10/09/2023
Hầu hết các ngôn ngữ trên thế giới đều có kính ngữ, đó là cách diễn đạt tính lịch sự và tôn trọng trong giao tiếp. Đặc biệt, kính ngữ luôn là một yếu tố quan trọng không thể thiếu trong văn hóa người Á Đông nói chung và Việt Nam nói riêng, vì nó bảo tồn tôn ti trật tự của xã hội.
Chính vì thế, trong các văn kiện, kinh sách lâu nay, người Công giáo Việt Nam chúng ta luôn dành cho Thiên Chúa mức độ kính trọng cao nhất, qua việc xưng hô Ngài bằng kính ngữ: "Đức Chúa Trời", "Đức Chúa", "Đức Chúa Kitô", hoặc ít ra phải đầy đủ là "Chúa Kitô", "Chúa Giêsu"...
Dòng Chúa Giêsu (Societas Jesu, S.J.) khi tới Việt Nam cũng được gọi là "Dòng Tên" cho đến tận ngày nay, vì các vị tiền nhân sợ gọi thẳng tên Chúa Giêsu là 'phạm thượng' theo phong tục đương thời. Bởi Danh Chúa rất đáng tôn trọng, ngợi khen và chúc tụng.
Kế đến, tín hữu dùng kính ngữ cho các vị chủ chăn như "Đức Giáo hoàng", "Đức Thánh Cha", "Đức Hồng y", "Đức Giám mục", "Đức Cha"... Thiếu đi chữ "Đức" nghe có phần giảm đi sự tôn trọng và sự yêu mến dành cho các ngài.
Tiếc thay, nhiều nơi trong Hội Thánh Việt Nam đang có xu hướng xưng hô lược bỏ kính ngữ, nếu không muốn nói là cào bằng Danh Thánh Thiên Chúa. Điều này dễ nhận thấy trong những sự kiện liên quan đến thiếu nhi hay giới trẻ, họ chỉ dùng chữ "Giêsu" với các câu khẩu hiểu kiểu như: Học cùng Giêsu, Vui cùng Giêsu, Vui trung thu cùng Giêsu, Hiệp hành cùng Giêsu, Con đường Giêsu...
Có lẽ một số người sẽ bao biện rằng, lược bỏ kính ngữ để tạo sự thân thiện, gần gũi giữa Chúa Giêsu với đối tượng trẻ. Vậy thì xin hỏi ngược lại: viết hoặc xưng hô đầy đủ "Học cùng Chúa Giêsu", "Vui trung thu cùng Chúa Giêsu"… có làm gia tăng sự xa cách giữa Chúa với giới trẻ - thiếu nhi hay không? Thực tế là không.
Dù chúng ta có thể hình tượng hóa Chúa Giêsu là vị anh cả, là huynh trưởng, nhưng không thể làm thay đổi một chân lý rằng Ngài là Chúa và Thầy của chúng ta.
Do đó, việc bảo tồn kính ngữ Danh Thánh Chúa trong các sự kiện giới trẻ - thiếu nhi là bài học về xưng hô giao tiếp dành cho lứa tuổi đầu đời, còn dễ uốn nắn. Nhưng quan trọng nhất, đó là sự nhắc nhở các bạn đó, các em đó - và thậm chí là mỗi người tín hữu chúng ta - về địa vị làm con cái Chúa. Nó không hề làm chúng ta trở nên thấp hèn đi, mà ngược lại, khiến chúng ta được nâng lên và hãnh diện vô cùng vì mình có một vị Cha chung hết mực yêu thương. Làm gì có sự xa cách nào giữa Cha và con cái?
Chắc sẽ có thêm người ý kiến: Chúa không chấp nhặt mấy chuyện đó đâu – Đúng là Thiên Chúa giàu lòng nhân ái, nhưng chúng ta không có quyền mạo phạm áp đặt suy nghĩ của loài người cho Thiên Chúa. Đó là một trong những kiểu ngụy biện hòng che đậy hành vi chưa đúng.
Kinh Thánh viết: “Ngươi không được dùng danh ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của ngươi, một cách bất xứng, vì ĐỨC CHÚA không dung tha kẻ dùng danh Ngài một cách bất xứng.” (Xuất hành 20, 7).
Bổn phận của chúng ta là chu toàn địa vị làm con, biết yêu thương kính trọng Cha mình, mà việc dùng xưng hô kính ngữ là một yếu tố nằm trong bổn phận đó.
Ngay cả việc con cái xưng hô cào bằng bất kính với cha mẹ trần thế còn khó chấp nhận, huống hồ là làm như vậy với Thiên Chúa chí tôn.
Những sai sót đã qua, không cần đào bới nơi này nơi kia để chỉ trích thêm, nhưng là dịp để rút kinh nghiệm. Mong rằng từ nay, khắp nơi trong Hội Thánh Việt Nam duy trì việc sử dụng kính ngữ với Danh Thánh Thiên Chúa. Thêm một chữ kính ngữ không làm chúng ta sai, nhưng bớt đi một chữ thì sẽ có nhiều vấn đề cần suy nghĩ. Xin hãy cân nhắc. GB Chánh Lân