12/29/2022
Thư gửi các chủng sinh Phát Diệm
Các con thân mến,
Ba tháng hè sắp kết thúc. Trong những ngày này, các chủng sinh sẽ “tự cách ly” một số ngày trước khi trở lại chủng viện bắt đầu niên khóa mới. Về phương diện y tế, việc cách ly nhằm bảo đảm không tạo ra lây lan virus khi các con từ khắp các địa phương qui tụ trong cộng đoàn chủng viện. Tuy nhiên, cha ao ước các con sống những ngày cách ly này như một cuộc rút lui vào nơi thanh vắng để sống kinh nghiệm thiêng liêng một cách sâu đậm. Cách ly thể lý chính là một cuộc đi vào sa mạc nội tâm để cầu nguyện, lắng nghe tiếng Chúa và nhìn lại bản thân.
Hơn một năm rưỡi qua, cả thế giới bị điêu đứng khủng hoảng vì đại dịch covid-19. Bệnh tật, đau đớn, nghèo đói, cô đơn, mất mát, tuyệt vọng, chết chóc… Virus corona làm đảo lộn toàn bộ cuộc sống nhân loại, trực tiếp hoặc gián tiếp, từ thể xác, tinh thần tới đời sống đức tin ; từ lãnh vực kinh tế, văn hóa, đến xã hội, chính trị ; từ bình diện cá nhân, gia đình, đến quốc gia, quốc tế…
Khủng hoảng bao trùm cuộc sống. Biết bao đau thương dồn dập xảy ra từng giờ từng ngày. Các con sống giữa lòng đại dịch. Miền đất Ninh Bình tương đối ít bị ảnh hưởng, nhưng không phải vì thế mà các con trở thành người xa lạ với những biến động khủng khiếp đang diễn ra ngay bên cạnh mình.
Những bản tin trên truyền hình và báo chí, những thông tin được nghe kể, những sự việc được chứng kiến,… không thể qua đi mà không dội lại nơi trái tim các con để biến thể thành một lời cầu nguyện, một kinh nghiệm nội tâm, một quyết tâm hành động. Không thể nào đọc một bài báo hay nghe kể một sự kiện để rồi chỉ kết thúc bằng câu : “khiếp quá nhỉ!”. Sau đó là chấm hết, là lãng quên, sau đó là trở lại với sự an toàn cá nhân, sau đó là tiếp tục sống như thể không có gì xảy ra. Chúng ta dễ trở thành những con người vô tâm vô cảm như thế đó.
Đức Thánh Cha Phanxicô nói : Bước ra khỏi đại dịch covid này, thế giới không thể như cũ được nữa. Mọi sự sẽ phải thay đổi. Cũng thế, một ngày nào đó đại dịch sẽ qua đi, các chủng sinh không thể bước ra khỏi đại dịch này mà lại không được biến đổi sâu xa.
Mùa hè là thời gian thực tập mục vụ. Có thể có nhiều anh em đang nuối tiếc vì mùa hè này không được thực tập sinh hoạt mục vụ : không sinh hoạt Thiếu nhi Thánh Thể, không dạy giáo lý, tập hát, cắm trại, vv… Phần cha, cha lại thấy các con vừa trải qua một khóa đào tạo mục vụ rất hữu ích chưa hề có, trước đây chưa hề nghĩ tới, mà có nghĩ tới cũng chưa làm được. Một mùa hè ở tại gia đình và trong khuôn khổ giáo xứ để cùng với mọi người cảm nhận những lo âu bấp bênh, để cùng chịu những thiếu thốn khó khăn, để thấu hiểu những vấn đề sinh tử, đó không phải là khóa đào tạo mục vụ sao? Mục vụ là gì nếu không phải là : “Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo âu của con người ngày nay, nhất là của người nghèo và của bất cứ ai đang đau khổ, cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo âu của các môn đệ Chúa Kitô, và không có gì thực sự là của con người mà họ lại không cảm nhận trong đáy lòng họ” (Hiến chế Vui mừng và Hy vọng, số 1). Đây chính là cái gốc của mục vụ, là nền tảng và động cơ thúc đẩy tâm hồn mục tử. Rất nhiều khi người ta dừng lại ở các kỹ năng mục vụ và lầm tưởng đó là tất cả mục vụ. Nếu không có cái gốc của một tâm hồn biết rung cảm với “những ưu sầu và lo âu của người nghèo và đau khổ”, thì mọi kỹ năng sẽ có nguy cơ biến mục tử thành người quản lý xã hội chứ không thành một mục tử.
Thật ra, hoàn cảnh của địa phương Ninh Bình trong thời gian qua chưa chịu ảnh hưởng nặng nề bởi nguy cơ đại dịch như nhiều địa phương khác. Những đau thương của đại dịch có thể chưa thấm vào tâm tư máu thịt của các con đâu ! Một số người vẫn ung dung nhởn nhơ như thể không có gì xảy ra. Nếu các con cũng như thế thì quả thật là uổng phí một khóa đào tạo mục vụ sống động. Các con hãy đặt mình vào hoàn cảnh của người dân trong vùng có dịch để cảm nhận và thấm thía những nỗi đau thương và lo âu của đoàn chiên.