31/10/2024
Đồng hành với những bạn nhỏ đặc biệt
Dạy trẻ bình thường đã khó, dạy trẻ chậm phát triển còn khó hơn bội phần. Nhìn thấy các con làm được những việc thông thường luôn là điều hạnh phúc đối với cô Phan Thị Lệ Thu (sinh năm 1995), giáo viên dạy trẻ tự kỷ tại Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học tâm lý-giáo dục CHIC.
Tốt nghiệp ngành giáo dục mầm non, đến nay, cô Phan Thị Lệ Thu đã có 5 năm gắn bó với nghề. Ngoài trách nhiệm và tình yêu thương, cô Thu luôn đau đáu về những đứa trẻ “đặc biệt”, phải làm sao giúp các em hòa nhập với cuộc sống. Bởi vậy, cô Thu cùng với đồng nghiệp vừa là người dạy dỗ, là bạn tâm giao vừa như mẹ hiền hướng dẫn cho học trò những kỹ năng sống đơn giản nhất mà bất kỳ đứa trẻ bình thường nào cũng cần biết.
Hỏi về những khó khăn khi dạy trẻ chậm phát triển, cô Thu chia sẻ: “Việc dạy trẻ tự kỷ yêu cầu sự kiên nhẫn cao ở các cô giáo. Điều khó khăn nhất đối với chúng tôi là khi nhận những trẻ đã qua giai đoạn vàng, có nhiều trẻ đã 4 đến 5 tuổi, thậm chí 6 đến 7 tuổi mới có sự can thiệp. Những trẻ này gần như đã định hình hành vi, tính cách và ngôn ngữ rập khuôn trong thời gian dài nên việc can thiệp là rất khó và tiến triển chậm. Cũng có trường hợp phụ huynh cho con nghỉ khi con chưa thực sự đủ khả năng hòa nhập với các bạn nên lúc quay lại, gần như chúng tôi phải can thiệp lại từ đầu”.
H là học sinh đầu tiên cô Thu tiếp nhận. Mỗi ngày đi 40km tới trung tâm, mẹ cháu H bày tỏ niềm biết ơn sâu sắc khi từ một cậu bé bị rối loạn phổ tự kỷ, con đã nói được: “Xin chào các bạn, tớ là H. Mùa hè đến, tớ rất thích đi bơi. Tớ đội mũ đỏ, mặc quần màu vàng. Tớ đi bơi đây. Bye bye các bạn”.
Chứng kiến các con phát triển bình thường như các bạn cùng trang lứa là động lực lớn nhất để cô Phan Thị Lệ Thu tiếp tục gắn bó, yêu quý nghề nghiệp của mình. Chính vì thế, cô Thu vẫn học hỏi từng ngày, tham khảo nhiều kế hoạch can thiệp khác nhau và đưa ra một số phương pháp thích hợp. Cô sẽ giảm dần sự hỗ trợ từ: Cô làm mẫu-cô hướng dẫn trẻ thực hiện-trẻ độc lập thực hiện; hay cô chia nhỏ các phần thưởng là đồ ăn, đồ chơi để trẻ có thể lặp lại yêu cầu, mong muốn như một sự động viên, khuyến khích trẻ tiếp tục kéo dài sự hứng thú khi tham gia hoạt động. Khi cần, cô tăng cường câu hỏi có-không, đúng-sai, kích thích tư duy phản biện cho trẻ bằng việc cố tình làm sai, nói sai để trẻ chủ động đưa ra các phương án đúng.
Dù mới gắn bó với công việc dạy trẻ “đặc biệt”, song cô Thu được đánh giá là giáo viên giỏi, tâm huyết với nghề. Cô được vinh danh là một trong những “trị liệu viên” xuất sắc trong cơ quan. “Thành tựu lớn nhất tôi thấy đáng tự hào hơn cả là giúp cho khoảng 15 trẻ đặc biệt được hòa nhập, ra trường, phát triển đúng độ tuổi. Tôi vẫn luôn giữ liên lạc với phụ huynh để hỏi thăm tình hình các con”, cô Thu tâm sự.
Mỗi trẻ tự kỷ đều có những hạn chế nhất định ở một số lĩnh vực, nhưng các em cũng có điểm mạnh của riêng mình. Cô Thu bày tỏ, hơn ai hết, gia đình nên quan tâm nhiều hơn tới các em để nhận biết rõ những đặc điểm nhằm can thiệp kịp thời. Các bậc phụ huynh cần nâng cao nhận thức và dành nhiều thời gian hơn cho con em mình, nhìn vào những điểm mạnh để thấu hiểu trẻ.
Bài và ảnh: PHAN THỊ MINH TRANG
Cô Phan Thị Lệ Thu luôn kiên nhẫn khi dạy và chơi cùng trẻ tự kỷ.