16/06/2023
LỊCH SỬ TỔ CHỨC FULRO
1. TỪ BAJARAKA ĐẾN FULRO
Theo dòng lịch sử, tiền thân của tổ chức Fulro đã có từ thời chế độ VNCH, với mục tiêu ban đầu là đấu tranh bất bạo động chống lại chính sách phân biệt đối xử của chính quyền Ngô Đình Diệm đối với các sắc tộc thiểu số. Ngày 1-5-1958, một số trí thức người Tây Nguyên (từ dùng của thời kỳ đó là: người Thượng), do ông Y Bham Ênuôl người Ê Đê chủ xướng, đã thành lập một tổ chức có tên gọi BaJaRaKa. Mục tiêu kết nối các sắc tộc được cho là mạnh nhất và sinh sống lâu đời ở Tây Nguyên, BaJaRaKa là chữ viết tắt tên của bốn dân tộc chủ yếu: Bahnar (người Ba Na), Djarai (người Gia Rai), Rhadé (người Ê Đê) và Kaho (người Cơ Ho).
Chỉ sau hai tháng kể từ ngày thành lập, với chữ ký của ông Y Bham Ênuôl, ngày 25-7-1958, BaJaRaKa gửi thư đến Tòa đại sứ Pháp, Hoa Kỳ và Liên Hiệp Quốc tố cáo những hành vi phân biệt sắc tộc của nhà cầm quyền và yêu cầu các cường quốc can thiệp để người Thượng được độc lập trong khối Liên hiệp Pháp hoặc dưới sự lãnh đạo của Hoa Kỳ.
Tiếp đó, các tháng 8 và 9 của năm này, BaJaRaKa tổ chức nhiều cuộc biểu tình thỉnh nguyện tại Buôn Ma Thuột, Kon Tum, Pleiku nhưng các cuộc biểu tình này đều bị trấn áp. Tất cả những người được cho là lãnh đạo của phong trào này đều bị bắt, trong đó có ông Y Bham Ênuôl.
Trước đó, từ năm 1956, thực thi mục tiêu chống Cộng ráo riết, triệt để của Hoa Kỳ, các cố vấn quân sự Mỹ vào tận các buôn làng, đào tạo và trang bị vũ khí cho thanh niên Thượng. Họ tổ chức thành các đội Dân sự Chiến đấu Thượng (Civilian Indigenous Defense Group, CIDG) và Lực lượng Đặc biệt.
Cuộc đảo chính của phe quân sự dưới sự hỗ trợ của CIA đã lật đổ họ Ngô vào năm 1963, với sự kiện này, tất cả những người lãnh đạo của BaJaRaKa được trả tự do.
Sau đó, nhằm giảm bớt sức ép chính trị, đồng thời thực hiện mưu đồ “dùng người Thượng cai trị người Thượng”, nhà cầm quyền ngụy Sài Gòn đã bổ nhiệm một loạt các thủ lĩnh của phong trào này vào các chức vụ chủ chốt ở các tỉnh Tây Nguyên. Trong đó, ông Y Bhăm Ênuôl trở thành phó tỉnh trưởng tỉnh Đắc Lắc, ông Paul Nưr là phó tỉnh trưởng tỉnh Kon Tum. Tháng 3-1964, một lần nữa được sự ủng hộ của người Mỹ, những người lãnh đạo BaJaRaKa kết hợp với các sắc tộc Thượng khác và người Chăm tại duyên hải miền Trung thành lập “Mặt trận Giải phóng Cao Nguyên” (FLHP). Thế nhưng, ngay từ khi thành lập, “mặt trận” này đã phân chia thành hai phe đối nghịch nhau: phe ôn hòa do Y Bham Ênuôl đại diện và phe chủ trương bạo động do Y Dhơn Adrong cầm đầu.
Trong hai tháng 3 đến 5-1964, phe bạo động trong FLHP bị quân đội ngụy Sài Gòn mở các chiến dịch truy quét gắt gao phải chạy qua Campuchia lập căn cứ tại tỉnh Mondolkiri, cách biên giới nước ta 15 km. Tại căn cứ này, họ tiếp tục tuyển mộ thanh niên Thượng tham gia FLHP chống chính quyền Việt Nam cộng hòa. Ngày 19-9-1964, các toán biệt kích thuộc Lực lượng Đặc biệt và các đội Dân sự Chiến đấu Thượng nổi dậy đánh chiếm một số đồn ở Quảng Đức (nay là Đắc Nông) và Đắc Lắc giết chết 35 binh sỹ VNCH, bắt sống quận trưởng Đức Lập; đánh chiếm đài phát thanh Buôn Ma Thuột và kêu gọi người dân tham gia nổi dậy thành lập quốc gia độc lập.
Ngày 20-9-1964, chuẩn tướng Vĩnh Lộc, Tư lệnh Vùng II Chiến thuật đã lệnh cho Sư đoàn 23 bộ binh cùng một số tiểu đoàn biệt động quân và thiết giáp vây quanh đài phát thanh, và những đồn bị chiếm đóng. Thế nhưng, ngay thời điểm đó, Vĩnh Lộc nhận được khuyến cáo của Beachner, tham tán thứ ba tòa đại sứ Mỹ trên Cao Nguyên là dừng ngay lệnh nổ súng và tiến hành thương thuyết. Ngay sau đó, một cuộc thương lượng có sự hiện diện của quan chức tòa đại sứ Mỹ, đi đến những thỏa thuận sau: Y Bham Ênuôl được cử làm chủ tịch chính thức phong trào FLHP; tuy nhiên ngay trong chiều 20-9-1964, ông ta đã trốn sang Campuchia. Thỏa thuận thứ hai là những người Thượng chỉ huy đợt tập kích này không bị truy tố và không bị truy đuổi khi rút quân qua Campuchia…
Như một cơ hội đã chín muồi cho một âm mưu lâu dài, cuộc thương lượng dưới sự “chủ trì” của người Mỹ chính là “bà đỡ” đảm bảo cho sự ra đời của một thế lực chính trị mới theo đúng ý đồ và sự sắp đặt của họ. Ngày 20-9-1964, tại Campuchia, “Mặt trận Thống nhất Đấu tranh của các Sắc tộc bị Áp bức” được thành lập (Front Uni de Lutte des Races Opprimées, đọc theo tiếng Pháp, viết tắt là FULRO (xin viết là Fulro). Mặt trận này bao gồm các thành phần: Mặt trận Giải phóng Champa (Front de Libération du Champa, FLC) tức Fulro Chăm, do Les Kosem (một tướng nhảy dù người Khmer gốc Chăm) lãnh đạo.
Mặt trận Giải phóng xứ Campuchia Krom miền Tây Nam Việt Nam (Front de Libération du Kampuchea Krom, FLKK) tức Fulro Khmer, do Chau Dera làm đại diện và Mặt trận Giải phóng Cao Nguyên (Front de Libération des Hauts Plateaux, FLHP) tức Fulro Thượng, do Y Bham Ênuôl cầm đầu. Fulro đã tự “sản xuất” một lá cờ (hiệu kỳ) hình chữ nhật gồm ba sọc: màu xanh biển (tượng trưng cho biển cả), màu đỏ (biểu tượng của đấu tranh) và màu xanh lá cây (màu của rừng núi). Trên dòng sọc đỏ có ba ngôi sao trắng tượng trưng cho ba mặt trận của Fulro: Champa, Thượng và Campuchia Krom.
Fulro có ba cơ quan lãnh đạo: Hội đồng Tối cao do Chau Dera làm chủ tịch, Hội đồng Bảo trợ do Les Kossem làm chủ tịch, và Ủy ban Chấp hành Trung ương do Y Bham làm chủ tịch. Trong thực tế, vào thời điểm này, Y Bham Ênuôl không có thực quyền, người nắm hết mọi quyền hành là Les Kosem. Trong khi đó, nhóm Fulro Thượng do Y Bham Ênuôl làm chủ tịch vẫn bị phân hóa thành hai như còn thời BaJaRaKa: nhóm dân sự ôn hòa do Y Bham Ênuôl lãnh đạo tiếp tục chủ trương vận động Hoa Kỳ làm áp lực với chính phủ Việt Nam Cộng hòa để Fulro Thượng được về Việt Nam hoạt động một cách chính thức; ngược lại, nhóm vũ trang do Y Dhơn Adrong cầm đầu vẫn kiên quyết chủ trương dùng bạo lực để thành lập một quốc gia độc lập của người Thượng trên cao nguyên…
Trong thời kỳ từ 1964 đến 1969 và ngay cả những năm sau ngày nước nhà thống nhất, “câu chuyện Fulro” rất dài dòng với nhiều biến cố và sự kiện xảy ra bởi những mâu thuẫn chồng chéo giữa Fulro với chế độ ngụy quyền Việt Nam cộng Hòa và các thế lực chính trị khác; giữa các nhân vật, các phái khác nhau chính trong tổ chức này. Cũng trong những năm này, Fulro liên tục thay đổi bộ máy cầm đầu, trong đó, có không ít kẻ bị đồng bọn ám sát trong quá trình thanh trừng, tranh giành quyền lực. Nói ra rất tốn giấy mực và thời gian của bạn đọc. Xin điểm thêm về sự kiện hiệp ước cuối cùng được ký kết vào ngày 1-2-1969 giữa ông Paul Nưr - đại diện Việt Nam Cộng Hòa và Y Dhê Adrong, đại diện Fulro dưới sự chủ tọa của Tổng thống ngụy Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu. Một số người trong các sắc tộc Thượng và Chăm không hài lòng với những điều khoản ký kết và vì vậy, Fulro tiếp tục đấu tranh, có lúc lộ diện, có lúc ẩn chìm.
Năm 1975, chế độ ngụy quyền Việt Nam cộng hòa sụp đổ, Fulro - dưới sự giật dây, hỗ trợ của các ông chủ từ xa, tiếp tục tổ chức quấy phá chống lại nước ta. Từ đầu năm 1975 đến năm 1977, Fulro tiếp tục tuyên truyền, kích động gây hận thù dân tộc và tiến hành tập kích vũ trang. Một tên thủ lĩnh khác là Y Djao Niê tổ chức lại Fulro đồng thời kêu gọi các nước Anh, Pháp, Mỹ và LHQ viện trợ. Từ năm 1982-1985, Fulro được các thế lực quốc tế và tàn quân Pôn Pốt tiếp sức, củng cố căn cứ ở Mondolkiri và đưa được các toán đặc biệt về vùng ngã ba biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia lập “mật cứ” đón gián điệp, biệt kích, lực lượng lưu vong trở về như Võ Đại Tôn, Hoàng Cơ Minh và các toán phản động khác. Trong thời gian từ năm 1979-1985, hoạt động Fulro đã phá hoại cuộc sống bình yên của các thôn ấp, buôn làng, giết hại nhiều cán bộ, công an, dân quân và quần chúng tốt. Nhưng lực lượng công an, quân đội ta được nhân dân các đồng bào dân tộc ủng hộ đã đẩy mạnh công tác nghiệp vụ, đấu tranh thắng lợi trong hàng chục chuyên án, làm tan rã nhiều nhóm Fulro và đưa họ trở về với cộng đồng.
Ở Tây Nguyên, cuối thập niên 80, không còn mấy ai nhắc đến Fulro nữa. Cho đến năm 1992, vấn đề Fulro lại xuất hiện ở khu vực biên giới Thái Lan - Campuchia. Theo phóng viên người Mỹ Nate Tahyer trên tờ New Straits Times: “Lực lượng mang tên là Fulro-Dega là một tổ chức vũ trang đặt dưới quyền lãnh đạo của đại tá Y Peng Ayun, vẫn tiếp tục liên hiệp với Khmer Ðỏ để chống lại Hà Nội. Sau 17 năm chống cộng, lực lượng của đại tá Y Peng Ayun chỉ còn lại khoảng 2.000 người. Từ biên giới Thái -Miên, đại tá Y Peng Ayun tuyên bố rằng, lực lượng Fulro-Dega sẽ tiếp tục đấu tranh cho tới khi nào Cộng Sản trao trả lại tự do cho dân tộc Tây Nguyên.” Năm 1994, khi LHQ đưa lực lượng quốc tế UNTAC vào thực hiện giải pháp chính trị ở Campuchia, Fulro không còn chỗ dựa. Với sự chấp thuận của Mỹ, tháng 12-1992, toàn bộ số Fulro còn lại gồm 407 tên do Y Peng Ayun cầm đầu đã ra hàng UNTAC, tuyên bố chấm dứt hoạt động chính trị và vũ trang, nộp vũ khí và được người Mỹ đưa đi định cư ở bang Colorado…
Hồ sơ về Fulro là hồ sơ về một tổ chức phản động, một tổ chức tội ác. Tổ chức đó đã bị xóa sổ trước tinh thần đấu tranh không mệt mỏi của quân và dân ta trong công cuộc bảo vệ độc lập, chủ quyền, sự toàn vẹn lãnh thổ và cuộc sống bình yên của nhân dân. Thế nhưng, tàn dư của nó vẫn còn khi vẫn còn đó những thế lực thù địch, những âm mưu đen tối chống phá đất nước và nhân dân ta. Lật lại hồ sơ Fulro, chúng tôi muốn gửi đến bạn đọc những thông tin dù đã từng xảy ra trong quá khứ, nhưng bài học cảnh giác thì luôn tươi mới…
2. TÂY NGUYÊN NHỮNG THÁNG NGÀY NÓNG BỎNG
Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi lúc sinh thời, đại tá Vũ Linh (tức Tư Vũ, nguyên Trưởng Ty Công an Lâm Đồng, Cụm trưởng An ninh Tây Nguyên) vẫn còn nặng nề: “Hồi đó, ngày nào chúng tôi cũng nhận được tin cấp báo về những hoạt động và hành vi tội ác của bọn Fulro trên khắp địa bàn. Chúng không từ bất cứ thủ đoạn độc ác nào, nhằm vào bất kể mục tiêu quân sự hay dân sự, sẵn sàng xả đạn vào cán bộ, công an, quân đội hay thường dân…”
Theo tư liệu của cố đại tá Vũ Linh (tham luận nhân một cuộc hội thảo về vấn đề Fulro): Năm 1975, cùng với toàn miền nam, Tây Nguyên được giải phóng. Bọn phản động choáng váng trước sự kiện bất ngờ này, nhưng ngay từ thời điểm đó, chúng đã thu gom vũ khí, quân trang, quân dụng của quân đội Sài Gòn bỏ lại và cơ cấu thành một tổ chức vũ trang do Kpă Kới làm Phó tổng tư lệnh kiêm Phó Chủ tịch Fulro. Bên dưới Kới có Bộ Tổng tham mưu do Y Bach Êban làm Tổng tham mưu trưởng. Chúng bố trí lực lượng theo 4 vùng chiến thuật nhằm thực hiện âm mưu chống phá lâu dài, tiến tới “xây dựng một nhà nước tự trị.” Theo đó, vùng 1 (hay còn gọi là Quân khu 1) là miền tây Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên; vùng 2 là Gia Lai, Kon Tum; vùng 3 là Đắk Lắk, Quảng Đức và vùng 4 là Lâm Đồng, Ninh Thuận. Trong đó, vùng 4 hoạt động mạnh nhất mà nóng bỏng nhất là địa bàn Lâm Đồng.
Lợi dụng tình hình Tây Nguyên mới giải phóng chưa ổn định, Fulro nổi lên hoạt động mạnh ở nhiều nơi. Chúng xuất hiện trên nhiều buôn làng rải truyền đơn, tuyên truyền miệng xuyên tạc chính sách của Đảng, nhà nước; dọa dẫm, kích động, lôi kéo nhân dân tham gia tổ chức của chúng, đồng thời đẩy mạnh hoạt động khủng bố, tấn công vào các đơn vị bộ đội, các tổ công tác của ta; phục kích, giết hại và làm bị thương hàng trăm người; cướp súng đạn, hàng hóa, tập kích đường giao thông, đốt phá trụ sở. Hàng ngàn thanh niên trong các buôn làng bị Fulro lôi kéo, cưỡng bức vào rừng. Không khí Tây Nguyên vào thời kỳ đó thật u ám, nóng bỏng.
Anh Nguyễn Văn Sinh, ngụ tại xã Đạ Đờn (Lâm Hà, Lâm Đồng), trong lời kể về cái chết oan nghiệt của bố vợ anh do bọn Fulro gây ra hơn bốn mươi năm trước vẫn chưa hết kinh hoàng. Đó là một đêm cuối năm 1979, khi buôn làng đang chìm trong giấc ngủ thì ngọn lửa bùng lên ở cuối thôn Bờ Sa. Tiếng người la hét hoảng loạn: “Fulro đốt nhà, bắt cóc mọi người đưa vào rừng rồi!” Sáng hôm sau, người thân của họ liều mình vào rừng tìm kiếm. Mọi người đau đớn chứng kiến xác những người nông dân hiền lành bị đánh đập, máu me đầy mình, móc mắt và treo lên cành cây bên bờ sông Đạ Dâng. “Tội” của họ chỉ là không có lương thực góp cho bọn chúng. Thiếu tá Liêng Bang, người chỉ huy đợt tập kích này, sau đó đã trở về đầu thú, sống tại xã Đạ Đờn (vừa mất năm 2020). Trong một cuộc tiếp xúc với ông ta trước đây, tôi không có ý moi móc lại lỗi lầm xưa, nhưng Liêng Bang tỏ ra rất hối hận khi tôi nhắc lại hành vi man rợ đẫm máu đối với những người dân vô tội ấy…
Không ai có thể nhớ hết những tội ác, những nỗi đau thương mà tổ chức phản động Fulro gây nên đối với người dân Tây Nguyên. Những chuyến xe khách dân sự ì ạch qua đèo An Khê, đèo Bảo Lộc, quốc lộ 14 bị bọn chúng bất ngờ tập kích, giết chết tất cả đàn ông, hãm hiếp phụ nữ và cướp tài sản. Trường học giữa buôn, bọn Fulro về thiêu cháy rụi, các cô giáo trẻ bị bọn chúng mang vào rừng hãm hiếp và vứt xác xuống suối. Những gia đình đồng bào, Fulro nghi ngờ cộng tác với chính quyền, chúng giết sạch cả nhà và chặt đầu treo lên cành cây. Chúng giết bất cứ ai, nếu người đó không theo chúng.
Ông Lê Thành Danh, một người dân quê Nghi Thái, Nghi Lộc, Nghệ An vào Đắc Min (Đắc Nông ngày nay) xây dựng vùng kinh tế mới năm 1977, một năm sau đó ông và 5 người dân cùng làng bị bọn Fulro ném lựu đạn giết chết bên mé rừng khi họ đang phát cây khai hoang. Anh Tứ, con trai cả ông Danh, nhớ lại: “Hồi đó, tôi và những đứa em của mình còn nhỏ. Cả làng Đồi Hồng (xã Đức Minh) đi nhặt từng phần xương thịt cha tôi và những người xấu số khác. Bộ đội, du kích phải cảnh giới để mọi người lo hậu sự cho những người đã mất. Từ đó, những người dân trong làng không ai còn dám vào rừng nữa, nhiều người sợ hãi bỏ vùng kinh tế mới hồi hương…”
Đầu năm 1976, tại Gia Lai, một số tên cầm đầu Fulro lén lút móc nối hoạt động. Chúng bí mật củng cố lực lượng ngầm ở các buôn làng và tổ chức lực lượng vũ trang ngoài rừng. Ngày 14-6-1976, tên Y Toan Êban và Ksor Hit đi liên lạc với “trung ương Fulro” từ Đắk Lắk trở về đã móc nối với các tên Nay Phun, Nay Rông, R Cơmxik và 20 đối tượng khác đang lẩn trốn trên địa bàn huyện Chư Sê để thành lập khung chỉ huy gọi là “quân đoàn 12” Fulro với 12 tên do Nay Phun làm “tư lệnh”, R Cômsik làm “tỉnh trưởng” Pleiku. Từ tháng 8-1976 đến tháng 2-1977, chúng gây ra 5 vụ tập kích trên quốc lộ 19 và quốc lộ 25, chặn đường và giết hại 106 người. Tập kích 4 vụ vào các lâm, nông trường và các xã, bắt đi 29 người và lôi kéo, khống chế hàng trăm thanh niên vào rừng.
Tại Lâm Đồng, đầu năm 1975, nổi lên tên Ha Nhang, vốn là cựu binh sỹ VNCH, con của mục sư Ha Prông - chủ nhiệm Nam Thượng hạt (Sông Bé, Lâm Đồng và thị xã Bảo Lộc), có uy tín và ảnh hưởng trong lực lượng Fulro. Vùng 4, theo kế hoạch của Fulro, gồm cả các tỉnh nói trên, sẽ là vùng chiến thuật quan trọng nhất của chúng. Ha Nhang tự xưng là Tư lệnh vùng 4, dưới sự chỉ huy của hắn, bọn Fulro tập kích vào các cơ quan Đảng, chính quyền. Ngày 8-4-1975, sau đúng 5 ngày Đà Lạt giải phóng, bọn chúng đã phục kích đội công tác do đồng chí K’Brèo - thường vụ Huyện ủy Đức Trọng làm Đội trưởng; làm đồng chí Hà Ban, một thành viên của đội hy sinh.
Năm 1976, xã Tân Hội (huyện Đức Trọng, Lâm Đồng) mới thành lập, tiến hành bầu cử Hội đồng nhân dân xã. Nửa đêm, Fulro đột kích cướp thùng phiếu rồi bắn súng M16, M79 vào trường tiểu học vừa xây dựng xong, bắt cóc rồi sát hại một cán bộ xã. Tại xã Liên Đầm (Di Linh, Lâm Đồng), ngày 27-1-1977, Fulro đã bắt rồi thủ tiêu anh K’Trang, một dân thường. Chúng vứt xác anh bên quốc lộ 20 chỉ vì K’Trang không chịu theo chúng vào rừng. Cố đại tá Vũ Linh kể: Vào một đêm tháng 4-1979, ông đi công tác cơ sở và đang ngủ thì nhận được tin báo một cửa hàng mua bán tại xã Phi Tô, huyện Lâm Hà bị tập kích. Bọn Fulro đã giết hại vợ chồng người nhân viên tên là Y Suk và đứa con nhỏ 4 tuổi của họ và cướp đi toàn bộ tài sản của cửa hàng. “Bản thân tôi và tất cả những người chứng kiến thảm cảnh ấy đều đau đớn, nhức nhối gan ruột!”, đại tá Vũ Linh nói.
Đêm 23-7-1976, tại Đăk Lăk, khoảng 50 tên Fulro bất ngờ tập kích vào đơn vị bộ đội thông tin tại huyện Krông Buk làm 3 đồng chí hy sinh, 6 đồng chí bị thương. Ngày 16-1-1977, cũng tại Krông Buk, bọn Fulro giết đồng chí Ma Đôi - Bí thư chi bộ một xã thuộc huyện này, bắn bị thương chủ tịch xã, cướp đi 23 súng và lôi kéo 17 du kích người dân tộc vào rừng. Ngày 9-2-1977, một toán Fulro ngoài rừng kết hợp với số hoạt động bí mật trong các buôn Puôr, buôn Cuôr Ta Ra (Buôn Ma Thuột) chặn bắt 26 người dân ở xã Hòa Đông, 5 người chống cự, bị chúng xả súng và dùng dao giết chết. Còn lại 21 người, chúng đưa vào rừng giết.
Từ năm 1978 đến 1989, Fulro ở Gia Lai đã gây nên 215 vụ phục kích, tập kích với những hậu quả hết sức nghiêm trọng. Chúng đã bắn giết dã man 198 người, làm bị thương 169 người khác, đốt 38 nhà dân, 8 trụ sở xã, phá hỏng 6 ôtô, kéo ra rừng 842 người. Ngoài ra, chúng còn tổ chức hàng chục vụ đặt mìn, phá hủy cầu cống trên các tuyến giao thông. Điển hình là các vụ: Đêm 26-3-1979, một toán Fulro tập kích vào 3 xã Ama Rơn, Ia Pia, Chư A Thai (huyện Ayun Pa) giết chết 9 người, bắn bị thương 12 người, đốt phá 3 nhà kho chứa 15 tấn lúa. 8 giờ sáng 11-6-1980, Fulro phục kích trên đường vào Đăk Đoa, huyện Mang Yang bắn cháy 1 xe ô tô làm chết 16 người. Ngày 28-7-1989, chúng tập kích vào một số gia đình xã An Phú, Pleiku bắn chết 5 người dân vô tội. Ngày 25-5-1980, khi có 4 thiếu niên người Kinh ở xã H’Neng, huyện Mang Yang vào rừng hái xoài đã bị Fulro giết hại dã man. Sau đó, có 10 người thân của các em đi tìm đã gặp toán Fulro trên, 6 người chạy thoát, còn 4 người đã bị chúng giết hại...
Còn rất nhiều, rất nhiều tội ác khác do bọn Fulro gây ra, từ những năm sau giải phóng đến tận khi tổ chức của chúng bị xóa sổ. Trong bài viết dung lượng nhỏ này chúng tôi không thể điểm hết.
Theo hồi tưởng của cố đại tá Vũ Linh: Những ngày đó, cả nước hướng về Tây Nguyên với biết bao lo lắng. Đầu năm 1977, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra chỉ thị 04/CT-TW về đẩy mạnh việc giải quyết vấn đề Fulro. Sau các Hội nghị Công an toàn quốc, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) mà trực tiếp là Bộ trưởng Phạm Hùng đã tổ chức nhiều cuộc họp và trực tiếp chỉ đạo ngành công an các tỉnh Tây Nguyên phối hợp cùng các đơn vị của Bộ, quân đội, các địa phương cấp tốc tổ chức và triển khai các chuyên án để triệt phá tổ chức phản động nguy hiểm này. Chúng tồn tại thêm ngày nào là ngày đó tình hình vẫn rối ren, là máu của đồng chí, đồng bào vẫn đổ xuống mảnh đất vừa trải qua chiến tranh đang cần sự bình yên…”
3. QUYẾT TÂM XÓA SỔ FULRO
Fulro, với sự hà hơi tiếp sức của các thế lực thù địch bên ngoài, đã trở thành một lực lượng phản động, khủng bố cực kỳ nguy hiểm. Mục đích của chúng là khuấy động cuộc sống bình yên trên các buôn làng, phá hoại thành quả cách mạng, gây thù hận và chia rẽ giữa các dân tộc, làm tê liệt hệ thống chính quyền cơ sở và kéo quần chúng nhân dân theo chúng chống lại nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Càng về sau, Fulro hoạt động càng điên cuồng. Tình hình mỗi ngày mỗi thêm nóng bỏng. Tội ác của chúng gây ra với đồng chí, đồng bào trên khắp địa bàn Tây Nguyên và cả những nơi có bóng dáng của chúng trên khắp miền Nam là không thể kể xiết. Trước thực tế ngày càng nhức nhối, ảnh hưởng đến việc ổn định và kiến thiết đất nước sau chiến tranh, các lực lượng vũ trang của ta đã mở hàng loạt chiến dịch hành quân quy mô lớn, truy quét tận sào huyệt của Fulro tại Đắk Lắk, Gia Lai, Lâm Đồng, Tuyên Đức…
Theo tài liệu của ngành công an, thời điểm đó, Khu ủy Khu 6 thành lập Ban chỉ đạo truy quét Fulro mà Thường vụ Khu ủy là cơ quan trực tiếp phụ trách, bên dưới là các Ban chỉ đạo cấp tỉnh. Lực lượng vũ trang được đưa vào tấn công truy quét Fulro lúc này là Sư đoàn 10 (Bộ Quốc phòng), Trung đoàn 812 của Khu 6 và quân đội, công an các địa phương. Chúng ta cũng đã triển khai rất hiệu quả công tác vận động quần chúng, người tốt giáo dục người xấu, người thân lôi kéo người thân, đưa những người lầm lỗi trở về với gia đình, buôn làng. Kết quả, từ năm 1975 đến 1977 ta đã bắt, gọi về hàng 152 đối tượng, 2.539 đối tượng khác về đầu thú, thu 251 khẩu súng các loại, 17 lựu đạn, 1 máy đánh chữ. Cũng trong thời điểm này, nhiều tên lãnh đạo cao cấp của Fulro như: Y Chôn Mlô Duôn Du, Y Bliêng Hmok, Y Nguê, Y Djao Niê, Nay Guh... đã bị bắt và đưa vào trại cải tạo tại Buôn Ma Thuột.
Thế nhưng, tháng 5-1976, một số tên cầm đầu Fulro Đêga bị ta bắt giam, gồm: Y Djao Niê, Nay Guh, Nay Ful, Nay Rông, Y Bliêng Hmok, Y Nguê...đã vượt ngục và ám sát ban lãnh đạo Fulro Đêga cũ (gồm Kpa Kới, Y Bach Êban, Y Dhê Buôn Dap...) để giành quyền lực. Sau cuộc “đảo chính đẫm máu” này, Y Djao Niê - trung tá quân đội Sài Gòn cũ, đứng ra thành lập nội các mới, tự xưng là thiếu tướng - Thủ tướng Fulro và đưa Nahria Ya Đuk làm Phó thủ tướng thứ nhất kiêm Tư lệnh vùng 4. Nội bộ Fulro lúc này đã bộc lộ rõ nét những mâu thuẫn, thù hằn và sát hại lẫn nhau. Một số chức sắc và binh lính Fulro nhận thức ra sự phi nghĩa, bỏ về làng làm nương rẫy, số khác buông súng đầu hàng. Bị quân ta truy quét gắt gao và nhiều dấu hiệu dẫn đến rã ngũ, Y Djao Niê đã dẫn hơn 2.000 tàn quân Fulro - Đêga chạy sang Campuchia và được Khmer Đỏ tiếp nhận, trở thành một lực lượng vũ trang trong bộ máy giết người của Pôn Pốt - Iêng Xary. Sau đó, lúc này là đồng minh của Khmer Đỏ, Fulro lại quay về Tây Nguyên tiếp tục hoạt động chống phá, khủng bố.
Trước diễn biến phức tạp, đầu năm 1977, Ban Bí thư Trung ương đã ra chỉ thị 04/CT-TW về đẩy mạnh việc giải quyết vấn đề Fulro. Chỉ thị đã phân tích sát thực tình hình và chỉ đạo công tác đấu tranh, giải quyết Fulro theo một nhận thức mới, sử dụng các phương pháp, biện pháp có hiệu quả. Cố đại tá Vũ Linh nói: “Chúng tôi nhận thức rằng, đánh Fulro phải đánh từ “gốc”, có nghĩa là cắt đứt sợi dây ủng hộ của đồng bào trong các buôn làng. Từ đó, các cấp chính quyền và lực lượng vũ trang vào cuộc, xắn tay giải quyết vấn đề đời sống của dân, ba cùng với dân, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của dân. Thông qua đồng bào, chúng ta giải quyết vấn đề Fulro từ gốc rễ….” Chính từ nhận thức đó, ở các buôn làng, đồng bào các dân tộc thiểu số đã tự nguyện kết nghĩa, phối hợp với bộ đội, công an và các ban ngành đoàn thể cùng quyết tâm chống lại tội ác của Fulro. Có nơi, quần chúng cắt máu ăn thề: không theo, không tiếp tế, không nghe lời Fulro, phát hiện Fulro là trình báo…
Dưới sự chỉ đạo và tăng cường quân số của Bộ Nội vụ, lực lượng công an Lâm Đồng đã lập nhiều chuyên án “đánh” Fulro. Ta đã đánh 36 trận, thu 104 khẩu súng các loại, 51 lựu đạn, 587kg lương thực và nhiều tài liệu quan trọng, làm tan rã hai tiểu đoàn, tiêu diệt tên thiếu úy - trưởng hai tiểu đoàn; phá 6 tiểu đoàn trù bị, 14 tổ chức chính quyền Fulro cấp xã; phá 2 tổ chức Fulro cấu kết với bọn phản động “Mặt trận tự quyết”; xóa sổ nhiều căn cứ của Fulro; bắt sống, gọi hàng 46 đối tượng, trong đó có những Fulro cộm cán. Tại Đăk Lăk, tháng 2-1977, lực lượng công an tỉnh xác lập 10 chuyên án đấu tranh với Fulro, phối hợp với Cục cảnh sát bảo vệ, quân đội, du kích đánh 125 trận, tác động, lôi kéo về hàng 776 đối tượng, giáo dục 11.945 người là cơ sở tiếp tế cho Fulro ngoài rừng, thu 639 súng các loại. Bị ta truy quét mạnh, cuối năm 1977, 1.400 thành viên Fulro đã rời bỏ hàng ngũ. Fulro lâm vào thế bị động, giảm hẳn hoạt động vũ trang và các cuộc tập kích lớn trên đất Đăk Lăk.
Từ năm 1977 - 1987, thực hiện nghị quyết của các kỳ Hội nghị Công an toàn quốc, các kế hoạch của Bộ Nội vụ, Cục nghiệp vụ, công an các địa phương Tây Nguyên đã thực hiện nhiều chuyên án giải quyết vấn đề Fulro (khoảng 55 chuyên án). Một số chuyên án lớn qua đấu tranh đã giúp cơ quan an ninh đánh giá, hiểu rõ hơn nội tình của Fulro; tạo những bước ngoặt trong quá trình đấu tranh, giải quyết vấn đề Fulro ở địa phương và trên toàn Tây Nguyên. Chuyên án F384 (từ tháng 3-1984 đến tháng 7-1985) của Công an tỉnh Đăk Lăk, đấu tranh lôi kéo số Fulro ly khai người M’nông ở địa bàn Đăk Mil, Đăk Nông - Đăk Lăk. Kết quả gọi hàng 47 người, tiêu diệt hai đối tượng, bóc gỡ một khung chính quyền ngầm cấp xã, ta đã giải quyết cơ bản bộ phận Fulro người M’Nông.
Chuyên án T107 đấu tranh với số cầm đầu quân khu 1 Fulro; T108 đấu tranh với số chỉ huy quân khu 2, Y384 đấu tranh với toán đặc biệt của bộ quốc phòng Fulro; F485 đấu tranh với số chỉ huy quân khu 4 và một bộ phận của bộ tổng tham mưu do tên đại tá Ênuôl M’Bột cầm đầu của Công an hai tỉnh Gia Lai - Kon Tum, Đăk Nông - Đăk Lăk, giải quyết dứt điểm vấn đề Fulro Chăm (1984); diệt, bắt, gọi hàng hơn 500 Fulro ở rừng và bóc gỡ gần 2.000 cơ sở của Fulro trong buôn, ấp. Đặc biệt, Chuyên án F101 nổi tiếng, với những biện pháp nghiệp vụ cực kỳ táo bạo, công an Lâm Đồng đã lập nên những chiến công xuất sắc (Chúng tôi sẽ phản ánh chi tiết chuyên án này trong số báo sau). Ở Tây Nguyên, các tỉnh đã cơ bản phá rã hệ thống tổ chức ở rừng của Fulro. Cho đến tháng 12-1992, số tàn quân Fulro còn lại do “đại tá” Y Peng A Yun cầm đầu đã ra hàng UNTAC tại Campuchia, tuyên bố chấm dứt hoạt động chính trị và vũ trang, nộp vũ khí và được đưa đi định cư ở Mỹ. Đến đây chấm dứt hoàn toàn tổ chức Fulro.
Mười bảy năm (1975-1992), dưới sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước, với sự quyết tâm và kiên trì chiến đấu, vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ, hy sinh, lực lượng công an, quân đội Việt Nam cùng nhân dân các tỉnh Tây Nguyên và các tỉnh phụ cận đã đấu tranh làm tan rã hoàn toàn tổ chức, lực lượng Fulro. Ta đã loại khỏi vòng chiến đấu 15.000 lượt Fulro ở ngoài rừng; bóc gỡ hàng trăm khung chính quyền ngầm cùng 62.500 cơ sở của Fulro trong buôn ấp; thu 2.712 vũ khí các loại. Lần đầu tiên, vấn đề Fulro được giải quyết triệt để. Fulro không còn tồn tại với tư cách là một tổ chức, lực lượng chính trị phản động, đe dọa trực tiếp tới an ninh quốc gia ở địa bàn chiến lược Tây Nguyên và vùng dân tộc Chăm…
4. CHUYÊN ÁN F101 - DỤ HÙM XÁM RỜI HANG
Từ tháng 5/1976, một số tên cầm đầu Fulro Đêga bị chúng ta bắt giam tại Buôn Ma Thuột đã tổ chức vượt ngục ra rừng và sau đó ám sát ban lãnh đạo cũ để giành quyền lãnh đạo. Sau cuộc “đảo chính” này, Y Djao Niê - nguyên trung tá quân đội Sài Gòn cũ, đứng ra thành lập nội các mới, tự xưng là “thiếu tướng”, “Thủ tướng Fulro” và đưa Nahria Ya Đuk, người Cơ Ho, sinh tại Đơn Dương, Lâm Đồng làm “Phó thủ tướng thứ nhất” kiêm Tư lệnh vùng 4. Sào huyệt của “Trung ương Fulro” chuyển về vùng núi rừng Bidoup thuộc khu vực Đầm Ròn, quê hương của Ya Duck. Trong khi “ngài thủ tướng” đang bám gót Pôn Pốt bên kia biên giới, “phó thủ tướng thứ hai” Paul Yưh người Ê Đê mất uy tín, tất cả quyền lực Fulro nằm trong tay Ya Duck, thanh thế của ông ta rất mạnh. Biệt danh “hùm xám Tây Nguyên” của Ya Duck bắt đầu nổi lên từ lúc này. Chính vì vậy, Ya Duck trở thành mối quan tâm hàng đầu của ta, giải quyết Ya Duck cũng có nghĩa là đập tan đầu não Fulro và làm tan rã toàn bộ lực lượng của chúng trên toàn tuyến.
Vào thời điểm này, Công an Lâm Đồng đã hình thành và triển khai một chuyên án cực kỳ táo bạo và lập nên những chiến công xuất sắc, chuyên án mang mật danh “Cao nguyên F101.” Sự hấp dẫn của chuyên án và tinh thần tài trí, táo bạo, quyết liệt, dũng cảm của những cán bộ, chiến sỹ an ninh tham gia chuyên án này đã được các nhà điện ảnh tái hiện trong một bộ phim cùng tên và được các trường an ninh trong nước đưa vào giáo trình nghiệp vụ. Trong khuôn khổ của bài viết này, chúng tôi xin tóm tắt những thành công của chuyên án qua những tài liệu, hồi ức của những người trực tiếp lãnh đạo, tổ chức và trực tiếp đánh án như là một lần nữa tôn vinh chiến công xuất sắc và tinh thần hy sinh dũng cảm của các chiến sỹ công an nhân dân trên mặt trận đấu tranh chống lại một thế lực phản động cực kỳ nguy hiểm.
Từ hội nghị tại Nha Trang chuyên đề giải quyết Fulro do đồng chí Phạm Hùng - Ủy viên Bộ chính trị, Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng chủ trì trở về, đồng chí Đỗ Quang Thắng - Bí thư Tỉnh ủy và Phó Ty Công an tỉnh Lâm Đồng Vũ Linh lập tức triển khai công tác. Theo lời kể của cố đại tá Vũ Linh, đồng chí Đỗ Quang Thắng nói: “Bộ chỉ huy trung ương Fulro đang nằm ngay trong lãnh địa của chúng ta. Chỉ thị của đồng chí Phạm Hùng đã vạch ra cho Lâm Đồng phải tính toán như thế nào để triệt phá cái trung ương ấy của chúng...” Vũ Linh đã hạ quyết tâm đánh án thành công trước người lãnh đạo cấp ủy trực tiếp của mình.
Ngay trong đêm hôm ấy, đại úy Nguyễn Văn Độ - Phó phòng bảo vệ chính trị (sau này là đại tá, giám đốc Công an Lâm Đồng) báo cáo cho đồng chí Vũ Linh một thông tin đặc biệt: “F1 (mật danh trinh sát nằm vùng của ta) đưa tin khẩn, Nahria Ya Duck vừa liên lạc với một đường dây để xuất ngoại, thông qua mục sư Tri Lâm ở TP HCM. Cụ thể đường dây này như thế nào, tôi đã bố trí trinh sát tiếp tục theo dõi.” Với sự nhạy cảm và kinh nghiệm của một cán bộ tình báo lâu năm (Vũ Linh nguyên là đại đội trưởng điệp báo A2, được đích thân Bộ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Hoàn cử vào nam hoạt động trong kháng chiến chống Mỹ), Vũ Linh hình thành ngay ý tưởng: “Tốt lắm! Thời cơ đã đến. Sáng mai, tôi sẽ trao đổi tin này với đồng chí trưởng ty và các anh KĐ4 (Bộ Nội vụ) để bàn phương án. Không ngờ, đúng lúc này ta lại có đường để “dụ hùm ra khỏi hang”…
Chuyên án F101 đã được triển khai ngay sau đó, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Quang Thắng làm Trưởng ban. Thượng tá Vũ Linh trực tiếp chiến đấu, là Phó ban Thường trực. Các đồng chí Lương Quyền - Cục trưởng KĐ4 (Bộ Nội Vụ) cùng 3 đồng chí cấp phó: Đức Minh, Văn Bá Đạt, Nguyễn Phước Tân và đại tá Trần Đức Hoài - Trưởng Ty Công an Lâm Đồng thời kỳ đó làm phó ban. Thành viên ban chuyên án là thượng úy Nguyễn Văn Độ, thượng úy Phan Văn Thái (Phó phòng Bảo vệ chính trị, sau này là đại tá - Trưởng Công an huyện Đức Trọng) cùng thiếu tá Trịnh Lương Hy - Trưởng Công an huyện Đơn Dương (sau này là trung tướng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục An ninh 2, Bộ Công an). Nhiệm vụ của Ban chuyên án là phải đánh tan quân khu 4 - quân khu mạnh nhất của Fulro mà con át chủ bài là Nahria Ya Đuk, ngăn chặn việc chúng tiến hành lập Fulro vùng 5, góp phần cùng công an các tỉnh Đăk Lăk - Đăk Nông, Gia Lai - Kon Tum, Sông Bé, Đồng Nai... phá toàn bộ hệ thống “Trung ương Fulro”, giải quyết cơ bản tổ chức phản động này…
Như đã nói về nguồn tin của F1, qua một cô gái người Kinh tên là Thu Phương, làm y tá tại xã N’Thol Hạ (Đức Trọng), nhóm Ya Đuk đang tìm đường để ra nước ngoài trong một “chương trình” mang tên “Xuduvicaon” (xuất dương vì cao nguyên). Phương tìm được một mục sư tên là Tri Lâm, đại diện một tổ chức từ thiện quốc tế (thực ra là một kẻ mạo danh, ông mục sư này đã xuất ngoại trước đó), sẵn sàng tài trợ mọi chi phí để đưa nhóm Fulro ra nước ngoài huấn luyện, đào tạo, trang bị để sau này trở về “giải phóng Tây Nguyên”. Phương sốt sắng, hứa hẹn với thầy trò Ya Đuk qua tên “trung tá” To Na - liên lạc đặc biệt của Ya Đuk.
Dù rất khát khao xuất dương, nhưng còn nhiều nghi vấn, Ya Duck đã cử hai sĩ quan cận vệ của mình là “đại úy” Ha Póh và “thiếu tá” Ya Theng tìm mọi cách bám theo Phương để liên lạc trực tiếp với mục sư Lâm nhằm bảo đảm một đường dây xuất ngoại chắc chắn và tránh bị Phương lừa gạt. Chỉ đạo này của Ya Đuk đã được ta nắm hết. Kế hoạch bắt giữ Thu Phương và hai tên Ha Póh, Ya Theng được tính đến. Đây là khâu đột phá, là mắt xích của chuyên án. Cùng với sự chỉ đạo và hỗ trợ của Bộ Công an, Công an Lâm Đồng đã vào cuộc thực hiện chuyên án “Cao nguyên F101” sau khi nắm chắc kế hoạch của Nahria Ya Duck và “Trung ương Fulro”…
Chúng ta đã đón lõng và bắt giữ Thu Phương, Ha Póh và Ya Theng, cũng như làm rõ nhân thân của “mục sư Tri Lâm”. Sau khi bị bắt, nhận thấy việc làm của mình là sai trái, Phương ân hận và mong muốn được lấy công chuộc tội. Sau đó, cô đã hợp tác với công an một cách nhiệt tình trong vai một “con thoi” liên lạc giả tạo giữa Ya Duck và Tri Lâm. Từ những thông tin mà bọn Ha Póh, Ya Theng và Phương khai báo, cùng với những nguồn tin khác, Ban chỉ đạo chuyên án quyết định đặt cho “tổ chức từ thiện quốc tế” mà mục sư Tri Lâm (giả) nằm trong đường dây đang hấp dẫn Ya Đuk và đồng bọn một cái tên khá Tây: Tổ chức từ thiện Caritas. Các cán bộ công an gồm Lâm Văn Thạnh (thiếu úy, trinh sát ngoại tuyến thuộc Phòng bảo vệ chính trị, sau là liệt sĩ, Anh hùng LLVTND), Nguyễn Ngọc Diêu (thiếu úy, sau là liệt sĩ), Nguyễn Bảo Toàn, Nguyễn Duy Hưng (đều là thượng sĩ, cán bộ Phòng hậu cần), Trần Hữu Phi (thiếu úy, lái xe riêng của Vũ Linh) và đồng chí Nguyễn Văn Cho (trinh sát an ninh của Bộ Nội vụ tăng cường) được huấn luyện để tham gia chuyên án.
Cho đến một ngày, Ya Đuk nhận được tin: Tổng thư ký của tổ chức từ thiện Caritas đã đến Việt Nam và nôn nóng “đón” ngài “Đệ nhất Phó thủ tướng” cùng các “chiến binh Fulro” qua Hoa Kỳ. Sau nhiều cuộc thương thảo mà Thu Phương là liên lạc, thiếu úy Lâm Văn Thạnh nhập vai Nguyễn Văn Bình (Ba Bình), đại diện của “Tổ chức từ thiện Caritas”, thiếu úy Nguyễn Duy Hưng là người lái xe chở Ba Bình đến điểm hẹn để đón “chuyến hàng” đầu tiên, “chuyến hàng” mang tính quyết định. Toàn Ban chuyên án, lãnh đạo Bộ Nội vụ, lãnh đạo Cụm An ninh Tây Nguyên và Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng hồi hộp đến khó tả khi cầm bản danh sách 10 người theo Fulro sẽ “trở về” trong “chuyến hàng” đầu tiên này có “Đệ nhất Phó thủ tướng” Nahria Ya Đuk, “trung tá” Lơ Mu Yem - “tổng trưởng ngoại giao”, cùng hai “trung tá”, hai “thiếu tá” và bốn cấp “úy”.
Đúng 4 giờ 30 ngày 13-8-1980, bên kia sông Tùng Nghĩa (Đức Trọng), một đoàn người gồm 60 Fulro đang hộ tống Ya Đuk cùng 9 người khác lội qua sông, giữ đúng giao ước với Ba Bình (Lâm Văn Thạnh) và lên chiếc Microbuýt Desoto biển số 52...bên hông treo dòng chữ “Đoàn khách Campuchia tham quan” thẳng tiến về hướng TP.HCM. 8 giờ sáng 13-8-1980, chiếc xe chở Ya Đuk và đồng bọn đến vị trí ta chờ. Một chiếc ôtô khác “hộ tống” phía sau, bất ngờ vượt lên, chia lực lượng ra hai xe và thay biển số xe rồi đưa “khách” về thẳng một biệt thự trên đường Trần Bình Trọng - Đà Lạt. Nahria Ya Duck không ngờ, “Tổ chức từ thiện Caritas” mà ông ta và cả bộ máy “Trung ương Fulro” gửi gắm kỳ vọng cho những chuyến “xuất dương vì cao nguyên” lại chính là những cán bộ chiến sỹ an ninh cộng sản trong một chuyên án bí mật, mà mục tiêu đầu tiên “dụ hùm xám rời hang” đã thành công. Sau một quá trình đấu tranh, sự “cải tà quy chính” và hợp tác của Nahria Ya Duck và những người khác trong bộ máy “Trung ương Fulro” đã giúp chúng ta thực hiện thành công chuyên án F101, đập tan đầu não, dẫn đến rã ngũ và xóa sổ tổ chức Fulro trên địa bàn Lâm Đồng và cả Tây Nguyên trong những năm sau đó…
Chuyên án này có tám chuyến đi đón các “vị lãnh đạo cao cấp” của Fulro như thế, tại các địa điểm khác nhau. Cố đại tá Vũ Linh từng kể, phía sau mỗi chuyến xe chở “hàng”, bao giờ cũng có một chiếc ôtô khác do anh Phi chở ông chạy sau đề phòng bất trắc nhằm xử lý kịp thời tình huống xấu xảy ra. Phía sau nữa, lại có một chiếc ôtô lớn ngụy trang như xe chở khách, luôn giữ khoảng cách nhất định với hai xe phía trước để làm nhiệm vụ hỗ trợ khi cần thiết. Người cựu chỉ huy ban chuyên án trầm ngâm: “Thật đau lòng, có những chuyến xe, chúng tôi phải đón thi hài của các liệt sỹ Lâm Văn Thạnh và Nguyễn Ngọc Diêu vì các đồng chí thân yêu của chúng ta bị bọn quá khích trong Fulro sát hại...”
5. NHỮNG NGƯỜI VÀO HANG SÓI
Cố đại tá Vũ Linh kể, hồi đó, khi biết có trận đánh lớn sắp xảy ra, Ban chuyên án đã nhận được rất nhiều đơn tình nguyện, trong đó, rất nhiều những lá đơn của các cán bộ an ninh trẻ tuổi, dù họ biết phía trước là hiểm nguy, là có thể hy sinh tính mạng của chính mình. Cuối cùng, Ban chuyên án quyết định: các đồng chí Lâm Văn Thạnh (thiếu úy, trinh sát ngoại tuyến thuộc Phòng bảo vệ chính trị), Nguyễn Ngọc Diêu (thiếu úy), Nguyễn Bảo Toàn, Nguyễn Duy Hưng (đều là thượng sĩ, cán bộ Phòng hậu cần), Trần Hữu Phi (thiếu úy, lái xe riêng của thượng tá Vũ Linh) và đồng chí Nguyễn Văn Cho (trinh sát an ninh của Bộ Nội vụ tăng cường) vào trận. Các “cảm tử quân” được huấn luyện kỹ càng, nhập vai một cách thuần thục trước khi vào cuộc đấu sinh tử.
Nhập vai Ba Bình - một thành viên của “Tổ chức từ thiện Caritas”, lúc đó Lâm Văn Thạnh mới ngoài tuổi 20, lúc anh tham gia “nhân vật chính” trong chuyên án này, chị Nga vợ anh, vừa mới mang thai cháu Quỳnh Hương 6 tháng. Ngã xuống giữa một cánh rừng Lâm Đồng, người sỹ quan an ninh quả cảm ấy không bao giờ nhìn thấy gương mặt đứa con gái thân thương của mình. Khoảng 22 giờ, ngày 4/8/1980, Phó ban chuyên án Vũ Linh bí mật triệu tập thiếu úy Lâm Văn Thạnh lên phòng làm việc của mình. Ông nói: “Ban chuyên án đã quyết định dùng “chim mồi” “câu nhử’ tạo ra những cơn lốc xoáy vào tận sào huyệt, đập tan bộ máy lãnh đạo Fulro, kéo họ và binh lính ra khỏi rừng, đưa họ trở về với buôn làng. Để chuyên án thành công, ta tạm thời đóng giả tổ chức từ thiện Caritas; ta phải tỏ ra là tổ chức này có sẵn tiền, có đủ mọi phương tiện và điều kiện để “câu nhử” dưới hình thức đưa chúng ra nước ngoài, nhằm bắt sống những tên lãnh đạo cao nhất của “Trung ương Fulro”. Để làm được việc này, Ban chuyên án quyết định chọn Thạnh đóng vai Ba Bình là “phái viên đặc biệt” của Caritas…” Lâm Văn Thạnh đã nhận lệnh của Phó ban chuyên án trong một tâm trạng đầy hứng khởi, tự tin với lời hứa trước cấp trên: quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, dù phải hy sinh tính mạng!
Thiếu úy Lâm Văn Thạnh là một trinh sát an ninh đa tài. Anh vào vai Nguyễn Văn Bình (Ba Bình), đại diện của “Tổ chức từ thiện Caritas” và nhập vai khá “ngọt”. Trong chuyến công tác đặc biệt đầu tiên, chỉ có anh và thiếu úy Nguyễn Duy Hưng trong vai lái xe, đến “điểm hẹn” đón “chuyến hàng”, chuyến hàng quan trọng nhất vào ngày 13-8-1980. Trên “chuyến hàng” ấy có “Đệ nhất Phó thủ tướng” Nahria Ya Duck và 9 nhân vật “cỡ bự” khác của Fulro. Sau này, anh Hưng kể lại, khi đó, bản thân anh thấy hãnh diện và có phần hơi run, khi trước mặt mình là 60 tên Fulro hộ tống Ya Duck và các “sỹ quan” chỉ huy rất hung hãn, lăm lăm súng ống. Nhưng Lâm Văn Thạnh thì rất bình thản, tự tin. Trước đó, để chuyến xe đón ông Ya Đuk “trở về” thành công, Lâm Văn Thạnh, Nguyễn Duy Hưng, và cả Ban chuyên án đã qua nhiều phen “hú vía”.
Trong đó có một tình huống bất ngờ là chớm sáng ngày 13-8-1980, theo chỉ đạo của Ban chuyên án, anh “Bình” làm việc với nhóm “sỹ quan cận vệ” của ông Ya Đuk và được họ cho cái hẹn đúng 4 giờ sáng tới địa điểm đón người. Ban chuyên án đã bố trí lực lượng và Thạnh cùng Hưng có mặt đúng hẹn. Bất ngờ, từ trong những bụi cây rậm rạp cạnh con đường mòn chỗ xe anh Hưng đậu, xuất hiện sáu tên Fulro dữ dằn. Bọn chúng lao vào dùng báng súng, khúc cây và đá đánh hai anh một trận phủ đầu, hỏi các anh có phải là người của công an không? Tất nhiên, Thạnh vẫn không để lộ mình giỏi võ thuật mà phải giải thích với chúng, các anh là thành viên của “Hội Caritas” và đang giúp mở ra cho họ con đường tươi sáng. Chuyện bị tấn công này, Ba Bình đã nói lại với Ya Đuk trước lúc lên đường. Ya Đuk tỏ ra bối rối và nghiêm sắc mặt cảnh cáo sáu tên Fulro manh động!...
Chuyên án F101, như đã nói, có tám chuyến đi “đón lõng” Fulro như thế. Mỗi chuyến đi là mỗi chuyến cam go, nguy hiểm, thử thách bản lĩnh can trường và tài trí của các chiến sỹ an ninh nhân dân. Mỗi lần chuẩn bị cho một chuyến công tác đặc biệt này, những trinh sát của chúng ta nhìn đồng chí, đồng đội và người thân như là lần gặp cuối cùng. Trong chuyên án ấy, có rất nhiều tình tiết ly kỳ và rất nhiều câu chuyện. Trong dung lượng hạn hẹp, chúng tôi xin kể lại sự hy sinh dũng cảm của hai sỹ quan công an trong số “những người vào hang sói”.
Quá trình phát triển của chuyên án rất nhanh, nhưng “Trung ương Fulro” nhánh Ê Đê do Paul Yưh cầm đầu đã phát hiện nhón Nahria Ya Duck tìm đường trốn ra nước ngoài. Bọn sỹ quan Fulro đã bắt những tên ta thả về rừng nhằm “câu nhử” để tra tấn, khai thác và chúng đã hình dung dần mọi chuyện. Ngày 10-12-1980, anh Ba Bình (Lâm Văn Thạnh) đến liên lạc với “trung úy” Sa Mol ở khu vực chân núi Voi, thuộc địa bàn huyện Đức Trọng, chuẩn bị thực hiện chuyến thứ bảy. Sa Mol dẫn Bình đến gặp một tên Fulro xưng là “thiếu tá”. Vừa thấy anh “Bình”, tên “thiếu tá” này vội đứng dậy khỏi tảng đá hắn ngồi rồi ra lệnh cho bốn tên lính vây quanh anh. Hắn giữ một khoảng cách với anh, cười xã giao rồi đưa cho một tên lính khác bản danh sách 19 tên Fulro xin đi trong chuyến tới, ra hiệu đưa cho anh Thạnh. Danh sách này gồm bốn Fulro cao cấp là các “trung tá” Lơ Mu Chông, Cil Be, Ênuôl M”Bột và “thiếu tá” Tou Néh Đen - “tỉnh trưởng Phan Rang” cùng một số Fulro cấp “úy”. Lâm Văn Thạnh và đồng đội không ngờ, các anh đã rơi vào một cái bẫy do chúng cài sẵn…
Đúng hẹn, 4 giờ 30 phút ngày 23/12/1980, Lâm Văn Thạnh, Nguyễn Ngọc Diêu, Trần Hữu Phi và Nguyễn Tư Cho lên đường trên hai chiếc ôtô quen thuộc để đi đón toán Fulro. Đến điểm hẹn, nhận ra ám hiệu, các anh nhá đèn pha ba lần theo quy ước. Từ bụi cây ven đường, hai tên Fulro bước ra và nói các anh chạy xe vào 50m, rồi thêm 50m nữa. Xe vừa vào sâu trong rừng, bất ngờ, 20 tên Fulro lao vào khống chế, bẻ quặt tay các anh ra phía sau rồi dùng hai sợi dây dù trói các anh lại, đánh đập thỏa sức như để trút cơn giận dữ. Chúng lăm lăm súng ống gí vào người các anh, vừa chửi vừa cười man rợ. Sợi dây trói không đủ chặt, chúng bứt cây mắc cỡ quấn thêm mấy vòng trói các anh. Cảm giác đau buốt ban đầu nhanh chóng biến mất mà thay vào là những suy nghĩ, băn khoăn: liệu đây có phải là cái trò đánh phủ đầu của bọn Fulro như thỉnh thoảng chúng vẫn làm để buộc các anh sợ hãi mà khai ra, các anh chính là công an đi bắt chúng! Thế nhưng, các anh đâu biết đã bị lọt vào một cái bẫy mà chúng gọi là “kế hoạch phượng hoàng”...
Biết là bị lộ, ngay tức khắc, Nguyễn Ngọc Diêu đánh ngã một lúc ba tên rồi bỏ chạy, nhưng chúng đã bắn chết anh tại chỗ. Còn Lâm Văn Thạnh, Trần Hữu Phi và Nguyễn Văn Cho. Trên đường áp giải, chúng tiếp tục tra tấn, hành hạ các anh hết sức dã man nhưng cả ba cắn răng chịu đựng. Thạnh ra hiệu cho Phi và Cho, thừa lúc bọn Fulro sơ hở, anh sẽ tự cởi trói, nhảy vào tấn công bọn chúng để tạo thời cơ cho đồng đội chạy thoát. Đến 8 giờ sáng thì bọn Fulro dừng lại và mang cả ba người đến bên một bờ vực chuẩn bị xử bắn. Lợi dụng lúc chúng lên đạn, Thạnh đưa mắt ra hiệu, Cho và Phi nhảy xuống vực chạy thoát. Một mình Thạnh tả xung hữu đột tấn công giữ chân địch, và cuối cùng, người chiến sỹ an ninh quả cảm ấy đã ngã xuống giữa cánh rừng Lâm Đồng. Sự hy sinh anh dũng của Lâm Văn Thạnh đã được Nhà nước ghi nhận với danh hiệu cao quý Anh hùng LLVTND từ tháng 12-1982. Gần 40 mùa xuân đã qua, nhưng trên ngôi mộ của anh giữa nghĩa trang Liệt sỹ thành phố Đà Lạt lúc nào cũng thắm sắc hoa tươi. Người thân, đồng chí, đồng đội của anh luôn tưởng nhớ về người sỹ quan an ninh Lâm Đồng mưu trí, dũng cảm đã ngã xuống khi tuổi đời hãy còn rất trẻ. Vào thời điểm đó, chị Trịnh Thị Nhi - vợ của anh Nguyễn Ngọc Diêu và chị Trịnh Thị Nga - vợ của anh Lâm Văn Thạnh đều đang mang những giọt máu của các liệt sỹ trong mình…
Với chuyên án mang mật danh Cao nguyên F101 mà Lâm Văn Thạnh và các đồng chí, đồng đội của anh tham gia, công an Lâm Đồng đã “câu nhử” bắt giữ đại bộ phận bọn cầm đầu Fulro, làm cho nội bộ của chúng tan rã, tạo điều kiện cho ta phát động quần chúng, tấn công chính trị, gọi về hàng hơn 2000 tên. Kết quả đó đã tác động đến toàn vùng Tây Nguyên, gọi về hàng đến 4000 tên, góp phần giải quyết cơ bản vấn đề Fulro theo tinh thần Chỉ thị 04 của Ban Bí thư TW Đảng, đem lại cuộc sống bình yên cho cộng đồng các dân tộc anh em trên khắp các buôn làng Tây Nguyên.
6. ẢO VỌNG VỀ “NHÀ NƯỚC ĐỀ GA TỰ TRỊ”
Như đã nói ở phần trước loạt bài này, khi Liên Hợp Quốc đưa lực lượng UNTAC vào thực hiện giải pháp chính trị ở Campuchia, Fulro hầu như không còn chỗ dựa. Với sự chấp thuận của Hoa Kỳ, tháng 12/1992, toàn bộ số Fulro còn lại gồm 407 tên (kể cả phụ nữ và trẻ em) do Y Peng A Yun cầm đầu đã ra hàng UNTAC. Tại lễ hạ cờ đó, Y Peng A Yun đã chính thức tuyên bố chấm dứt hoạt động chính trị và vũ trang của Fulro, giao nộp vũ khí, và sau đó được người Mỹ đưa đi định cư ở bang Colorado. Tưởng rằng mọi chuyện đến đó là kết thúc. Thế nhưng, với ảo vọng điên cuồng của nhóm phản động người gốc Tây Nguyên do Ksor Kớk cầm đầu, dưới sự giật dây và hỗ trợ của các thế lực thù địch Việt Nam đã tiếp tục tạo nên sự bất ổn chính trị, trật tự trị an đối với vùng đất Tây Nguyên. Sau buổi lễ thành lập “Nhà nước Đề Ga” vào năm 2000 mà thực chất là kế hoạch vô vọng phục hồi lại Fulro cũ, từ Mỹ, Ksor Kơk đã chỉ đạo tay chân chuyển tài liệu về nước, tuyên truyền, mở rộng mạng lưới và gây dựng tổ chức. Chúng tôi tạm gọi tất cả những trò chính trị bẩn thỉu này của Kớk và những kẻ nấp phía sau y là một hệ thống mưu đồ đen tối và thù địch - là “âm mưu Tây Nguyên”.
Để hiểu thêm về cái gọi là “Nhà nước Đề Ga tự trị” ảo tưởng này, cũng cần nói thêm đôi chút về “ngài tổng thống tự phong” Ksor Kơk. Kơk là ai? Theo một số tài liệu và lời kể của một số nhân chứng, Ksor Kơk sinh năm 1943 tại làng Bon Broai, xã Yatul, huyện Ayun Pa, tỉnh Gia Lai. Năm 1958, y gia nhập phong trào BaJaRaKa. Năm 1964, Kơk đi Campuchia để tham gia tổ chức Fulro, lúc đó vừa mới thành hình. Tướng Y’Bham Ênuôl, thủ lĩnh Fulro, đã bổ nhiệm y làm đại diện tộc Jarai của khu vực Pleiku và Cheo Reo. Trong bảy năm tiếp sau đó, Ksor Kơk đầu quân cho quân đội Mỹ và phục vụ tại sư đoàn 4 bộ binh đóng ở Pleiku, nhưng y vẫn là người của Fulro. Khi Hoàng thân Norodom Sihanouk bị lật đổ năm 1970, tất cả quân số Fulro ở Campuchia đều bị sung vào các lực lượng của quân đội Cộng hòa Khmer do tướng Lon Nol chỉ huy. Bởi biến cố chính trị này của Campuchia mà Fulro đã nằm im trong giai đoạn 1970 - 1973. Giữa những năm 1971 - 1974, chính tướng Lon Nol đã gửi Ksor Kơk đi học tại trường sĩ quan tình báo Mỹ ở Okinawa và trường đào tạo sĩ quan phiên dịch tại Mỹ. Lợi dụng tình thế “nhất cử lưỡng tiện” này, tướng Y Bham Ênuôl đã cử Ksor Kơk làm đại diện của ông ta đối với Chính phủ Mỹ và Liên Hợp Quốc. Khi Fulro hồi phục, năm 1974, Ênuôl bổ nhiệm Ksor Kơk làm tổng tham mưu trưởng Fulro…
Để tiếp tục thực hiện ảo vọng đen tối của một kẻ mà suốt cuộc đời làm tay sai ngoại bang, từ giữa năm 1998, Ksor Kơk chỉ đạo cho một số cá nhân là người dân tộc thiểu số từ nước ngoài về móc nối với các phần tử phản động, quá khích tại vùng Tây Nguyên, phát tán tài liệu có nội dung kích động, chia rẽ đoàn kết dân tộc. Năm 2000, y đã cùng một số nhân vật lưu vong thành lập và ra mắt trên đất Mỹ cái gọi là “Nhà nước Đề Ga tự trị” và tự phong cho mình cái chức “tổng thống”, với mục đích chính là tạo cớ thu hút sự ủng hộ về mặt tài chính của các tổ chức phản động khác. Sau đó, tháng 2-2001, một bộ phận đồng bào dân tộc tại các địa phương vùng Tây Nguyên đã bị y và tay chân lôi kéo, xúi giục, dọa dẫm bắt tập trung đến trụ sở chính quyền tỉnh Gia Lai đưa ra những kiến nghị vô lý. Tại một số địa phương ở Đắc Lắc và các tỉnh khác tại Tây Nguyên cũng xảy ra các vụ gây rối tương tự. Rồi tiếp đó là sự kiện gây rối năm 2004 tại các tỉnh Tây Nguyên. Ai cũng biết, “tổng thống” Ksor Kơk là người đứng phía sau tất cả những vụ gây bất ổn đó. Và sau lưng Kơk là ai thì thiết nghĩ không cần phải nói thêm…
Ksor Kơk đã tham gia Đảng cấp tiến xuyên quốc gia (TRP) năm 2001. Tháng 8/2001, sau khi tổ chức những cuộc biểu tình, bạo loạn tại Tây Nguyên, Kơk đã mượn diễn đàn phát biểu ý kiến đại diện cho TRP tại tiểu ban LHQ về nhân quyền. Tháng 4/2002, Ksor Kơk cũng lại phát biểu trước Ủy ban LHQ về nhân quyền tại GeKsoneva rồi sau đó là tại hai cuộc điều trần về tự do tôn giáo tại Thượng viện và Hạ viện Ý tháng 10/2002. Năm 2003, y lại phát biểu tại Thượng viện Mỹ về vấn đề nhân quyền. Nội dung các cuộc điều trần này là xuyên tạc về tình hình cuộc sống của người dân tộc thiểu số Việt Nam và bóp méo các thông tin về các vùng dân tộc để chứng minh điều mà tên phản động lưu vong này gọi là “sự đàn áp của Chính phủ Việt Nam đối với người dân tộc”. Trong sự kiện ngày 10/4/2004, Ksor Kơk cũng tranh thủ sự chú ý của công luận để xuất hiện nhằm đánh bóng tên tuổi của mình. Y liên tục xuất hiện trên các diễn đàn quốc tế, trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài, ra tuyên bố trên các Website có tư tưởng thù địch với Việt Nam…
Kok là ai? Chúng tôi thiết nghĩ không nên dành thêm ngôn từ để nói về kẻ phản lại chính dân tộc, tổ quốc và đồng bào của chính mình.
- Tác giả: Tung Duong -