29/10/2024
06 NHÓM NGƯỜI LEO NÚI CƠ BẢN
Sau một thời gian quan sát, mình nhận thấy có thể chia những người đi leo núi thành 06 nhóm dựa trên tính cách, nhu cầu và sở thích. Bài viết này mình xin được phép chia sẻ và mong các bạn góp ý thêm.
❶ NHÓM 1: CHỈ CẦN THIÊN NHIÊN
Đây là những người chỉ muốn leo núi để được gần gũi với thiên nhiên, họ không quan tâm có lên được đỉnh, có chụp ảnh cùng chóp hay không. Đặc điểm dễ nhận thấy là họ không quá bận tâm đến thông tin về chóp hoặc các điểm chụp ảnh và cũng rất ít chụp ảnh lưu niệm (chủ yếu chụp cảnh vật). Họ luôn vui vẻ, thoải mái cho dù đoàn leo được đến đỉnh hoặc dừng lại giữa đường.
Cái họ cần chỉ là một khoảng thời gian và không gian quên đi những bộn bề.
Tất nhiên, ai cũng cần chuyến đi được tổ chức chỉn chu để có thể tận hưởng, đắm mình vào thiên nhiên. Họ dễ tính, không có nghĩa chuyến đi được tổ chức qua loa thế nào cũng được.
❷ NHÓM 2: BẢN THÂN LÀ TRUNG TÂM
Ngược với nhóm Chỉ cần thiên nhiên, nhóm này luôn muốn bản thân phải được nổi bật, do đó thường xuyên chụp ảnh, tạo dáng để sống ảo. Làm sao khi về đăng ảnh có nhiều người trầm trồ, nhiều lượt thích và tương tác nhất.
Bởi coi bản thân là trung tâm, họ ít chú ý hơn đến xung quanh. Các hành động dễ thấy như xả rác, hiếm khi san sẻ với thành viên đoàn, lúc mọi người làm việc thì nhảy đi chơi, chờ đoàn nấu nướng, chuẩn bị xong xuôi mới vào ăn.
❸ NHÓM 3: CHINH PHỤC, THỬ THÁCH
Họ quan tâm đến các đỉnh núi cao nhất và lên kế hoạch "sưu tập" đủ bộ. Họ có thể chụp ảnh nhiều hoặc ít, nhưng điểm chung là có một sự quyết tâm cao độ cho việc phải lên đến đỉnh. Khả năng chịu khó, chịu khổ cao, sẵn sàng đương đầu với thời tiết, một vài người đến bữa chỉ cần gặm mì tôm cũng được, nhưng sẽ không từ bỏ mục tiêu.
Sau khi đã chinh phục hết các đỉnh núi cao (hoặc một vài đỉnh nổi bật) trong nước, họ sẽ tìm đến núi ở nước ngoài nếu điều kiện cho phép, hoặc đi lại các đỉnh núi cũ với mục tiêu cao hơn. Ví dụ lần đầu leo Nam Kang Ho Tao hết 3 ngày, thì mục tiêu mới là trong ngày, nửa ngày, hoặc cõng theo người thân yêu.
Rất dễ để tìm được những người chăm chỉ rèn thể lực hoặc ưa thích chạy địa hình (trail) từ nhóm này. Xét về biểu hiện bên ngoài, họ thường quan tâm đến việc bản thân hoặc ai đó leo núi trong thời gian bao lâu. Họ thường ngưỡng mộ những người có thể lực và kỷ luật tốt.
❹ NHÓM 4: NGHỈ DƯỠNG VÀ PHONG CÁCH
Nhóm này quan tâm đến các điểm chụp ảnh, vui chơi, ăn uống, vì thế mặc dù họ có thể chịu vất vả một chút khi leo núi, nhưng đặc biệt coi trọng trải nghiệm vật chất. Chỗ ăn, ngủ phải như thế nào, dựng lều cũng sẽ chăng đèn led nhấp nháy. Thay vì ngồi lên gốc cây hoặc hòn đá, thì họ thích ngồi ghế, có bàn, có cốc cà phê, v.v..
Đặc điểm chung là thường thuê nhiều người khuân vác (porter), hành trang có khá nhiều món và thường chú trọng mua hàng hiệu.
Mình chỉ liệt kê và mô tả những điều từng thấy chứ không có ý gì. Mệt mỏi kiếm tiền thì đến ngày nghỉ muốn có được trải nghiệm cao cấp cũng là chính đáng thôi.
❺ NHÓM 5: TỰ KHÁM PHÁ
Họ là những người hầu như không bao giờ bỏ tiền thuê người khác dẫn mà luôn tự tìm đường. Nếu có thuê, cũng là thuê người khuân vác trang thiết bị, hoặc phụ trách mở lối qua bụi rậm, còn đường thì đi theo ý của họ.
Đây là kiểu người khó có khả năng bị lạc (theo nghĩa mất phương hướng) nhất, ngược lại, nếu từng đi khám phá mà bị lạc hoặc phải phụ thuộc nhiều vào thiết bị GPS thì tốt nhất không nên thử lại lần hai.
Những người yêu thích khám phá sẽ có đặc điểm ít quan tâm đến các thành tích hoặc thời gian leo núi. Bạn vô địch giải chạy nào đó và leo Nam Kang trong ngày? Họ không biết bạn là ai. Họ có thể leo Nam Kang mất cả tuần, nhưng tìm ra lối đi mới mà trước kia chưa ai biết.
Đặc điểm dễ nhận thấy của nhóm này trước hết là yêu thiên nhiên (giống nhóm 1), hiếm khi bàn về chinh phục hoặc tốc độ leo, thay vào đó thường bàn về những địa điểm, thông tin nghe lạ hoắc, những ngọn núi không biết tên, những kỹ năng về đọc hoặc vẽ bản đồ, xác định phương hướng. Hành trang thường rất tối giản.
❻ NHÓM 6: SINH TỒN
Đây là nhóm ít người nhất, họ yêu thích khám phá núi rừng nhưng cũng không đặt nặng mục tiêu phải tìm đường lên đỉnh, mà chỉ thích vào rừng và tự tìm đồ ăn, nước uống.
Đối với nhóm tự khám phá, quan trọng nhất là kỹ năng xác định phương hướng và đánh dấu mục tiêu, do đó, trừ khi có những cung đi dài ngày, nếu không thì không cần biết quá nhiều về các loài động, thực vật, bởi chỉ cần mang đủ thức ăn là được. Nhưng nhóm sinh tồn thì chính xác là "thợ rừng", cái gì họ cũng biết, bao gồm những phương pháp chế tạo công cụ, dụng cụ, đánh bẫy, đan lát, v.v..
Đặc điểm của nhóm sinh tồn là rất am hiểu về động thực vật và có niềm say mê đối với việc chế tạo, dựng nơi trú ngụ. Họ thường trò chuyện về những thứ hay ho phát hiện được trong rừng. Hành trang của nhóm này tối giản nhất.
➤ LỜI KẾT
Nhu cầu, sở thích và điều kiện để đáp ứng khác nhau sẽ dẫn đến những nhóm người leo núi khác nhau. Do đó, ngoại trừ nhóm 2 thường có biểu hiện khá tiêu cực, thì mình cho rằng mọi nhóm sở thích đều cần được tôn trọng và không nên lấy tiêu chuẩn của nhóm này sang để đánh giá nhóm khác. Bạn có thể sinh tồn trong rừng một tháng và nghĩ nhóm nghỉ dưỡng chỉ gồm những kẻ "chả biết gì", nhưng trong một tháng bạn ở rừng, họ về thành phố kiếm được số tiền đủ để thuê chục người sinh tồn còn giỏi hơn bạn. Bạn nghĩ mình đứng ở đỉnh cao khi lập kỷ lục leo núi nhanh nhất, nhưng cho đi tự khám phá 2 tuần thì có khi gia đình phải khiêng hòm về. Thế nên, ai có nhu cầu, sở thích nào và thấy nó phù hợp với bản thân, cũng đủ an toàn trong khả năng thì cứ chơi thôi 😊
Mình cũng rất muốn nghiên cứu và lập ra tiêu chí để phân loại độ khó của các cung leo núi, dựa trên cả yêu cầu về thể lực (quãng đường, mức độ loãng không khí, thời gian, hành trang), kỹ thuật... thay vì chỉ dựa trên cảm quan. Nhưng công việc này cần sự tham gia của một nhóm hành động, chứ không phải việc cá nhân nên làm 😁
Nguồn: NQ Hải
Ảnh: Photo từ Núi Dinh