06/07/2020
Đón dòng vốn FDI nhìn từ câu chuyện SUNHOUSE: “Liên kết để từ làm thuê sang làm ông chủ mới quan trọng”
"Nghệ thuật đón nhận vốn đặc biệt thời gian đầu phải khôn khéo để làm sao chúng ta có thể gia công, làm thuê nhưng phải học được công nghệ, hiểu được nhu cầu của khách hàng", Chủ tịch HĐQT SUNHOUSE nói.
Khả năng hấp thụ vốn FDI phụ thuộc vào chính Việt Nam
Chiều 30/6 diễn ra Toạ đàm “Việt Nam sẵn sàng đón sóng dịch chuyển vốn FDI” do Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội, chuyên trang Tri Thức Trẻ, CafeF tổ chức.
Ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong con mắt nhà đầu tư nước ngoài họ nhìn thấy cơ hội nhất định khi đầu tư vào Việt Nam thời điểm cách đây hơn 30 năm.
Trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài, ông Thắng cho biết Việt Nam cần giữ được 3 mục tiêu nhất quán và lâu dài như việc phát triển kinh tế xã hội, xây dựng nền kinh tế tự cường và đảm bảo an ninh, xã hội, quốc phòng của đất nước và văn hoá dân tộc.
Cũng theo ông Thắng, xu hướng chuyển dịch thời gian vừa qua là chuyển dịch toàn cầu trong đó có một phần từ Trung Quốc sang. Vốn từ Mỹ sang là F1, F2 là vốn từ Trung Quốc sang, đón vốn F2 khó nhưng F1 dễ hơn và nhanh hơn, khả năng hấp thụ phụ thuộc vào chính Việt Nam.
"Cơ hội chỉ đến với Việt Nam hay đến chung với mọi nơi? Mọi người đều hiểu rồi, thực ra cơ hội là khả năng trong bối cảnh Covid-19 đang thay đổi toàn bộ kinh tế xã hội đất nước nhưng đã có xu hướng chuyển dịch rồi, vốn F1, từ Mỹ, châu Âu... mới là quan trọng", ông Thắng nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) nhắc lại ý của ông Trần Văn Thọ, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng từng cho biết Việt Nam đang đứng trước cơ hội vàng thứ 3 trong thu hút đầu tư nước ngoài. Đại sứ EU tại Việt Nam cũng đánh giá tương tự và ông cảm nhận là có nhưng cần thận trọng và quyết tâm mới nắm bắt được.
Theo ông Toàn những thế mạnh của Việt Nam có thể chỉ ra như thể chế khác biệt với nhiều nước tư bản chủ nghĩa, Việt Nam cũng hội nhập sâu, chúng ta cũng có những mũi nhọn thật sự không phải “mũi nhọn kiểu quả mít”.
Dịch chuyển đơn hàng sẽ dễ và nhanh hơn dịch chuyển nhà máy
Là đại diện doanh nghiệp duy nhất tham gia thảo luận tại toạ đàm, chia sẻ câu chuyện thực tiễn của SUNHOUSE, ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn SUNHOUSE cho biết, chúng ta phải thận trọng với cơ hội, giai đoạn trước đây chúng ta đã có cơ hội, những lần trước đó, chúng ta đã đón nhận FDI nhưng chưa thành công, Việt Nam thành nơi gia công cho các doanh nghiệp FDI và Việt Nam sẽ trả giá cho việc gia công khi chúng ta phải đối diện với tình trạng ô nhiễm môi trường.
“Tôi hi vọng lần này chúng ta làm thế nào để nhận được vốn nhưng hiệu quả. Bản thân tôi đã nhận vốn của Hàn Quốc từ 2003, thương hiệu SUNHOUSE là của Hàn Quốc nhưng bây giờ là của Việt Nam, việc liên doanh, liên kết để từ làm thuê sang làm chủ mới là quan trọng”, ông Phú nói.
Chia sẻ thêm về câu chuyện nhận vốn của Hàn Quốc, ông Phú nói: “SUNHOUSE vào năm 2003 chúng tôi nhận góp vốn 30% của Hàn Quốc, và vẫn nắm được quyền chi phối, thời điểm dịch Covid-19 và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung chúng tôi vẫn nhận triển khai các dự án mới. Nếu không có dịch có thể xuất khẩu giá trị lên đến 1.000 tỷ đồng sang Mỹ. Nghệ thuật đón nhận vốn đặc biệt thời gian đầu phải khôn khéo để làm sao chúng ta có thể gia công, làm thuê nhưng phải học được công nghệ, hiểu được nhu cầu của khách hàng, khi nắm được công nghệ, tạo ra sản phẩm phù hợp với thị trường Mỹ, châu Âu, bán các sản phẩm có thương hiệu của chúng ta chúng ta mới làm ông chủ được”.
Nhìn vào đợt dịch chuyển chuỗi cung ứng lần này ông Phú cho biết, sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng đầy đủ hơn so với dòng vốn FDI, dịch chuyển nhà máy là rất khó trong khi các công ty trên toàn cầu co cụm vì dịch bệnh. Chính vì vậy, cái dễ nhất mà Việt Nam có thể đón chính là dịch chuyển đơn hàng sang sản xuất ở Việt Nam.
"Làn sóng dễ nhất chính là dịch chuyển đơn hàng. Các tập đoàn sẽ phải chuyển giao công nghệ, dịch chuyển 1 phần trong chuỗi cung ứng và sản xuất để tránh rủi ro từ việc đánh thuế hoặc từ Covid-19 khi đặt tất cả ở Trung Quốc. Ở gần Trung Quốc cho Việt Nam lợi thế. Người Việt Nam rất cũng linh hoạt", ông Phú đánh giá.
Tuy nhiên, ông Phú cũng chỉ ra một số điểm yếu cố hữu của người Việt là kỷ luật trong sản xuất và điều kiện liên quan hệ thống phòng cháy chữa cháy, bảo vệ con người, lương thưởng, an toàn lao động, môi trường… trong khi doanh nghiệp nước ngoài không muốn lằng nhằng về pháp lý nên để hoàn thiện thủ tục sẽ mất nhiều thời gian.
SUNHOUSE bây giờ hoàn toàn khác, dần tự chủ toàn bộ trong sản xuất
Không ngần ngại chia sẻ về những dự án từng phải "nếm trái đắng" ông Phú cho biết thời gian trước, Tập đoàn có hợp tác với một công ty Hàn Quốc trong đầu tư nhà máy vi mạch. Riêng dây chuyền và đất đai đã ngốn hết 200 tỷ đồng nhưng ông Phú chỉ nắm 49% cổ phần bởi cho rằng bản thân mình không có kinh nghiệm trong lĩnh vực này nên đặt trọn niềm tin vào đối tác.
Tuy nhiên, thời gian hợp tác cho thấy đối tác cũng không phải là công ty có chuyên môn và tiềm lực. Họ thực hiện dự án với hy vọng có thể vay được vốn của ngân hàng Việt Nam. Tuy nhiên, việc ngân hàng từ chối cho vay khiến dự án này lâm vào bế tắc. Cuối cùng, ông Phú phải mua lại toàn bộ vốn của đối thủ.
Dẫu vậy, sóng gió chưa chấm dứt. Khi muốn hợp tác với một doanh nghiệp Việt khác làm mạch điện thoại cho LG, đối tác kiểm tra và phát hiện ra rằng công suất máy trong dây chuyền mà ông Phú nhập từ đối tác Hàn Quốc quá thấp, không thể đáp ứng được nhu cầu sản xuất mạch. "Đó là bài học đau đớn", ông Phú chia sẻ.
Còn đối với nhà máy SUNHOUSE 10 năm trước và bây giờ ông Phú nhấn mạnh nhà máy đã khác hoàn toàn, SUNHOUSE chuyển đổi số lượng sang chất lượng, trước đây chỉ quan tâm làm thế nào bán được nhiều còn giờ phải quan tâm khách hàng quan tâm điều gì, người dùng tin và mua, không được để người dùng mất niềm tin. SUNHOUSE thay đổi toàn bộ quy trình sản xuất, trả lương cho chuyên gia với mức cao, thay đổi đội ngũ R&D.
“Phải luôn luôn lấy doanh nghiệp lớn làm mẫu để phấn đấu không ngừng, áp sát về năng suất lao động, tiêu chuẩn để bắt kịp. Đây là bài học của SUNHOUSE. Mọi người từng nghĩ SUNHOUSE không làm gì nhưng rõ ràng SUNHOUSE làm chủ nhiều dây chuyền công nghệ, làm chủ nhà máy vi mạch, làm từ A đến Z các sản phẩm gia dụng”, ông Phú nói.
Thông qua diễn đàn, ông Phú mong muốn các nhà quản lý, nhà chức trách tạo điều kiện giúp đỡ các doanh nghiệp Việt vượt qua những rào cản để có thể đón được làn sóng sản xuất và trở thành nhà sản xuất cho thế giới, từ đó làm chủ được những công nghệ của nước ngoài.
Thông điệp nữa được Chủ tịch SUNHOUSE nêu ra là không chủ quan, thế giới liên tục thay đổi. “Dẫn chứng dịch Covid-19, tôi không đồng quan điểm lắm về việc quản lý Covid-19 như hiện tại, cần mở và quản trị để chuyên gia nước ngoài có thể sang, Hàn Quốc duy trì chuyến bay quốc tế, đến và có điều kiện”, ông Phú nêu.
Theo bizlive.vn