Cachkinhdoanh.online - Hướng dẩn kinh doanh Online hiệu quả

  • Home
  • Cachkinhdoanh.online - Hướng dẩn kinh doanh Online hiệu quả

Cachkinhdoanh.online - Hướng dẩn kinh doanh Online hiệu quả cách kinh doanh online

07/06/2022

🔴 Cách để kết bạn - add friend với khách hàng tiềm năng trên Facebook.

Đây là kỹ thuật dành cho nhân viên sales, nhân viên tư vấn bán hàng mà tôi đang training cho các công ty có đội sales từ 24 người trở lên. Kỹ thuật này giúp cho đội sales của bạn tiếp thị và bán hàng một cách nhân văn hơn và hiệu quả hơn.
Để áp dụng kỹ thuật add friend với khách hàng tiềm năng trên Facebook, công ty bạn cần phân biệt rõ 2 việc:
1 là nhân sự áp dụng.
Kỹ thuật này áp dụng cho nhân viên sales, nhân viên tư vấn bán hàng, không dành cho nhân viên marketing online (marketer).
Ngoài một loạt khác biệt giữa 2 vị trí công việc này (ví dụ như Salesman sẽ không đụng vô các kênh của công ty như Website, Fan Page... hay không dùng Email Marketing, Video Marketing như Marketer) thì điều khác biệt dễ nhận thấy nhất là Marketer không mang nick cá nhân hay danh tính thật của mình ra để giao tiếp với khách hàng. Marketer dùng nick của công ty và xưng là Ad: Ad sẽ gửi báo giá cho bạn, Ad chia sẻ điều này với bạn nhé bla... bla... bla... (mà thú thực nghe cái từ Ad kiểu đó nó xa cách lắm), trong khi Salesman dùng đúng tên thật của mình và giao tiếp với khách hàng bằng nick thật. Nếu khách hàng hẹn gặp là lập tức đi gặp ngay vì là người thật việc thật. Còn các cao thủ marketing dùng nick ảo, nick hot girl để kết bạn được với cả trăm, cả ngàn khách thì đến khi khách hẹn gặp offline là im luôn vì không phải nick người thật.
Nếu nhân viên marketing hay chủ doanh nghiệp đang dùng nick thật để kết bạn, tương tác và bán hàng, ấy là họ đang làm công việc của salesman.
2 là ngành nghề áp dụng.
Kỹ thuật add friend này ứng dụng cho những sản phẩm, dịch vụ mà người mua cần biết người bán rồi thì mới yên tâm, đơn cử một số bao gồm:
- Dịch vụ tư vấn, đào tạo, chăm sóc sức khỏe, bảo hiểm nhân thọ;
- Phòng khám y khoa, nha khoa, thẩm mỹ viện, spa;
- Bán & cho thuê bất động sản: đất nền, căn hộ, nhà phố;
- Bán ô tô, sản phẩm và dịch vụ trang trí nội thất, dịch vụ tư vấn thiết kế;
- Sản phẩm, dịch vụ có trị giá tương đối cao (>2tr với HCM và HN, >1tr với các tỉnh nhỏ hơn)
- Mua bán B2B (doanh nghiệp với doanh nghiệp)
Với các sản phẩm, dịch vụ như trên, khi có nhiều người cùng bán thì người mua sẽ muốn mua từ người mà họ đã có sự quen biết. Còn nếu không biết ai, khách hàng sẽ đi hỏi người quen xem đã mua ở đâu hoặc lựa chọn mua từ các thương hiệu lớn cho yên tâm. Hàng gia dụng, điện tử thì mua của Điện máy xanh. Đồ nhỏ nhỏ hơn thì mua qua Tiki, FPT Shop... Còn những món mà "mua đâu cũng được", ví dụ như mua sách, thì khách không quan tâm tới ai là người bán. Tiện đâu mua đó.
Tâm lý cần biết người bán để yên tâm khi mua hàng thể hiện rõ nhất khi mua đồ uống có cồn. Nếu như mua bia lon, khách hàng sẽ mua ở bất cứ nơi đâu thuận tiện, không sợ bia lon giả thì khi mua rượu mắc tiền, khách hàng chỉ dám mua ở chỗ mình quen biết vì sợ rượu giả. Bạn bè tôi cứ đi nước ngoài như Singapore hay Nhật là mua rượu mang về. Cũng có rẻ hơn vì được miễn thuế nhưng quan trọng là yên tâm mua được rượu thật. Thuốc men, dược phẩm và thực phẩm chức năng cũng thuộc loại này.
Vậy nếu công ty bạn đang bán sản phẩm, dịch vụ như trên thì nhân viên sales sẽ cần tận dụng 2,000 friends trên Zalo và 5,000 friends trên Facebook để kết bạn, tạo sự quen biết trước khi mua - bán, hợp tác với nhau. Trên thực tế, con số khách hàng tiềm năng thực sự của một saleman quản lý được thường không quá 1,000 nên cả Zalo và Facebook đều thừa chỗ để kết bạn.
(Còn nếu công ty bạn đang bán sản phẩm thông dụng như quần áo giá bình dân, mỹ phẩm, quán ăn, quán cafe thì không cần dùng cách này vì quan hệ cá nhân không ảnh hưởng nhiều đến quyết định của người mua). Bạn ăn phở vì quán đó ngon hay tiện đường thì có khi ăn cả mấy năm trời cũng chẳng cần biết chủ quán là ai.
Kỹ thuật add friend với khách hàng tiềm năng trên Facebook về bản chất là làm quen và xin kết bạn như ngoài đời thật ấy. Cũng cần người thật việc thật, cũng cần tìm điểm gì đó chung, mà dễ nhất là bạn chung trên Facebook. Cũng cần "Đắc nhân tâm", nói câu chuyện mà người ta quan tâm chứ không phải nói cái mà mình muốn. Và cũng áp dụng những nguyên tắc giao tiếp quan trọng nhất trong cuộc sống: Cho Đi Là Nhận Lại; Cho Trước Nhận Sau; Pay It Forward...
(Bạn đừng so sánh kỹ thuật add friend này với việc tạo nick ảo, chạy tool kết bạn, quét UID rồi chạy quảng cáo target hay nhắn tin hàng loạt bla... bla... bla... Vụ dùng nick ảo là câu chuyện của marketer. Salesmen không giỏi dùng tool nên sẽ làm theo cách thủ công).
Các bước để kết bạn với khách hàng tiềm năng trên Facebook như sau:
🔸 Bước 1: Tìm khách hàng mới qua Facebook của khách hàng hiện tại hoặc qua Facebook của bạn bè, người quen.
Lúc này bạn đã có ít nhất một điểm chung là bạn chung trên Facebook.
Đừng ngại làm việc này vì nếu bạn đang cung cấp sản phẩm tốt cho thị trường thì rõ ràng bạn nên giúp mọi người sử dụng được sản phẩm của mình chứ đúng không?
🔸 Bước 2: Tương tác
bằng cách Like, love, wow, share... và comment để có sự quen biết. Bước này giống như bạn đến quán cafe hay quán nhậu có người quen của mình ở đó và bước vào góp vui cùng câu chuyện. Trên Facebook, bạn sẽ tham gia vào các status có nhiều người bình luận và like, thả tim, comment lại với mọi người trong đó. Lúc này bạn không bán hàng gì hết nên mọi thứ rất tự nhiên.
Ví dụ như thầy
Do Xuan Tung post bài bình luận về khả năng chiến thắng của đội tuyển bóng đá Việt Nam thì mọi người xúm vào comment. Ai bình luận hay hoặc vui vui là mọi người Like, Love, Wow hoặc thả icon Haha... Tôi vẫn thường comment tếu tếu, hài hước một chút với thầy Tùng thì mọi người vào haha suốt. Chỉ có điều đa số là người quen mới Like, Haha hay Comment lại với mình.
Đây chính là điểm khác nhau!
Người bình thường RẤT ÍT KHI tương tác với người mình chưa quen trên Facebook.
Người làm Sales Online thì CHỦ ĐỘNG TƯƠNG TÁC với người mà mình muốn add friend. Cách dễ nhất và rất lịch sự là comment hỏi ý kiến của người đó. 99% là bạn sẽ nhận được một câu trả lời và khi bạn hỏi ý kiến, người hỏi cảm thấy được tôn trọng và sẽ có thiện cảm.
Một cách cực kỳ đơn giản là like, love và khen chân thành hình Avata của khách. Hình đó luôn là hình người ta thích nhất 💞
🔸 Bước 3: Add friend.
Sau khi đã có tương tác với nhau thì việc add friend trở nên dễ dàng hơn. Có những người bạn sẽ nên nhắn tin xin add friend, có những người thì chỉ đơn giản bấm nút add friend là được. Đối với người mà bạn nhắn tin lần đầu cho họ, nếu không có bước tương tác, hỏi han nhau, like - love nhau trên Facebook trước đó thì 90% là tin nhắn của bạn sẽ vào phần spam của Messenger và người kia không đọc được tin nhắn của bạn. Rất nhiều salesmen thất vọng, hoang mang, thậm chí là tức giận khi thấy nhắn tin mà khách không trả lời. Đơn giản là người kia không thấy tin nhắn của bạn để mà đọc. Không đọc được lấy đâu ra trả lời!
Sau khi khách hàng tiềm năng đã trở thành Facebook Friend của bạn thì còn một số bước nữa trước khi giới thiệu hay bán hàng. Tuy nhiên bài này chúng ta chỉ đề cập đến việc làm sao để kết bạn.
Tóm lại cho bạn dễ nhớ:
1- Người áp dụng kỹ thuật này là nhân viên sales, nhân viên tư vấn bán hàng, không phải marketer.
2- Ngành kinh doanh áp dụng là SP/DV mà người mua cần biết người bán để có sự yên tâm khi mua.
3- Các bước add friend trên Facebook cũng tương tự như làm quen ngoài đời thực. Cũng cần Văn minh, Lịch sự, Tôn trọng, Nhân văn... thì mới bắt đầu được một mối quan hệ.
Nhớ nguyên tắc "Online như Offline" này giúp bạn cư xử đúng mực. Ví dụ bạn sẽ không phải hỏi "sao tui để avata hình chó mèo đi kết bạn hổng ai accept hết?" Thử hỏi nếu bạn đang ngồi ở quán, có người đeo mặt nạ con mèo đến bắt chuyện làm quen thì bạn có đồng ý không? Trên Facebook, dùng avata kiểu chó mèo hay lấy nick name "Anh hùng xạ điêu" đi kết bạn là dễ bị report lắm. Lúc đó bạn phải có chứng minh nhân dân họ Điêu, tên là Anh Hùng Xạ để chụp hình chứng minh gửi cho Facebook thì mới lấy lại nick được.
Giả sử bạn có đội sales 10 người, mỗi saleman kết bạn với 1,000 khách hàng tiềm năng mới thì bạn có 10,000 khách. Chưa cần bạn bắt salesmen bán hàng, chỉ cần đồng loạt thay avata có khung hình mang logo của công ty hoặc thay ảnh Cover bằng poster quảng cáo của công ty thì khách dã nhìn thấy rồi. Có khi chưa kịp chào bán thì khách đã hỏi mua hoặc giới thiệu cho mình.
Còn nếu bạn chưa có 10 salesmen và đang tự mình bán hàng qua Facebook thì sao? Bạn vẫn áp dụng ba bước 1-2-3 như ở trên để có thêm khách hàng không vấn đề gì.
Bạn có bao giờ thay Facebook Avata hay Facebook Cover để bán hàng chưa?
--
Nguyễn Thăng Long
Giảng viên Marketing

Bạn muốn kinh doanh online không vốn ? Dưới đây là hướng dẩn cơ bản cho các bạn kinh doanh không cần nhiều vốn.1. Trước ...
02/04/2021

Bạn muốn kinh doanh online không vốn ? Dưới đây là hướng dẩn cơ bản cho các bạn kinh doanh không cần nhiều vốn.

1. Trước hết bạn xác định sản phẩm muốn bán, tìm nhà cung cấp và nói chuyện với họ cho mình làm cộng tác viên khi nào có khách thì lấy hàng.

2. Bạn xác định kênh bán hàng, dễ nhất là bạn nên tập bán qua profile cá nhân trước để xem thị trường có nhu cầu không. Bạn xác định xem đối tượng khách hàng tiềm năng của mình là ai, dùng tool , để auto kết bạn với tệp khách hàng tiềm năng.

3. Thường xuyên chăm sóc profile bằng cách post các nội dung hay , hình ảnh đẹp liên quan tới sản phẩm, nhớ tương tác với bạn bè trong list friend

4. Sau khi bán quan profile ổn rồi bạn có thể mở rộng các kênh khác như chạy ads. website....
-----------------------
- auto kết bạn facebook
kinh doanh online không vốn
kinh doanh bánh online
kinh doanh online tinh gọn 2021
kinh doanh đồ ăn vặt online
kinh doanh online thành công
kinh doanh mỹ phẩm online

TỔNG HỢP 6 CÁCH TĂNG LIKE FANPAGE HIỆU QUẢ! #1. Mời bạn bè like page Cách này đơn giản, phổ biến, ai cũng làm được. Hiện...
18/12/2020

TỔNG HỢP 6 CÁCH TĂNG LIKE FANPAGE HIỆU QUẢ!

#1. Mời bạn bè like page

Cách này đơn giản, phổ biến, ai cũng làm được. Hiện nay FB đã hỗ trợ tính năng mời tất cả bạn bè like fanpage của mình, sở hữu nhiều nick full 5000 bạn bè là một lợi thế.

#2. Chạy ads tăng like

Rất nhiều đơn vị vẫn đang áp dụng cách này để tăng like cho fanpage. Ưu điểm: đúng target và chạy hiển thị nên giá khá rẻ.
#3. Mời like page từ like post

Ngoài ra, mọi người cũng có thể mời like page từ những lượt like các bài viết trên page. Có thể chạy ads tương tác để có like bài viết sau đó tiến hành mời like page. Chia sẻ cho mọi người code mời like đồng loạt dưới comment.

#4. Gắn plugin lên website

Nếu bạn sở hữu một website có lượng traffic ổn định hàng ngày thì đừng quên gắn plugin mời like page. Cách làm này giúp tăng nhận diện và đồng bộ các kênh bán hàng rất tốt.

#5. Đăng bài lên nhóm

Cách làm này rất rất hiệu quả nhưng chưa nhiều người áp dụng. Tìm các nhóm có chủ đề tương tự fanpage của bạn, đăng bài chia sẻ nội dung mà thành viên nhóm này quan tâm, bạn sẽ nhận được rất nhiều lượt like page nếu nội dung thực sự chất lượng. Thỉnh thoảng cũng có thể comment chia sẻ/ thể hiện quan điểm trên các bài viết.

Bài viết này của mình cũng được đăng dưới dạng fanpage thay vì sử dụng profile cá nhân

#6. Xây dựng nội dung chất lượng

+) Chia sẻ mẹo vặt, tips hay trong cuộc sống
+) Chia sẻ nội dung chăm sóc tệp khách hàng tiềm năng quan tâm (bán son thì đăng nội dung gì có ích mà khách hàng tiềm năng của bạn thường quan tâm
+) Đính hashtag vào bài viết
+) Gắn logo thương hiệu vào ảnh/video
+) Tạo/ reup các video không dính bản quyền. Tạo hiệu ứng viral.
Để xây dựng được một kênh DIGITAL hiệu quả bạn phải biết cộng đồng của mình muốn gì, vì nếu chỉ chăm chăm đăng sản phẩm bạn sẽ sớm LỤI TÀN.
---------------------------------
share by VINALINK MEDIA

BÀI HỌC KINH DOANH KINH ĐIỂN: ỚT CỦA CHỊ CÓ CAY KHÔNG?Một ngày kia, không có việc gì làm, tôi đến đứng bên cạnh chiếc xe...
14/12/2020

BÀI HỌC KINH DOANH KINH ĐIỂN: ỚT CỦA CHỊ CÓ CAY KHÔNG?

Một ngày kia, không có việc gì làm, tôi đến đứng bên cạnh chiếc xe ba gác của một chị bán ớt, thử xem chị ấy giải quyết hai vấn đề hoàn toàn tương phản này như thế nào. Nhân lúc không có người đến mua, tôi cố làm ra vẻ thông minh mà nói với chị ấy rằng:

“Chị hãy chia số ớt này thành hai đống đi, nếu có người muốn mua cay thì cho họ đống này, còn nếu không, thì cho họ đống kia”.

Chị bán ớt cười với tôi, dịu dàng nói: “Không cần đâu!”

Đang nói thì một người đến mua, và điều thần kỳ đã xảy ra, rốt cuộc bà chủ đã nói thế nào nhỉ? Hãy mau xem tiếp…..

Quả nhiên chính là hỏi câu đó: “Ớt của chị có cay không?”
Chị bán ớt rất chắc chắn mà bảo khách hàng rằng: “Màu đậm thì cay, còn nhạt thì không cay!”

Người mua ngỡ là thật, chọn xong liền trả tiền, vui lòng mà đi.
Chẳng mấy chốc, những quả ớt có màu nhạt chẳng còn lại bao nhiêu.

Lại có khách hàng đến, vẫn là câu hỏi đó: “Ớt của chị có cay không?”

Chị bán ớt nhìn vào số ớt của mình một cái, liền mở miệng nói …..
Lần này bà chủ trả lời: “Ớt dài thì cay, ớt ngắn không cay!”
Quả nhiên, nguời mua liền dựa theo tiêu chuẩn phân loại của chị mà bắt đầu chọn lựa.

Kết quả lần này chính là, ớt dài rất nhanh đã hết sạch.
Nhìn những quả ớt vừa ngắn vừa đậm màu còn sót lại, trong lòng tôi nghĩ: “Lần này xem chị còn nói thế nào đây?”
Tuy thế, khi một khách hàng khác hỏi: “Ớt có cay không?”
Chị bán ớt hoàn toàn tự tin mà trả lời rằng: “Vỏ cứng thì cay, vỏ mềm không cay!”.

– Tôi thầm bội phục, không phải vậy sao, bị mặt trời phơi cả nửa ngày trời, quả thực có rất nhiều quả ớt vì mất nước mà trở nêm mềm nhũn đi.

[Chị bán ớt bán xong số ớt của mình, trước khi đi, chị nói với tôi rằng: “Cách mà cậu nói đó, thật ra những người bán ớt chúng tôi đều biết cả, còn cách của tôi thì chỉ có mình tôi biết thôi”.]
Thật ra bạn có bao giờ nghĩ rằng, những gì bạn bán đi không phải là hàng hóa, mà lại chính là…

=> Kinh doanh thành công không đơn giản là bán được sản phẩm
Đối với những khách hàng lạ, điều cần bán đi chính là sự lễ phép.
Đối với những khách hàng quen thuộc, điều cần bán đi chính là sự nhiệt tình.

Đối với những khách hàng nóng tính, điều bán đi chính là hiệu suất.

Đối với những khách hàng ngạo mạn, điều thật sự bán đi chính là lòng nhẫn nại.

Đối với những người có tiền, điều mà bạn bán đi chính là sự tôn quý.

Đối với những người nghèo khổ, điều bán đi chính là lợi ích thiết thực.

Đối với những người thời thượng, điều bán đi chính là sự sang trọng.

Đối với những người chuyên nghiệp, điều mà bạn bán đi chính là sự chuyên nghiệp.

Đối với những người hào sảng, điều mà bạn bán đi chính là sự phóng khoáng.

Đối với những người keo kiệt, điều thật sự bán đi chính là lợi ích.
Đối với những người sống hưởng thụ, điều cần bán đi chính là sự phục vụ.

Đối với những người hư vinh, điều bán đi chính là vinh dự.
Đối với những người hay bắt bẻ, điều bán đi chính là sự tinh tế.
Đối với những người hiền lành, điều cần bán đi chính là sự chân thành.

Đối với những người hay do dự, điều thật sự cần bán đi chính là sự đảm bảo.

“Công ty bán hàng hóa như thế nào, thường thường so với việc công ty bán những sản phẩm gì cũng quan trọng như nhau”.
Đừng có vừa mới bắt đầu đã vội vàng bán sản phẩm, mà trước hết cần phải hỏi rõ vấn đề, nghe xem tiềm ẩn bên trong khách hàng cần những gì.

Một khi biết được những yêu cầu tiềm ẩn bên trong của khách hàng, vậy thì việc bán hàng sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều.

GIÀU SANG, NỢ NẦN HAY MỘT ĐỜI LÀM THUÊ?(Có nên vay tiền để khởi sự kinh doanh?)--Hễ đã kinh doanh, bắt đầu kinh doanh th...
10/12/2020

GIÀU SANG, NỢ NẦN HAY MỘT ĐỜI LÀM THUÊ?
(Có nên vay tiền để khởi sự kinh doanh?)
--
Hễ đã kinh doanh, bắt đầu kinh doanh thì luôn cần tiền.
Tiền để mua hàng, tiền để tuyển người, tiền để đầu tư, tiền để quảng cáo... Không có tiền thì không làm được gì hết.
Tui thấy mọi người rất hay bảo, rằng khởi nghiệp quan trọng nhất là ý tưởng. Có ý tưởng rồi tiền sẽ đến.

Nhưng với những mô hình kinh doanh nhỏ và...siêu nhỏ thì có vẻ không phải vậy.

Đầu tiên là tiền đâu!

Liệu không có tiền, hoặc không đủ tiền thì chúng ta có thể bắt đầu một sự nghiệp riêng được không?

Tui đọc được rất nhiều câu chuyện, không chỉ khởi sự từ tay trắng mà còn là nợ nần, sau đó thành công xóa nợ và làm giàu.
Và thực tế là từ ông chủ tập đoàn đến ông giám đốc công ty nhỏ, đâu có ai là không vay nợ.

(Theo quan sát và những thông tin tui đọc được hehe)
Gần như những quyển sách tư duy giàu có đều khuyên nên dùng tiền của người khác để đẻ ra tiền.

Vậy, có thực sự nên vay tiền để khởi sự kinh doanh hay không?

==========
VÌ SAO CHÚNG TA MUỐN VAY TIỀN?
==========

Vì thiếu tiền! Tất nhiên rồi. Không có tiền mới đi vay chứ ai đâu có tiền mà vay tiền làm gì?
Nhưng vấn đề là:

"Có phải đi vay là cách duy nhất và tốt nhất để giải quyết vấn đề thiếu tiền không?"

Nếu vì thiếu tiền chúng ta có thể kêu gọi theo hướng đầu tư. Có tỉ lệ cổ phần sở hữu, lộ trình thoái vốn rõ ràng.
Nhà đầu tư thiên thần thì ở quanh ta. Đó có thể là bố mẹ, người thân hoặc anh em bạn bè thân thiết. Điểm mấu chốt cần nhớ là một bản kế hoạch cụ thể chúng ta sẽ làm gì với số tiền kêu gọi được.

• Những mục đích chính bạn sử dụng số tiền này?
• Trong bao lâu việc kinh doanh sẽ thu hồi vốn?
• Khi nào bạn sẽ trả lại số vốn đầu tư và khi ấy sẽ là bao nhiêu tiền? (Ứng với X% giá trị kinh doanh của bạn)

Hoặc chúng ta cũng có thể tìm kiếm Co-Founder vừa có thể san sẻ rủi ro vừa giảm bớt áp lực tài chính, công việc và tận dụng được nguồn lực của nhau.

Thường chúng ta có thể sử dụng thế mạnh của đồng sự như nguồn hàng giá rẻ, mối quan hệ với nhà cung cấp, thế mạnh về quản lý, bán hàng,v.v...

Vì chúng ta sẽ không thể vào vai một người giỏi mọi thứ và làm tất cả một mình khi mới khởi sự.

Nên nhớ "Người thông minh không làm mọi thứ một mình".
(Các anh chị em có thể tìm đọc cuốn sách này, khá hay)
Đây cũng là một cách làm phổ biến dù rằng có khá nhiều tình huống...tan vỡ khi biến cố xảy ra. Nhưng tin tui đi, con số tỉ lệ này còn ít hơn số thất bại khi khởi nghiệp vì vay. Huhu

⇒ Chốt: Đi vay không phải là con đường duy nhất để giải quyết vấn đề thiếu tiền.

==========
TÁC HẠI THẦM LẶNG
==========
NỢ KHIẾN BẠN DỄ SAI LẦM

Hễ đã vay nợ, bạn sẽ luôn ở trạng thái nặng nề và áp lực. Và hiển nhiên dẫn đến tâm lý cố gắng trả nhanh bằng mọi giá.
(Từ ý thức đến tiềm thức đều bị tác động mạnh mẽ dẫn đến suy nghĩ và hành động bị tác động)

Xu hướng chung là chúng ta dễ sa đà vào những con đường không chính thống, đặt lợi nhuận ngắn hạn lên hàng đầu. Cách làm này chất lượng sản phẩm không đảm bảo, lợi thế cạnh tranh và tồn tại lâu dài không có.

Nhìn thì có thể kiếm được tiền trong ngắn hạn nhưng sẽ thất bại trong dài hạn. Và quan trọng hơn là sau thất bại sẽ rất rất khó để có thể vực dậy, chứ đừng nói là thành công.

Tệ hơn, nợ có thể sinh ra nợ. Nếu bị cuốn vào vòng xoáy này, bạn sẽ rất khó khăn để thoát ra và thời gian để hồi phục phải tính bằng nhiều năm tuổi trẻ. Giai đoạn năng lượng nhất của đời người.

NỢ KHIẾN BẠN YẾU ĐI

Việc nợ sẽ khiến bạn sợ hãi, rụt rè trong mọi quyết định.
Đã bảo:

"Mạnh vì gạo, bạo vì tiền"
Khi chiến đấu với 1 cái túi rỗng, bạn đã thua một nửa trước khi ra trận rồi. Không dám chi tiền để đầu tư, không dám làm những điều xứng đáng dù tốn kém. Khi nhìn thấy cơ hội bạn cũng không thể nắm lấy xoay chuyển tình thế.

Những điều ấy sẽ tiễn khách hàng của bạn đi xa dần và không bao giờ quay trở lại.

Vay tiền còn là chi phí chìm bạn không hề biết. Khi bạn kinh doanh và bỏ tiền để mua các trang thiết bị, bạn sẽ phải tính khấu hao cho chúng.

Ví dụ bạn mua cái bếp có tuổi thọ 3 năm với giá 30tr, thì tính ra mỗi năm bạn sẽ mất khoảng 10tr, mỗi tháng gần 1tr.
(Tính chẵn số cho các bạn dễ hình dung hen)

Vay tiền và trả lãi cũng giống như thế, bạn sẽ phải gánh thêm chi phí lãi vay trong phần chi phí. Việc đó càng làm cho lợi nhuận của bạn giảm đi nhiều hơn.
--
Kịch bản tệ nhất của việc vay tiền đó là khi bạn lâm vào cảnh kinh doanh thua lỗ.

Bởi vì khoản tiền vay là khoản tiền bắt buộc phải trả, do đó nếu có chẳng may thua lỗ bạn sẽ phải sang nhượng lại cơ sở kinh doanh của mình với giá rẻ (chắc chắn dưới hơn nhiều so với giá đầu tư, một số mô hình còn mất trắng).

Ví dụ lúc đầu bạn vay 50% số vốn nhưng sau thời gian 1 năm bạn thua lỗ. Bạn vẫn phải trả cả vay lẫn lãi. Con số này đôi lúc còn cao hơn số tiền bạn có được từ việc sang nhượng kinh doanh.

Tức là tính sơ sơ bạn sẽ mất trắng toàn bộ số tiền hiện có của mình, thêm một khoản nợ nhưng quan trọng là bạn mất 1 năm. Đó là chi phí cơ hội mà ít người nhắc đến khi đưa ra lời khuyên cho bạn.

Nếu bạn đi làm ở 1 công ty ổn định, với mức lương 15tr/tháng.
So với việc bạn có 200tr và đi vay 200tr để khởi nghiệp và mất sạch.

Thì số tiền bạn mất sẽ là 200tr + 15tr x 12 tháng = 380tr
380tr chứ không phải là 200tr vốn liếng không thôi đâu.

Khá là hãi đúng không nào?
Vậy nên nếu bạn có đự định vay nợ thì hãy cân nhắc kỹ nhé. Cái gì cũng vậy, vui thôi đừng vui quá.
Những cái "quá" dễ khiến chúng ta lâm vào những hoàn cảnh khó đỡ lắm.

==========
VAY TIỀN CŨNG TỐT
==========

Không phải vay nợ là không tốt.
Cái gì cũng có 2 mặt của nó cả.
Vay tiền có 1 cái lợi và chỉ có 1 cái lợi lớn nhất và duy nhất (theo tui thấy).

May mắn thay là cái lợi này lại là 1 yếu tố cực kỳ quan trọng quyết định sự thành bại trong kinh doanh.
Đó chính là động lực.

Những ai từng nợ rồi chắn chắn đều hiểu rõ cảm giác áp lực khủng khiếp của việc kỳ hạn trả nợ. Nó có thể khiến chúng ta làm việc không biết mệt mỏi, bất chấp mọi thứ cản đường.

Chúng ta không bị phân tâm và chỉ tập trung vào một thứ duy nhất là những hoạt động sinh ra tiền để trả nợ.

Tui từng đọc một quyển sách nội dung rất hay tên là "Sức Mạnh của sự Túng Quẫn"

Con người chúng ta sẽ hành động mạnh mẽ đối với nỗi sợ hãi, thiếu thốn.

Bạn cứ nhớ về lúc mình còn nhỏ, bị chó rượt, nỗi sợ đó đã khiến bạn phóng cả mấy mét qua cái mương mà khi bình thường chả bao giờ bạn nghĩ mình có thể làm được.

Nỗi sợ nợ nần, sợ trách nhiệm cũng sẽ đẩy chúng ta vào trạng thái đó.

Một trạng thái chiến đấu hết mình, không còn gì để mất.
Ceasar từng đốt thuyền để quân lính không còn đường về khi dấn thân vào những trận chiến mang yếu tố quyết định. Bất chấp bản thân hiện tại đang là một đại đế.

Ông vẫn chọn cách dồn toàn lực, đặt cược hết vào trận chiến. Vì ổng hiểu chỉ có 1 cách là chiến thắng để sống sót.

Nợ ở đây cũng giống như thế. Nó có thể là sức mạnh vô hình giúp bạn dám làm và đạt được vô vàn thứ bạn chưa từng nghĩ mình có thể!

Tuy nhiên nếu bạn không phải là một người chịu đựng được áp lực thì nên cân nhắc khi áp dụng chiến lược "sợ nợ" này. Nếu không kết quả thật sự rất tàn khốc.

==========
CÓ GIẢI PHÁP NÀO KHÁC KHÔNG?
==========

Chúng ta có thể dung hòa nó bằng cách hiểu rõ năng lực bản thân và đặt ra mức vay hợp lý.

Ví dụ bạn sẽ không vay 100% mà sẽ chỉ vay 20-30% số tiền cần thiết mà thôi.

Và bạn cũng sẽ ưu tiên vay của những người thân quen, bố mẹ anh chị để giảm bớt áp lực và kỳ hạn nợ.
Bởi vì người thân cho vay chủ yếu là vì tin tưởng ở bạn nên nếu có rủi ro dù gì cũng sẽ dễ đối mặt hơn là vay của các tổ chức bên ngoài.

(Về phần này các anh chị em nào quan tâm có thể vào nhóm Tự Học Kinh Doanh tìm hiểu sâu hơn)

==========
KHI NÀO KHÔNG NÊN VAY?
==========

Tui nhận thấy nếu đang ở trong những tình huống sau, ĐỪNG BAO GIỜ VAY NỢ:
• Khi bạn có một sản phẩm tốt, nhưng chưa đủ tốt đến nỗi khách hàng sẽ xếp hàng và khao khát có nó.
--
Một sản phẩm phù hợp với thị trường thật sự không cần Marketing quá nổi trội, vì bản thân sản phẩm đã là một chiến lược marketing xuất sắc rồi.
• Khi bạn chưa hiểu rõ về thị trường, về đối thủ cạnh tranh và đang còn mơ hồ về "Khoảng trống thị trường".
--
Nếu bạn không biết bạn đang đương đầu với ai, khách hàng của mình như thế nào thì bạn đang chuẩn bị kỹ lưỡng cho sự thất bại.
• Khi bạn chưa thực sự cam kết dồn hết tâm hết sức cho việc này. Có thể lúc này bạn vẫn còn đang bận bịu với những công việc khác, những dự án khác. Như vậy vay tiền để làm một thứ bạn không tập trung là cực kỳ rủi ro.
--
Hãy nhớ rằng, người ta tập trung toàn lực còn chưa biết tới đâu, đằng này làm một lúc nhiều việc liệu mọi thứ sẽ đi về đâu?
• Khi bạn chưa biết mình cần làm gì trong kịch bản xấu nhất.
Nếu mất hết tất cả bạn có cam tâm hay không?
Đến mức nào thì bạn sẽ chấp nhận lỗ và dừng lại chấp nhận thua cuộc?
Nếu mất trắng thì sẽ lấy tiền ở đâu để trả nợ?
Trả bao nhiêu và trong bao lâu?
Liệu nó có xứng đáng để bạn đánh đổi hay không?
Hãy nghĩ đến những chuỗi ngày bạn sẽ phải cực khổ, quần quật trả nợ nếu thất bại trước khi đặt bút ký vay.
Từ kinh doanh nghĩa gốc của nó có nghĩa là "người chấp nhận rủi ro". Cho nên đã bắt đầu kinh doanh thì phải học cách lập kế hoạch và đối mặt với rủi ro.
Nhưng hãy nhớ, chấp nhận rủi ro rất khác với "đánh bạc" bằng mọi giá.
==========
TÓM LẠI LÀ..
==========
Thực ra không có câu trả lời chung cho việc có nên vay nợ để kinh doanh hay không.
Cái này phụ thuộc vào mỗi người, phụ thuộc vào kế hoạch kinh doanh và cam kết không bỏ cuộc của mỗi người.
Tuy nhiên có một thực tế là, đã là doanh nhân gần như ai cũng sẽ phải vay. Doanh nhân nhỏ thì vay nhỏ, doanh nhân lớn thì vay lớn.
Như ông bà hay nói thuyền to thì sóng lớn. Do đó đã xác định kinh doanh có lẽ chúng ta cũng nên làm quen với cảm giác đó.
Chỉ có điều việc chọn làm nhỏ, chọn làm lớn hay chọn làm thuê là ở bạn mà thôi.
Đời này ngắn ngủi lắm, hãy cứ theo đuổi những điều thật sự có ý nghĩa với mình.
Để khi về già, ngồi ghế kẽo kẹt hồi tưởng lại. Mình biết rằng mình đã có một cuộc đời đáng sống, một tuổi trẻ oanh oanh liệt liệt.
Nhưng nhớ nha,
Chấp nhận rủi ro chứ không phải đánh bạc!
— Hãy cho tui một like động viên nhé.
Nếu bạn cảm thấy bài viết này hữu ích, hãy để lại một comment (+) hoặc (-) nếu bạn cảm thấy không hấp dẫn.
Chia sẻ bài viết này để đọc lại và khởi sự khi đúng thời điểm nhé.

Thông Phan !

RED OCEANMấy năm quay lại Sài Gòn thấy nhiều thay đổi.Đập vô mắt là các toà nhà mới, các khu căn hộ cao cấp mọc lên khắp...
09/12/2020

RED OCEAN

Mấy năm quay lại Sài Gòn thấy nhiều thay đổi.

Đập vô mắt là các toà nhà mới, các khu căn hộ cao cấp mọc lên khắp nơi. Saigon Pearl danh giá ngày nào bây giờ chỉ là bóng mờ so với những dự án trùng trùng điệp điệp ngay kế bên.

Đặc biệt là thị trường F&B, chưa bao giờ thấy phát triển ồ ạt, dày đặc như vậy. Đi đâu cũng thấy hàng quán muôn màu muôn vẻ. Nổi bật nhất là các nhà hàng, cà phê cao cấp, đầu tư bài bản từ trong ra ngoài, có tiệm đầu tư lên tới một vài triệu đôla Mỹ như chơi. Nói chung trình độ nghề “làm dâu trăm họ” ở Sài Gòn bây giờ đã lên một đẳng cấp khác.

Người hưởng lợi đầu tiên phải kể đến là người tiêu dùng, chưa bao giờ mà thực khách có một sự chọn lựa phong phú và chất lượng như vậy.

Người hưởng lợi kế tiếp chắc chắn là giới chủ nhà, những người có mặt bằng cho thuê - còn gì bằng khi cung vượt cầu. Nghe nói có những mặt bằng đắc địa tiền thuê nhà có khi lên đến mấy chục ngàn đô-la, không thua gì các thành phố phát triển bậc nhất nhì thế giới.

Chỉ có mấy em khởi nghiệp còn non trẻ mê cái ngành ẩm thực này là phải coi chừng. Vì không khéo là bước thẳng vào một đại dương đã nhuộm màu đỏ choé. Tiệm cơm, tiệm phở, tiệm mì, tiệm bún gì cũng xâu xé đúng một người khách. Cà phê cũng vậy, đủ loại, đủ hình thức nhưng cũng nhắm vô bấy nhiêu đấy khách thôi. Một vài chuỗi lên ngôi nhưng biết bao nhiêu tên tuổi nhỏ âm thầm thay bảng hiệu.

Cạnh tranh vô cùng gay gắt. Muốn tránh “đại dương đỏ” thì phải vào “đại dương xanh” nơi chưa có đối thủ cạnh tranh trực tiếp. Nhưng nghĩ ra một mô hình kinh doanh mới đâu phải dễ, chưa kể vừa trình làng cái mới đã bị thị trường “copy” liền tức khắc, nên xanh cũng thành đỏ trong chóc lát!

Một trong những thứ mà nhà khởi nghiệp cần làm nếu muốn mua thời gian, làm chậm trễ quá trình sao chép của thị trường là phải tạo ra những “rào cản cạnh tranh” cho mô hình kinh doanh của mình mà thuật ngữ chuyên môn gọi là “entry barriers”.

Càng nhiều rào cản cạnh tranh càng tốt. Và rào cảng càng lớn, càng phức tạp thì đối thủ cạnh tranh càng khó sao chép. Mô hình “nước mía siêu sạch” trước đây là một ví dụ của một hình kinh doanh không có rào cản cạnh tranh đáng kể, vì cơ bản ai cũng có thể đặt mua cái máy ép mía và cho nhân viên của mình đeo găng tay đàng hoàng.

Có người thắc mắc vậy chẳng hay mô hình kinh doanh của mình là độc nhất vô nhị nhưng lại quá đơn giản thì phải làm sao? Chẳng lẽ không khởi nghiệp được?

Câu trả lời là, tốt quá cứ làm, nhưng không thể làm chuỗi, làm lớn được, vì rủi ro quá lớn. Nếu muốn làm lớn thì không có cách gì khác - phải tìm cách tạo ra một vài rào cản cạnh tranh. Phải tìm cách “phức tạp hoá” những thứ đơn giản!

Hamburger thì ai cũng biết làm nhưng để làm được cái mùi hamburger của McDonald’s thì không phải dễ vì các thành phần bên trong chiếc bánh được sản xuất riêng cho McDonald’s. Và dĩ nhiên kích thước cửa hàng, vị trí cửa hàng, vốn đầu tư vào cửa hàng và biết bao nhiêu thứ khác đã làm cho thị trường sao chép phải chùng bước. Vẫn bị copy nhưng ít, khó.

Nói về rào cản cạnh tranh thì có thể nói cả ngày. Còn rất nhiều cách thức khác mà người chủ mô hình kinh doanh có thể làm để gây khó khăn cho những ai muốn sao chép nhưng phải nói có một thứ mà tôi luôn tâm đắc, đó là thương hiệu. Thương hiệu khó sao chép nhất, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Nhưng ngặt nỗi muốn “có thương hiệu” thì phải tồn tại và vượt qua vấn nạn sao chép trước cái đã! Khó quá!

Ngay cả khi đã có thương hiệu rồi thì còn một thứ nặng ký khác nữa phải vượt qua, đó là làm sao duy trì được phong độ một cách bền vững. Nghĩa là làm sao tiếp tục có lãi, gia tăng lợi nhuận tỷ lệ thuận với số lượng cửa hàng mở ra - chứ không phải tỷ lệ nghịch.

Vì mục tiêu cuối cùng của kinh doanh là phải có lãi. Nếu không thì tất cả sẽ trở thành vô nghĩa.

_____________
Tác giả: Lý Quí Trung / Từ Sydney Ẩn bớt

📷NÊN KINH DOANH HAY ĐI LÀM KHI ĐỀU KIẾM ĐƯỢC 30TR📷(Đừng kinh doanh nếu chưa hiểu và cân nhắc những điều tối quan trọng n...
05/12/2020

📷NÊN KINH DOANH HAY ĐI LÀM KHI ĐỀU KIẾM ĐƯỢC 30TR📷

(Đừng kinh doanh nếu chưa hiểu và cân nhắc những điều tối quan trọng này)

*** Bài cực dài, đừng đọc nếu bạn chưa thật sự nghiêm túc với những quyết định thay đổi cuộc đời.
Tui tin chắc rằng các anh chị em, ai cũng đã từng canh cánh câu hỏi này trong lòng. Ai cũng đã từng thâu đêm mất ngủ vì những quyết định ảnh hưởng đến cuộc đời.
Rằng liệu có nên nghỉ việc để theo đuổi đam mê.
Tui cũng đã từng như thế, và tui rất hiểu điều ấy.
Tui mong là bài viết này (tuy super dài) sẽ giúp được các anh chị em tìm được câu trả lời cho chính bản thân mình. Để có thể mạnh mẽ và tự tin tiến lên.
=====================
VÌ SAO CHÚNG TA BĂN KHOĂN?
=====================
Thường là vì chúng ta cảm thấy không hạnh phúc, không thỏa mãn với "vị trí hiện tại" của mình. Nên chúng ta mới tìm kiếm sự thay đổi và băn khoăn về lựa chọn của chính mình.
Tui may mắn được trải qua, được gặp và trò chuyện cùng nhiều người đã trải qua. Tui nhận thấy thông thường chúng ta lưỡng lự vì 3 vấn đề chính nhất.
Muốn kiếm được nhiều tiền
Muốn được làm điều mình thích
Muốn được tôn trọng, được chú ý
Những lý do này sẽ thay đổi theo thời gian, chứ không cố định mãi mãi.
Đó là lý do vì sao khi bắt đầu bạn cảm thấy kiếm tiền là quan trọng nhưng rồi đến một lúc bạn tìm kiếm sự cân bằng, tìm kiếm sự ghi nhận của đám đông.
Dễ nhìn nhất là lúc trẻ, chúng ta khao khát kiếm tiền. Cứ nhiều tiền là chúng ta sẽ lao vào vì lúc này chưa áp lực, chương vướng bận chưa bị lừa nhiều, chưa thất vọng nhiều.
Thêm phần là vật chất còn thiếu thốn nên cứ tiền cao dù không được làm điều mình thích, hay xã hội tôn trọng mình vẫn bất chấp làm. (Ví dụ như đa cấp)
Nhưng khi ở độ tuổi tài chính tương đối ổn định, không thiếu ăn thiếu mặc nữa thì chúng ta hướng về những điều khác.
Về đam mê, về đóng góp xã hội, chia sẻ trải nghiệm.
Thêm một tí thời gian nữa thì chúng ta nghĩ về sự ra đi, muốn để lại những gì đó có ích và giá trị cho thế hệ đi sau. Bản chất là chúng ta tìm kiếm sự ghi nhận và trân trọng từ cộng đồng.
Vậy nên ở mỗi giai đoạn cuộc đời chúng ta sẽ có những câu trả lời khác nhau cho cùng 1 câu hỏi.
Ở mỗi giai đoạn, cái "cần" của chúng ta rất khác nhau.
Vậy nên,
Để trả lời được câu hỏi này phụ thuộc vào bạn đang ở đâu (giai đoạn) và muốn đi về đâu (mục tiêu cuộc đời)..
=========================
ĐƯỢC VÀ MẤT KHI CHỌN LÀM THUÊ
=========================
-----
ĐƯỢC GÌ?
-----------
1. Được làm đúng thế mạnh, sở trường của mình.
Bạn học 12 năm, và tiếp tục thêm 4 năm đại học để có được những kiến thức mà số đông ít có.
Vậy tại sao lại không sử dụng những kiến thức đó tạo thành thế mạnh của mình mà lại sử dụng những kiến thức và kỹ năng mà ai-cũng-có để thi tài cao thấp với người khác?
Vậy có phải là bạn đã phí thời gian của mình không?
Đi làm sẽ giúp bạn có được kinh nghiệm nền tảng cực kỳ vững vàng, là nền móng để bạn phát triển sau này.
Dù là bạn tự khởi sự kinh doanh hay phát triển nghề nghiệp theo hướng chuyên sâu cũng đều tốt chứ không hề bất lợi.
Nếu bạn khởi sự kinh doanh, bạn sẽ phải trả giá cho cái sai của mình, đằng này bạn vừa được học, được thử được sai lại vừa được trả tiền.
Rõ ràng đây là một deal không thể hời hơn.
---
2. Được hướng dẫn bởi những người thầy, người sếp.
Dù cho bạn có tài năng thiên bẩm, nhưng nếu không gặp được một người thầy tầm cỡ. Mãi mãi năng lực của bạn không bao giờ được khai phá.
Và cách tốt nhất để khai phá là làm việc và học hỏi từ "những người thầy" đấy.
Đừng nói về việc chê bai sếp hoặc không thể học được gì từ sếp. Lúc phỏng vấn là bạn đã có quyền chọn sếp, có muốn đi theo và học người này hay không.
Nên đừng đổ lỗi cho số phận, chính bạn đã tạo nên con đường bạn đang đi.
----
3. Được sự ổn định "thời điểm".
Không phải quá lo lắng về thu nhập dù việc kinh doanh có như thế nào, công ty chết sống ra sao thì sếp vẫn phải trả lương đầy đủ. Chuyện này sẽ rất khác nếu như bạn khởi sự kinh doanh.
Tính ổn định này thường xuất hiện kèm với 1 cái bẫy, gọi là cái bẫy của sự thỏa mãn.
Chúng ta thường nói về việc kinh doanh, kiếm nhiều tiền trước khi đi làm nhưng rồi sau khi đi làm và có được mức thu nhập không quá cao nhưng cũng không quá bèo bọt.
Chúng ta thường bằng lòng hiện tại và sống với nó. Theo đó, hoài bão và đam mê sẽ bị thui chột dần.
Đến khi nhận ra và muốn bắt đầu khi đó đã quá trễ, chúng ta không còn đủ thời gian và can đảm để đánh đổi nữa.
Cứ nhìn vào ví dụ của chú chuột sa chĩnh gạo là thấy rõ nhất.
---
MẤT GÌ?
--------
1. Cái mất đầu tiên có vẻ như là tiền bạc.
Nghe phi lý nhưng đó là thực tế.
Ai cũng nhìn thấy khi đi làm thì giá trị bạn làm ra không bao giờ tương xứng với thứ bạn nhận được.
Bản chất của tư bản là vậy.
Đó là giá trị thặng dư.
Người chủ sẽ lấy phần đấy của bạn.
Bạn luôn là người thiệt trong trò chơi này. Khi bạn không còn giá trị cho tổ chức, bạn sẽ bị đào thải.
Bởi vậy chẳng ai giàu có mà cả đời làm thuê cả.
(Tất nhiên giàu có tùy theo định nghĩa của mỗi người nhé)
Nếu mục tiêu bạn là có 1 tỷ thì đi làm thuê vẫn hoàn toàn có thể đạt được nhé.
----
2. Sự tự do.
Nhìn thì có vẻ làm kinh doanh sẽ tự do hơn, nhưng thực tế lại cực hơn rất nhiều. Nếu bạn nghĩ ở văn phòng bạn chịu sự phụ thuộc bởi sếp thì kinh doanh bạn có hàng trăm ngàn sếp.
Chính là khách hàng của bạn.
Bạn chẳng thể nghỉ được vào ngày người ta nghỉ nếu đó là khu du lịch.
Bạn chẳng thể nghỉ lúc người ta đi chơi nếu bạn làm ăn uống.
Những năm tháng đầu khởi sự kinh doanh là một chặng đường chông g*i, bởi vậy không có nhiều người vượt qua được.
Cho nên làm ở đâu cũng sẽ mất tự do cả, hễ đã chấp nhận bán sức lấy tiền là phải chấp nhận thích nghi với môi trường mà mình sống. Tức là mất tự do (một phần nào đấy) tùy theo môi trường.
----
3. Sự công nhận.
Làm chủ thì oách hơn, tất nhiên rồi. Cái này không ai có thể phủ nhận.
Tuy nhiên làm công nhưng làm Giám Đốc Marketing hay Giám Đốc Nhân sự cũng đâu phải không có tiếng tăm đúng không?
Đôi lúc cần xác định rõ tố chất mình làm tướng hay làm vua thì hợp. Vua thì lại có vua nước lớn hay vua nước nhỏ. Ai cũng muốn làm vua nước lớn nhưng không phải ai cũng đủ năng lực và sẵn sàng cho ngôi vị đó.
Khi đi làm thuê thì sự công nhận của bạn sẽ phụ thuộc khá nhiều bởi sếp. Do đó, rủi ro và nỗi đau không được công nhận luôn thường trực.
Hễ phụ thuộc vào người khác thì khó lòng mà thoải mái được, đúng không?
======================
ĐƯỢC VÀ MẤT KHI KINH DOANH
======================
ĐƯỢC GÌ?
---------
1. Thu nhập.
Làm kinh doanh tất nhiên là nhiều tiền hơn rồi.
Cảm giác cũng sướng hơn vì mình làm cho chính bản thân mình. Làm nhiều ăn nhiều, nên làm không mệt mỏi ngơi nghỉ.
Tuy nhiên không phải ai làm cũng thành công.
Có nhiều người khởi sự kinh doanh, thất bại rồi lại quay lại con đương làm thuê, và còn là gánh nợ.
Nên tâm thế nặng nề và bị đè bẹp, không thể hát huy hết năng lực được. Và tất nhiên là không thể quay trở lại vạch xuất phát được.
Nên thu nhập cao là có, nhưng không phải đúng với tất cả mọi người. Người ta nói nhiều về những người thành công nhưng người thất bại nhiều vô kể, chẳng ai nói về họ cả.
----
2. Sự phát triển toàn diện.
Bạn sẽ cần nhiều kỹ năng để có thể tồn tại và phát triển sự nghiệp. Bởi vậy các kỹ năng của bạn sẽ được "trường đời" hoàn thiện một cách mạnh mẽ và nhanh khủng khiếp.
Chuyện này khiến cho cuộc đời của bạn trở nên thú vị và đáng sống hơn rất nhiều. Bạn sẽ học được nhiều kỹ năng bắt buộc phải có để đạt được cuộc sống hạnh phúc (kiểu theo 8 yếu tố của bánh xe cuộc đời).
Và tất nhiên là bạn dễ va vào hạnh phúc hơn.
-----
3. Sự bền vững về dài hạn..
Những điều bạn xây dựng cho mình sẽ tồn tại theo thời gian. Càng lâu dài nó càng trở nên dầy dặn và tốt cho bạn trong tương lai.
Không như việc đi làm và nhảy việc giữa các công ty. Mỗi lần như thế bạn sẽ phải tốn thời gian chứng minh năng lực, sự phù hợp với văn hóa môi trường lại từ đầu. Ở đây bạn tự xây dựng ra môi trường của chính mình và sống chết với nó.
-----
4. Sự công nhận.
Cái này thì không bàn cãi. Khi bạn dám đứng ra và kinh doanh, bạn đã làm điều mà** ít người dám làm** và bạn xứng đáng được ghi nhận và tự hào vì điều đó.
Trong con mắt và quan điểm của người Á Đông (bố mẹ cô dì chú bác mình) thì cứ làm chủ đã là một đẳng cấp rất rất khác rồi. Bởi hễ cứ về nhà là bạn sẽ trở thành tâm điểm, sự tự hào của cả gia đình khi nói chuyện với hàng xóm, khách khứa.
--------
MẤT GÌ?
--------
1. Mối quan hệ, bạn bè.
Chính vì phải dành thời gian để học và phát triển những cái mới mẻ, chưa biết (có cái tốt, có cái không) bạn sẽ ít dành thời gian hơn cho bản thân và các mối quan hệ xung quanh.
Điều này khiến bạn trở nên xa cách hơn với người yêu, bạn bè, gia đình.
Thậm chí khi bạn thay đổi về nhận thức, nhiều khả năng bạn sẽ không còn muốn duy trì những gì bạn đã và đang có.
Nhìn nhận về xã hội và thế giới khác rồi, bạn sẽ thấy lũ bạn mình thật tầm thường. Bạn muốn kết giao với những người giàu hơn, giỏi hơn giúp bạn phát triển lên nữa.
Người yêu không hiểu và thông cảm cho những điều bạn đang theo đuổi dẫn tới rạn nứt, không giao tiếp được.
Không phải tự nhiên mà người ta bảo "giàu đổi bạn, sang đổi vợ". Đó là do sự thay đổi về niềm tin và giá trị sống. Nó có lý do của nó cả.
(Nhưng có phương pháp để dung hòa, không cần phải hy sinh nhiều. Bài khác tui chia sẻ)
----
2. Sự thoải mái, yên tâm.
Kinh doanh gốc nghĩa của nó là từ "Người chấp nhận rủi ro".
Bởi vậy không thể đoán biết trước được là thắng hay thua, giàu hay nghèo. Thậm chí đang thành công, ào một phát trắng tay lúc nào không hay.
Cho nên làm kinh doanh rủi ro hơn đi làm thuê rất nhiều. Không có tự nhiên mà nghề doanh nhân có tỷ lệ tự tử cao nhất nhì đâu.
Nếu đi làm bạn có bảo hiểm thất nghiệp, nhưng kinh doanh thì lời ăn lỗ chịu. Mọi rủi ro bạn phải gánh chịu tất.
-----
3. Sự tự do.
Nghe thì hơi phi lý nhưng đúng là vậy.
Nếu bạn một mình, bạn buồn vui gì cũng được nhưng khi bạn là boss rồi. Cảm xúc, lời nói mọi hành động của bạn đều ảnh hưởng đến tập thể.
Bạn không minh bạch, bạn làm điều bất chính, bạn làm sai, không làm gương. Tất cả những điều ấy đều ảnh hưởng đến tập thể và tổ chức của bạn.
Sẽ có rất nhiều lần dù bạn không ổn, dù hết tiền phát lương, dù gặp vấn đề nghiêm trọng bạn vẫn phải tươi cười lạc quan (hoặc cố tỏ ra).
Vì để không ảnh hưởng đến tinh thần tập thể.
Khi ấy, chỉ khi vào phòng đóng cửa lại, một mình với bản thân. Bạn mới được sống thật với chính mình.
Bạn không hề tự do như bạn nghĩ khi khởi sự.
Sự trầm cảm, stress xuất phát từ đây mà ra.
==================
KHI NÀO CHỌN CÁI NÀO?
==================
Phụ thuộc vào bạn là ai, bạn đang ở đâu và bạn muốn đi đến đâu.
Nếu mục tiêu của bạn chỉ đơn giản là ổn định, ngày làm 8 tiếng không quan tâm nắng mưa. Hết việc về với bạn gái vợ con. Một cuộc đời bình thường và phổ biến thì bạn có thể chọn cách làm công ăn lương và nhảy việc (nếu có) cả đời.
Nếu chọn con đường này, đừng bao giờ so sánh và ganh tị với người khác vì sự thành công, giàu có của người khác. Họ cũng đánh đổi nhiều lắm, chẳng qua vì mình không thấy thôi.
Nhưng không thấy không có nghĩa là không có.
Nếu mục tiêu của bạn là nhiều tiền.
Hãy khởi đầu ngay lập tức, ngay hôm nay. Thời gian bạn sống rất có hạn, bạn đã phí mất nhiều năm chỉ để chờ đợi "đến lúc nào đó", "mai mốt",...
Nếu không bắt đầu ngay bạn sẽ tiếp tục như thế đến khi không còn cơ hội nào nữa cả.
Sẽ rất may mắn nếu bạn còn trẻ, thời gian còn nhiều và các mối quan hệ cũng còn nhiều cơ hội.
Nhưng nhớ nhé, mọi sự lựa chọn đều có giá của nó. Khi bạn chọn một lựa chọn, có nghĩa bạn đã quyết định được mình phải từ bỏ, phải hi sinh điều gì.
Nếu bạn là người tham lam, bạn muốn sống cân bằng, hạnh phúc nhưng vẫn muốn giàu có, có nhiều tiền. Vậy có cách nào không?
Có luôn nha. Nhưng cách này sẽ mất thời gian hơn và cần sự kiên nhẫn hơn.
Dù bất kể bạn là ai, tui vẫn tin công thức này hữu hiệu với bạn.
========
Giai đoạn 1: Làm, trải nghiệm và va vấp.
========
Cứ đi thoải mái, làm thoải mái, nghỉ thoải mái. Tìm ra điều mình thích, thứ khiến mình đam mê và sẵn sàng dành thời gian với nó.
Giai đoạn này nhiều người lẩn quẩn cả đời. Chìa khóa để thoát ra khỏi giai đoạn này chính là Vòng Tròn Con Nhím (Sách Từ tốt đến vĩ đại)
Hãy tìm ra thứ đạt được 3 điều sau:
Bạn yêu thích, bạn đam mê
Xã hội đánh giá cao, sẵn sàng trả tiền cho điều ấy
Bạn làm tốt, làm giỏi hơn người khác
Mục tiêu của giai đoạn này chính là tìm được HƯỚNG đi, xác lập ĐÍCH đến.
========
Giai đoạn 2: Học, trải nghiệm, tiến lên
========
Đã xác định được điều mình mong muốn. Bạn sẽ cần bổ sung những yếu tố cần thiết để đạt được nó.
Giống như muốn có táo ăn thì bạn cần phải tưới nước, bón phân, nhổ cỏ,...
Những kiến thức bạn cần đạt được
Những thành tựu cần có
Những người bạn cần kết nối, học tập
Những công cụ, nguồn lực cần xây dựng
Bạn đã hội tụ đủ những điều này thì chắc chắn bạn sẽ đạt được mục tiêu của mình. Hay đúng hơn là mục tiêu sẽ theo đuổi bạn. Bạn có né cũng không được nữa kìa.
Ở giai đoạn này, chìa khóa để thành công chính là MENTOR.
Bạn cần một người dẫn dắt, một người thầy hướng dẫn bạn đạt được những điều này nhanh nhất, sâu sắc nhất.
Đây chính là câu trả lời cho MỌI QUYẾT ĐỊNH của bạn trong cuộc sống.
Trước khi hành động bất kỳ một việc gì, hãy đặt câu hỏi.
"Việc này có giúp tôi tiến gần hơn đến mục tiêu hay không?"
Nếu có, hành động lập tức và không trì hoãn.
Nếu không, loại nó ra khỏi đầu lập tức và không bao giờ nhắc lại nữa.
========
Giai đoạn 3: Duy trì và phát triển
========
Một khi bạn đã đạt được mục tiêu, bạn sẽ tiếp tục nâng tầm nó. Bạn sẽ cần một đội nhóm để hỗ trợ giúp bạn mạnh mẽ hơn, nhiều nguồn lực hơn. Đó cũng là lúc bạn cần phải hệ thống hóa trải nghiệm của mình lại và đào tạo, chia sẻ lại cho thế hệ kế thừa.
Bằng việc chia sẻ lại kiến thức, bạn sẽ tạo ra được giá trị cộng đồng và cho dù mục tiêu của bạn tiếp theo là gì. Cộng đồng này sẽ góp sức giúp bạn đạt được nó một cách tự nhiên, thuận ý nhất.
Đây cũng là giai đoạn bạn kiểm chứng được sự khát khao của bản thân có thực sự to lớn hay không.
"Khi bạn thực sự khát khao một thứ gì, cả vũ trụ sẽ hợp lực để giúp bạn đạt được điều ấy"
Sau đó, bạn tiếp tục trở thành MENTOR cho thế hệ đi sau...
=======
HỒI KẾT
=======
Chọn làm thuê hay chọn làm chủ. Thật ra nó chỉ là sự lựa chọn vào những thời điểm, những giai đoạn cho mỗi cuộc đời mỗi người.
Không có câu trả lời sai, cũng chả có câu trả lời đúng.
Bởi vì sai hay đúng phụ thuộc vào mục tiêu mỗi người. Phụ thuộc vào việc "nó có giúp tôi đạt được mục tiêu của mình nhanh hơn không?"
Vậy nên đừng so sánh cuộc đời của bản thân mình với bạn bè, với những tấm gương thành công ngày ngày được báo chí nhắc đến. Và tất nhiên đừng bao giờ so sánh với "con nhà người ta".
Hãy bỏ những sự so sánh ấy ra khỏi đầu, nó không chỉ làm bạn bị lung lạc, cảm thấy nhụt chí và yếu đuối mà còn làm bạn trở nên dễ bỏ cuộc, hoài nghi về bản thân.

Tập trung vào điều bạn mong muốn, khát khao và mục tiêu của bạn.

Chỉ bạn chứ không ai khác biết được rằng mình có đang làm đúng hay không.

Mình có đang tiến lên mạnh mẽ về mục tiêu của cuộc đời mình hay không.

Mình có khát khao đủ lớn hay không.
Người yêu không biết.
Bố mẹ không biết.
Bạn bè không biết.
Đồng nghiệp chắc chắn càng không biết.
Chỉ có bạn biết mà thôi.
Vậy nên,
Nghĩ kỹ.
Quyết làm.
Kiên định với nó.

Rồi sẽ đến ngày mọi người bảo bạn "may mắn" nên mới thành công.

Khi quanh bạn tràn ngập "biết thế tao cũng..." thì đó chính là dấu hiệu bạn gần đến đích rồi.
May mắn không tồn tại ngoài kia.
Nó ở đây, trên ngực.
Trong chính trái tim này.
Nghĩ đủ rồi.
Làm thôi.

Nếu bạn cảm thấy bài viết này hữu ích, hãy để lại một comment (+) hoặc (-) nếu bạn cảm thấy không hấp dẫn.
Chia sẻ bài viết này để lưu giữ hay nếu bạn nghĩ có thể giúp được bạn bè của mình

Address


Website

Alerts

Be the first to know and let us send you an email when Cachkinhdoanh.online - Hướng dẩn kinh doanh Online hiệu quả posts news and promotions. Your email address will not be used for any other purpose, and you can unsubscribe at any time.

Shortcuts

  • Address
  • Alerts
  • Claim ownership or report listing
  • Want your business to be the top-listed Media Company?

Share