LÚA VÀNG BÌNH LỤC

  • Home
  • LÚA VÀNG BÌNH LỤC

LÚA VÀNG BÌNH LỤC Lúa Vàng với mục đích chia sẻ, cung cấp thông tin chính thống nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
(1)

Kỷ niệm 107 năm Cách mạng Tháng Mười Nga (7/11/1917 - 7/11/2024): Cuộc cách mạng của nhân dânTháng Mười năm 1917 ở Nga, ...
07/11/2024

Kỷ niệm 107 năm Cách mạng Tháng Mười Nga (7/11/1917 - 7/11/2024): Cuộc cách mạng của nhân dân

Tháng Mười năm 1917 ở Nga, bằng sức mạnh của nhân dân, dưới sự lãnh đạo của một đảng cộng sản chân chính, lần đầu tiên chính quyền đã thuộc về những người lao động nghèo.

Cách mạng Tháng Mười Nga là cuộc cách mạng do "những người nghèo" tiến hành với mục tiêu tự giải phóng mình để xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn. Thắng lợi và ý nghĩa của Cách mạng Tháng Mười Nga có ảnh hưởng lớn tới toàn thế giới và cách mạng Việt Nam.

"Mười ngày rung chuyển thế giới" của những người nghèo

Mười ngày rung chuyển thế giới là bút ký của nhà báo Mỹ đương thời John Reed, xuất bản năm 1919, viết về sự kiện Cách mạng Tháng Mười Nga một cách chân thực và toàn diện, giúp các thế hệ sau hiểu hơn về cuộc cách mạng vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại.

Cách mạng Tháng Mười Nga là cuộc cách mạng của đông đảo nhân dân. Công nhân, nông dân và những người lao động Nga đã được giải phóng. Nội dung của những lý tưởng cách mạng, phương thức tiến hành cuộc cách mạng và thắng lợi, sức mạnh tự bảo vệ của quần chúng nhân dân này đều phản ánh ý chí của đông đảo nhân dân Nga lúc đó.

Cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 thành công là khởi nguồn sự ra đời một chính quyền của đông đảo quần chúng nhân dân lao động. Chính quyền này khẳng định mạnh mẽ mục tiêu xây dựng xã hội tương lai tốt đẹp, văn minh, mang lại công bằng, hạnh phúc cho mọi người dân lao động.

Ngay trong đêm đầu tiên sau khi cách mạng thắng lợi, chính quyền Xô-viết đã ban hành Sắc luật hòa bình và Sắc luật ruộng đất. Hai sắc luật quan trọng này đã đáp ứng ngay lập tức những nhu cầu cấp bách của xã hội Nga khi đó. Sắc luật hòa bình đáp ứng khát vọng hòa bình của nhân dân Nga, chấm dứt những đau thương của họ vì cuộc chiến tranh chia lại thị trường của các thế lực tư bản lớn.

Sắc luật ruộng đất làm cho mơ ước ngàn đời của người nông dân về ruộng đất trở thành hiện thực. Chính quyền cách mạng còn khẳng định quyền bình đẳng giữa nam và nữ, quyền tự do tín ngưỡng, tách nhà thờ khỏi trường học, khẳng định sự bình đẳng và quyền tự quyết của các dân tộc.

Ngày 10/1/1918, Ðại hội Xô-viết toàn Nga thông qua Tuyên ngôn về quyền lợi của nhân dân lao động và bị bóc lột, khẳng định: Nước Nga là nước Cộng hòa Xô-viết với mục tiêu là xóa bỏ chế độ người bóc lột người, vì lợi ích của nhân dân lao động. Cách mạng Tháng Mười Nga đã thể hiện đúng là "một cuộc cách mạng của những người nghèo vì những người nghèo" - từ của John Reed. Chính "những người nghèo" đã bảo vệ vững vàng chính quyền Xô-viết của họ qua ba năm nội chiến khốc liệt, trước âm mưu can thiệp và lật đổ, trong vòng vây của 14 nước tư bản đế quốc.

Cách mạng Tháng Mười Nga là sự kiện lịch sử lớn, tạo nên những sự thay đổi mạnh mẽ trong địa chính trị thế giới nhiều thập niên sau. Với sự giải phóng công nhân, giải phóng những người lao động đang bị áp bức, bóc lột, Cách mạng Tháng Mười Nga là nguồn động viên, cổ vũ mạnh mẽ phong trào công nhân ở các nước châu Âu.

Ngay sau Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917, một cao trào đấu tranh của "những người nghèo" đã phát triển trong những năm 1918-1923 làm chấn động dữ dội các nước tư bản khi đó. "Những người nghèo" ở Nga cũng đã làm nên sự phát triển vững mạnh của Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô-viết trong những thập niên sau đó. Họ đóng vai trò to lớn cứu nhân loại khỏi họa phát-xít, góp phần quan trọng đưa loài người thoát khỏi ngọn lửa tàn khốc của cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai. Những thành tựu và đóng góp của nhân dân Liên Xô với thế giới trong những thập niên sau Cách mạng Tháng Mười Nga là rất lớn và không thể phủ nhận.

Thực tiễn của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 với nội dung giải phóng dân tộc, giải phóng con người sâu sắc đã thức tỉnh và cổ vũ tinh thần đấu tranh của các dân tộc còn đang phải chịu ách áp bức và bóc lột thuộc địa của thực dân dưới mọi hình thức, thôi thúc tất cả những người nghèo khổ đang chịu bất công trên thế giới đứng lên đấu tranh giành quyền độc lập. Trong thế kỷ 20, phong trào đấu tranh giải phóng của các dân tộc thuộc địa đã trở thành một trào lưu rộng lớn.

"Đem sức ta mà giải phóng cho ta"

Những tác động của Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và những luận điểm của V.I.Lênin về các vấn đề dân tộc và thuộc địa là yếu tố quan trọng để hình thành đường lối cách mạng của Nguyễn Ái Quốc và Ðảng Cộng sản Việt Nam, trực tiếp làm nên thắng lợi của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam Tháng Tám năm 1945.

Nguyễn Ái Quốc cũng là người đầu tiên cho rằng cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở các thuộc địa không hoàn toàn phụ thuộc vào cách mạng ở "chính quốc", nhân dân thuộc địa có thể đứng lên tự giải phóng mình và cuộc cách mạng có thể thắng lợi chỉ ở một nước thuộc địa. Luận điểm sáng tạo đó gần như tương đồng với luận điểm của V.I.Lênin về chiến thắng của cách mạng tại một nước "là khâu yếu nhất trong chuỗi xích" các nước tư bản.

Với tinh thần Ðem sức ta mà giải phóng cho ta và khẳng định luận điểm "Cách mệnh trước hết phải có Ðảng cách mệnh", "Ðảng có vững cách mệnh mới thành công" (Ðường cách mệnh), Nguyễn Ái Quốc đã nỗ lực không ngừng chuẩn bị về mọi mặt để thành lập một đảng cộng sản chân chính, đảm nhận vai trò lãnh đạo nhân dân Việt Nam đấu tranh giải phóng dân tộc. Cương lĩnh cách mạng đầu tiên của Ðảng Cộng sản Việt Nam do Người soạn thảo tuy vắn tắt song đã nêu được những điểm cơ bản, cốt lõi nhất về đường lối của cách mạng Việt Nam. Ðó cũng là tuyên bố lựa chọn con đường phát triển của cách mạng Việt Nam của Ðảng từ khi mới ra đời.

Ở Việt Nam đầu thế kỷ 20, nhiệm vụ giành độc lập dân tộc, giải phóng nhân dân khỏi ách áp bức thực dân là nhiệm vụ mang ý nghĩa cấp bách, sống còn. Trong cuộc đấu tranh này, Ðảng cần tập hợp được khối lực lượng đông đảo nhất, huy động được sức mạnh đoàn kết to lớn nhất mới bảo đảm giành được thắng lợi. Theo Hồ Chí Minh: Chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn của đất nước và khối đại đoàn kết dân tộc trên nền tảng của khối liên minh công-nông và trí thức là lực lượng to lớn, mang sức mạnh vĩ đại của cách mạng Việt Nam, đại đoàn kết là một chiến lược cách mạng. Trong khối đại đoàn kết rộng rãi và mạnh mẽ đó, số đông là "những người nghèo".

Những lý tưởng đã và đang được khẳng định

Những lý tưởng, những mục tiêu mấu chốt của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ðảng Cộng sản Việt Nam lĩnh hội và vận dụng trong quá trình lãnh đạo nhân dân Việt Nam đấu tranh giành độc lập dân tộc, mở ra kỷ nguyên mới cho đất nước - kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam là sự mở đầu thắng lợi của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc làm sụp đổ của hệ thống thuộc địa trên phạm vi toàn cầu. Những lý tưởng của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 được khẳng định trên thực tế ở Việt Nam 79 năm qua và vẫn được tiếp tục thực hiện trong bối cảnh mới. Hai cuộc cách mạng không chỉ được ghi nhận là những bước ngoặt trong lịch sử của hai dân tộc mà còn đánh dấu những quá trình biến chuyển lớn của lịch sử thế giới trong thế kỷ 20.

Những lý tưởng của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 vẫn cuốn hút "những người nghèo". Về bản chất, đó là cuộc đấu tranh hướng tới tương lai công bằng, bình đẳng trong những mối quan hệ quốc tế, hướng tới thiết lập trật tự thế giới tốt đẹp hơn, hướng tới tương lai phát triển của cả loài người và mỗi cá nhân, không phân biệt sắc tộc, tôn giáo và hệ thống chính trị.

NDO

Bốn ứng viên 9X trở thành tân phó giáo sư trẻ nhất 2024Trần Ngọc Mai, Nguyễn Hoàng Chung, Nguyễn Thị Hoa Hồng, Vũ Thu Tr...
07/11/2024

Bốn ứng viên 9X trở thành tân phó giáo sư trẻ nhất 2024

Trần Ngọc Mai, Nguyễn Hoàng Chung, Nguyễn Thị Hoa Hồng, Vũ Thu Trang là 4 ứng viên trẻ tuổi nhất đạt chuẩn chức danh phó giáo sư năm 2024.

Tân phó giáo sư trẻ nhất 2024 là Trần Ngọc Mai (SN 1991, quê Bình Lục, Hà Nam), làm việc tại khoa Kinh doanh quốc tế, Học viện Ngân hàng, ứng viên phó giáo sư ngành Kinh tế.

Cô tốt nghiệp cử nhân ngành Quản trị kinh doanh chuyên ngành Kinh doanh quốc tế, ngân hàng và thị trường tài chính tại Đại học Nebraska, Omaha, Mỹ, năm 2012. Ba năm sau, cô tốt nghiệp thạc sĩ ngành Kinh tế và tài chính; chuyên ngành Ngân hàng và tài chính tại trường Đại học London, Queen Mary, Anh.

Sau khi nhận bằng tốt nghiệp ứng viên Trần Ngọc Mai về nước và công tác tại Học viện Ngân hàng. Cô nhận bằng tiến sĩ vào năm 2021 tại trường Đại học Ngoại thương Hà Nội.

Tân PGS Mai từng trải qua các vị trí như: giảng viên bộ môn Thanh toán quốc tế, khoa Ngân hàng; giảng viên bộ môn Đầu tư quốc tế, khoa Kinh doanh quốc tế. Hiện nữ giảng viên là phó chủ nhiệm bộ môn Đầu tư quốc tế, khoa Kinh doanh quốc tế, Học viện Ngân hàng.

Trong quá trình nghiên cứu, Trần Ngọc Mai công bố 31 bài báo khoa học, trong đó 6 bài trên tạp chí quốc tế có uy tín sau khi được công nhận tiến sĩ (6 bài là tác giả chính).

Nữ ứng viên này cũng chủ trì 2 đề tài nghiên cứu cấp cơ sở được nghiệm thu với kết quả giỏi và xuất sắc, tham gia viết 2 sách tham khảo chuyên ngành. Ngoài ra, tân PGS Mai còn tích cực hỗ trợ và định hướng các giảng viên trẻ và sinh viên trong hoạt động nghiên cứu khoa học tại Học viện Ngân hàng.

Bên cạnh PGS Trần Ngọc Mai, còn 3 ứng viên đạt chuẩn chức danh phó giáo sư cũng thuộc thế hệ 9X gồm: Nguyễn Hoàng Chung, Nguyễn Thị Hoa Hồng, Vũ Thu Trang.

Tân phó giáo sư Nguyễn Hoàng Chung (SN 1990, quê quán Phù Mỹ, Bình Định), công tác tại trường Đại học Thủ Dầu Một, Bình Dương. Ứng viên Chung tốt nghiệp đại học năm 2012 ngành Kinh tế, chuyên ngành Tài chính - Ngân hàng tại trường Đại học Ngân hàng TP.HCM.

Năm 2017 và 2020, anh lần lượt nhận bằng thạc sĩ, tiến sĩ cũng tại trường Đại học Ngân hàng TP.HCM cùng ngành và chuyên ngành như trên.

Theo lý lịch khoa học, anh Chung công bố 43 bài báo khoa học, trong đó 14 bài báo khoa học trên tạp chí, hội thảo quốc tế có uy tín thuộc danh mục ISI/Scopus, 14 bài báo khoa học công bố sau khi được công nhận tiến sĩ, xuất bản 2 sách, chương sách thuộc nhà xuất bản có uy tín, trong đó chủ biên 1 sách chuyên khảo trong nước; đồng chủ biên 1 chương sách tham khảo (quốc tế).

Tân phó giáo sư Nguyễn Hoàng Chung (ảnh 1), Nguyễn Thị Hoa Hồng (ảnh 2).

Tân phó giáo sư Nguyễn Thị Hoa Hồng (SN 1990, quê quán huyện Lý Nhân, Hà Nam), công tác tại trường Đại học Ngoại thương. Cô tốt nghiệp đại học năm 2012, ngành Tài chính ngân hàng, chuyên ngành Tài chính quốc tế tại trường Đại học Ngoại thương.

Sau đó 1 năm, ứng viên này được cấp bằng thạc sĩ ngành Tài chính và ngân hàng quốc tế, chuyên ngành Tài chính và ngân hàng quốc tế tại trường Đại học Northampton, Vương quốc Anh. Năm 2019, cô được cấp bằng tiến sĩ ngành Kinh doanh, chuyên ngành Quản trị Kinh doanh tại trường Đại học Ngoại thương.

Cô Hồng công bố 59 bài báo khoa học, trong đó 8 bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế có uy tín (ISI/ESCI/Scopus); số lượng sách đã xuất bản 2, trong đó thành viên 1 sách giáo trình và chủ biên 1 sách tham khảo.

Tân phó giáo sư Vũ Thu Trang đạt chuẩn chức danh phó giáo sư thuộc Hội đồng Giáo sư ngành Tâm lý học (SN 1990, quê quán Vĩnh Bảo, Hải Phòng), công tác trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Cô được cấp bằng đại học năm 2013, ngành Tâm lý học, chuyên ngành Tâm lý học tại Đại học Quốc gia Singapore. Năm 2017, bà được cấp bằng tiến sĩ Tâm lý học, chuyên ngành Tâm lý học tại Học viện Khoa học xã hội.

Ứng viên Vũ Thu Trang công bố 53 bài báo khoa học, trong đó 15 bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế có uy tín. Số lượng sách đã xuất bản 3 cuốn, trong đó 1 cuốn thuộc nhà xuất bản quốc tế.

Theo VTCNEWS

🇻🇳🤝🇺🇸 LÃNH ĐẠO ĐẢNG, NHÀ NƯỚC, CHÍNH PHỦ GỬI ĐIỆN CHÚC MỪNG ÔNG DONALD TRUMP---️🎉 Nhân dịp ông Donald Trump được bầu làm...
07/11/2024

🇻🇳🤝🇺🇸 LÃNH ĐẠO ĐẢNG, NHÀ NƯỚC, CHÍNH PHỦ GỬI ĐIỆN CHÚC MỪNG ÔNG DONALD TRUMP
---
️🎉 Nhân dịp ông Donald Trump được bầu làm Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, hôm nay (7/11), Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gửi điện chúc mừng.
Lãnh đạo cấp cao Việt Nam khẳng định, Việt Nam coi Hoa Kỳ là đối tác có tầm quan trọng chiến lược và tin tưởng rằng với nền tảng vững chắc đã được gây dựng bởi nhiều thế hệ lãnh đạo hai nước trong gần 3 thập kỷ qua, với sự ủng hộ mạnh mẽ của Tổng thống Donald Trump trong nhiệm kỳ thứ nhất cũng như nhiệm kỳ mới, quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ sẽ tiếp tục phát triển sâu rộng, hiệu quả, bền vững, vì lợi ích và mong muốn của nhân dân hai nước và vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.

Cùng ngày, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cũng đã gửi điện mừng tới Phó Tổng thống đắc cử James David Vance.

Thông tin Chính phủ

Đại biểu HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thường lệ cuối năm 2024* Sáng 6/11, chuẩn bị cho Kỳ họp thường lệ cuối n...
06/11/2024

Đại biểu HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thường lệ cuối năm 2024

* Sáng 6/11, chuẩn bị cho Kỳ họp thường lệ cuối năm 2024, Tổ đại biểu HĐND tỉnh do đồng chí Trương Công Khải, Bí thư Huyện ủy Bình Lục làm trưởng đoàn đã về tiếp xúc cử tri xã Bình Nghĩa (Bình Lục).

Tại buổi tiếp xúc, đại diện Tổ đại biểu HĐND tỉnh đã thông báo với cử tri dự kiến thời gian, địa điểm, nội dung, chương trình của Kỳ họp thường lệ cuối năm HĐND tỉnh, HĐND huyện; thông báo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2024, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025; việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri tại Kỳ họp thường lệ giữa năm 2024.

Cử tri xã Bình Nghĩa đã nêu những ý kiến, kiến nghị với đại biểu HĐND tỉnh, HĐND huyện một số vấn đề: xem xét có cơ chế hỗ trợ cho các hộ dân thuộc diện giải phóng mặt bằng (GPMB) nói chung, nhất là các hộ thuộc diện đất thầu, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho công tác GPMB trên địa bàn. Một số ý kiến về việc thực hiện Dự án xây dựng tuyến đường vành đai 5 và đường song hành, các hộ dân thuộc diện GPMB có nguyện vọng đề nghị HĐND các cấp, các cơ quan chức năng xem xét giải quyết khu tái định cư nằm trên địa bàn Ngô Khê, để thuận lợi cho việc sinh sống và sản xuất nông nghiệp của nhân dân.

Từ năm học 2024-2025, các trường THCS không còn được trích lại 60% học phí để sử dụng như những năm trước, đồng thời theo Nghị quyết HĐND tỉnh tạm dừng việc thu các khoản dịch vụ hỗ trợ như: Trông coi xe, nước uống, vệ sinh, văn phòng phẩm phục vụ các kỳ kiểm tra, khảo sát… trong khi thực tế các dịch vụ này vẫn phải cung cấp cho học sinh dẫn đến rất khó khăn cho các nhà trường. Đề nghị tỉnh nghiên cứu xem xét có chủ trương tháo gỡ khó khăn.

Thay mặt Tổ đại biểu HĐND tỉnh, HĐND huyện đồng chí Trương Công Khải tiếp thu ý kiến, kiến nghị, đề xuất của cử tri; đồng thời, trả lời, giải đáp một số nội dung thuộc thẩm quyền. Với những ý kiến, kiến nghị không thuộc thẩm quyền, đại biểu HĐND tỉnh, HĐND huyện xin tiếp thu, tổng hợp và chuyển đến các cấp, ngành chức năng có thẩm quyền phối hợp giải quyết.

Chuẩn bị cho Kỳ họp thường lệ cuối năm 2024 HĐND tỉnh khóa XIX, nhiệm kỳ 2021-2026, sáng 6/11, các đại biểu HĐND tỉnh đã tổ chức các tổ đi tiếp xúc cử tri tại các địa phương trong tỉnh.

Nguồn baohanam.com.vn

Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm: 'Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả'(Chinhphu.vn) - Cổng TTĐT Chính ph...
06/11/2024

Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm: 'Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả'
(Chinhphu.vn) - Cổng TTĐT Chính phủ trân trọng giới thiệu bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề "Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả".

1. Trong mọi giai đoạn cách mạng, Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt coi trọng nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng, tăng cường hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. Đây là một trong những yếu tố then chốt đưa Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành người cầm lái vĩ đại, người thuyền trưởng tinh anh đưa con thuyền cách mạng Việt Nam vượt mọi thác ghềnh, giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác. Điểm hội tụ chiến lược sau 40 năm đổi mới đất nước đang đem đến cơ hội lịch sử đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; cũng đặt ra yêu cầu cấp bách thực hiện quyết liệt cuộc cách mạng nhằm xây dựng hệ thống chính trị thật sự tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn Cách mạng mới.

Mô hình tổng thể tổ chức bộ máy hệ thống chính trị nước ta từ năm 1945 đến nay cơ bản ổn định gồm 3 khối (Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội). Với cơ chế vận hành Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ, tổ chức bộ máy của từng khối đã có sự điều chỉnh để đáp ứng yêu cầu cách mạng của từng giai đoạn lịch sử. Từ Hội nghị Trung ương 6 khóa VI đến nay, khái niệm “Hệ thống chính trị” chính thức được sử dụng đánh dấu sự phát triển tư duy, nhận thức của Đảng về yêu cầu, nhiệm vụ đối với hệ thống chính trị trong thời kỳ đổi mới.

Bước vào thời kỳ đẩy mạnh công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xuất phát từ tầm quan trọng đặc biệt và đòi hỏi cấp thiết từ thực tiễn phát triển nóng bỏng của đất nước, qua nhiều kỳ đại hội, nhất là trong các đại hội gần đây, trong Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ IX, XII, XIII đều nhấn mạnh các nhiệm vụ cụ thể về tinh gọn tổ chức bộ máy hoặc nghiên cứu xây dựng mô hình tổng thể tổ chức bộ máy hệ thống chính trị trong giai đoạn mới. Từ Đại hội VII đến nay, Đảng ta liên tục ban hành nhiều Nghị quyết, Kết luận để lãnh đạo thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn tổ chức bộ máy hoạt động hiệu lực hiệu quả, như: Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa VII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 09/2/2007 Ban Chấp hành Trung ương khóa X về đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan Đảng, định hướng đổi mới tổ chức bộ máy Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; Nghị quyết số 17-NQ/TW, ngày 01/8/2007 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước; Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 02/2/2008 Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; Nghị quyết số 12-NQ/TW, ngày 16/01/2012 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng; Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 03/6/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; Kết luận số 50-KL/TW, ngày 28/2/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 18; Kết luận số 37-KL/TW, ngày 02/2/2009 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chiến lược cán bộ đến năm 2020; Kết luận số 63-KL/TW, ngày 27/5/2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI một số vấn đề về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và định hướng cải cách đến năm 2020; Kết luận số 64-KL/TW, ngày 28/5/2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính trị từ Trung ương; Kết luận số 62-KL/TW, ngày 8/12/2009 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội; Nghị quyết số 39-NQ/TW, ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Thực hiện các Nghị quyết, Kết luận của Đảng, hệ thống tổ chức đảng các cấp, bộ máy Nhà nước từ Trung ương tới cơ sở, tổ chức cơ quan Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội từng bước được đổi mới, phát huy hiệu lực, hiệu quả; chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của từng tổ chức trong hệ thống chính trị được phân định, điều chỉnh hợp lý hơn, từng bước đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Hệ thống chính trị cơ bản ổn định, phù hợp với Cương lĩnh và Hiến pháp; bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Thông qua vai trò, sức mạnh của hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta đã bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng; giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền; kinh tế xã hội phát triển, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của nhân dân. Những đổi mới về thể chế, trọng tâm là đổi mới công tác tổ chức bộ máy hệ thống chính trị là một trong những điều kiện cơ bản, quyết định đạt được những thành tựu vĩ đại sau 40 năm đổi mới đất nước.

Qua 07 năm thực hiện Nghị quyết số 18 ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị chúng ta đã đạt được một số kết quả quan trọng, bước đầu tạo chuyển biến tích cực trong đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong hệ thống chính trị. Tuy nhiên, nhận thức và hành động của một số cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, người đứng đầu ở một số cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương chưa đầy đủ, chưa sâu sắc, quyết tâm chưa cao, hành động chưa quyết liệt, việc sắp xếp tổ chức bộ máy chưa đồng bộ, tổng thể, chưa gắn tinh giản biên chế với cơ cấu lại... một số bộ, ngành còn ôm đồm nhiệm vụ của địa phương, dẫn đến tồn tại cơ chế xin-cho, dễ này sinh tham nhũng, lãng phí, tiêu cực... Chính vì vậy, cho đến nay tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, quan hệ công tác giữa nhiều cơ quan, bộ phận chưa thật rõ ràng, còn trùng lắp, chồng chéo; phân định trách nhiệm, phân cấp, phân quyền chưa đồng bộ, hợp lý, có chỗ bao biện làm thay, có nơi bỏ sót hoặc không đầu tư thích đáng… Chất lượng tham mưu, đề xuất của một cơ quan, tổ chức đảng với Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đối với một số lĩnh vực còn hạn chế; năng lực điều phối, hướng dẫn, tổ chức thực hiện trong toàn Đảng chưa đáp ứng yêu cầu đề ra; phân định phạm vi quản lý đa ngành, đa lĩnh vực của các bộ chưa triệt để; một số nhiệm vụ liên thông, gắn kết nhau hoặc cùng một lĩnh vực nhưng giao cho nhiều bộ quản lý. Tổ chức bộ máy của một số cấp, ngành đến nay cơ bản vẫn giữ nguyên về số lượng, việc sắp xếp chưa gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả, xác định vị trí việc làm, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ. Bộ máy trong bộ, cơ quan ngang Bộ còn nhiều tầng nấc, có cấp không rõ địa vị pháp lý; đơn vị trực thuộc có tư cách pháp nhân tăng, gia tăng tình trạng “Bộ trong Bộ”. Tinh giản biên chế mới tập trung giảm số lượng, chưa gắn với nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ.

Những tồn tại, hạn chế, sự chậm chạp, thiếu quyết liệt trong thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị gây ra nhiều hệ luỵ nghiêm trọng. Bộ máy cồng kềnh gây lãng phí và kìm hãm sự phát triển, là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều chủ trương, chính sách của Đảng chậm đi vào thực tiễn cuộc sống hoặc một số chủ trương không được triển khai hoặc triển khai hình thức trên thực tế. Sự chồng chéo, phân định không rõ chức năng, nhiệm vụ dẫn đến không rõ trách nhiệm, “lấn sân”, cản trở, thậm chí “vô hiệu hóa” lẫn nhau, làm giảm tính chủ động, sáng tạo, dẫn đến năng suất lao động, hiệu suất công tác thấp, đùn đẩy trách nhiệm, tiêu cực, cản trở phát triển, phát sinh phiền nhiễu, giảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Tầng nấc trung gian dẫn đến mất thời gian qua “nhiều cửa” thủ tục hành chính, gây cản trở, thậm chí tạo điểm nghẽn, làm lỡ cơ hội phát triển. Chi phí vận hành hệ thống tổ chức bộ máy lớn, làm giảm nguồn lực cho đầu tư phát triển, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. So với những thay đổi to lớn của đất nước sau 40 năm đổi mới, sự phát triển của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và những thành tựu khoa học công nghệ; tổ chức bộ máy hệ thống chính trị nước ta tuy đã được đổi mới ở một số bộ phận, nhưng cơ bản vẫn theo mô hình được thiết kế từ hàng chục năm trước, nhiều vấn đề không còn phù hợp với điều kiện mới là trái với quy luật phát triển; tạo ra tâm lý “Nói không đi đôi với làm”.

2. Thời điểm 100 năm đất nước ta dưới sự lãnh đạo Đảng và 100 năm thành lập nước không còn xa, để đạt được các mục tiêu chiến lược, không chỉ đòi hỏi những nỗ lực phi thường, những cố gắng vượt bậc, mà còn không cho phép chúng ta chậm trễ, lơi lỏng, thiếu chính xác, thiếu đồng bộ, thiếu nhịp nhàng trên từng bước đi; muốn vậy cần khẩn trương thực hiện cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, với một số công tác trọng tâm, sau đây:

Thứ nhất: xây dựng và tổ chức thực hiện trong toàn hệ thống chính trị mô hình tổng thể tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam đáp ứng những yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới. Tập trung tổng kết 07 năm thực hiện Nghị quyết số 18 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, đánh giá nghiên túc, toàn diện về tình hình và kết quả đạt được, những ưu điểm, khuyết điểm, hạn chế, vướng mắc, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm trong quá trình thực hiện Nghị quyết; đề xuất, kiến nghị với Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Tổng kết phải tiến hành khách quan, dân chủ, khoa học, cụ thể, sâu sắc, cầu thị, sát đúng với tình hình thực tiễn từ đó đề xuất mô hình tổ chức mới, đánh giá ưu điểm và tác động khi thực hiện mô hình mới, phải bám sát Hiến pháp, Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, các nguyên tắc của Đảng, các Nghị quyết của Trung ương... bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, liên thông, một cơ quan thực hiện nhiều việc, một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì và chịu trách nhiệm chính; khắc phục triệt để chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, chia cắt về địa bàn, lĩnh vực; hạn chế tổ chức trung gian; xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể trên cơ sở tính đảng, tính hợp lý, tính hợp pháp.

Thứ hai: tập trung hoàn thiện thể chế theo tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng” để nhanh chóng đưa chủ trương của Đảng đi vào thực tiễn cuộc sống. Rà soát các quy định pháp luật có liên quan để chủ động chuẩn bị sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới theo đúng quy định, bảo đảm chủ trương của Đảng được triển khai nhanh nhất sau khi được Trung ương thống nhất thông qua. Tập trung hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị, gắn với tinh thần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền với phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, Trung ương, Chính phủ, Quốc hội tăng cường hoàn thiện thể chế, giữ vai trò kiến tạo và tăng cường kiểm tra, giám sát và cải cách tối đa thủ tục hành chính, giảm chi phí, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân và doanh nghiệp. Quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong bộ máy nhà nước, bảo đảm sự phân biệt rõ cấp ban hành chủ trương, chính sách, pháp luật với cấp tổ chức thực hiện.

Thứ ba: gắn tinh gọn tổ chức bộ máy với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ, biên chế hợp lý, chuẩn hóa chức danh. Ban hành quy định về khung tiêu chuẩn, tiêu chí bố trí cán bộ ở từng cấp, từ Trung ương tới cơ sở, từng loại hình để chủ động rà soát, xác định có thể bố trí ngay. Đổi mới mạnh mẽ công tác tuyển dụng, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, đánh giá cán bộ theo hướng thực chất, vì việc tìm người, trên cơ sở sản phẩm cụ thể đo đếm được, không có vùng cấm, không có ngoại lệ trong đánh giá cán bộ. Có cơ chế hữu hiệu sàng lọc, đưa ra khỏi vị trí công tác đối với những người không đủ phẩm chất, năng lực, uy tín và sử dụng đối với người có năng lực nổi trội.

V.I Lênin khi nói về cải tiến bộ máy Nhà nước đã nhấn mạnh: “Phải tuân theo qui tắc này: thà ít mà tốt... Tôi biết rằng giữ vững qui tắc ấy và vận dụng được nó vào tình hình thực tế của chúng ta là khó khăn... Tôi biết rằng sẽ phải kháng cự một cách mãnh liệt, sẽ phải tỏ ra kiên trì phi thường... Song tôi vẫn tin chắc rằng chỉ có tiến hành công tác đó, chúng ta mới có thể xây dựng được một nước cộng hòa thật sự xứng danh là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô- Viết”[1]; xây dựng tổ chức bộ máy hiệu lực hiệu quả là công việc khó khăn, phức tạp, đòi hỏi sự đoàn kết, thống nhất, dũng cảm, sự hy sinh của từng cán bộ, đảng viên cùng với quyết tâm rất cao của toàn Đảng, cả hệ thống chính trị, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp, tất cả vì một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh, sớm sánh vai với các cường quốc năm châu.

Tổng Bí thư Tô Lâm

[1] V.I. Lenin: Toàn tập, NXB Tiến bộ, Mátxcơva, 1979, t.45, tr.445.

http://xn--ngunbaochinhphu-5n5h.vn/

06/11/2024
Trao tặng 57,6 triệu đồng hỗ trợ 5 hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng trên địa bàn huyện Bình LụcChiề...
05/11/2024

Trao tặng 57,6 triệu đồng hỗ trợ 5 hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng trên địa bàn huyện Bình Lục

Chiều 4/11, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Bình Lục phối hợp với Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Hà Nam, Viễn thông Hà Nam tổ chức chương trình trao kinh phí hỗ trợ cho các hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng trên địa bàn huyện Bình Lục.

Dự hội nghị có các đồng chí: Lê Thị Thủy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Thị Ngân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh.

Theo báo cáo của UBND huyện Bình Lục, đầu năm 2023, toàn huyện còn 9 hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng với 16 nhân khẩu. Đến thời điểm hiện tại, huyện Bình Lục còn 5 hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng, các hộ đều đủ điều kiện hưởng trợ cấp theo Quyết định số 38/2022/QĐ-UBND ngày 5/9/2022 của UBND tỉnh Hà Nam quy định mức hỗ trợ đối với thành viên hộ nghèo là người có công với cách mạng đang hưởng chính sách trợ cấp ưu đãi hằng tháng trên địa bàn tỉnh.

Tại hội nghị, đại diện Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Bình Lục, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Hà Nam, Viễn thông Hà Nam đã trao tặng tổng kinh phí hỗ trợ là 57,6 triệu đồng cho 5 hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng trên địa bàn. Với mức hỗ trợ này, mỗi hộ bảo đảm số tiền sinh hoạt 1,5 triệu đồng/hộ/tháng (bao gồm cả tiền trợ cấp hằng tháng). Chương trình hỗ trợ sẽ được Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Hà Nam và Viễn thông Hà Nam duy trì thường xuyên cho đến khi các hộ thoát nghèo.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Lê Thị Thủy nhấn mạnh: Phát huy truyền thống đoàn kết, “Tương thân, tương ái”, “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, những năm qua, cấp ủy, chính quyền, mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã triển khai thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với người có công với cách mạng. Nhờ đó, nhiều hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng đã vươn lên thoát nghèo, ổn định đời sống. Chương trình trao kinh phí hỗ trợ cho hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng trên địa bàn huyện Bình Lục do Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Hà Nam và Viễn thông Hà Nam tổ chức là việc làm thể hiện trách nhiệm và lòng biết ơn sâu sắc đối với những thế hệ người có công với cách mạng đã cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Đây là sự động viên rất thiết thực, kịp thời, giúp các hộ nghèo có thêm động lực vươn lên trong cuộc sống.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cảm ơn Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Hà Nam, Viễn thông Hà Nam và các nhà hảo tâm đã quan tâm, chia sẻ, tích cực tham gia hoạt động nhân đạo, từ thiện, nhất là chăm lo cho hộ nghèo, gia đình có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy mong muốn, thời gian tới, các đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm tiếp tục đồng hành cùng cấp ủy, chính quyền, MTTQ, ban, ngành, đoàn thể tỉnh trong công tác an sinh xã hội nói chung, hỗ trợ kinh phí giúp đỡ hộ nghèo, gia đình có công với cách mạng nói riêng, phấn đấu đến năm 2030, Hà Nam là tỉnh tiếp theo trên cả nước không còn hộ nghèo. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị Ban Thường vụ Huyện ủy Bình Lục tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt sâu sắc và triển khai hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng; thực hiện tốt chính sách, pháp luật đối với người có công; tăng cường thu hút nguồn lực xã hội, đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, góp phần bù đắp những thiệt thòi cho người có công và gia đình có công với cách mạng.

https://baohanam.com.vn/xa-hoi/ho-tro-kinh-phi-cho-5-ho-ngheo-co-thanh-vien-la-nguoi-co-cong-voi-cach-mang-tren-dia-ban-huyen-binh-luc-140025.html

Address


Website

Alerts

Be the first to know and let us send you an email when LÚA VÀNG BÌNH LỤC posts news and promotions. Your email address will not be used for any other purpose, and you can unsubscribe at any time.

Shortcuts

  • Address
  • Alerts
  • Claim ownership or report listing
  • Want your business to be the top-listed Media Company?

Share