05/06/2024
https://www.facebook.com/share/p/ng9myEHAQ514nSRD/?
“Lớp học tình thương” vẫn sáng đèn
Hơn 5 năm qua, “lớp học tình thương” của Cô Đặng Thị Chi – nguyên Hiệu trưởng trường THPT Phước Thiền tại khu phố Phước Mỹ, thị trấn Hiệp Phước vẫn là địa điểm quen thuộc được nhiều công nhân, người lao động khó khăn gửi gắm con em mình, lớp học đã giúp cho hàng trăm trẻ em nghèo không có điều kiện đến trường được “xoá mù chữ”và vững bước vào đời.
Lớp học tình thương được Cô Chi mở ra vào năm 2018, sau nhiều lần trăn trở khi cô vô tình nhìn thấy những đứa trẻ phải lăn lộn mưu sinh thay vì đến trường như các bạn cùng trang lứa. Cô Chi tâm sự: “Vì cô xuất thân từ nhà giáo, nên khi thấy mấy bé đến đi học mà không được đi học thì mình đau xót lắm. Khi hỏi thử một vài em khi đang trên đường đi bán bánh, thì mới biết các em có hoàn cảnh khó khăn. Lúc đó cô mới nghĩ đến việc mở một lớp học để bổ túc văn hoá cho các em, trước hết là để các em biết đọc, biết viết, biết tính toán để sau này có kiến thức mà tìm được công việc tử tế ”. Các em mặc dù xuất thân khác nhau nhưng lại có cùng một hoàn cảnh không may mắn, có em bị ba mẹ bỏ rơi đang sống cùng ông bà, có em thì ba mẹ đi chài lưới, thu nhập bấp bênh, có em không được làm giấy khai sinh nên không thể đến trường như các bạn và được ba mẹ gửi đến lớp học tình thương. Hiện tại lớp học đang dạy cho 7 trẻ, với độ tuổi từ 7 đến 13, có em sau khi đến lớp được 4 tháng đã biết đọc, biết viết.
Đồng hành cùng cô Chi trên con đường “mang chữ” đến cho trẻ em nghèo không thể thiếu sự tham gia của các giáo viên với tấm lòng thiện nguyện và tràn đầy nhiệt huyết, mặc dù thời gian khá bận rộn cho công việc giảng dạy trên trường nhưng vào mỗi tối thứ 2, 4, 6, các cô lại sắp xếp đến với các em. Là 1 trong 4 giáo viên của “lớp học tình thương”, cô Nguyễn Thị Kim Ngân, đang là giáo viên dạy môn Toán tại trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm chia sẻ: “Em thấy hoàn cảnh của các bé rất là khó khăn và bản thân em cũng đang theo nghề giáo nên em muốn đem kiến thức mình dạy cho các bé. Ở đây độ tuổi của các bé dao động từ 7-13 tuổi thì phương pháp dạy hiệu quả là em chia nhóm các bé cùng độ tuổi với nhau thì học chung. Sau đó sẽ quan sát và hướng dẫn trực tiếp cho những bé còn yếu, những bé đã viết được đọc được sẽ hướng dẫn cho các bé chưa biết, đồng thời em cũng tạo không khí học tập vui vẻ để các bé không bị áp lực”.
Bên cạnh việc dạy các em biết đọc, biết viết, biết làm toán thì cô Chi cũng chú trọng dạy các em môn đạo đức, thông qua đó định hướng để các em phát triển tư duy “nói không với cái xấu”, không bị kẻ xấu lợi dụng. Đối với môn đạo đức, lớp học cũng có giáo viên phụ trách bộ môn này và giảng dạy vào một ngày trong tuần. Cô Ngọc Hiền – tình nguyện viên cho hay: “Em phụ trách dạy môn đạo đức nên chủ yếu tập trung dạy các bé những việc phụ giúp gia đình, tôn trọng bạn bè, lễ phép với người lơn, chỉ cho các bé những việc nào nên làm, không nên làm và những việc nào sẽ giúp ích cho tương lai của các bé sau này”.
“Lớp học tình thương” ra đời và duy trì cho đến nay cũng có một phần đóng góp từ nhóm cựu học sinh của cô Chi, bằng sự yêu thương của mình đối với trẻ em nghèo, cô Chi không chỉ giúp các em biết đọc, biết viết mà còn là điểm tựa giúp các em viết tiếp giấc mơ của mình, đó là giấc mơ được tiếp cận tri thức và hoà nhập với xã hội, cộng đồng.
Theo TTTĐT HNT