01/08/2024
LOCAL BRAND, CÓ NGƯỜI ĐẾN CÓ NGƯỜI ĐI CÓ NGƯỜI Ở LẠI
“Local brand” là một thuật ngữ chỉ những thương hiệu thời trang nội địa, trong nước đã trở nên quá đỗi thân thuộc với giới trẻ hiện nay. Có thể, hầu hết ai trong chúng ta, đặc biệt là các bạn gen Z đều sở hữu cho mình những món đồ từ những thương hiệu local này. Khoảng 5-6 năm trước, nhờ bắt được sự ưa chuộng những món đồ được thiết kế một cách sáng tạo với họa tiết graffiti của giới trẻ cùng với sự lăng xê mạnh mẽ của các influencers, rất nhiều local brand đã được thành lập mang thêm nhiều mặt hàng, mẫu mã mới làm đa dạng hơn rất nhiều cho ngành thời trang Việt Nam. Sự trỗi dậy mạnh mẽ của local brand lúc bấy giờ như một cơn sốt, một trào lưu, một trend thịnh hành đến nỗi nhiều người sẵn sàng đứng chờ hàng tiếng liền để camp những items mới, không khác gì các thương hiệu global cả! Tuy nhiên, sự đa dạng mà mình nhắc trên là về màu sắc, họa tiết, thương hiệu, nhưng nhìn chung các hãng hầu hết đều bị trùng lặp lẫn nhau, dùng chung 1 concept nhất định chỉ sửa đổi lại đôi chút để khoác lên "nét riêng" của hãng. Vào thời điểm ấy, chỉ với 1 công thức - 1 phôi áo + 1 họa tiết graffiti đặc sắc, thế là bạn cũng có thể mở cho mình một local brand (nếu bạn có đủ tài chính và can đảm). Cũng chính từ đây, khi quá nhiều thương hiệu xuất hiện như vậy nhưng dường như sự khác biệt là không quá lớn, người tiêu dùng đã phải đón nhận một cách ”ồ ạt” các sản phẩm "mới" từ các local brand này và gây nên hiện tượng bão hòa. Từ đó cơn sốt local brand nóng hổi lúc nào dần dần bị mờ nhạt đi, thậm chí dưới áp lực chi phí, một số hãng còn bị đào thải khỏi thị trường mà không để lại một chút ấn tượng nào cho người tiêu dùng.
Ở trên cũng chỉ là một nguyên nhân tổng quát về sự “ra đi” của một số thương hiệu nội địa. Vậy có bao giờ mọi người thắc mắc tại sao có những local brand tuy mới thành lập cách đây 1-2 năm nhưng đã tạo nên cho họ một tệp khách hàng đông đảo và trung thành, trong khi, một vài ông lớn thời ấy đến bây giờ cũng chỉ còn là cái tên? Đồng ý rằng việc trụ vững trên một thị trường nào đó là rất khó khăn, nhất là thị trường thời trang - nơi luôn biến động nhanh chóng và không thể lường trước được. Các yếu tố như: sản phẩm độc đáo, sáng tạo; chiến lược marketing phù hợp; tương tác trên các nền tảng mạng xã hội; thương mại điện tử vững chắc... là những thứ “cần” nhưng chưa gọi là “đủ” cho một thương hiệu thời trang nếu muốn tạo một dấu ấn trong lòng người tiêu dùng, mà ở đây, việc xây dựng thương hiệu hay khẳng định giá trị thương hiệu qua mỗi sản phẩm chính là yếu tố quan trọng đặt nền móng cho sự phát triển lâu dài của bất kì doanh nghiệp - và nó không hề đơn giản chút nào.
Những founder sẽ là những người quyết định lên cái chất riêng của brand và liên tục không ngừng để duy trì và đổi mới nó. Như đã đề cập, đã có một số thương hiệu nội địa rất thịnh hành vào những năm 2017, 2018, 2019 nhưng khi bây giờ nhắc lại, người tiêu dùng gần như đã không còn mua những món đồ của các hãng đó nữa. Chính vì vậy, con số khủng từ doanh thu nhất thời của một local brand không quyết định sự vững mạnh, kiên cường của nó, thực chất, các cửa hàng này có thể chỉ may mắn bắt được “long mạch” tại thời điểm đó và bùng nổ một cách nhất thời.
Khi đặt tên tiêu đề cho bài viết này, GlowTK đã sử dụng một đoạn lyric nhỏ từ bài hát “Mười Năm - Ngọc Linh, Đen” để nói lên sự biến động và đầy bất ổn trong thị trường local brand Việt Nam. Hy vọng trong tương lai, các hãng thời trang Việt Nam sẽ khẳng định được những nét riêng của mình đến với công chúng để nền văn hóa streetwear nói riêng và nền văn hóa thời trang Việt Nam nói chung sẽ phát triển đa dạng, mạnh mẽ và sánh ngang với thế giới.