18/02/2025
Đi tìm thương nhớ.
Tôi nhầm đến rất nhiều lần để tìm cái lối vào từ đường 1 cũ, khi biết chắc mình không thể nào tìm nổi vì tất cả đường sá đã thay đổi, tôi đến khu nhà dân ở cạnh trại tù cũ để hỏi thăm.
Cô bé 13 tuổi năm nào đã thành một thiếu phụ, còn mẹ cô đã là một bà lão già lụ khụ gần 80 tuổi, dù sao cũng đã 30 năm rồi.
Bà không nhận ra tôi, còn người thiếu phụ nhăn mày lục trí nhớ.
- Hình như anh là đội trưởng đội rau, lúc bé em nhớ mang máng anh dẫn đội đi qua nhà em. Anh vào nhà uống nước.
Người thiếu phụ trong căn nhà khá đẹp mời tôi vào nhà, rót nước, hỏi han. Đằng sau căn nhà này là cánh đồng mà tôi bất đắc dĩ đã làm nông dân 3 năm tròn, bây giờ nó đã thành nhà để xe của trại tù. Tôi hỏi thăm đường đến khu nhà cán bộ trại giam, cũng nói lâu rồi không nhớ nổi. Hoá ra cái lối đi ngay cạnh ngôi chùa lớn đang xây hay sửa, bảo sao tôi không tìm ra.
Tôi mừng tuổi bà lão tờ 500, bà bảo nhiều quá không nhận. Tôi nói bà cầm cho cháu có phước, cháu chẳng mấy khi về thăm lại đây, cháu giờ ở xa lắm.
Dù đã được chỉ đường, nhưng tôi vẫn nhầm, người xe ôm được tôi thuê theo ngày. Lúc sáng trên đường đi, tôi hỏi ngày cậu kiếm được bao nhiêu, cậu nói ngày ít được 100, ngày nhiều được 500. Tôi bảo cậu hôm nay tôi đi đâu cứ chở , đừng phải lo, tôi sẽ trả 500. Cậu phấn chấn gật đầu. Cái yên xe của cậu thật tệ, nó cứng quá làm tôi ê hết người. Vì giá đã thoả thuận, cho nên dẫu tôi có nhầm thế nào cậu cũng rất vui vẻ. Tôi bảo cậu chờ bên ngoài đường để tôi đi tìm nhà.
Đứng trước dãy nhà cán bộ trại giam, đang trưa lên vắng ngắt, chẳng xác định được nhà nào, tôi ang áng gọi toáng lên.
- Ông Hỷ ơi, ông Hỷ ơi.
Nhà bên trái có người mở cửa, đó là ông Hỷ, tôi đội mũ che sụp mặt, lách cửa đi vào nhà nói.
- Cứ vào nhà đã, chắc ông không nhận ra đâu.
Ông Hỷ đang cài chốt cửa, ông chửi.
- Thằng Hiếu chứ cái đéo gì, cái dáng mày cả cái giọng mày vẫn thế.
Ngồi xuống bàn, bà Vinh vợ ông trên gác xuống, bà cũng từng là cán bộ phòng hồ sơ của trại. Hai ông bà đã về hưu mười mấy năm. Một lát bà Vinh cũng nhận ra tôi, bà nói.
- Mày là thằng gánh rau rất khoẻ đúng không ?
Ông Hỷ gật đầu xác nhận.
- Đúng nó đấy, sau tôi thấy nó làm tốt, tôi cho nó quản đội, mặc nó làm, tôi đi đánh chắn suốt.
Tôi cười thán phục trí nhớ nhớ của hai ông bà, cười cũng vì cái chuyện từ gánh rau lên làm đội trưởng một cách bất ngờ. Nói theo chức tước quân ngũ thì tôi được phong thẳng vượt đến 4 cấp, còn theo cách gọi của tù thì từ nhân dân lên thẳng làm trách nhiệm chính. Tôi nói với bà Vinh.
- Thầy đưa em thẳng lên đội trưởng, không cầm đồng nào đấy, nhà em cũng chưa bao giờ gặp thầy.
Bà Vinh cười tự hào, những người làm quản giáo trại giam, có tù cũ đến thăm là một điều thấy rất vui, họ có thể thể hiện niềm vui trước mắt hàng xóm như, ông bà thấy chưa, ông nhà tôi đối xử với tù cũng tử tế nên chúng mới còn quay lại thăm. Ông Hỷ được thể khoe vợ.
- Tôi thấy nó ngoan, trung thành, nên cho nó làm. Chứ lúc đó mấy thằng nhà đến xin tôi, tôi không cho.
Bà Vinh nói.
- Này thằng Tuấn Thân nó cũng đến thăm thầy mấy lần, mày nhớ nó không ?
Tôi đáp.
- Lúc đó anh ấy ở đội 5 nuôi cá, sau này lại về đội thầy ạ.
Ông Hỷ nói.
- Nó đi tăng sau, bọn nó ra vào suốt, có mày về là còn làm ăn tử tế đấy.
Tôi giở căn cước ra cho ông bà xem.
- Em đi sang Đức lâu rồi, giờ em mang quốc tịch Đức. Em cũng có chút quà gửi thầy nhớ ơn thầy năm trước.
Ông bà gạt tay tôi, nói đến thăm là quý rồi, sao đưa nhiều thế làm gì.
Tôi nói một nắm khi đói, bằng một gói khi no. Năm ấy gia đình đúng lúc khó khăn không thăm gặp tiếp tế, nhờ thầy cho làm đội trưởng cho nên thỉnh thoảng tù trong đội gặp gia đình cũng cho mấy chục nghìn đủ sống ung dung. Cái này là nợ trả thầy chứ không biếu xén gì đâu ạ. Thầy cô cầm cho em vui, đi cả chục nghìn cây số về đây để thăm đấy ạ. Nhà em sẵn người, xe ô tô cũng có, nhưng em đi xe ôm đến cho khỏi tìm chỗ đậu, chứ không phải hoàn cảnh gì đâu.
Bà Vinh hỏi vợ con cũng bên đấy à ? Tôi nói vợ con đều bên đó, các cháu học giỏi và ngoan. Ông Hỷ bảo.
- Mày tính cách khác người, lúc đó tao nhìn cũng đoán mày không như bọn kia.
Tôi hỏi về ông Hùng Mõm nhà có gần không để tôi ghé thăm, nhưng nhà ông Hỷ bảo nhà ông ý ở chỗ khác. Ông bảo tôi muốn đi, ông lấy xe máy chở đi.
Tôi bảo không còn thời gian, tôi phải về ăn cơm chiều với nhà, tôi đi lâu quá mẹ tôi cũng lo.
Ông Hỷ còn nhớ ra nói.
- À quê mẹ mày ở ngay sau trại nhỉ, cái lần dì mày đi bộ qua cánh đồng ra thăm mày ý, tao nhớ mà.
Tôi ngạc nhiên, không ngờ ông nhớ đến vậy. Cuộc đời quản giáo của ông quản bao nhiêu tù, lớp này đi đến lớp khác, tù mới đến và tù cũ đi theo tháng. Từng ấy năm bao nhiêu tù đã trải qua ông quản, ông nhớ được như vậy thật tài dù mấy chục năm đã qua rồi.
Bà Vinh hỏi.
- Mày nhớ thằng Nam Chả không ?
Tôi gật đầu. Bà kể.
- Bố nó là thiếu tướng quân đội đấy, có lần nó nhờ tao đến nhà nó đưa thư nó xin lỗi bố nó, nhà bố nó ở khu tập thể cũ, ông ấy cũng chẳng có tiền.
Ông Hỷ thở dài.
- Thằng đó về lại nghiện, nó chán cái đéo gì đấy.
Bà Vinh hỏi sao lại đi được sang Đức cả nhà thế.
Tôi nói sau khi về, tôi có viết văn và nhận được học bổng của nước Đức và đi được mười mấy năm rồi, tôi nói trước khi đi có thăm thầy, nhưng hôm đó không nói là sẽ đi. Vì đi không biết có ngày về hay không, nên chẳng dám nói.
Chúng tôi bất chợt ngồi lặng im một phút, như ngẫm về cuộc hội ngộ không ngờ này.
Để ông bà vui, tôi khoe đã mua nhà bên kia, có cửa hàng, cuộc sống ổn định. Rồi tôi chào ông bà ra về, bà Vinh nói thầm.
- Không phải vì tiền đâu, cám ơn Hiêú đã đến thăm chúng tôi, nhà các em đi lấy chồng rồi, có hai ông bà cũng buồn lắm, hôm nay rất vui đấy. Từng ấy năm rồi mà còn nhớ đến chúng tôi, ở xa thế mà về còn nhớ đến thăm, rất vui Hiếu à.
Ông Hỷ tiễn tôi ra tận đường cái , tôi leo lên xe ôm vẫy tay chào ông.
Tôi muốn nói với ông, 30 năm qua, tôi nhiều lần trải qua những thời điểm khốc liệt, nghiệt ngã. Nhưng rồi tôi vẫn qua được, bản lĩnh và ý chí cùng với sự khôn ngoan chỉ có hạn, cái mà tôi vượt qua được là sự an ủi rằng đâu đó trong cuộc đời mình, sẽ có nguời tốt như ông Hỷ , ông Hùng Mõm ở những nơi đáy vực mà mình rơi xuống.
Sáng sau cô tôi đến chơi, tôi vẫn nhớ 7 chỉ vàng cô cho tôi vay làm vốn để làm biển quảng cáo năm nào, tôi tặng cô chiếc đồng hồ nữ vàng khối hiệu Rolex làm kỷ niệm. Chiều tôi gọi Lê Sinh Tuấn đến, hai thằng ra chợ mua con vịt về nấu măng ăn cơm.
Tôi đã đi đến bên này của sườm dốc cuộc đời, cái tuổi ngũ thập tri thiên mệnh, tài sản của tôi lúc đầy, lúc vơi. Nhưng còn một thứ tài sản mà tôi mang trong tâm trí mình, đó là những con người đã đối xử tốt với tôi trong lúc khó khăn, đã tạo cho tôi nghị lực làm hành trang đi trong cuộc dời mấy chục năm qua.
Thứ mà trả ơn quý nhất cho những người giúp mình, không phải là vật chất mà mình tặng lại họ.
Thứ mà mình trả lại họ quý nhât, là mình có cuộc sống tốt đẹp, an bình. Những người tốt khi làm việc thiện, đều thầm có ước nguyện như thế.