
18/10/2022
"𝙽𝚐𝚘̂𝚗 𝚗𝚐𝚞̛̃ 𝚑𝚒̀𝚗𝚑 𝚊̉𝚗𝚑 𝚕𝚊̀ 𝚐𝚒̀? - 𝚆𝚑𝚊𝚝 𝚒𝚜 𝙵𝚒𝚕𝚖 𝙻𝚊𝚗𝚐𝚞𝚊𝚐𝚎?"
PHẦN 2.2: Cảm xúc – Cảm xúc thị giác đến từ đâu? (where does visual emotion come from?)
𝙀𝙑𝙀𝙍𝙔 𝙎𝙏𝙊𝙍𝙔 𝙉𝙀𝙀𝘿𝙎 𝘼 𝘿𝙄𝙎𝙏𝙄𝙉𝘾𝙏𝙄𝙑𝙀 𝙇𝙊𝙊𝙆
Nếu bạn đã biết chính xác “cảm xúc” mà bộ phim cần truyền đạt, bạn đã sẵn sàng bước sang giai đoạn tiếp theo mà mình gọi là Visual Emotion (cảm xúc thị giác).
Khi dùng thuật ngữ Visual Emotion, ta đang giao tiếp với nhau ở một mức độ hoàn toàn khác, mức độ sâu hơn mà ít người nhắc tới – chính là những khung hình có cảm xúc (kĩ thuật bổ trợ cho cảm xúc đến từ nội dung và diễn xuất).
Khi thưởng thức xong một bộ phim, chúng ta thường nói về cảm xúc mà bộ phim đó mang lại. Nó ám ảnh, nó gần gũi, nó đáng sợ… Vậy làm sao các nhà làm phim có thể làm được điều này? Visual Emotion chính là một trong những cách!
Về cơ bản Visual Emotion chính là nói về Brightness (độ sáng). Để dễ hình dung, hãy nhớ lại lúc nhỏ khi xem phim ma, hầu hết chúng ta thường mong chờ đến cảnh ngày để.. đỡ sợ. Sau nhiều màn hù doạ rớt tim, tất cả những gì chúng ta mong mỏi chỉ là một cảnh với ánh sáng ban ngày. Điều này không có nghĩa là ma cỏ sẽ biến mất, tuy nhiên cảm giác sợ hãi chắc chắn sẽ vơi dần. Nhưng Brightness còn có nhiều “biến thể” hơn thế, được hiểu bằng cách tác động vào 3 yếu tố sau:
1. LIGHTING (chiếu sáng): Đơn giản là cách bạn chiếu sáng phân đoạn. That’s it!
Có 3 phong cách lighting cơ bản: Highkey, Lowkey & Midkey lighting. Các phong cách ánh sáng trên được phân biệt bởi tỉ lệ chênh lệch (ratio) giữa key light & fill light trong cùng một khung hình và shadow cũng được tạo nên bởi mật độ fill light trong khung hình đó. Shadow sẽ càng xuất hiện rõ nét khi mật độ fill light càng về 0.
Với từng phong cách ánh sáng, khi kết hợp một cách sáng tạo với vị trí, khoảng cách, cường độ & loại đèn sẽ cho những cảm xúc riêng biệt - cá nhân mình gọi đây là tính cách của ánh sáng (Lighting’s character).
Hãy tưởng tượng một người bước từ trong vùng tối, silhouette (hình dáng) nhưng khi bước tới vài bước, ta sẽ thấy được chi tiết trên người và mặt bởi một nguồn sáng được set up sẵn ở phía trước. Hoặc một người đang đứng dưới một nguồn sáng từ phía trên (toplight), anh ta đang mặc áo khoác hoodie và đội nón lên, lúc này ta chỉ có thể chỉ thấy miệng của anh ta. Và khi anh ta kéo nón xuống, ta sẽ thấy một người… không có mắt chẳng hạn.
Cả 2 kĩ thuật trên thường được dùng khi giới thiệu nhân vật, nhưng rõ ràng nó sở hữu 2 tính cách ánh sáng khác nhau khi có sự kết hợp của chỉ 1 yếu tố là vị trí (1 đặt phía trước & 1 đặt trên đầu) và hành động của nhân vật (bước tới & cởi nón).
2. EXPOSURE (độ phơi sáng): được hiểu là lượng ánh sáng được phép đi vào cảm biến. Exposure bị ảnh hưởng trực tiếp bởi Tốc độ màn trập (shutter speed) và Khẩu độ (f-stop), cái này chắc mình không cần phải nói thêm. Nhưng tại sao lại là exposure?
Trong Opening sequence của The Godfather (Bố Già, 1972), chuỗi phân đoạn đan xen giữa sự hân hoan của bữa tiệc đám cưới của con gái Vito Corleone (Bố Già) và hoạt động của một băng đảng Mafia ngập đầy cảm giác bạo lực, chết chóc được điều hành bởi chính Vito. Ta có thể thấy sự tối tăm (dark) và thiếu sáng (underexposed của căn phòng tương phản hoàn hảo với sự hân hoan tươi sáng của một đám cưới truyền thống diễn ra vào ban ngày. Hơn nữa về mặt kịch bản, cụ thể hơn là nhân vật, ta thấy Vito, Sonny & Tom đều ở trong bóng tối nhưng Michael thì ở bên ngoài cùng bạn gái dưới ánh sáng chan hoà (properly exposed), hoàn toàn tách biệt với “thế giới ngầm” của gia đình anh ta. Và xuyên suốt bộ phim, chúng ta chứng kiến Micheal rơi vào “bóng tối” cả về cốt truyện (plot) lẫn Exposure. Và kết quả ở cuối phim, chúng ta thấy anh ta đứng trong chính căn phòng của bố mình ở đầu phim và thay thế chiếc ghế Bố Già huyền thoại. Một trong những ví dụ kinh điển nhất mà mình có thể dùng để minh hoạ cho ý đồ sử dụng Exposure. What a classic movie!
3. ART DIRECTION (mỹ thuật): Art direction là bao gồm tất cả những gì chúng ta nhìn thấy trong khung hình từ đạo cụ, thiết kế (nội, ngoại thất) cho đến phục trang... Nhưng một trong những yếu tố chính giúp Art direction lọt vào list này của mình đó là vì Màu sắc.
Màu sắc được hiểu là sản phẩm phụ trực quan của quang phổ ánh sáng khi nó truyền qua một môi trường trong suốt, hoặc khi bị hấp thụ và phản xạ khỏi một bề mặt. Màu sắc bao gồm 3 yếu tố chính không thể thiếu:
- HUE (sắc tố): Hue được xác định bởi bước sóng chủ đạo hay còn là một thuật ngữ mô tả một chiều màu sắc mà chúng ta có thể dễ dàng trải nghiệm. Hay dễ hiểu hơn, Hue chính là màu sắc ở dạng tinh khiết nhất khi không có màu trắng, đen hay xám nào được thêm vào.
- VALUE (giá trị): Value đề cập tới độ sáng hoặc tối của một sắc tố. Nó cho biết số lượng ánh sáng được phản xạ lại vào nhãn cầu của chúng ta. Đơn giản hơn, hãy tưởng tượng khi pha một sắc tố nào đó với màu đen hoặc trắng (từ ít tới nhiều), kết quả cho được chính là Value của sắc tố đó.Điều này cực kì quan trọng trong việc lên kế hoạch sử dụng ánh sáng của bạn, bởi vì ánh sáng có thể tác động và làm thay đổi màu sắc ở hậu kỳ khi so sánh với màu sắc mà ban đầu bạn muốn.
- SATURATION (bão hoà): Saturation xác định độ sáng và cường độ của một sắc tố. Hiểu một cách đơn giản, saturation là độ rực của một sắc tố nhất định, theo đó khi tăng saturation màu sẽ tươi, rực rỡ và chói mắt hơn.. và ngược lại. Khi giảm saturation xuống mức tối thiểu, các sắc tố (màu sắc ở dạng tinh khiết nhất) sẽ chỉ còn là những màu xám hoặc đen gần như bùn (tuỳ sắc tố).
Màu sắc là một công cụ cực kì mạnh trong nghệ thuật kể chuyện. Mỗi khi nói về màu sắc trong cảm xúc thị giác, hãy luôn tự hỏi câu hỏi: “what color do I see my film?” và dành thật nhiều thời gian để trả lời câu hỏi này. Tới đây mình không thể nói thêm, bởi chỉ có bạn mới hiểu câu chuyện của bạn.
Chỉ cần có sự thay đổi nhỏ của 1 trong 3 yếu tố trên, hình ảnh mà bạn thu được sẽ cho ra một cảm xúc hoàn toàn khác. Hơn nữa, bạn sẽ có thể xác định được lợi điểm và bất lợi trong quá trình ghi hình, phong cách ánh sáng phù hợp với phim cũng như kinh phí và sự linh động ở hậu kỳ đặc biệt là giai đoạn “tô màu” (grading).
Tham khảo thêm nhiều phim khác, nhìn vào sản phẩm cuối cùng của họ và phân tích 3 yếu tố trên để thấy sự khác biệt của Visual Emotion, dù là nhỏ nhất.
-----
Thật tiếc vì lượt tương tác ở bài viết trước về Cảm Xúc trong ngôn ngữ hình ảnh không như mình mong đợi. Nhưng dù sao, mình vẫn muốn được tiếp tục làm công việc chẳng ai làm này. Bởi vì vào 7 năm trước, ở cái thời điểm mông lung nhất, khi chẳng biết phải bắt đầu từ đâu và làm như thế nào, mình thực sự rất cần ai đó làm công việc mà mình đang làm bây giờ.
MẦM is coming, stay tuned!
Credit: Alek Bui