21/12/2024
MỞ ĐẦU TRUYỀN THỐNG QUYẾT CHIẾN, QUYẾT THẮNG CỦA QUÂN ĐỘI TA
Cách đây 80 năm, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập, đánh dấu sự ra đời của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Đó là Quân đội kiểu mới, quân đội của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, là lực lượng nòng cốt của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, được Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức, giáo dục và rèn luyện. Ngay sau thành lập, Đội đã giành thắng lợi trong những trận đánh đầu tiên, mở đầu truyền thống: “Đánh thắng trận đầu”, “Đã ra quân là đánh thắng”, “Quyết chiến, quyết thắng” của Quân đội ta.
Dấu ấn lịch sử
Ngày 22-12-1944, theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập tại một khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng). Đồng chí Võ Nguyên Giáp được Trung ương Đảng và Lãnh tụ Hồ Chí Minh ủy nhiệm tổ chức, lãnh đạo, chỉ huy, tuyên bố thành lập Đội. Phương châm và nhiệm vụ hoạt động của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân là chính trị trọng hơn quân sự, tuyên truyền trọng hơn tác chiến. Đó là “đội quân đàn anh”, đội quân vũ trang chủ lực đầu tiên của cách mạng cả nước. “Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam”.
Dưới lá cờ đỏ sao vàng, toàn Đội đã đọc 10 lời thề danh dự. Mười lời thề danh dự do Đại tướng Võ Nguyên Giáp soạn thảo giữa ngày đông, khí trời lạnh buốt trong khu rừng đại ngàn thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, được đọc trang trọng trong Lễ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân ngày 22-12-1944 gồm: (1) Hy sinh tất cả vì Tổ quốc Việt Nam, chiến đấu đến giọt máu cuối cùng để tiêu diệt bọn phát xít Nhật và bọn Việt gian phản quốc, làm cho nước Việt Nam trở nên một nước độc lập và dân chủ, ngang hàng với các nước dân chủ trên thế giới. (2) Tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh của cấp chỉ huy, khi nhận được mệnh lệnh gì, sẽ tận tâm, tận lực thi hành cho nhanh chóng và chính xác. (3) Bao giờ cũng kiên quyết chiến đấu, dù gian lao khổ sở cũng không phàn nàn, vào sống ra chết cũng không sờn chí, khi ra trận quyết chí xung phong, dù đầu rơi máu chảy cũng không lùi bước.
(4) Lúc nào cũng khẩn trương, hoạt bát, hết sức học tập để tự rèn luyện thành một quân nhân cách mạng, xứng đáng là một người chiến sĩ tiên phong giết giặc, cứu nước. (5) Tuyệt đối giữ bí mật cho bộ đội về nội dung tổ chức, về các cấp chỉ huy, tuyệt đối giữ bí mật cho tất cả các đoàn thể cứu quốc. (6) Khi ra trận, nếu bị quân địch bắt được, thì dù cực hình tàn khốc thế nào cũng cương quyết một lòng trung thành với sự nghiệp giải phóng của toàn dân, không bao giờ cung khai phản bội. (7) Hết sức ái mộ bạn chiến đấu cũng như bản thân, hết lòng giúp đỡ nhau lúc thường cũng như lúc ra trận. (8) Hết sức giữ gìn vũ khí, không bao giờ để vũ khí hư hỏng hay rơi vào tay quân thù. (9) Khi tiếp xúc với dân chúng sẽ làm đúng ba điều răn: không lấy của dân, không dọa nạt dân, không quấy nhiễu dân và ba điều nên: kính trọng dân, giúp đỡ dân, bảo vệ dân để gây lòng tin cậy đối với dân chúng, thực hiện quân dân nhất trí, giết giặc cứu nước. (10) Bao giờ cũng nêu cao tinh thần tự phê bình, giữ tư cách cá nhân mô phạm, không làm điều gì hại đến thanh danh Giải phóng quân và Quốc thể của Việt Nam.
Về sự kiện lịch sử trang nghiêm, trọng đại này, đồng chí Võ Nguyên Giáp cho biết: “Tâm tư của chúng tôi trong những giờ phút thiêng liêng (tuyên thệ Mười lời thề) đó thực khó tả. Bao nhiêu chiến công oanh liệt của ông cha đời trước, của các chiến sĩ cách mạng, của nhân dân ta, phút chốc hiện ra rực rỡ trong ký ức. Nợ nước, thù nhà, oán hờn dân tộc, căm thù giai cấp, làm cho máu nóng trong người như sắp sôi lên. Chúng tôi quên đi chúng tôi là 34 con người với những súng ống thô sơ, mà thấy đây là cả một đoàn quân gang thép, rắn chắc, không sức mạnh nào khuất phục nổi, sẵn sàng quật nát kẻ thù. Tin tưởng, náo nức, cảm động”.
Về nội dung cơ bản của mười lời thề danh dự, sau này, khi trả lời phỏng vấn một nhà báo Pháp, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho biết: “Tôi đã soạn lời thề danh dự gồm mười điểm, dựa theo lời thề danh dự của FFI (Forces Francaises de L'interieur, nhóm kháng chiến Pháp chống lại quân chiếm đóng Đức trong Thế chiến hai) và của quân giải phóng Nam Tư”.
Nội dung Mười lời thề của Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân toát lên mục tiêu làm cho nước Việt Nam được độc lập, dân chủ, có thể sánh ngang hàng với các nước dân chủ trên thế giới, dù có phải chiến đấu đến giọt máu cuối cùng, cũng sẵn sàng hy sinh tất cả vì Tổ quốc Việt Nam. Ở vào thời điểm lúc đó, hoàn cảnh lúc đó, đối với những đội viên hầu như chưa được học hành, huấn luyện nhiều, chỉ có lòng yêu nước thương nòi, quyết tâm chiến đấu vì nhân dân, vì đất nước, tuy còn khá mới mẻ, lạ lẫm về câu chữ, song lại hết sức gần gũi, thân quen, bởi những nội dung trong các lời thề chính là những tâm niệm, hành động hằng ngày của mỗi đội viên của đội quân cách mạng do Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, tổ chức, giáo dục và rèn luyện.
Việc tổ chức tuyên thệ Mười lời thề danh dự ngay trong buổi đầu đã thể hiện rõ yêu cầu của một đội quân cách mạng đối với những người muốn được đứng vào hàng ngũ còn non trẻ đó. Đó là yêu cầu về sự kiên định mục đích, lý tưởng chiến đấu, về ý thức tổ chức kỷ luật, phục tùng mệnh lệnh cấp trên; về phẩm chất, năng lực công tác, lòng trung thành với Tổ quốc; đồng thời, giúp cho mỗi đội viên tăng thêm lòng tin tưởng, sự hăng hái quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao phó, bởi họ thấy đây là một tổ chức, một đội quân cách mạng có kỷ luật chặt chẽ, nghiêm minh, có mục tiêu chiến đấu rõ ràng vì độc lập của Tổ quốc, vì cơm no, áo ấm cho nhân dân.
Chiến thắng vẻ vang.
Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân gồm 34 cán bộ, chiến sĩ do đồng chí Hoàng Sâm làm Đội trưởng. Tuy chỉ có 34 người với vũ khí thô sơ các loại, nhưng đó là những chiến sĩ kiên quyết, dũng cảm đã được chọn lựa trong các đội du kích Cao - Bắc - Lạng, Cứu quốc quân và trong số người đi học quân sự ở nước ngoài về, hầu hết đã trải qua chiến đấu và ít nhiều đều có hiểu biết về kỹ thuật và kinh nghiệm quân sự. Là con em của các tầng lớp nhân dân bị áp bức, họ có lòng yêu nước, chí căm thù địch rất cao. Không một người nào trong đội không mang mối hận thù với đế quốc, hoặc nhà cửa bị đốt, của cải bị tịch thu, hoặc cha, anh, chị, em bị bắt, bị bắn, còn bản thân nếu chưa trải qua lao tù thì cũng là những người đang bị truy nã, đầu bị treo giải hàng vạn đồng, hàng trăm đấu muối. Nợ nước, thù nhà, oán hờn dân tộc, căm thù giai cấp đã siết chặt họ lại thành một khối vững chắc, không kẻ thù nào phá vỡ nổi.
Theo yêu cầu của anh em, sau Lễ thành lập, Đội tổ chức một bữa cơm nhạt không rau, không muối để nêu cao tinh thần gian khổ của các chiến sĩ cách mạng. Và ngay tối hôm đó, Đội tổ chức “đêm du kích” liên hoan với đồng bào địa phương để thắt chặt thêm tình đoàn kết quân dân.
Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân là đội quân chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ngày 22 tháng 12 năm 1944 được xác định là Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, đánh dấu sự ra đời của một tổ chức quân sự mới của dân tộc ta. Với sự ra đời của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, tại Cao - Bắc - Lạng đã xuất hiện ba hình thức tổ chức của lực lượng vũ trang nhân dân: Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân là đội chủ lực, các đội vũ trang ở châu và các đội tự vệ nửa vũ trang ở xã.
Chấp hành Chỉ thị “phải đánh thắng trận đầu”, ngay sau ngày thành lập, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã mưu trí, táo bạo, giả làm quân địch, bất ngờ đột nhập vào đồn Phai Khắt (17 giờ chiều ngày 25 tháng 12 năm 1944), và liền ngay sáng hôm sau (7 giờ sáng 26 tháng 12 năm 1944) đột nhập đồn Nà Ngần cách đó 15km, tiêu diệt gọn hai đồn địch, giết hai tên đồn trưởng, bắt sống toàn bộ binh lính địch trong hai đồn, thu toàn bộ vũ khí, quân trang, quân dụng. Hai trận đánh đồn Phai Khắt và Nà Ngần thắng lợi đã mở đầu truyền thống đánh tiêu diệt, đánh chắc thắng, đã ra quân là đánh thắng, quyết chiến, quyết thắng của Quân đội ta.
Dấu ấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Xuất phát từ thực tiễn đất nước và yêu cầu của sự nghiệp giải phóng dân tộc, sau gần 15 năm Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, dưới sự lãnh đạo của Đảng, lực lượng chính trị đã phát triển mạnh mẽ, nhưng lực lượng vũ trang còn nhỏ, lẻ và phân tán. Trước thực trạng đó, cuối tháng 12-1944, Lãnh tụ Hồ Chí Minh đã ra Chỉ thị thành lập “Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân”. Bản Chỉ thị đã chỉ rõ: Ý nghĩa tên gọi của Đội; mục tiêu và lý do thành lập Đội; phương thức xây dựng lực lượng của Đội; chức năng, nhiệm vụ của Đội; phương thức tác chiến phù hợp với tình hình thực tiễn và phương hướng phát triển của Đội. Do vậy, Bản Chỉ thị này của Hồ Chí Minh có vai trò như một “Cương lĩnh quân sự lịch” của dân tộc Việt Nam trong thời đại mới. 80 năm đã qua, Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Hồ Chí Minh còn vẹn nguyên giá trị cho các hoạt động quân sự của cách mạng Việt Nam.
Là học trò xuất sắc và gần gũi của Lãnh tụ Hồ Chí Minh, việc thành lập đội chủ lực đầu tiên mang dấu ấn sâu sắc vai trò của đồng chí Võ Nguyên Giáp. Nói về công lao của người đứng ra thành lập, chỉ đạo hoạt động của đội quân chủ lực đầu tiên của cách mạng Việt Nam, trong “Thư gửi bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích nhân kỷ niệm Ngày thành lập Quân Giải phóng Việt Nam” ngày 22-12-1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Quân đội ta quen gọi Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp là Anh Cả. Cách gọi thân ái ấy rất đúng với tinh thần và lịch sử của quân đội ta: vì từ ngày thành lập đội Nam tiến đến nay Đảng và Chính phủ đã ủy cho đồng chí Giáp và một số cán bộ phụ trách tổ chức, huấn luyện và lãnh đạo quân đội ta”. Với tên gọi “Người Anh Cả của Quân đội”, đã chính thức ghi nhận vai trò, công lao của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với sự nghiệp xây dựng và chiến đấu của Quân đội nhân dân Việt Nam, đặc biệt là dấu ấn đối với đội quân chủ lực đầu tiên và cũng là bước khởi đầu binh nghiệp của “Đại tướng của nhân dân” Võ Nguyên Giáp.
Tác giả: Đại tá, PGS, TS Nguyễn Văn Sáu, Viện Lịch sử Quân sự
Báo QĐND