20/08/2023
[ MY HAPPY MARRIAGE - MÔI TRƯờNG SỐNG CÓ THỂ ẢNH HƯởNG ĐẾN MỘT NGƯỜI RA SAO ]
Có thể bạn đã biết, dạo gần đây đang có một bộ anime slice of life kết hợp với fantasy đang khá nổi giữa cộng đồng Rom-com, đó chính là My Happy Marriage (hay Watashi no Shiawase na Kakken). Bộ anime xoay quanh đời sống của Miyo Saimori, một cô gái vô năng giữa một triều đại Minh Trị đầy những con người có năng lực siêu nhiên. Miyo có một người mẹ kế và một cô em gái cũng cha khác mẹ tên là Kaya Saimori, một người đã bộc lộ năng lực tâm linh từ nhỏ. Vì không có năng lực như em gái, Miyo luôn bị phân biệt đối xử từ nhỏ, khiến cô luôn phải cúi đầu trước mọi lời chỉ trích từ bố ruột và mẹ kế. Cuộc sống của nhân vật chính chỉ khấm khá hơn sau khi cô được gả làm dâu nhà Kudo. Hôn phu của Miyo, Kiyoka Kudo, tuy được đồn là một con người tàn ác và lạnh lùng, nhưng bên trong anh lại rất ấm áp và quan tâm đến người khác, đặc biệt là với những người thật sự quan tâm anh.
Tuy motif của My Happy Marriage (MHM) đã cũ và không có gì mới mẽ, nhưng đó không phải là vấn đề chính mình muốn nói đến hôm nay, thành ra mình sẽ bỏ qua vấn đề ấy. Ý chính của bài viết là việc mình sẽ thông qua câu chuyện của MHM nói riêng và motif này nói chung để nói về một số vấn đề liên quan đến cách môi trường sống có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của một người như thế nào, từ đó mở rộng sang một số vấn đề khác liên quan.
Ở ngay tập mở đầu, có lẽ cũng không khó để mọi người nhận ra mình muốn ghét ai trong cả bộ phim rồi đúng không? Một người em kế điển hình trong một motif điển hình, Kaya và mẹ cô là ví dụ hoàn hảo cho câu “Mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời mẹ ghẻ mà thương con chồng”. Dưới sự nuông chiều quá mức từ mẹ, Kaya Saimori được thể hiện như một cô gái tự cao tự đại, luôn tự tin thái quá vào năng lực bẩm sinh của bản thân mà từ đó sinh ra sự thượng đẳng đối với chị gái mình. Được tạo ra như một nhân vật phản diện với mục đích tạo ra rào cản cho nhân vật chính, cũng không khó hiểu khi chúng ta coi Kaya như một nhân vật đơn thuần là ác từ trong trứng, nhưng nếu nghĩ theo một cách nào đấy thì việc con bé có suy nghĩ như vậy cũng dễ hiểu. Và chất xúc tác cho kiểu hành vi thượng đẳng của cô bé không gì khác ngoài cách giáo dục sai lầm, trọng tài năng quá mức của gia đình, hay trong trường hợp này chính là người cha, Shinichi Saimori.
Từ nhỏ, Kaya đã được đối xử một cách ưu ái từ người mẹ, và rồi khoảng cách giữa con bé với Miyo ngày càng xa hơn sau khi thể hiện được thiên phú bẩm sinh, từ đấy trực tiếp thúc đẩy phát triển tính cách tự cao trong con bé. Trước việc bản thân tốt hơn người chị về mặt năng lực, cộng với người bố coi trọng thực lực hơn con người, cũng không khó hiểu khi điều kiện phát triển của Kaya tốt hơn Miyo rất nhiều. Điều này cũng không khác mấy so với môi trường giáo dục trọng nhân tài, khi mà người giỏi được ưu tiên nhập học ở trường chuyên hơn (nơi mà học sẽ học nhiều hơn, nhưng đồng thời tài năng cũng có cơ hội phát triển hơn). Về mặt lý, Kaya từ nhỏ đến giờ đều giỏi hơn Miyo về ma thuật, và cô có quyền tự hào và tỏ ra thượng đẳng với điều đấy, vì cô có đủ thẩm quyền để làm vậy. Tuy nhiên, cô không có quyền làm tổn hại đến quyền lợi chính đáng của Miyo, cũng như không được làm tổn hại đến danh dự - nhân phẩm của chị gái mình. Dù sao thì Kaya cũng còn trẻ, và ai cũng có quyền được sửa sai, ấy vậy mà, môi trường sống của cô lại chưa bao giờ khuyến khích cô nhận lỗi sai về phía mình, từ đó cũng trực tiếp ngăn cản cô phát triển thành một con người tốt hơn.
Ngược lại với Kaya, ta có Miyo, một người đại diện cho mặt còn lại của nền văn hoá trọng nhân tài. Và những gì cô phải trải qua cũng dễ hiểu khi về mặt lý, kể cả khi có nhận được sự quan tâm và giáo dục tương đương với em gái thì cũng chưa chắc Miyo có khả năng phát triển được như vậy, vì từ nhỏ, cô đã không bộc lộ bất kỳ thiên phú ma thuật bẩm sinh nào. Nếu sống trong 1 gia đình tình cảm hơn, có lẽ Miyo đã có thể có cơ hội phát triển những tài năng khác của bản thân, nhưng tiếc là cô lại có 1 người cha chú trọng dòng máu và tài năng ma thuật, thành ra dù có tốt thế nào mà không có ma thuật thì cô bé cũng bị coi như đồ bỏ đi. Chính môi trường sống thực dụng, thiếu sự thấu cảm là thứ đã dìm cái tôi của Miyo xuống nơi đáy còn sâu hơn cả nhà của fan T1.
Bước ngoặt trong câu chuyện xảy ra khi Miyo vô tình tìm được môi trường tốt để phát triển bản thân, tìm được giá trị của mình trong khi cô em gái Kaya lại mắc kẹt ở môi trường giáo dục độc hại, gián tiếp thúc đẩy việc sai lệch thêm cái nhân sinh quan vốn đã méo mó của cô bé. Và điều kiện để thúc đẩy sự phát triển của Miyo không gì khác ngoài vị hôn thê, Kiyoka Kudo, của cô. Kudo vốn là một chàng trai đa nghi, hay đúng hơn thì anh buộc phải tỏ ra đa nghi khi bất kỳ cô gái nào anh từng gặp cũng chỉ để ý đến tiền bạc hay nhan sắc của anh. Ấy vậy mà, đứng trước một Miyo thật thà, không màng đến những thứ xa xỉ, người con trai lạnh lùng ấy lại thay đổi 180 độ ngay. Nhờ màn quay đầu này mà Miyo mới lần đầu được công nhận, được sống như một con người với đầy đủ những quyền lợi chính đáng của bản thân, thay vì một món đồ bỏ đi chỉ vì không đạt được 1 2 tiêu chuẩn nào đấy của người khác. Và kết quả của quả của thời gian chung sống với vị hôn phu của cô là gì? Đó chính là khi Miyo học được giá trị của bản thân to lớn đến nhường nào, rằng giá trị đấy là do cô tạo nên chứ không phải do ai quyết định thay, và cô có quyền được đứng lên chiến đấu cho bản thân. Hay nói cách khác, cô gái luôn cho mình là bề dưới ngày nào, nay đã phát triển đến một phiên bản hoàn thiện hơn của bản thân, từ đấy tạo lập được một căn tính cá nhân riêng.
Trong khi đấy, người em gái Kaya vì luôn được sống với những lời khen có cánh mà sinh ảo tưởng, rồi khi sự thật nghiệt ngã kéo đến, phức cảm thượng đẳng quật em không chừa phát nào. Từ đây ta có thể thấy rằng những giá trị được xây nên bởi sự thực dụng thái quá có thể trở nên bất ổn đến thế nào. Sống trong một môi trường mà chỉ nhờ một chút năng lực bẩm sinh đã được trao quá nhiều quyền lợi, không khó để ta nhận ra rằng khi cái tôi của Kaya không còn ai chống đỡ, nó sẽ kéo cô đến vực sâu tận cùng của sự tuyệt vọng. Và điều đó đã thực sự xảy ra với cô về sau ở những tập tiếp theo, khi mà cô nhận ra dù bản thân có tài năng đến đâu thì cũng không bao giờ có thể trưởng thành được như người chị gái của mình.
Nói chung lại thì, My Happy Marriage là một bộ anime với motif không hề mới, tuy nhiên thì thông qua yếu tố siêu nhiên - kỳ ảo, nó đã cường điệu hóa những yếu tố ngoài đời thực lên, từ đó giúp ta dễ hình dung hơn về những vấn đề của xã hội, giống cách Wolf’s Children đã cường điệu hóa những gánh nặng của người mẹ thông qua 2 bé sói.