18/04/2020
CÂU CHUYỆN VỀ BOB VÀ CHÌA KHOÁ CHO MỘT TƯƠNG LAI ĐỦ ĐẦY
Jeff Booth - người sáng lập và CEO của Tập đoàn cung cấp dịch vụ xây dựng BuildDirect (builddirect.com) - trong cuốn sách đầu tay của ông, mang tựa đề: "The Price of Tomorrow: Why Deflation is the Key to an Abundant Future" (Cái giá phải trả của Ngày mai: Tại sao Giảm phát chính là Chìa Khóa cho một Tương lai Đủ đầy).
Quan điểm của Jeff Booth nằm ở tầng lớp quản trị doanh nghiệp khi nhìn về sự phù phiếm của cơ chế tài chính hiện đại, như sau:
"Giả dụ, bạn và người hàng xóm của mình, hãy tạm gọi tên anh ta là Bob, chọn hai con đường rất khác biệt nhau. Năm khởi động trên mỗi con đường là 2001. Bạn chọn sống trong phạm vi khả năng kiếm tiền của mình, chỉ chi trả cho những gì mà bạn có thể mua được bằng tiền mặt và không bao giờ đi vay mượn.
Trong khi đó, Bob lại đi vay 1 triệu USD để tiêu xài hoang phí. Anh ta xây nhà mới, thuê người làm vườn, mua nội thất mới và một chiếc TV màn hình cực rộng. Đối với bạn và nhiều người hàng xóm, thì nhìn vẻ bề ngoài, Bob là một người rất giàu có.
Như một tác động phụ của thói tiêu xài hoang phí, anh ta cũng kích thích thị trường việc làm tăng trưởng để hỗ trợ cho việc mua sắm của anh. Các công xưởng, dịch vụ công trình, đại lý nhà đất và công ty chuyên chở hàng hóa đều nhận được lợi ích từ việc này. Rồi sang năm sau, Bob cảm thấy không kham nổi chuyện chi tiêu của mình nữa, nên anh ta quyết định vay thêm 2 triệu USD, một phần để trả cho lãi vay ngân hàng từ món tiền 1 triệu USD đầu tiên, còn lại thì tiếp tục được dùng để tiếp tục lối sống như cũ. Với khoản tiền thêm này, Bob thả cửa chi tiêu – lại tạo thêm được rất nhiều việc làm mới cho xã hội. Anh cũng quyết định mua thêm một căn nhà và cho mướn nó để có một khoản thu nhập mới.
Bởi vì có quen biết Bob (là hàng xóm mà), bạn quyết định chuyển vào thuê căn nhà của anh ta, vẫn tin tưởng rằng đó là một điều tốt để tiết kiệm tiền bạc và sống trong phạm vi kiếm tiền của mình là một chiến lược đúng. Nhờ khoản thu nhập từ tiền thuê nhà do bạn trả, Bob quyết định vay thêm 4 triệu USD nữa, mua thêm nhiều nhà và thuê nhân viên để hỗ trợ công việc kinh doanh của mình. Anh ta còn mua thêm một chiếc du thuyền để đi nghỉ mát với gia đình ở Châu Âu và cứ tiếp tục mặc sức mua sắm cá nhân không giới hạn.
Rất nhiều người ngưỡng mộ thành công của Bob và quyết tâm bắt chước. Hệ thống ngân hàng cũng rất vui khi cho mượn tiền để ủng hộ dân chúng thành công trong khởi nghiệp, và cũng là vì họ thu được nhiều lãi hơn. Cùng với sự gia tăng của các khoản nợ trong nền kinh tế, công việc trong xã hội cũng nhiều lên đáng kể để hỗ trợ sức mua của người tiêu dùng, mà bản thân việc tiêu dùng này được chống lưng bởi xu hướng tăng nợ khổng lồ ấy. Giá nhà đất cũng tăng vùn vụt – và dĩ nhiên, giá thuê nhà cũng thế.
Căn nhà bạn có thể mua vào năm 2001 chỉ có giá 100.000 USD, nhưng giờ đây đã được niêm yết giá 500.000 USD. Thậm chí món tiền mà bạn để dành được để mua nhà còn không thể gia tăng nhanh chóng để bắt kịp giá nhà đất. Tình hình còn tệ hại hơn khi phí thuê nhà của bạn cũng gia tăng hàng năm. Nhưng bạn vẫn ngây thơ tự nhủ với bản thân: "Chà, ít nhất nền kinh tế nước nhà vẫn hùng mạnh, và tôi vẫn có việc làm an toàn cơ mà."
Trong khi đó, với mức tăng về giá trị bất động sản, tài sản của Bob dễ dàng trang trải cho bất cứ món nợ nào, nên anh ta quyết định vay thêm 50 triệu USD nữa và lập nên một tập đoàn mua bán và cho thuê nhà – cũng như nhận thêm nhiều nhân viên để làm cho công ty của mình. Bob được phỏng vấn trên TV để kể về cách mà anh ấy kiến tạo được vận may của mình. Rất nhiều người khác làm theo để được thành công như Bob, ào đi vay mượn cho giấc mơ đổi đời của mình. Lại một lần nữa, các ngân hàng rất vui khi được cho vay. Giá nhà liên tục tăng trong thời gian dài hạn, nên giới ngân hàng tự nhủ với chính mình rằng việc cho vay vẫn an toàn cơ mà. Họ không thể nhận ra rằng chính họ đã tạo nên xu hướng gia tăng giá bất động sản từ khối lượng tín dụng khổng lồ mà họ đã bơm vào hệ thống kinh tế.
Còn bạn thì tự lo cho bản thân bằng cách đưa khoản tiền của mình vào quỹ tiết kiệm trong ngân hàng, tin tưởng rằng một khi mức tín dụng được kéo lên bởi nền kinh tế, thì hy vọng sẽ có một lúc nào đó mình cũng sẽ được giàu như là . Tất cả mọi người đều đang sống như thế - ảo tưởng về sự giàu có nhờ nền tín dụng dễ dãi. Bạn tin rằng khi họ nỗ lực giải quyết các thua lỗ, thì họ sẽ phải bị thúc ép bán đi tài sản bằng bất cứ giá nào. Những người khác cũng sẽ bị ép phải bán, và tạo ra một dòng xoáy đi xuống về giá cả. Bạn chờ đợi kiên nhẫn, tin rằng vào một ngày đẹp trời nào đó, món tiền của bạn sẽ có đủ giá trị để bạn có thể tiến lên từ nấc thang cuối cùng của xã hội và thu gom nhiều tài sản với giá cực rẻ.
Rồi thì chuyện đó cũng bắt đầu xảy ra, từ năm 2006. Giá nhà bắt đầu lao dốc. Chúng đứng chựng lại, rồi dần chậm chạp hạ xuống – rồi đột nhiên hạ giảm hết tốc lực. Bob bắt đầu bán đổ bán tháo những ngôi nhà của mình với bất cứ giá nào chỉ để cố thu về tiền mặt – nhưng vấn đề là, hầu như tất cả tiền bán nhà đều không thể bù lại được các khoản vay từ ngân hàng.
Hiện tượng này xảy ra trên toàn thế giới, và giới ngân hàng nhận ra rằng họ không có đủ tiền để bù cho sự thua lỗ của các khoản vay đến từ ngành kinh doanh cá cược trên nhà đất.
Các chính phủ cũng bị đánh lừa. Họ không nhận ra rằng rất nhiều công việc lương cao trong nền kinh tế đã được tạo ra chỉ là nhờ các khoản tín dụng dễ dãi về bất động sản. Mọi người cảm thấy mình trở nên giàu có hơn nên họ chi tiêu nhiều hơn, và do đó tạo nên nhiều việc làm cho xã hội hơn. Chu kỳ hoạt động này tự bản thân nó củng cố cho nó trên chặng đường tiến lên và cũng rất tàn bạo trên chặng đường lao xuống dốc.
Công ty của Bob phải sa thải mọi nhân viên. Nhưng đó không phải làm chấm hết. Rất nhiều công ty khác cũng bắt đầu sa thải lao động để cố sức tồn tại trong cuộc khủng hoảng. Người tiêu dùng thì ngưng mua sắm, vì họ quá lo sợ. Chu kỳ ngày càng quay đến giai đoạn khốc liệt hơn. Khi không còn nhiều việc làm nữa, tiền mặt lên ngôi, nên các doanh nghiệp bắt đầu tích trữ đầu cơ nó. Trước đây, chu kỳ hoạt động này tự mình củng cố trong giai đoạn tăng trưởng, thì nay lại tự làm cho mọi thứ sụp đổ nhanh chống, với tình hình kinh tế ngày càng tệ hại hơn.
Và khi chu kỳ nào tiến đển thời điểm gay cấn nhất, các ngân hàng trên toàn cầu sẽ dừng cho nhau mượn tiền – vì họ đều lo lắng về uy tín và khả năng tín dụng của nhau. Dĩ nhiên họ làm đúng khi lo lắng, vì họ không có đủ tiền mặt trong tay. Nền thương mại toàn cầu bị đe dọa dừng lại, và thế giới chuẩn bị bước vào một giai đoạn suy thoái trầm trọng. Có rất nhiều người tuyệt vọng, mất đi thu nhập và sự giàu có. Tin tức ngày càng xấu đi.
Bạn thì đứng đó, với tiền mặt trong tay. Bạn dần nhận ra rằng để chủng nghĩa tư bản hoạt động đúng đắn, thì những điều vượt quá giới hạn như trên cần phải được xóa bỏ khỏi hệ thống kinh tế, để hệ thống ấy hoạt động chính xác hơn. Bất kể bạn có cực khổ thế nào, nếu bạn đặt cược đầu tư và sai lầm, bạn sẽ bị quét khỏi hệ thống. Giới ngân hàng đã mạo hiểm đặt cược cực lớn và trong một thời gian đã nhận được nhiều thứ khi giá cả tăng. Giờ đây, bạn tin rằng đã đến lúc họ phải trả giá cho điều đó.
Nhưng có một vấn đề: Bạn chưa nhận ra rằng toàn thể trật tự nền kinh tế toàn cầu được đặt trên cùng một hệ thống tương tự nhau, và các chính phủ sẽ làm bất cứ thứ gì để bảo vệ cho hệ thống đó - để tránh sụp đổ và lung lay quyền lực chính trị của họ. Đó là mối liên kết chặt chẽ giữa kinh tế và chính trị.
Do đó, vào cuối năm 2008, một điều gì đó lạ thường đã xảy ra. Thay vì cho phép hệ thống sụp đổ như "con đường phải đi" của chủ nghĩa tư bản, các chính quyền đã ra tay cứu giúp và bảo lãnh hệ thống. Khi làm thế, họ cứu cùng một loại người lúc ban đầu đã tạo nên cuộc khủng hoảng, cam kết bảo đảm hiệu quả cho thành công và xã hội hóa thua lỗ của nhóm này.
Giá trị "thực" của món tiền bạn đang giữ trong tay bị phá hủy khi tiền mới được tạo ra từ "không khí" và cả hệ thống được cứu trợ tài chính. Các khoản cá cược đầu tư từng sập xuống con số zero, nay lại được bơm thêm tiền, và một khối lượng nợ mới đáng kinh ngạc được tạo ra để lấy cớ / giả bộ rằng cả hệ thống kinh tế vẫn tiếp tục hoạt động tốt đẹp.
Bạn tự nhủ: Thật điên rồ. Một bản vị tiền tệ chỉ giữ được giá trị là nhờ sự tín nhiệm phải có mà chúng ta dành cho nó. Nếu không, đó chỉ là một mảnh giấy với những khuôn mặt lãnh tụ và các con số được in trên đó mà thôi. Sự tín nhiệm chỉ được công nhận khi người dân đồng ý thỏa thuận trao đổi giá trị của nó, và chính quyền phải giữ lời hứa bảo vệ giá trị đó đến cùng. Nhưng sự tín nhiệm ấy đã bị đem ra dàn xếp khi nhà cầm quyền không giữ được lời hứa của họ – thậm chí nếu họ giả vờ thực thi chuyện đó bằng cách thay đổi giá trị của đồng tiền mà lời hứa đã được viết lên đó.
Bạn tự hỏi sẽ còn cần bao nhiêu nợ nữa được tạo ra và sử dụng để giải quyết vấn đề gây ra do món nợ của thời điểm gốc ban đầu. Chẳng phải điều đó đang trì hoãn sự sụp đổ không thể tránh được và khiến cả hệ thống thậm chí ngày càng mong manh hơn?
Nhưng kỳ lạ thay... giải pháp ấy vẫn được thực thi, và nhiều người vẫn quên lãng sự thật. Một lần nữa, mọi người đều tin vào câu chuyện cổ tích.
Cho đến khi một con virus bắt đầu lan ra trên toàn cầu."
Nguồn: Hành tinh Titanic
Ảnh: Greenland Dream