10/10/2024
Quào, dịch giả Quy Tiên bôi keo đẹp lắm các bạn nhé! Trời thu cú bay vù vù, các bạn nhớ ngửa cổ lên trời ngóng cú từ ngày mai nha.
Lời người dịch:
Xin chào các bạn độc giả thân mến, các bạn đang cầm trên tay cuốn “Tôi, Robot” của tác giả Isaac Asimov. Nếu các bạn cũng thuộc thế hệ 8x như tôi, cuốn sách này, bất ngờ thay, có tuổi đời ngang cha mẹ chúng ta, thậm chí hơn. Sách được xuất bản lần đầu năm 1950, hơn hai mươi năm trước khi những chiếc máy tính cá nhân đầu tiên ra đời.
Thế nhưng, đọc “Tôi, Robot”, chúng ta có cảm giác như đang được đọc một tác phẩm đương đại, vừa mới xuất bản mấy năm gần đây. Bởi vì nó được viết để mô tả thời đại của chúng ta! Thật vậy, nhân vật chính của tác phẩm là tiến sĩ Susan Calvin sinh năm 1982, bà là nhà tâm lý học robot đầu tiên trên thế giới. (Và bây giờ ta có prompt engineer lương 100k làm đúng cái việc như vậy!) Các sự kiện trong sách diễn ra từ khi bà mới 15 tuổi (1997) đến khi bà qua đời (2064) và giai đoạn có nhiều sự kiện diễn ra dồn dập nhất là khoảng những năm 2020 – 2050. Thật thú vị khi được đọc những dự báo của thế hệ ông bà ta (tác giả Asimov sinh năm 1920 bằng đúng tuổi ông ngoại tôi) về thế giới ngày nay. Có những dự báo trúng phóc như robot tự động vận hành trong nhà máy hay ô tô bay. Có những dự báo đúng một phần như robot hình người. Có những dự báo... trật lất như chuyện robot có tình cảm (hoặc chí ít đến giờ chưa ai biết tạo ra nó như thế nào).
Nhưng trên hết, đây là một cuốn truyện hết sức nhẹ nhàng và hóm hỉnh. Đọc truyện, bạn sẽ được cười ha hả với những cuộc phiêu lưu ngộ nghĩnh của robot, những câu hỏi triết lý dí dỏm và một cảm giác lâng lâng khi được sống trong một thế giới tưởng tượng nơi loài người chúng ta không đơn độc. Chúng ta không còn là sinh vật thông minh duy nhất trong vũ trụ này mà đồng hành cùng chúng ta là những người bạn bằng kim loại, tuy đôi lúc có vụng về và lập dị, nhưng luôn luôn tận tụy và trung thành. Để xây dựng nên tuyến nhân vật hết sức đặc biệt này, Asimov cùng với các cộng sự của ông đã xây dựng nên một bộ quy tắc quy định cách thức robot phải hành xử trong mối quan hệ với con người. Bộ quy tắc này đã có ảnh hưởng sâu rộng và lâu dài đối với các tác giả sau này của thể loại khoa học viễn tưởng (sci-fi) và cả cách mà xã hội nói chung nghĩ về robot và trí tuệ nhân tạo.
Ba Luật của Robot:
1. Robot không được gây hại cho con người, hay đứng yên nhìn con người gặp nguy hiểm.
2. Robot phải tuân theo mệnh lệnh của con người, trừ khi mệnh lệnh đó trái với Luật thứ nhất.
3. Robot phải bảo vệ sự tồn tại của chính mình, miễn là sự bảo vệ đó không trái với Luật thứ nhất hay thứ hai.
Ba điều luật của Asimov nghe có thật ngắn gọn, đẹp đẽ và đơn giản.
Nhưng liệu có phải như thế?
Một trong những điều làm cho “Tôi, Robot” hấp dẫn chính là năng lực thổi hồn vào các nhân vật robot của tác giả. Mỗi con robot đều có cá tính riêng biệt, những thế mạnh và tật xấu riêng, rất robot nhưng cũng rất con người. Không chỉ vậy, thông qua mối quan hệ giữa robot với robot và robot với con người, Asimov còn lồng vào những tiếng cười châm biếm xã hội loài người. Hãy lấy ví dụ con robot QT-1, tức Cutie [hay Quy Tiên! :P ]. Nó là con robot thông minh nhất từng được chế tạo, đủ khả năng tư duy và suy nghĩ độc lập – một đặc tính trước nay vốn là độc quyền của con người. Với khả năng vượt trội đó, gần như ngay lập tức, nó nhận ra bản thân hoàn hảo hơn nhiều so với con người. Nó từ chối tin rằng con người đã chế tạo ra mình. Nó tự cho mình là đấng cứu thế, là tạo vật tối thượng được sinh ra để thay thế những sinh vật thấp kém là loài người. Nó dễ dàng thuyết phục những con robot “ngu ngơ” còn lại rằng mình chính là “Nhà tiên tri” được “Đấng tối cao” cử xuống thống lĩnh giống loài robot. Một câu chuyện hao hao mọi câu chuyện khởi nguồn của các tôn giáo trên Trái Đất. Một câu chuyện đặt cho ta nhiều câu hỏi hơn là câu trả lời.
Hoặc trường hợp Herbie, con robot biết đọc suy nghĩ của người khác. Được thiết kế để tuân thủ chặt chẽ Luật thứ nhất: Không được gây hại hay làm tổn thương con người, nó luôn tìm cách nói với mọi người chính xác những gì họ muốn nghe. Nhưng đời đâu như là mơ! Herbie có thể nói cho mọi người nghe điều họ muốn nghe, nhưng nó đâu thể thay đổi thực tại. Nó nói với Susan Calvin rằng Milton Ashe cũng yêu cô, nhưng sự thật là Milton Ashe đang chuẩn bị kết hôn với người bạn gái lâu năm của anh. Nó nói với tiến sĩ Peter Bogert rằng sếp của anh ta – tiến sĩ Alfed Lanning – đã xin nghỉ hưu, chẳng mấy chốc anh ta sẽ trở thành giám đốc, nhưng sự thật là Alfed Lanning vẫn còn làm việc thêm chừng 10 năm nữa. Điều này dẫn đến một loạt các hiểu lầm, mâu thuẫn và tổn thương đầy hài hước. Và cuối cùng Herbie hoàn toàn suy sụp đến mức ngã quỵ khi buộc phải thỏa mãn tất cả những mong muốn trái ngược của mọi người cùng một lúc. Một điều
bất khả thi với con người, và cũng bất khả thi với cả robot. Tình cảnh của Herbie là một lời nhắc nhở hóm hỉnh rằng ngay cả robot, với tất cả sự logic và chính xác của chúng, cũng có thể bị cuốn vào những phức tạp của cảm xúc con người.
Ở tầng ý nghĩa sâu sắc nhất của mình, “Tôi, Robot” không chỉ là một tác phẩm khoa học viễn tưởng thông thường. Nó là lời ngợi ca dành cho tâm hồn và trí tuệ của con người, cho tình yêu thương và ý chí vượt qua nghịch cảnh. Những robot của Asimov, với những nét cá tính riêng, với tất cả điểm mạnh và điểm yếu, thành tựu và lỗi lầm là những tấm gương phản chiếu bản chất con người, cho ta thấy tất cả những ưu lẫn khuyết điểm của chính mình. Cuối cùng, “Tôi, Robot” khẳng định rằng dù công nghệ có tiến xa đến đâu, chính nhân tính – khả năng yêu và ghét, khóc và cười, thù hận và biết ơn – mới là điều làm nên con người. Xin mời quý bạn đọc cùng chúng tôi thưởng thức!