05/09/2018
......"Đạo Học"....(bài hơi dài nhưng rất hay)
Học, là quá trình lĩnh hội kiến thức, tri thức, kinh nghiệm và tiếp nhận văn hóa từ thấp đến cao, từ dễ đến khó, từ nông đến sâu. Ấy thế mà nhân gian có câu “Học cả đời” là vậy. Tri thức nhân gian từ cổ chí kim, từ đông sang tây, ngồn ngồn như núi, bao la như biển, điệp trùng như thiên vân triệu lớp ức tầng. Đời một con người học sao cho hết được. Càng học càng thấy bể chữ vô cùng vô tận, càng thấy mình thấp bé, nhỏ nhoi. Chính vì lý do đơn giản đó mà trường lớp được hình thành. Trường lớp là nơi tập hợp những kiến thức của người đi trước, phân ngành, phân môn, hệ thống và biên chỉnh kiến thức phù hợp với nhận thức của học sinh từ thấp đến cao. Từ đó tổ chức dạy và học, định hướng nghề nghiệp cho học sinh, định hướng nghiên cứu cho học sinh, định hướng sự khám phá mới cho học sinh. Từ đây, vai trò của người Thầy được khẳng định và “nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong tất cả các nghề”. Một người thông minh tài giỏi đến đâu, nếu không có thầy cô chỉ bảo cho những kiến thức cơ bản, chỉ cho phương pháp nghiên cứu, tìm tòi, thì chẳng bao giờ có thể học cao, học xa, học sâu thêm được. Có chăng chỉ dừng lại ở mức độ lan man, thiếu hệ thống và vô chuyên. Lẽ này, tục ngữ Việt Nam có lời rằng: “Không thầy đố mày làm nên”.
Có trường, có lớp, có thầy cô, có sách vở rồi, vậy phải học thế nào?
Đại cố tiền bối Sào Nam Phan Bội Châu trong cuốn Khổng Học Đăng, in năm 1957, do nhà Anh Minh Huế xuất bản, ở Chương II, có nói trong phần “Lý luận và sự thực thuộc về chữ “Học” của Đức Khổng Tử rằng:
Chữ “Học” có ba nghĩa:
1)- Học nghĩa là bắt chước – Hễ người nào tự xét trong mình hãy còn là người hậu giác, tất phải bắt chước người tiên giác đã làm. Tiên giác là người hiền nhân quân tử có đạo đức, phẩm hạnh, tài năng sinh trước mình, biết trước mình,(...) Đó là nghĩa thứ nhất ở trong chữ “Học”.
2)- Học nghĩa là học để cho biết – Nghĩa này lại cập kè với chữ “Tri”. Người ta vì sao mà phải học? Bởi vì trời sinh ra ta chỉ cho ta một bộ óc thiêng, một tấm lòng tốt, chứ đến như sự lý ở trong thiên hạ, nhỏ từ nhất sự nhất vật, lớn đến tình hình một xã hội, một quốc gia, một thế giới thời không có một người nào sinh ra mà biết được ngay (...). Thế thời “Học nhi tri chi” nghĩa là phải học mà cầu cho biết, là nghĩa thứ hai của chữ “Học”.
3)- Học để mà làm – Nghĩa này lại cặp kè với chữ “Hành”. Hành nghĩa là làm. Người ta vẫn thường có lời nói cặp nhau: “học hành”. Bởi vì có học mới hay hành; muốn hành tất trước phải học. Đường mình chưa đi, công việc mình chưa thạo, bảo nhắm mắt làm bướng, tất không thể nào làm nên, cần phải học. Có học mới biết, biết tất phải làm. Học tới bao nhiêu thời làm tới bấy nhiêu (...). Đây là nghĩa thứ ba của chữ “Học”.
Ngày nay, người mình đã có đầy đủ điều kiện để học tập, có trường lớp tốt, thầy cô giỏi, môi trường cọ sát cao, ứng dụng các khoa học kỹ thuật vào trong quá trình dạy và học tiên tiến v.v... ấy thế mà đạo học lại không vượt bậc. Học sinh đi học chỉ có một tham muốn là cố học để có một tấm bằng, đặng có cơ sở để xin đi làm thuê chỗ này chỗ khác. Đạo học xê dịch khái niệm và hoán chuyển mục đích dần sang những mục tiêu nhỏ mọn, tầm thường. Cái tâm truy cầu vượt tiến, chinh phục, khám phá đặng sáng tạo ra cái mới gần như ít thấy trong tâm tưởng học sinh. Ấy là vì các em còn chăm chăm học để lấy điểm, học để đối phó, thậm chí học để hài lòng cha mẹ. Ngược lại, cha mẹ không thấu hiểu được năng lực của con mình, lấy nền nếp gia phong, hay vì sự mát mặt với xóm giềng, ép con thi thố trường này trường nọ, nhưng có hay đâu, nếu bắt con học theo cách đó, thi theo cách đó, mà không hiểu hết được năng lực có thực của con, tình yêu nghề nghiệp có thực trong con, khả năng tiềm ẩn trong con v.v.. thì vô tình chính mẹ cha là người hủy diệt đi một tài năng trong tương lai, triệt tiêu đi tình yêu của con mình trong sở trường của nó, tiêu diệt một hạt nhân tương lai của đất nước.
Trong Vân Đài Loại Ngữ của Lê Quý Đôn, chương VIII. Sĩ Qui – 76 điều, viết: “Kinh thư chép rằng: “Học sách vở của cổ nhân, rồi hãy ra làm quan”. Sách Luận ngữ dạy rằng: “Học cho dồi dào, rồi hãy ra làm quan”. Sách Tả truyện nói: “Học đã, rồi sau hãy làm chính sự”. Hễ mà ghi nhớ được nhiều lời nói, và việc làm, của người xưa, thì ứng dụng vào tâm tư được chính xác, ứng dụng vào sự vật được thích nghi: Như thế gọi là học”.
Sách Gia ngữ, thiên Nhập quan viết: “Khổng Phu tử bảo Tử trương rằng: “ Mình có cái hay, thì chớ giữ riêng; dạy bảo cho người kém, thì không nên trễ biếng; Việc đã qua không nên xoi mói; Lỡ lời, không nên chống đỡ; Có làm điều gì bất thiện, thì đừng bỏ qua; Muốn làm việc gì hay, thì đừng nấn ná....”
Xã hội cũ, học trò đi học chữ mong muốn học rộng, học cao, thi đỗ làm quan, ra phò vua giúp nước. Người có học thời xưa ra làm quan là cha mẹ của dân. Thời nay đã khác, nhà nước lấy dân làm gốc, “trung với Đảng, hiếu với Dân”, chữ “Hiếu” chỉ dành cho ông bà cha mẹ, nghĩa là xem dân như cha mẹ ông bà. Người học trò học chữ, có kiến thức, thi thố không phải để làm quan mà để chọn ngành hướng nghiệp. Giỏi giang thì cống hiến cho xã hội những sản phẩm tốt, những phát kiến tiến bộ, những ứng dụng hay cho đồng bọc theo đó mà làm. Giỏi giang, được tiến nhiệm rồi sẽ được làm quan. Quan do dân bầu lên, là sự lựa chọn của dân. Vì vậy, người học thời nay cần phải học nhiều, học rộng, học cao và quan trọng hơn là phải... học thật, là vì lẽ đó. Bởi, học thời xưa, khi chấm tuyển làm quan cùng làm là ông vua và các ông quan chấm tuyển. Nhưng học thời nay, ngoài việc phải học để hoàn thành nghĩa vụ học sinh, sinh viên, muốn làm quan thì gần như cả xã hộ chấm tuyển anh ta, nên sự học còn phải gắn liền và cặp kè với sự trau giồi đạo đức, tác phong và sự cống hiến cho dân cho nước vượt trội hơn kẻ khác.
Mở đầu sách Luận ngữ, Khổng tử nói: “ Học được điều gì, lại có thể thường xuyên ôn tập, không phải là điều đáng vui mừng đó sao?”.
Việc học dẫu biết ấy là việc cả đời, tuy nhiên ngày hôm nay học cái mới, mà không ôn tập cái học cũ của ngày hôm qua, thì kiến thức sẽ chảy trôi, rơi vãi. Đến lúc cần dùng đến thì trong đầu không nhớ, tư liệu chẳng còn, khiến cho hỏng việc. Bởi vậy, truy cầu cái mới là việc đáng trân quý, nhưng dùi mài kiến thức đã được học, thường xuyên năng rèn, chú tâm ứng dụng, thì kiến thức ngày hôm qua ở lại với mình, hợp duyên với kiến thức ngày hôm nay, ngày mai mà kết tinh thành trí tuệ của bản thân. Có trí tuệ lớn sẽ có tư tưởng lớn, có tư tưởng lớn sẽ có hành động lớn, có hành động lớn sẽ có thành tựu lớn. Các bậc thành tựu xưa nay, chưa ai đi ra ngoài quá trình ấy.
Thời nay, một chuyện khiến nhói lòng khi nghe nói rằng, ở trong tủ văn phòng hành chính tổng hợp của các công ty, có hàng trăm, hàng nghìn, hàng vạn những hồ sơ xin việc, với đầy đủ chứng chỉ, bằng cấp, nhưng hoặc thì không được vào làm, hoặc vào làm rồi và bị cho nghỉ việc..., chỉ bởi vì một lý do: Không có kiến thức thật và yếu kỹ năng. Lý giải cho cả hai lý do không có kiến thức thật và yếu kỹ năng cũng chỉ cần đúng vẻn vẹn cái ý của Khổng Phu tử đã nói, tức là có học nhưng không có sự thường xuyên ôn tập, hoặc chẳng chịu học, ưa vui và ham hố những thứ chẳng thuộc về mình, chểnh mảng việc học khi còn ngồi trên ghế nhà trường, cả dưới phổ thông lẫn trân đại học và sau đại học. Đời người chỉ ngắn có một khúc, trên dưới trăm năm thôi. Gia đình, xã hội cũng chỉ ưu ái dành cho trên dưới hai mươi năm cho sự học của bạn, bạn đã không tận dụng lấy điều đó, ra trường, bạn là công dân, rồi là chồng là vợ, là cha là mẹ, với đủ thứ lo toan thường nhật, thời gian chẳng còn đủ cho việc học nữa, tiếc thì đã muộn.
Ấy mới nói, muốn không uổng tuổi trời, không phụ ơn cha mẹ, thầy cô, biết trân quý đời mình, thì khi còn đang có thể, đang còn điều kiện, hãy học, học thật sự, học cho mình, đừng vì điểm chác, đừng vì bằng cấp, đừng vì hơn thua dáng vẻ bề ngoài, tìm cho mình con đường mà đi, nhắm cho mình mục tiêu mà đến. Hoa hồng sẽ nở chờ ai có lòng tìm đến nó, bánh mình sẽ tự dâng cho ai có tâm sức leo lên cái bục vinh quang vốn dĩ tạo hóa đã dọn sẵn cho. Bàng quan chểnh mảng, thiếu quyết tâm, không có mục tiêu theo đuổi v.v... là những con quỷ xui bạn ngủ vùi trong tuế nguyệt, đắm mình trong hư vô, chìm khuất trong đói nghèo và lạc hậu...
Đạo học từ cổ chí kim nương vào cái tâm cầu học của con người mà tồn tại, nếu như đến một lúc nào đó, khoa học phát triển đến độ, chỉ cần cắm cái USB vào cơ thể, dùng tổ hợp phím [ctrl –A, ctrl-C, ctrl-V] là tri thức đủ để con người bất kỳ, có thể trên thông thiên văn, dưới tường địa lý, tất khi đó đạo học cũng chẳng còn. Còn cũng chẳng để làm gì, có khi còn khiến cho con người vướng bận. May thay, loài người từ thuở biết lượm lá che thân cho đỡ ngượng, đến giờ, có thể lừa nhau, phụ nhau, hiềm nhau, ganh nhau và giết nhau không đỏ mặt, nhưng vẫn chưa thò được chân đến cái ngưỡng của sự tiến hóa hặc thoái hóa đạt mức chẳng cần học vẫn đủ tri thức nhân gian từ kim đến cổ. Vì lẽ ấy mà người ta còn nói về sự học, luận về sự học.
Trong Luận Ngữ Tân Thư, Phạm Lưu Vũ viết: “Đã gọi là thầy (sư) thì không phân biệt cao thấp, cứ hơn một tí tẹo là có thể làm thầy (nhất tự vi sư, bán tự vi sư). Chung quy chia làm hai hạng. Hạng tiên sư và hạng tục sư. Hạng tiên sư vì người mà dạy cách làm người. Hạng tục sư vì tiền mà dạy cách làm tiền. Hạng tiên sư “lôi“ kiến thức (vốn có sẵn) trong bụng học trò ra. Hạng tục sư “nhét“ kiến thức từ ngoài vào. Tin theo tiên sư thì con người là tiểu vũ trụ. Tin theo tục sư thì con người là cái thùng chứa sách.”
Cứ chiếu theo sự phân hạng ấy của họ Phạm mà suy thì, học trò tìm đến với Tiên sư hay Tục sư phần nhiều đã có sẵn mục tiêu cho sự học của mình, tất nhiên cũng sẽ có những học trò “tầm sư học đạo…nhầm”. Kẻ muốn mình là cái thùng chứa sách thì “tầm” phải ‘Tiên sư”, còn kẻ muốn biến mình thành tiểu vũ trụ thì lại không may “tầm” phải “Tục sư”. Cái “duyên” nhầm nhọt ấy đã tạo cho lịch sử loài người nhiều phen cười hộc huyết. Tiên-tục, tục-tiên sản sinh ra hàng vạn tấn rác trí tuệ, ngốn vẹt biết bao công trình, thiêu trụi biết bao cơ nghiệp của con người. Ấy là chưa nói đến lẽ học trò học được tri thức đủ rồi, sử dụng tri thức ấy vào việc gì. Quỷ Cốc Tử tâm truyền thiên thư cho Bàng Quyên và Tôn Tẫn, dẫn đến cuối cùng hai kẻ ấy giết nhau cũng vì “mẹo” của thầy. Huống hồ gì hôm nay, hành tinh đất hẹp người đông, từng đám học trò cùng học với một thầy, mới “sạch nước cản” cấp phổ thông thôi, thì trước mắt có cả hàng bách, hàng thiên con đường lập nghiệp. Ai biết được trên đường đời của từng đám học trò đồng sư, đồng đạo kia, vì công danh phẩm tước, chúng chẳng nướng nhau bằng hàng nghìn kiểu lửa. Rốt lại, thế gian chẳng e kẻ học để giúp mình cứu đời, chỉ ngại bầy học lưu manh, dùng kiến thức để hại người cho thỏa lòng tham bạo. Nhẽ này, người xưa đã nói đến từ lâu: “Nước Việt ta từ khi lập quốc đến bây giờ, chính học lâu ngày đã mất đi. Người ta chỉ tranh đua tập việc học từ chương cầu lợi... Chúa tầm thường, tôi nịnh hót, quốc phá gia vong, những tệ kia ở đó mà ra… cho nên việc học phải tuần tự mà tiến, đọc cho kỹ mà ngẫm nghĩ cho tinh, học cho rộng rồi ước lượng cho gọn, theo điều học biết mà làm, hoạ may nhân tài mới có thể thành tựu, nước nhà nhờ đó mà vững yên”. [La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp,1723-1804].
Việc: Nhiều người học thật để trở thành… học giả, ấy là lẽ đương nhiên. Nhưng: Có biết bao kẻ học “giả” lại trở thành… học thật, lẽ ấy thật “phi thường”. Chẳng biết tự bao giờ, cái đường “lưỡng nghi” trong bát quái âm dương lại đổi chiều lộn ngược, chắc có lẽ do người Việt quen nhìn hình bản đồ Việt Nam cong cong hình chữ S, nên thuận tay vẽ cái đường lưỡng nghi trong bát quái âm dương cũng như chữ S cong cong. Nghe đồn, Dịch thư thiêng lắm, chẳng thế mà Tần vương đốt sách chôn nho còn e tay mà tha cho sách ấy hằng tồn, nay phải chăng có người tự ý sửa sách, nên thiên đạo mới đảo lộn xoay vần thế ư [?!]
Thiên đạo xoay vần, giá trị hoán chuyển, kinh thư phục tòng cho nhân gian lẫn… gian nhân. Việc này nói cả đời chẳng hết. Nay chỉ nói sơ về cái việc của những người học đạo với “Tục sư” thôi.
Như đã dẫn lời họ Phạm ở trên, tin tục sư thì con người là cái thùng chứa sách. Thương thay, ai nỡ hỏi rằng, chứa sách để làm gì? Những gì có trong sách thì cũng chẳng cần phải nhớ, đọc xong, hiểu rồi thì quăng bỏ nó đi vào chỗ nào đó, chỉ phòng khi cần tầm chương trích cú hay tra điển mà thôi. Cốt hiểu lấy cái nghĩa sách mà tư duy, rồi có sinh ra tư tưởng gì, thì dùng lời tiếng của mình mà diễn đạt. Học lấy con tằm trong việc ăn lá dâu thì sẽ nhả ra tơ, đừng phí công ăn lá dâu rồi lại thải lá dâu, nhọc công người đời xem ngó. Đến như cỏ cây còn trở mình oằn cựa từng ngày, làm người, mà chẳng bằng cỏ cây muông thú, chẳng chịu động não, chẳng chịu đổi mình, thì có học đến thiên kinh vạn quyển, cũng chẳng bằng một kẻ hợm danh. Pascal từng nói: “Kẻ nào không biết cái hư danh của đời, chính là một kẻ vô vị” ( Qui ne voit la vanité du monde est bien vain lui-même).
Học mà chẳng đủ sáng để nhận ra mình là ai trong đám hơn thua, thì cũng chẳng nên học làm gì. Cái “model” treo bằng cấp lên ngực để vênh vang, e là đã lạc hậu lâu rồi. Thế mà ngày nay, đi đâu cũng thấy người ta hỏi nhau: “Làm tiến sĩ chưa?”; “Chưa à? Sao lâu thế?”v.v… Hàng nghìn năm lịch sử, cổ nhân siêng năng thế mà tên khắc chưa đầy mấy chục cái bia đá, còn ngày nay, dùng cả não computer để chứa vẫn không hết danh vị, danh hàm. Đạo học cốt để tu thân, thì đã biến tướng thành trò thi thố hão. Khiến cho nhiều trí thức đương thời ngao ngán thốt rằng: “Bàn chuyện học hành và chuyện… bóng đá, thì giấy bút đâu mà bàn cho hết!”.
Chính trị gia Lý Quang Diệu từng có những suy nghĩ về sự khác nhau giữa người tây phương và người Đông phương, trong đó, ông chỉ ra rằng, kể từ khi cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật nổ ra ở phương Tây đến nay, người phương Tây đã bỏ xa người phương Đông đến mấy trăm năm, vì một điều đơn giản: Tư duy lý trí. Nhưng đến khi, người phương Đông học được cái tư duy ấy của người phương Tây, thì không chỉ phương Đông đuổi kịp, mà còn sẽ bỏ xa phương Tây vĩnh viễn, cũng chỉ vì một lý do đơn giản: Tư duy vị tình [do không còn nhớ là đọc được điều này ở đâu, nên xin phép không in nghiêng và đưa vào ngoặc kép, nhưng xin khẳng định ý câu nói trên là của chính trị gia Lý Quang Diệu]. Nhiều người Việt không hiểu hết câu nói ấy của họ Lý, nên đã áp dụng trong sự học, sự dạy một cách khá máy móc và khôi hài. Thấy cái mình thiếu, nhìn thầy điều cần học, nhưng học thế nào thì lại một chuyện khác. Ứng dụng công nghệ hiện đại vào việc học là nên làm, nhưng cần phải biết cái ‘độ” và cái “ngưỡng” thâu nhận của mình. Từng nghe một câu chuyện không thể vui được là, ở một lớp học kia, thầy giáo đứng lớp, thay vì dùng bảng như truyền thống, thầy dùng máy chiếu để dạy học cho ra vẻ hiện đại. Chẳng may, đang dạy thì mất điện, thế là thầy cứ đứng ngẩn tồ te, chẳng biết dạy gì nữa, đành cắp máy tính xách tay đi về. Từ đó, người ta nhận ra rằng, nhiều “Tục sư” bây giờ núp mình trong cái vỏ bọc hiện đại, để lấp liếm cái dốt, cái lười. Kỹ năng sư phạm, kỹ năng trình bày yếu đến mức không còn đủ để nhận diện hình ảnh một-người-thầy. Đến thầy mà giáo án không thuộc, thì dạy ai nữa. Trong trường hợp đó, học trò sẽ học cái gì? Hay sẽ dùng cái “tư duy vị tình” như Lý Quang Diệu đã nói để “hoan hỷ” hết ư? Rõ ràng, hai cái “lý trí” và “vị tình”, phân ra thì rời rạc, ghép lại thì mập mờ. Nên điều cần nhất ở người học hôm nay là sự tỉnh táo cần thiết, để nhận biết và tự mình cho phép mình ‘vị tình” hay “lý trí’. Minh họa cho điều vừa nói, Thái-Công ghi: “ Cận châu giả xích, cận mạc giả hắc, cận hiền giả minh, cận tài giả trí, cận si giả ngu, cận lương giả đức, cận trí giả minh, cận ngu giả ám, cận nịnh giả siểm, cận thâu giả tặc” ( gần son thì đỏ, gần mực thì đen, gần người hiền thì sáng, gần người tài thì khôn, gần người ngây thì ngu, gần người lành thì có đức, gần người trí thì sáng, gần người ngu thì tối, gần người nịnh thì a dua, gần kẻ cắp thì ăn cướp). Và, Nietsche cảnh báo: “Thà không biết gì còn hơn là biết nhiều thứ một cách nửa vời” ( better know nothing than half-know many things).
Sinh thời, cụ Phạm Quỳnh có tự răn mình: “ Cái nợ khác có khi trả hết được, nợ học là nợ chung thân”. Nếu như ai cũng xem việc học là một món nợ đời cần phải trả, không thể quỵt, không thể hõan trì, không thể do dự, tất sẽ cho mình cái động cơ để học. Có động cơ mạnh để học, thì sự tinh tấn sẽ như hoa nở mỗi ngày vậy.
Hoài Thu Tử tiên sinh nhắc tôi rằng: “Hậu sinh đã vì cái hồn thiêng của núi Mục, sông Chu mà thốt thưa cùng dâu bể, thì cũng nên đưa vào trang viết cái trí tuệ lẩy ra từ núi Tản, sông Đà, làm nên Thuyết Thiên Lương, đặng nói về chữ “Học” cho khỏi sót ý”. Và, Hoài Thu Tử tiên sinh cũng gợi ý rằng: “Viết về chữ “Học” thời nay, nên dẫn ít thôi về những gì nằm ở cửa Khổng, sân Trình. Nên dẫn ra những ngôn, thuyết của người mình từ kim đến cổ, đặng cho các em cháu có đọc được cũng dễ hiểu và cảm thấy thuyết phục hơn”.
Nói về đạo học mà không nói đến những nền tảng của sự học, kể như chưa nói gì. Catherall chỉ ra ba nền tảng sau: 1)- Seeing much [nhận xét nhiều]. 2)- Suffering much [từng trải nhiều]. 3)- Studing much [học tập nhiều]. Tuy nhiên, ở góc độ người học, bộ ba S-S-S kia, phải là sự phối triển nhịp nhàng và khéo léo, hòng thu được những kết quả hoàn thiện nhất. Thiếu một trong ba nền tảng ấy, phần nhiều dễ sinh ra những con người hoặc thì lập dị, hoặc thì ngông cuồng, hoặc thì thao thao bất tuyệt mà trong bụng rỗng tuếch, hoặc thì có lý thuyết thiếu kỹ năng, có kỹ năng nhưng không đủ trình độ để thích nghi với môi trường v.v… Chung quy là dễ trở thành kiểu người “dở dở ương ương”, mà ngày nay ra đường ngó đâu cũng thấy.
Catherall đưa ra trình tự từ 1 đến 3 như trên, nhưng theo thiển ý, thì quá trình học của con người nên đi ngược lại, tức là trước nhất cần phải học tập nhiều, rồi đến từng trải nhiều, cuối cùng mới là nhận xét nhiều. Điều khó nhất ở đây là, ai cũng biết cần phải học tập nhiều, nhưng nhiều là nhiều cái gì thì chẳng ai nói cả. Suốt từ buổi khai tâm vỡ lòng đến lúc xuống lỗ, thầy cô trường lớp dạy ta những điều trong sách vở, chư nhân thiên hạ dạy ta kinh nghiệm, trái tim dạy ta tâm hồn v.v… gom cả lại, không biết đo đếm kiểu gì để lượng hóa xem là nhiều hay ít. Ấy chưa kể nhiều người suốt cả đời chẳng biết mình học được những gì, quỷ thần gọi tên rồi, vẫn chỉ thấy cả cuộc đời mình chỉ là một mầu lờ mờ như nước gạo. Vậy, có lẽ ở đây ta nên ngầm hiểu cái ý Studing much của Catherall là phải học nhiều, nhưng là học nhiều cái ta cần. Mà để biết được cái ta cần, thì trước tiên ta phải thực sự dũng cảm với mình, thực sự trung thực với lòng để hỏi mình xem mình cần cái gì nhất, xác định được mục tiêu thì phương hướng tự sinh ra. Khi đó ta sẽ biết mình thiếu những gì, để sắp xếp thời gian, tổ chức cuộc đời cho việc học. Điều cốt yếu là phải tập trung lo học cái chuyên môn của mình thật giỏi, bên cạnh đó sẽ bổ sung những kiến thức khác trong cuộc sống, làm phong phú sự hiểu biết. Tuy Catherall không nói ra, nhưng ta phải hiểu rằng, dẫu cần phải học nhiều, nhưng học lan man, thiếu hệ thống, thì sự nguy hiểm đến với ta còn kinh khủng hơn sự vô học rất nhiều. Nhãn tiền có thể thấy một trong những hệ quả của sự học lan man là, học vấn làm nhục ta khi nó khiến ta kiêu ngạo và biến ta khoe khoang thông thái (La seience nous déshonore quand elle nous enfle et qu’elle dégénère en pédanterie – St. Francois De Sales). Một người mang tiếng là học rộng, nhưng đến khi đụng việc thì kế sách chẳng có được một mẹo, xử lý công việc không biết đâu là tiến trình sau trước, loay hoay, hì hục hao tổn thời gian mà công việc vẫn đình trệ không thông. Ấy bởi tại cái chuyên môn chưa sâu, cái kỹ năng chưa tốt. Nguy hiểm hơn là hạng người ấy lại được bổ nhiệm làm “sếp” nữa thì, nguy cơ tự tay hất đổ cơ nghiệp của một cơ quan xuống sông, xuống biển, không cần đợi khi nó diễn ra mới thấy, mà thấy ngay từ khi kẻ ấy nhậm chức. Bởi vậy, trong điều kiện xã hội ngày nay, sự hội nhập quốc tế biến tất cả những ai tham gia vào cái sân hội nhập ấy nói chung, hay những ai có lòng muốn làm việc trong những cơ quan, doanh nghiệp có yếu tố profession (chuyên nghiệp) cao, thì không chỉ cái phông kiến thức phải rộng mà cái nền kiến thức phải sâu, phải chuyên, với đầy đủ ý nghĩa nội hàm của cụm từ chuyên nghiệp.
Nền tảng thứ hai của sự học là từng trải nhiều (Suffering much). Trong trường nghĩa của sự Suffering much, ta thấy xuất hiện rất nhiều cụm từ, mà nghe qua đã thấy rằng, để có được sự từng trải, con người phải kinh qua những cái giá không nhỏ. Ví dụ như: Difficulty (sự khó khăn), in difficuties (trong hoàn cảnh túng quẩn), to make difficulties (làm khó dễ; phản đối) v.v… Tuy nhiên, kẻ học trò đừng nhìn vào “đám gai” của nào là Difficulty, nào là in difficuties hay kể cả là to make difficulties…, hãy xem tất cả những thứ đó là những điều thú vị, mà vì quá yêu nên Tạo hóa mới riêng tặng con người. Thử hỏi, kẻ có chữ đầy bụng, mà cuộc sống trơn tuột trong nhung lụa, gia cảnh nhờn váng sự sang giàu, cả cuộc đời phẳng lì như trang giấy được chặn bốn góc bốn viên cẩm thạch v.v…, thì cuộc sống ấy có chi là vui thú nữa. Kẻ có trong bụng bồ chữ nghĩa, mà được trải qua thăng trầm dâu bể, sớm tối làm bạn với núi cao, vực sâu; đêm đêm trò chuyện với nghìn triệu tinh tú; lúc vào họan nạn, khi ra sinh tử; đem sở học giao du với cao sĩ trong thiên hạ, ứng sở học cho đồng bọc kiếm kế sinh nhai; tim mang nghìn dấu đạn, mắt chứa triệu sắc mầu, bàn tay cầm bút như hiền sĩ, cầm cuốc như nông phu, miệng đọc bát vạn kinh thư đông tây kim cổ, lại vừa có thể hát đồng dao với trẻ chăn trâu v.v… làm người như thế, há chẳng thú vị và mãn sinh lắm ru? Ấy mới thấy Catherall xui ta bám lấy cái nền tảng thứ hai của sự học này thật là ý nghĩa.
Cặp kè với sự học nhiều, sự từng trải nhiều, ấy chính là nhận xét nhiều (Seeing much). Ở đây, cần phải hiểu nhận xét hoàn toàn khác với phán xét, mà nhiều người do không phân biệt nổi hai khái niệm giản đơn này, đã đánh đồng, trộn lẫn hai khái niệm ấy lại với nhau, để khi nhận xét người khác luôn rơi vào tình trạng phán xét họ. Xin được nhấn mạnh rằng, giữa con người với con người, không ai có quyền được phán xét nhau, tất cả đều bình đẳng như nhau trong hữu hạn cuộc đời. Đến như chúa trời còn đợi đến ngày tận thế mới phán xét kẻ sống và người chết kia mà. Kẻ làm người hôm nay, nỡ phán nhau, ấy là vi thiên lý của trời, mà phần nhiều do nhầm khái niệm và đánh tráo khái niệm mà ra. Nên kẻ học trò đi học, luôn cần tự răn mình điều ấy. Vậy phải bàn đến cái ý tại sao lại phải nhận xét nhiều? Sỡ dĩ vậy, bởi có hai cái nguyên do: 1)- Muốn nhận xét được trước tiên phải có kiến thức và kinh nghiệm nhiều; 2)- Và, để nhận xét được cần phải biết dùng kiến thức và kinh nghiệm để phân tích, mổ xẻ vấn đề. Có cho mình được hai điều ấy, sẽ luôn cho mình được những nhận xét đúng, từ nhận xét đúng sẽ có được nhận thức đúng, từ nhận thức đúng sẽ có được hành động đúng. Hơn thế, chu trình vừa nói còn thiết lập cho ta thói quen tư duy logic, rất có lợi cho việc tư duy mọi vấn đề trong cuộc sống. Vậy, nhận xét nhiều để làm gì? Để học thêm một lần nữa! Nhiều người xem việc nhận xét như để thỏa cái lòng chinh phục người khác rằng, mình cao hơn thiên hạ một cái đầu, to hơn thiên hạ một cái mồm. Những điều ấy thật vô nghĩa, nếu không muốn nói là hợm hão. Điều cốt yếu của nhận xét là tìm ra sự thật, thấy được trong sự thật ấy cái hay, cái dở, đặng cùng mọi người rút kinh nghiệm. Rút kinh nghiệm là một cấp học cao hơn sự học thông thường, được chính ông-thầy-bản-thân giáo huấn, có độ tác động và hiệu ứng cao hơn nhiều lần ông thầy khác mình.
Rõ ràng thấy rằng, bộ ba S-S-S như đã dẫn, quả là ba cái nền tảng huyền vi của sự học. Tuy nhiên, mấy ai nỡ quan tâm trang bị cho mình một nhu cầu nho nhỏ, đó là xem bộ ba ấy như một điều kiện cần cho đạo học của mình(!?)
Đến đây, tạm xin cho người viết thưa một câu: Sở dĩ bậc học trò dám ngông cuồng ngồi nói Mấy lời về chữ “Học”, cũng bởi vì trót đọc được tâm tình của Montaine rằng: “Ta thích sự ngu dốt đi trước sự học vấn hơn là sự ngu dốt đi sau học vấn”( Nous préférons l’ignorance qui précède la science à l’ignorance qui la suit). Học trò biết rằng, nếu trời thương mà cho sống hết kiếp, thì với tuổi tam thập hôm nay của học trò, chẳng qua vẫn đang cố trình bày cái sự ngu dốt trước sự học vấn mà thôi.
Đã nói qua về mấy cái nền tảng của sự học, tạm coi như thế cũng đã sơ bản cho cái việc học rồi. Nhân hôm nay, ngồi trò chuyện với nhà thư pháp trẻ Trần Thanh Bình, hậu nhân của đất Châu Hoan xưa, vốn là “đất học” của bao đời nay nổi tiếng cả nước. Trong câu chuyện trà dư tửu hậu, có nhắc đến cụm từ “năng-khiếu-trội”. Trộm nghĩ, nói “vài lời về chữ Học”, mà không nói đến cái cụm từ ấy, quả là một thiếu sót đáng kể, vì nội nghĩa cụm từ “năng-khiếu-trội” rất liên quan và đóng vai trò không kém phần quan trọng trong đạo học xưa nay. Hơn thế, ai đó nhận ra trong mình được cái-năng-khiếu trội ấy, lại năng rèn cho sắc bén, hóa thành “cột cờ trong bó đũa”, biến thành bông hoa hồng lộng lẫy sắc hương giữa đám cỏ nhạt huê mờ, thì ít người không trở thành bậc hiền tài trong thiên hạ.
Nghe đồn, người Tây, bằng tiến bộ khoa học, đã có thể chứng minh rằng, trong bất kỳ một con người nào được sinh ra, dù họ xuất thân từ di truyền thế nào, họ đều có một “gien trội”, tạo nên cái “năng khiếu trội” tiềm tàng trong họ. Tuy nhiên, có người lớn lên và tự nhận ra cái năng khiếu trội ấy, tập trung hết mức mọi điều kiện để phát huy và thành công mỹ mãn trong cuộc sống; có người cả đời vẫn chẳng nhận ra, cứ mò mẫm lần mò hết việc này đến việc khác, cuối cùng chẳng việc gì ra việc gì, xôi hỏng bỏng không, lại trở về với “cái máng lợn” ban đầu chờ đổi kiếp; có người, lại nhờ may mắn trên đường đời gặp được minh sư, chỉ hộ và khai sáng cho cái năng khiếu ấy, và cũng thành đạt hơn người. Bởi thế, nên ở đây, ai đã tìm thấy trong mình cái năng-khiếu-trội, học trò xin chúc mừng; ai chưa tìm thấy, học trò cúi mong và cầu nguyện cho chóng tìm ra; và, ai đó đang còn mải miết trên còn đường vạn dặm, chưa tìm được minh sư chỉ điểm, học trò cũng thành tâm nguyện cho sớm tương kiến được.
Học giả Trần Khang Ninh, trong cuốn “Vòng giáp cuộc đời” có dẫn ra dài dòng về các ‘nhóm người” trên trái đất, đạy rằng, trên trái đất hiện nay có hơn 6 tỷ người, nhưng chung quy lại chỉ có 12 loại người với số phận giống nhau về những nét đại cương nhất. Rồi trong mỗi loại người hay một con giáp lại có 5 loại người khác nhau tương đồng về vận mệnh cuộc đời. Như vậy trên trái đất hiện nay chỉ có 5x12=60 “nhóm người”. Một con số ấn tượng và quả thực là khiêm tốn, nếu không muốn nói là quá đỗi nhỏ nhoi. Cả một hành tinh mà chỉ có 12 loại người trong 60 nhóm người. Thế nhưng, không một ai trong số họ giống nhau về tri thức, đồng nhau về nhận thức, dù có được sinh ra cùng một ngày, học cùng một lớp, thì rốt cùng, sở học vẫn khác nhau và… số phận cũng khác nhau. Lâu nay, có nhiều ý kiến cho rằng, sở dĩ sự khác nhau về “số phận” của họ là vì ba yếu tố: 1- Gien di truyền, 2- Giáo dục, 3- Môi trường. Học trò lại cho rằng chưa hẳn thế. Bởi căn cứ theo cái công thức kia, thì cùng lắm cũng chỉ tạo ra “đám đông” mà thôi, và, nếu may mắn thì mới có được “dị nhân” [hiểu với nghĩa người khác thường] thoát ra từ đám đông ấy. Bởi lẽ, vốn dĩ tạo hóa cho con người ai cũng có yếu tố “dị nhân” ngay từ khi chui ra từ lòng mẹ, yếu tố này là một trong những điều kiện, để dẫn họ leo lên cái bục-vinh-quang của đời họ, mà trời, đất và người đã dọn sẵn cho. Yếu tố “dị nhân” ấy, trong bài này học trò gọi là “năng-khiếu-trội”.
Xã hội hiện nay, các điều kiện về vật chất cho việc học là điều ít cần lo ngại. Dưới các cấp phổ thông, với ba nền tảng đã nói ở bài (III), cộng với một sự say mê học tập và có mục đích, thì khối lượng kiến thức cơ bản xem như tạm ổn. Nhưng đến năm cuối cấp PTTH, thì việc học sinh nhận ra cái “năng-khiếu-trội” của mình là vô cùng cần thiết. Bởi đây chính là “vị thần sức mạnh” để đưa các em vào giảng đường đại học, và hơn thế, sẽ soi đường cho các em tiến xa hơn ra đại lộ cuộc đời. Qua 12 năm học, đến đây, kiến thức cơ bản trong các em tạm đủ để các em có thể tư duy các vấn đề đơn giản trong cuộc sống, và từ điều đó, các nhà làm giáo dục mới dũng cảm đưa ra quyết định cho các em thi tuyển theo khối học, phân ra thành khối tự nhiên (A), khối xã hội (C) v.v… Một phần để “nhận diện” cái gọi là “năng-khiếu-trội” ở các em từ những năm cuối cấp, để hướng các em thi tuyển vào các trường chuyên môn, nhằm phát huy hết được cái khả năng vượt trội trong các em. Tuy nhiên, từ giai đọan chuyển giao này, và kể cả những năm trong đại học, nếu phát huy tốt năng khiếu trội trong bản thân và hoàn thành các nghĩa vụ học tập, thì các em mới chỉ trở thành “trò giỏi” mà thôi. Còn để trở thành người giỏi, người hiền tài, hay cao hơn là trở thành chuyên gia của một ngành nào đó, thì yếu tố “năng-khiếu-trội” còn phải phát huy ở cấp độ mạnh hơn nhiều.
Để minh chứng cho điều vừa nói, xin tạm nhắc lại câu chuyện “tiến sĩ” có nói trong bài (I) là, cả một nền giáo dục dài dằng dặc ngót ngàn năm lịch sử, mà danh sách tiến sĩ bi ký chỉ chưa được trăm cái bia, nhưng đọc lại sử Việt sẽ thấy rằng, ít ai trong 82 cái bia đá để tại Văn Miếu Quốc tử giám lại không có công trạng, nhiều thì lừnng lẫy khắp lân bang, ít thì rạng danh tòan quốc, ít nữa thì cũng bậc oai trấn vài vùng. Còn thời nay, tính đến thời điểm hiện thời đã có khoảng 1,5 vạn tiến sĩ[*] (nghe nói chưa về hưu), ấy là chưa kể chiến lược phát triển giáo dục 2009 – 2020, nếu thực thi thì con số ấy có thể lên tới hàng 5 vạn, 10 vạn tiến sĩ nữa!!! Thế nhưng, thử hỏi có mấy tiến sĩ vang danh khắp nước, có mấy công trình khoa học dân biết, dân nghe? Còn chưa kể đến việc, chỉ vì chút lợi danh về đề tài khoa học, mà các ông “học giả” còn nỡ đem nhau ra tòa, chẳng biết việc ấy tỷ như tòa có xử xong thì cái gì là lợi cho dân, ích cho nước! Đến đây, có thể thấy, “đám đông” không làm nên sự khác biệt, càng khó trở thành bậc chuyên gia, gắn năng-khiếu-trội với sở học bao năm thành người giúp dân độ nước. Mới hay, chuyện như chiếc nghiên “Tức mặc hầu” của vua Tự Đức, trong muôn vạn Đoan thạch mới cho được một Đoan nghiên hiếm quý, để một đế vương phải ưu ái phong hầu cho một vật vô giác vô tri; mới hay, trong muôn vạn người đi học, kiến thức ôm bao bồ, nhưng ít lắm “những bồ chữ” ấy vượt thoát lên, biến thành những công trạng vì dân vì nước, vì trách nhiệm đóng góp di sản của loài người cho cái hành tinh nhỏ bé này.
Trong câu chuyện của một nhà triệu phú người Mỹ quốc, trú tại thủ đô Hoa Thịnh Đối, mà sau này đã giúp làm giàu cho một nhà văn, khi đưa vào trong cuốn “Bí mật của nhà triệu phú” rằng, khi ông dạy cho nhà văn kia về “sự tập trung” và “bản năng vượt trội”, ông đã dẫn nhà văn ấy ra vườn hồng. Trong khu vườn có hàng nghìn cây hoa hồng nở rộ, bông nào như bông nấy, tỏa ngát hương thơm. Duy chỉ một cây đứng lạc ra ngoài, với một bông hồng to gần bằng bàn tay, lóng lánh soi sương qua từng cánh diễm lệ, nồng nàn tỏa ra một mùi hương tinh khiết và say đám. Nhà triệu phú hỏi nhà văn tại sao bông hồng ấy lại được như thế, và nhà văn ấy không trả lời được. Nhà triệu phú chỉ mỉm cười và nói, thật đơn giản, khi ta phát hiện trong bụi hồng này có một cây rất mập mạp, nó cứ oằn lên khỏi khỏi các cây khác như muốn chui lên để hôn ánh mặt trời, nên ta đã dùng kéo cắt hết những cây kia đi… và bây giờ nó được thế này!
Nhân vừa rồi có đọc được bài “Giải mã cử chỉ thông thường của người Việt” của Nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng, trong đó có đọan viết: “…rất ít người Việt có khả năng ngồi yên một chỗ năm sáu tiếng, làm nghiên cứu khoa học kiên trì ngày này qua ngày khác, theo đuổi một mục đích duy lý dài lâu. Trong suốt một ngàn năm phong kiến chỉ có hai người có khả năng ấy mà trở thành nhà nghiên cứu duy nhất, đó là Lê Quý Đôn và một người gần được như thế là Phan Huy Chú”. Nay, nhân cái ý đấy của Phan tiên sinh, học trò xin thưa về cái “nỗi cô đơn” đáng yêu và cần thiết của người học, mà thiếu nó, thời khó ai mà “học” được cái gì.
Sách “Trị gia cách ngôn” của Châu Bá Lư, cũng gọi là Châu-Dụng-Thuần, quê ở Côn Sơn, sống vào cuối đời nhà Minh đầu nhà Thanh, thế kỷ mười bảy bên Trung Hoa, có viết: “Độc thư, chí tại thánh hiền” (Đọc sách, chí theo thánh hiền). Và trong sách “Túi khôn của người xưa” lại có có câu: “Thập niên song hạ vô nhân vấn/ Nhất cử thành danh thiên hạ tri” ( Mười năm đèn sách không người hỏi/ Thi đỗ thành danh thiên hạ hay).
Thật là, kẻ đọc sách dưới hiên trăng đâu cần chi đếm xỉa chuyện ồn ã ở cõi ba đào, chí theo thánh hiền, lòng theo nghĩa sách. Đêm đêm tay son kề trán, thư tịch gối đầu. Kiến thức cổ kim tích tụ thiên kinh vạn quyển, mười năm đâu đủ mà bơi trong trí tuệ cổ nhân lẫn kim nhân. Nên, chính cái sự càng ‘cô đơn” thời lại càng ý nghĩa. Trong cái nỗi ngút trùng, chỉ một mình với trang sách ngụa vàng, nhưng ấy là đang chuyện trò cùng với núi xanh sông biếc, đang vi vu cùng bát tiên quá hải nghe sóng hát biển reo, đang luận đàm bút chương thi pháp với chư hiền nơi Ngõ Hạnh, đang chấm thủy điểm mặc lên trời xanh họa tiên nữ múa điệu hoan tình… Và, trong cái nỗi ngút trùng ấy, vang ra từ những dòng thư ngay ngắn thẳng hàng trên nền bạch chỉ, nào là những Puskin, Maxim Gorky, Rabindranath Tagore, Franz Kafka, Hermann Hesse, Nguyễn Du, Lỗ Tấn… đang nói chuyện văn chương; nào là Phục Hy, Lão Tử, Khổng Tử, Siddhārtha Gautama (Phật Thích ca), Jesus… thuyết luận về đạo lý con người; nào là Johannes Caterus, Friar Marin Mersenne, Antoine Arnauld… tranh bàn về thần học; rồi thì nào là những Karl Heinrich Marx, Vladimir Ilyich Lenin, Mao Trạch Đồng, Hồ Chí Minh… nói về chủ nghĩa cộng sản; nào là nghe Nietzsche, Martin Heidegger, Sartre, Jaspers… phơi bày về chủ nghĩa hiện sinh; hay chán cảnh triết học, văn chương, thì vui thú với những Bill Gates, Warren Buffett, Carlos Slim Helu, Ingvar Kamprad, Lakshmi Mittal… để nghe họ nói về tiền và con đường phát phú v.v… Ấy đâu còn là nỗi cô đơn, đâu còn là niềm cô độc! Nhưng mấy ai mỗi ngày “ngồi sáu tiếng” để mà nghiên cứu, để mà làm bạn với những cao nhân kia trong kim cổ đông tây. Thường thì kẻ học thời nay bận nhiều thứ quá. Xã hội ban cho họ đủ thứ lạc thú trên đời. Họ thừa nhàn rỗi mà lại thiếu thời gian. Họ hoang phí tuổi xanh mà không biết tiết kiệm cuộc đời. Họ bị đủ thứ xanh đỏ tím vàng mê hoặc. Họ được thả lỏng thân xác mà lại tự trói buộc tâm hồn mình trong những thứ cám dỗ tầm thường… Họ bận. Họ vui. Họ không muốn cô đơn và, trên hết, họ không muốn đánh đổi cả “thập niên” để đổi lấy thứ mà… cha mẹ họ có thể cho họ bằng nhiều cách, nhiều kiểu, nhiều lối, nhiều đường, nhiều ngã, nhiều ngõ, nhiều hẻm…[!]
Hẳn câu chuyện về Bodhidharma (Bồ-đề-đạt-ma) chín năm diện bích trong động thiếu Thất, Ngài đã đúc kết hết thảy tinh yếu vào trong hai cuốn Dịch Cân Kinh và Tẩy Thủy Kinh, trở thành tỵ tổ của Thiếu Lâm võ công và cũng là Sơ Tổ Thiền Tông Trung Hoa. Cái “hạt cô đơn” đã nẩy mầm, nhú lộc, mọc cây, đơm hoa, kết thành những trái ngọt như thế hẳn là xứng giá, hẳn là không thẹn với nhật nguyệt chi tình. Học giả, kí giả, nhà văn hóa Phạm Quỳnh từng có một câu: “Trong cảnh tịch mịch không những cái ác tâm dễ dẹp được, mà cái đạo tâm cũng dễ gây nên”. Cho hay, khi ta ở một mình, là khi ta đối diện với chính mình, lời ta đơn mà tai ta kép, ánh sáng tứ bề dội đến, ánh sáng nội ngã hun lên, ta thấy mọi vật như hiện nguyên hình từ trăm hình tướng. Lúc này ta cảm được nhiều nhất, ta lắng được nhiều nhất và quan trọng hơn là ta thấu được nhiều nhất. “Tất cả cái xấu của chúng ta bắt nguồn từ chỗ không biết sống một mình; từ đó đưa đến sự cờ bạc, xa xỉ, phóng đãng, rượu chè, gái trai, ngu dốt, đa nghi, đố kị, sự bỏ rơi chính mình và thượng đế” (Tout notre mal vient de ne pouvoir être seuls; de là le jeu, le luxe, la dissipation, le vin, les femmes, l’ignorance, la méfiance, l’envie, l’oubli de soi-même et de Dieu – La Bruyêre).
Ở trên, người viết có dẫn mấy cái nền tảng về sự học của Catherall là: 1)- Seeing much [nhận xét nhiều]. 2)- Suffering much [từng trải nhiều]. 3)- Studing much [học tập nhiều]. Sẽ có một chút gì đó mâu thuẫn với phần này, nếu như chỉ dừng hiểu về cái nghĩa tính từ của sự cô đơn là “Alone”. Nhưng cần phải hiểu ở đây, sự-cô-đơn ám chỉ về thái độ chủ động cô-đơn, nhằm dành nhiều, có khi là dành trọn vẹn thời gian dư dật, ngoài thời gian dành cho các sinh họat tối thiết, để cho việc học, tùy theo cấp độ quan trọng của từng giai đọan đời người. Xem việc học tập, nghiên cứu là một niềm vui khoa học; xem việc những nghiên cứu học tập ấy, khi đem ra cho đồng bọc ứng dụng thành công, làm việc ý nghĩa cao cả, thì trên đời còn có gì mãn thú hơn nữa. Chỉn e, núi xanh sông biếc đấy, nhưng xiêm y mũ mão còn xanh biếc hơn nhiều; chỉn e, văn triết thần minh chói ngời đấy, nhưng đèn mầu lập lòe xanh đỏ còn dục thú cao hơn; chỉn e, đạo lý bao đời son xếp nghìn trang đấy, nhưng dâm thư lạc thú còn tràn ngập kín lối băng thông đường phi cáp truyền tin… xã hội văn minh, xã hội văn minh, xã hội văn minh… “học với hành không bằng rành khoai mót”, sĩ phu không bằng… “chủ chi”, văn chương bán ký, cổ tịch đong cân, “đứng trước người Tây thì như nô lệ, đứng trước người ta lại như thực dân” (Bđd – Phan Cẩm Thượng)… Chỉn e, chỉn e… nhiều lắm lắm!
Tuy nhiên, dẫu biết những gì đã nói và vừa nói là tối ư quan trọng, nhưng, vẫn xin mượn lời của Julien Green để kết lại phần này và cũng để tự răn mình và nhắc ai còn đang ngộ nhận: “Lắm người đọc sách và nghiên cứu không phải để đạt đến chân lý, mà để tăng thêm lên cái “tôi” hèn mọn!”. Ôi, thế mới biết “Học giả nan! Học giả nan!”.
Mục đích của chữ “Học” là giúp con người nâng cao tầm dân trí, trang bị nền tảng kiến thức để tư duy, kích họat những khả năng tiềm tàng trong mỗi con người, nhằm tạo ra sản phẩm xã hội, đóng góp vào di sản nhữn