12/14/2024
MẮC HƠN VÀNG | Du Uyên
https://baotreonline.com/van-hoc/duyen-sai-gon/mac-hon-vang.baotre
“Napoleon của Phố Wall” - John Pierpont Morgan từng khẳng định "Vàng là tiền. Mọi thứ khác đều là tín dụng." Ngoài ra ông còn chứng minh giá trị của vàng bằng cách tích lũy, sau đó cùng gia tộc Rothschild cho Bộ Tài chính Mỹ vay 3.5 triệu ounce vàng (tương đương gần 100 nghìn tấn vàng) để ổn định nền kinh tế bị khủng hoảng năm 1893.
Nhờ sự "đầu tư" đó, hai gia tộc này đã trở thành hai gia tộc huyền thoại trong nền tài chính thế giới nói chung, nước Mỹ nói riêng. Việt Nam có câu "không ai giàu ba họ", nhưng hai gia tộc này đã giàu cả chục đời. Trong khi đó, rất nhiều người từng có vàng ở Việt Nam đã ôm một trái tim đau, có khi là vì đã tin lời ai đó mà dâng hiến vàng cho những cái đầu đất!
"Tấc đất tấc vàng", "Vàng thau lẫn lộn", "Bạc bảy sao sánh vàng mười...", "Chọn mặt gửi vàng", "Không phải cái gì lấp lánh cũng là vàng", "Im lặng là vàng", "Giọt nước mắt vàng"... sương sương vài câu thành ngữ thôi đã cho thấy dân Việt từ xưa đã mê vàng tới cỡ nào. Từ xưa, người lớn Việt Nam khi nói chuyện làm ăn, mua bán toàn quy ra vàng. Một chủ tiệm vàng ở chợ vàng quận 5 còn giữ giấy mua vàng từ 1966, người này đã đăng bài và biên: "Một lượng vàng 9999 tính luôn công làm thành bộ trang sức vào năm 1966 là 10,300 đồng, mình nghe nói một chiếc xe 67 lúc đó trị giá 36,000 đồng VNCH. Vậy chiếc xe 67 tính bằng vàng lúc đó là khoảng 3.6 lượng vàng. Năm 1999, một sợi lắc 4 hột cẩm thạch oval có tiền công là 300,000 VND, tương đương với 8 phân 2 vàng 18k. Suzuki Viva năm 1999 mua là 30 triệu VND, thời đó 6 cây vàng rồi..."
Sau 1975, một thời gian dài người dân bị cấm buôn-bán vàng, nhưng quen nết cũ, sau khi được thông thương vào thập niên 90s, người dân vẫn quen miệng tính nhẩm giá vàng khi tính giá đồ đạc. Ví dụ giá xe dream 7 cây vàng, tivi JVC 7 chỉ vàng, đầu máy video chạy băng 7 chỉ vàng... mà miếng đất nho nhỏ khi đó cũng có giá vài chỉ vàng, vài cây vàng. Con cháu thời nay cứ ngồi nhìn giá vàng 2024 biến động không ngừng rồi ngồi tiếc rẻ sao thời đó ông bà có vàng mà không mua đất hay để dành, cứ đi mua sắm đồ đạc, xe cộ? Có người lên mạng tiếc rẻ: "Thời ông bà trở về trước người ta quan niệm: "Ăn nhiều, ở không bao nhiêu" nên người ta ko quan trọng đất đai cho lắm. Bà ngoại em còn cho đất người ta ở nè vì ngày xưa người ta lo kiếm cái bỏ vào bụng là chính, chứ ở là bao nhiêu. Giờ mấy miếng đất mà bà ngoại cho người ta tính ra tiền tỷ, mắc hơn miếng đất của ngoại nữa." Khi đó, nửa chiếc xe dream có khi mua được mấy trăm mét vuông đất vùng ven Sài Gòn, bây giờ đổi ra mỗi vuông đất này cũng được vài trăm cây vàng chứ hông ít. Nếu không bị "dính quy hoạch" hay bị "cưỡng chế" với bất kỳ lý do nào, những người lấy vàng mua đất thời đó, có thể bây giờ đã là "đại gia bất động sản".
Nói đi thì cũng phải nói lại, đôi khi niềm vui khi mua được chiếc xe dream 7 cây vàng hồi 90s còn gấp ngàn lần niềm vui có miếng đất bự lúc này. Một người ở Hà Nội kể: "Cách đây hơn 30 năm, mẹ tôi từng đưa ông cụ chục cây vàng để đi mua đất. Nhưng thay vì mua 55 mét vuông đất có 7 mét mặt tiền đường Liễu Giai (nay là Văn Cao) thì ông bố tôi lại vác con Cub này về lau lau chùi chùi, ánh mắt toát rõ lên một vẻ tự hào không thể đong đếm. Ngày ấy, mỗi khi bố tôi ra đường là túi áo ông lúc nào cũng có 1 chiếc khăn mùi xoa. Đi đến đâu ông cũng lôi nó ra để lau xe rồi đi về thì lấy giẻ lau lau thêm 1 lượt nữa rồi mới dắt vào nhà. Đó là minh chứng cho chuyện một con xe máy bằng cả mảnh đất là có thật. Và bây giờ, chục cây vàng ngày ấy mới được ông cụ hóa giá 8 triệu VNĐ còn mảnh đất mặt tiền năm xưa giờ có giá 20 tỷ VND. Bố tôi chưa chưa từng thở dài dù chỉ một lần, có mỗi mẹ tôi là tiếc..."
Và, nếu dùng vàng mua đất hết, thì làm sao con cái có những kỷ niệm đẹp như cô gái Quảng Nam Cao Vũ Trúc Ly: "Dàn máy tính bàn này mẹ mình mua năm 2000 hơn 1 cây vàng, lúc đó máy tính là một món xa xỉ, cực kỳ xa xỉ chỉ nhà giàu mới có. Mẹ đã bán mấy lứa heo, và mua dàn máy này với giá 1 cây vàng và bù một ít, mình nhớ đâu đó là 7.5 triệu VND. Mà mua tận Saigon nhờ người quen gửi về Quảng Nam để chị em bọn mình học. Giờ dàn máy tính xa xỉ đó bán ve chai chắc được 200,000VND, còn vàng giờ gần 90triệu/cây. Cũng như mẹ từng mua cho ba con xe 3 cây vàng, mà lúc đó, 3 cây vàng mua được một lô đất mặt tiền ở Tam Kỳ (Quảng Nam) nếu giờ bán sẽ được giá 3 tỷ VND, còn chiếc xe máy bán lại được 1.5 triệu VND. Ai cũng biết trước thì đã giàu rồi hen, nay lên gác cũ thấy bộ máy tính (CPU chắc cho ai rồi) và dàn karaoke cũ (5 chỉ vàng) mà chạnh lòng. Xưa mớ này là một gia tài lớn rồi đó. Giờ nó chỉ là mớ đồ ve chai, mà giá vàng nó chạy tới đâu đâu rồi. Thiệt ra chỉ phân tích cho vui, nay về nhà cũ thấy thương mẹ ngày trước, bao nhiêu của nả đều dồn vào cho chị em mình học. Tình cảm ấy vô giá..."
Giá vàng bất định gần đây khiến dân tình trong nước cồn cào, rồi từ đó tạo ra những phong trào khoe vàng một cách lạ lùng. Đám cưới nào cũng thấy nhà trai nhà gái tranh nhau tặng vàng cho đôi tân giai nhân, khiến cô dâu đeo vàng trĩu cổ. Có cô đeo 50-100 lượng đã thấy nhiều, vậy mà một chủ tiệm vàng ở thành phố Hồng Ngự (Đồng Tháp) tặng cho con gái 1,050 lượng vàng y (9999), 9.9 tỷ VND, nhiều chục lượng trang sức khác làm của hồi môn đi lấy chồng, mấy ký vàng khiến cô dâu than thở tê tay, trầy da...
ếu nói về vàng, thì không thể không nhắc tới Dubai - ước tính hàng năm tới 40% trữ lượng vàng của thế giới có thể được giao dịch tại đây. Dầu Dubai không phải là mảnh đất có những mỏ vàng, chính các thương nhân Ấn Độ và Iran đầu thế kỷ 20 tới đây và biến Dubai trở thành một trung tâm buôn bán vàng. Tại Dubai, có những khu chợ rất rộng chỉ dành riêng cho những cửa hàng trang sức. Dubai còn có ATM chuyên dùng để… rút vàng, khách sạn dát vàng lộng lẫy, những trang phục phụ kiện thời trang hoàn toàn bằng vàng... Vậy mà, coi những đám cưới của con các tỷ phú/công chúa/công tử Dubai, Ấn Độ, Ả Rập... toàn thấy họ đeo kim cương, đá quý, chứ không đeo nhiều vàng bằng các cô dâu "thường dân" nổi tiếng gần đây ở Việt Nam.
Tôi không biết ở xứ giàu như Dubai, người ta ganh đua nhau thế nào, có dựa vào các phong trào trên mạng xã hội để cạnh tranh không? Chứ tại Việt Nam, đã có những tiệc vui trở thành tiệc buồn vì có vụ bên đàng trai mua vàng giả thiệt nhiều để cho xôm tụ ngày cưới, bị người ta nhận ra, cả nước hay tin. Hoặc có vợ ông Phó Chủ tịch huyện Giang Thành (tỉnh Kiên Giang) hứa tặng cho con gái 600 công đất (tương đương 90 tỷ VND) để làm của hồi môn, ngoài tài sản là 600 công đất, vợ Phó Chủ tịch huyện Giang Thành còn nói rằng tặng cho con gái rượu các tài sản khác như vàng, nhẫn kim cương... Thông tin này dễ dàng thu hút dư luận, khiến nhà nước phải tuyên bố kiểm tra tài sản của cha cô dâu - ông phó chủ tịch huyện... Cũng vì phô trương mà sau đám cưới là những tháng ngày chia rẽ, xích mích. Khi chú mua vàng giả đổ thừa nhà cô dâu thách cưới, bán con gái giá cao quá. Khi ông Phó chủ tịch huyện lên báo nói vợ ông "bệnh" nên nói nhầm từ 60 công đất thành 600 công đất, 60 công đất trị giá khoảng 8-9 tỷ VND thôi...
Thiệt mê những đám cưới hồi xửa hồi xưa mà tôi được nghe kể, được đọc, đôi khi cô dâu không được cho đặng 1 phân vàng, mà ánh mắt hai họ nhìn nhau thiệt trọng. Không cần lấy vàng giả để trao nhau cho xôm, vì tình nghĩa mắc hơn vàng...