29/11/2023
Số phận bi thảm của mỹ nhân “khiêu vũ cùng Mao Trạch Đông”
Thượng Quan Vân Châu sinh ra tại Vô Tích, Giang Tô. Năm 1937 khi kháng chiến chống Nhật bùng nổ, bà mới 16 tuổi, cùng chồng tị nạn tại Thượng Hải. Ban đầu để sinh kế, Thượng Quan Vân Châu làm nhân viên bán vé trong xưởng phim, nhưng vì có ngoại hình nổi bật nên bà đã được ông bầu chọn làm người mẫu, trưng ảnh bà triển lãm trên cửa sổ. Vào thời điểm đó, Thượng Hải là một “hòn đảo” trong thời kỳ chiến tranh, có nền công nghiệp điện ảnh phồn vinh, tạo ra một số lượng lớn các minh tinh điện ảnh. Thượng Quan Vân Châu thanh xuân và yêu kiều cũng bắt đầu sự nghiệp diễn xuất tại thành phố đầy cơ hội này.
Năm 1940, khi Thượng Quan Vân Châu đang thử vai cho bộ phim “Vương lão hổ thưởng thân”, bà đã được vị đạo diễn nổi tiếng Bặc Vạn Thương chọn, người cũng đã đặt nghệ danh cho bà là “Thượng Quan Vân Châu”. Sự kiện này trở thành dấu mốc khởi đầu cho quá trình bà bước chân vào sự nghiệp diễn xuất. Những ngày sau đó, Thượng Quan Vân Châu không ngừng rèn luyện bản thân, hầu như đi khắp các đoàn diễn xuất lớn nhỏ của Thượng Hải, ngay cả khi không được thù lao, bà vẫn tham gia biểu diễn.
Dần dần, bà trở nên nổi tiếng trong giới biểu diễn nghệ thuật với phong cách diễn xuất biến hóa và tài năng thiên phú của mình. Trên vũ đài kịch nói, Thượng Quan Vân Châu đã đóng một vai quan trọng trong vở “Mặt trời mọc” và “Thượng Hải dưới mái hiên”, và trở nên nổi tiếng với vai diễn Phồn Y trong vở “Lôi vũ”. Thông qua các bộ phim như “Nhất giang xuân thủy hướng Đông lưu” và “Thái thái vạn tuế” v.v., bà đã trở thành gương mặt quen thuộc trên màn ảnh rộng, khắc họa các nhân vật có tính cách khác nhau như một cô hầu gái quyến rũ và hư hỏng, một quý cô xấu tính và hợm hĩnh, hoặc một công nhân nhà máy bị bắt nạt…
Thượng Quan Vân Châu lúc này, giống như nghệ danh của bà – trở thành như ngọc trên mây, chói lọi đến lóa mắt. Tuy nhiên, vận mệnh luôn nằm ngoài ý muốn của con người. Trong bộ phim “Thái thái vạn tuế”, Thượng Quan Vân Châu có một câu nói: “Tôi cả đời này thực là quá bất hạnh, nếu dựng thành phim thì ai xem cũng muốn khóc”. “Nhân sinh như kịch”, vai diễn đã phảng phất phản chiếu định mệnh của bà.
Khi Đảng Cộng Sản Trung Quốc nắm quyền, Thượng Quan Vân Châu vừa mới bước qua tuổi 30. Đây là thời điểm mà một nữ minh tinh có thể làm được rất nhiều điều, nhưng bà lại gặp phải một nút thắt trong sự nghiệp diễn xuất của mình. Bởi vì lối diễn, hình tượng và khí chất của bà không phù hợp để đại biểu cho “công, nông, binh”, Thượng Quan Vân Châu đã từng rơi vào tình huống khó xử khi không có cảnh địa phù hợp nào để biểu diễn. Để tiếp tục sự nghiệp hoạt động nghệ thuật của mình, bà đã chủ động tiến hành “cải tạo xã hội chủ nghĩa” bản thân, hy vọng cải biến từ hình ảnh một “minh tinh cũ của Thượng Hải” thành một “công nhân văn nghệ của tân Trung Quốc”.
Theo ghi chép của kỳ san “Điện ảnh đại chúng” của Hoa lục, để rửa sạch cái gọi là “tình ý của giai cấp tư sản”, Thượng Quan Vân Châu đã tham gia một loạt các buổi biểu diễn gây quỹ cứu trợ thiên tai và lao quân, biểu diễn các vở kịch nói phản ánh cuộc cách mạng công nhân. Sau những năm 1950, bà ăn ở và sinh hoạt luôn trong rạp, diễn liên tục 131 suất với tần suất hai ba lần một ngày, và cuối cùng bị ngất trên sân khấu do làm việc quá sức và bị viêm phổi cấp tính.
Trong cuộc vận động “Đại chỉnh đốn văn nghệ” do ĐCSTQ khởi xướng, dù bệnh tật, bà vẫn thường tham gia các cuộc hội nghị nơi “người người đều vượt qua hủ tục”. Trong nước mắt lưng tròng, bà “chủ động phản tỉnh và kiểm thảo tư tưởng giai cấp tư sản của bản thân”. Nhưng tất cả điều này đều vô ích.
Năm 1955, Thượng Quan Vân Châu đã ngồi ghế dự bị trong ba năm. Đạo diễn Bạch Trầm Lực đã vượt qua ý kiến số đông, chọn Thượng Quan Vân Châu để đóng vai nữ chính, một vị nữ y tá trưởng của đội du kích. Trong bộ phim này, bà đã triệt để phá bỏ những hình tượng trước đây của mình về “Giao tế hoa” và “Khoát thái thái”, hoàn toàn “thoát thai hoán cốt” theo vai diễn mới trên màn ảnh, và nhờ đó đạt được cái gọi là “thành công” lớn.
Vào tháng 1/1956, Thượng Quan Vân Châu nhận được một bức thư đã cải biến vận mệnh của bà, bức thư chỉ có vỏn vẹn 10 chữ được ký tên Trần Nghị: “Đồng chí Thượng Quan Vân Châu, xin mời đến chơi”. Khi bà đến Tòa nhà Hữu nghị Trung-Xô được chỉ định, bà phát hiện ra rằng Mao Trạch Đông cũng đang ở đó, và Thượng Quan Vân Châu được sắp xếp để khiêu vũ cùng ông ta trong buổi khiêu vũ. Sau đó, Thượng Quan Vân Châu đã bí mật diện kiến Mao Trạch Đông 6 lần.
Vào thời điểm đó, phong trào “vận động phản hữu” đang khuynh đảo giới văn nghệ sĩ, Thượng Quan Vân Châu nguyên bị giới điện ảnh chụp mũ là “hữu phái”, đột nhiên thời vận xoay chuyển, trở thành “đối tượng được bảo hộ trọng điểm”, chỉ tiêu “hữu phái” bị đẩy sang một diễn viên khác thế chỗ. Giữa đó còn có những sáp khúc nhỏ. Tác gia đại lục Thiết Lưu từng tiết lộ: Thượng Quan Vân Chân đã bị Mao Trạch Đông lãng quên trong một thời gian, vì lý do này, bà đã tự tay chép bài thơ “Bốc Toán tử – Vịnh mai” của Lục Du bằng vàng mỏng và gửi cho Mao Trạch Đông, bày tỏ tình cảm cô đơn và ai oán.
Mao Trạch Đông sau đó đã viết bài thơ hồi đáp bà, đại ý rằng: “Dù vách đá trăm trượng băng, vẫn có cành hoa đang cười. Hoa đẹp không tranh được với xuân, chỉ đợi xuân đến báo. Đợi đến lúc hoa dần rơi, nàng xuân trong bụi tùng cười…” Ai có thể ngờ rằng bài thơ này, được giới thiệu bởi sách văn học Trung Quốc, lại thực sự được sáng tạo ra dưới một bối cảnh như vậy.
Hãy quay trở lại với Thượng Quan Vân Châu vào đầu những năm 1960. Vận mệnh của bà như đã biến đổi hoàn toàn, gắn bó với giới quyền quý và tựa hồ như đang đạt đến đỉnh cao thứ hai của cuộc đời. Tuy nhiên, bước ngoặt của định mệnh luôn khiến người ta không thể ngờ tới.
Năm 1966, Thượng Quan Vân Châu được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú và ngay lập tức được tiến hành phẫu thuật. Hai tháng sau, bà lại bị ung thư não, bất tỉnh và phải trải qua một cuộc phẫu thuật não lớn. Tuy nhiên, hoàn cảnh ngoài phòng bệnh còn nguy hiểm hơn, các phim “Vũ đài thư muội” và “Tảo xuân tháng hai” của bà bị phê phán là “đại độc thảo” trong giới văn học nghệ thuật. Vào một buổi chiều, Thượng Quan Vân Châu – người vẫn chưa bình phục, đã bị một nhóm tạo phản phái kéo đến phim trường để phê đấu.
Theo hồi ức của Vi Nhiên, con trai của Thượng Quan Vân Châu: đại gia đình anh đã bị phá hoại vào thời điểm đó, các bức tường của hành lang đầy tên của mẹ anh, bị đánh dấu thập đỏ ở khắp mọi nơi; cánh cửa bị đập thủng nhiều lỗ, và vỡ như tổ ong. Thượng Quan Vân Châu phải chịu nhiều cáo buộc như “minh tinh xã hội cũ”, “tác phong sinh hoạt hư hỏng”, “đóng chính toàn phim bại hoại” và các tội danh khác, và bị buộc phải báo cáo cho “chuồng bò” của xưởng phim mỗi ngày”, “ở đó mà học tập, lao động, viết hối cải, bị phê phán”.
Tạp chí “Điện ảnh đại chúng” ghi lại: “Thượng Quan Vân Châu thường bị phái tạo phản dùng những thanh sắt dày quấn vải đánh đập, và có vô số cuộc diễu phố, phê đấu và vũ nhục thân nhân”. Tháng 9/1966, Xưởng điện ảnh Thượng Hải tổ chức một đại hội phê đấu, trong đó bà bị phái tạo phản cắt ảnh thành hình “máy bay phản lực”, chịu đựng những lời lăng mạ và đánh đập dã man. Những khán khách điên cuồng tỏ vẻ “trung thành với đảng” lao lên sân khấu đấm đá bà cho đến khi bà bất tỉnh.
Đến năm 1968, Cách mạng Văn hóa chuyển sang “Cuồng phong đỏ” mà Mao Trạch Đông đã thổi bùng lên để “làm trong sạch hàng ngũ”. Điều mà Thượng Quan Vân Châu không ngờ tới là mối quan hệ đặc biệt của bà với Mao Trạch Đông đã giúp bà thoát khỏi “vận động phản hữu”, nhưng cuối cùng lại đẩy bà xuống vực sâu.
Theo hồi ức của tác gia đại lục Thiết Lưu, Giang Thanh (vợ Mao) đã từng chặn một bức thư của Thượng Quan Vân Châu gửi cho Mao Trạch Đông trong văn phòng cơ mật, sau đó lật ngược ‘lọ giấm’, đánh ghen Thượng Quan Vân Châu. Qua trào lưu điên cuồng của Cách mạng Văn hóa, Giang Thanh, người đang nắm quyền, bắt đầu điên cuồng báo thù.
Thượng Quan Vân Châu bị đóng khung là “đặc vụ chiến lược từ thời Quốc dân đảng”. Bắt đầu từ tháng 9/1968, “Tổ chuyên trách vụ Thượng Quan Vân Châu” do Giang Thanh điều khiển và “Tổ chuyên trách Thượng Quan Vân Châu” do Lâm Bưu bí mật thành lập, đã liên tiếp bức bách bà viết chi tiết về việc qua lại của bà với Mao Trạch Đông. Tuy nhiên, Thượng Quan Vân Châu chưa bao giờ viết những tài liệu khiến tổ chuyên trách “hài lòng”.
Thượng Quan Vân Châu đã hy vọng rằng Mao Trạch Đông sẽ đến để cứu mình, nhưng Mao Trạch Đông từ chối mở miệng. Chúng ta không biết lý do cụ thể, nhưng chúng ta chỉ có thể đoán, có lẽ Mao Trạch Đông tin rằng những “tân nhân” trẻ đẹp có thể tìm thấy ở khắp mọi nơi, và không đáng phải liều lĩnh vì “người cũ”.
Vào ngày 22/11, hai vị khách không mời đã đến Xưởng phim Thượng Hải để thẩm vấn Thượng Quan Vân Châu với danh nghĩa “ngoại điều”. Trong một căn phòng nhỏ, những người thẩm vấn vây quanh bà và buộc bà phải viết những tài liệu sẽ “không được tiết lộ ra bên ngoài, nhưng phải thành thật thú nhận bên trong”.
Thượng Quan Vân Châu không trả lời được, đầu tiên họ đấm đá, sau đó dùng đế giày da tát vào má bà. Sau hơn hai tiếng đồng hồ, họ đuổi Thượng Quan Vân Châu đang hấp hối ra khỏi nhà và ra lệnh cho bà phải viết “lý lịch” rõ ràng vào ngày mai, nếu không sẽ phải chịu trách nhiệm về hậu quả.
Vi Nhiên mô tả nỗi kinh hoàng của mẹ mình sau khi bị đánh đập trong bài báo phỏng vấn: “Khi trở về từ ‘chuồng bò’, khuôn mặt của mẹ tôi bị đánh và sưng tấy, khóe miệng chảy máu, mắt bà đờ đẫn, cơ thể co rúm vì run sợ”.
Khi trở về nhà vào đêm hôm đó, Thượng Quan Vân Châu, thân mình đầy vết thương, không thể viết ra các tài liệu mà “tổ chức” muốn. Không thể tiếp tục đối mặt với nỗi tủi nhục và đau khổ vô tận, vào lúc 3 giờ sáng ngày 23/11/1968, đợi khi màn đêm thâm u nhất, bà đã nhảy xuống cửa sổ tầng 4 tự vẫn. Bà tắt thở trên đường đến bệnh viện khi chỉ mới 48 tuổi.
Vi Nhiên cho biết, sau khi mẹ rơi khỏi lầu, thân thể bà đã đập mạnh vào thùng rau lớn ở chợ rau dưới nhà, máu bắn tung tóe trên lá rau. Khi đó, người dân nghe tiếng động liền chạy đến ứng cứu. Sau đó người dân chợ rau đã dùng vòi nước cao su rửa sạch vết máu trên lá rồi tiếp tục bán cho người tiêu dùng.
Vi Nhiên không ngạc nhiên khi nghe về điều đó, anh nói: “Trong thời buổi khan hiếm vật chất ấy, những hành động tàn nhẫn như vậy không quá khó hiểu; hơn nữa, con người thời đó dường như đã quen với những kiểu tử vong bất thường”.
Những năm huy hoàng nhất của Thượng Quan Vân Châu chính là vào thời kỳ chiến loạn ở Thượng Hải, nhưng sau khi thành lập cái gọi là “Trung Quốc mới”, vận mệnh của bà đã hướng tới suy bại và điêu linh. Thượng Quan Vân Châu đã trải qua ba cuộc hôn nhân và có hai con, một trai một gái, nhưng trong những giây phút cuối đời, không có ai ở bên cạnh. Diêu Diêu, đứa con gái duy nhất luôn theo sát bà, đã chết trong một vụ tai nạn xe hơi 7 năm sau khi bà qua đời.
Trong các cuộc vận động chính trị ngày càng leo thang như chỉnh phong, phản hữu, Cách mạng Văn hóa, Thượng Quan Vân Châu đã hết lần này đến lần khác nhẫn nhục và nhượng bộ, thậm chí vì sự nghiệp điện ảnh của mình, vì theo đuổi cái gọi là “tiến bộ”, bà đã nhẫn tâm bỏ rơi người chồng thứ ba đang phải chịu “quản chế lao động” vì bị người khác hãm hại.
Tuy nhiên, bà không ngờ rằng, những cơn bão của ĐCS đã “hủy hoại tất cả” giấc mơ điện ảnh, ngay cả cuộc đời của bà cũng không thoát khỏi kết cục đen tối.
Những nữ nhân tài sắc bị bức tử thời Cách mạng Văn hóa
1/ Lý Thúy Trinh (1910-1966), người Nam Hối, ngoại ô Thượng Hải, nghệ sĩ piano lừng danh. Năm 1929, Lý Thúy Trinh được nhận vào học chuyên khoa âm nhạc Trường Quốc lập Thượng Hải và thể hiện tài năng hiếm có: Chỉ 1 năm đã hoàn thành chương trình học. Năm 1934, Lý Thúy Trinh xuất ngoại, học tại Học viện Âm nhạc hoàng gia Anh và tốt nghiệp trước thời hạn với thành tích xuất sắc, tháng 9.1936 trở thành hội viên Hiệp hội Âm nhạc hoàng gia Anh. Từ sau năm 1942, nhận lời mời tha thiết của Viện trưởng Học viện Âm nhạc Thượng Hải là Hạ Lục Đinh, Lý Thúy Trinh trở về dạy piano tại Học viện Âm nhạc quốc lập Trùng Khánh, chủ nhiệm khoa Piano Trường Quốc lập Thượng Hải.
Khi Cách mạng Văn hóa nổ ra, Lý Thúy Trinh phải chịu sự sỉ nhục nặng nề. Hồng vệ binh lục soát nhà và tìm thấy bức thư của Phó Lôi – nhà văn, dịch giả nổi tiếng khuyên Lý Thúy Trinh ở lại Thượng Hải để cống hiến cho sự nghiệp âm nhạc – liền lấy đó làm bằng chứng cho tội danh “phản cách mạng”. Đêm 2/9/1966, Phó Lôi và vợ là Chu Mai Phức phải tự sát. Hồng vệ binh ép Lý Thúy Trinh phải bò dưới đất chui qua gầm bàn, dùng mực bôi đen khắp mặt. Với một người coi nhân cách và phẩm giá quan trọng hơn tính mạng, sự sỉ nhục này còn khó chấp nhận hơn cả cái chết.
Ngày 9/9/1966, Lý Thúy Trinh trang điểm lộng lẫy, mặc bộ kỳ bào đẹp nhất, mang giày cao gót trang nhã, ngồi nhìn ra cửa và mở bình gas… Người nghệ sĩ đã chết trong dáng vẻ đẹp nhất và uy nghiêm nhất. Tiếp sau cái chết của Lý Thúy Trinh, tại Học viện Âm nhạc Thượng Hải đã có 4 giáo sư, giảng viên tự sát gồm chủ nhiệm khoa Chỉ huy dàn nhạc Dương Gia Nhân (cùng vợ là Phó giáo sư Trình Trác Như), chủ nhiệm khoa Harmonica Trần Hựu Tân, chủ nhiệm khoa Lý luận âm nhạc dân tộc Thẩm Tri Bạch.
2/ Nghiêm Phụng Anh (1930-1968), tên thật là Nghiêm Hồng Lục, người thôn Hoàng Mai, trấn La Lĩnh, thành phố Đồng Thành (tỉnh An Huy), là nghệ sĩ sân khấu nổi tiếng, người kế thừa và phát triển kịch Hoàng Mai đến đỉnh cao. Từ năm 10 tuổi, Nghiêm Hồng Lục đã luyện tập hát xướng theo điệu Hoàng Mai, sau theo thầy là Nghiêm Vân Cao học diễn kịch, lấy nghệ danh Phụng Anh. Năm 1952, tại hội diễn hí khúc Hoa Đông lần đầu tiên của nước Trung Hoa mới tổ chức tại Thượng Hải, Nghiêm Phụng Anh biểu diễn hai vở kịch Hoàng Mai là Gặp giữa đường và Cỏ đánh lợn đoạt giải xuất sắc. Năm 1954, cô đóng vai Thất Tiên Nữ trong phim Thiên tiên phối nổi danh toàn Trung Quốc. Ngoài ra, cô còn xuất sắc trong các vở để đời như Du xuân, Nữ phò mã, Ngưu Lang Chức Nữ, Chồng vợ xem đèn.
Nghiêm Phụng Anh gia nhập đảng Cộng sản Trung Quốc, trở thành ủy viên Chính trị hiệp thương Trung Quốc khóa 4, ủy viên Liên hiệp Văn học nghệ thuật Trung Quốc khóa 3, viện trưởng danh dự Học viện Kịch Hoàng Mai tỉnh An Huy. Tháng 9/1958, Chủ tịch Mao Trạch Đông về An Khánh thị sát đã mời Nghiêm Phụng Anh biểu diễn kịch Hoàng Mai và hết lời khen ngợi. Nghiêm Phụng Anh từng ba lần tự sát bằng cách nuốt kim loại, treo cổ, uống thuốc ngủ, nguyên nhân đều là do không chịu nổi bị sỉ nhục. Hai lần đầu được cứu kịp thời nhưng lần cuối trong thời Cách mạng Văn hóa thì thê thảm.
Tháng 4/1968, Nghiêm Phụng Anh bị Hồng vệ binh bắt, đấu tố, đánh đập, gán cho 13 tội danh, trong đó nặng nhất là tội phản đảng, làm gián điệp của Quốc dân đảng, “xà nữ” tuyên truyền chủ nghĩa phong kiến – tư sản. Ngày 8/4/1968, khi gần tới sinh nhật lần thứ 38, vì không chịu nổi sự giày vò thể xác và tinh thần, Nghiêm Phụng Anh đã uống một lượng lớn thuốc ngủ để tự tử. Sau khi uống xong, cô khóc lớn, người chồng phát hiện không dám đưa đi bệnh viện mà phải báo với đội trưởng. Lập tức một trận phê đấu mở ra, bắt Nghiêm Phụng Anh phải đứng chịu xỉ vả vì tự tử là tội “chống lại cách mạng văn hóa”.
Đến lúc thuốc phát tác, cô không đứng nổi mới cho đưa đi bệnh viện. Bệnh viện thứ nhất từ chối, bệnh viện thứ hai miễn cưỡng nhận khi cô đã hôn mê nhưng phải chờ họp lãnh đạo mới quyết định. Nhóm lãnh đạo lại chia làm hai phe, đều lo tìm chứng cứ trong sách Mao tuyển để quyết định cứu hay không cứu. Đến lúc Nghiêm Phụng Anh tắt thở thì mới kết thúc họp nhưng lại bắt phải giải phẫu tử thi để xem có gắn máy truyền tin bí mật trong người hay không.
3/ Ngôn Tuệ Châu (1919-1966) người Bắc Kinh, dân tộc Mông Cổ, là nghệ sĩ Kinh kịch và Côn kịch nổi tiếng, con gái nghệ sĩ Ngôn Cúc Bằng, đệ tử của nghệ sĩ Mai Lan Phương và là vợ nghệ sĩ Du Chấn Phi. Ngôn Tuệ Châu nổi tiếng trong các vở Ngọc đường xuân, Du viên kinh mộng, từng làm hiệu phó Trường Nhạc kịch Thượng Hải. Trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa, Ngôn Tuệ Châu bị đấu tố vô cùng thê thảm, bị đánh đập, tổn thương về thể xác lẫn tinh thần. Tối 11/9/1966, Ngôn Tuệ Châu để lại 3 lá thư tuyệt mệnh, sau đó tự vẫn.
4/ Cố Thánh Anh (1937-1967) người Vô Tích, Giang Tô, là nữ nghệ sĩ piano nổi tiếng, năm 1958 tham gia cuộc thi âm nhạc quốc tế Geneva lần thứ 14 và giành được giải thưởng cao nhất dành cho nữ. Năm 1960, tham gia cuộc thi Chopin Piano tại Warsaw lần thứ 6 và được đánh giá rất cao. Cũng trong năm ấy, Cố Thánh Anh được nhận bằng tốt nghiệp Học viện Âm nhạc Trung ương Trung Quốc. Sau đó nhiều năm liền cô được bình bầu là thanh niên ưu tú thành phố Thượng Hải, đoàn viên ưu tú Cục Văn hóa, ngọn cờ hồng 8/3. Năm 1964, Cố Thánh Anh tham gia cuộc thi Piano quốc tế tại Bỉ và lại giành được giải thưởng lớn. Ngày 31/1/1967, do không chịu nổi bị hành hạ, lăng nhục của Hồng vệ binh trong Cách mạng Văn hóa, Cố Thánh Anh cùng mẹ và em trai đã tự sát bằng khí gas. Lúc ấy cô mới 30 tuổi.
5/ Triệu Tuệ Thâm (1914 – 1967), người Nghi Tân ở tỉnh Tứ Xuyên. Cô là diễn viên biểu diễn nghệ thuật nổi tiếng, cô đã từng diễn trong vở “Bát Phụ”, “Lôi Vũ” và nhiều tác phẩm kịch nói, một tác phẩm điện ảnh duy nhất là “Mã lộ thiên sử”, tác phẩm công bố có vở kinh kịch “Tam bất nguyện ý ”, kịch bản điện ảnh “Bất phạ quỷ đích cố sự”, “Tri chu dữ ma tước”, “Như thử bắc bình”, v.v. Trong cuộc CMVH, bởi vì kịch bản phim “Bất phạ quỷ đích cố sự” và thành phần gia đình bất hảo mà cô bị gán thành “Ba phần tử phản động”, liên tiếp bị chỉ trích và tố cáo. Lại vì cô đã từng đóng vai kỹ nữ trong “Mã lộ thiên sử” mà bị giễu cợt và làm nhục bởi phe tạo phản, cô vì thế mà ôm hận tự sát vào ngày 4/12/1967.
6/ Tiểu Bạch Ngọc Sương, sinh năm 1922, tên khai sinh là Lí Tái Văn, biệt danh Phúc Tử, quê gốc ở Sơn Đông. Lên 5 tuổi, bà cùng cha tị nạn từ Thiên Tân đến Bắc Kinh. Cha mẹ không đủ khả năng nuôi dưỡng nên đem bà bán làm con nuôi cho diễn viên bình kịch nổi tiếng Bạch Ngọc Sương. Là truyền nhân của bình kịch Bạch phái – do Bạch Ngọc Sương sáng lập, bà được xem như “Thái Sơn – Bắc Đẩu” trong làng bình kịch Trung Quốc thập niên 1950, 1960. Tại Hội nghị Hiệp thương chính trị toàn quốc Trung Quốc năm 1950, bà được Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông tiếp kiến. Ngày 21/12/1967, Tiểu Bạch Ngọc Sương bị “bè lũ 4 tên” bức hại trong CMVH và bị đánh đập thê thảm. Về sau, bà uống thuốc ngủ tự tử, hưởng thọ 45 tuổi.
7/ Trần Liễn sinh năm 1919, người huyện Từ Hi, Chiết Giang, là con gái của Trần Bố Lôi – trợ lý cao cấp của Tưởng Giới Thạch. Bà gia nhập đảng Cộng sản Trung Quốc năm 1939, từng đảm nhận chức Phó giám đốc Sở giáo dục Bộ lâm nghiệp, Ủy viên chấp hành Hội liên hiệp phụ nữ Trung Quốc. Ngày 19/11/1967, do bị o ép quá mức, bà Trần nhảy từ tầng 11 tự sát. Khi đó bà 48 tuổi.
8/ Trương Cầm Thu sinh năm 1904, tên khác là Trương Ngộ. Bà là nữ tướng nổi tiếng của Hồng quân Trung Quốc. Trong thời kỳ Trường Chinh, Trương Cầm Thu từng làm Chủ nhiệm Cục Chính trị Hồng Tứ Phương Diện Quân, ủy viên Cục Tây Bắc Trung ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc. Sau này, bà đảm nhiệm Bí thư tổ đảng kiêm Thứ trưởng Bộ Công nghiệp dệt may. Năm 1968, do bị bức hại tàn khốc nên ngày 22/4, sau khi bị vu khống là “kẻ phản bội”, bà Trương Cầm Thu đã nhảy lầu tự sát!
9/ Dương Tất sinh năm 1922, người Vô Tích, tỉnh Giang Tô. Bà là em vợ tác giả nổi tiếng Trung Quốc Tiền Chung Thư. Sau khi tốt nghiệp Học viện nữ sinh Aurora, bà ở lại đây dạy học. Về sau, bà Dương thuyên chuyển làm Phó giáo sư tại Đại học Phúc Đán, Thượng Hải. Dương Tất chính là người dịch tác phẩm nổi tiếng “Hội chợ phù hoa (Vanity Fair)” sang tiếng Hoa. Năm 1968, trong hoạt động “thanh trừ giai cấp trong đội ngũ”, bà bị bức hại dẫn đến tự sát.
10/ Ngô Tiểu Ngạn, sinh năm 1954, là con gái nuôi của nhà sử học nổi tiếng Ngô Hàm. Năm 1966, Ngô Hàm bị buộc tội phản động. Mẹ Ngô Tiểu Ngạn bị đẩy vào trại cải tạo, hai chân bị liệt. Khi đó, Ngô Tiểu Ngạn mới 12 tuổi một mình chăm sóc người mẹ bệnh tật và em trai. Do mang tiếng là con gái của kẻ phản động, bà phải hứng chịu sự tàn phá tinh thần và cuộc sống dày vò. Năm 1973, Ngô Tiểu Ngạn bị tâm thần phân liệt. Mùa thu năm 1975, bà bị công an Bắc Kinh bắt giữ và bị tra tấn dã man, tinh thần tổn thương nghiêm trọng. Cuối cùng, vì thể xác lẫn tinh thần kiệt quệ và tuyệt vọng, Ngô Tiểu Ngạn tự sát trong bệnh viện tâm thần, ngay trước khi CMVH kết thúc.
11/ Trương Chí Tân sinh thời đã phê phán ông Mao Trạch Đông và kêu oan cho ông Lưu Thiếu Kỳ cùng những người khác. Năm 1969, bà bị bắt vì tội “phản cách mạng hiện hành”. Trong nhà tù, bà đã viết “Tuyên bố của một đảng viên cộng sản” nêu ý kiến về một số vấn đề “liên quan đến vận mệnh của Đảng và đất nước; đề xuất quan điểm là biểu hiện trung thành với đảng, là nghĩa vụ và quyền lợi của các đảng viên bình thường đối với đường lối của Đảng”. Bà đã bị tra tấn tàn bạo nhiều lần trong tù. Trương Chí Tân bị xử bắn năm 1975 khi mới 45 tuổi. Để bà không nói gì được trước khi hành quyết, bà đã bị cắt họng. Tháng 3/1979, tỉnh ủy Liêu Ninh đã minh oan, phục hồi danh dự cho bà.
12/ Mạnh Sảng được mệnh danh là công chúa Khổng Tước của đoàn nghệ thuật trình diễn. Vào Tháng 9/1966, sau buổi biểu diễn tối trở về, đương lúc sờ soạng trong bóng tối để mở đèn bàn, do không cẩn thận đã đụng phải và làm vỡ bức tượng thạch cao Mao Trạch Đông. Cô lập tức đem chôn mảnh vụn, nhưng trong lúc loay hoay làm thì chẳng may bị người ta phát hiện. Đoàn văn nghệ thiết lập một tiểu đội chuyên án để dụng hình bức cung bạo lực đối với cô trong suốt 42 ngày. Cô bị treo lên đánh đập tàn nhẫn, đóng đinh vào bàn chân, làm bỏng thân thể bằng đầu điếu thuốc, bỏ đói, cưỡng hiếp, bắt ăn nước tiểu và phân cho đến khi ngất xỉu. Những kẻ độc ác không có tính người kia muốn cô thừa nhận là “có ôm thù hận giai cấp thấu xương đối với Mao chủ tịch”. Cô không chịu nổi cực hình, cuối cùng đã lấy một miếng gạch lót giường tự đập vào đầu, vỡ sọ mà chết.
13/ Lý Hương Chi, nữ diễn viên xinh đẹp của đoàn ca múa tỉnh Giang Tô, vì viết thư yêu cầu những người đứng đầu trung ương không nên cầm đầu nhóm người đến tìm nữ diễn viên để khiêu vũ, nên cô bị vu khống là “ác độc công kích bộ tư lệnh giai cấp vô sản”, bị cưỡng bức giam giữ hai năm, đánh đập hành hạ, bỏ đói, dày vò bằng tiếng ồn, cuối cùng bị tra tấn tàn nhẫn đến nỗi thần trí trở nên điên loạn. Ngày 2/9/1971, dù chưa trải qua quá trình thẩm vấn xét xử nào, cô đã bị đưa đến đoàn Kinh kịch tỉnh để tham gia đại hội công thẩm, sau đó liền bị bắt trói đến nơi hành hình xử bắn.
14/ Chung Hải Nguyên, cô giáo tiểu học Cán Châu, tỉnh Giang Tây, vì kiên trì cất lên tiếng nói lương tri ủng hộ Lý Cửu Liên, người dám nói lên sự thật bị bắt giam 12 năm. Cô ở trong ngục bị tra tấn đánh đập tàn nhẫn nhưng vẫn kiên trinh không chịu khuất phục, sau cùng từ án giam chuyển thành án tử hình. Trước lúc hành hình, một con em quan chức cấp cao của đảng ủy đang nằm viện khu vực Nam Xương, suy kiệt chức năng thận, cần phải được mau chóng cấy ghép thận, tốt nhất là có thể lấy từ cơ thể người còn sống. Thế là Chung Hải Nguyên trước lúc nhận án tử, đã bị mổ sống cướp thận một cách dã man. Di thể cô bị bệnh viện dã chiến 92 lôi đi, cung cấp cho các bác sĩ làm vật giải phẫu.
15/ Lê Liên, vì viết thư cho người bạn trai đi bộ đội, cô đã chất vấn về cách mạng văn hóa, và bị bạn trai tố cáo, sau đó bị phán tội tử hình. Năm 1970, cô bị xử bắn khi chỉ mới 18 tuổi. Trước khi bị hành hình, trên xe tù cô đã bị mổ sống lấy thận, bốn quân y máu lạnh đè cô xuống vách xe, vén quần áo lên, không có sử dụng bất kỳ thuốc tê nào, mà chỉ dùng một con dao phẫu thuật sắc bén vạch một vết dài nửa thước ở phần hông phải, một trái thận đỏ tươi được lôi ra, vết thương không kịp may lại mà người đã bị áp giải đến nơi hành hình.
16/ Quan Minh Hoa, một trong bốn nữ bác sĩ thuộc binh đoàn kiến thiết sản xuất quân khu Quảng Châu. Năm 1969, vì trên nhật ký có viết “Mặt trời màu hoàng kim vẫn treo trên bầu trời của khu rừng chắn gió, tỏa ra ánh vàng kim chói lọi”, nền liền bị vu khống là nói bóng gió “tư tưởng Mặt trời lặn ở Tây sơn của Mao Trạch Đông”. Cô bị “chụp mũ” phản cách mạng. Sau khi chịu đủ mọi cực hình tra tấn thảm khốc nhưng vẫn kiên cường không nhận tội, năm 1970 Quan Minh Hoa bị phán tội tử hình. Ngày 12/3/1971, án xử bắn được thi hành. Vì để tránh cô hô to khẩu hiệu, những tên cai ngục đã nhét một ống tre vào cổ họng cô.
17/ Hứa Liên Vinh, 23 tuổi, năm 1968 phó bộ trưởng bộ vũ trang huyện là Vương Lập Long vì để bắt những nhân vật điển hình trong đấu tranh giai cấp, đã vu không Hứa Liên Vinh dùng sắc đẹp dụ dỗ cán bộ cách mạng. Cha của cô là Lý Trường Gia dưới sự tra tấn bạo đành phải nhận bừa, bị hình phạt 10 năm. Sau đó, Hứa Liên Vinh đã phải chịu đủ mọi sỉ nhục dày vò, không chịu nổi tra tấn tàn báo đành phải chịu nhận tội oan. Sau khi được trả về nhà, trong đêm một nhà bảy người cùng với ba mẹ anh em viết di thư, lăn dấu vân tay máu rồi treo cổ tự vẫn. Kiểm tra thi thể kết quả là trinh nữ.
18/ Lý Tú Thanh, 20 tuổi, cha cô là Lý Văn Điền trong thời kỳ cách mạng văn hóa Trung Quốc bị chụp mũ thành phản cách mạng. Năm 1968, mẹ cô là Tiết Thục Anh bị Hình Cương, đội trưởng tổ công tác, giải đến hội thường ủy cách mạng đấu tố lăng nhục. Hình Cương nghe nói nhà bà cô con gái nổi tiếng xinh đẹp, nên ngay giữa đêm khuya liền dẫn theo tay chân xông vào nhà Tiết Thục Anh, lột sạch quần áo con gái bà là Lý Tú Thanh, trói trên ghế dài thay phiên nhau cưỡng hiếp. Một tên côn đồ còn dùng thanh sắt nung đỏ làm bỏng những chỗ hiểm yếu trên thân thể cô, khiến cho Lý Tú Thanh tắt thở mà chết, Tiết Thục Anh treo cổ tự vẫn.
19/ Lâm Chiêu là tài nữ xinh đẹp của trường đại học Bắc Kinh. Năm 1957, cô vì dám nói lời thật mà bị “chụp mũ” phái cánh hữu, sau đó bị bắt giam vào nhà ngục ở cầu Đề Giám, Thượng Hải. Quản giáo nhiều lần muốn làm nhục cô, vì để giữ tôn nghiêm cô đành phải may quần và áo ngoài lại với nhau. Quản giáo thẹn quá hóa giận, mỗi ngày đều sai một nhóm nữ côn đồ tiến hành lăng nhục, hành hạ cô trong suốt mấy tiếng đồng hồ. Ngày 29/4/1968, cô bị hành quyết bí mật. Ngày hôm sau, tên đao phủ đã đến tận cửa đòi nhà cô trả 5 đồng tiền đạn phí, mẹ cô sau đó liền phát điên.
20/ Lý Cửu Liên là gười học nghề tại nhà máy luyện kim Cán Châu, Giang Tây. Năm 1969, vì viết thư cho bạn trai chất vấn về cách mạng văn hóa nên đã bị bạn trai bán đứng, chụp mũ tội danh phản cách mạng, và bị bắt vào ngục. Vì không chịu khuất phục nên bị phán tội chết. Ngày 14/12/1977 cô bị xử tử. Trước khi hành hình vì để ngăn cô hô lớn khẩu hiệu, bọn ác ôn mất hết tính người đã lấy một cây tre nhọn đâm xuyên lưỡi và cằm dưới của cô. Sau khi chết, thi thể cô bị quăng bỏ ở vùng ngoại ô.
21/ Tôn Duy Thế, tài nữ của ĐCSTQ, xinh đẹp hoạt bát, cô là con gái nuôi của Chu Ân Lai, du học ở Nga, chuyên ngành hát kịch. Khi về nước, cô được gả cho diễn viên nối tiếng Kim Sơn. Trong cách mạng văn hóa, cô bị Giang Thanh hãm hại, lệnh bắt giữ lại chính do Chu Ân Lai ký tên. Bị nhốt trong nhà giam Tần Thành, cô kiên trì không nhận tội, chịu đủ lăng nhục cho đến chết. Sau khi chết, người ta phát hiện quần áo cô không được chỉnh tề, trên đầu có một cây đinh sắt cắm vào.
https://bienkhao.wordpress.com/2022/02/23/so-phan-bi-tham-cua-my-nhan-khieu-vu-cung-mao-trach-dong/