26/09/2021
Bé gái 4 tuổi, là F0, đứng chắp tay trước bàn thờ mẹ trong căn phòng trọ. Đôi bàn tay bé nhỏ, đơn độc đưa ra đỡ bình tro cốt. Hình ảnh ấy níu chân Thiếu tá Nguyễn Trung Kiên, anh không thể quay đi...
Hơn một tháng trước, ngày 8/8, khi cùng đồng đội đến trao tro cốt người phụ nữ 44 tuổi tên N.T.N.Ng tại khu xóm trọ ở Phường Tam Phú, TP Thủ Đức.
Trước mắt anh là một bé 4 tuổi bước ra từ trong căn phòng trọ tồi tàn, đưa hai tay đón nhận bình tro cốt của mẹ. Rồi cũng chỉ đôi bàn tay bé bỏng, non nớt ấy, một mình, chắp lại, vái lạy mẹ trước chiếc bàn thờ đơn sơ được những người hàng xóm trong khu trọ giúp lập ra.
Mất mẹ, bé Phạm Thị Ngọc Châu chỉ còn một mình. Bé cũng là F0, trước đó nhập viện điều trị cùng mẹ. Sau khi đỡ bệnh, Châu được về nhà cách ly, nào đâu hay mẹ sẽ không bao giờ trở lại, sẽ không bao giờ ôm bé nữa...
Nhìn cảnh cháu bé chắp tay trước bàn thờ mẹ, nhìn căn phòng trọ trống trơn, không có bất cứ đồ vật nào giá trị tối thiểu đối với người ở thuê, anh Kiên đã không còn giữ nổi, bắt nước mắt chảy ngược vào trong thêm được nữa.
Cả dãy trọ ai cũng khó khăn, toàn là F0. Mọi người vẫn giúp bé gái lập cho người mẹ bàn thờ tuy đơn sơ nhưng tươm tất. Anh Kiên nghĩ, hẳn người chị phải là người thế nào.
Hỏi han thêm, anh nghe hàng xóm kể, cha bé Châu đã bỏ đi khi cháu vừa chào đời. Người mẹ một mình làm tất cả mọi việc có thể như phụ hồ, làm mướn, nhặt ve chai... để nuôi con. Đời sống hai mẹ con chị Ng. khó khăn, đến một chiếc xe máy cà tàng để đi chở hàng cũng không có tiền mua nhưng hai mẹ con rất lạc quan, nhiệt tình và tự trọng. Không than thở, không xin xỏ...
Giữa đau thương của dịch bệnh, bao nhiêu bi kịch nhưng còn nỗi đau nào chua xót như cảnh đứa trẻ 4 tuổi mất mẹ, không có lấy một người thân bên cạnh. Là bố của hai con nhỏ, bé sau cũng bằng tuổi Châu, lúc đó, anh Kiên chỉ có một suy nghĩ: "Nhất định phải làm gì cho cháu! Ngay bây giờ bởi cháu không thể chờ, dù chỉ một ngày!".
Anh Kiên xin ý kiến từ Ban chỉ huy, đưa bé Châu vào khu cách ly của phường và đưa tro cốt của người mẹ trở về đơn vị. Anh cũng quyết định nhận làm cha đỡ đầu của bé Châu, ít nhất phải lo cho con đến năm 18 tuổi.
Hai cha con thường liên lạc qua điện thoại. Anh Kiên cũng thường tranh thủ qua khu cách ly thăm con, dù lúc đó chỉ đứng nhìn từ xa. Đến ngày bản thân được test âm tính, bé Châu cũng được khẳng định hoàn toàn khỏi bệnh, anh Kiên mới được bế bồng cô con gái nuôi. Anh càng cảm nhận rõ sự hụt hẫng, trống trải của đứa trẻ chưa từng biết tình cha, giờ lại mất mẹ.
Việc đầu tiên trong vai trò cha đỡ đầu của anh là hành trình tìm người thân cho con. Qua mọi kênh liên lạc, anh tìm được bà ngoại của cháu và người cô ruột ở Vũng Tàu.
Con trai mất, bà ngoại bé Châu lâu nay sống cùng người con dâu tốt bụng, một mình đi làm nuôi mẹ chồng và hai con. Đến tận nơi thăm gia đình, biết hoàn cảnh, nhìn căn nhà đã xuống cấp trầm trọng, anh biết rất khó để gửi bé Châu ở đây.
Tuy vậy, anh vẫn ấp ủ ý định sẽ tìm cách hỗ trợ bà ngoại và mợ cháu lợp lại mái, sửa chữa căn nhà dột trong, thủng ngoài. Sau khi cân nhắc và bàn bạc cùng gia đình Châu, anh đưa bé về cho người cô ở Vũng Tàu chăm sóc.
Về phương án gửi cháu vào các trung tâm dành cho trẻ mồ côi, anh Kiên không nghĩ đến. Theo anh, có thể ở đó cháu được chăm sóc tốt, được ăn học đầy đủ hơn nhưng không phù hợp với bé Châu. Cháu còn quá nhỏ, cháu cần được kết nối với máu mủ, với ruột thịt... dù có thể đói ăn đói mặc hơn.
Anh cũng lên kế hoạch cho tình thế nếu cháu không thể sống với người thân, anh sẽ đón cháu về nhà mình. Nhưng anh xác định, đây là phương án cuối cùng, khi không còn cách nào khác.
Anh bảo "Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, với một đứa trẻ, không đơn thuần chỉ là việc nuôi ăn, nuôi học. Việc biết nguồn gốc, gia đình, người thân của mình, được kết nối với máu mủ là chuyện vô cùng thiêng liêng với mỗi con người. Chờ sau này lớn lên, cháu mới đi tìm, kết nối với người thân sẽ nan giải vô cùng"
Cre Hà Phan