Tinh Hoa

Tinh Hoa Tổng phát-hành Tinh-Hoa
Ấn-hành Nhạc Việt toàn-cầu
(8)

Tinh Hoa Nhạc Tuyển | THNT016:BIẾT NÓI GÌ ĐÂY“Biết nói gì đây khi tình ta rạn nứt rồi. Biết nói gì đây khi anh và em khô...
11/01/2021

Tinh Hoa Nhạc Tuyển | THNT016:
BIẾT NÓI GÌ ĐÂY

“Biết nói gì đây khi tình ta rạn nứt rồi. Biết nói gì đây khi anh và em không tìm thương nhau nữa. Gởi về em tiếng hát ngày xa xưa để nhớ rồi quên…” – Huỳnh Anh và Huyền Thanh

Và “tiếng hát ngày xa xưa” đã thâu thanh nhạc phẩm Biết Nói Gì Đây vào dĩa hát Vô Tuyến là nữ ca sĩ Hà Thanh với hòa âm của chính tác giả, nhạc sĩ Huỳnh Anh (1966). 55 năm trôi qua nhưng tiếng hát trìu mến ấy mãi "chưa nhòa trong nhớ".

“Nhưng hôm nay tiếng hát biết trao về nơi đâu?
Đêm đêm qua ngõ vắng, đường khuya em một bóng
Dư âm chưa phai mờ, một người một lối đi buồn riêng tôi…”

Ấn phẩm năm 1966 của Huỳnh Anh
Tư liệu của Tinh Hoa


Tinh Hoa Nhạc Tuyển | THNT015:HOA TRẮNG THÔI CÀI TRÊN ÁO TÍMTưởng niệm 7 năm ngày mất của thi sĩ, soạn giả Kiên Giang - ...
10/31/2021

Tinh Hoa Nhạc Tuyển | THNT015:
HOA TRẮNG THÔI CÀI TRÊN ÁO TÍM

Tưởng niệm 7 năm ngày mất của thi sĩ, soạn giả Kiên Giang - Hà Huy Hà

Năm 1962, Nhà xuất bản Phù Sa trên đường Nguyễn Huệ (Saigon) có ấn hành tập thơ Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím của thi sĩ Kiên Giang. Bài thơ chủ đề của tập thơ này được tác giả sáng tác tại Bến Tre ngày 14 tháng 11 năm 1957. Trên đầu đề bài thơ Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím, thi sĩ Kiên Giang viết:

“Tâm tình người trai ngoại đạo đối với người con gái có đạo.” – Kiên Giang

Bài thơ rất nổi tiếng vào thời 1962 và càng trở nên phổ thông tại Miền Nam khi được nhạc sĩ Huỳnh Anh phổ nhạc. Bản nhạc cùng tên được tác giả Huỳnh Anh xuất bản thành tờ nhạc và được Hãng dĩa Kim Cương thu thanh đầu tiên. Sau đó, Hãng dĩa Việt Nam đã mời cô Hoàng Oanh trình bày Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím của Huỳnh Anh vào dĩa hát Việt Nam (1964).

“Hoa trắng thôi cài trên áo tím
Tàn rồi bao kỷ niệm xa xưa
Núi xanh sông biếc còn rơi lệ
Hoa trắng nay thành hoa cố nhân…”

Nhạc phẩm tâm tình thứ 6 của Huỳnh Anh (Saigon, 1962)
Bản in lần thứ nhất với minh họa của Duy Liêm

Tư liệu của Tinh Hoa


Tinh Hoa Nhạc Tuyển | THNT014:Hận Tha LaMột điểm son của nền âm nhạc Miền Nam trước 75 là dòng nhạc phổ thơ. Trong đó ph...
10/30/2021

Tinh Hoa Nhạc Tuyển | THNT014:
Hận Tha La

Một điểm son của nền âm nhạc Miền Nam trước 75 là dòng nhạc phổ thơ. Trong đó phải nhắc đến thi phẩm Tha La của Vũ Anh Khanh (viết vào năm 1949) được nhạc sĩ Dzũng Chinh phổ thành ca khúc Tha La Xóm Đạo và nhạc sĩ Sơn Thảo phổ thành bản nhạc Hận Tha La.

Đầu năm 1965, bản Hận Tha La được thu thanh vào dĩa hát Việt Nam M. 3423-24 do nữ ca sĩ Phương Hoài Tâm trình bày. Cô Phương Hoài Tâm lúc bấy giờ là một tiếng hát trẻ được nhạc sĩ Nguyễn Đức lăng xê. Bản nhạc này sau đó được Tinh Hoa Miền Nam ấn hành. Và bút hiệu của tác giả đề trên tờ nhạc là: Sơn Thảo’s.

“Tha La ơi, khi nao giặc tan hết
Và ngày vui trở lại, khách sẽ về thăm xóm
Buồn lây lất và buồn xưa chất ngất
Hận kia đến bao giờ…” – Sơn Thảo’s

Ấn phẩm của Tinh Hoa Miền Nam (Saigon, 1965)
Tư liệu của Tinh Hoa


Tinh Hoa Nhạc Tuyển | THNT013:Nếu Đời Không Có AnhNăm 1964, nhạc sĩ Hoàng Trang có hai ca khúc nổi tiếng được công chúng...
10/29/2021

Tinh Hoa Nhạc Tuyển | THNT013:
Nếu Đời Không Có Anh

Năm 1964, nhạc sĩ Hoàng Trang có hai ca khúc nổi tiếng được công chúng Miền Nam đón nhận. Đó là bản Không Bao Giờ Quên Anh với tiếng hát Phương Dung và Nếu Đời Không Có Anh với tiếng hát Hoàng Oanh. Cả hai bản đều được thâu vào dĩa nhựa 45 vòng của Hãng dĩa Việt Nam.

Nhạc sĩ Hoàng Trang đã lấy tâm sự của người yêu ông để viết thành ca khúc Nếu Đời Không Có Anh theo thể điệu Slow Rock. Bản nhạc này sau đó được Nhà xuất bản Diên Hồng ấn hành thành nhạc rời với bìa minh họa của họa sĩ Kha Thùy Châu.

“Gục đầu nghe tiếng tình yêu dỗi hờn
Những chiều không anh đến tìm
Thương dài từng bước cô đơn…” – Hoàng Trang

Ấn phẩm chọn lọc của Diên Hồng (Saigon, 1964)
Tư liệu của Tinh Hoa


Tinh Hoa Nhạc Tuyển | THNT012:Dấu Chân Kỷ NiệmNăm 1965, Hãng dĩa Việt Nam đã mời nữ ca sĩ Thanh Tuyền thâu thanh nhạc ph...
10/28/2021

Tinh Hoa Nhạc Tuyển | THNT012:
Dấu Chân Kỷ Niệm

Năm 1965, Hãng dĩa Việt Nam đã mời nữ ca sĩ Thanh Tuyền thâu thanh nhạc phẩm Dấu Chân Kỷ Niệm của Thúc Đăng vào dĩa nhựa 45 vòng. Đây có lẽ là ca khúc đầu tiên nữ ca sĩ Thanh Tuyền cộng tác với Hãng dĩa Việt Nam.

Vào thời gian này, tiếng hát Thanh Tuyền đương là một tài năng trẻ đến từ Đà Lạt. Cô được hai nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông và Mạnh Phát đào tạo. Nhạc sĩ Mạnh Phát, với bút danh Thúc Đăng, đã đặt nhiều nhạc phẩm để cô thâu thanh vào dĩa hát Việt Nam trong thời gian này như: Chỉ Có Một Mình Anh (viết với Thanh Phương), Tôi Gặp Em, Xa Nhau Mới Biết Đêm Dài (Thơ: Hoàng Ngọc Liên), Thành Đô Ơi Giã Biệt…

Câu hát đầu tiên trong bản nhạc Dấu Chân Kỷ Niệm (viết theo thể điệu Boléro) dường như là lời tiên đoán về tiếng hát Thanh Tuyền cho đến hơn 50 năm sau. Vì cho đến bây giờ, giọng hát cô vẫn “chan chứa không bao giờ vơi" như dòng suối tình Đà Lạt.

“Chuyện tình đôi mươi chan chứa không bao giờ vơi
Như dòng suối tình êm ái…” – Thúc Đăng

Ấn phẩm chọn lọc của Diên Hồng (Saigon, 1965)
Tư liệu của Tinh Hoa


Tinh Hoa Nhạc Tuyển | THNT011:Buồn Ơi Chào MiSau sự thành công của bản nhạc Không với tiếng hát Khánh Ly (trong dĩa nhựa...
10/27/2021

Tinh Hoa Nhạc Tuyển | THNT011:
Buồn Ơi Chào Mi

Sau sự thành công của bản nhạc Không với tiếng hát Khánh Ly (trong dĩa nhựa Tình Ca Quê Hương) và Elvis Phương (trong băng nhạc Shotgun’s), nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đã sáng tác một nhạc phẩm nổi tiếng khác viết cho kỷ niệm riêng tư của ông:

Buồn Ơi! Chào Mi
Viết cho Người Tình Xa

Tác giả đã gửi gắm nhạc phẩm này cho Trung tâm Trường Sơn của ca sĩ Duy Khánh và được tiếng hát Sĩ Phú thâu thanh vào băng nhạc Trường Sơn số 3 (do Duy Khánh và nhóm Trường Sơn thực hiện) phát hành vào năm 1971.

Năm 1974, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 xuất bản ca khúc Buồn Ơi Chào Mi thành bản nhạc rời với ảnh bìa là chân dung khả ái của nữ ca sĩ Thanh Lan, tiếng hát đã thâu âm một số nhạc phẩm của Nguyễn Ánh 9 trước 75 như Cho Người Tình Xa và Mùa Hè Năm Ấy.

“Buồn ơi! Ta đang lẻ loi
Buồn hỡi! Ta đang đơn côi
Buồn ơi! Hãy đến với ta, để quên chuyện tình xót xa…”

Nhạc phẩm Buồn Ơi Chào Mi (do tác giả xuất bản và giữ bản quyền)
Tư liệu của Tinh Hoa


Tinh Hoa Nhạc Tuyển | THNT010:Nắng Đẹp Miền NamNhạc sĩ Lam Phương lúc còn sinh tiền có kể lại với Trương Chi (nhà sáng l...
10/26/2021

Tinh Hoa Nhạc Tuyển | THNT010:
Nắng Đẹp Miền Nam

Nhạc sĩ Lam Phương lúc còn sinh tiền có kể lại với Trương Chi (nhà sáng lập của Tinh Hoa Hải Ngoại) vào năm 2018: “Khi viết bài hát Nắng Đẹp Miền Nam, lúc đó chú còn đi học nên chú không có thời gian đặt lời. Chú mới nhờ thi sĩ Hồ Đình Phương đặt lời giúp chú. Sau này, khi chú hết đi học rồi, chú mới đặt lời cho những nhạc phẩm của mình…”

Sau khi hoàn tất bản nhạc và lời ca, nhạc sĩ Lam Phương đã gửi gắm tác phẩm đặc biệt này cho Nhà xuất bản Tinh Hoa Miền Nam (trên đường Ký Con, Saigon) độc quyền phát hành. Ấn phẩm này được Tinh Hoa Miền Nam tái bản nhiều lần cho đến thập niên 60. Và bản in mà chúng ta đang xem ở đây là ấn bản lần thứ hai với ảnh bìa là nữ ca sĩ Khánh Ngọc (phu nhân của nhạc sĩ Phạm Đình Chương trong ban hợp ca Thăng Long).

“Miền Nam có nắng thanh bình
Có lòng lúa đẹp, có tình quê hương
Anh ơi, mau sớm lên đường
Ruộng nương còn đợi, bình minh còn chờ…”

Nhạc phẩm Nắng Đẹp Miền Nam được ấn hành lần đầu vào năm 1957 dường như cũng đã mở đầu cho ánh sáng Miền Nam trong buổi bình minh của nền Đệ nhất Cộng Hòa.

Ấn phẩm số 103 của Tinh Hoa Miền Nam (Saigon, 1957)
Tư liệu của Tinh Hoa


Kỷ niệm 66 năm ngày Quốc Khánh Việt Nam Cộng Hòa (1955-2021)Hình ảnh Thủ tướng Ngô Đình Diệm trong buổi lễ tuyên bố thàn...
10/26/2021

Kỷ niệm 66 năm ngày Quốc Khánh Việt Nam Cộng Hòa (1955-2021)

Hình ảnh Thủ tướng Ngô Đình Diệm trong buổi lễ tuyên bố thành lập quốc gia Việt Nam Cộng Hòa (thời Đệ nhất Cộng Hòa) vào ngày 26 tháng 10 năm 1955 tại Saigon.

"Cùng nhau đi tới Saigon
Cùng nhau đi tới Saigon
Thủ đô yêu dấu nước Nam Tự do..."

(Ghé Bến Saigon - Văn Phụng & Huyền Linh)

Tinh Hoa Nhạc Tuyển | THNT009:Cay Đắng Tình ĐờiNăm 1965, Nhà xuất bản Minh Phát phát hành bản nhạc Cay Đắng Tình Đời do ...
10/25/2021

Tinh Hoa Nhạc Tuyển | THNT009:
Cay Đắng Tình Đời

Năm 1965, Nhà xuất bản Minh Phát phát hành bản nhạc Cay Đắng Tình Đời do nhạc sĩ Phượng Linh sáng tác và xuất bản. Đây là một trong những bút danh của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, được ông dùng cho những bài hát viết về tình cảm lứa đôi. Phần minh họa bìa nhạc do họa sĩ Hoàng Nhung thực hiện.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đã mời nghệ sĩ Thanh Nga thâu âm ca khúc Cay Đắng Tình Đời vào dĩa nhựa Continental 45 vòng với hòa âm của nhạc sư Lê Văn Thiện (1969). Đặc biệt trong bản thâu âm này, cô Thanh Nga đã hát bằng giọng miền Nam đầy thương cảm.

“Vì khi đã yêu, cho rất nhiều
Không lấy lại bao nhiêu nên lệ thắm tuông nhiều…”

Ấn phẩm do Minh Phát độc quyền phát hành (1965)

Tư liệu của Tinh Hoa

Tinh Hoa Nhạc Tuyển | THNT008:Biết Đến Bao GiờNăm 1965, ở đỉnh cao của sự nghiệp âm nhạc, nhạc sĩ Lam Phương trao cho Hã...
10/24/2021

Tinh Hoa Nhạc Tuyển | THNT008:
Biết Đến Bao Giờ

Năm 1965, ở đỉnh cao của sự nghiệp âm nhạc, nhạc sĩ Lam Phương trao cho Hãng dĩa Sóng Nhạc hai tác phẩm thật hay ông mới sáng tác, viết cho chuyện tình thật của ông với nữ ca sĩ Minh Hiếu. Đó là nhạc phẩm Em Là Tất Cả và Biết Đến Bao Giờ. Cả hai bản đều do cô Minh Hiếu thâu thanh vào dĩa hát Sóng Nhạc cùng năm.

Đầu đề bản nhạc Biết Đến Bao Giờ, nhạc sĩ Lam Phương viết: “Viết cho em vì… EM LÀ TẤT CẢ.” – Lam Phương (1965)

Niềm ước nguyện “cả cuộc đời là được mãi mãi gần em” dường như không thành. Thế nên trong nhạc phẩm Biết Đến Bao Giờ, nhạc sĩ Lam Phương bùi ngùi viết: “Ôi ước mơ nhiều cũng thế thôi!” Nhưng dẫu sao, chuyện tình đẹp ngắn ngủi đó đã để lại cho đời một số ca khúc cảm tình chất chứa của nhạc sĩ Lam Phương cho giai nhân Minh Hiếu.

“Dù đời mình còn dài nhưng ngày vui chóng tàn
Ta thương nhau đi thôi, cho mộng không vỡ thành đôi…”

Ấn bản từ Nhạc Sưu Tập do Mỹ Hạnh (Saigon) phát hành
Tư liệu của Tinh Hoa


Tinh Hoa Nhạc Tuyển | THNT007:Huyền Thoại Chiều MưaMùa mưa năm 1967, Nhà xuất bản Nhạc Quê Hương ấn hành bản nhạc Huyền ...
10/23/2021

Tinh Hoa Nhạc Tuyển | THNT007:
Huyền Thoại Chiều Mưa

Mùa mưa năm 1967, Nhà xuất bản Nhạc Quê Hương ấn hành bản nhạc Huyền Thoại Chiều Mưa của nhạc sĩ Nguyễn Vũ với ảnh bìa là nữ ca sĩ Hoàng Oanh (ảnh của Viễn Kính). Và năm 1967 cũng là năm đầu tiên nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông chủ trương xuất bản dòng ấn phẩm Nhạc Quê Hương (với bút danh Đông Phương Tử).

Ở khía cạnh dĩa hát và băng nhạc, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đã mời nữ ca sĩ Hoàng Oanh thâu âm nhạc phẩm này vào dĩa nhựa Sơn Ca và mời Anh Khoa và Thanh Lan thâu âm vào băng nhạc Continental: Nhạc Hồng Tình Yêu sau đó.

“Một chiều cuối tuần, mưa bay lất phất và mây trắng giăng giăng
Em đến thăm anh và vì mưa mãi nên không kịp về...”

Ấn phẩm số 4 của Nhạc Quê Hương (Saigon, 1967)
Tư liệu của Tinh Hoa


Tinh Hoa Nhạc Tuyển | THNT006:Hận Đồ BànMột trong những nhạc sĩ trọng tuổi nhất còn ở lại với chúng ta là nhạc sĩ Xuân T...
10/22/2021

Tinh Hoa Nhạc Tuyển | THNT006:
Hận Đồ Bàn

Một trong những nhạc sĩ trọng tuổi nhất còn ở lại với chúng ta là nhạc sĩ Xuân Tiên. Cụ vừa bước qua thượng thọ 100 tuổi vào đầu tháng 1 năm nay (2021).

Nhạc sĩ Xuân Tiên di cư vào Nam năm 1952. Trong hơn 20 năm sinh hoạt văn nghệ tại Miền Nam, cụ đã đóng góp cho nền Tân nhạc nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao về lời ca cũng như nhạc thuật. Và điển hình là bản Hận Đồ Bàn nổi tiếng với tiếng hát Việt Ấn vào cuối thập niên 50 - đầu thập niên 60 tại các phòng trà Saigon. Nhạc phẩm này được Tinh Hoa (Huế) xuất bản lần thứ nhất vào năm 1955 do họa sĩ Phi Hùng vẽ bìa (được in tại nhà riêng của Tinh Hoa).

Theo tài liệu, có thời gian bài hát này bị cấm trình diễn công khai (trong thời Đệ nhị Cộng Hòa) nhưng vẫn được các ca sĩ thâu âm như tiếng hát Phương Dung trong băng nhạc Sơn Ca 5.

“Mộng kia dẫu tan, cuốn theo thời gian
Nhưng hồn ngàn đời còn theo nước non…”

Ấn phẩm 1955 của Tinh Hoa - Huế (Việt Nam)
Tư liệu của Tinh Hoa


Tinh Hoa Nhạc Tuyển | THNT005:Thư Về Em Gái Thành ĐôTừ năm 1964, nhạc sĩ Duy Khánh khởi sự xuất bản tờ nhạc qua dòng ấn ...
10/21/2021

Tinh Hoa Nhạc Tuyển | THNT005:
Thư Về Em Gái Thành Đô

Từ năm 1964, nhạc sĩ Duy Khánh khởi sự xuất bản tờ nhạc qua dòng ấn phẩm 1001 Bài Ca Hay. Và ông đã bắt đầu ngay với ấn phẩm Anh Về Một Chiều Mưa do Duy Khánh và Anh Thy hợp soạn (xuất bản vào mùa Hè 1964). Nơi đây, ngoài xuất bản những nhạc phẩm giá trị của Trúc Phương, Phạm Đình Chương, Hoài An, Hoàng Nguyên, Trần Thiện Thanh, còn là nơi ấn hành phần lớn những tác phẩm của chính Duy Khánh sáng tác (vào giữa thập niên 60).

Với nhạc phẩm Thư Về Em Gái Thành Đô do 1001 Bài Ca Hay xuất bản năm 1968 (bìa của họa sĩ Kha Thùy Châu), nhạc sĩ Duy Khánh tham gia ở cả ba vai trò: Nhạc sĩ sáng tác, người chủ trương xuất bản và ca sĩ trình bày. Và nam ca sĩ Duy Khánh đã thu âm nhạc phẩm này vào băng nhạc Tiếng Hát Duy Khánh 1 do Duy Khánh thực hiện (1971).

“Nhiều khi tôi muốn viết thư thăm em
Về kể chuyện rừng xanh, chuyện vui buồn quân ngũ…”

Ấn phẩm của 1001 Bài Ca Hay (Diên Hồng, 1968)
Tư liệu của Tinh Hoa

Tinh Hoa Nhạc Tuyển | THNT004:Trắng Đêm Đợi ChờNét đẹp kiêu sa của nữ minh tinh Thẩm Thúy Hằng trên bìa bản nhạc Trắng Đ...
10/20/2021

Tinh Hoa Nhạc Tuyển | THNT004:
Trắng Đêm Đợi Chờ

Nét đẹp kiêu sa của nữ minh tinh Thẩm Thúy Hằng trên bìa bản nhạc Trắng Đêm Đợi Chờ của Lê Dinh và Hoài Linh. Thuở ấy, các nhà xuất bản thường chọn ảnh chân dung của các tài tử, nghệ sĩ đang nổi tiếng của thành đô làm bìa bản nhạc.

Nhạc phẩm Trắng Đêm Đợi Chờ do Tinh Hoa Miền Nam ấn hành, xuất bản ngày 27-6-1963 với ảnh bìa trước là cô Thẩm Thúy Hằng và ảnh bìa sau là cô Kiều Chinh (ảnh bìa của Viễn Kính và bìa offset do bác Ngọc Sơn thực hiện). Và cô Hoàng Oanh là ca sĩ đầu tiên đã thu âm nhạc phẩm Trắng Đêm Đợi Chờ vào dĩa hát Việt Nam (1963).

“Nhịp cầu giăng ngang,
Có con bướm vàng mặn mà đưa sang
Có đôi mắt đẹp ngời ánh hân hoan
U buồn năm tháng chìm vào không gian…”

Ấn phẩm của Tinh Hoa Miền Nam (Saigon, 1963)
Tư liệu của Tinh Hoa


Chúc mừng sinh nhật nữ minh tinh Thẩm Thúy Hằng và chúc quý bạn yêu nhạc tại Việt Nam một ngày Phụ nữ thật hạnh phúc.Cô ...
10/20/2021

Chúc mừng sinh nhật nữ minh tinh Thẩm Thúy Hằng và chúc quý bạn yêu nhạc tại Việt Nam một ngày Phụ nữ thật hạnh phúc.

Cô Thẩm Thúy Hằng sinh ngày 20 tháng 10 năm 1940 tại Hải Phòng. Trong sự nghiệp, Cô nổi tiếng với hình ảnh “Người đẹp Bình Dương” trong bộ phim cùng tên của Hãng Mỹ Vân (1957) do nghệ sĩ Năm Châu đạo diễn.

Bước sang thập niên 60, tên tuổi Cô vang danh khắp Miền Nam. Có thể nói rằng cô Thẩm Thúy Hằng là đệ nhất minh tinh của Saigon. Rất nhiều vai diễn của Cô đã ghi dấu ấn vào lòng khán giả, đọng lại trong chúng ta những hình ảnh rực rỡ, kiêu sa của minh tinh Thẩm Thúy Hằng trên màn ảnh cũng như trên sân khấu kịch nghệ và cải lương.

Từ Saigon, tên tuổi và hình ảnh của tài tử Thẩm Thúy Hằng nổi tiếng khắp Á Châu. Cô đã đoạt các danh hiệu vẻ vang: Hoa hậu ảnh toàn Châu Á năm 1964, tài tử xuất sắc nhất Á Châu (tại Liên hoan phim Đài Bắc), Ảnh hậu Á Châu (tại Liên hoan phim Á Châu tổ chức tại Hồng Kông và Đài Loan) năm 1972-1974. Cô trở thành một biểu tượng về vẻ đẹp của người con gái Việt Nam trong lòng khán giả ngoại quốc.

Sau năm 1975, cô Thẩm Thúy Hằng ở lại Việt Nam và tiếp tục tham gia một số phim và kịch, trước khi giã từ màn bạc và sân khấu. Thời gian về sau này, Cô sống an vui tại quê nhà trong tình thương mến của bạn hữu văn nghệ năm xưa và những khán giả vẫn hoài yêu kính Cô.

Tinh Hoa Hải Ngoại thương chúc cô Thẩm Thúy Hằng thật nhiều sức khỏe và một niềm vui đời nghệ sĩ mãi chan chứa trong Cô.

“Còn đâu ngày quen biết nhau
Đã yêu anh rồi, yêu cả cuộc đời…”

Tình Phụ (Đỗ Lễ) do nữ ca sĩ Carol Kim trình bày trong phim Sóng Tình (1972) do tài tử Thẩm Thúy Hằng đóng vai chính.

Tổng phát hành Tinh Hoa
October 19, 2021

---
Ảnh tài tử Thẩm Thúy Hằng trong vai Tam Nương
Phim Người Đẹp Bình Dương (Mỹ Vân, 1957)

Tinh Hoa Nhạc Tuyển | THNT003:Nẻo Đường Kỷ NiệmMột nhạc phẩm nổi tiếng vào năm 1965, hợp soạn của hai nhạc sĩ Tuấn Khanh...
10/19/2021

Tinh Hoa Nhạc Tuyển | THNT003:
Nẻo Đường Kỷ Niệm

Một nhạc phẩm nổi tiếng vào năm 1965, hợp soạn của hai nhạc sĩ Tuấn Khanh và Hoài Linh: Nẻo Đường Kỷ Niệm được thu thanh lần đầu vào dĩa hát Việt Nam mang số hiệu M. 3445-46 qua tiếng hát Hà Thanh và ban nhạc Văn Phụng.

Đồng thời, nhạc phẩm này cũng được Hãng dĩa Việt Nam ấn hành thành bản nhạc rời qua dòng ấn phẩm Việt Nam Nhạc Tuyển (do cô Sáu Liên chủ trương) rất được ưa chuộng vào giữa thập niên 60 tại Miền Nam.

“Anh hỏi rằng ngày đi thương nhớ ai?
Tôi mỉm cười dù thương cũng thế thôi…”

Ấn phẩm của Việt Nam Nhạc Tuyển (Saigon, 1965)
Tư liệu của Tinh Hoa


Hình ảnh Đệ nhất Phu nhân Việt Nam Cộng Hòa, Bà Nguyễn Văn Thiệu đang bế một em bé mồ côi vì chiến tranh tại cô nhi viện...
10/18/2021

Hình ảnh Đệ nhất Phu nhân Việt Nam Cộng Hòa, Bà Nguyễn Văn Thiệu đang bế một em bé mồ côi vì chiến tranh tại cô nhi viện Don Bosco (Saigon, Nam Việt Nam).

"Ngoài những phút quán xuyến tề gia
Hãy hướng lòng ta đến những ai đang cơ hàn..."

Cô Gái Việt - Hùng Lân

“Biến cố 1975 chia đôi cuộc đời của Tổng thống Phu nhân thành hai phần: Một nửa ở trong nước và một nửa ở Hải Ngoại…”Vĩn...
10/18/2021

“Biến cố 1975 chia đôi cuộc đời của Tổng thống Phu nhân thành hai phần: Một nửa ở trong nước và một nửa ở Hải Ngoại…”

Vĩnh biệt Tổng thống Phu nhân Nguyễn Văn Thiệu (1931-2021)

Bà Nguyễn Văn Thiệu, nhũ danh Nguyễn Thị Mai Anh, là cựu Đệ nhất phu nhân của nền Đệ nhị Cộng Hòa (1967-1975). Tổng thống Phu nhân thường được truyền thông phương Tây gọi là Madame Nguyen Van Thieu.

Bà Nguyễn Văn Thiệu sinh năm 1931 tại Mỹ Tho, Định Tường. Bà kết hôn cùng Tổng thống Thiệu vào năm 1951 lúc Bà vừa tròn 20 tuổi và Tổng thống Thiệu 28 tuổi (đương mang cấp bậc Trung úy). Thuở đó, Ông là Trung đội trưởng Khóa sinh Khóa V của Trường Võ bị Đà Lạt, nơi mà chỉ vài năm sau, Ông trở thành Chỉ huy trưởng của Trường Võ bị Quốc gia Đà Lạt.

Đầu năm 1965, Tổng thống Thiệu (lúc bấy giờ được thăng cấp bậc Trung tướng Lục Quân) khởi sự tham chính, trở thành Đệ nhất Phó Thủ tướng và nhanh chóng lên nắm quyền tại Miền Nam. Mùa Hè năm 1965, Hội đồng tướng lĩnh nhóm họp, bầu Trung tướng Nguyễn Văn Thiệu làm Chủ tịch Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia, đảm nhiệm cương vị Quốc trưởng trong thời kỳ quân quản.

Ngày 31 tháng 10 năm 1967, Bà Nguyễn Văn Thiệu trở thành Đệ nhất Phu nhân của Việt Nam Cộng Hòa ở tuổi 36, khi tướng Nguyễn Văn Thiệu được bầu làm Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa (trong liên danh Nguyễn Văn Thiệu - Nguyễn Cao Kỳ).

Năm 1971, Tổng thống Thiệu tái đắc cử và tiếp tục lãnh đạo quốc gia cho đến tháng 4-1975. Sau trận Xuân Lộc, trong những ngày cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa, Tổng thống Thiệu từ chức. Ông Bà Nguyễn Văn Thiệu rời Saigon cùng gia đình đêm 25-26 tháng 4, đi cùng gia đình tướng Trần Thiện Khiêm sang Đài Loan và bắt đầu cuộc sống lưu vong kể từ đó.

Sau một thời gian sống tại Đài Bắc (Đài Loan), gia đình cựu Tổng thống Thiệu chuyển sang Anh Quốc và cư ngụ ở phía Tây Nam thủ đô Luân Đôn. Năm 1985, ông bà Tổng thống chuyển đến định cư tại thành phố Boston, Massachusetts (Hoa Kỳ) trong một đời sống rất thầm lặng cùng với các con.

Tháng 9 năm 2001, Tổng thống Thiệu cùng phu nhân kỷ niệm 50 năm ngày cưới tại Hawaii, Hoa Kỳ (cùng thời điểm với sự kiện 9-11 xảy ra). Khi trở về nhà, bệnh tình của Tổng thống trở nặng và Ông qua đời ngày 29 tháng 9 năm 2001 tại thành phố Boston, sau 50 năm hôn nhân hạnh phúc cùng Bà Tổng thống từ Việt Nam cho đến Mỹ Quốc.

Biến cố 1975 chia đôi cuộc đời của Tổng thống Phu nhân thành hai phần: Một nửa ở trong nước và một nửa ở Hải Ngoại. Bà Nguyễn Văn Thiệu mất ngày 17 tháng 10 năm 2021 tại Hoa Kỳ, hưởng thọ 90 tuổi. Và năm nay cũng vừa tròn 20 năm ngày Tổng thống Thiệu qua đời.

Hôm nay, kính tiễn Tổng thống Phu nhân trong niềm thương tiếc vô vàn. Tinh Hoa xin thành kính phân ưu cùng gia đình cố Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và những người yêu mến Tổng thống Phu nhân ở khắp mọi nơi.

Một niềm kính mến Phu nhân
Nụ cười đài các, dung quang hiền từ
Đêm nay, trăng nước đợi chờ
Tiễn Bà Tổng thống nghìn thu yên bình.

Tổng phát hành Tinh Hoa
California, ngày 17 tháng 10 năm 2021

Tinh Hoa Nhạc Tuyển | THNT002Năm 1958, nhạc sĩ Lam Phương nhập ngũ. Để kể từ đây, những nhạc phẩm viết về đời lính của n...
10/18/2021

Tinh Hoa Nhạc Tuyển | THNT002

Năm 1958, nhạc sĩ Lam Phương nhập ngũ. Để kể từ đây, những nhạc phẩm viết về đời lính của nhạc sĩ Lam Phương được khởi đầu với Chiều Hành Quân, Tình Anh Lính Chiến trong tâm tình của những chàng tân binh “đi quân dịch là thương nòi giống”.

Năm 1959, trở về đời sống dân sự, nhạc sĩ Lam Phương viết bản nhạc đầu tiên sau mùa quân dịch: Chiều Tàn theo thể điệu Boléro và trao nhạc phẩm này cho Nhà xuất bản Diên Hồng (trên đường Lê Lợi, Saigon) ấn hành và giữ bản quyền vĩnh viễn.

“Chiều tàn, đời lữ thứ kiếp tơ tằm vẫn còn mang
Chiều ơi, ghi tâm tư vào lòng giấy rằng sầu mãi chứa chan…”

Nhạc phẩm Chiều Tàn của Lam Phương xuất bản ngày 5-5-1959 tại Saigon với ảnh bìa là nữ danh ca Tuyết Mai cùng với phần minh họa của họa sĩ Bạch Đằng (do Tố Lang trình bày).

Ấn phẩm của Nhà xuất bản Diên Hồng
Tư liệu của Tinh Hoa

Tinh Hoa Nhạc Tuyển | THNT001Nhạc phẩm chọn lọc giá trị của nhạc sĩ Xuân Lôi: Nhạt Nắng do tác giả soạn nhạc và nhạc sĩ ...
10/17/2021

Tinh Hoa Nhạc Tuyển | THNT001

Nhạc phẩm chọn lọc giá trị của nhạc sĩ Xuân Lôi: Nhạt Nắng do tác giả soạn nhạc và nhạc sĩ Y Vân đặt lời, do Diên Hồng xuất bản năm 1957 tại Saigon với ảnh bìa là nữ danh ca Tâm Vấn.

Theo tiểu sử của nhạc sĩ Xuân Lôi (do giáo sư Trần Quang Hải biên soạn), cụ sinh ngày 17 tháng 10 năm 1917 tại Hà Nội, là bào huynh của nhạc sĩ Xuân Tiên. Và hôm nay là kỷ niệm 104 năm ngày sinh của nhạc sĩ Xuân Lôi.

“Tôi thương miền quê, nhớ hoàng hôn trên đất xưa
Nghe tiếng tiêu mơ màng chiều hè…”

Ấn phẩm số 36 của Nhà xuất bản Diên Hồng (Saigon, 1957)
Tư liệu của Tinh Hoa

10/10/2021

Address

9317 Bolsa Avenue #2176
Westminster, CA
92683

Alerts

Be the first to know and let us send you an email when Tinh Hoa posts news and promotions. Your email address will not be used for any other purpose, and you can unsubscribe at any time.

Contact The Business

Send a message to Tinh Hoa:

Videos

Share

TINH HOA BOOKS

Để biểu dương và phát huy một nền Tân nhạc giá trị khởi từ thập niên 1930 tại Việt Nam, phát triển rực rỡ trong 20 năm Việt Nam Cộng Hòa và theo bước chân tha hương vang danh tại Hải Ngoại, cùng với những tiếng hát và dòng nhạc tiếp nối của quê hương, TINH HOA HẢI NGOẠI hân hạnh là nhịp cầu tri âm, nối tiếp sự giao cảm giữa các nhạc sĩ sáng tác và quý bạn yêu nhạc ở khắp nơi trên thế giới, với thiện chí chọn lọc và giới thiệu những tinh hoa nghệ thuật của Việt Nam, góp phần bảo tồn và tái thiết nền âm nhạc Quốc Gia, đã ở lại rất lâu trong lòng dân tộc và tin chắc sẽ còn được yêu mến cho đến ngàn sau…

Nhà xuất bản TINH HOA HẢI NGOẠI

Trương Chi

Nearby media companies


Other Westminster media companies

Show All

You may also like