17/12/2024
🪷“Khi chúng ta phát nguyện cầu vãng sanh mà niệm Phật thì nơi ao Thất Bảo cõi Cực Lạc liền mọc lên một đóa hoa Sen. Nếu hằng ngày nhớ niệm Phật không bỏ thì hoa ấy mỗi ngày một thêm lớn, y báo và chánh báo của ta nơi cõi Cực Lạc dần dần cảm thành và hoàn thiện. Đây cũng gọi là Định Nghiệp Vãng Sanh. Dù lúc chết tâm ta có điên đảo, không niệm Phật được, dù ta có muốn tái sanh về các cõi khác đi chăng nữa cũng không thể nào xoay chuyển được. Cho nên, người niệm Phật cầu vãng sanh do Nguyện Lực cầu vãng sanh dẫn dắt, cơ cảm cùng Nguyện lực tiếp dẫn của Phật A Di Đà nên gọi là Định Nghiệp. Mà Định Nghiệp là thứ không ai và không thế lực nào can thiệp được, ngay cả bậc Đại giác thế Tôn cũng không thể thay đổi được! (Định nghiệp là một trong Tam Năng Tam Bất Năng – Nghĩa là một trong ba thứ Phật cũng không thể làm được.)
Nguyện lực siêu vượt nghiệp lực như thế nào thì bạn hãy xem trích dẫn phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện trong Kinh Hoa Nghiêm: “Người này khi sắp mạng chung, trong khoảng sát na rốt sau, tất cả các căn thảy đều tan hoại, tất cả quyến thuộc thảy đều lìa bỏ, tất cả oai thế thảy đều lui mất. Duy có nguyện vương này chẳng rời bỏ nhau, trong tất cả thời, nó đều dẫn dắt ở trước. Và trong khoảng một sát na, kẻ ấy liền được vãng sanh về thế giới Cực Lạc.”
Tại sao nguyện vãng sanh gọi là Nguyện Vương? Bởi vì nguyện về Cực Lạc chính là nguyện thành Phật để hóa độ chúng sanh, không chi hơn được nên gọi là Nguyện Vương vậy!
Bởi người hiểu về Phật pháp rất ít, mà không hiểu sâu về Phật pháp ắt sẽ rất dễ khởi tâm nghi ngờ rồi hủy báng. Thôi thì đại khái như thế này:
Ngũ nghịch thập ác là tội cực nặng, còn hủy báng chánh pháp siêu vượt cả “cực nặng”. Người phạm hủy báng chánh pháp phước thọ đều bị tổn giảm, tuy đang sống mà một phần thần thức đã bị đọa trong địa ngục. Họ không chỉ bị tà thần ác quỷ đeo bám hãm hại, mà hễ gặp chư hộ pháp cũng liền bị các ngài ấy phẫn nộ trách phạt. Nguy hại hơn, những ác báo này không chỉ bản thân họ chịu, mà tổ tiên, gia đình dòng tộc đều liên đới mà bị vạ lây. Nặng nề như thế, bi thảm như thế nên chư Phật từ bi, vì để chúng sanh tránh phạm tội này mà cảnh tỉnh rắn nhắc, để người ta làm gì thì làm, dù ác cỡ nào cũng nên tránh tội ấy.
Tuy nhiên, nếu chúng sanh chân thật sám hối hồi đầu, đức Từ Phụ, với siêu thế nguyện của mình, vẫn cứu độ không phân biệt tội phước nặng nhẹ.
Điều này phù hợp với lời Phật dạy về sám hối: “Chí tâm sám hối thì dù tội lỗi ngập trời, trong một niệm liền được tiêu trừ sạch”; điều này cũng phù hợp với Kinh Vô lượng Thọ: “Có ai nghe đến danh hiệu của đức Phật Vô Lượng Thọ mà hớn hở vui mừng cho đến 1 niệm, phải biết rằng người ấy đã được lợi ích rất lớn, đã đầy đủ công đức vô thượng”;
Điều này phù hợp với tôn chỉ từ bi và bình đẳng của Phật pháp, luôn thương xót cứu độ chúng sanh như nhau, không có phân biệt gì.
Điều này cũng được Tổ Thiện Đạo giải thích cặn kẽ trong Pháp Sự Tán, Tổ dạy:
“Nhờ nguyện lực Phật A-di-đà:
Dù phạm Ngũ nghịch hay Thập ác,
Tội đều tiêu diệt được vãng sanh,
Dù phạm báng Pháp hay Xiển đề
Hồi tâm chuyển ý vẫn vãng sanh.
Không kể tội phước nhiều ít, gần xa,
Chí tâm niệm Phật chớ sanh nghi ngờ”.
Câu chuyện ấy cũng nói lên sức thù thắng không chi hơn được của Bản nguyện niệm Phật, anh chàng ấy bao năm theo Lý Hồng Chí hủy báng chánh pháp. Lúc lâm trọng bệnh, xin gặp ông ta mà bọn đệ tử không cho. Rốt cuộc, lúc sắp chết không biết bấu víu vào đâu, nghe được bản nguyện của Phật A Di Đà, chí tâm tin nhận rồi xưng danh. Nhờ đó được Bản nguyện của Phật thâu nhiếp. Mà trong ánh hào quang thâu nhiếp bởi Nguyện Lực này, không trọng nghiệp nào có thể chiến thắng được. Do đó mà được vãng sanh!
Nguyện thứ 18 của đức Phật A Di Đà được gọi Biệt Nguyện Vương, là cốt lõi trong 48 Đại Nguyện của Phật A Di Đà. Nguyện này là để dành cứu độ chúng sanh tội nặng trong 10 phương: “Nếu ta thành Phật. mười phương chúng sanh, chí tâm tin ưa, muốn sanh về cõi nước ta, xưng danh hiệu ta cho đến 10 niệm, nếu chẳng vãng sanh, ta thề không ở ngôi chánh giác.” Nguyên tác bài này có tiêu đề là: “Lời tựa sách niệm Phật cảm ứng lục.” Đây có thể nói là một trong những bài pháp hay bậc nhất của Pháp sư Huệ Tịnh!
Nguyện thứ 18 này đức Phật Thích Ca gọi là Bản Nguyện. Chư Tổ Sư khen: “Bản nguyện Vua, Vua Bản Nguyện.” Bản nguyện là thệ nguyện căn bản trong các nguyện. Đức Phật A Di Đà phát 48 Đại nguyện nhưng chỉ lấy nguyện thứ 18 làm Vua trong các nguyện. Vua bản nguyện này chỉ nói niệm Phật. Đây là lời kêu gọi của đức Phật A Di Đà dành cho chúng sanh 10 phương, niệm danh hiệu của Ngài để về Cực Lạc Tịnh Độ…
Đức Phật A Di Đà chỉ dùng danh xưng của mình để cứu độ chúng sanh, cho nên xưng danh hiệu Phật còn gọi là Bản Nguyện Xưng Danh, cũng gọi là Chánh Định Nghiệp. Người niệm Phật theo Bản Nguyện Xưng danh thì “Bình Sanh Nghiệp Thành” nghĩa là nghiệp vãng sanh đã thành tựu ngay trong đời này, không đợi lúc lâm chung!
Nhất hướng chuyên xưng sáu chữ hồng danh Nam mô A Di Đà Phật, chỉ cầu vãng sanh, không cầu nhất tâm, không cầu thần thông tam muội, không cầu đoạn trừ vọng niệm, không tạp tu thêm bất cứ môn gì, thì không cứ niệm nhiều hay ít triệu người tu triệu người được vãng sanh về Báo Độ Cực Lạc!