31/12/2024
ĐẤU TRANH PHẢN BÁC LUẬN ĐIỆU SAI TRÁI, THÙ ĐỊCH: Chủ nghĩa Mác mới và thuyết hội tụ
🌿🌿🌿
Chủ nghĩa Mác mới (neo-Marxism) là các lý thuyết xã hội, trào lưu tư tưởng hình thành trên cơ sở thừa nhận một phần hoặc phê phán, phủ nhận một số luận điểm quan trọng của chủ nghĩa Mác, đồng thời tách nhánh, sửa đổi hoặc hợp nhất với lý thuyết khác, như chủ nghĩa hiện sinh hay phân tâm học, lô-gíc học, hiện tượng học, lý luận nhận thức tiên nghiệm..., theo các cách thức, phương pháp khác nhau, áp dụng vào nhiều lĩnh vực tư tưởng và đời sống xã hội, như kinh tế, chính trị, triết học, văn hóa, con người, xã hội học, tôn giáo, nữ quyền... Các trường phái tư tưởng của chủ nghĩa Mác mới nổi bật, như: Chủ nghĩa quyết định luận kinh tế (Economic determinism), Chủ nghĩa Mác Hegel (Hegelian Marxism), Lý thuyết phê phán (Critical theory), Xã hội học kinh tế Mác mới (Neo-Marxian economic sociology), Chủ nghĩa Mác định hướng lịch sử (Historically oriented Marxism)...
Trong khi đó, thuyết hội tụ (convergence thesis) xuất hiện từ đầu thế kỷ XX, với một số đại biểu nổi bật, như P. A. Sorokin, J. K. Galbraith, J. Tinbergen..., là thuyết xã hội học tư sản cho rằng hai chế độ tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa đang phát triển theo những con đường ngày càng xích lại gần và cuối cùng sẽ hòa nhập vào nhau, hình thành nên một xã hội mới, trong đó kết hợp những đặc điểm tích cực của cả chế độ tư bản chủ nghĩa và chế độ xã hội chủ nghĩa (?!).
Nhiều học thuyết, trào lưu tư tưởng Mác mới nhân danh “cách tân” chủ nghĩa Mác, nhưng thực chất là sự cắt xén hay chiết ghép khiên cưỡng, vô nguyên tắc, làm cho chủ nghĩa Mác biến dạng, hình thành nhiều biến dị khác nhau, trong đó không ít sai lệch bản chất ban đầu của chủ nghĩa Mác chính thống. Cùng với thuyết hội tụ, những phân mảnh của các học thuyết, trào lưu tư tưởng Mác mới thể hiện đủ các sắc màu của chủ nghĩa cải lương, cơ hội, xét lại kiểu mới... đều hòng phủ nhận những nguyên lý căn bản của chủ nghĩa Mác.
Một là, phủ nhận tính tất yếu của cách mạng vô sản và khả năng thay thế chủ nghĩa tư bản bằng chủ nghĩa xã hội thông qua cách mạng bạo lực; cho rằng, chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội có thể dung hợp, gặp và hòa vào nhau để hình thành một xã hội mới (?!).
Dưới tác động của tự do hóa thương mại trên quy mô toàn cầu, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư..., nền sản xuất tư bản chủ nghĩa tạo ra một lực lượng sản xuất đồ sộ, ngày càng mở rộng, mang tính chất quốc tế hóa và có những bước nhảy vọt so với phương thức sản xuất truyền thống, với tính chất xã hội hóa ngày càng cao, từ đó mâu thuẫn ngày càng sâu sắc hơn với quan hệ sản xuất chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất. “Xu thế xã hội hóa sản xuất không còn khả năng chịu đựng trong cái vỏ bọc chật hẹp của sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa”. Những xung đột xã hội biểu hiện của mâu thuẫn đối kháng cũng đã không thể khắc phục dù trong điều kiện chủ nghĩa tư bản phát triển cao, mà ngày càng trở nên gay gắt, khiến cho quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa phải biến đổi, từng bước tạo ra trạng thái của nền sản xuất mà C. Mác gọi là hình thức quá độ từ phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa sang phương thức sản xuất tập thể và hình thái kinh tế - xã hội tư bản chủ nghĩa tất yếu thay thế bằng hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa, như một quá trình lịch sử - tự nhiên không thể đảo ngược.
Như vậy, chủ nghĩa xã hội, theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, là xã hội “thoát thai” từ xã hội trước đó; triển vọng của chủ nghĩa xã hội không chỉ do chủ nghĩa xã hội hiện thực quy định, mà còn do chính quá trình phát triển của chủ nghĩa tư bản đã dọn đường và chuẩn bị những tiền đề kinh tế - xã hội trong lòng của nó. “Nhưng chủ nghĩa xã hội không thể được thực hiện mà không có cách mạng. Chủ nghĩa xã hội cần đến hành vi chính trị này bởi lẽ nó cần tiêu diệt và phá hủy cái cũ”.
Thực tiễn đã chứng minh, ngoài những điều kiện khách quan, muốn xóa bỏ hay bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa để chuyển sang chế độ xã hội chủ nghĩa tất yếu phải được thực hiện bằng một cuộc cách mạng xã hội, cụ thể là cách mạng vô sản, do chính đảng của giai cấp vô sản lãnh đạo. C. Mác từng luận chứng tường minh cho luận đề về sự không điều hòa được các mâu thuẫn giai cấp trong các xã hội có giai cấp đối kháng và việc giải quyết mâu thuẫn đó bằng cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa, do giai cấp vô sản lãnh đạo. Cuộc cách mạng vô sản là hình thái cao của đấu tranh giai cấp tạo ra nền chuyên chính của giai cấp vô sản. Trong tiến trình cách mạng, “...giai cấp vô sản thiết lập sự thống trị của mình bằng cách dùng bạo lực lật đổ giai cấp tư sản”. Quan điểm này bác bỏ những ảo tưởng của những thứ chủ nghĩa cơ hội, giáo điều, vô chính phủ, tiểu tư sản đương thời, cũng như không ít tư tưởng Mác mới sau này, muốn sửa chữa thiếu sót của chủ nghĩa tư bản, nhưng lại dẫn chiếu đến đấu tranh bằng các biện pháp hòa bình trong khuôn khổ hạn hẹp của chế độ tư bản chủ nghĩa hay bác bỏ đấu tranh giai cấp và phổ biến tư tưởng điều hòa giai cấp, thậm chí muốn làm điều hết sức phi lý là hòa tan chủ nghĩa tư bản vào chủ nghĩa xã hội, như quan điểm của thuyết hội tụ.
Cách mạng vô sản là cuộc cách mạng triệt để và sâu sắc nhất trong lịch sử xã hội. Mục tiêu của nó là thủ tiêu chế độ tư hữu, đập tan bộ máy nhà nước tư sản, quét sạch chế độ tư bản chủ nghĩa. Đây là cuộc đấu tranh mang tính sống còn của hai hình thái kinh tế - xã hội phủ định lẫn nhau: hình thái kinh tế - xã hội tư bản chủ nghĩa và hình thái kinh tế - xã hội cộng sản chủ nghĩa. Trong sự đấu tranh đó có sự kế thừa phê phán, không phủ định sạch trơn, nhưng tuyệt đối không có sự hòa lẫn. Chủ nghĩa xã hội tiếp thu những thành tựu của văn minh nhân loại, được thử nghiệm thời gian dài và thịnh hành, phát triển trong chủ nghĩa tư bản, nhưng không phải là của riêng chủ nghĩa tư bản, như nhà nước pháp quyền, kinh tế thị trường... Hai hình thái vẫn diễn ra sự tồn tại song song, nhưng nó chỉ là “cái tạm thời” trong thời kỳ quá độ, dù có thể kéo dài, dù trong hoàn cảnh, thời điểm nào đó, cái mục nát của hình thái cũ lẩn khuất bên trong cái bề ngoài tưởng như rất đồ sộ, vững chắc, nhưng tuyệt nhiên không có sự tồn tại vĩnh viễn của chủ nghĩa tư bản, lại càng không có sự gặp gỡ ở đích cuối giữa hai hình thái này... Là hai nấc thang của tiến bộ xã hội, trong tiến trình phát triển của nhân loại, sự tồn tại của hình thái kinh tế - xã hội này chính là sự phủ định của hình thái kinh tế - xã hội kia và theo quy luật lịch sử - tự nhiên, nhân loại sẽ đi đến đích cuối là hình thái kinh tế - xã hội cao nhất: cộng sản chủ nghĩa. Điều đó bác bỏ hoàn toàn tư tưởng của nhiều nhà tư tưởng Mác mới khi cho rằng chủ nghĩa tư bản không suy tàn, mà còn đang phát triển lên những giai đoạn sau (“chủ nghĩa tư bản giai đoạn sau”) cao hơn, mạnh mẽ hơn, không có cơ sở để nói về sự diệt vong của nó hay sự thay thế nó bằng một hình thức cao hơn (?!). Nó cũng bác bỏ luận thuyết của thuyết hội tụ về sự “chung sống hòa bình” để chọn lọc những đặc tính tốt nhất của mỗi hình thái kinh tế - xã hội(20), để gặp nhau ở cùng một điểm đích của một xã hội tối ưu... Đây đều là các luận thuyết hết sức nguy hiểm, ru ngủ tinh thần, triệt tiêu động lực và ý chí đấu tranh, gây nên những ngộ nhận mơ hồ về con đường, mục tiêu, dẫn đến sai lệch về phương pháp đấu tranh tư tưởng, cũng như đấu tranh trong thực tiễn phong trào cách mạng.
Mặt khác, quần chúng nhân dân tham gia cách mạng hoàn toàn có quyền sử dụng bạo lực cách mạng để trấn áp bạo lực phản cách mạng. Theo C. Mác, “bạo lực còn là bà đỡ cho mọi xã hội cũ đang thai nghén một xã hội mới; bạo lực là công cụ mà sự vận động xã hội dùng để tự mở đường cho mình và đập tan những hình thức chính trị đã hóa đá và chết cứng”. Tuy nhiên, bạo lực chỉ là phương tiện, công cụ, chứ không phải là mục đích của cách mạng; là điều kiện chứ không phải nguyên nhân sản sinh ra xã hội mới. Do đó, quan điểm mác-xít không phủ nhận phương pháp hòa bình của cách mạng xã hội, song phương pháp hòa bình không là sự loại trừ bạo lực cách mạng, không phải sự điều hòa, thỏa hiệp, hữu khuynh vô nguyên tắc hay chỉ sử dụng chế độ dân chủ tư sản để đấu tranh nghị trường... như nhiều nhà tư tưởng của học thuyết Mác mới quan niệm; ngược lại, khả năng tiến lên chủ nghĩa xã hội bằng phương pháp hòa bình chỉ được thực hiện khi có bạo lực cách mạng làm điều kiện. Quan điểm mác-xít cũng bác bỏ quan niệm phiến diện về bạo lực cách mạng chỉ là sức mạnh quân sự, đấu tranh vũ trang; mà nó còn là sức mạnh tổng hợp của nhiều nhân tố, phương pháp đấu tranh chính trị, kinh tế, xã hội..., trong đó đặc biệt coi trọng lực lượng chính trị của đông đảo nhân dân.
Trong tiến trình cách mạng vô sản, việc giai cấp vô sản giành được chính quyền và thiết lập chuyên chính vô sản chỉ là bước đầu và còn cần một quá trình cải biến cách mạng hết sức sâu sắc, lâu dài. Với những nước đi lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, cách mạng xã hội chủ nghĩa càng thể hiện rõ tinh thần của cách mạng không ngừng, nhất là nỗ lực tập trung xây dựng lực lượng sản xuất mới phát triển, tạo dựng nền tảng cơ sở vật chất vững mạnh cho chế độ xã hội chủ nghĩa, cùng với quan hệ sản xuất tiến bộ và phù hợp.
Hai là, đòi hỏi sửa đổi lý luận về nhà nước của chủ nghĩa Mác.
Một số tư tưởng Mác mới phủ định vai trò quyết định của kinh tế đối với chính trị, của cơ sở hạ tầng với kiến trúc thượng tầng; cho rằng, vai trò quyết định trong sự phát triển xã hội là sự chuyên chế của quyền lực chính trị gắn với tuyệt đối hóa vai trò của nhà nước, đề cao những giá trị của riêng nhà nước về văn hóa chính trị, thành quả lập pháp..., từ đó đi đến lập luận sai lầm rằng, nhà nước tư sản có khả năng tự sửa, điều chỉnh khuyết tật của chính nó, của xã hội và với nền tảng dân chủ hóa cao, có thể hấp thụ những giá trị tốt đẹp của chủ nghĩa xã hội ngay trong lòng nhà nước tư sản. Do đó, không nhất thiết phải phá hủy, đập tan nhà nước tư sản để thay thế bằng nhà nước khác (?!).
Lý luận mác-xít chỉ rõ bản chất giai cấp của nhà nước tư sản, một mặt nó là hình thức tổ chức của giai cấp tư sản để bảo vệ lợi ích của chính nó; mặt khác, là hình thức bạo lực có tổ chức của giai cấp tư sản trấn áp giai cấp vô sản và các tầng lớp lao động. Mâu thuẫn giữa giai cấp tư sản và vô sản trong nhà nước tư sản ngày càng gay gắt, không thể điều hòa được, tất yếu dẫn đến cách mạng vô sản đập tan nhà nước của giai cấp tư sản, thiết lập nên nhà nước vô sản - là nhà nước kiểu mới, bản chất là chính quyền của nhân dân, quyền lực của nhân dân. Nhà nước xã hội chủ nghĩa là nhà nước cuối cùng trong lịch sử nhân loại. Sau khi hoàn thành sứ mệnh của mình, xóa bỏ sự phân chia xã hội thành giai cấp, nhà nước tự tiêu vong, chế độ nhà nước thay thế bằng chế độ tự quản cộng sản chủ nghĩa.
Ba là, không thống nhất về lý luận đấu tranh giai cấp và sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân.
Một số trào lưu tư tưởng Mác mới quân bình hóa các giai cấp về chính trị, kinh tế, xã hội, xóa nhòa mâu thuẫn giai cấp; cho rằng xã hội tư bản có khả năng điều hòa các lợi ích đối kháng, là xã hội “siêu giai cấp”, phúc lợi chung cho tất thảy mọi người. Nó thúc đẩy “ý thức sai lầm” về niềm tin, sự chấp nhận của giai cấp bị áp bức đối với sự thống trị và các giá trị của giai cấp tư sản. Nó cổ xúy cho “bá quyền văn hóa”, là quá trình giai cấp tư sản đồng hóa về văn hóa, ý thức đối với giai cấp công nhân, khiến họ tuân chịu về mặt ý thức hệ, chấp nhận một cách tự nguyện sự thống trị của giai cấp tư sản, dẫn đến sự chi phối của hệ tư tưởng tư sản đối với giai cấp công nhân...
Lý luận mác-xít chỉ rõ, giữa giai cấp tư sản và vô sản có sự đối lập về lợi ích và mâu thuẫn đó không thể giải quyết được trong chế độ kinh tế tư bản chủ nghĩa, nên tất yếu dẫn đến đấu tranh giai cấp, nhằm lật đổ nền thống trị của giai cấp tư sản. Nguyên nhân sâu xa dẫn tới đấu tranh giai cấp, theo C. Mác là mâu thuẫn giữa trình độ phát triển cao của lực lượng sản xuất với quan hệ sản xuất đã lỗi thời. Thông qua đấu tranh giai cấp sẽ xóa bỏ, làm cho quan hệ sản xuất cũ, lạc hậu mất đi, quan hệ sản xuất mới hình thành phù hợp với lực lượng sản xuất, tạo điều kiện cho sản xuất phát triển. Đấu tranh giai cấp là một quá trình phức tạp trong sự vận động của lịch sử - xã hội, một xu thế tất yếu, khách quan của xã hội có giai cấp. Quá trình này không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của con người. Ngay cả khi giai cấp vô sản đã giành được chính quyền, thì cuộc đấu tranh giai cấp cũng chưa phải đã kết thúc, mà vẫn tiếp diễn ở các hình thức khác nhau, khi những giai cấp bóc lột, tàn dư của xã hội cũ, các lực lượng phản động... vẫn còn, tuyệt đối không được do dự, lơ là, chủ quan, thỏa hiệp, điều hòa hay bình quân hóa giai cấp. Chỉ có đấu tranh giai cấp mới xây dựng được xã hội mới, xã hội cộng sản chủ nghĩa. C. Mác vạch rõ, đối với giai cấp vô sản thì không phải là bình quân hóa các giai cấp, mà là thủ tiêu các giai cấp (khi đi đến chế độ cộng sản - cách mạng vô sản sẽ thủ tiêu sự thống trị của mọi giai cấp bằng cách thủ tiêu ngay chính các giai cấp và do đó thủ tiêu ngay chính nhà nước).
Một trong những cống hiến vĩ đại nhất của chủ nghĩa Mác - Lê-nin là phát hiện và làm sáng tỏ sứ mệnh lịch sử thế giới của giai cấp công nhân - giai cấp tiên tiến nhất, triệt để cách mạng nhất, là lực lượng duy nhất có khả năng lãnh đạo các tầng lớp nhân dân lao động bị áp bức, bóc lột tiến hành cách mạng vô sản, thực hành cuộc cải biến cách mạng, xóa bỏ chủ nghĩa tư bản, xây dựng thành công xã hội mới - xã hội xã hội chủ nghĩa, tiến tới xã hội cộng sản chủ nghĩa. C. Mác và Ph. Ăng-ghen dựa trên cơ sở địa vị kinh tế - xã hội của giai cấp công nhân để luận chứng cho sứ mệnh lịch sử của giai cấp đó, chứ không phải xuất phát từ ý muốn chủ quan của bất kỳ cá nhân hay lực lượng xã hội nào. Giai cấp công nhân chính là lực lượng sản xuất mới trong xã hội tư bản, là sản phẩm của nền đại công nghiệp, mà ở đó, “giai cấp tư sản không những đã rèn những vũ khí sẽ giết mình; nó còn tạo ra những người sử dụng vũ khí ấy chống lại nó, đó là những công nhân hiện đại, những người vô sản”; cũng là lực lượng sản xuất tiên tiến đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến, phương thức sản xuất cộng sản chủ nghĩa. Trong tất cả giai cấp đối lập với giai cấp tư sản, chỉ có giai cấp vô sản là giai cấp thực sự cách mạng và gánh vác được sứ mệnh lịch sử giải phóng toàn nhân loại cần lao, mà không phải là bất kỳ giai cấp hay tầng lớp nào khác. Chính vì bị đẩy xuống đáy tận cùng của các nấc thang xã hội trong nền đại công nghiệp, giai cấp công nhân trở thành nơi hội tụ của nguyện vọng được giải phóng khỏi áp bức, bóc lột mà tất cả người lao động có thể gửi gắm, ủy thác. Quá trình thực hiện sứ mệnh lịch sử, giai cấp công nhân phải có sự lãnh đạo của chính đảng của mình - đảng cộng sản - là tổ chức của những người ưu tú từ phong trào cách mạng, nơi hội tụ mọi ước nguyện của sự giải phóng và giá trị tốt đẹp, mang bản chất giai cấp công nhân sâu sắc...
Như vậy, trước những biến đổi hết sức to lớn của thời đại ngày nay, với nhiều biến chuyển, thay đổi sâu sắc, song lý luận về đấu tranh giai cấp và sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân của chủ nghĩa Mác - Lê-nin vẫn giữ nguyên giá trị, là vũ khí lý luận sắc bén trong cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân hiện đại và các đảng cộng sản trong bối cảnh hiện nay.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trao thưởng tặng các tác giả, nhóm tác giả đoạt giải A của Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ tư, năm 2024 _Nguồn: qdnd.vn
Sự phát triển của thực tiễn cách mạng đòi hỏi phải bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin cho phù hợp với điều kiện mới, để kịp thời kiến giải khoa học những vấn đề mới đặt ra. Cùng với sự phát triển của các khoa học chuyên ngành, liên ngành, bản thân chủ nghĩa Mác - Lê-nin cũng được nghiên cứu, vận dụng sáng tạo để có sự phát triển mới. Tuy nhiên, dù phát triển ở dạng thức nào, thì những nguyên lý căn bản nhất của chủ nghĩa Mác - Lê-nin vẫn phải được lấy làm xuất phát điểm. Mọi sự xa rời những nguyên lý này, dù với bất kỳ lý do gì, chắc chắn cũng sẽ khiến những lý luận mới bị lệch lạc, mất định hướng, xa vào chủ nghĩa xét lại, cơ hội... kiểu mới. Các học giả nhân danh “chủ nghĩa Mác mới” hay thuyết hội tụ, xét đến cùng, đều nhằm phủ nhận vai trò của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, ở các hình thức, mức độ khác nhau. Đây là những điều cần nhận diện, tuyệt đối không được mơ hồ, mất cảnh giác trước các trào lưu tư tưởng phi mác-xít kiểu mới hiện nay.
C. Mác, Ph. Ăng-ghen luôn coi lý luận của mình là một hệ thống mở và mang tính sáng tạo, không khép kín, ngưng đọng. Học thuyết đó luôn có nhu cầu được vận dụng sáng tạo và tiếp tục bổ sung, phát triển, phù hợp với tinh thần biện chứng, tính khoa học, cách mạng, tính mở và sáng tạo của chủ nghĩa Mác. Với tinh thần đó, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn kiên định và vững vàng trên nền tảng tư tưởng, lý luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lý luận về đường lối đổi mới, đồng thời cũng sẵn sàng “tiếp thu, bổ sung một cách có chọn lọc trên tinh thần phê phán và sáng tạo những thành tựu mới nhất về tư tưởng và khoa học để chủ nghĩa, học thuyết của chúng ta luôn tươi mới, luôn luôn được tiếp thêm sinh lực mới, mang hơi thở của thời đại, không rơi vào xơ cứng, trì trệ, lạc hậu so với cuộc sống”, như cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng căn dặn.
Đồng thời, để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chúng ta cũng kiên quyết, vững vàng đấu tranh không khoan nhượng với các quan điểm, luận điệu xuyên tạc, sai trái, thù địch, trong đó đặc biệt coi trọng việc nhận diện và đấu tranh chống các chủ nghĩa, học thuyết, trào lưu tư tưởng phi mác-xít, bằng cơ sở lý luận, thực tiễn sắc bén, thuyết phục, với tinh thần kiên định, kiên quyết, kiên trì, tuyệt đối không thỏa hiệp, chủ quan, lơ là mất cảnh giác hay dao động, rơi vào hoạt đầu, nước đôi, nhị nguyên luận..., đúng như V.I. Lê-nin chỉ ra: “Vấn đề đặt ra chỉ là như thế này: hệ tư tưởng tư sản hoặc hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa. Không có hệ tư tưởng trung gian... Vì vậy, mọi sự coi nhẹ hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa... đều có nghĩa là tăng cường hệ tư tưởng tư sản”.
“Các thế lực thù địch chưa bao giờ từ bỏ âm mưu lật đổ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, chúng tập trung phá hoại tư tưởng, tấn công trực diện vào nền tảng tư tưởng của Đảng, phản kích, phủ định nhằm xóa bỏ chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, coi đây là “khâu đột phá”, “mặt trận quyết định””. Tổng Bí thư Tô Lâm cũng luôn nhắc nhở, “bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là cuộc đấu tranh giai cấp trên mặt trận tư tưởng - lý luận chính trị... Đây là cuộc đấu tranh lâu dài, quyết liệt, liên tục, không ngừng nghỉ và không khoan nhượng; mọi biểu hiện lơ là mất cảnh giác, thỏa hiệp, non kém về chính trị, buông lỏng trận địa đấu tranh tư tưởng - lý luận đều có thể dẫn tới những hậu quả khôn lường”. Do đó, cần “kiên định, bảo vệ đi đôi với bổ sung, phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng; vận dụng, bổ sung và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và lý luận về đường lối đổi mới; xây dựng, hoàn thiện hệ thống lý luận cơ bản về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong giai đoạn cách mạng mới”... Đó đều là những công việc thường trực và hệ trọng trong công tác tư tưởng, lý luận của Đảng ta./.
Theo TCCS
# NHK