CIEM News

CIEM News Contact information, map and directions, contact form, opening hours, services, ratings, photos, videos and announcements from CIEM News, Digital creator, 68 Phan Đình Phùng, P. Quán Thánh, Q. Ba Đình, Tp. Hanoi.

Trong khuôn khổ Chương trình Cải cách kinh tế vĩ mô/Tăng trưởng xanh do chính phủ Đức tài trợ, Viện Nghiên cứu quản lý k...
09/07/2024

Trong khuôn khổ Chương trình Cải cách kinh tế vĩ mô/Tăng trưởng xanh do chính phủ Đức tài trợ, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương phối hợp với Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức GIZ tổ chức Hội thảo “Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm và triển vọng cả năm 2024: Động lực mới cho tăng trưởng có chất lượng”.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã phải đối mặt với những thuận lợi đan xen với khó khăn, thách thức từ bối cảnh quốc tế, song khó khăn, thách thức được đánh giá nhiều hơn so với thuận lợi. Xung đột địa chính trị tiếp diễn ở nhiều khu vực, trong đó có Nga-Ucraina, Trung Đông, Biển Đỏ. Cạnh tranh chiến lược về khoa học, công nghệ, thương mại giữa các nước lớn, đặc biệt là giữa Mỹ và Trung Quốc, vẫn diễn ra gay gắt, phức tạp. Không ít quốc gia gia tăng các quy định về phát triển bền vững có tác động đến nhu cầu nhập khẩu. Thời tiết có những diễn biến cực đoan, ảnh hưởng tới tình hình an ninh lương thực và giá cả hàng hóa ở nhiều nước. Tuy nhiên, chuyển biến nhanh chưa từng có tiền lệ của các công nghệ mới (đặc biệt là trí tuệ nhân tạo), xu hướng dịch chuyển đầu tư nước ngoài và gia tăng hợp tác quốc tế về các nội dung phát triển bền vững, chuyển dịch năng lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu có thể mang lại không ít cơ hội kinh tế nếu Việt Nam biết nắm bắt.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội, tập trung vào ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn và tạo dựng nền tảng cho thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan thường xuyên theo dõi sát tình hình thế giới, trong nước để đánh giá, phân tích, dự báo và kiến nghị các giải pháp điều hành phù hợp. Trong đó, tư duy điều hành đã nhấn mạnh hơn yêu cầu cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và lạm phát, giữ tỷ giá và lãi suất. Ưu tiên cho tăng trưởng tiếp tục dựa trên các lĩnh vực tiêu dùng, đầu tư công và xuất khẩu. Lãnh đạo Chính phủ cũng đã có những chỉ đạo nhằm thúc đẩy phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững, trong đó có việc phát triển công nghiệp văn hóa, kinh tế ban đêm,...
Việt Nam đã đạt được những kết quả kinh tế - xã hội quan trọng trong 6 tháng đầu năm 2024. Tính chung cả sáu tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 6,42%, trong đó quý I đạt mức 5,87%, quý II đạt mức 6,93% (so với cùng kỳ năm trước). Tăng trưởng GDP thực tế của Việt Nam đã vượt so với mức tiềm năng trong các quý I và II của năm 2024. Các cấu phần của tổng cầu (xuất khẩu, tiêu dùng, tích lũy tài sản) đều có tăng trưởng tương đối tích cực trong sáu tháng đầu năm 2024. Ngành công nghiệp và xây dựng phục hồi, đóng góp tới 44,28% vào tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của một số ngành công nghiệp trọng điểm cấp 2 tăng trưởng ở mức hai con số trong 6 tháng đầu năm.
Năng suất lao động cũng đạt được một số kết quả tích cực. Tính theo giá hiện hành, GDP bình quân lao động có việc làm trong 6 tháng đầu năm 2024 đã tăng khoảng 10,2% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung sáu tháng đầu năm 2024, tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng là 4,3%, giảm 0,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Lạm phát có xu hướng tăng trong các tháng đầu năm, dù vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Tính chung 6 tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân đã tăng 4,08%, lạm phát cơ bản tăng 2,75%. Diễn biến lạm phát trong 6 tháng đầu năm có nguyên nhân từ cả các yếu tố tăng tổng cầu và tăng chi phí sản xuất – kinh doanh, song tăng chi phí sản xuất - kinh doanh có tác động chủ yếu…
Tỷ giá VNĐ/USD đã tăng tương đối nhanh trong 6 tháng đầu năm 2024. Tại thời điểm 28/6/2024, tỷ giá trung tâm ở mức 24.260, tăng 1,07% so với thời điểm cuối tháng 3/2024, và tăng 1,65% so với cuối năm 2023.
Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội 6 tháng đầu năm (theo giá hiện hành) ước đạt 1.451,3 nghìn tỷ đồng, tương đương 27,7% GDP, tăng 6,8% (nếu loại bỏ yếu tố tăng giá, mức tăng đạt 2,6%). Tốc độ tăng vốn đầu tư toàn xã hội trong 6 tháng đầu năm 2024 chủ yếu là nhờ đóng góp của vốn đầu tư ở khu vực tư nhân và vốn đầu tư nước ngoài. Kết quả thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài trong 6 tháng đầu năm là một điểm sáng, với tăng trưởng dương về cả số dự án và vốn đăng ký mới, tổng vốn đăng ký (bao gồm vốn tăng thêm, vốn góp, mua cổ phần), và vốn thực hiện.
Tăng trưởng xuất nhập khẩu cũng là một điểm nhấn trong bức tranh kinh tế của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm. Tổng giá trị xuất nhập khẩu ước đạt 368,5 tỷ USD, tăng 15,7%. Trong đó, xuất khẩu đạt 190,1 tỷ USD, tăng 14,5%, còn nhập
khẩu đạt 178,5 tỷ USD, tăng 17,0%. Cán cân thương mại hàng hóa đạt thặng dư khoảng 11,63 tỷ USD.
Báo cáo đã đưa ra hai kịch bản cập nhật dự báo kinh tế vĩ mô trong năm 2024. Trong Kịch bản 1, tăng trưởng GDP dự báo đạt 6,55% trong năm 2024. Xuất khẩu cả năm 2024 tăng 9,54% so với năm 2023. Chỉ số CPI bình quân cả năm 2024 tăng 4,31% so với năm 2023. Cán cân thương mại giữ được thặng dư ở mức 5,7 tỷ USD. Trong Kịch bản 2, tăng trưởng GDP dự báo ở mức 6,95% trong năm 2024. Xuất khẩu cả năm 2024 tăng 11,64% so với năm 2023. Chỉ số CPI bình quân cả năm 2024 tăng 4,12% so với năm 2023. Cán cân thương mại đạt thặng dư ở mức 7,3 tỷ USD.
Tại Hội thảo, các chuyên gia, đại biểu đã trao đổi, phân tích, kiến nghị về các nội dung, ưu tiên chính sách nhằm duy trì đà phục hồi tăng trưởng gắn với cải thiện chất lượng tăng trưởng, trên cơ sở củng cố nền tảng kinh tế vi mô, kiểm soát lạm phát ở mức hợp lý, gắn với thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và các FTA nói riêng./.
Xem thông tin chi tiết tại https://ciem.org.vn/tin-tuc/9258/vien-nghien-cuu-quan-ly-kinh-te-trung-uong-to-chuc-hoi-thao-kinh-te-viet-nam-6-thang-dau-nam-va-trien-vong-ca-nam-2024-dong-luc-moi-cho-tang-truong-co-chat-luong?newsgroup=Tin%20t%E1%BB%A9c%20-%20s%E1%BB%B1%20ki%E1%BB%87n%09

Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương khảo sát kinh nghiệm hoàn thiện thể chế và nghiên cứu xây dựng cơ quan chuyên...
27/05/2024

Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương khảo sát kinh nghiệm hoàn thiện thể chế và nghiên cứu xây dựng cơ quan chuyên trách về năng suất lao động tại Malaysia và Singapore từ ngày 06 đến 10 tháng 5 năm 2024.

Chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động đến năm 2030 do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương chủ trì, trực tiếp tham mưu và đã được phê duyệt tại Quyết định số 1305/QĐ-TTg ngày 08/11/2023. Với ý nghĩa là một động lực quan trọng cho tăng trưởng nhanh, bền vững trong giai đoạn tới, Quyết định số 1305 khẳng định các trụ cột chính đối với quá trình nâng cao NSLĐ, bao gồm nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thúc đẩy liên kết vùng; phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Trong năm 2024, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục được giao chủ trì thực hiện nhiệm vụ “Nghiên cứu, đề xuất việc thành lập Ủy ban năng suất quốc gia trên cơ sở đúc kết kinh nghiệm quốc tế và đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam”. Với sự hỗ trợ của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) trong khuôn khổ Dự án Hệ sinh thái năng suất vì việc làm bền vững, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã tham gia chuyến khảo sát học tập kinh nghiệm về hoàn thiện thể chế thúc đẩy NSLĐ và nghiên cứu xây dựng cơ quan chuyên trách về năng suất cho Việt Nam tại Malaysia và Singapore từ ngày 6-10/5/2024.
Đoàn khảo sát của Việt Nam do Viện trưởng TS. Trần Thị Hồng Minh làm Trưởng đoàn, với sự tham gia của đại diện các Bộ, ngành, địa phương có liên quan và tham gia vào quá trình tham mưu hoàn thiện thể chế thúc đẩy năng suất lao động ở Việt Nam như Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (Viện Công nhân và Công đoàn), Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế, và Viện Năng suất Việt Nam.
Tại Malaysia, Đoàn đã gặp gỡ và làm việc với Bộ Đầu tư, Thương mại và Công nghiệp Malaysia (MITI); Ủy ban năng suất Malaysia (MPC); Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Malaysia (SAMENTA). Trong quá trình trao đổi, Bà Siti Norlailasari Abdul Rahman- Trưởng ban Chiến lược của MITI đã nhấn mạnh vai trò và sự cần thiết của một cơ quan chuyên trách để giải quyết các vấn đề liên quan đến năng suất lao động cấp quốc gia, và để cho cơ quan này hoạt động hiệu quả lâu dài thì Thủ tướng hoặc Phó Thủ tướng phải là người đứng đầu của cơ quan này.
Tại Singapore, Đoàn cũng đã đến trao đổi, làm việc với các cơ quan tham gia vào hệ sinh thái năng suất lao động và đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành, triển khai các phong trào nâng cao năng suất như Liên đoàn Doanh nghiệp Singapore (SBF), Cơ quan Phát triển kinh tế (EDB), Cơ quan Doanh nghiệp Singapore (ES), Trung tâm Năng suất Singapore (SGPC). Xuyên suốt trong quá trình thúc đẩy NSLĐ, các cơ quan tại Singapore đều nhấn mạnh đến trụ cột quan trọng là chuyển đổi số. SGPC cũng minh chứng nhiều sáng kiến chuyển đổi số trong ngành thương mại-dịch vụ (các ứng dụng mua hàng hay QR-code)...
Thông tin chi tiết xem tại https://ciem.org.vn/tin-tuc/9248/vien-nghien-cuu-quan-ly-kinh-te-trung-uong-khao-sat-kinh-nghiem-hoan-thien-the-che-va-nghien-cuu-xay-dung-co-quan-chuyen-trach-ve-nang-suat-lao-dong-tai-malaysia-va-singapore-tu-ngay-06-den-10-thang-5?newsgroup=Tin%20t%E1%BB%A9c%20-%20s%E1%BB%B1%20ki%E1%BB%87n%09

Lễ trao bằng tiến sĩ đợt 2 năm 2024 tại Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ươngSáng ngày 21/5/2024, Viện Nghiên cứu q...
23/05/2024

Lễ trao bằng tiến sĩ đợt 2 năm 2024 tại Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

Sáng ngày 21/5/2024, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã tổ chức buổi Lễ trao bằng tiến sĩ cho 5 nghiên cứu sinh của Viện.
TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM chủ trì buỗi Lễ; cùng tham dự buổi Lễ có đại diện một số đơn vị của Viện cùng giáo viên hướng dẫn các nghiên cứu sinh.
Mở đầu buổi Lễ, TS. Nguyễn Hữu Thọ, Trưởng Ban, Ban Phân tích và dự báo kinh tế công bố Quyết định công nhận học vị và cấp bằng tiến sĩ kinh tế cho các nghiên cứu sinh, gồm: Lê Thị Thương, Vũ Thanh Trung, Nguyễn Thị Thu Huyền, Nguyễn Thanh Hằng và Nguyễn Thanh Thủy.
TS. Trần Thị Hồng Minh đã trao bằng tiến sĩ và phát biểu chúc mừng các tân tiến sĩ. Trong bài phát biểu của mình, Viện trưởng CIEM đã gửi lời chúc mừng tới toàn thể các tân tiến sĩ và cảm ơn các tân tiến sĩ đã lựa chọn Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương là nơi học tập và nghiên cứu. Sau một thời gian dài nghiên cứu với nhiều nỗ lực của cả thầy và trò, kết quả được nhận bằng hôm này là phần thưởng xứng đáng dành cho các thầy giáo, cô giáo và các tân tiến sĩ. Có được học vị mới sẽ là động lực mới, hành trang mới giúp các tân tiến sĩ thuận lợi hơn trong nghiên cứu khoa học và trong công tác. Sự thành công của các tân tiến sĩ cũng là thành quả, niềm tự hào của Viện trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực kinh tế. Viện trưởng mong rằng, các tân tiến sĩ sẽ ứng dụng và phát huy những kiến thức đã được lĩnh hội vào quá trình công tác, phục vụ tốt nhất cho công việc và sự phát triển của đất nước.
Thông tin chi tiết tại https://ciem.org.vn/tin-tuc/9244/l-trao-bang-tien-s-dot-2-nam-2024-tai-vien-nghien-cuu-quan-ly-kinh-te-trung-uong?newsgroup=Tin%20t%E1%BB%A9c

Đảng bộ Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tổ chức sinh hoạt chuyên đề Viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí MinhThực hiện ...
26/04/2024

Đảng bộ Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tổ chức sinh hoạt chuyên đề Viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh
Thực hiện Chương trình công tác năm 2024 và nhân dịp kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 24 tháng 4 năm 2024, Đảng bộ Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã tổ chức sinh hoạt Đảng chuyên đề thông qua hoạt động thăm Cụm di tích Lịch sử - Văn hoá Ba Đình gồm: Lăng Bác, Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, Bảo tàng Hồ Chí Minh kết hợp sinh hoạt chính trị.
Buổi sinh hoạt có sự tham gia của đông đủ các đảng viên, quần chúng ưu tú của Viện. Dẫn đầu đoàn thăm quan là đồng chí Trần Thị Hồng Minh, Bí thư Đảng ủy, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương. Đoàn đã được Ban quản lý Lăng đón tiếp, giới thiệu về Bác, về hoạt động của của khu di tích Lăng và được xem phim tư liệu vô cùng xúc động về Bác.
Kết thúc buổi sinh hoạt chuyên đề, mỗi đảng viên đều nhận thấy đây là buổi sinh hoạt chính trị đầy ý nghĩa, bổ ích; Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn là tấm gương sáng về tư tưởng, đạo đức, phong cách cho các thế hệ con cháu noi theo, trong đó có tập thể Lãnh đạo và các cán bộ, đảng viên, người lao động của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương.
Thông tin chi tiết http://ciem.org.vn/tin-tuc/9240/dang-bo-vien-nghien-cuu-quan-ly-kinh-te-trung-uong-to-chuc-sinh-hoat-chuyen-de-vieng-lang-chu-tich-ho-chi-minh?newsgroup=Tin%20t%E1%BB%A9c%20-%20s%E1%BB%B1%20ki%E1%BB%87n%09

Sáng ngày 28/03/2024, tại thành phố Hồ Chí Minh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Tổ chức ...
28/03/2024

Sáng ngày 28/03/2024, tại thành phố Hồ Chí Minh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Tổ chức Vital Strategies nghiên cứu và tổ chức Hội thảo công bố báo cáo “Xây dựng chiến lược điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam”. TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có các chuyên gia kinh tế, đại diện các Bộ ngành, các cán bộ nghiên cứu và cơ quan truyền thông đến đưa tin.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM chia sẻ: Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng gia tăng sử dụng thuốc lá. Theo một khảo sát của Bộ Y tế, Việt Nam đứng thứ 15 trên thế giới về tỷ lệ sử dụng thuốc lá. Tại Việt Nam, có khoảng 15,3 triệu người trưởng thành hút thuốc lá trực tiếp và 33 triệu người hút thuốc lá thụ động, trong đó có tới 2/3 số đối tượng hút thuốc thụ động là phụ nữ và trẻ em. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, hút thuốc lá trực tiếp và thụ động gây ra hệ lụy không hề nhỏ đối với sức khỏe của người dân và làm gia tăng chi phí cho xã hội. Tại Việt Nam, ước tính mỗi năm có 40 nghìn người tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá, tương đương với 100 người chết mỗi ngày. Nếu không có các biện pháp kiểm soát hiệu quả, con số này có thể đạt mức 70 nghìn người vào năm 2030 theo dự báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)...
Là cơ quan nghiên cứu hàng đầu về chính sách kinh tế-xã hội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương luôn nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm các bằng chứng thuyết phục, vững chắc về khoa học để tham mưu chính sách cho Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Theo đó, đối với các đề xuất liên quan đến thuế nói chung và thuế tiêu thụ đặc biệt nói riêng, CIEM không chỉ quan tâm đến tác động trực tiếp đối với thu ngân sách nhà nước. Thay vào đó, tập trung hơn vào việc sử dụng nguồn thu ngân sách nhà nước để phục vụ trở lại lợi ích tổng thể của nền kinh tế và các tầng lớp nhân dân. Với tư duy ấy, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đã dày công hợp tác với các đối tác để phát triển mô hình mô phỏng vi mô VNMOD để đánh giá tác động của thuế và các khoản chi chuyển giao từ Ngân sách Nhà nước, sử dụng số liệu chính thức về Điều tra mức sống dân cư. Trong Báo cáo đã điều chỉnh mô hình để tập trung vào nghiên cứu các kịch bản điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá, và sử dụng nguồn thu bổ sung cho các chương trình, sáng kiến phục vụ các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) của Việt Nam. Với số liệu vi mô cũng minh chứng được năng lực cân nhắc thu thuế tiêu thụ đặc biệt từ thuốc lá để phục vụ chi cho SDG ở từng địa phương cụ thể, trong đó có thành phố Hồ Chí Minh. Giá trị lan tỏa từ cách tiếp cận này sẽ lớn hơn trong thời gian tới, bởi CIEM đã, đang và sẽ luôn quan tâm chuyển giao năng lực ứng dụng mô hình VNMOD cho các địa phương, các tổ chức nghiên cứu ở Việt Nam. Thiết lập được mối liên hệ giữa thu thuế từ thuốc lá đối với chi ngân sách nhà nước cho các chương trình SDG là một hướng đi quan trọng, đưa ra những cân nhắc đa chiều hơn đối với các đề xuất về thuế, đặc biệt là thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá. Viện trưởng tin rằng cách tiếp cận và các kịch bản mô phỏng vi mô của CIEM sẽ đưa ra những góc nhìn khoa học, phù hợp với các thảo luận chính sách trong bối cảnh hiện nay cũng như mục tiêu lâu dài về phát triển bền vững của đất nước.
Đại diện nhóm Nghiên cứu, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban, Ban Nghiên cứu tổng hợp CIEM trình bày Báo cáo Xây dựng chiến lược điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam. Báo cáo sử dụng phương pháp mô phỏng vi mô cho các năm 2020-2023 dựa trên mô hình VNMOD – do CIEM và Viện Nghiên cứu kinh tế học phát triển (Đại học Liên hợp quốc) hợp tác xây dựng và cập nhật từ năm 2016, với dữ liệu cập nhật nhất theo Điều tra mức sống dân cư (VHLSS) năm 2020. Báo cáo giả định 3 kịch bản để mô phỏng chính sách so với số liệu thực tế. Trong kịch bản 1, thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) áp dụng theo tỷ lệ (%) so với giá xuất xưởng của thuốc lá; mức thuế suất tăng lên 85% vào năm 2020, áp dụng đến năm 2023. Phần thu từ thuế TTĐB được sử dụng để hỗ trợ chi trợ cấp đồ dùng học tập cho trẻ em nghèo (38 nghìn đồng/người/tháng, áp dụng trong 9 tháng mỗi năm). Kịch bản 2 giả định thuế TTĐB áp dụng theo tỷ lệ (%) so với giá bán lẻ trước thuế VAT và thuế TTĐB; mức thuế suất tăng lên 85% vào năm 2020, áp dụng đến năm 2023. Phần thu từ thuế TTĐB được sử dụng để hỗ trợ chi chăm sóc sức khỏe cho các hộ nghèo (mức chi 552 nghìn đồng/người/năm). Trong kịch bản 3, thuế TTĐB chuyển sang áp dụng theo cơ chế thuế tuyệt đối hoặc hỗn hợp, với mức thuế TTĐB tăng dần theo lộ trình để đạt tỷ trọng thuế TTĐB trong giá bán lẻ ở mức 70% vào năm 2023 (năm 2020: 40%; 2021: 50%; 2022: 60%; 2023: 70%). Phần thu từ thuế TTĐB được sử dụng để hỗ trợ chi đào tạo kỹ năng chuyển đổi nghề nghiệp cho các hộ nghèo (mức chi là 468 nghìn đồng/người/năm vào năm 2020, 900 nghìn đồng/người/năm vào năm 2021, 1,32 triệu đồng/người/năm vào năm 2022, và 1,8 triệu đồng/người/năm vào năm 2023).
Ông Dương cho rằng, kết quả mô phỏng vi mô với các kịch bản giả định cho thấy việc sử dụng nguồn thu bổ sung từ tăng thuế TTĐB tăng thêm đối với thuốc lá để tài trợ cho các chương trình và hoạt động liên quan đến SDG sẽ mang lại những tác động tích cực. Thu thuế TTĐB từ thuốc lá sẽ tăng dần trong các năm 2020-2023. Mức tăng thu lớn nhất là ở kịch bản 3: mức tăng thu thuế đạt 33,3% so với số liệu thực tế trong năm 2020, và tăng rất mạnh trong các năm 2021-2023 (tương ứng là 66,7%, 100,0% và 133,3%). Phần tăng thu NSNN từ thuế TTĐB đối với thuốc lá đều đáp ứng đủ tài chính cho các sáng kiến thực thi SDG tương ứng. Bên cạnh việc gia tăng chi phí kinh tế cho người hút thuốc, các tác động trực tiếp khác ở các kịch bản mô phỏng bao gồm việc cải thiện điều kiện học hành cho trẻ em nghèo, cải thiện điều kiện chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, và tạo cơ hội chuyển đổi nghề nghiệp cho người nghèo. Trong đó, việc tạo cơ hội chuyển đổi nghề nghiệp cũng có thể mang lại cơ hội việc làm và cơ hội tìm sinh kế cho hộ nghèo, và có thể đóng góp một phần vào giảm rủi ro buôn lậu thuốc lá trong bối cảnh tăng thuế TTĐB đối với thuốc lá. Về lâu dài, các kịch bản này cũng có thể phát huy các tác động tích cực về giảm tỷ lệ hộ nghèo, giảm bất bình đẳng thu nhập trong nền kinh tế.
Tiếp đó, ông Dương cũng đưa ra các khuyến nghị cụ thể. Thứ nhất, Việt Nam cần nghiên cứu chuyển sang áp dụng cơ chế thuế TTĐB hỗn hợp đối với thuốc lá. Thứ hai, Việt Nam cần thực hiện truyền thông thường xuyên, kịp thời và hữu hiệu về yêu cầu tăng thuế TTĐB đối với thuốc lá, các lợi ích và yêu cầu để bảo đảm thực thi cơ chế thuế TTĐB hỗn hợp so với mức thuế theo tỷ lệ %. Thứ ba, cần rà soát, thực hiện các biện pháp cụ thể (giáo dục, chống buôn lậu,…) để hỗ trợ cho việc thực hiện tăng thuế TTĐB đối với thuốc lá. Thứ tư, tăng cường đối thoại giữa các cơ quan Nhà nước, các tổ chức quốc tế, viện nghiên cứu và chuyên gia về chính sách thuế trong chiến lược phòng chống tác hại của thuốc lá. Thứ năm, đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý thuốc lá nói chung và quản lý thuế TTĐB đối với thuốc lá nói riêng. Thứ sáu, tăng cường hợp tác quốc tế trong các nội dung liên quan, trong đó có việc kiến nghị, tiếp nhận các hỗ trợ kỹ thuật để sửa đổi và thực thi các quy định theo hướng hạn chế sản xuất, tiêu thụ và tiêu dùng thuốc lá.
Tại Hội thảo, các chuyên gia và đại biểu cũng trao đổi thêm về một số nội dung liên quan đến đề xuất tăng thuế TTĐB đối với thuốc lá và các phương án chi ngân sách cho các chương trình, hoạt động thực hiện SDG. Hội thảo cũng trao đổi về các hướng nghiên cứu tiếp theo liên quan đến việc sử dụng mô hình mô phỏng VNMOD nhằm đánh giá tác động của chính sách thuế TTĐB đối với thuốc lá

12/03/2024

Trong khuôn khổ Chương trình Cải cách kinh tế vĩ mô/Tăng trưởng xanh do Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) thực hiện tại Việt Nam theo ủy quyền của Bộ Hợp tác và Phát triển Kinh tế Liên bang Đức (BMZ), ngày 12/3/2024, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Hội thảo tham vấn nghiên cứu "Phát triển kinh tế sáng tạo: Xu hướng, kinh nghiệm quốc tế và kiến nghị đối với Việt Nam". TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có các chuyên gia kinh tế, đại diện các Bộ ngành, các cán bộ nghiên cứu và cơ quan truyền thông đến đưa tin.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM chia sẻ: Sau hơn 36 năm Đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu sâu rộng trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung và tăng trưởng kinh tế nói riêng nhưng vẫn phải đối diện với những rủi ro, thách thức liên quan đến mức độ bền vững của tăng trưởng. Tăng trưởng vẫn dựa đáng kể vào gia tăng nguồn lực đầu vào và các ngành thâm dụng lao động/tài nguyên; trong khi đó, đóng góp của các nhân tố gắn trực tiếp với cải thiện chất lượng, năng suất lao động, năng lực cạnh tranh còn chưa tương xứng với kỳ vọng. Việc duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức cao là điều kiện bắt buộc để Việt Nam đạt các mục tiêu trở thành quốc gia đang phát triển có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế trong tương lai của đất nước sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn hơn khi các đầu vào tăng tưởng truyền thống như: vốn, lao động phổ thông, đất đai, tài nguyên thiên nhiên đang dần đạt ngưỡng giới hạn. Vì vậy, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030 đã nhấn mạnh sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số nhằm tạo đột phá về năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh....
Theo TS. Trần Thị Hồng Minh, Việt Nam đã nhận thấy tiềm năng phát triển của KTST. Tuy nhiên, các thảo luận gần đây chủ yếu mang tính chất sơ khởi, chưa có cơ sở chặt chẽ trên nền tảng nghiên cứu khoa học bài bản, chưa có các hàm ý chính sách đủ chặt chẽ, khả thi và chưa có khái niệm cụ thể về KTST phù hợp với thực tiễn ở Việt Nam. Khảo sát của CIEM tại một số địa phương trong thời gian qua cũng cho thấy cách hiểu khác nhau về KTST, thậm chí thiếu sự phân định rạch ròi với đổi mới sáng tạo. Do KTST còn tương đối mới, Việt Nam gặp phải tình trạng thiếu các dữ liệu cập nhật, thường xuyên và chi tiết để phân tích các nội dung liên quan. Từ thực tiễn đó, CIEM đã đề xuất việc thực hiện nghiên cứu về “Phát triển KTST: Xu hướng, kinh nghiệm quốc tế và kiến nghị đối với Việt Nam”.
Tiếp đó, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban, Ban Nghiên cứu tổng hợp CIEM, đại diện nhóm Nghiên cứu của CIEM trình bày những kết quả nghiên cứu ban đầu của Báo cáo: tập trung vào hệ thống hóa các khái niệm cơ bản của kinh tế sáng tạo, rà soát các xu hướng phát triển chủ yếu của kinh tế sáng tạo trong khu vực và trên thế giới và kinh nghiệm của một số quốc gia trong phát triển kinh tế sáng tạo, từ đó đối chiếu với thực trạng ở Việt Nam và đề ra các kiến nghị chính sách.
Theo ông Dương, KTST trên thế giới phát triển theo xu hướng chủ yếu là xuất khẩu hàng hoá sáng tạo và xuất khẩu dịch vụ sáng tạo. Đối với xuất khẩu hàng hoá sáng tạo (XKHHST): XKHHST toàn cầu tăng trưởng đáng kể trong thời gian qua do nhiều nước trên thế giới đang triển khai các biện pháp hỗ trợ công nghiệp văn hoá và sáng tạo. Tăng từ 208 tỷ USD (2002) lên 524 tỷ USD (2020), trong đó châu Á là khu vực xuất khẩu lớn nhất (từ năm 2007). Trung Quốc có đóng góp lớn nhất trong tổng XKHHST toàn cầu (32%). Cơ cấu XKHHST có sự thay đổi đáng kể từ 2006 đến nay. Xuất khẩu đĩa CD, DVD, băng, báo và các tài liệu in khác giảm đáng kể, trong khi xuất khẩu phương tiện truyền thông ghi âm và trò chơi điện tử tăng mạnh.Tỷ trọng HHST trong tổng hàng hoá xuất khẩu ở khu vực châu Á ngày một tăng lên trong khi ở các khu vực khác như châu Âu, Bắc Mỹ, Mỹ Latinh có xu hướng giảm. Một số nước kém phát triển dù có XKHHST không đáng kể nhưng ngày một có ý nghĩa quan trọng (khu vực châu Phi). Về sản phẩm xuất khẩu chính, hàng thiết kế chiếm ưu thế (62,9% năm 2020). Đại dịch COVID-19 ảnh hưởng đến xuất khẩu của tất cả các nhóm sản phẩm sáng tạo ngoại trừ các sản phẩm truyền thông mới (18,1%)....
Xem thông tin chi tiết tại http://ciem.org.vn/tin-tuc/9234/hoi-thao-tham-van-nghien-cuu-phat-trien-kinh-te-sang-tao-xu-huong-kinh-nghiem-quoc-te-va-kien-nghi-doi-voi-viet-nam?newsgroup=Tin%20t%E1%BB%A9c%20-%20s%E1%BB%B1%20ki%E1%BB%87n%09

12/03/2024

Ngày 12 tháng 3 năm 2024, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương phối hợp cùng Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức - do Bộ Hợp tác kinh tế và phát triển Liên bang Đức tài trợ (GIZ) đồng tổ chức Hội thảo tham vấn "Phát triển kinh tế sáng tạo: Xu hướng, kinh nghiệm quốc tế và kiến nghị đối với Việt Nam".
Khái niệm kinh tế sáng tạo đã ra đời và liên tục điều chỉnh trong hơn ba thập kỷ qua. Với tư duy thúc đẩy nền kinh tế sáng tạo, mỗi nền kinh tế cũng có thể tận dụng khung chính sách hiện có trên các mô hình kinh tế khác. Các dịch vụ sáng tạo ở không ít nền kinh tế được đánh giá là có sức chống chịu và khả năng phục hồi tốt hơn trong thời kỳ đại dịch. Quan trọng hơn, tư duy về kinh tế sáng tạo giúp hoàn thiện chính sách để các ý tưởng sáng tạo có đủ điều kiện, chu trình từ hình thành, sản xuất, cung ứng, phân phối và kể cả xuất khẩu, từ đó mang lại nhiều giá trị gia tăng hơn cho nền kinh tế, lợi nhuận cao hơn cho doanh nghiệp, và thu nhập cao hơn cho người lao động.
Việt Nam đã nhận thấy tiềm năng phát triển của kinh tế sáng tạo. Thống kê cho thấy quy mô xuất khẩu hàng hóa sáng tạo của Việt Nam là không nhỏ. Tuy nhiên, các thảo luận gần đây chủ yếu mang tính chất sơ khởi, chưa có cơ sở vững chắc trên nền tảng nghiên cứu khoa học bài bản, chưa có các hàm ý chính sách đủ chặt chẽ, khả thi. Ngoài ra, cũng chưa có khái niệm cụ thể về kinh tế sáng tạo phù hợp với thực tiễn ở Việt Nam. Khảo sát của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tại một số địa phương trong thời gian qua cũng cho thấy cách hiểu khác nhau về kinh tế sáng tạo, thậm chí thiếu sự phân định rạch ròi với đổi mới sáng tạo. Do kinh tế sáng tạo còn tương đối mới, Việt Nam gặp phải tình trạng thiếu các dữ liệu cập nhật, thường xuyên và chi tiết để phân tích các nội dung liên quan.
Nghiên cứu “Phát triển kinh tế sáng tạo: Xu hướng, kinh nghiệm quốc tế và kiến nghị đối với Việt Nam” tập trung vào hệ thống hóa các khái niệm cơ bản của kinh tế sáng tạo, rà soát các xu hướng phát triển chủ yếu của kinh tế sáng tạo trong khu vực và trên thế giới và kinh nghiệm của một số quốc gia trong phát triển kinh tế sáng tạo, từ đó đối chiếu với thực trạng ở Việt Nam và đề ra các kiến nghị chính sách. Tại Hội thảo tham vấn, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương giới thiệu những kết quả nghiên cứu bước đầu, thu thập những ý kiến đóng góp để tiếp tục hoàn thiện báo cáo trong thời gian tới. Các chuyên gia, đại biểu cũng trao đổi cụ thể về thực trạng hoạt động kinh tế sáng tạo ở Việt Nam, cơ hội và thách thức, yêu cầu hoàn thiện chính sách và cơ sở dữ liệu nhằm phát triển kinh tế sáng tạo ở Việt Nam.

11/03/2024

Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tổ chức các hoạt động chào mừng Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3
1. Tham quan di tích lịch sử Thành Cổ Loa và Đền thờ Hai Bà Trưng
Hướng tới kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 (08/03/1910 – 08/03/2024), được sự quan tâm và đồng ý của Đảng ủy, Lãnh đạo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, thứ 7 ngày 02/3/2024, Công đoàn Viện đã tổ chức cho cán bộ, viên chức, người lao động của Viện tham quan di tích lịch sử Thành Cổ Loa và Đền thờ Hai Bà Trưng.
Chuyến tham quan đã diễn ra với tinh thần đoàn kết, giao lưu, gắn bó, để lại những khoảnh khắc đáng nhớ, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho các viên chức và người lao động, đặc biệt là chị em nữ. Thông qua chuyến đi, mỗi cán bộ, viên chức, người lao động CIEM hiểu thêm về công lao dựng nước và giữ nước của ông cha ta, tinh thần tự hào dân tộc; đồng thời được tiếp thêm nguồn động lực lớn, tái tạo năng lượng để tiếp tục nỗ lực, cố gắng phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao trong năm 2024.
2. Lễ Mít tinh chào mừng ngày Quốc tế phụ nữ 8/3
Sáng ngày 8/3/2024, tại Hà Nội, Công đoàn Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) phối hợp với Ban nữ công tổ chức gặp mặt để chúc mừng nữ cán bộ, viên chức, người lao động của Viện nhân ngày Quốc tế phụ nữ. Tham dự buổi gặp mặt có đại diện Lãnh đạo Viện cùng toàn thể các cán bộ, viên chức, người lao động của Viện.
Trong lời phát biểu chào mừng, Phó Viện trưởng Nguyễn Hoa Cương, đại diện cho Lãnh đạo Viện chúc mừng các nữ cán bộ, viên chức và người lao động của Viện nhân ngày Quốc tế phụ nữ mùng 8/3. Ghi nhận sự đóng góp tích cực của các chị em, Phó Viện trưởng mong rằng các nữ cán bộ, viên chức, người lao động CIEM sẽ tiếp tục phát huy truyền thống của phụ nữ Việt Nam, luôn là những phụ nữ có tri thức, năng động và sáng tạo.
Nhân dịp này, đồng chí Nguyễn Hoa Cương giới thiệu cuốn sách do tổ chức GIZ Việt Nam mới xuất bản bằng tiếng Việt và Anh với tiêu đề “Phụ nữ kiến tạo tương lai: Câu chuyện chuyển dịch kép” (The future is female: Stories of twin transition). GIZ đã lựa chọn 20 phụ nữ tiêu biểu trong các lĩnh vực khác nhau đều có đóng góp tích cực liên quan tới chuyển đổi kinh tế - xã hội, đặc biệt là chuyển đổi số nhằm tôn vinh và lan tỏa tới cộng đồng. Trong đó, TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM là một trong những phụ nữ tiêu biểu được vinh danh.
Thay mặt cho các nữ cán bộ, viên chức và người lao động CIEM, TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM cảm ơn sự quan tâm của Lãnh đạo Viện, Công đoàn Viện, toàn thể các anh, em đã tổ chức buổi mít tinh và chúc mừng các chị em của Viện một cách trang trọng và đầm ấm. Viện trưởng chia sẻ: trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, phụ nữ Việt Nam luôn có vai trò quan trọng, đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Nhiều tấm gương phụ nữ đã đi vào sử sách, trong đó Hai bà Trưng Trắc và Trưng Nhị chính là những tấm gương oanh liệt, là niềm tự hào của phụ nữ Việt Nam. Kế thừa truyền thống hào hùng đó, cũng như tôn vinh ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, Viện trưởng mong rằng tất cả các chị, em CIEM sẽ vượt qua những khó khăn, thách thức để đạt được những điều tốt đẹp nhất. Cuộc sống vốn chứa đựng nhiều khó khăn nhưng chúng ta có quyền tiếp cận vấn đề một cách tích cực là thông điệp Viện trưởng chia sẻ.
Xem thông tin chi tiết tại http://ciem.org.vn/tin-tuc/9232/vien-nghien-cuu-quan-ly-kinh-te-trung-uong-to-chuc-cac-hoat-dong-chao-mung-ngay-quoc-te-phu-nu-8-3?newsgroup=Tin%20t%E1%BB%A9c%20-%20s%E1%BB%B1%20ki%E1%BB%87n%09

Address

68 Phan Đình Phùng, P. Quán Thánh, Q. Ba Đình
Tp. Hanoi

Alerts

Be the first to know and let us send you an email when CIEM News posts news and promotions. Your email address will not be used for any other purpose, and you can unsubscribe at any time.

Videos

Share


Other Tp. Hanoi media companies

Show All