08/08/2022
Những điều cần lưu ý khi chọn mua linh kiện lắp ráp desktop PC
Nếu chi phí không thành vấn đề, anh em chỉ việc ra cửa hàng và mua những linh kiện tầm trung đến cao cấp, hầu hết chúng đều có chất lượng và thiết kế tốt. Nhưng trường hợp ngân sách eo hẹp, phải “liệu cơm gắp mắm”, anh em cần lưu ý những điểm sau khi chọn mua linh kiện để tránh những rắc rối hay hạn chế trong trải nghiệm về sau.
Vi xử lý dual-core
Có thể hầu hết chúng ta đã quen với các vi xử lý đa nhân đa luồng (6 nhân, 8 nhân, 12 nhân...) nhưng thị trường vẫn còn đó những mẫu CPU dual-core, chỉ trang bị 2 nhân 2 luồng hoặc tốt hơn là 4 luồng. Điển hình như Intel Celeron G6900 ra mắt hồi Q1 năm nay hay Pentium G7400, cũng thuộc thế hệ Alder Lake nhưng rất yếu. Những mẫu CPU dual-core phù hợp cho PC chạy các tác vụ từ nhẹ đến siêu nhẹ, đa phần là văn phòng cơ bản, hoặc những hệ thống học tập giá rẻ, đọc báo... Nếu anh em lắp ráp desktop PC trong điều kiện chi phí hạn hẹp thì cũng nên cân đo đong đếm để tránh phải chọn những CPU này.
Lý do tại sao như vậy? Ngoài việc thiếu sức mạnh tính toán và xử lý, các CPU dual-core gần như không thể chơi game, kể cả nếu những thành phần còn lại của PC đáp ứng được. Theo kết quả thử nghiệm của trang TechSpot, Intel Celeron G6900 cho tốc độ khung hình siêu thấp, và số lần giật lag xuống mức fps tối thiểu quá nhiều. Chưa kể, điểm đáng chú ý là 1 số phép thử không thể tải và chạy được, ví dụ như game Horizon Zero Dawn hay Cyberpunk 2077. CPU dòng thấp bị hạn chế rất nhiều tính năng, từ đó không thể đáp ứng được sức mạnh của các linh kiện khác, nôm na là nghẽn cổ chai tại CPU. Trang này cũng thử nghiệm dùng Core i9-12900K nhưng tắt hết các nhân, chỉ để lại 2 nhân Performance. Trường hợp không bật HyperThreading, cả 2 tựa game cũng chung số phận như Celeron G6900, trong khi nếu kích hoạt siêu phân luồng, game có thể tải và chạy benchmark bình thường. Điều này nghĩa là các game hiện đại có thể yêu cầu số luồng xử lý tối thiểu để hoạt động được.
Những lựa chọn tiết kiệm về CPU mà anh em có thể nhắm đến là Core i3-10100F hoặc Core i3-10105F. Nếu vẫn vượt quá ngân sách, anh em có thể nghĩ đến việc mua card đồ họa cũ, hoặc đổi sang AMD với mẫu Ryzen 5 5600G và chấp nhận dùng tạm đồ họa tích hợp. Ngược lại nếu vẫn cần tiết kiệm nhưng dư dả hơn, Core i3-12100F sẽ là chọn lựa tốt, thế hệ mới với sức mạnh cũng rất ổn.
Mainboard thiếu tản nhiệt VRM
Song hành cùng vi xử lý giá thấp là mainboard cũng hạn chế, dù vậy có những điểm anh em cần lưu ý. Những mẫu mainboard nhỏ (thường là giá thấp) như micro-ATX có thiết kế đơn giản, cắt giảm nhiều thứ, và vì vậy cũng hạn chế nhiều. Chúng thường trang bị 2 khe RAM, 1 khe PCIe x16, 1 đến 2 khe PCIe x1, và đa số chỉ có 1 khối tản nhiệt nhỏ cho chipset. Không chỉ chipset khi hoạt động có nhiệt độ cao mà khu vực xung quanh CPU, cụ thể là các thành phần VRM (Voltage Regulator Module) cũng rất nóng. Nếu thấy mainboard không có tản nhiệt cho VRM, anh em có thể nghiên cứu mẫu mã khác để đảm bảo hơn trong quá trình sử dụng. Vì nếu VRM quá nóng sẽ có thể gây ra lỗi hoặc cấp điện không đủ cho CPU, dẫn đến ảnh hưởng hiệu năng.
Số lượng khe RAM chỉ có 2 cũng cần xem xét, vì theo kinh nghiệm cá nhân, khe RAM khá dễ lỗi sau quá trình sử dụng lâu dài. Với 4 khe RAM, anh em có thể hoán đổi vị trí để sử dụng khe cắm còn tốt, trong khi 2 khe sẽ rất khó, trừ khi thiết lập RAM đơn, và đó lại là câu chuyện bên dưới. Mainboard giá quá thấp cũng thường không có khe M.2 cho ổ SSD, và anh em buộc phải gắn với cổng SATA 6 Gbps. Dù SSD về cơ bản là nhanh hơn HDD, nhưng thị trường hiện tại ổ SSD M.2 giá đã khá rẻ và tốc độ chúng mang lại cũng ấn tượng hơn SSD 2.5 inch thông thường.
RAM single-channel
Vi xử lý trong những năm gần đây đều hỗ trợ thiết lập RAM ít nhất là kênh đôi - dual-channel, và khi mà DDR4 trở thành mức cơ bản, DDR5 cũng dần phổ biến hơn, sử dụng RAM đơn đồng nghĩa với việc tự hạn chế tốc độ còn 1 nửa. Đa số các tác vụ sẽ không nhận ra được sự khác biệt về hiệu năng giữa single-channel và dual-channel, nhưng một số khác sẽ có, nhất là nếu dùng đồ họa tích hợp, chia sẻ RAM hệ thống.
Với dung lượng RAM tối thiểu cho những công việc ngày nay là khoảng 8 GB, thay vì chọn 1 thanh 8 GB, anh em có thể chọn 1 kit 2 thanh 4 GB. Dĩ nhiên đây là quyết định trong trường hợp kế hoạch nâng cấp của anh em còn lâu mới diễn ra. Ngược lại nếu chỉ để dùng đỡ trong thời gian ngắn, anh em chọn 1 thanh 8 GB và mua thêm 1 thanh cùng loại về sau để thiết lập dual-channel. 16 GB RAM sẽ là dung lượng đủ tốt cho cả làm việc và chơi game. Mức giá so sánh giữa 1 thanh RAM đơn và 1 thanh RAM cùng thông số trong kit 2 không khác biệt nhiều như ngày xưa.
Ổ cứng HDD
Phần này có thể nhiều anh em đã biết quá rõ. Ngày nay, HDD gần như tuyệt chủng trong thị trường máy tính cá nhân, trừ những nhu cầu lưu trữ đặc biệt lớn đến hàng TB. Ổ SSD M.2 dung lượng 500 GB chỉ loanh quanh 1 triệu đồng, đủ cho cài đặt hệ điều hành và vài phần mềm, game thường dùng. Ổ cứng cơ vẫn tốt trong lưu trữ lớn, điển hình là máy tính cá nhân của mình vẫn dùng 2 ổ 6 TB cho ảnh RAW và các nội dung khác, nhưng nó chậm, dĩ nhiên, và khi đã vào trạng thái sleep, mình cần phải chờ vài giây để động cơ khởi động mới có thể truy cập được.
SSD có quá nhiều lợi ích so với HDD, vừa nhẹ hơn, vừa ít nóng, chống chịu rung động rất tốt và đặc biệt rất nhanh. Trong khi giới hạn truyền tải của HDD dừng lại ở khoảng 200 - 250 MBps (những ổ cứng cao cấp như Seagate IronWolf hay WD Velociraptor) thì SSD cơ bản nhất cũng đã đạt ngưỡng tối đa của SATA 6 Gbps (~ 500 MBps), trong khi M.2 SSD hay hơn nữa là NVMe PCIe còn đạt đến vài GBps. Giá thành trên mỗi GB của SSD đã xuống rất thấp, dù chưa so sánh được với HDD nhưng không quá đắt để người dùng sở hữu. Vì vậy không có lý do gì để anh em ráp máy lại chọn HDD cả.
Card đồ họa không phù hợp
Những mẫu card thuộc phân khúc giá rẻ như AMD Radeon RX 6400 hay RX 6500 XT, thường chỉ tận dụng được 4 làn PCIe thay vì 8 hay 16, vì vậy hiệu năng bị ảnh hưởng khá nhiều trên hệ thống dùng Core i3-10100F với chuẩn PCIe 3.0. Nếu anh em chọn nền tảng CPU thế hệ 12 với PCIe 4.0/5.0, Radeon RX 6600 sẽ tốt hơn vì nó phù hợp, nghĩa là sức mạnh của chúng tương đương nhau, không bên nào bị nghẽn cổ chai. Việc để xảy ra tình trạng nghẽn cổ chai sẽ khá đáng tiếc, khi mà anh em mua linh kiện xịn, tốt nhưng không thể khai thác được toàn bộ sức mạnh của nó.
Nhìn số lượng quạt làm mát trên card đồ họa cũng giúp anh em 1 phần nào đoán được sức mạnh của sản phẩm. Những mẫu card chỉ có quạt đơn (và thường đi kèm với khối tản nhiệt nhôm không có ống dẫn nhiệt) đa số có giá thấp, hướng đến các máy tính nhỏ gọn hoặc rẻ, không phù hợp để chơi game mà chỉ có thể chạy được vài game online với thiết lập hạn chế. Trong khi đó card với tản nhiệt lớn, 2 đến 3 quạt làm mát sẽ mạnh mẽ hơn, đủ sức gánh được game offline với cấu hình phù hợp tùy theo GPU. Chưa kể, quạt đơn đa phần sẽ ồn hơn do hạn chế về luồng gió, quạt phải hoạt động ở công suất cao và liên tục.
Bộ nguồn noname
Bộ nguồn là trái tim của máy tính, và hiện nay thì đa số anh em cũng biết được tầm quan trọng của thành phần này. Những thương hiệu bộ nguồn đáng tin cậy trên thị trường có thể kể đến như Corsair, Cooler Master, FSP, SilverStone... hoặc các thương hiệu mainboard cũng nhảy vào như ASUS, GIGABYTE, MSI. Nếu so sánh với nguồn noname hoặc các thương hiệu mới, lạ, anh em sẽ thấy bộ nguồn của hãng lớn có giá đắt vô lý. Bù lại cho giá thành, những thành phần linh kiện trong hệ thống sẽ được đảm bảo an toàn, vì nếu có sự cố, bộ nguồn sẽ là tấm khiên bảo vệ chúng.
Chứng nhận 80 Plus cũng là 1 điểm quan trọng, với hiệu suất cao, hệ thống sẽ tiêu hao ít năng lượng hơn. Phần công suất của bộ nguồn cần chọn ở mức khoảng gấp rưỡi công suất tiêu thụ của hệ thống, nghĩa là nếu máy tính cần 300 W điện, bộ nguồn tốt nhất ở khoảng 450 W. Lưu ý rằng điều này chỉ áp dụng cho các bộ nguồn công suất thực, nghĩa là khi nhà sản xuất quảng cáo rằng nguồn công suất 450 W, nó có thể cung cấp được đúng 450 W, thay vì chỉ 200 W hay 250 W như nguồn noname.
Thùng máy giá rẻ
Theo ý kiến cá nhân của mình thì 1 thùng máy không quá mức quan trọng, nhưng đó là với những môi trường tốt, nghĩa là không gian thoáng đãng, ít bụi, ít hoặc không có động vật, côn trùng xâm nhập. Thùng máy để bảo vệ các thành phần linh kiện, cũng như để anh em có thể di chuyển dễ dàng hơn khi cần so với lắp trên benchtable. Thùng máy giá rẻ thường có chất liệu kém, có thể là thép dễ bị rỉ sét sau thời gian sử dụng, có thể là quá mỏng và không chắc chắn. Ngoài ra, thùng máy giá rẻ cũng không được thiết kế với luồng khí tốt, hạn chế khả năng thoát nhiệt ra bên ngoài. Chưa kể không gian hạn hẹp bên trong sẽ rất khó để đi dây, góp phần cản trở khí lưu thông.
Mẫu thùng máy không quá đắt nhưng có chất lượng tạm chấp nhận được hiện nay vào khoảng 500,000 đến 1 triệu đồng. Chúng có khu vực nguồn bên dưới, không gian tương đối thoáng, dễ dàng lắp thêm quạt làm mát cũng như đủ trống cho card đồ họa dài. Vì vậy anh em có thể ráng thêm 1 chút chi phí cho thành phần này, thay vì chọn các thùng máy tầm 200,000 - 300,000 đồng, rất chán, và thậm chí còn chẳng có được cổng USB 3.0 ở phía trước.