Khát vọng trẻ

  • Home
  • Khát vọng trẻ

Khát vọng trẻ Cập nhật tin tức thanh niên Việt Nam nhanh chóng, chính xác...

07/03/2024
CHUYỆN CỦA NHỮNG NGƯỜI LÍNH TRỞ VỀ❤️[P1]Sắp đến ngày 12/7, ngày mà cách đây 39 năm, trong một buồi sáng định mệnh, trên ...
12/06/2023

CHUYỆN CỦA NHỮNG NGƯỜI LÍNH TRỞ VỀ❤️
[P1]
Sắp đến ngày 12/7, ngày mà cách đây 39 năm, trong một buồi sáng định mệnh, trên dải Biên cương chưa đầy 10km tại Xã Thanh Thuỷ huyện Vị Xuyên-Hà Giang gần một ngàn người con ưu tú tuổi 18,20 đã ra đi mãi mãi, hầu hết thân xác họ đã hoà cùng đất đá cây cỏ nơi đây. Sau nhiều năm những đồng đội còn may mắn sống sót trỡ về luôn khắc khoải & đau đáu một nỗi niềm thương tiếc không nguôi..!
Vào đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, khi đất nước đang bước vào cơ chế kinh tế thị trường thì ở Biên giới Hà Giang vẫn xảy ra những cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ Quốc vô cùng khốc liệt với quân Trung Quốc xâm lược để giữ gìn từng tấc đất Biên cương. Sau cuộc chiến những đồng đội may mắn được trở về..nhiều người mang trên mình những thương tích, những nỗi ám ảnh & những mặc cảm(bị lãng quên).. lên cuộc sống mưu sinh của những người lính giai đoạn đó vô cùng khó khăn..! Cho dù vậy hàng năm bằng mọi cố gắng họ vẫn trở lại chiến trường xưa chỉ để thắp một nén tâm nhang cho những đồng đội đã hy sinh. Có những câu chuyện tưởng chừng như huyền thoại như chuyện của đồng đội Đức ở Quảng Ninh, cho dù đi lao động ngày công rất thấp..bữa đói bữa no nhưng vẫn kiên quyết mỗi ngày bỏ ống 10ngàn để 12/7 đủ tiền xe trở lại chiến trường thắp hương cho Liệt Sĩ. Và còn nhiều những câu chuyện của các đồng đồi ở những vùng quê, trước những chuyến đi phải bàn bạc với gia đình bán đi đàn gà, tạ thóc..
Tôi thì may mắn hơn vì quê nhà chỉ cách Hà Giang trên 200km. Kinh tế không khá giả gì nhưng nhiều lần được sự quan tâm của một số anh em đồng đội tài trợ cho những chuyến đi lên cũng thấy nhẹ lòng..!
Năm nay cũng vậy. Tôi & hắn chưa từng gặp mặt, chỉ là bạn trên fb. Hắn quê Thái Bình, vì cuộc sống mưu sinh hắn phải trôi dạt vào tận Miền Nam để kiếm sống, công việc hắn làm chắc cũng không khấm khá gì bởi thi thoảng thấy hắn đăng fây đi cải thiện..mò cua bắt ốc..Hắn biết tôi không trở lại Hà Giang vào dịp Giỗ Trận này..vì lí do tài chính eo hẹp..! Với chất giọng thủ trưởng..hắn ra lệnh tôi phải đi ! Về vấn đề tài chính toàn bộ chuyến đi..hắn tài trợ.

Hắn là Phạm Du. Đến giờ này tôi chưa gặp & không biết hắn làm gì nhưng tôi biết hắn là CHIẾN BINH VỴ XUYÊN.

Cảm ơn hắn. Cảm ơn những CHIẾN BINH VỴ XUYÊN !!!
(Còn nữa)
(bài & ảnh: Lê Huy Tâm).

KÝ ỨC CHIẾN TRANHVào trận - P31Ít ngày sau, chúng tôi được lệnh quay về địa bàn Tân Phú.Lúc này đã gần đến Tết Nguyên đá...
11/06/2023

KÝ ỨC CHIẾN TRANH

Vào trận - P31

Ít ngày sau, chúng tôi được lệnh quay về địa bàn Tân Phú.

Lúc này đã gần đến Tết Nguyên đán Quý Sửu (1973). Tất cả đơn vị được quán triệt về tình hình Hội nghị Paris để thấy được thế và lực cũng như tương quan lực lượng của ta và địch trên chiến trường. Đặc biệt là thảm bại của Mỹ trong trận "Hà Nội -Điện Biên Phủ trên không" suốt 12 ngày đêm với hàng trăm lần chiếc "pháo đài bay B52" rải thảm huỷ diệt Hà Nội và Hải Phòng; buộc Mỹ phải kí kết Hiệp định Hòa bình. Tất cả chúng tôi ai cũng tự hào phấn chấn, tin tưởng pha lẫn đau xót và căm thù.

Ở chiến trường, chúng tôi nghe tin không quân Mỹ trở lại tập trung đánh phá Ngã Ba Đồng Lộc quê tôi và các vùng phụ cận hết sức dữ dội và ác liệt bằng máy bay chiến thuật lẫn “pháo đài bay” chiến lược B52, tàn sát bao thường dân vô tội. Phá hủy bao công trình và nhà cửa mới được dựng lên sau năm tháng 11 năm 1968, khi Mỹ tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc. Nỗi đớn đau và căm thù uất nghẹn càng giục giã chúng tôi xốc tới chiến đấu để trả thù cho đồng bào đồng chí!

Những ngày này cả nước và nhân loại tiến bộ sục sôi căm hờn trước tội ác dã man của giặc Mỹ, những kẻ tự xưng là văn minh, nhân đạo đã nhẫn tâm dùng B52 dội hàng vạn tấn bom huỷ diệt và hòng đưa thủ đô của một đất nước luôn khát vọng hoà bình như Việt Nam về “thời ký đồ đá”!?.

Trào dâng cảm xúc trước nỗi đau và lòng căm hận giặc Mỹ cướp nước, Nam Hà - nhà thơ - chiến sỹ viết ngay bài thơ “báng súng" Gửi Hà Nội. Cái đêm chúng tôi trên đường hành quân từ Campuchia về đất Mẹ, bài thơ được giọng trầm hùng của một nam nghệ sỹ nào đó vang lên trên sóng của Đài tiếng nói Việt Nam lúc 22h30. Chỉ một lần nghe mà tôi thuộc lòng ngay. Tiếng thơ như tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc; là lòng căm thù tội ác giặc Mỹ, đan xen niềm tự hào, hạnh phúc được cầm súng ra trận để trả thù cho đồng chí và đồng bào vô tội bị bom Mỹ sát hại; để không hổ thẹn với lịch sử dựng nước 4000 năm thề giữ vững giang sơn gấm vóc mà tiền nhân trao lại cho thế hệ hôm nay:

Đêm hành quân mải miết giữa rừng dày

Chiến sỹ bỗng thấy tim mình ngừng đập

Những trái bom của quân thù xâm lược

Ném xuống rồi Hà Nội đó trái tim ơi!

Tiếng thét vang vang lay chuyển đất trời

Hãy nghe đây! Hỡi chúng mày quân cướp nước!

Trái tim ta đau và căm thù đã bầm gan tím ruột!

Chiến sỹ lại đi hăm hở dưới trời mây

Câu thơ xưa đã vọng lại rồi đây

Nghe tha thiết mỗi đường đi, nước bước.

"Từ thuở mang gươm đi mở nước

Nghìn năm thương nhớ đất Thăng Long…"

Hà Nội ơi, có biết suốt đêm ngày,

Chiến sỹ lắng nghe từng lời giục giã !

Tiếng Tổ quốc, tiếng ngày xưa

Tiếng mai sau và tất cả...

Tiếng mẹ hiền dìu dặt giữa trời quê

Tiếng nước non, năm tháng đi về...

Tôi chưa một lần ra thăm Hà Nội

Nhưng tôi sinh một ngày...Và Hà Nội

Ngập Ba Đình nắng đỏ rực cờ bay

Tóc Bác Hồ đẹp tựa áng mây...

Nghe mẹ nói, mẹ cười

Mẹ hướng tôi nhìn ra phía Bắc

Mẹ nuôi tôi và bây giờ tôi đi giết giặc...

Tôi chưa một lần ra thăm quê Cha

Nhưng câu thơ xưa đa thánh máu chan hoà

Yêu Hà nội như yêu mẹ hiền nắng mưa tần tảo...

( Gửi Hà Nội - Nam Hà)

Ngày 27 tháng 1 năm 1973.

Việc gì đến phải đến. Hiệp định Hòa bình Paris sau hơn 4 năm đàm phán kết hợp với sức mạnh “quả đấm thép” trên chiến trường của quân và dân ta đã buộc đế quốc Mỹ phải ngồi lại vào bàn để chính thức ký kết.

Hai bên ngừng bắn tại chỗ và cam kết tôn trọng các điều khoản trong Hiệp định.

Phải thừa nhận một thực tế bộ đội ta không những chiến đấu ngoan cường, dũng cảm mà còn rất nhạy bén về chính trị. Tuy vậy, đây đó trên những địa bàn khác nhau vẫn có những đơn vị và cá nhân do chủ quan và ảo tưởng trước dã tâm của kẻ địch nên đã phải trả giá.

Trung đoàn được lệnh cấp trên là ngay trước thời khắc Hiệp định được ký kết phải đứng chân bằng được ở các vị trí đã quy định. Bởi vì từ sáng 27 tháng Giêng trở đi, máy bay của Phái đoàn Liên hiệp quân sự bốn bên sẽ bay thị sát, vẽ bản đồ để công nhận các vùng kiểm soát của hai phía. Theo tinh thần của Hiệp định Pari thì sau 27 tháng 1 năm 1973, ở miền Nam Việt Nam sẽ song song tồn tại hai chính quyền, hai quân đội, hai vùng kiểm soát và ba lực lượng chính trị.

(Còn nữa)

CCB Vương Khả Sơn

THEO NGHIỆP CHA TRƯỚC, CON SAU, TRƯỜNG SA MÃI VỮNGTrong những sự kiện trang trọng trên đảo Song Tử Tây của quần đảo Trườ...
11/06/2023

THEO NGHIỆP CHA TRƯỚC, CON SAU, TRƯỜNG SA MÃI VỮNG

Trong những sự kiện trang trọng trên đảo Song Tử Tây của quần đảo Trường Sa, tôi gặp những người khiến ta vững tâm rằng quần đảo đang được người người, lớp lớp nối tiếp nhau bảo vệ và tôn tạo.

Sau 9 năm tôi mới trở lại Song Tử Tây trong chuyến đi cuối tháng 6 đầu tháng bảy năm 2022 này. Cảm giác như gặp người quen cũ dẫu chuyến ghé hòn đảo này mùa hè năm ấy 2013 rất ngắn ngủi.

Hồi đó, đoàn hai chiếc trực thăng mà tôi được đi theo đáp xuống đảo chỉ đôi ba tiếng đồng hồ. Vị bộ trưởng dẫn đầu đoàn gặp mặt cán bộ chiến sĩ và các hộ dân trên đảo tại hội trường, ghé thăm các công trình, thăm xem nơi ăn ở của người dân, vào thắp hương trong chùa Song Tử Tây mà khi ấy chúng tôi đều kinh ngạc trước quy mô to lớn và độ khang trang của nó nơi đảo xa. Tại chùa tôi đã gặp và phỏng vấn nhà sư trẻ tuổi xung phong ra trụ trì ngôi chùa vừa tôn tạo nơi đảo tiền tiêu. Ít lâu sau, tôi đọc báo thấy nói quân đội đã điều trực thăng ra chở ông về đất liền cấp cứu vì ông mắc phải một cơn bạo bệnh.

Sau chuyến đi đó, tôi đã viết một bút ký đăng trên báo Tiền Phong đặt tên “Một Trường Sa tâm linh”. Nó nói về những điều đặc biệt tôi thấy và trải nghiệm trên hai hòn đảo Song Tử Tây và Trường Sa Lớn. Đó là các ngôi chùa được tôn tạo về nguyên dáng những ngôi chùa vùng đồng bằng Bắc bộ trên hai đảo, là Đền thờ Bác Hồ rất uy nghi, Tượng Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn dựng đúng theo mẫu bức tượng rất đẹp đặt ở thành phố Nam Định, là Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ đã hi sinh và những người dân vong thân trên biển vì chủ quyền của Tổ quốc đối với vùng biển đảo. Trong bút ký, tôi nhấn mạnh ý những ngôi chùa, ngôi đền, đài tưởng niệm và tượng đài giống như những cột mốc tâm linh có sức mạnh vô hình, vô biên đánh dấu và góp phần củng cố rất vững chắc chủ quyền của chúng ta đối với quần đảo Trường Sa.

Cuối năm đó, gần Tết, anh Nguyễn Văn Trường - người đóng vai trò vô cùng đặc biệt trong việc tôn tạo các ngôi chùa ở Trường Sa (Doanh nghiệp Xuân Trường do anh làm giám đốc là đơn vị được cấp phép và phát tâm khôi phục, tôn tạo các ngôi chùa ở Trường Sa) ghé qua cơ quan tôi. Tôi đưa anh đọc bút ký ấy. Anh Trường đã cảm ơn tôi vì tôi hiểu rất đúng mục đích của việc tôn tạo các ngôi chùa Trường Sa trong khi dư luận hồi đó vẫn có có luồng ý kiến này nọ. Anh cũng mở Ipad cho tôi xem pho tượng Phật bằng ngọc rất quý mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được Myanmar tặng và ông tặng lại để đặt ở chùa Song Tử Tây. Đó là điều tôi không biết khi vào thắp hương ở chùa trong chuyến đi. Chính bởi lý do đó mà lần trở lại này, tôi đã ngắm rất kỹ pho tượng có lịch sử đặc biệt đó. Và thật may mắn là tại chùa Song Tử Tây lần này, tôi được dự lễ Tam Bảo của đoàn các nhà sư do đích thân Hoà thượng Thích Thanh Nhiễu - Phó chủ tịch thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam dẫn đầu.

Lễ Tam Bảo là một lễ quan trọng của tín đồ đạo Phật. Tam Bảo tức là “Ba ngôi báu”, là Phật (đấng giác ngộ đầu tiên, người tìm ra chân lý và phương pháp tu tập để hướng đến sự giải thoát khỏi mê muội và khổ đau), Pháp (là phương pháp tu tập do Phật truyền dạy) và Tăng (là những người dành trọn đời thực hành theo giáo pháp của Đức Phật, hướng đến sự giải thoát, giác ngộ). Lễ Tam Bảo tại chùa Song Tử Tây vô cùng trọng thể, rực áo vàng nghệ của 40 nhà sư trong đó có nhiều người giữ những vị trí trọng yếu của Giáo hội và ban trị sự Phật giáo của nhiều tỉnh thành. Lễ cầu cả quốc thái dân an, biển khơi yên bình, tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh và các anh hùng liệt sĩ của đất nước, những chiến sĩ đã hi sinh vì chủ quyền biển đảo của Tổ quốc và những con dân đất Việt đã vong thân khi mưu sinh trên biển đồng thời cũng là thực thi và khẳng định chủ quyền của đất nước đối với biển đảo quê hương.

Để đoàn đông hàng trăm người dự hành lễ có thể cùng hoà giọng tụng bài kinh khấn, các thầy trong Giáo hội đã chu đáo cho in bài thành tờ gấp giấy cứng thiết kế rất đẹp. Giọng tụng chính là của Thượng tọa Thích Minh Quang, người được nhiều người coi là giọng tụng hay nhất Việt Nam.

Trở lại Song Tử Tây, tôi vui mừng thấy các công trình trên đảo được tu sửa, tôn tạo khang trang lên nhiều. Có nghĩa là về mọi mặt đảo đã vững chắc hơn và về điều kiện ăn ở của cán bộ, chiến sĩ và người dân trên đảo thì cũng tốt hơn lên.

Năng lực chiến đấu và hậu cần của Hải quân ta ngày càng được nâng cao, đảo được cung cấp hậu cần và tiếp tế rất tốt.

Một trong những minh chứng cho việc đó là chuyện mà thiếu tá chuyên nghiệp Trịnh Trọng Thủy thuộc đơn vị đang đóng ở Song Tử Tây cho tôi biết là trên đảo chỉ trồng rau mà không chăn nuôi nữa. Quả thật là lần đến năm 2013 đó, tôi thấy trên đảo nuôi cả bò và gà lợn nhưng lần này thì không. Thì ra, hồi đó việc cung cấp thực phẩm cho đảo cũng đã tương đối ổn nhưng chưa phải dồi dào nên quân dân trên đảo chăn nuôi thêm, bất chấp việc diện tích đảo hạn chế và thiếu nước khiến việc chăn nuôi có nguy cơ gây các vấn đề vệ sinh môi trường. Nhưng giờ thì đảo không cần đẩy mạnh chăn nuôi nữa vì hậu cần đảm bảo cung cấp đầy đủ thực phẩm cho quân dân trên đảo.

Thiếu tá Trịnh Trọng Thủy mà tôi vừa nhắc ở trên tôi gặp khi anh đang ngồi chuyện trò với cựu chiến binh Phạm Nhất Thành - thành viên Đoàn công tác của chúng tôi. Hai người ngồi sát nhau, có vẻ xúc động. Thì ra, hơn 35 năm trước, từ năm 1985 đến 1988, chiến sĩ hải quân Phạm Nhất Thành đã đóng quân trên chính đảo Song Tử Tây này và chỉ huy của anh là Trịnh Trọng Thập, chính là bố của Trịnh Trọng Thủy. Cựu chiến binh Thành và thiếu tá Thủy tình cờ nói chuyện với nhau và phát hiện ra mối liên hệ vô cùng đặc biệt trên.

Tôi nhìn Trịnh Trọng Thủy, nghĩ về việc sau hơn 30 năm, anh lại nhận cây gậy tiếp sức mà người cha mình đã từng cầm để tiếp tục sự nghiệp bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc trên chính hòn đảo nhỏ bé nằm rất xa đất mẹ này. Tự nhiên tôi thấy xúc động bởi ý nghĩ về cái mạch nguồn vĩnh cửu, lớp cha trước, lớp con sau, chung một sắc áo, chung khúc quân hành đứng ra ghé vai gánh vác trọng trách bảo vệ sơn hà.

Cũng giống như trong chuyến công tác đặc biệt này, có người chỉ cho tôi một người trẻ tuổi nói đó là Nguyễn Xuân Trung - con trai của anh Nguyễn Văn Trường lần này đi tháp tùng bố trong chuyến công tác đặc biệt thăm lại, khảo sát để tu sửa củng cố 6 chùa đã khôi phục trước đây và khánh thành 3 chùa mới tôn tạo xong. Anh Trường sẽ còn đủ sức tham gia tôn tạo Trường Sa nhiều năm nữa, nhưng đã xuất hiện người tiếp bước. Vậy nên, Trường Sa luôn có người chăm lo, tôn tạo, duy trì, bảo vệ, gìn giữ.

Vì lẽ đó, Trường Sa đã, đang và sẽ mãi mãi là của Tổ quốc Việt Nam ta.

Tác giả: Nguyễn Dũng

NẮNG BOC KHƠ NAO!* * * Trở về đây Boc Khơ NaoTâm tình người lính xuyến xao một thờiNgày đồng cỏ cháy nắng phơiĐêm sương ...
11/06/2023

NẮNG BOC KHƠ NAO!
* * *
Trở về đây Boc Khơ Nao
Tâm tình người lính xuyến xao một thời
Ngày đồng cỏ cháy nắng phơi
Đêm sương quạnh quẻ chân trời heo may

Mồ hôi đổ xuống đất này
Máu xương đã thấm rặng cây ven đường
Hôm nay xanh lại cánh rừng
Sao quên ngày ấy thấm từng gian lao

Chiến trường lửa tắt từ lâu
Mà sao sức nóng nặng sâu từng ngày
Dòng máu ấm thuở trẻ trai
Lửa thanh xuân vẫn cháy hoài trong tim.

* Ngày 15/4/2023, thăm lại nơi đóng quân của E159- MT779. Nơi đây còn được gọi là núi Nam, núi Nữ.

* ĐỒNG ĐỘI: 11/6/2023

Bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng Chủ quyền quốc gia trên không gian mạng là vấn đề được nhiều quốc gia trê...
11/06/2023

Bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng

Chủ quyền quốc gia trên không gian mạng là vấn đề được nhiều quốc gia trên thế giới hết sức quan tâm, nhất là thời gian gần đây. Một số quốc gia xác định đây là nội dung quan trọng trong hoạch định chính sách, chiến lược phát triển đất nước. Tại Việt Nam, vấn đề chủ quyền quốc gia trên không gian mạng tuy còn khá mới mẻ nhưng được Đảng, Nhà nước hết sức coi trọng, với mục tiêu đề ra là bảo đảm tốt nhất an ninh con người, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia.

Báo cáo trước Hội đồng bảo an Liên hợp quốc về vấn đề an ninh mạng, bà Izumi Nakamitsu - đại diện cấp cao về các vấn đề giải trừ quân bị cho biết: Tính đến tháng 1/2021 có hơn 4,6 tỷ người đang sử dụng internet trên toàn thế giới và ước tính có khoảng 28,5 tỷ thiết bị sẽ được kết nối internet vào năm 2022 (tăng 18 tỷ thiết bị so với năm 2017). Bà Izumi Nakamitsu cũng nhấn mạnh rằng: “Công nghệ kỹ thuật số đang ngày càng đẩy mạnh những căng thẳng pháp lý, nhân đạo và các chuẩn mực đạo đức”, và việc hạ thấp các rào cản đối với quyền truy cập đã “mở ra các tiềm năng mới cho các xung đột và các cuộc tấn công ở trong và ngoài khu vực nhà nước”.

Thời gian qua, một số đối tượng phản động, cực đoan và tội phạm có tổ chức đã lợi dụng thành tựu của khoa học - công nghệ để tấn công cá nhân, quốc gia trên chính “vùng lãnh thổ mới” này. Chúng đã lợi dụng không gian mạng để chuyển hóa chế độ chính trị như: kích động biểu tình, phá rối an ninh, tiến hành cách mạng màu, cách mạng đường phố, bạo loạn và lật đổ. Điều này thể hiện rõ trong “Mùa xuân A Rập” diễn ra tại Trung Đông và Bắc Phi từ năm 2010 đến 2012. Từ lời kêu gọi được phát đi trên Facebook, 18 ngày sau, chính quyền của Tổng thống Mubarak tại Ai Cập bị sụp đổ sau 30 năm cầm quyền, dù trước đó ông đã ra lệnh cắt internet và sóng di động nhưng cũng không ngăn cản được làn sóng biểu tình chống đối. Biểu hiện tiêu cực khác là việc sử dụng thành tựu khoa học - công nghệ để tác động vào cử tri đi bầu; thậm chí là quảng cáo chính trị làm thay đổi nhận thức, ý thức hệ nhằm gây ra sự bất mãn trong nhân dân với những ý đồ chính trị đen tối.

Từ những diễn biến phức tạp thời gian qua, vấn đề chủ quyền quốc gia trên không gian mạng đã và đang được nhiều nước hết sức coi trọng, từ đó ban hành những chính sách, biện pháp quản lý, kiểm soát phù hợp.

Tại Việt Nam, từ năm 2018, Luật An ninh mạng được ban hành, trong đó xác định “An ninh mạng là sự bảo đảm hoạt động trên không gian mạng không gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân” và “Không gian mạng quốc gia là không gian mạng do Chính phủ xác lập, quản lý và kiểm soát”. Trước nguy cơ đe dọa chủ quyền quốc gia trên không gian mạng và bảo đảm an ninh mạng, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 25/7/2018 về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng”; Nghị quyết số 30-NQ/TW, ngày 25/7/2018 về “Chiến lược An ninh mạng quốc gia”... Các văn kiện nêu trên thể hiện rõ quan điểm của Đảng, Nhà nước ta về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, xác định bảo vệ an ninh mạng là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân và cả hệ thống chính trị.

Phát biểu kết luận tại phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo An toàn, an ninh mạng quốc gia ngày 7/4/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: Bảo đảm an toàn, an ninh mạng đã được xác định trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia.

Thực tế cho thấy, không gian mạng hiện đang là một vùng lãnh thổ mới rất cần được coi trọng. Theo Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an, không gian mạng là “không gian thứ năm, chiến trường thứ năm, miền thứ năm của quốc gia, bên cạnh vùng đất, vùng trời, vùng biển và không gian vũ trụ”(1). Theo đó, chủ quyền không gian mạng cần được nhìn nhận dưới góc độ chủ quyền và an ninh quốc gia.

Bảo vệ an ninh mạng là cấu thành trọng yếu của hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia. Các thông tin bịa đặt, xuyên tạc đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, công kích chế độ, kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc,… cần phải được kiểm soát, ngăn chặn kịp thời. Các quốc gia, cá nhân, pháp nhân, tổ chức khác phải tôn trọng thể chế, pháp luật quốc gia trên không gian mạng.

Việt Nam là một trong số 20 quốc gia có người sử dụng internet cao trên thế giới, với hơn 68 triệu tài khoản mạng xã hội Facebook, 70 triệu người sử dụng internet và 154 triệu thiết bị kết nối internet có tỷ lệ truy cập hằng ngày chiếm 94%. Tuy nhiên, Việt Nam cũng nằm trong danh sách các quốc gia bị ảnh hưởng nhiều bởi các thách thức an ninh mạng. Không gian mạng trở thành nơi mà một số đối tượng chống đối đang lợi dụng để thường xuyên đăng tải thông tin sai lệch, tin giả nhằm chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam, gây mất ổn định chính trị, xã hội, nhằm thực hiện âm mưu chiến lược “diễn biến hòa bình” để thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, kích động biểu tình, bạo loạn, móc nối trong ngoài và tập hợp lực lượng nhằm lật đổ chính quyền...

Các tổ chức mà Bộ Công an liệt kê vào danh sách là tổ chức khủng bố như “Việt Tân”, “Chính phủ Quốc gia Việt Nam Lâm Thời”, “Triều Đại Việt”,... thời gian qua thường xuyên tiến hành các hoạt động trên không gian mạng nhằm chống phá chính quyền, tổ chức, chỉ đạo hoạt động khủng bố, tài trợ hoạt động khủng bố..., tiêu biểu như vụ gây nổ tại trụ sở Cục Thuế tỉnh Bình Dương vào ngày 30/9/2019. Những hành vi nêu trên gây hoang mang trong quần chúng nhân dân, nếu không kiểm soát kịp thời sẽ gây hậu quả rất nghiêm trọng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội và sự ổn định của chế độ chính trị.

Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học-công nghệ tạo ra thuận lợi, thời cơ cho đất nước ta đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, với những mục tiêu như xây dựng Chính phủ số, xã hội số và nền kinh tế số. Tuy nhiên bên cạnh thời cơ, những thách thức, mối đe dọa từ không gian mạng đối với chủ quyền, lợi ích quốc gia, an ninh quốc gia cũng không ngừng gia tăng. Trong giai đoạn 2010-2021, với việc sử dụng hơn 8.784 web, blog có tên miền nước ngoài, 381 web, blog có tên miền trong nước, các lực lượng chống đối đã phát tán hơn 60.000 bản tin, bài viết nhằm bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, kích động biểu tình trên không gian mạng... nhưng đã bị lực lượng an ninh mạng của Việt Nam xử lý và ngăn chặn kịp thời. Ngoài ra, lực lượng chức năng của Việt Nam cũng đã phát hiện hơn 80% số vụ lộ bí mật nhà nước là qua hệ thống thông tin.

Để bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, bảo vệ hệ thống thông tin trọng yếu của quốc gia và bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ cả trong thời bình cũng như thời chiến, thời gian qua, lực lượng tác chiến không gian mạng của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an làm nòng cốt đã có sự kết hợp chặt chẽ với lực lượng tác chiến không gian mạng, công nghệ thông tin trong khối các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp...

Lực lượng này đã chủ động nắm, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình an ninh mạng trong nước và thế giới; kịp thời phát hiện, tổ chức đấu tranh phòng, chống gián điệp mạng nước ngoài, triển khai các giải pháp bảo vệ an ninh hệ thống mạng thông tin trọng yếu quốc gia; phòng, chống tấn công mạng; vô hiệu hóa các hoạt động chống phá trên không gian mạng; xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, cung cấp, sử dụng mạng internet và thông tin trên mạng...

Giai đoạn tới, dự báo tình hình diễn biến trên không gian mạng diễn ra hết sức phức tạp. Do đó để chủ động ứng phó, tác chiến trong mọi tình huống nhằm bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, bảo vệ an ninh mạng, lực lượng tác chiến trên không gian mạng, lực lượng an ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao cần tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng về bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng và An ninh mạng quốc gia, trọng tâm là Nghị quyết số 29-NQ/TW và Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Ngoài ra, các lực lượng chiến đấu và các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học và toàn xã hội cần nhận thức rõ vị trí, tầm quan trọng của công tác bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, bảo vệ an ninh mạng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; kịp thời nhận diện các âm mưu, thủ đoạn hoạt động chống phá và tội phạm trên không gian mạng; trên cơ sở đó chủ động tạo ra sức đề kháng trước các luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc, kích động chống phá của các thế lực thù địch và phần tử xấu; luôn đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong chỉ đạo và chịu trách nhiệm về hoạt động bảo vệ an ninh thông tin đối với hệ thống thông tin được giao phụ trách; xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân, an ninh nhân dân trên không gian mạng, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, nguồn lực trong nhân dân để bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, vô hiệu hóa các luận điệu phản động trên không gian mạng; khẩn trương hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật nhằm thi hành Luật An ninh mạng; bảo vệ dữ liệu cá nhân; trình tự, thủ tục, thẩm quyền thu thập chứng cứ từ nguồn điện tử và biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt; kịp thời ban hành những quy định pháp luật quản lý “tiền ảo”, “tài sản ảo”, các loại thẻ thanh toán dịch vụ viễn thông, trò chơi trực tuyến trái pháp luật...

Việc nhận thức và bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng cần được quán triệt đến mọi tầng lớp nhân dân, tổ chức nghiên cứu khoa học, bài bản để từng bước hoàn thiện cả về lý luận và thực tiễn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.

Phong trào “ba sẵn sàng” dấu son tự hào của tuổi trẻ Việt NamGần 60 năm đã trôi qua, phong trào "Ba sẵn sàng" đã đi vào...
11/06/2023

Phong trào “ba sẵn sàng” dấu son tự hào của tuổi trẻ Việt Nam

Gần 60 năm đã trôi qua, phong trào "Ba sẵn sàng" đã đi vào lịch sử như một thiên anh hùng ca của tuổi trẻ, là nền tảng để thanh niên cả nước tiếp bước xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh.

75 năm trước, khi thế nước ngàn cân treo sợi tóc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, chính thức phát động phong trào thi đua yêu nước trong toàn Ðảng, toàn quân và toàn dân.

Thực hiện Lời kêu gọi của Bác, Thành đoàn Hà Nội đã phát động phong trào “Ba sẵn sàng", thắp sáng ngọn lửa hào hùng, khơi dậy phong trào cách mạng cho đoàn viên, thanh niên Thủ đô.

Phong trào có sức lôi cuốn mạnh mẽ, rộng khắp đối với tuổi trẻ cả nước, trở thành một phong trào lớn nhất, oai hùng nhất của thanh niên Việt Nam thế kỷ XX và để lại dư âm cho đến tận ngày nay.

“Ba sẵn sàng” - dấu son tự hào của tuổi trẻ

Sau khi gây ra sự kiện “Vịnh Bắc Bộ”, ngày 5/8/1964, đế quốc Mỹ huy động máy bay tiến hành đánh phá miền Bắc nước ta, mở đầu cuộc chiến tranh bằng không quân và hải quân phá hoại miền Bắc.

Căm phẫn trước tội ác leo thang chiến tranh của đế quốc Mỹ, từ các trường học, công xưởng, nhà máy đến các nông trường, cơ quan, thôn, bản, tất cả thanh niên đều thể hiện quyết tâm sẵn sàng cho cuộc đối đầu lịch sử.

Trong bối cảnh đó, tại phiên họp bất thường ngày 7/8/1964, Ban Thường vụ Thành đoàn Hà Nội đã phát động phong trào “Ba sẵn sàng” với các nội dung: Sẵn sàng chiến đấu; sẵn sàng gia nhập các lực lượng vũ trang; sẵn sàng đi bất cứ nơi nào, làm bất cứ việc gì mà Tổ quốc cần.

Tối ngày 9/8/1964, phong trào chính thức được phát động tại Quảng trường Nhà hát lớn Thành phố (nay là Quảng trường Cách mạng Tháng 8 ). Hàng vạn thanh niên Thủ đô đã xuống đường biểu dương lực lượng, lên án hành động của đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc.

Tòng quân, đi thanh niên xung phong trở thành nguyện vọng thiết tha của tuổi trẻ Thủ đô cũng như mọi miền đất nước lúc bấy giờ. Đó là những ngày mà thanh niên Hà Nội không ai muốn ngủ, không ai muốn đứng ngoài, ai cũng thiết tha muốn được góp sức mình cho đất nước.

Phong trào “Ba sẵn sàng” lúc đó được ví như "mồi lửa" đã thắp sáng tinh thần cách mạng của thanh niên, học sinh, sinh viên Hà Nội vốn như "củi khô" chờ được đốt cháy.

Sau khi phong trào được phát động, ngay trong tuần đầu tiên đã có hơn 80.000 thanh niên Hà Nội đăng ký nhập ngũ vào các lực lượng vũ trang nhân dân, và trong khoảng một thời gian ngắn con số này lên đến hơn 200.000 người.

Đến tháng 3/1965, trước yêu cầu tình hình mới, Ban Chấp hành Trung ương Đoàn quyết định đẩy mạnh phong trào “Ba sẵn sàng” lên thành cao trào. Từ đó, nội dung của phong trào được bổ sung và nâng cao thành: Sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu dũng cảm, sẵn sàng gia nhập các lực lượng vũ trang; Sẵn sàng khắc phục mọi khó khăn đẩy mạnh sản xuất, công tác và học tập trong bất kỳ tình huống nào; Sẵn sàng đi bất cứ nơi nào, làm bất cứ việc gì mà Tổ quốc cần đến.

Với nội dung mới này, phong trào “Ba sẵn sàng” đã phát huy cao độ tiềm năng to lớn của sức trẻ trong thanh niên cả nước và thể hiện tính sáng tạo, sức vươn lên của tuổi trẻ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Chỉ sau một tháng đẩy mạnh cao trào, 1,5 triệu nam nữ thanh niên ở các tỉnh miền Bắc đã ghi tên tình nguyện đăng ký “Ba sẵn sàng.”

Từ đất thiêng Thăng Long-Đông Đô-Hà Nội, phong trào “Ba sẵn sàng” như hồi kèn xung trận, giục giã bước chân tuổi trẻ tình nguyện cống hiến, chiến đấu kiên cường, hy sinh anh dũng vì Tổ quốc.

Phong trào này đã khơi dậy và cổ vũ lớp lớp thanh niên miền Bắc "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước," gợi mở cho sự ra đời và phát triển của các phong trào “Phụ nữ 3 đảm đang” và phong trào “5 xung phong” của tuổi trẻ miền Nam.

Từ đó xuất hiện bao tấm gương sáng ngời của lớp lớp nam nữ thanh niên, nhiều người đã tình nguyện viết đơn bằng máu, xin được nhập ngũ trước tuổi... với niềm tự hào, khát khao cháy bỏng là sớm được tòng quân ra trận.

Và còn biết bao thanh niên đã kịp thời có mặt trên các trận địa, trên những trọng điểm kẻ thù đánh phá ác liệt ngày đêm, sẵn sàng lát đường, bắc cầu cho xe băng qua, chi viện kịp thời, bảo đảm cho tiền tuyến “ăn no đánh thắng.”

Cuộc chiến đấu càng quyết liệt, tinh thần và khí thế “Ba sẵn sàng” của thanh niên càng được biểu hiện sinh động trên tất cả các mặt trận sản xuất, chiến đấu.

Là người tổ chức, rèn luyện các thế hệ thanh niên Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến sự phát triển của phong trào. Người kêu gọi thanh niên cả nước: “Các cháu thanh niên gái cũng như trai hãy thực hiện tốt “ba sẵn sàng”, xung phong dâng tất cả tinh thần và lực lượng của tuổi trẻ cho sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, cho Tổ quốc và chủ nghĩa xã hội.”

Nhân dịp Quốc khánh năm 1965, Bác Hồ đã gửi thư động viên thanh niên, trong đó có đoạn: “Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước hiện nay, theo tiếng gọi của Tổ quốc, thanh niên cả nước ta càng giương cao ngọn cờ của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, lập nhiều thành tích xuất sắc.

Hàng triệu thanh niên miền Bắc đã hăng hái tham gia phong trào “Ba sẵn sàng.” Hàng vạn cháu trai và gái đã nguyện vào các đội thanh niên xung phong chống Mỹ, cứu nước… Bác rất vui lòng khen ngợi các cháu thanh niên trong cả nước… Các cháu là thế hệ anh hùng trong thời đại anh hùng.”

Đến năm 1966, phong trào “Ba sẵn sàng” đã thu hút hơn 3 triệu đoàn viên, thanh niên cả nước tham gia, trở thành một trong những phong trào hành động cách mạng lớn nhất của tuổi trẻ Thủ đô và cả nước trong thế kỷ XX.

Thành công của phong trào “Ba sẵn sàng” của miền Bắc cùng với phong trào “Năm xung phong” của miền Nam đã động viên khuyến khích tinh thần tuổi trẻ, đưa hàng triệu thanh niên đi vào tuyến đầu của cuộc kháng chiến, góp phần to lớn vào thắng lợi của sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước.

Từ phong trào “Ba sẵn sàng,” nhiều tập thể và cá nhân anh hùng đi vào lịch sử, như: sự hy sinh anh dũng của 10 cô gái thanh niên xung phong ở ngã ba Đồng Lộc và 12 cô gái tiểu đội thép khi làm nhiệm vụ ở Truông Bồn (Nghệ An); Anh hùng Trịnh Tố Tâm - 53 lần được tặng danh hiệu “Dũng sỹ diệt Mỹ”; Anh hùng Lê Mã Lương với câu nói nổi tiếng “cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến diệt quân thù;” Anh hùng liệt sĩ Bùi Ngọc Dương, anh hùng liệt sỹ Đặng Thùy Trâm…

Họ là những mẫu hình tiêu biểu của một thế hệ thanh niên anh hùng trong một dân tộc anh hùng. Đây là dấu son trong lịch sử chiến đấu vẻ vang của tuổi trẻ cả nước, với những đóng góp to lớn, những hy sinh cống hiến của một thế hệ thanh niên “Ba sẵn sàng” cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Những bản hùng ca còn mãi

Có thể nói, phong trào “Ba sẵn sàng” là cuộc vận động cách mạng rộng lớn, sâu sắc của thanh niên, là chiến trường lập công của tuổi trẻ, là trường bồi dưỡng một lớp “thế hệ thanh niên anh hùng của dân tộc Việt Nam anh hùng.”

Từ ngọn lửa nhiệt huyết của phong trào “Ba sẵn sàng”, một thế hệ thanh niên với những phẩm chất tốt đẹp, yêu nước, biết hy sinh, sẵn sàng xả thân vì Tổ quốc đã hình thành và ngày càng lớn mạnh, không chỉ có giá trị trong thời kỳ chiến tranh, mà vẫn luôn phát huy giá trị trong giai đoạn hiện nay, khi đất nước đã thanh bình.

Tinh thần “Ba sẵn sàng” luôn nhắc nhở thế hệ thanh niên ngày nay không ngừng rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, góp phần xây dựng đất nước trên con đường hiện đại, văn minh với phương châm “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên.”

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (1976), diễn ra khi đất nước vừa kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đã nhấn mạnh: “Một trong những bài học thành công của Việt Nam thời chống đế quốc Mỹ là công tác thanh vận của Đảng thông qua phong trào “Ba sẵn sàng” của miền Bắc và phong trào “Năm xung kích” của miền Nam, đưa hàng triệu thanh niên đi vào mũi nhọn của cuộc chiến đấu, góp phần to lớn vào thắng lợi của sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước.”

Ghi nhận những nỗ lực, cống hiến quan trọng của Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh thành phố Hà Nội trong phong trào “Ba sẵn sàng,” năm 2014, nhân kỷ niệm 50 năm phong trào “Ba sẵn sàng,” Đảng và Nhà nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh thành phố Hà Nội vì đã có thành tích đặc biệt xuất trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mà đỉnh cao là phong trào “Ba sẵn sàng.”

Khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, tiếp nối tinh thần của phong trào “Ba sẵn sàng”, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng Hồ Chí Minh đã phát động trong thanh niên cả nước nhiều chương trình hành động tiêu biểu, như “Tuổi trẻ Việt Nam học tập và làm theo lời Bác;” “Nghĩa tình biên giới hải đảo,” “Hành trình tuổi trẻ vì biển đảo quê hương,” “Đồng hành cùng ngư dân trẻ ra khơi,” “Góp đá xây Trường Sa;” các phong trào: “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới,” “Thanh niên tham gia xây dựng văn minh đô thị,” “Sinh viên 5 tốt,” “3 trách nhiệm,” “Sáng tạo trẻ”...

Đặc biệt là các phong trào “Xung kích, tình nguyện phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ Tổ quốc” và “Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp” đã được triển khai rộng rãi với hàng chục triệu lượt thanh niên tham gia.

Cùng với đó, Chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè, trải qua hơn 20 năm triển khai, đến nay đã trở thành phong trào rộng lớn trong thanh niên mang lại nhiều kết quả to lớn.

Nhiều đội thanh niên, sinh viên tình nguyện đã không ngại khó khăn, gian khổ để đến với đồng bào vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng để có các hoạt động thiết thực giúp đỡ bà con, như: dạy học, làm lại nhà cửa, khám chữa bệnh.

Nhiều trí thức trẻ trong các lĩnh vực kinh tế-xã hội đã về tận những nơi khó khăn, gian khổ, cầm tay, chỉ việc, giúp bà con nông dân, người dân phát triển kinh tế, thoát nghèo, làm giàu cho quê hương, đất nước.

Khi đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, thiên tai diễn ra bất thường, các cấp bộ Đoàn đều chủ động triển khai các sáng kiến vì cộng đồng; chú trọng các hoạt động trên nền tảng số, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin.

Hình ảnh đoàn viên thanh niên trong các lực lượng ứng cứu, giải cứu, bảo vệ tính mạng và tài sản của đồng bào, hỗ trợ nhu yếu phẩm... trong đại dịch COVID-19 và trong khắc phục hậu quả của thiên tai đã trở thành hình ảnh tiêu biểu của người đoàn viên thế hệ mới, hết lòng hết sức vì Tổ quốc, vì nhân dân.

Gần 60 năm đã trôi qua, phong trào “Ba sẵn sàng” đã đi vào lịch sử như một thiên anh hùng ca của tuổi trẻ, là nền tảng để thanh niên cả nước nói chung và thanh niên Thủ đô nói riêng, tiếp bước gánh vác sứ mệnh lịch sử của thanh niên trong thời đại mới.

Tinh thần “Ba sẵn sàng” sẽ còn trường tồn, góp phần cổ vũ và khích lệ, đưa quá khứ về với hiện tại, giúp cho thanh niên ngày càng xứng đáng là lớp người trẻ tuổi làm chủ nước nhà, xây dựng đất nước ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như mong muốn của Bác Hồ kính yêu ./

Address


Website

Alerts

Be the first to know and let us send you an email when Khát vọng trẻ posts news and promotions. Your email address will not be used for any other purpose, and you can unsubscribe at any time.

Videos

Shortcuts

  • Address
  • Alerts
  • Videos
  • Claim ownership or report listing
  • Want your business to be the top-listed Media Company?

Share