24/03/2021
Thú thật, chúng tôi luôn thấy mình mang ơn những người thợ tử tế.
Thường thì họ là những người đã làm nghề lâu năm, chọn sống với nghề, bằng nghề. Đặc điểm chung của những người thợ này là sự cần cù, nhẫn nhịn, chu toàn. Giống như người lớn ở trong nhà, nếu ta chịu lắng nghe, luôn có những thứ để học từ họ.
Cũng vì vậy mà chúng tôi cảm thấy không quen được cách mà những người thợ xem sự xuất hiện tại công trình của mình tại công trình đầy trọng vọng, như kiểu một ông quan vi hành xuống thăm dân. Để tránh được điều đó, không có cách nào khác là ngồi xuống cùng họ, choàng vai, bắt tay, nghe họ nói, cùng ăn cơm, chia lon bia, sớt dĩa mồi.
Nhưng không gì tốt hơn là làm việc cùng nhau, dĩ nhiên là tại công trường. Cùng đổ mồ hôi cho một mục đích, thì sẽ không còn khoảng cách.
Chúng tôi luôn hiểu người ta ngại làm phật ý mình, thẳng thắn mà nói có cả chút sợ, là bởi vì một quyết định nhỏ của chúng tôi sẽ đổi lại bằng ít nhiều thời gian cặm cụi của họ. Đôi khi là cả những buồn bực cố nén, những đền bù không ai muốn, những lần vắng mặt buổi cơm chiều với gia đình.
Người thợ làm công ăn lương, nhiều khi là chạy cơm từng bữa. Họ luôn sợ "ông thiết kế" sẽ nảy sinh ra cái gì đó cần phải sửa lại, phát hiện ra cái lỗi bé xíu xiu nào đó mà để khắc phục được đôi khi phải mất đến vài ngày dãi nắng dầm mưa.
Ai thì cũng làm việc để mưu sinh, nhưng có những nỗi lo toan nơi công trường mà nếu người vẽ chỉ ngồi trong phòng lạnh sẽ không bao giờ ý thức được. Một người thiết kế có thể kiêu hãnh nói tôi đang làm việc bằng đam mê, gửi ra công trường những bản vẽ đánh đổi rất nhiều nỗ lực, đôi khi cả máu và nước mắt của người thợ. Nhưng rất nhiều lần tôi đã thấy, những nỗ lực đó không được đền đáp lại tương xứng.
Có một điều luôn làm chúng tôi chạnh lòng khi nghĩ đến, là trong khi rất nhiều người thiết kế nói về điều họ làm là nhân danh một đam mê, thì chúng tôi chưa từng gặp một người thợ nào nói điều tương tự.
Vì sao, làm cùng nhau một công việc, mà đam mê chỉ dành cho số ít ?
Đối với chúng tôi, những người thợ chân chất mới chính là người trực tiếp tạo dựng một công trình. Trong khi đó, chúng tôi, theo cách hiểu trực tiếp nhất, là mấy thằng ất ơ nào đó ngồi vẽ trong phòng máy lạnh xa xôi, thỉnh thoảng xuất hiện với những yêu cầu trời ơi đất hỡi. Nhưng cũng chính chúng tôi mới là người rồi sẽ nhận lại mọi hào quang tán tụng, còn đổi lại với họ, chỉ là từng bữa cơm, từng tấm áo, thuốc men hay mấy món đồ tối thiểu duy trì sự tồn tại của bản thân và gia đình.
Họ không quan tâm "ông thiết kế" vẽ cái gì, cao siêu hay sâu sắc tới đâu. Họ không hiểu cũng như từ chối hiểu, chỉ biết cần mẫn làm phận sự của mình. Ngày qua ngày, đều đặn, chịu đựng.
Chúng tôi nghĩ mình mang ơn họ. Từ lòng biết ơn đó mà nhắc nhở bản thân cẩn trọng với mỗi thứ đặt lên giấy, nhắc mình cả về việc quá tập trung nỗ lực tạo ra một công trình tốt đôi khi sẽ đánh đổi lại bằng cả những nỗi đau mà mình không bao giờ ý thức được trọn vẹn.
Một người anh đi trước mà chúng tôi luôn kính trọng đã nói, nếu muốn thay đổi kiến trúc, thay đổi việc xây dựng, đầu tiên hãy thay đổi người thợ. Thay đổi từ bữa cơm họ ăn, ngôi trường mà con họ học, hàng xóm nơi họ ở..
Nếu muốn có thực phẩm sạch và tốt, cần làm cho người nông dân thấy hạnh phúc. Tương tự như vậy, nếu muốn có những công trình tốt, hãy dành thời gian ngồi xuống bên cạnh người thợ, lắng nghe và rồi tìm cách thay đổi cuộc đời họ.
Lời nói đó, từ lúc được nghe, bỗng trở thành nền tảng cho rất nhiều suy nghĩ của chúng tôi.
Nếu tương lai của kiến trúc là luôn hướng tới sự bền vững. Vậy có tương lai nào bền vững cho việc xây dựng, xây dựng nhà cửa, và xây dựng những thân phận người ?
-House on Tree-