đúng: Khi trẻ bị sốt có nghĩa là cơ thể bị mắc các bệnh: nhiễm vi khuẩn, virut, ký sinh trùng... thường gặp là các bệnh viêm amidan, viêm họng, viêm phổi, viêm tai giữa, nhiễm khuẩn đường tiêu hóa, tiêu chảy, hoặc do lây nhiễm vi rút,... Ngoài ra còn do nguyên nhân khác như: mọc răng, cảm nhiệt, sốt sau tiêm phòng vắc xin,... Việc lấy mẫu máu khảng định về là hết sức cần thiết, đặc biệt là sốt lây lan thành dịch.
☘️Cách xử trí ban đầu khi trẻ sốt, sốt cao, sốt cao co giật:
🌷Khi trẻ sốt ở mức độ nhẹ và vừa (37,5°C - 38,5°C) thì cơ thể trẻ có thể chịu đựng được. Nhưng nếu trẻ bị sốt cao ở nhiệt độ 39-40°C sẽ trở nên nguy hiểm, đặc biệt nguy hiểm hơn khi sốt cao trong thời gian dài hoặc kèm theo nôn, tiêu chảy sẽ gây mất nước, rối loạn điện giải, rối loạn thần kinh, co giật, thiếu ôxy não, tổn thương các tế bào thần kinh, có thể hôn mê hoặc tử vong... Việc xử trí đúng và kịp thời khi trẻ bị sốt cao, trước khi đưa được trẻ đến cơ sở y tế là hết sức cần thiết, phải thực hiện như sau:
🌷 Trẻ sốt ở bất cứ mức độ nào cũng cần phải nhanh chóng cởi bỏ bớt quần, áo, nới rộng tã (với trẻ nhỏ),... để trẻ nằm nơi thoáng mát.
🌷Tích cực chườm nước ấm vùng trán, nách, bẹn cho trẻ hoặc có thể tắm nhanh cho trẻ trong vòng 5 phút bằng nước ấm sẽ giúp làm giảm nhiệt cơ thể nhanh chóng (Nhiệt độ nước chườm có hiệu quả tốt nhất là thấp hơn nhiệt độ sốt của trẻ 2°C).
🌷Bù nước và điện giải cần được thực hiện đồng thời với việc chườm hạ sốt cho trẻ. Do trẻ sốt cao, sốt cao kéo dài sẽ gây mất nước, rối loạn điện giải, nếu không dược bù nước, điện giải đúng, đủ, kịp thời sẽ làm cho tình trạng sốt và mất nước tăng nặng, gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ. Cẩn trọng với trẻ có kèm theo nôn hoặc tiêu chảy sẽ gây tình trạng mất nước nặng nề hơn. Do đó việc bù nước và điện giải cho trẻ là hết sức cần thiết. Liều uống oresol như sau:
🌻 Với những trẻ không có biểu hiện mất nước hoặc mất nước ở mức độ nhẹ: Trẻ tỉnh táo, không quấy khóc, không có dấu hiệu mất nước, trẻ còn uống được thì cho trẻ uống nhiều nước, uống theo nhu cầu. Tốt nhất là dung dịch oresol. Trẻ còn bú mẹ thì tăng số bữa bú trong ngày hoặc bú theo nhu cầu của trẻ.. 🧑⚕️Trẻ nhũ nhi: Bú mẹ theo nhu cầu; Bón uống 50ml/lần, uống 2-3 lần trong ngày;
🧑⚕️Trẻ 2 tháng – 2 tuổi: Bú mẹ theo nhu cầu; Uống 80-100ml/lần, từng ngụm nhỏ, uống 2-3 lần trong ngày hoặc theo nhu cầu của trẻ.
🧑⚕️ Trẻ từ 2 tuổi – 6 tuổi: Uống 100ml/lần, từng ngụm nhỏ, uống 2-3 lần trong ngày hoặc theo nhu cầu của trẻ.
🧑⚕️ Trẻ lớn: Uống từng ngụm theo nhu cầu của trẻ.
🌻 Với trẻ uống vào lại nôn: Thì không được cho trẻ uống ngụm lớn mà cần kiên trì bón từng thìa nhỏ, sau mỗi lần nôn khoảng10 phút lại tiếp tục bón.
🌻 Với trẻ biểu hiện mất nước: Trẻ sẽ quấy khóc, khát nước, môi khô se,…Nếu kèm theo tiêu chảy thì cần bù nước bằng đường uống cho trẻ với liều: 75ml/kg/trong 4 giờ (bù theo mất nước mức độ trung bình). Cần chuyển trẻ đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt.
🌻 Với trẻ có biểu hiện li bì, hôn mê thì trẻ sẽ không uống được, cần phải đặt sonde dạ dày nhỏ giọt dung dịch oresol hoặc truyền dịch (thực hiện tại cơ sở y tế)
☘️ Hướng dẫn cách sử dụng thuốc hạ sốt:
🌷Nếu trẻ sốt từ 37,5°C - 38,4°C: Chỉ chườm nước ấm (theo hướng dẫn trên) và cho trẻ uống nhiều nước, không được dùng thuốc hạ sốt cho trẻ.
🌷 Nếu trẻ sốt từ 38,5°C trở lên: Được phép sử dụng thuốc hạ sốt, là những chế phẩm của Paracetamol. Liều lượng: 10-15mg/kg/1 lần dùng; Chỉ được sử dụng từ 4-6 lần trong ngày, mỗi lần cách nhau từ 4-6 giờ. Đồng thời phải phối hợp chườm nước ấm, uống bù nước và điện giải (theo hướng dẫn trên).
🌷 Nếu trẻ sốt cao co giật: Không nên hốt hoảng, bế trẻ chạy khi trẻ đang trong cơn co giật, hãy bình tĩnh xử trí theo hướng dẫn sau:
👍Tuyệt đối không được cho trẻ thuốc hạ sốt bằng đường uống vì dễ gây sặc vào đường thở, nguy hiểm cho trẻ. Nên dùng viên thuốc hạ sốt loại nhét hậu môn (đạn dược) cho vào tủ lạnh (ngăn đá), chờ 1 - 2 phút, lấy ra bỏ lớp vỏ bọc và nhét vào hậu môn cho trẻ. Liều lượng theo cân nặng: 10 - 15 mg x cân nặng/1 lần.
Ví dụ: Trẻ 5 kg, liều cao nhất có thể dùng cho trẻ là 75 mg (Có thể lấy 1 viên 80 mg hoặc 1/2 viên 150 mg). Viên đạn dược có các loại 80 mg, 150 mg, 300 mg,... nên mua sẵn và sử dụng theo trọng lượng của trẻ.
👍Cần phải phân biệt rõ ràng co giật do sốt với co giật do nguyên nhân động kinh ở trẻ vì chúng hoàn toàn khác biệt về chẩn đoán và xử trí.
🌺 MỘT SỐ LƯU Ý:
👍 Trẻ sốt > 39°C là triệu chứng báo hiệu bất thường trong cơ thể của trẻ, cần được người có chuyên môn tìm nguyên nhân chữa trị. Thuốc hạ sốt không phải là biện pháp điều trị mà chỉ là giải pháp giúp bé tránh nguy cơ bị co giật. Sau khi hạ sốt, không được để trẻ theo dõi ở nhà. Vì vậy, sau xử trí ban đầu, hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế để theo dõi và điều trị tiếp.
👍 Khi co giật, trẻ hoàn toàn mất tự chủ, hai hàm có khuynh hướng cắn chặt, cần dùng cây đè lưỡi, gạc chèn ngang 1 bên hàm đề phòng tránh trẻ cắn phải lưỡi. Cho trẻ nằm nghiêng đầu 1 bên, nơi thoáng mát, nới rộng quần, áo, không quấn chăn.
👍Tuyệt đối không đổ bất cứ nước uống, thuốc vào miệng trẻ khi đang lên cơn co giật tránh hít vào đường thở gây sặc.
👍Tuyệt đối không tự ý sử dụng kháng sinh. Ở bất kỳ quốc gia nào, bác sĩ là người sẽ quyết định sử dụng kháng sinh và liều lượng để an toàn cho trẻ trong tương lai.
👍 Sau khi xử trí ban đầu (cho trẻ uống thuốc hạ sốt thứ nhất), cần nhanh chóng đưa trẻ đên cơ sở Y tế để được bác sĩ thăm khám, tư vấn, tìm nguyên nhân điều trị cho trẻ.
♥️Vì sự an toàn của trẻ: Tuyệt đối không được lạm dụng thuốc hạ sốt, thuốc kháng sinh và không tự ý điều trị trẻ sốt cao tại nhà♥️
BS Sầm Hiền
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Kạn