19/07/2023
BỐI CẢNH THỊ TRƯỜNG TIỀN ĐIỆN TỬ TẠI HOA KỲ
✍️Tracy
Các hồ sơ spot bitcoin ETF gần đây của BlackRock, Fidelity, WisdomTree, VanEck, Invesco và những người khác đã mang lại sự lạc quan cho thị trường tiền điện tử. Kể từ khi hồ sơ của BlackRock được nộp vào ngày 15/6, bitcoin đã tăng 25% và hoàn toàn tách khỏi các chỉ số chứng khoán của Hoa Kỳ. [📊Hình 1]
Theo dữ liệu được theo dõi bởi công ty phân tích tiền điện tử Block Scholes, mối tương quan luân phiên (correlation) trong 90 ngày giữa BTC và Nasdaq, S&P 500 hiện ở mức thấp nhất kể từ tháng 7/2021.
Dữ liệu từ Coinshares cho thấy, các sản phẩm đầu tư tài sản kỹ thuật số đã có inflow trị giá 136 triệu USD vào tuần trước, nâng tổng số tiền trong 3 tuần liên tiếp lên 470 triệu USD, đưa dòng tiền ròng từ đầu năm đến nay lên mức + 231 triệu USD. [📊Hình 2]
Sự tăng giá của Bitcoin gần đây liệu có gắn liền với các sự kiện pháp lí tại Mỹ? Trong bài này, chúng ta sẽ tìm hiểu về cuộc chiến pháp lý tại Mỹ và sự liên kết của cuộc chiến này với bối cảnh thị trường hiện tại.
✨Cuộc chiến pháp lý tại Hoa Kỳ✨
Ngày 09/02, Kraken đóng cửa dịch vụ đặt cược tiền điện tử (crypto-staking service) tại Hoa Kỳ, trả 30 triệu USD tiền phạt đối với thỏa thuận thanh toán của SEC, mở đầu cho “cuộc chiến pháp lý” căng thẳng của thị trường tiền điện tử tại Hoa Kỳ.
Ngày 13/2, Paxos chính thức thông báo rằng công ty sẽ chấm dứt quan hệ với Binance đối với stablecoin BUSD. Bắt đầu từ ngày 21/2, Paxos sẽ ngừng mint mới BUSD, tuân theo văn bản (order) từ Sở Dịch vụ Tài chính New York (NYDFS).
Trong suốt khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 4 là giai đoạn chứng kiến sự bất ổn trong lĩnh vực ngân hàng Mỹ với sự sụp đổ của các ngân hàng thân thiện với crypto như Silvergate, Signature và Silicon Valley.
Cuộc đàn áp quy định của Hoa Kỳ và sự sụp đổ của các ngân hàng trên đã khiến các giao dịch tiền điện tử bằng USD trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Kể từ tháng 3, chúng ta có thể thấy thị phần của đồng USD đã giảm so với đồng EUR cùng với tính thanh khoản và khối lượng giao dịch trên thị trường đã sụt giảm đáng kể. [📊Hình 3]
Ngày 05/06, SEC kiện sàn giao dịch tiền điện tử Binance, Binance.US và Changpeng Zhao - Founder & CEO Binance với các cáo buộc vi phạm luật chứng khoán liên bang.
Đơn kiện cho biết, Binance, Binance US và CZ đã cung cấp chứng khoán chưa đăng ký cho công chúng dưới dạng token BNB và stablecoin BUSD, đồng thời cáo buộc rằng dịch vụ đặt cược (staking service) của Binance đã vi phạm luật chứng khoán. SEC cũng kiện BAM Trading – công ty điều hành của Binance US – và chính Binance không đăng ký làm cơ quan thanh toán bù trừ, không đăng ký làm nhà môi giới và không đăng ký làm sàn giao dịch tại Hoa Kỳ. SEC cũng cáo buộc rằng Binance cho phép trộn tiền của khách hàng, rằng CZ đang "bí mật" kiểm soát Binance US và rằng một thực thể do CZ sở hữu và điều hành đã wax trading trên Binance.US để tăng khối lượng giao dịch.
Kể từ sau vụ kiện, các ngân hàng liên kết với sàn giao dịch Binance US đã thông báo ngưng hợp tác, khiến sàn phải đóng tất cả các cổng nạp rút fiat, hủy niêm yết các cặp giao dịch đi với đồng USD. Binance US chính thức trở thành sàn giao dịch thuần crypto. Tuy nhiên, thói quen của người dân Hoa Kỳ là giao dịch tài sản với đồng USD, việc các ngân hàng ngưng hỗ trợ cũng gần như “phong sát” sàn giao dịch. [📊Hình 4]
Một tuần sau vụ kiện của SEC, cả market makers và traders đều rời khỏi Binance US. Market depth tổng hợp từ 17 tokens đã giảm gần 80% trong tuần. Vào ngày 4/6, một ngày trước vụ kiện của SEC, market depth là 34 triệu USD và chỉ còn 7 triệu USD vào ngày 12/07. [📊Hình 5]
🪙Đối với thị phần các sàn giao dịch tại Mỹ
- Vào tháng 4, Binance US chiếm 20% thị phần và giờ đây chỉ còn 4,8%, cho thấy đây là sàn giao dịch chịu thiệt hại nhiều nhất sau một loạt các vụ kiện từ đầu năm đến giờ.
- Trong khi đó, thị phần của Coinbase đã tăng vọt từ 46% lên 64%.
🪙Không dừng lại ở đó, Binance global cũng đã gặp một số rắc rối tại Châu Âu:
- BaFin, cơ quan quản lý tài chính của Đức, được cho là đã từ chối đơn xin giấy phép lưu ký của Binance. Binance cũng thông báo rằng Paysafe, đối tác ngân hàng sẽ kết thúc hỗ trợ nạp và rút EUR từ ngày 25/9.
- Đầu tháng 6, Binance đã thông báo rằng họ sẽ rời khỏi Hà Lan sau khi không nhận được sự chấp thuận theo quy định. Sàn đã nộp đơn xin hủy đăng ký tại Síp và được cho là đang bị điều tra ở Pháp vì cáo buộc rửa tiền.
- Binance cũng đã hủy đơn xin đăng ký tại Vương quốc Anh và cơ quan quản lý tài chính của Bỉ đã ra lệnh cho Binance ngừng các dịch vụ tại quốc gia này. Gần đây nhất, Binance cũng đã rút đơn xin cấp phép tại Áo.
Các vấn đề pháp lý ở châu Âu có thể xuất phát từ áp lực mà sàn giao dịch đang phải đối mặt ở Hoa Kỳ.
Ngày 06/06, SEC kiện sàn giao dịch tiền điện tử Coinbase với cáo buộc vi phạm luật chứng khoán liên bang.
Đơn kiện cho biết, Coinbase đã trộn lẫn ba chức năng thường được tách biệt trong các thị trường chứng khoán truyền thống – chức năng của các nhà môi giới, sàn giao dịch và cơ quan thanh toán bù trừ. Coinbase đã hoạt động đồng thời với tư cách là một nhà môi giới, sàn giao dịch và cơ quan thanh toán bù trừ chưa đăng ký, SEC lập luận rằng họ đã thu hút khách hàng, xử lý các lệnh giao dịch (order), cho phép đặt giá thầu và đóng vai trò trung gian cùng một lúc. Vụ kiện có tên Coinbase và Coinbase Global là bị đơn, nhưng không nêu tên Founder & CEO Brian Armstrong hay bất kỳ giám đốc điều hành nào khác.
Rất khác với Binance, Coinbase đã đứng lên chống trả cùng tuyên bố hùng hồn của CEO Amstrong rằng “tôi sẽ vui vẻ ra hầu tòa cùng SEC”, tính đến thời điểm hiện tại, có vẻ Coinbase vẫn chưa hứng chịu bất kỳ hậu quả bất lợi nào từ đơn kiện của SEC. Tại sao điều này đáng chú ý? chúng ta sẽ tìm hiểu ở phần tiếp theo.
✨Cuộc đổ bộ của Wall Street vào thị trường tiền điện tử✨
Ngày 15/6, Nadaq thay mặt Blackrock nộp đơn đăng ký spot bitcoin ETF. Những ngày sau đó, thị trường đã chứng kiến các quỹ tài chính truyền thống khác tham gia nộp đơn bao gồm: Fidelity, WisdomTree, VanEck, Invesco, ARK Invest và Valkyrie. Các quỹ bitcoin ETF được hỗ trợ bởi hợp đồng tương lai đã có sẵn cho khách hàng Hoa Kỳ kể từ năm 2021. Nhưng cho đến nay SEC vẫn từ chối spot bitcoin ETF. Việc Blackrock - nhà quản lý tài sản lớn nhất thế giới với AUM khoảng 9.000 tỷ USD nộp đơn đăng ký đã tạo nên cú hích cho thị trường, khởi động một làn sóng narrative mới, rằng tài sản kỹ thuật số cuối cùng sẽ nhận được sự chấp thuận của SEC.
Để thêm niềm tin cho thị trường, CEO Blackrock đã phát biểu trong cuộc phỏng vấn với Fox Business rằng, ông muốn làm việc với các nhà quản lý và lắng nghe bất kỳ mối lo ngại nào mà họ có thể có về hồ sơ ETF gần đây. Ông cũng cho biết thêm, bitcoin - tiền điện tử lớn nhất tính theo vốn hóa thị trường có vai trò là “vàng số hóa”.
Tại sao SEC luôn từ chối spot bitcoin ETF? có thể SEC cho rằng, thanh khoản, thao túng và sự biến động của BTC có thể quá dữ dội đối với các nhà đầu tư thông thường - các mức tăng trưởng gần nhất của Bitcoin: tăng 305% vào năm 2020, tăng thêm 60% vào năm 2021, tiếp theo là mất 64% vào năm 2022. Bên cạnh đó, SEC cũng đã đặt câu hỏi liệu các quỹ có thông tin cần thiết để định giá đầy đủ Bitcoin hay không. Năm 2021, Chủ tịch SEC Gary Gensler làm chứng trước Ủy ban Ngân hàng Thượng viện rằng việc thiếu giám sát trong thị trường tiền điện tử đã dẫn đến "những lo ngại về khả năng gian lận và thao túng". Trong nỗ lực xoa dịu một số lo ngại của SEC, BlackRock và các tổ chức phát hành đã đề xuất cái gọi là thỏa thuận chia sẻ giám sát, một cách để giảm thiểu rủi ro thao túng thị trường và gian lận. Coinbase - sàn giao dịch đang bị kiện bởi SEC đã nổi lên như một đối tác giám sát thị trường được lựa chọn của các nhà phát hành ETF.
Một số nhà phân tích nói rằng sự thống trị của Binance trên thị trường spot và future đã làm tổn hại đến cơ hội được chấp thuận của spot bitcoin ETF. Với logic mà SEC đã sử dụng cho đến nay, Binance cần phải phá sản và các địa điểm giao dịch không chính thức cần phải được thay thế, trước khi spot bitcoin ETF của Hoa Kỳ được chấp thuận. Bởi vì chỉ như vậy thì phần lớn giao dịch bitcoin mới chuyển đến các địa điểm đáp ứng sự tuân thủ theo yêu cầu của SEC.
Cho đến hiện tại thì logic này có vẻ đúng, một mặt các ngân hàng phục vụ crypto đã biến mất (có thể là nhường chỗ cho các ngân hàng lớn khác), một mặt SEC gần như xung đột với tất cả các sàn giao dịch, nhưng người chịu thiệt cuối cùng là Binance với Binance US gần như tê liệt tại Mỹ và Binance global đang rất vất vả với vấn đề pháp lí tại các khu vực khác. Kraken bị phạt 30 triệu USD và gần như không có tiếng nói, các sàn giao dịch nhỏ khác hầu như phải rời khỏi Mỹ. Sàn giao dịch còn trụ vững cuối cùng là Coinbase đã trở thành đối tác giám sát của các quỹ spot bitcoin ETF.
Cuối cùng, chỉ trong vòng nữa đầu năm 2023, chính sách đàn áp đã quét sạch “các tổ chức ngoại lai”, giờ đây thị trường tiền điện tử tại Mỹ chỉ còn “những người Mỹ”, chúng ta hãy nhớ rằng, hầu như tất cả các đợt tăng giá trong thị trường đều bắt đầu từ giờ Mỹ. Không lâu nữa, có thể các quỹ spot bitcoin ETF sẽ được chấp thuận, các tổ chức chính thống sẽ vào thị trường. Ở một khía cạnh nào đó, hoạt động trong quy định sẽ tốt cho toàn bộ thị trường, nhưng ở một khía cạnh khác, chúng ta vẫn tiếc cho những tổ chức đã đóng góp vào việc gầy dựng thị trường phải rời khỏi nước Mỹ.
📍Note: các sự kiện trong bài viết được liên kết và trình bày theo góc nhìn của người viết.
Tham khảo: Kaiko.com