16/11/2023
Kỳ 2: Để trường học thực sự là nơi hạnh phúc
Giúp các em học sinh vượt qua mọi giai đoạn khó khăn, thử thách về học tập cũng như tâm lý để luôn giữ được tâm thế cân bằng, vững bước vào tương lai, bên cạnh tình yêu thương, sự chia sẻ của giáo viên, phụ huynh và xã hội, rất cần xây dựng một môi trường giáo dục toàn diện.
Giảm thiểu áp lực cho học sinh
Trao đổi về những quy định mới của UBND tỉnh trong giảm thiểu áp lực cho học sinh phổ thông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Khước cho biết: “Ngay lúc này, cần thay đổi tư duy và hành động từ mỗi nhà trường, giáo viên hay các bậc phụ huynh. “Lá thư” tốt nhất trước khi được gửi đi chính là sự trao gửi yêu thương, lắng nghe tâm sự, chia sẻ hằng ngày của các em. Môi trường giáo dục toàn diện là môi trường tràn đầy nụ cười và hạnh phúc để các em dồi dào năng lượng tích cực bước vào tương lai”.
Nhắc đến Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc là nói đến “ngôi trường mơ ước”, bởi đây không chỉ là môi trường đào tạo học sinh giỏi mà còn là một môi trường giáo dục toàn diện. Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc Hoàng Văn Quyết chia sẻ: “Trong đề án phát triển của trường, mục tiêu luôn hướng đến là tạo nên một môi trường hạnh phúc. Từ cơ sở vật chất tới các hoạt động ngoại khóa được chú trọng nâng cao. Trong giảng dạy, phương pháp giao bài tập cho học sinh đề cao tính nhân văn, các thầy, cô khi soạn giáo án, giao bài phải theo năng lực, tố chất của từng em, để từ đó, phát huy tối đa hiệu quả với từng học sinh. Các thầy, cô giáo luôn động viên, khích lệ, thúc đẩy sự phát triển về trí tuệ cũng như tâm hồn của từng học sinh”.
Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc Hoàng Văn Quyết chia sẻ thêm: “Trong trường từng có trường hợp học sinh có biểu hiện trầm cảm, nhưng qua nắm bắt tâm lý, Ban Giám hiệu đã kịp thời phối hợp với Bệnh viện Tâm thần tỉnh, phụ huynh học sinh cùng vào cuộc hỗ trợ em học sinh đó vượt qua, tìm được nguồn năng lượng tích cực cho bản thân.
Hiện nay, có tình trạng, trong một bộ phận học sinh xuất hiện hội nhóm cực đoạn, có tư tưởng lệch chuẩn,“bạo lực ngôn từ”, nhà trường đã cảnh báo qua phụ huynh; tăng cường phối hợp hằng ngày qua các nhóm zalo, thường xuyên thăm nắm tâm tư, tâm sinh lý, kịp thời phát hiện nếu có biểu hiện áp lực về học tập, cuộc sống, mối quan hệ bạn bè, hiện tượng hội nhóm… tìm hướng giải quyết kịp thời, không để có hành động đáng tiếc xảy ra”.
Chú trọng hoạt động ngoại khóa mang tính rèn luyện thể chất, giáo dục tâm hồn cho các em, Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc đã hài hòa giữa học tập và vui chơi, đáp ứng được hoạt động ngoài giờ cho học sinh một cách phong phú, thiết thực. Ngoài thành lập 27 câu lạc bộ (CLB), đa dạng về loại hình, phong phú về nội dung hoạt động, nhà trường đã dành toàn bộ chiều thứ Tư và thứ Bảy hằng tuần để các em tham gia sinh hoạt CLB, phát huy sở trường, năng khiếu của bản thân.
Nhiều CLB nổi tiếng của trường như sách, mỹ thuật, cầu lông, bóng rổ, tranh biện, nhảy, guitar.… hay chương trình “Bếp củi thiện nguyện” đã quy tụ hàng nghìn em học sinh tham gia. Bên cạnh đó, nhà trường còn tổ chức ngoại khóa khối chuyên và ngoại khóa tiếng Anh, các em có cơ hội được thể hiện quan điểm sống qua những vở kịch, tiểu phẩm, những bài hùng biện về những vấn đề xã hội… làm cơ sở hình thành kỹ năng, nhân cách sống của giới trẻ.
“Chìa khóa” mở cho môi trường giáo dục toàn diện
Thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành nhiều công văn yêu cầu Sở GDĐT có sự chỉ đạo cụ thể, bằng nhiều biện pháp, tổ chức hoạt động thích hợp, giảm tải áp lực cho học sinh các cấp học, bước đầu, tạo được sự đồng thuận của các nhà trường, các bậc phụ huynh như không dùng chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, Tin học để cộng điểm khuyến khích trong các kỳ thi tuyển sinh đầu cấp và đánh giá kết quả học tập, giáo dục của học sinh nếu không có quy định, chỉ đạo cụ thể của Bộ GDĐT; nghiên cứu đề xuất nghỉ học ngày thứ Bảy, tăng cường giao lưu liên kết phụ huynh và nhà trường, phát hiện sớm dấu hiệu bất thường về tâm lý, sức khỏe, tinh thần của học sinh.
Tổ chức các hoạt động ngoài trời, hoạt động dã ngoại; tổ chức mời các diễn giả, các chuyên gia tâm lý nói chuyện về phương pháp học tập, định hướng nghề nghiệp. Cấm tổ chức thi học sinh giỏi ngoài khung quy định của Bộ GDĐT; cấm giao bài về nhà cho khối học sinh tiểu học…
Phó trưởng Phòng GDĐT huyện Tam Đảo Bùi Minh Tuân cho biết: "Các nhà trường, thầy, cô giáo, các bậc phụ huynh học sinh trên địa bàn huyện đều đồng tình với chủ trương giảm tải áp lực cho học sinh. Phòng GDĐT huyện, các nhà trường mong muốn tỉnh có thêm những hoạt động mang tính sân chơi trí tuệ sẽ bổ trợ tốt cho công tác giáo dục. Cùng với đó, cần có những cơ chế về mặt kinh phí để tổ chức những hoạt động đó thực sự hiệu quả, “học qua hình thức chơi” cũng là một biện pháp tạo tinh thần thoải mái cho các em học sinh”.
Chị Nguyễn Thị Hảo ở thôn Núc Hạ, xã Hồ Sơn, huyện Tam Đảo chia sẻ: “Tôi cũng đồng tình quan điểm, việc học văn hóa của các cháu không nên gây áp lực, hoàn thành việc học là tốt nhưng việc hình thành nhân cách còn quan trọng hơn”.
Xây dựng môi trường giáo dục toàn diện về đức - trí - thể - mỹ không phải là vấn đề mới, nhưng luôn cần thiết và đòi hỏi sự kiên trì thực hiện của ngành Giáo dục nói chung, các nhà quản lý giáo dục, các nhà trường và sự đồng lòng của phụ huynh học sinh nói riêng. Trong đó, việc quan trọng là giảm thiểu áp lực học tập cho học sinh các cấp học phổ thông, trước hết, bằng nhận thức, bằng hành động thấu đáo từ ngành Giáo dục, trên cơ sở tham vấn với tỉnh các biện pháp cơ hữu, tổng thể, phù hợp với đối tượng và đặc biệt tránh “bệnh thành tích”.
Các nhà trường phổ thông cần “sát cánh”, phối hợp chặt chẽ với các bậc phụ huynh, trên tinh thần cầu thị, luôn lắng nghe - thấu hiểu - chia sẻ với con em mình. Thêm nữa, cần tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, giao lưu; tạo mọi điều kiện để các em được thể hiện bản thân, sống hết mình, tin tưởng và gửi gắm tâm tư… đó sẽ là “chìa khóa” mở cho một môi trường giáo dục toàn diện.
Bài, ảnh: Thu Thủy
Nguồn: Báo Vĩnh Phúc