12/07/2021
Nỗ lực hợp tác giữa các bên trong chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm: CGIAR tổ chức đối thoại với các đối tác tại Việt Nam
Chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm có thể giúp đạt được một số Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) của Liên hiệp quốc, theo ý kiến đánh giá của các chuyên gia tại buổi đối thoại giúp hợp lực giải quyết một số thách thức của hệ thống lương thực thực phẩm hiện nay ở Việt Nam.
Buổi đối thoại do CGIAR chủ trì vào ngày 1 tháng 7 năm 2021 tại Hà Nội có sự tham gia của khoảng 70 đại diện đến từ các cơ quan nhà nước, viện nghiên cứu, trường đại học, các tổ chức phi chính phủ, các cơ quan tài trợ và khu vực tư nhân và các cơ quan báo chí, nhằm giải quyết những thách thức và cơ hội hiện nay và phát sinh trong ghệ thống lương thực thực phẩm của Việt Nam, giúp cung cấp thêm thông tin về chính sách và đầu tư trước thềm Hội nghị thượng đỉnh về hệ thống lương thực thực phẩm của Liên hợp quốc (UNFSS) sẽ diễn ra vào tháng 9 năm nay.
Trong bối cảnh các nhà lãnh đạo, các phong trào và các nhà hoạt động toàn cầu chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh UNFSS, các quốc gia đang gấp rút tiến hành tập hợp các bằng chứng và xác định một số giải pháp chính yếu cho các vấn đề cấp bách trong hệ thống lương thực thực phẩm của mỗi quốc gia.
Vào tháng 6 năm nay, các trung tâm trực thuộc CGIAR tại Việt Nam đã được vinh dự tham gia đóng góp cho các cuộc đối thoại do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì ở cấp quốc gia và cấp vùng. Đối thoại độc lập lần này do CGIAR tổ chức là một nỗ lực nhằm đóng góp vào những nỗ lực chung của Việt Nam trong việc tập hợp các bằng chứng và khuyến nghị sẽ được gửi tới Hội nghị thượng đỉnh của Liên hiệp quốc.
Hệ thống lương thực thực phẩm của Việt Nam rất đa dạng và hiện đang đối mặt với một số thách thức. Những dự báo và thực tế về biến đổi khí hậu toàn cầu trong những năm gần đây cho thấy Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Việt Nam cần có những hành động cụ thể để thúc đẩy hợp tác, tạo thêm ngoại lực hỗ trợ hình thành và phát triển hệ thống lương thực thực phẩm thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu và bền vững, đảm bảo an ninh lương thực và dinh dưỡng không chỉ cho gần 100 triệu người dân Việt Nam mà còn góp phần đảm bảo an ninh lương thực thế giới, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Trong bài phát biểu của ông Vũ Văn Tiến, phó cục trưởng Cục Hợp tác Kinh tế và Phát triển Nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ ra một số thách thức hiện nay của hệ thống lương thực thực phẩm. Ông cho biết những thách thức cơ bản của hệ thống lương thực thực phẩm do một số lý do như thiếu hụt về khung pháp lý, luật về quyền thực phẩm, các quy chuẩn, tiêu chuẩn, năng lực thực thi, phối hợp giữa các bộ ngành từ cấp trung ương đến địa phương chưa thật sự hiệu quả. Diện tích sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa tích hợp được các hệ thống sản xuất lớn, nhỏ, vùng miền, địa phương nên hiệu suất của hệ thống chưa cao, thất thoát, gây lãng phí nguồn lực, giảm đa dạng sinh học, nguồn lực suy kiệt, sản lượng lớn nhưng giá trị gia tăng thấp.
Tại đối thoại độc lập lần này, các đại diện của CGIAR đã chia sẻ những đóng góp tiềm năng mà CGIAR có thể hỗ trợ trong việc xây dựng các hệ thống lương thực thực phẩm có trách nhiệm, bền vững và linh hoạt ở Việt Nam với các bên liên quan tham gia Đối thoại về hệ thống lương thực thực phẩm cấp quốc gia. Tại buổi đối thoại, đại diện CGIAR và các đối tác đã cùng thảo luận một số vấn đề như các thách thức và cơ hội giúp cải thiện an toàn thực phẩm, thất thoát lương thực, phát thải carbon từ sản xuất lương thực thực phẩm, một số giải pháp cấp cảnh quan đa chức năng góp phần vào hệ thống lương thực bền vững. Đại diện CGIAR cũng chia sẻ một số can thiệp dựa vào chăn nuôi giúp cải thiện sinh kế và bảo vệ môi trường ở khu vực Tây Bắc, và sự đóng góp của cây trồng lấy củ trong việc nâng cao khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan.
Đối thoại cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc trao đổi với các đối tác, giúp xác định những cách thức mà CGIAR và các đối tác có thể cùng hợp tác giải quyết, xác định các nhu cầu và ưu tiên được các đối tác và các nhà hoạch định chính sách đặt ra nhằm xây dựng được hệ thống lương thực thực phẩm bền vững và linh hoạt cho Việt Nam.
PGS. TS. Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam (VAAS) cho biết các nghiên cứu của CGIAR đã đóng góp cho sự tăng trưởng của ngành nông nghiệp của Việt Nam, trong đó có nhiều nghiên cứu góp phần nâng cao tính bền vững của hệ thống lương thực Việt Nam, sử dụng phương pháp tiếp cận đa ngành và tích hợp.
TS Jean Balié, giám đốc vùng của CGIAR tại Đông Nam Á và Thái Bình Dương nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chuyển đổi các hệ thống nông sản trong khu vực theo hướng cải thiện tính bền vững về môi trường, kinh tế và xã hội, cũng như khả năng chống chịu, thích ứng với khí hậu. Những nỗ lực hợp nhất và toàn diện của CGIAR tại Việt Nam nhằm hỗ trợ Việt Nam đạt được sự chuyển đổi sâu rộng và cấp thiết của hệ thống lương thực, đồng thời đảm bảo các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội.
Tại Việt Nam, CGIAR hiện đang triển khai rất nhiều sáng kiến đa dạng, giúp giải quyết các thách thức đặt ra trong các lĩnh vực nông nghiệp, dinh dưỡng và khẩu phần ăn, Một sức khỏe và biến đổi khí hậu — và gần đây là đóng góp cho các sáng kiến nhằm ứng phó với đại dịch COVID-19. Có 10 trong số 15 trung tâm của CGIAR đang hoạt động tại Việt Nam. Trong đó, Liên minh Đa dạng Sinh học Quốc tế và CIAT (CIAT), Trung tâm Khoai tây Quốc tế (CIP), Tổ chức Nông lâm Thế giới (ICRAF), Viện nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế (ILRI), Trung tâm Nghề cá Thế giới (WorldFish) và Viện nghiên cứu Lúa Quốc tế (IRRI) tham gia đóng góp cho đối thoại độc lập này.